Tiến Trình Hình Thành Học Thuyết Xã Hội Công Giáo
Nguyễn Đức Tuyên

 

Học thuyết Xã hội Công giáo diễn tả suy tư của Giáo hội về các thực tại xã hội trong thời đại chúng ta qua việc thẩm định các thực tại xã hội đó chiếu theo ánh sáng Phúc Âm, và đề nghị những nguyên tắc chỉ dẫn nếp sinh hoạt thực tiễn nơi xã hội này. Từ nền tảng ấy, giáo thuyết xã hội là một lối áp dụng của thần học, và đặc biệt là thần học luân lý, vào các vấn đề đạo đức mà xã hội con người thắc mắc[1]

Chúng tôi sẽ trình bầy về Học thuyết Xã hội Công giáo trên 2 trọng điểm: Tiến trình hình thành và tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo.

I.      Tiến trình hình thành của Học thuyết Xã hội Công giáo.

Tư tưởng xã hội của Giáo hội Công giáo là sứ mạng giáo huấn của Giáo hội dưới ánh sáng của kinh nghiệm về cuộc sống xã hội trải qua bao thế kỷ dựa trên nền thần học đạo đức áp dụng vào các vấn đề xã hội; nó không thể nào so sánh với một lập trường ý thức hệ. Nó cũng không phải là một bản tóm lược dự án riêng cho một hệ thống kinh tế hoặc xã hội, cũng không phải là một ước mơ được lý tưởng hóa.

Giáo huấn đó là một kinh nghiệm thu thập dần hồi và được coi là một tiến trình đang phát triển mạnh mẽ hơn là một bộ luật bất động về các mẫu mực xã hội nhất định.

Vấn đề xã hội đã được các Giáo phụ, từ Clêmentê Alexandria (150-216) tới Augustinô (354-430), đào sâu. Ngay từ thế kỷ XIV đã có nhiều văn kiện của các vị Giáo hoàng đề cập tới những vấn đề xã hội, như việc mua bán nô lệ xuất hiện tại Au châu đã bị Đức Piô II (1458-1464) lên án là đại ác. Thế kỷ XVI ghi dấu đỉnh cao  của tư tưởng xã hội công giáo qua các tác giả như Francisco de Victoria (1480-1546), Domingo de Soto (1494-1560), Robert Bellarmin (1542-1621) và Francisco Suarez (1548-1617). Vào  thế kỷ XVII, các nhà giảng thuyết thời danh như Bossuet (1627-1740) và Vincent de Paul  (1581-1660) đã gây ảnh hưởng rất nhiều trên nếp sống xã hội. Vào thế kỷ XVIII, Đức Giáo hoàng Benedicto XIV (1740-1758) đã bàn đến các vấn đề chủng tộc và bênh vực quyền của những người nghèo khó và lên án việc cho vay ăn lời.

Đến cuối thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX, trào lưu kỹ nghệ xuất phát, đi kèm với việc áp dụng chủ nghĩa tự do kinh tế, đã làm cho các giá trị cổ truyền lung lay. Tình cảnh bất công của giới lao động thúc đẩy Kitô hữu trong các nước trên đường kỹ nghệ hóa lúc đó suy nghĩ và hành động. Thánh Gioan Bosco (1815-1888) sáng lập dòng Salésiens với tổ chức giáo dục và công tác xã hội, chân phước Frédéric Ozanam ( 1813-1853) sáng lập Hội Thánh Vinh Sơn v. v. . .

Năm 1891 là thời điểm chín mùi để Giáo hội Công giáo đưa ra một viễn ảnh và một giáo huấn có hệ thống hơn về vấn đề xã hội qua Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêo XIII (1878-1903). Rerum Novarum chỉ trích và lên án nặng nề các lạm dụng của chủ nghĩa tư bản cũng như các ảo tưởng của chủ nghĩa Cộng sản thời đó. Tầm quan trọng của Rerum Novarum được xác minh qua sự kiện lễ mừng kỷ niệm văn kiện này được tổ chức đều đặn bằng những văn kiện bổ túc hay khai triển, qua các thông điệp, tông huấn, tông thư, tuyên ngôn hay sứ điệp: Quadragesino Anno (Năm Thứ Bốn Mươi, 1931), Divini Redemptoris (Chúa Cứu Chuộc, 1937), Mater et Magistra (Mẹ Và Thầy, 1961), Octogesima Advenniens (Tám Mươi Năm Đã Đến, 1971), Laborem Exercens (Thực Hành Lao Động, 1981), đặc biệt là Centesimus Annus (Một Trăm Năm, 1991) kỷ niệm 100 năm Thông điệp Rerum Novarum, ra đời sau khi chủ nghiã cộng sản sụp đổ tại Nga và Đông Âu.

Vấn đề phát triển con người theo Học thuyết Xã hội Công giáo đã được Đức Phaolô VI công bố Thông điệp Populorum Progressio (Phát Triển Các Dân Tộc, 1967) và Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Rao Giảng Tin Mừng, 1975), Đức Gioan Phaolô II với Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, (Mối Quan Tâm Xã Hội, 1987), Thông điệp Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc Nhân Thế, 1979).

Công đồng Vaticanô II nhận ra yếu tố xã hội của các vấn đề hôm nay khi cổ súy một cuộc đối thoại mới giữa đức tin Kitô giáo và thế giới. Hiến chế Mục vụ, Gaudium et Spes- Vui Mừng và Hy Vọng -  đã đề cập đến các vấn đề: nhân phẩm, cộng đồng nhân loại, con người trong vũ trụ, vai trò Giáo hội, phẩm giá hôn nhân và gia đình, sinh hoạt văn hóa, phát triển các dân tộc, kinh tế, chính trị, hòa bình, cộng đồng quốc tế. . .

Ngoài ra, cũng có tác giả tổng kết tiến triển của Học thuyết Xã hội Công giáo qua 20 văn Kiện sau đây:

1- Lêo XIII, Thông điệp Inscrustabili (1878)

2- Lêo XIII, Thông điệp Diuturnum  (1881)

3- Lêo XIII, Thông điệp Immortale  Dei (1885)

4- Lêo XIII, Thông điệp Rerum Novarum- Tân Sự (15.5.1891)

5- Piô XI, Thông điệp Ubi Arcano  (1922) 

6- Piô XI, Quadragesimo Anno- Tứ Thp Niên  (1931)

7- Piô XI- Thông điệp Divini Redemptoris (1937)

8- Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus  (1939)

9- Piô XII, Kỷ nim năm mươi năm ca "Rerum Novarum" (1941)

10-  Piô XII, Tương lai  ca văn minh Kitô giáo (1944)

11- Piô XII, Diễn văn đọc trước các v Hng y (1946)

12- Gioan XXIII, Mater et Magistra- M và Thy  (1961)

13- Đức Gioan XXIII, Pacem in Terris-Hòa Bình Trên Trái Đất (1963), S đip hòa bình gi đến mi người thành tâm thiện chí.

