Bài 2 : Gia đình thông truyỀn sỰ sỐng

A. Bài hát và lời chào mở đầu

B. Kinh Chúa Thánh Thần

C. Bài đọc Lời Chúa

St 1,27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (St 1,27)

2,18 Đức Chúa là Thiên Chúa phán : “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. 19 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì : hễcon người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. 20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. 21 Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. 22 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.

23 Con người nói :

“Phen này,

đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !

Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra”.

24 Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. (St 2,18-24)

D. Giáo lý Kinh thánh

1. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Tại sao Thiên Chúa đã sáng tạo nên người nam và người nữ ? Tại sao Ngài muốn cho đôi nam nữ này, hơn là các thụ tạo khác, toả sáng hình ảnh Ngài ? Người nam và người nữ yêu thương nhau với trọn bản thân mình, là chiếc nôi Thiên Chúa đã chọn để đặt tình yêu Ngài, để tất cả những người con, trai hay gái, được sinh ra trên thế gian này có thể nhận biết, đón tiếp và sống tình yêu ấy, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà dâng lời ngợi khen Đấng Tạo Hoá.

Những trang Kinh Thánh đầu tiên cho thấy điều tốt lành Thiên Chúa đã dự định cho những thụ tạo của Ngài. Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam và người nữ phẩm giá như nhau nhưng lại dị biệt : người này phái nam, người kia phái nữ. Sự giống nhau kết hợp sự khác biệt phái tính cho phép cả hai bước vào trong cuộc đối thoại sáng tạo, kí kết một giao ước đời sống. Trong Kinh Thánh, giao ước với Đức Chúa đem lại sự sống cho dân, liên quan đến thế giới và lịch sử của toàn thể nhân loại. Điều mà Kinh Thánh dạy về nhân loại và về Thiên Chúa bắt nguồn từ nơi biến cố Xuất Hành, qua đó dân Do thái cảm nghiệm Đức Chúa gần gũi độ lượng và trở thành dân riêng Ngài, khi chấp nhận giao ước mà chỉ nhờ đó dân mới được sống.

Lịch sử giao ước của Đức Chúa với dân riêng Ngài soi sáng cho câu chuyện sáng tạo người nam và người nữ. Họ được tạo dựng nhờ một giao ước không chỉ liên hệ đến chính họ mà còn liên can đến Đấng Tạo Hoá : “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”.

Gia đình sinh ra từ đôi vợ chồng đã được dự định, với sựkhác biệt giới tính, theo hình ảnh Thiên Chúa của giao ước. Nơi gia đình ngôn ngữ thân xác rất được đề cao vì nói lên điều gì đó về chính Thiên Chúa. Giao ước mà một người nam và một người nữ, trong sự khác biệt và bổ túc cho nhau, được mời gọi sống, là hình ảnh và giống như giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân riêng Ngài. Thân xác của người nữ được đặt định để khao khát và đón nhận thân xác người nam và ngược lại, nhưng trước hết điều đó cũng đúng cả về “trí tuệ” và “tâm hồn”.

Cuộc gặp gỡ với một người khác phái luôn khơi dậy sự tò mò, cảm kích, ước muốn được chú ý, được cho đi điều tốt nhất của mình, được tỏ bày giá trị bản thân, được quan tâm, được che chở… ; đó là một cuộc gặp gỡ năng động, chứa đầy năng lượng tích cực, bởi vì trong tương quan với người khác chúng ta khám phá và tăng triển chính mình. Căn tính của phái nam và phái nữ nổi bật cách đặc biệt khi giữa họ phát sinh tình yêu kỳ diệu do gặp gỡ nhau và ước muốn gắn bó bền lâu.

Trong bài tường thuật sách Sáng thế chương 2, Ađam khám phá ra mình là phái nam vào chính lúc ông nhận ra người nữ : cuộc gặp gỡ với người phụ nữ làm cho ông nhận thức và xác định mình là người đàn ông. Việc người nam và người nữ nhận ra nhau làm tan biến sự xấu xa là nỗi đơn độc và vén mở cho thấy điều tốt lành của giao ước vợ chồng. Trái với chủ trương của nhóm ý thức hệ về giới,[1] sự khác biệt giữa hai phái tính rất là quan trọng. Đây là điều kiện tiên quyết cho mỗi người có thể phát triển nhân cách trong việc quan hệ và tương tác với người khác. Khi hai người phối ngẫu tự trao hiến hoàn toàn cho nhau, thì đồng thời họ cũng trao ban chính mình cho con cái sẽ được sinh ra. Tính năng động của việc trao hiến này bị giảm thiểu mỗi khi người ta sử dụng tính dục cách ích kỷ, loại trừ mọi chiều kích mở ra cho sự sống.

2. Con người ở một mình thì không tốt. Để lấp đầy sự đơn độc của Ađam, Thiên Chúa tạo dựng cho ông “một trợ tá tương xứng với ông”. Trong Kinh Thánh hạn từ “trợ tá” (người trợ giúp / đấng phù trợ) hầu hết được dùng với chủ thể là Thiên Chúa, đến nỗi trởthành một tên gọi của Thiên Chúa (“Đức Chúa ở cùng tôi, Ngài là đấng phù trợ tôi” Tv 118,7). Hơn nữa từ “trợ tá” không được hiểu như một sự can thiệp chung chung mà như là một sự cứu viện đến bên kẻ đang gặp nguy tử. Khi dựng nên người nữ như là trợ trá tương xứng cho người nam, Thiên Chúa kéo ông ra khỏi sự đơn độc xấu xa khiến phải chết, và đưa ông vào giao ước ban sự sống : giao ước vợ chồng, theo đó người nam và người nữ trao ban sự sống cho nhau ; giao ước phụmẫu, theo đó người cha và người mẹ thông truyền sự sống cho con cái.

