THỪA TÁC VỤ, THỪA TÁC VIÊN

1. Trong tiếng Việt, có lẽ nhiều người chưa hiểu rõ ý nghĩa của những thuật từ thừa tác vụthừa tác viên, cũng như chưa phân biệt sự khác nhau của từ sứ vụ với tác vụ (hay thừa tác vụ), nên đã có trường hợp sử dụng lẫn lộn những từ ngữ này. Ví dụ: Có người gọi các lễ sinh là thừa tác viên giúp lễ, hoặc các người đọc Sách Thánh trong thánh lễ là thừa tác viên đọc sách; có từ điển dịch chữ “ministry” là “1. thừa tác vụ, 2. sứ vụ”... Vậy, trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của 2 thuật từ thừa tác vụ và thừa tác viên và đồng thời cũng lưu ý một chút đến từ sứ vụ để tránh sự lẫn lộn khi sử dụng các từ này.

2. Nghĩa của những chữ: thừa, tác, viên và vụ

2.1. Thừa: có những chữ Hán này: , , , , , . Chúng ta muốn tìm hiểu là chữ, nghĩa là dt. (1) Thứ tự trước sau; (2) Họ Thừa; đt. (3) Vâng: bẩm thừa (bẩm vâng theo); (4) Chịu, người trên ban cho, kẻ dưới nhận lấy: thừa vận (chịu vận trời), thừa ân (chịu ơn); (5) Nhân danh người khác; (6) Đương lấy: thừa phạp (thay quyền giúp hộ), thừa nhận (đảm đang nhận lấy); (7) Nối dõi: thừa điêu (nối dõi giữ việc cúng tế), thừa trọng (cháu nối chức con thờ ông bà); (8) Tiếp theo: thừa thượng văn nhi ngôn (tiếp theo đoạn văn trên mà nói); (9) Chịu trách nhiệm: thừa biện (chịu trách nhiệm làm); (10) Đỡ lấy: thừa thụ (đỡ lấy).

2.2. Tác: Có hai chữ: , , Trong thuật từ này là chữ, nghĩa là dt. (1) Thành phẩm văn học nghệ thuật: tác phẩm (văn nghệ được sáng tác); (2) Sự nghiệp: đại tác (sự nghiệp lớn); đt. (3) Nhấc lên, bừng lên: chấn tác tinh thần (nâng cao tinh thần lên); (4) Làm, làm nên: phụ tác chi (cha làm nên); (5) Nổi lên: thương thanh đại tác (tiếng súng nổi lên); (6) Làm việc: tác tức (làm việc và nghỉ ngơi); (7) Tiến hành: tác chiến (tiến hành chiến tranh); (8) Biểu hiện ra: tác nan (biểu hiện ra khó chịu); (9) Sáng tạo: sáng tác; (10) Một thứ hoạt động: tác ấp (vái chào) ; (11) Viết, soạn: trước tác; (12) Xem như: quá kỳ tác phế (quá hạn coi như không có giá trị).

2.3. Viên: Có nhiều chữ: (), (), (), , (), , , ,, , , (), , , . Ở đây là chữ, nghĩa là dt. (1) Người làm việc trong cơ quan đoàn thể: chức viên (công nhân); (2) Người trong tổ chức: thành viên; (3) Phạm vi: bức viên quảng khoát (đất đai mênh mông bát ngát); lượng từ (4) Dùng chỉ những vị tướng: nhất viên đại tướng (một vị tướng lớn); (5) Họ Viên; đt. (6) Gia tăng.

2.4. Vụ: Có mấy chữ này: , , , , , , , , , , . Trong Thuật từ thừa tác vụ người ta dùng chữ, nghĩa là dt. (1) Việc: thứ vụ (các việc); (2) Họ Vụ; đt. (3) Chuyên, chăm: quân tử vụ bản (người quân tử cốt chăm lo cái căn bản); (4) Làm theo nghề: vụ nông; pt. (5) Tất phải, cần: vụ tất (cần thế).