14- Các tài liệu Công đồng Vaticanô II (1962-1965)

15- Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio- Phát Triển Các Dân Tc (1967)

16- Phaolô VI, Octogesima Adveniens- Bát Thập Niên (1971)

17- Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis- Đấng Cứu Chuộc Con Nguời (1997)

18. Gioan-Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens- Lao Động của Con Người (1981)

19- Gioan-Phaolô II, Diễn văn đọc ti cuc hi ngh chuyên đề "T Rerum Novarum (Tân Sự) đến Laborem Exercens (Lao Động của Con Người)" (1982)

20- Gioan-Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo  Rei Socialis- Quan Tâm Đến Vn Đề Xã Hi (1987)

 

II. Văn Kiện “Sưu Tập Những Bản Văn Giáo Hội’ (The Social Agenda) năm 2000

Trong Năm Thánh 2000, nhiều tập san đã tập hợp những yếu tố khác nhau của học thuyết xã hội công giáo. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng chứa đựng nhiều yếu tố và tạo nên một trong những nguồn mạch chính thức nhất. Riệng Hội Đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình do Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận làm Chủ Tịch đã thu thập một bộ sưu tập hữu ích gồm những bản văn liên quan tới học thuyết xã hội của Giáo hội.

Người đọc gặp được trong bộ sưu tập này những lời tuyên bố chính yếu của các Đức Giáo hoàng, trích từ một số bản văn khác biệt, kể cả các Thông Điệp Giáo Hoàng, các Tông Thư và những tài liệu Công Đồng về các chủ đề liên quan tới chính trị, kinh tế và văn hoá. Dưới mỗi một tiêu đề theo chủ đề, những phần trích dẫn được xếp hạng theo một thứ tự niên biểu hay huấn giáo - và mỗi một chủ đề bắt đầu bằng một trích dẫn giải thích vấn đề được bàn tới.

Cuốn sách đã được Đức Ông Nguyễn Quang Sách dịch sang tiếng Việt và đồng ý cho Diễn Đàn Giáo Dân phổ biến dưới tựa đề Học Thuyết Xã Hội Công Giáo.

Thật tình, cuốn sách này khó đọc và khó hiểu. Lý do đây không phải là một cuốn sách được viết ra có “bài bản” mà chỉ là “sưu tập” những đoạn liên hệ đến chủ đề từ những văn kiện khác nhau. Tỷ dụ như Phần Giáo Hội là Mẹ và Thầy ở Chương I, là sự góp nhặt các đoạn : Mater et Magistra, số 1, Rerum Novarum, số 16, Mater et Registra, số 2 và số 6, Redemptoris Hominis, số 19, Giáo Luật, số 747,  và Veritatis Splendor, số 27. Nó không có mở đầu, diễn dịch và kết luận. Thực ra, đó là bước thứ nhật cho cuốn Học thuyết Xã hội Công giáo hoàn chỉnh được ấn hành vào năm 2004.

Cuốn Chương Trình Hành Động Xã Hội, Tuyển Tập Những Văn Kiện Giáo Quyền[2] in năm 2000 rút ra từ 369 đoạn trích dẫn đã quy tụ lại 10 chủ điểm:

1.                Bản chất Học thuyết Xã hội của Giáo hội

2.                Con Người

3.                Gia đình

4.                Trật tự xã hội

5.                Vai trò của nhà nước

6.                Vấn đề kinh tế

7.                Lao động và Tiền lương

8.                Sự nghèo đói và đức bác ái

9.                Môi trường

10.           Cộng đồng thế giới 

III.  Sự ra đời của cuốn  Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo” (Compendium of the Social Doctrine of the Church) năm 2004.

Nối tiếp công việc của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, năm 2004 Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, dưới sự điều kiển của Đức Hồng Y Renato Rsffaele Martino, đã thực hiện cuốn sách gọi là bản tóm lược,  thu thập tất cả các chất liệu và trình bày một cách hệ thống, để giới thiệu những điều cơ bản của Học thuyết Xã hội Công giáo. Tài liệu này cũng trình bày giá trị của Học thuyết Xã hội Công giáo như một phương tiện để rao giảng Tin Mừng, bởi vì tài liệu này đặt con người và xã hội trong mối tương quan với ánh sáng Tin Mừng. Những nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo đặt nền tảng trên luật tự nhiên, vì thế được xác nhận và củng cố trong niềm tin của Giáo hội nhờ Tin Mừng của Đức Kitô.

Qua bản Tóm lược này, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của các giá trị đạo đức đặt nền móng trên luật tự nhiên được ghi khắc trong lương tâm của con người; vì thế, mỗi lương tâm con người bắt buộc phải nhìn nhận và tôn trọng luật tự nhiên này. Rõ ràng là Giáo hội phải làm cho tiếng nói của mình vang dội đến mọi người và Giáo hội có nhiệm vụ mời gọi mọi người làm tất cả những gì có thể được để hướng đến một nền văn minh đúng nghĩa càng ngày càng nhắm tới sự phát triển toàn diện của con người trong tình liên đới.

Cuốn sách đã được Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam dịch thuật nhằm giới thiệu cho đồng bào Công giáo và không Công giáo những nguyên tắc nền tảng và đường hướng hoạt động của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực xã hội.

Ủy Ban đã in nội dung cuốn sách thành hai ấn bản. Một ấn bản “Phổ thông” dành cho quảng đại độc giả và một ấn bản tạm gọi là “đầy đủ”, có thêm phần tra cứu, dành cho những độc giả nào muốn tham khảo, đối chiếu chi tiết về nội dung Học thuyết Xã hội Công giáo. Nội dung ấn bản Phổ thông là các phần chính văn gồm Nhập đề và 12 chương sách, kèm thêm 1232 số chú thích của bản gốc Anh ngữ. Ấn bản đầy đủ gồm tất cả nội dung của ấn bản Phổ thông cộng thêm các phần: Mục lục tham khảo về Thánh Kinh và các văn kiện như Công đồng Vatican II, các Thông điệp, Tông thư, Tông huấn, Sứ điệp của các Giáo hoàng, các Huấn thị của các Bộ, Hội đồng Giáo hoàng và các văn kiện khác; mục lục hình ảnh và mục lục phân tích chủ đề.

Nội dung cuốn sách được chia ra như sau:

Nhập đề (1-19) Một nền nhân bản toàn diện và liên đới

Chương I (20-59) Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Chương II (60-104) Sứ mạng của Giáo hội và Học thuyết Xã hội

Chương III (105-159) Con Người và Nhân Quyền

Chương IV (160-208) Các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo

Chương V (209-254) Gia đình, tế bào sống động của xã hội

Chương VI ( 255-322) Lao Động của Con Người

Chương VII (323-376) Đời sống kinh tế

Chương VIII (377-427) Cộng đồng Chính trị

 Chương IX (428-450) Cộng đồng Quốc tế

Chương X (451-487) Bảo vệ Môi trường

Chương XI (488-520) Cổ vũ Hòa bình

Chương XII (521-574) Học thuyết Xã hội và hoạt động của Giáo hội

Kết luận (575-583) Vì một nền văn minh tình yêu

 

Cuốn sách được trình bầy khá chi tiết, theo phương pháp sư phạm, dễ hiểu, gồm 583 đoạn. Mỗi đoạn đều có một câu đầu mà ta thường gọi là “topic sentence” tóm lược toàn thể đoạn văn.

 

IV.Những Điểm Cơ Bản Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

 

Thật rất khó khăn để nói về những điểm cơ bản của Học thuyết Xã hội Công giáo trong mấy trang giấy. Chúng tôi cố gắng ghi lại Những Điểm Cơ Bản Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

 

PHẦN I

Chương I: Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại

1. Thiên Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ và dựng nên con người. Đức Giêsu Kitô hoàn thành kế hoạch yêu thương của Chúa Cha. Ngài nối lại mối tương quan giữa Thiên Chúa với loài người và muôn vật. Ngài mạc khải tình yêu vô biên của Thiên Chúa Ba Ngôi bằng lời nói và việc làm, bằng cái chết và sự sống lại để chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau.

2. Giáo hội tiến vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba của kỷ nguyên Kitô giáo như một đoàn dân lữ hành, dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô. Giáo hội cống hiến học thuyết xã hội cho những người bạn đồng hành với mình, là mọi người hôm nay. Khi khám phá ra mình được Thiên Chúa yêu thương, người ta mới hiểu được phẩm giá siêu việt của mình, Tình yêu Kitô giáo sẽ đưa chúng ta tới chỗ tố cáo, đề nghị và dấn thân vào những dự án văn hoá và xã hội; tình yêu này thúc đẩy sự hoạt động tích cực để tất cả những ai thành thật coi trọng ích lợi của con người đều muốn góp phần.

Chương II: Sứ Mạng của Giáo hội và Học thuyết Xã hội

1. Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ, Nước ấy đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô và vẫn đang tiếp tục hiện diện giữa nhân loại. Với giáo huấn xã hội, Giáo hội tìm cách công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống phức tạp các mối quan hệ xã hội.

2. Học thuyết xã hội của Giáo hội “tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc Âm hoá”, và học thuyết ấy được khai sinh là bởi những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội.  Học thuyết xã hội của Giáo hội ban đầu không được dự tính là một hệ thống quy củ, nhưng được thành hình theo dòng thời gian, qua nhiều lần can thiệp của Huấn Quyền trước các vấn đề xã hội. Bởi đó, học thuyết xã hội của Giáo hội mang bản chất thần học, chính xác là thần học luân lý, “vì đó là học thuyết nhằm hướng dẫn cách cư xử của con người”.

3. Học thuyết xã hội của Giáo hội đặt nền tảng trên mạc khải Thánh Kinh và Truyền thống Giáo hội. Đức tin và lý trí diễn tả hai con đường nhận thức khác nhau của học thuyết xã hội Công giáo: đó là mạc khải và bản tính con người. Học thuyết xã hội của Giáo hội sẽ tận dụng các đóng góp của mọi ngành kiến thức, bất kể chúng xuất phát từ nguồn gốc nào, và học thuyết này mang chiều hướng liên ngành rất quan trọng. Trên hết, phải kể đến sự đóng góp rất thiết yếu của triết học. Sự đóng góp này được thể hiện qua việc học thuyết xã hội của Giáo hội thường hay lấy bản tính con người làm nguồn gốc và dùng lý trí làm con đường nhận thức của chính đức tin. Nhờ biết cởi mở với các ngành kiến thức khác một cách chăm chú và bền bỉ mà học thuyết xã hội Công giáo mới càng thêm đáng tin, cụ thể và thích đáng. Bao lâu còn là một phần trong giáo huấn luân lý của Giáo hội, bấy lâu học thuyết xã hội của Giáo hội sẽ có cùng phẩm giá và thẩm quyền như giáo huấn luân lý của Giáo hội.

4. Chủ thể đầu tiên tiếp nhận học thuyết xã hội của Giáo hội chính là cộng đồng Giáo hội với tất cả mọi thành viên, vì ai ai cũng có những trách nhiệm xã hội cần phải chu toàn. Học thuyết xã hội này cũng hàm chứa những trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và vận hành xã hội, tức là những bổn phận chính trị, kinh tế và hành chính “ những bổn phận mang bản chất trần thế “. Học thuyết xã hội Công giáo luôn được ánh sáng ngàn đời của Tin Mừng hướng dẫn và luôn quan tâm tới sự tiến hoá của xã hội, nên nó có đặc điểm là vừa liên tục vừa đổi mới. Học thuyết xã hội của Giáo hội được giới thiệu như một “địa chỉ làm việc”, tại đó công việc vẫn đang tiến hành, chân lý ngàn đời vẫn đang thâm nhập và lan toả vào các hoàn cảnh mới, chỉ ra những con đường dẫn tới công lý và hoà bình.

5. Để trả lời cho vấn nạn xã hội nghiêm trọng đầu tiên, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã ban hành Thông điệp xã hội đầu tiên là “Rerum Novarum”(Tân Sự). Thông điệp này trở thành văn kiện thôi thúc các Kitô hữu hoạt động trong lĩnh vực xã hội và trở thành điểm tham chiếu cho các Kitô hữu khi hoạt động.

Chương III: Con Người và Nhân Quyền

 1. Con người có hai đặc điểm khác nhau: là hữu thể vật chất có liên quan với thế giới này qua thân xác mình, và là hữu thể thiêng liêng, mở ra với siêu việt. Giáo hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người. Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. Trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, con người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công giáo. Thật vậy, toàn bộ học thuyết xã hội Công giáo chẳng qua chỉ là sự triển khai nguyên tắc: con người có phẩm giá bất khả xâm phạm. Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người.

2. Cảnh tượng tuyệt vời mô tả con người được Chúa tạo dựng không thể tách rời khỏi sự xuất hiện bi đát của tội nguyên tổ (original sin). Khi lần tới tận gốc các chia rẽ của cá nhân và xã hội, đang xúc phạm tới giá trị và phẩm chất của con người ở những mức độ khác nhau, chúng ta luôn thấy có một vết thương nằm trong nơi sâu xa nhất của con người. Mầu nhiệm tội được cấu thành bởi một vết thương hai mặt, mà tội nhân bộc lộ nơi mình, cũng như thể hiện ra trong quan hệ với người thân cận. Ngoài ra, có một số tội do chính đối tượng của chúng là những hành vi trực tiếp xúc phạm đến người thân cận. Những tội đó đặc biệt được gọi là tội xã hội (social sin). Giáo lý về tội nguyên tổ, cho biết tội mang tính phổ quát, có nền tảng rất quan trọng. Tuy nhiên, không được tách rời giáo lý về sự phổ quát của tội với ý thức về sự phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

3. Một xã hội công bằng chỉ trở thành hiện thực khi được xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Con người là mục tiêu tối hậu của xã hội; xã hội được tổ chức là nhắm tới con người. Không thể lấy con người làm phương tiện để thực hiện các dự án kinh tế, xã hội hay chính trị, những dự án do một chính quyền nào đó áp đặt. Tự do không phải là một điều gì ngược với sự lệ thuộc vào Thiên Chúa của con người, trong tư cách là một thụ tạo. Muốn thực hành đúng đắn sự tự do cá nhân, con người cần có những điều kiện đặc biệt liên quan đến trật tự kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị và văn hoá. Tự do tôn giáo là một phần tất yếu của phẩm giá con người.

4. Phong trào tiến tới chỗ xác định và công bố các quyền của con người là một trong những cố gắng quan trọng nhất nhằm đáp ứng cách hữu hiệu những đòi hỏi tất yếu của phẩm giá con người. Nguồn gốc sau cùng của các quyền con người không phải ở trong ý muốn thuần tuý của con người, trong thực thể quốc gia hay chính quyền, nhưng là ở trong chính con người và trong chính Tạo Hoá. Quyền đầu tiên được nêu ra trong danh sách này là quyền được sống, từ khi thụ thai cho tới khi chết một cách bình thường. Phạm vi nhân quyền được mở rộng ra để bao gồm cả quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia. Tiếc thay, có một khoảng cách giữa “chữ viết” và “tinh thần” của nhân quyền.