Nghĩa Nôm: dt. (1) Mùa, thời kỳ của một công việc sản xuất hoặc gắn với sản xuất: vụ gặt; (2) Cơ quan chuyên môn ngành dọc trong một bộ: vụ kế hoạch, vụ phó, vụ trưởng; (3) Sở thu thuế cũng gọi là vụ; (4) Ty: vụ lễ tân; (5) Án: vụ giết người; (6) Sự kiện: tháng trước xẩy ra ba vụ; (7) Dùng như mạo từ: vụ đảo chánh.

3. Nghĩa của hai thuật từ thừa tác vụ và thừa tác viên

3.1. Thừa tác vụ và thừa tác viên

Theo mặt chữ, “thừa tác vụ” có nghĩa là “việc thừa hành”, “việc đã được (người trên) giao phó để làm”, “việc làm nhân danh người khác”, từ này thường được viết tắt là “tác vụ”, nhưng làm như vậy thì không đúng, vì đánh mất ý nghĩa quan trọng của chữ “thừa” (nhân danh người khác), “tác vụ” chỉ là “việc phải làm”. “Thừa tác viên” có nghĩa là “người thừa hành”, “người thi hành một công việc đã được giao phó cho mình” hay “người làm thay thế và nhân danh người khác”.

Chúng tôi chưa gặp hai thuật từ Hán Việt này trước năm 1952. Trong bản dịch Thánh Kinh (1916) của cha Cố Chính Linh, ministerium được dịch là “chức phận” (2 Cr 6,3) hay “việc đấng bậc mình” (2 Tm 4,5), và minister được dịch là “kẻ giúp việc” (2 Cr 6,4) hay “người phục dịch” (2 Sbn 29,11; Hc 7,30). Hai thuật từ “thừa tác vụ” và “thừa tác viên” có lẽ đã do Đức Ông Gioan Trần Văn Hiến Minh và các cha giáo sư Trường Thần Học Bùi Chu tạo ra [1] để diễn đạt nội dung hai từ tiếng La tinh dùng trong Giáo Hội là ministerium và minister.

3.2. Ministerium và minister

Hai thuật từ thừa tác vụ (ministerium) và thừa tác viên (minister) bằng La ngữ trong bản Phổ Thông tương ứng với diakonia và diakonos trong tiếng Hy Lạp. Trong bản Phổ Thông, chữ minister, dịch chữ Do Thái mešaret (x. Xh 24,13: Giôsua tôi tớ của Môisen) có thể chỉ các tư tế, thừa tác viên phụng tự (x. Is 61,6; Ez 44,11; Gl 1,9).

- Ministerium dt. (1) Phụng sự, công việc; (2) Thừa tác vụ, chức vụ; (3) Trách nhiệm.

Về sau (từ tk.17), trong tiếng Anh (ministry) và Pháp (ministère) còn có thêm nhiều nghĩa khác trong lãnh vực chính trị: (1) Bộ; (2) Chính phủ, nội các; (3) Chức bộ trưởng, nhiệm kỳ bộ trưởng. Trong tôn giáo: Đoàn mục sư.

Trong Giáo Hội, tuỳ ngữ cảnh, thuật từ ministerium có thể hiểu:

(1) Theo nghĩa rộng, chỉ bất cứ việc phục vụ nào do những người đã được rửa tội thực hiện trong sự hợp nhất với Chúa Kitô.

(2) Theo nghĩa hẹp, thừa tác vụ là việc phục vụ gắn liền với một chức vụ nào đó [2]. Ví dụ: Thừa tác vụ linh mục: toàn bộ những việc phục vụ và hoạt động gắn liền với chức vụ linh mục: Thừa tác vụ mục vụ, thừa tác vụ rao giảng, thừa tác vụ xá giải, thừa tác vụ bàn thờ

- Minister (phát sinh từ chữ minus = kém hơn và –teros = tư tế): dt. (1) Tôi tớ, người giúp việc; (2) Thừa tác viên, người phụng sự (Thiên Chúa); (3) Người phụ trợ vào; đt. (4) Phụng sự Thiên Chúa; (5) Ban bí tích; (6) Thi hành tác vụ; (7) Chăm sóc; tt. (8) Người giúp.