Chương IV: Các Nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo

1. Những nguyên tắc trường tồn của học thuyết xã hội Công giáo chính là trọng tâm của giáo huấn xã hội Công giáo. Đó là những nguyên tắc: phẩm giá con người, đây là nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác đồng thời là nội dung của học thuyết xã hội Công giáo, đó là: công ích (common good), bổ trợ (subsidiarity)[3], liên đới (solidarity). Những nguyên tắc này diễn tả toàn bộ sự thật về con người theo sự nhận biết của lý trí và đức tin,

2. Nguyên tắc công ích: mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích. Ba yếu tố căn bản của công ích là: phải tôn trọng con người, phải đạt đến sự an lạc của xã hội, và phải kiến tạo hòa bình. Dù là thuộc về mọi người và mỗi người, công ích vẫn là và mãi mãi là ích lợi “chung”. Bởi đó, công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tuỳ theo khả năng của mỗi người. Để bảo đảm công ích, chính phủ mỗi nước có nghĩa vụ đặc biệt là làm hài hoà các quyền lợi khác nhau của các thành phần xã hội với các đòi hỏi của công lý.

3. Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của học thuyết xã hội Công giáo. Dựa trên nguyên tắc này, mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) “ tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển “ các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Nhờ nguyên tắc bổ trợ, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Một hệ luận điển hình của nguyên tắc bổ trợ là sự tham gia (participation), được thực hiện chủ yếu qua một loạt hoạt động mà nhờ đó các công dân “trong tư cách cá nhân hay liên kết với người khác, trực tiếp hay thông qua đại diện “ góp phần vào đời sống văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự mà mình là thành viên.

4. Sự liên đới[4] làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn. Những mối quan hệ mới mẻ về sự lệ thuộc nhau, giữa các cá nhân và các dân tộc, mới là những hình thức liên đới trong thực tế; cần phải được biến thành những quan hệ nhằm tạo ra sự liên đới đích thực trên bình diện đạo đức xã hội. Nguyên tắc liên đới đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng họ chính là người mắc nợ xã hội mà trong đó họ là thành viên.

5. Công Bằng Xã Hội là một đòi hỏi khẩn thiết. Để đạt mục tiêu, cần phải cải tổ đời sống kinh tế, xã hội và mọi người phải đổi mới tâm thức và thái độ của mình. Không kể những nguyên tắc phải dùng để hướng dẫn việc xây dựng một xã hội cho xứng với con người, học thuyết xã hội Công giáo còn nêu ra các giá trị căn bản sự thật, tự do, công bằng và yêu thương.

Tóm lại, Học thuyết Xã hội Công giáo lấy Thánh Kinh làm chỉ nam, lấy Con Người làm cứu cánh;  nguyên tắc hành động là công ích, bổ trợ, tham gia và liên đới, và căn bản đời sống dựa trên sự thật, tự do và công lý.

 

PHẦN II

Chương V: Gia Đình, tế bào sống động của xã hội

1. Tầm quan trọng và vị trí trung tâm của gia đình so với con người và xã hội là những điều thường xuyên được Thánh Kinh nhấn mạnh. Một xã hội xây dựng trên gia đình chính là một sự bảo đảm tốt nhất cho xã hội khỏi bị cuốn hút theo chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể, vì chỉ trong gia đình, con người mới luôn luôn là trung tâm của mọi sự quan tâm; con người được coi như một mục tiêu chứ không bao giờ bị coi như một phương tiện.

2. Gia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân, đồng thời trên sự tôn trọng ý nghĩa và các giá trị của định chế này, một định chế không tuỳ thuộc con người mà tuỳ thuộc chính Thiên Chúa. Không quyền lực nào có thể xoá bỏ quyền tự nhiên của con người là được kết hôn, cũng không quyền lực nào có thể thay đổi các đặc tính và mục tiêu của hôn nhân. Thật vậy, hôn nhân được phú cho những đặc tính riêng, bẩm sinh và vĩnh viễn. Những nét đặc thù của hôn nhân là: toàn vẹn, hợp nhất, bất khả phân ly, trung tínsinh con cái.

3. Bí tích Hôn Nhân thu nhận thực tại nhân loại của tình yêu vợ chồng với tất cả những hệ luận của tình yêu ấy. Chính nhờ tình yêu “ vốn là thực tại căn bản để định nghĩa hôn nhân và gia đình “ mà mỗi người, nam hay nữ, được nhìn nhận, được chấp nhận và được tôn trọng theo đúng phẩm giá của mình. Tình yêu cũng được biểu lộ qua việc quan tâm rộng rãi tới những người cao tuổi sống trong các gia đình: sự có mặt của họ có thể mang giá trị rất lớn.

4. Giáo hội vẫn không mệt mỏi nhắc lại giáo huấn sau đây của mình: “Mọi người, dù là nam hay nữ, đều cần nhận ra và chấp nhận bản sắc tính dục của mình. Chính bản chất của tình yêu vợ chồng đòi hỏi quan hệ hôn nhân phải bền vững và bất khả phân ly. Đưa ly dị vào trong pháp chế dân sự là tiếp sức thêm cho quan niệm tương đối hoá sự ràng buộc của hôn nhân. Tuy nhiên, Giáo hội không hề bỏ rơi những người đã tái kết hôn sau khi ly dị. Giáo hội cầu nguyện cho họ và khích lệ họ vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trong đời sống thiêng liêng, đồng thời nâng đỡ họ trong đức tin và đức cậy.

5. Những sự “kết hợp đã rồi” (de facto unions), mà số này ngày càng gia tăng, đều dựa trên một quan niệm sai lạc về sự tự do lựa chọn của cá nhân và dựa trên một cái nhìn hoàn toàn riêng rẽ về hôn nhân và gia đình. Liên quan tới những sự “kết hợp đã rồi” này là một vấn đề đặc biệt: vấn đề đòi luật pháp nhìn nhận sự kết hợp giữa những người đồng tính luyến ái. Điều ấy bị chống đối. Tuy nhiên, phải tôn trọng những người đồng tính luyến ái một cách đầy đủ trong chính nhân phẩm của họ. Thi hành bổn phận tôn trọng ấy không có nghĩa là bênh vực sự hợp pháp hoá một hành vi không phù hợp với luật luân lý.

6. Chúng ta khẳng định lại rằng phá thai, thử nghiệm trên phôi người, tạo sinh vô tính (cloning), trợ tử (euthanasia), tất cả đều sai trái trên bình diện đạo đức vì chúng tấn công vào chính sự sống con người; mà quyền sống là quyền nền tảng nhất để mọi quyền khác được đặt lên.

7. Một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt về xã hội và văn hoá hiện nay, vì kéo theo nhiều hệ luỵ luân lý nghiêm trọng, chính là nhân bản vô tính. Thuật ngữ này tự nó muốn ám chỉ việc tạo ra một thực thể sinh học hoàn toàn giống với cơ quan đã sinh ra nó, xét về mặt di truyền.

Chương VI: Lao Động của Con Người

1. Lao động là một phần trong tình trạng nguyên thuỷ của con người và đã có trước khi con người phạm tội; bởi đó, lao động không phải là một hình phạt hay là một sự chúc dữ. Trong giáo huấn của mình, Đức Giêsu dạy chúng ta cần phải trân trọng lao động. Trên hết, con người phải quan tâm tới linh hồn mình; giành được cả thế giới không phải là mục đích của cuộc đời con người

2. Cuộc cách mạng Công nghiệp đã đặt ra cho Giáo hội một thách đố hết sức nghiêm trọng, mà huấn quyền xã hội của Giáo hội phải đáp ứng một cách mạnh mẽ và có tính tiên tri, luôn luôn khẳng định những nguyên tắc ngàn đời hữu hiệu để hậu thuẫn những người lao động và bênh vực quyền lợi của họ. Thông điệp Rerum Novarum trên hết là sự chân thành bênh vực phẩm giá bất khả nhượng của người lao động. Từ Thông điệp Rerum Novarum ấy, Giáo hội đã không bao giờ ngừng xem xét các vấn đề của người lao động trong khuôn khổ là một vấn đề xã hội ngày càng mang những chiều hướng toàn cầu.

3. Học thuyết xã hội của Giáo hội không ngừng nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa lao động và tư bản. Quan hệ giữa lao động và tư bản còn được biểu hiện qua việc người lao động tham gia vào việc làm chủ, quản lý và lợi nhuận. Huấn quyền về xã hội của Giáo Hội coi định chế tư hữu, quyền có tư hữu và quyền sử dụng tư hữu cũng là một cách biểu hiện mối tương quan giữa lao động và tư bản. Vì quan hệ kinh tế - tài chính và thị trường lao động ngày càng có tính toàn cầu, nên cần phải đẩy mạnh việc hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia.

 4. Sự thịnh vượng kinh tế của quốc gia không chỉ được đo bằng số lượng của cải quốc gia ấy làm ra, mà còn phải xét tới cách thế mà chúng được làm ra và mức độ công bằng trong việc phân chia lợi tức. Giáo huấn xã hội của Giáo hội nhìn nhận sự chính đáng của việc đình công. Huấn Quyền nhìn nhận vai trò căn bản của các nghiệp đoàn lao động; sự hiện hữu của nó có liên hệ với quyền lập các hiệp hội hay công đoàn để bảo vệ các lợi ích sinh tử của người lao động trong các ngành nghề khác nhau.

5. Càng ngày người ta càng có nhu cầu xem xét cẩn thận tình hình mới mẻ của lao động trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện tại, trong một viễn tượng đề cao khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn thiết lập các mối liên hệ. Thật vậy, lao động là " chìa khóa chính yếu " của cả vấn đề xã hội,  ảnh hưởng đến phát triển không những kinh tế, mà cả đến văn hoá và luân lý của mỗi con người, đến gia đình, xã hội và cả dòng giống nhân loại.

Chương VII: Đời sống Kinh tế

1. Nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể hiểu đúng đắn sự phát triển xã hội, trong khuôn khổ của nền nhân bản toàn diện và liên đới. Của cải, dù được sở hữu một cách chính đáng, luôn luôn có mục tiêu phổ quát; bất cứ hình thức tích trữ nào không chính đáng đều trái đạo đức, vì như thế là công khai đi ngược lại mục tiêu phổ quát đã được Tạo Hoá ấn định cho mọi của cải.

2. Học thuyết xã hội của Giáo hội thừa nhận vai trò thích đáng của lợi nhuận, coi đó như chỉ số đầu tiên cho biết một doanh nghiệp hoạt động tốt. Thị trường tự do là một định chế có tầm quan trọng xã hội vì nó có khả năng bảo đảm cho việc sản xuất hàng hoá và cung ứng các dịch vụ được kết quả thực sự. Học thuyết xã hội của Giáo hội vừa nhìn nhận thị trường là một công cụ không thể thay thế được để điều hoà các hoạt động bên trong của hệ thống kinh tế, vừa chỉ cho thấy thị trường cần phải bám chặt vào các mục tiêu đạo đức của nó, nhằm bảo đảm sự công bằng.

3. Hành động của Nhà Nước và của các cơ quan công quyền khác phải ăn khớp với nguyên tắc bổ trợ và phải tạo ra những tình huống thuận lợi cho mọi người được tự do hoạt động kinh tế. Hành động ấy cũng phải xuất phát từ nguyên tắc liên đới, và phải đặt ra được những giới hạn cho sự độc lập của các bên, để có thể bảo vệ những bên yếu kém hơn. Nhiệm vụ căn bản của Nhà Nước trong các vấn đề kinh tế là xác định một khung pháp lý thích hợp để điều hành các hoạt động kinh tế. Thị trường và Nhà Nước cần phải làm việc ăn ý với nhau và hỗ trợ nhau.

4 Kỷ nguyên chúng ta hiện nay đang được đánh dấu bởi một hiện tượng phức tạp, là sự toàn cầu hoá về kinh tế và tài chính; người ta cũng nhận thấy những rủi ro gắn liền với những chiều hướng mới trong các quan hệ thương mại và tài chính. Thương mại là một yếu tố căn bản làm nên các quan hệ kinh tế thế giới, góp phần quyết định vào việc chuyên biệt hoá một số hình thức sản xuất và sự tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia.

5. Song song với việc toàn cầu hoá ngày càng lan rộng, các tổ chức khác nhau của xã hội dân sự càng phải nhận thức một cách trưởng thành hơn về những nhiệm vụ mới mà mình đang được mời gọi đảm nhận ở cấp độ toàn cầu. Những tổ chức tư nhân phi lợi nhuận cũng có vai trò riêng của mình trong lĩnh vực kinh tế. Những tổ chức ấy có đặc điểm là không ngại tìm cách liên kết tính hiệu quả trong sản xuất với sự liên đới. Muốn có một sự liên đới tương xứng trong kỷ nguyên toàn cầu hoá này, người ta phải bảo vệ các quyền của con người. Phải đặc biệt chú ý tới những nét riêng của mỗi địa phương và những sự khác biệt về văn hoá, có thể bị đe doạ bởi tiến trình kinh tế và tài chính đang diễn ra.

6. Một trong những nhiệm vụ căn bản của những người tích cực tham gia vào các vấn đề kinh tế thế giới là làm sao thực hiện cho nhân loại một sự phát triển toàn diện trong tình liên đới, tức là “phát huy điều tốt của mỗi người và của toàn thể con người”. Theo học thuyết xã hội của Giáo hội, kinh tế “chỉ là một khía cạnh và là một chiều hướng trong toàn bộ hoạt động của con người”.

Chương VIII: Cộng Đồng Chính Trị

1. Giáo hội tuyên bố rằng Đức Kitô “ Đấng chiến thắng sự chết “ đang cai quản vũ trụ đã được Người cứu chuộc. Vương quốc của Người bao gồm cả hiện tại này và sẽ chỉ chấm dứt khi mọi sự được trao lại cho Chúa Cha và khi lịch sử nhân loại đã hoàn tất trong ngày phán xét cuối cùng.