Tương tự chữ ministerium, về sau trong tiếng Anh (minister) và Pháp (ministre) còn có thêm nhiều nghĩa khác trong lãnh vực chính trị: Minister = (1) Bộ trưởng, viên chức cao cấp của chính phủ; (2) Công sứ, người cấp thấp hơn đại sứ, đại diện chính phủ mình ở nước ngoài; The Prime Minister = Thủ tướng; Minister of State = Quốc Vụ Khanh. Trong tôn giáo: Mục sư [3].

Trong Giáo Hội, tuỳ hoàn cảnh, văn mạch, thuật từ minister có thể hiểu:

(1) Theo nghĩa Thánh Kinh (nghĩa rộng): minister là một người tôi tớ, cho dù người đó có là thế nào. Trong Cựu Ước, Đấng Mêsia là người tôi tớ tuyệt vời của Thiên Chúa (x. Is 9,5). Trong Tân Ước, danh từ thừa tác viên đôi khi được gán cho những người phục vụ Thiên Chúa hoặc Giáo Hội (x. Ga 12,26; 2 Cr 3,6; Lc 1,2; Cv 6,4). Đức Giêsu Kitô là thừa tác viên của những điều thánh (x. Dt 8,2), thừa tác viên trung gian bên cạnh Chúa Cha (x. Dt 8,6). Thánh Phaolô là thừa tác viên của dân ngoại (x. Cv 21,19; 26,16; Rm 11,13).

Như vậy: “Tất cả mọi người phụng sự Chúa đều là những thừa tác viên [4]. Như khi nói: “Giáo sĩ, tu sĩ và thừa tác viên giáo dân cộng tác với tất cả những ai tham gia trong việc mục vụ” [5].

(2) Theo nghĩa chuyên môn (nghĩa hẹp): Người được uỷ thác một chức vụ trong Giáo Hội, trong tinh thần phục vụ như chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở và nêu gương (x. Mc 10,43-45) [6]. Theo nghĩa này, chúng ta thấy có các thuật từ: Sacred ministers = thừa tác viên chức thánh, tức là những người đã lãnh chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục); Minister of sacrament = thừa tác viên cử hành bí tích, tức là các người cử hành các bí tích (x. GLCG 1742); Minister of the Mass = thừa tác viên cử hành thánh lễ...

(3) Theo nghĩa đặc biệt, minister là danh hiệu dành cho một số chức vụ trong Giáo Hội Công Giáo, (1) Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô được gọi là: Minister General = Cha Tổng Phục Vụ (tương đương với chức vụ Superior General = Bề Trên Tổng Quyền của các dòng tu khác); (2) Bề trên Giám tỉnh Dòng Phanxicô được gọi là: Minister Provincial = Cha Tỉnh uỷ (tương đương với chức vụ Provincial = Bề trên Giám tỉnh của các dòng tu khác); (3) Người giữ vai trò thứ nhì của một cộng đoàn địa phương trong Dòng Tên được gọi là Minister = Vị Phục Vụ.

3.3. Sứ vụ (missio) và thừa tác vụ (ministerium)

Missio: sự gửi đi, việc sai đi (do động từ mittere = gửi, sai), nên dịch là “sứ vụ”, “sứ” nghĩa là “người vâng mệnh trên đi làm một việc gì” [7], trong chữ sứ (使 = nhân: + lại: ) hàm ý “ra đi” của từ missio, nên rất thích hợp dùng dịch chữ này.

Về mặt Thánh Kinh: Sứ vụ (missio) của Chúa Kitô là thi hành ý định của Chúa Cha: cứu chuộc con người và ban cho họ sự sống (x. Ga 3,16-17). Trong suốt thời gian tại thế, Chúa Giêsu đã luôn hiến dâng mình làm vinh hiển danh Chúa Cha. Mọi điều Chúa Cha muốn, Chúa Giêsu đều tự nguyện thi hành, kể cả việc hiến thân trên thập tự giá. Tiếp đến, như Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu đến trần gian, thì cũng vậy, Chúa Giêsu cũng đã sai các tông đồ đi vào trần gian (x. Ga 17,18), sứ vụ thứ hai này nối dài sứ vụ thứ nhất (x. Mt 10,40). Các tông đồ là những người thụ uỷ, những người đại diện của Con Thiên Chúa, Đấng đầu tiên được sai phái. Rồi đến tất cả những người tin và bước theo Chúa Kitô, tức là mọi tín hữu đều tiếp tục sứ vụ duy nhất của Đức Kitô như những kẻ được sai đi (thừa sai: missionary).

Về mặt thần học: Sứ vụ (missio): theo nghĩa rộng, có nghĩa là ơn gọi nền tảng của Giáo Hội để trở thành bí tích phổ quát của ơn cứu chuộc; theo nghĩa hẹp, có nghĩa là việc rao giảng Phúc Âm và thiết lập nhiều cộng đoàn giữa những con người chưa thuộc về Giáo Hội.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Những khác biệt Chúa đã muốn đặt giữa những chi thể trong Thân Thể Chúa, là để phục vụ cho sự hợp nhất và sứ mạng của Hội Thánh. "Trong Hội Thánh có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ vụ. Chúa Kitô đã trao phó cho các tông đồ và những người kế nhiệm các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Chúa mà giảng dạy, thánh hoá và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô nên họ cũng đảm nhận phần việc của mình trong sứ vụ chung của toàn Dân Thiên Chúa, trong Hội Thánh và ở giữa trần gian" (x. AA 2). "Trong cả hai thành phần giáo sĩ và giáo dân, có những tín hữu qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm theo cung cách riêng của họ", được thánh hiến cho Thiên Chúa để phục vụ sứ vụ cứu chuộc của Hội Thánh” (Can 207, 2)”. (GLCG 873).

Để thi hành sứ vụ (missio) cần có những đường lối, phương tiện, thường được gọi là thừa tác vụ (ministerium) và người thực hiện gọi là thừa tác viên (minister). Vậy:

Thừa tác vụ là phương tiện Hội Thánh dùng để thi hành sứ vụ của mình.

• Tất cả mọi người thi hành thừa tác vụ (người phụng sự Chúa) đều là những thừa tác viên.

• Tất cả những ai được kêu gọi bước theo Chúa Kitô là đều được Chúa Kitô sai đi, qua chính thân mình là Giáo Hội Chúa, để mở rộng Nước Thiên Chúa, nên cũng gọi là thừa sai.

4. Các thừa tác vụ và thừa tác viên         

4.1. Đặc tính: Trong Truyền thống Công giáo, các thừa tác vụ tuy đa dạng nhưng vẫn luôn bao gồm bốn đặc tính sau: (1). Phụng sự Thiên Chúa, tôn vinh Chúa qua việc yêu thương phục vụ tha nhân; (2). Được quyền bính Giáo Hội cho phép, qua Đức Giáo Tông hoặc đấng bản quyền địa phương; sự cho phép này có thể phải kèm theo việc phong chức, chẳng hạn trong trường hợp thừa tác vụ linh mục, hoặc sự thánh hiến, như trường hợp đời sống tu dòng, hoặc nghi thức chúc lành trong phụng vụ, như trường hợp của các thừa tác viên đọc sách và thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa; (3). Đặt nền tảng trên giáo huấn của Chúa Kitô, Đấng đã nêu gương qua lời nói và hành động của Chúa về cách thức phục vụ những nhu cầu thiêng liêng cũng như trần thế của dân chúng; và (4). Theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, phù hợp với các chỉ thị và điều lệnh do Giáo Hội ban hành.

4.2. Phân nhóm: Các thừa tác vụ có thể chia thành 3 nhóm:

(1) Nhóm 1: Thừa tác vụ giáo sĩ (ecclesiastical ministry) hay thừa tác vụ do chức thánh (ordained ministry), nhóm này có ba bậc: thừa tác vụ giám mục, thừa tác vụ linh mục và thừa tác vụ phó tế. Công đồng Vatican II đã xác định rõ ràng là: “Thừa tác vụ giáo sĩ do Thiên Chúa thiết lập được thi hành ở nhiều cấp bậc khác nhau bởi những người mà từ xa xưa đã được gọi là giám mục, linh mục và phó tế” (LG 28). Giám mục, linh mục và phó tế là các thừa tác viên được thụ phong (ordained ministers) vì các vị ấy được Thiên Chúa mời gọi đảm nhiệm một ơn gọi phục vụ đặc biệt.