2. Con người là nền tảng và mục tiêu của đời sống chính trị. Đặc điểm trước tiên của một dân tộc là cùng nhau chia sẻ cuộc sống và các giá trị, mà đây chính là nguồn đem lại sự hiệp thông trên bình diện tâm linh và luân lý. Cộng đồng chính trị theo đuổi công ích, khi nó tìm cách tạo ra một môi trường nhân bản, cho phép các công dân thực thi các quyền con người của mình và thi hành trọn vẹn các nghĩa vụ tương ứng của mình. Một cộng đồng có nền tảng vững chắc là khi nó nhắm đến sự phát huy toàn diện của con người và của công ích. Trong trường hợp đó, luật pháp được xác định, được tôn trọng và tồn tại tuỳ theo thái độ liên đới và xả thân cho người lân cận của mình.

3. Mọi tập thể con người đều cần đến quyền bính để  phục vụ công ích và điều hành tập thể ấy. Việc hành xử quyền bính trong quốc gia luôn luôn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý để đem lại mưu cầu công ích. ĐGH Lêo XIII đã nhắc tới hình thức “tam quyền phân lập” mà đương thời được xem như là điểm mới trong Giáo huấn của Giáo hội. Các thể chế chính trị có thể khác nhau, miễn sao các thể chế này mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đoàn đã thừa nhận chúng. Nguyên nhân sâu xa của chế độ độc tài trong thời đại là vì  nó khước từ sự nhìn nhận phẩm giá của con người. Giáo hội đề cao thể chế dân chủ vì nó bảo đảm sự tham gia của người dân vào thể chế chính trị. Tóm lại, quyền hành chính trị phải bảo đảm cho có được một đời sống cộng đồng trật tự và ngay thẳng, không tước đoạt sự hoạt động tự do của các cá nhân và tập thể, nhưng phải điều tiết và định hướng cho sự tự do ấy bằng cách tôn trọng và bảo vệ sự độc lập của các cá nhân và chủ thể xã hội hầu đạt được ích lợi chung.

4. Các công dân, theo lương tâm, không bị buộc phải tuân theo những chỉ thị của chính quyền dân sự, nếu những mệnh lệnh ấy trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý, trái ngược với những quyền căn bản của con người, hay trái ngược với giáo huấn của Tin Mừng. Nhìn nhận luật tự nhiên là nền tảng cho luật thiết định và đặt giới hạn cho luật thiết định; điều đó có nghĩa là chấp nhận rằng: thật là chính đáng khi phản kháng những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu của luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục.

5. Một nền dân chủ đích thực không phải chỉ là kết quả của việc tuân thủ máy móc các luật lệ, mà là kết quả của một sự chấp nhận với niềm xác tín các giá trị đưa tới các tiến trình dân chủ như: phẩm giá của mỗi người, tôn trọng nhân quyền, dấn thân cho công ích như là mục tiêu và tiêu chuẩn hướng dẫn đời sống chính trị. Huấn Quyền nhìn nhận nguyên tắc phân chia quyền hành (nhân quyền) trong một quốc gia là có giá trị.

6. Các đảng phái chính trị có nhiệm vụ tạo điều kiện cho có sự tham gia chính trị cách rộng rãi và cho mọi người có thể tiếp cận với các trách nhiệm chung. Xã hội dân sự là tổng hợp bao gồm các mối quan hệ và các nguồn lực về văn hoá lẫn hiệp hội, mà các mối quan hệ và các nguồn lực này độc lập một cách tương đối với lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhà Nước phải cung cấp một khung pháp lý thích đáng để các chủ thể xã hội được tự do tham gia vào các hoạt động khác nhau của họ, cũng như Nhà Nước phải sẵn sàng can thiệp khi thấy cần, mà vẫn tôn trọng nguyên tắc bổ trợ.

7. Sự tự do lương tâm và sự tự do tôn giáo “liên quan đến con người cả về phương diện cá nhân lẫn phương diện xã hội”. Dù cả Giáo hội lẫn cộng đồng chính trị đều xuất hiện trong các cơ cấu mang tính tổ chức thấy rõ bên ngoài, nhưng tự bản chất, hai bên vẫn rất khác nhau do cách định hình và do mục tiêu hai bên theo đuổi. Giáo hội có quyền được luật pháp nhìn nhận bản sắc chính đáng của mình.

Tóm lại, Gia Đình là nền tảng của cộng đồng nhân loại và là tế bào thiết yếu của xã hội loài người. Lao động là làm cho bản thân nhưng còn làm cho người khác và với người khác. Hoạt động kinh tế nhằm gia tăng các sản phẩm và lợi nhuận, nhưng trước tiên là để phục vụ con người, tôn trọng luân lý và công bằng xã hội. Sau hết, cộng đồng chính trị quy hướng về mỗi công dân, được nhìn nhận một cách tổng quát như những người đang nắm chủ quyền.

Chương IX: Cộng Đồng Quốc Tế

1. Cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý xây dựng trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không có những ràng buộc lệ thuộc làm mất đi hay hạn chế sự độc lập của mỗi quốc gia. Lấy con người làm trọng tâm và thiết lập các mối quan hệ giữa con người với nhau, giữa các dân tộc với nhau theo khuynh hướng tự nhiên, đó chính là những yếu tố căn bản cần thiết để xây dựng một cộng đồng quốc tế đích thực, mà cộng đồng này phải nhắm đến việc bảo đảm cho có công ích toàn cầu cách hữu hiệu. Việc sống chung giữa các dân tộc được xây dựng dựa trên các giá trị từng làm nền tảng để xây dựng các mối quan hệ giữa người với người: đó là sự thật, công lý, liên đới tích cực và tự do.

2. Huấn Quyền nhìn nhận tầm quan trọng của chủ quyền mỗi quốc gia, được hiểu chủ quyền đó như biểu hiện sự tự do cần có để điều khiển các quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Để giải quyết những căng thẳng giữa các cộng đồng chính trị khác nhau mà có thể làm phương hại đến sự ổn định của các quốc gia và an ninh thế giới, cần phải sử dụng các luật chung khi tham gia thương thảo, đồng thời dứt khoát gạt bỏ ý nghĩ có thể tìm được công lý bằng cách sử dụng chiến tranh.

3. Giáo hội là người bạn đường trong cuộc hành trình nhằm thành lập một “cộng đồng” quốc tế đích thực, một cộng đồng đã có một hướng đi rõ rệt khi Tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 1945. Vì quan tâm tới việc chung sống hoà bình và trật tự trong gia đình nhân loại, nên Huấn Quyền đã phải nhấn mạnh tới nhu cầu thiết lập “một thẩm quyền chung mang tính quốc tế nào đó, được mọi quốc gia nhìn nhận và được trao cho quyền lực hữu hiệu, để bảo vệ an ninh nhân danh mọi quốc gia, chăm lo cho công lý và tôn trọng nhân quyền”.

4. Huấn Quyền đánh giá cách tích cực các hiệp hội được hình thành trong xã hội dân sự nhằm hướng dẫn công luận nhận thức các khía cạnh khác nhau của đời sống quốc tế.