Thừa tác vụ giáo sĩ thực tế bao gồm các nhiệm vụ do chức thánh (officia, offices: như cử hành bí tích...) và các nhiệm vụ không do chức thánh (munera, non-ordained functions: như tuyên uý các cộng đoàn, giảng dạy các môn học thánh...).

(2) Nhóm 2: Thừa tác vụ giáo dân hay thừa tác vụ do thiết lập (instituted ministry), nhóm này có hai loại: thừa tác vụ giúp lễ (acolyte) phục vụ Thánh Thể và thừa tác vụ đọc sách (lector) phục vụ Lời Chúa. Hai thừa tác vụ này, vốn đã có từ những ngày đầu của Giáo Hội, sau này được Đức Phaolô VI thiết lập lại qua Tự sắc Ministeria Quaedam năm 1973, văn kiện này qui định hai thừa tác vụ giúp lễ và đọc sách vừa được phong cho giáo dân vừa được phong cho các ứng viên chuẩn bị làm linh mục [8].

(3) Nhóm 3: Gồm những hoạt động tông đồ đa dạng trong nhiều lãnh vực áp dụng ý niệm thừa tác vụ theo nghĩa rộng như đã nói trên... Việc áp dụng này không thống nhất trong Hội Thánh, có nguy cơ làm che khuất sự khác biệt về bản chất chứ không chỉ về mức độ mà thôi giữa chức tư tế do bí tích Rửa Tội và chức tư tế được tấn phong, gây xáo trộn đặc tính và ý nghĩa riêng của quan niệm chức tư tế cộng đồng của các tín hữu, đồng thời làm lu mờ vai trò thiết yếu và tuyệt đối không thể thay thế của thừa tác vụ giáo sĩ. Điều đó chẳng những không còn giúp ích cho việc trình bày giáo lý đức tin mà còn có tác dụng làm suy giảm số ứng viên vào chức linh mục và làm lu mờ đặc tính chủng viện như là nơi kiểu mẫu cho việc huấn luyện các thừa tác viên chức thánh.

Vấn đề này đã được nhiều nghị phụ nêu ra tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới năm 1987. Tại Thượng Hội Đồng này, Đức Hồng y Basil Hume (Anh quốc) đã đề nghị các giám mục uỷ nhiệm cho những người có khả năng hoặc vai trò chuyên môn đặc biệt đảm trách một số trách vụ chuyên biệt trong một thời kỳ đặc thù và giới hạn nào đó, ví dụ như: thành viên hội đồng giáo xứ, người quản lý công việc của giáo xứ hay giáo phận, người chăm sóc mục vụ cho những người già yếu không thể ra khỏi nhà trong một khu vực nào đó, kiến trúc sư hay nhà thầu được mời xây dựng nhà thờ hay cơ sở Giáo Hội..., và ngài gọi đó là thừa tác vụ uỷ nhiệm (commissioned ministry) [9].

5. Vài chỉ dẫn của Hội Thánh

Sau Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới năm 1987, một văn kiện “liên bộ” được soạn thảo bởi Thánh Bộ Giáo sĩ cùng với 7 Thánh Bộ và Uỷ ban Giáo hoàng đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phê chuẩn dưới hình thức đặc biệt: Bảng Quy chế về sự hợp tác của giáo dân với thừa tác vụ linh mục, ban hành ngày 15/08/1997. Theo đó, giáo dân [10]:

(1) Có thể được gọi là "thừa tác viên ngoại thường" khi họ được thẩm quyền kêu mời thi hành, chỉ như là bổ sung mà thôi, những nhiệm vụ do chức thánh (officia) như: chủ tọa các buổi kinh phụng vụ, thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, trao Mình Thánh Chúa, ban Bí tích Rửa Tội (Can. 230,3), trưng bày và cất Mình Thánh mà không ban phép lành (Can. 943) và chủ trì hôn nhân (Can. 1112).