5. Tinh thần hợp tác quốc tế đòi hỏi mọi người không những phải có tư duy đúng đắn về thị trường, mà còn có khả năng nhận thức về bổn phận phải liên đới, bảo vệ công lý và bác ái phổ quát. Vào đầu thiên niên kỷ mới này, sự nghèo đói của hàng tỷ người nam cũng như nữ chính là “một vấn đề thách thức nhất cho các lương tâm con người cũng như các lương tâm Kitô hữu”. Cuộc đấu tranh chống nghèo đói tìm được một động cơ mạnh mẽ khi biết rằng Giáo hội chọn lựa và dành tình thương ưu tiên cho người nghèo. Học thuyết xã hội Công giáo cổ vũ các hình thức cộng tác nào có thể giúp các nước nghèo và kém phát triển tham gia thị trường quốc tế. Giáo hội cổ võ việc giảm nợ và xóa nợ cho các nước nghèo không có khả năng hoàn trả.

Chương X: Bảo vệ Môi trường

1. Quan điểm của Thánh Kinh sẽ soi sáng cho người Kitô hữu biết phải có thái độ nào trong việc sử dụng trái đất, cũng như đối với các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật. Những gì Huấn Quyền suy nghĩ về khoa học và công nghệ nói chung đều có thể áp dụng cho vấn đề môi trường và nông nghiệp. Một điểm quan trọng mà mỗi khi ứng dụng khoa học và công nghệ, người ta phải tham chiếu là phải tôn trọng con người, và cũng kèm theo đó là thái độ cần phải tôn trọng các sinh vật khác.

2. Thiên nhiên xuất hiện như một công cụ trong tay con người, và như một thực tại mà con người phải liên tục vận dụng. Hiểu đúng đắn về môi trường sẽ ngăn chặn sự giản lược mang tính thực dụng rằng thiên nhiên chỉ là một đồ vật không hơn không kém mà con người được sử dụng và khai thác tuỳ ý. Đồng thời, chúng ta cũng không được tuyệt đối hoá thiên nhiên, đặt nó lên trên cả phẩm giá con người.

3. Huấn Quyền nhấn mạnh tới trách nhiệm của con người trong việc bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người. Trong tinh thần liên đới quốc tế, cần phải sử dụng các biện pháp khác nhau đối với việc ứng dụng các công nghệ sinh học mới. Trước hết, phải tạo điều kiện để có sự trao đổi thương mại cách công bằng, không áp đặt những điều khoản bất công.

4. Các nhà chính trị, lập pháp và quản lý hành chính phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá các lợi ích tiềm tàng và rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng công nghệ sinh học. Đối với vấn đề sinh thái, giáo huấn xã hội Công giáo nhắc lại rằng của cải trên trái đất là do Thiên Chúa tạo thành để mọi người sử dụng cách khôn ngoan. Chúng phải được chia sẻ một cách công bằng, phù hợp với công lý và bác ái.

Chương XI: Cổ vũ Hòa bình

1. Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn. Nỗ lực xây dựng hoà bình là một việc không bao giờ được tách rời khỏi việc loan báo Tin Mừng, vì đây đúng là “Tin Mừng hoà bình”. Hoà bình không phải chỉ là không có chiến tranh, cũng không phải hạ thấp xuống tới mức chỉ là giữ cho các bên thù địch nhau cân bằng về quyền lực; mà đúng hơn, hoà bình được xây dựng trên việc hiểu rõ con người và đòi phải thiết lập được một trật tự dựa trên nền tảng công lý và bác ái.

2. Hiến chương Liên Hiệp Quốc, được khai sinh từ thảm kịch Thế Chiến Thứ Hai nhằm tránh cho các thế hệ tương lai khỏi tai hoạ chiến tranh, là một bản văn dựa trên một lệnh cấm chung không cho phép nhờ đến vũ lực để giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia, ngoại trừ hai trường hợp: đó là sự tự vệ chính đáng và những biện pháp do Hội đồng Bảo an đưa ra trong phạm vi trách nhiệm gìn giữ hoà bình.

3. Giáo huấn xã hội Công giáo đề nghị mục tiêu “giải trừ quân bị toàn bộ, có cân đối và có kiểm soát”. Sự gia tăng vũ khí một cách kinh khủng là một đe doạ lớn cho sự ổn định và nền hoà bình. Những vũ khí có sức huỷ diệt hàng loạt “ bằng sinh học, hoá học hay hạt nhân “ đang là một mối đe doạ đặc biệt nghiêm trọng. Những ai đang sở hữu những vũ khí ấy phải chịu trách nhiệm rất lớn trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.

4. Khủng bố là một trong những hình thức bạo lực tàn ác nhất gây kinh hoàng cho cộng đồng thế giới hiện nay; nó gieo thù hận, chết chóc, cũng như thôi thúc báo thù và trả đũa. Thật là một điều báng bổ và phạm thượng khi tự xưng mình là kẻ khủng bố nhân danh Thượng Đế.

5. Giáo hội dạy rằng chỉ có thể kiến tạo một nền hoà bình đích thực bằng cách tha thứ và hoà giải. Tha thứ cho nhau không có nghĩa là loại bỏ nhu cầu về công lý và càng không phải là ngăn chặn con đường dẫn đến sự thật. Ngược lại, công lý và sự thật là những đòi hỏi cụ thể để có được sự hoà giải. Ngoài ra, chính qua việc cầu nguyện mà Giáo hội dấn thân vào mặt trận hoà bình.

PHẦN III

Chương XII: Hoc thuyết Xã hội và hoạt động của Giáo hội

1.Trong học thuyết xã hội của mình, Giáo hội trước tiên đưa ra một cái nhìn tổng thể về con người và một sự am hiểu trọn vẹn về những chiều hướng cá nhân và xã hội của con người. Trên hết mọi sự, hoạt động mục vụ của Giáo hội trong lĩnh vực xã hội phải làm chứng cho sự thật về con người.

2Trong bối cảnh của việc dạy giáo lý, điều quan trọng trước hết là phải giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo hội thế nào để thôi thúc người học làm cho các thực tại trần thế thấm nhuần Tin Mừng và mang tính nhân bản. Học thuyết xã hội của Giáo hội phải là nền tảng của một công trình đào tạo sâu sắc và bền bỉ, đặc biệt cho giáo dân. Một sự đào tạo như thế phải để ý đến những bổn phận của họ trong xã hội dân sự.

3. Việc tận dụng học thuyết xã hội để đào tạo các linh mục và các ứng viên chức linh mục cũng không kém phần quan trọng. Các ứng viên này là những người, trong bối cảnh chuẩn bị cho thừa tác vụ, cần phải trau dồi một kiến thức toàn diện về giáo huấn của Giáo hội và về mối quan tâm của Giáo hội trong lĩnh vực xã hội cũng như sự chú ý sâu sắc đối với những vấn đề xã hội của thời đại họ sống.

4. Học thuyết xã hội của Giáo hội là một công cụ ưu việt cho việc đối thoại giữa các cộng đồng Kitô giáo với cộng đồng dân sự và chính trị. Công tác mục vụ trong lĩnh vực xã hội cũng được hiểu là dành cho tất cả các Kitô hữu, những người được mời gọi trở nên những chủ thể sống động để làm chứng cho học thuyết xã hội này.

5. Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin Mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được ăn rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động qua những thực tại trần thế.  Tín hữu giáo dân cần hành động theo tiếng gọi của sự thận trọng, một đức tính làm cho ta có thể nhận ra được sự thiện đích thực trong mọi trường hợp và chọn ra được những phương tiện đúng đắn để đạt được sự thiện đó. Nhờ đức tính này, những nguyên tắc luân lý được áp dụng cách chính xác trong những trường hợp riêng biệt. 

6.  Học thuyết xã hội của Giáo hội vô cùng quan trọng đối với các hiệp hội và phong trào của Giáo hội mà mục tiêu của chúng là hoạt động mục vụ trong xã hội. Sự hiện diện của giáo dân trong đời sống xã hội được tiêu biểu bởi việc phục vụ; đó là dấu hiệu và sự biểu lộ của tình yêu, được thể hiện trong lĩnh vực gia đình, văn hoá, lao động, kinh tế và chính trị theo những khía cạnh đặc trưng. Trong những lĩnh vực dấn thân xã hội của giáo dân, việc phục vụ con người chiếm ưu thế hàng đầu.

7. Cổ vũ một nền văn hoá xã hội và chính trị được gợi hứng từ Tin Mừng phải là một phạm vi hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt đối với tín hữu giáo dân. Các Kitô hữu phải hoạt động sao cho toàn bộ giá trị về chiều hướng tôn giáo của văn hoá được nhìn nhận. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách đối với phẩm chất của cuộc sống con người, cả về mức độ cá nhân lẫn xã hội.

8. Tín hữu giáo dân sẽ coi các phương tiện truyền thông như những công cụ tạo nên và tăng cường sự liên đới. Đối diện với những phức tạp của bối cảnh kinh tế ngày nay, tín hữu giáo dân sẽ được các nguyên tắc của Huấn Quyền về xã hội dẫn dắt trong những hành động của họ. Việc tham gia vào chính trị là một hành động thích đáng và đòi hỏi nhiều nỗ lực để biểu lộ sự dấn thân của Kitô hữu trong việc phục vụ người khác.

Kết Luận: Một nền Văn minh Tình Yêu

1. Trong xã hội hiện đại, con người càng ngày càng kinh nghiệm về một nhu cầu mới là tìm lại ý nghĩa và mục đích của cuộc sống con người. Giáo hội trả lời qua việc công bố Tin Mừng của Đức Kitô, Tin Mừng này giải thoát phẩm giá con người khỏi những tư tưởng đang thay đổi và bảo đảm cho quyền tự do của những người, mà không có luật lệ nào của con người có thể làm được.

2. Giáo hội dạy mọi người, nam cũng như nữ, rằng Thiên Chúa ban tặng cho họ một khả năng thực sự để vượt qua sự dữ và đạt tới sự thiện. Niềm hy vọng của Kitô hữu cho họ một năng lực lớn lao để dấn thân vào lĩnh vực xã hội vì niềm hy vọng này tạo ra sự tự tin vào khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mặc dù sẽ không bao giờ có “một thiên đàng hạ giới”.

3. Mục tiêu trước mắt của học thuyết xã hội của Giáo hội là đề nghị những nguyên tắc và giá trị có thể duy trì một xã hội xứng đáng với con người. Trong số những nguyên tắc ấy, nguyên tắc liên đới bao gồm tất cả mọi nguyên tắc khác một cách chắc chắn. Tình yêu phải hiện diện và thâm nhập vào bên trong mọi quan hệ xã hội. Để làm cho xã hội nhân bản hơn, xứng đáng hơn với con người, phải đem lại một giá trị mới cho tình yêu trong đời sống xã hội “ bao gồm chính trị, kinh tế và văn hoá “ bằng cách làm cho tình yêu đó trở thành một chuẩn mực vững bền và cao nhất cho mọi hoạt động. Chỉ có tình yêu mới có thể biến đổi hoàn toàn con người. Bản chất của đời sống đạo của người kitô hữu chính là sống tốt ba thứ tương quan: tương quan siêu vị (transpersonal relationship: với Chúa), tương quan liên vị (interpersonal relationship: với tha nhân), và tương quan bản vị (intrapersonal relationship: với chính mình).

4. Học thuyết xã hội của Giáo hội đề ra những nguyên tắc cho sự suy nghĩ (xem); nêu lên những tiêu chuẩn cho sự phán đóan (xét); đưa ra những định hướng cho hành động (làm) (sách Giáo Lý, số 2423)

 

 

Tham khảo:

 

- “Nouveau Regard sur la Doctrine Sociale de l’Église”, Hervé Carrier, S.J., Conseil Pontifical Justice et Paix, Cité du Vatican, 1990. Bản tiếng Việt:”Một Cái Nhìn về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo”, tập I và II, bản dịch của Nguyễn Đăng Trúc, Định Hướng, 1999.

- Sưu tập những văn bản của huấn quyền về Học thuyết Xã hội Công giáo của Hội Đồng Giáo Hòang về Công Lý và Hòa Bình, ấn bản Anh văn“The Social Agenda, A Collection of Magisterial Texts”, Rev. Robert A. Sirico & Rev. Maciejo Zieba, Libreria Editrice Vaticana, 00120 Citta Del Vaticano, 2000, bản dịch của Đức Ông Nguyễn Quang Sách, Diễn Đàn Giáo Dân xuất bản, 2004.

- Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, ấn bản Anh văn «  Compendium of the Social Doctrine of the Church », 2004  bản dịch của Ủy Ban Bác Ái thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2007.

- Các Thông điệp Xã hội, Đại Chủng viện Thánh Giuse, 878 trang, 2000.

- Các tài liệu trong cuộc Hội nghị quốc tế về đề tài: Công bằng xã hội, Trách nhiệm Xã hội và Liên đới Xã hội do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam và Tổ chức Công giáo Đức Misereor (German Catholic Action For Human Development ) đồng tổ chức, từ ngày 15 đến 16-10-2007, tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

- Các tài liệu trong cuộc Hội thảo về Học thuyết Xã hội Công giáo được Uỷ Ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đứng ra tổ chức, do tổ chức Công giáo Đức Misereor tài trợ, từ ngày 12 đến 13. 03.2008, tại Toà Giám mục Xuân Lộc.

- Tài liệu làm việc chuẩn bị cho hội thảo từ ngày 12 đến ngày 13.03.2008 tại Toà Giám Mục Xuân Lộc do Uỷ Ban Bác ái Xã hội soạn thảo, 360 trang.

- Các chủ đề liên hệ của : LM Nguyễn Hữu An, Phan Anh, HY O’Brien, GM Bùi Văn Đọc, LM Nguyễn Hồng Giáo, LM Nguyễn Thái Hơp, Christopher Kaczor, HY Phạm Minh Mẫn, SH Huynh Quảng, Andrea Riccardi, LM Nguyễn Ngọc Sơn, LM Vinh Sang, Đ.Ô. Nguyễn Văn Tài, LM Phan Tấn Thành, LM Lê Quang Uy, Lê Quang Vinh.

- Tài liệu của các Giáo Phận Sàgòn, Vĩnh Long, Vinh, St Paul and Minneapolis.

 

 



[1] “Nouveau Regard sur la Doctrine Sociale de l’Église”, Hervé Carrier, S.J., Conseil Pontifical Justice et Paix, Cité du Vatican, 1990. Bản tiếng Việt:”Một Cái Nhìn về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo”, Định Hướng, 1999

[2] “The Social Agenda, A Collection of Magisterial Texts”, Rev. Robert A. Sirico & Rev. Maciejo Zieba, Libreria Editrice Vaticana, 00120 Citta Del Vaticano, 2000

[3] Còn gọi là hỗ trợ hay phụ túc

[4] Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.