(2) Có thể áp dụng các thuật từ cụ thể cho những ai thi hành các nhiệm vụ không do chức thánh (munera) được trao theo giáo luật, như giáo lý viên, lễ sinh, người đọc sách... (như vậy phải tránh sử dụng danh xưng thừa tác viên cho các giáo dân thi hành các nhiệm vụ này?)

(3) Không có danh hiệu đặc biệt hay thường xuyên nào dành cho các giáo dân chỉ được ủy nhiệm tạm thời trong các cử hành phụng vụ như đọc sách, dẫn lễ, ca viên hoặc các nhiệm vụ khác (Can. 230, 2).

(4) Không được phép gán cho giáo dân những danh xưng như: mục tử, tuyên uý, người quản trị, người điều hành [11] hay danh xưng tương tự nào khác mà có thể gây lẫn lộn vai trò của họ với vai trò của các vị chủ chăn, vốn phải là giám mục hay linh mục.

Riêng thừa tác vụ trao Thánh Thể, Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích trong Huấn thị Redemptionis Sacramentum, 25/3/2004 dạy rằng: Các thầy giúp lễ, bởi việc lãnh nhận thừa tác vụ, cũng như giáo dân, theo các quy tắc của giáo luật, đã lãnh nhiệm vụ trao Mình Thánh Chúa, được gọi là thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, kể cả ngoài lúc cử hành Thánh Lễ (x. số 155) và “Chức vụ này phải được hiểu, theo nghĩa hẹp của nó, có tên gọi là thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, chứ không phải “thừa tác viên đặc biệt cho rước lễ”, cũng không phải là “thừa tác viên ngoại thường của Thánh Thể”, hoặc là “thừa tác viên đặc biệt của Thánh Thể”. Bởi chưng, các danh xưng đó có tác dụng nới rộng nghĩa của chức vụ đó một cách vừa không đúng phép vừa không thích hợp" (số 156).

6. Kết luận

Theo chỉ dẫn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: chỉ áp dụng thuật từ thừa tác vụ cho giáo dân trong một chừng mực nào đó và phải rõ ràng đơn nghĩa, tức là không lẫn lộn hay có nguy cơ xói mòn ý nghĩa và đặc tính riêng của thừa tác vụ được tấn phong. Do đó, theo chúng tôi: nên tránh sử dụng thuật từ này theo nghĩa rộng: Các công việc Kitô hữu thực hiện thường ngày như nâng đỡ tinh thần sống đạo của anh em, xây đắp hợp nhất, làm chứng tá Phúc Âm qua các nghĩa cử bác ái... chỉ nên xem như là việc tông đồ Kitô giáo: "Mọi thừa tác vụ đều là việc tông đồ, nhưng không phải bất cứ việc tông đồ nào cũng là thừa tác vụ".

Cuối cùng, đối với các thừa tác vụ uỷ nhiệm (commissioned ministry), theo đề nghị của Đức Hồng y Basil Hume, chúng ta chỉ nên dùng thuật từ thừa tác vụthừa tác viên cho những hoạt động và những con người có thể đại diện cho cộng đoàn tín hữu một cách nào đó và hành động với sự ủy quyền của giám mục hoặc vị đại diện giám mục mà thôi.

----------------------------------------

[1] x. Ban Giáo sư Trường Thần học Bùi Chu, DANH TỪ THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC, Tủ sách Liên Chủng Viện, Bùi Chu, 1952 và: Một nhóm giáo sư, TỪ ĐIỂN LA-PHÁP-VIỆT, Ra Khơi, Sài Gòn, 1960.

[2] Olivier de La Brosse & Ntg, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, Cerf, Paris, 1968.

[3] Danh xưng này được thông dụng từ khi Calvin mở phân khoa thần học của ông tại Poitiers (Pháp) trong trường Luật mà thời ấy người ta gọi là Ministerie (Trường Mục Sư). Từ đó danh từ ministre (minister, mục sư) trở nên đồng nghĩa với vị lãnh đạo trong giáo hội Tin Lành. Trong các giáo hội Luther, các mục sư thường được gọi là prédicant (predicator, giảng viên).

[4] Nhiều tác giả, THUẬT NGỮ THẦN HỌC ANH VIỆT, Học viện Đa Minh Gò Vấp, TP.HCM, 2003.

[5] x. Olivier de La Brosse & Ntg, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, Cerf, Paris, 1968: Ministre (thừa tác viên): "Người mà, trong Giáo Hội, làm trọn một chức vụ phụ thuộc vào một người khác, hay đơn giản, với danh hiệu là người tôi tớ của Đức Kitô và của Giáo Hội".

[6] x. Olivier de La Brosse & Ntg, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, Cerf, Paris, 1968: Ministre (thừa tác viên): "Người mà, trong Giáo Hội, làm trọn một chức vụ phụ thuộc vào một người khác, hay đơn giản, với danh hiệu là người tôi tớ của Đức Kitô và của Giáo Hội".

[7] Xem nghĩa chữ "sứ" trong Bài Giảng Chúa Nhật, số 9-2006, tr. 106.

[8] Tuy nhiên, trên thực tế, văn kiện đã làm phát sinh một số khó khăn do yêu cầu là hai thừa tác vụ này cũng phải được phong cho các linh mục tương lai trước khi họ được lãnh chức phó tế, như vậy, gọi là thừa tác vụ giáo dân, nhưng chúng vẫn tiếp tục có hướng giáo sĩ! Văn kiện trên xác định rõ ràng rằng phụ nữ không được lãnh nhận hai thừa tác vụ đó, một điều khoản khiến nhiều hội đồng giám mục trên thực tế đã không áp dụng hai thừa tác vụ này cho hàng ngũ giáo dân trong xứ sở họ. Văn kiện trên cũng xác định rằng các hội đồng giám mục có thể thêm các thừa tác vụ khác nữa nếu hoàn cảnh đòi hỏi, nhưng cho đến nay điều đó chưa thấy nơi nào áp dụng cả!

[9] Basil Hume, TOWARDS A CIVILISATION OF LOVE, BEING CHURCH IN TODAY'S WORLD, New Edition, Hodder & Stoughton, London, 1988.

[10] Osservatore Romano, English Edition, n. 47 - 19/11/1997.

[11] Moderator (L. Moderari = hướng dẫn): danh hiệu dành cho một số bề trên hội dòng, hoặc một số giám đốc học viện Công giáo, hoặc Hồng y có nhiệm vụ điều khiển Công Đồng, trong quân đội gọi là Tư lệnh.

____________________

Tham khảo:

1. Albertus Schlicklin, KINH THÁNH - CỨ BẢN VULGATA, Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hong Kong 1913-1916.

2. Ban Giáo sư Trường Thần học Bùi Chu, DANH TỪ THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC, Tủ sách Liên Chủng Viện, Bùi Chu, 1952.

3. Một nhóm giáo sư, TỪ ĐIỂN LA-PHÁP-VIỆT, Ra Khơi, Sài Gòn, 1960.

4. Basil Hume, TOWARDS A CIVILISATION OF LOVE, BEING CHURCH IN TODAY'S WORLD, New Edition, Hodder & Stoughton, London, 1988.

5. Hồng Phúc, CSsR, ĐIỂN NGỮ ĐỨC TIN CÔNG GIÁO, 1996.

6. Congregation for the Clergy and 7 other Roman Dicasteries,  INSTRUCTION ON CERTAIN QUESTIONS REGARDING THE COLLABORATION OF THE NON-ORDAINED FAITHFUL IN THE SACRED MINISTRY OF PRIEST, 15/08/1997.

7. Nguyễn Đình Diễn, TỪ ĐIỀN CÔNG GIÁO ANH VIỆT, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.

8. F. Gómez Ngô Minh, HỢP TUYỂN THẦN HỌC, số 34 (Giáo dân trong Hội Thánh), 2002.

9. Nhiều tác giả, THUẬT NGỮ THẦN HỌC ANH VIỆT, Học viện Đa Minh Gò Vấp, TP.HCM, 2003.

10. Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, HUẤN THỊ REDEMPTIONIS SACRAMENTUM, 25/03/2004, Bản dịch Việt ngữ của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
 

[Số lần đọc 181]  

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

 


Muc Luc Muc Vu