Người nữ và người nam, người này là “trợ tá” cho người kia, người này “đứng trước mặt” người kia, nâng đỡ, chia sẻ, thông truyền, đồng thời loại trừ bất cứ hình thức coi khinh hoặc lấn lướt nào. Phẩm giá ngang bằng nhau giữa người nam và người nữ không cho phép bất cứ một thứ phân giai cấp nào và đồng thời không loại trừ sự khác biệt. Sự khác biệt cho phép người nam và người nữ kết ước với nhau và giao ước này làm cho họ thêm bền vững. Sách Huấn ca dạy như thế : “Cưới vợ là khởi đầu sự nghiệp, là có một trợ lực tương xứng, và một cột trụ để tựa nương. Không có hàng rào, trang trại bị cướp phá, vắng bóng đàn bà, đàn ông sẽ lang thang, rên rỉ” (Hc 36,24-25).

Người nam và người nữ yêu nhau bằng sự ham muốn và dịu dàng của thân xác, cũng như bằng đối thoại sâu xa, họ trở thành những đồng minh nhận ra người này là ân sủng cho người kia, giữ lời đã nói và trung thành với lời giao kết, giúp đỡ nhau hiện thực hóa hìnhảnh Thiên Chúa, xét như là người nam và người nữ, mà họ được mời gọi ngay từ khi tạo thành thế giới. Suốt hành trình đời sống họ nghiền ngẫm ngôn ngữ thân xác và lời nói, bởi vì cả hai đều cần thiết như không khí và nước. Người nam và người nữ cần tránh cạm bẫy của sự im lặng, xa cách và hiểu lầm. Không phải là hiếm vì những nhịp độ của công việc mà họ trở nên mệt mỏi, bớt xén thời gian và nhiệt tình dành cho việc chăm sóc quan hệ vợ chồng : chính lúc đó cần phải có thời gian nghỉ ngơi để cử hành giao ước và ăn mừng cuộc sống.

Việc tạo dựng người nữ xảy ra đang khi người nam ngủ mê. Giấc ngủ mê mà Thiên Chúa giáng xuống cho người nam diễn tả thái độ phó thác cho một mầu nhiệm mà người nam không thể nào hiểu thấu. Nguồn gốc của người nữ được che phủ trong mầu nhiệm Thiên Chúa, cũng giống như đối với đôi vợ chồng khởi nguồn của tình yêu của họ, động lực thúc đẩy họ đến gặp gỡ và thu hút lẫn nhau, từ đó dẫn đến đời sống hiệp thông, vẫn mãi là một mầu nhiệm. Tuy nhiên, có một điều dường như thật chắc chắn : Thiên Chúa đã ghi khắc vào trong quan hệ vợ chồng cái “logic” tình yêu của Ngài, nhờ đó mà điều thiện hảo của sự sống bản thân mình hệ tại nơi sự tự hiến cho người kia.

Tình yêu vợ chồng, thực hiện qua việc lôi cuốn, đồng hành,đối thoại, tình bạn, chăm sóc… bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, là Đấng ngay từ nguyên thuỷ đã đặt định người nam và người nữ như là những thụ tạo biết yêu thương nhau bằng chính tình yêu của Ngài, mặc dầu cạm bẫy của tội lỗi có thểlàm họ mệt mỏi và làm lu mờ mối quan hệ của họ. Thật đáng tiếc, tội lỗi đã thay thế cái logic của tình yêu, của sự tự hiến bằng cái logic của quyền lực, của sự thống trị và của tính tự quyết ích kỷ.

3. Cả hai thành một xương một thịt. Được tạo dựng từ xương sườn người nam, người nữ là “thịt bởi thịt, xương bởi xương của người nam”. Vì lẽ đó, người nữ dự phần vào xác thịt yếu đuối của người nam, và vào cả cái cấu trúc nâng đỡ nó (xương cốt). Sách Talmud có lời bình chú rằng “Thiên Chúa đã không dựng nên người nữ từ cái đầu của người nam để nàng thống trị người nam ; Ngài không tạo dựng nàng từ đôi chân của người nam để nàng phải lụy phục chàng, nhưng Ngài đã dựng nên người nữ từ xương sườn để nàng được ở gần trái tim của chàng”. Những lời này âm vang trong những lời của “người được yêu” trong sách Diễm Ca : “Hãy đặt em như dấu ấn trên trái tim chàng...” (Dc 8,6). Những lời này diễn tả một sự kết hợp sâu xa và mãnh liệt mà tình yêu vợ chồng khát khao và hướng đến như đích điểm.

“Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !” : người đàn ông thốt lên những lời đầu tiên này trước mặt người phụ nữ. Cho đến lúc này chàng đã “làm việc” bằng cách đặt tên cho các loài vật, mà vẫn còn đơn độc, không thể nói lời hiệp thông. Trái lại, khi thấy người phụ nữ trước mặt mình, người đàn ông đã thốt ra những lời kinh ngạc, khi nhận ra nơi nàng một Thiên Chúa cao cả và tình cảm tươi đẹp. Thiên Chúa giao phó công trình tạo dựng của Ngài cho người đàn ông và người đàn bà hiệp thông với nhau, trong ngỡ ngàng, biết ơn và liên đới. Bằng việc kết ước với nhau trong tình yêu, họ sẽ trở nên một “xương thịt duy nhất” theo thời gian.

Kiểu nói “một xương thịt duy nhất” chắc chắn ám chỉ đến con cái, nhưng trước hết nó gợi lên sự hiệp thông liên vị giữa người nam và người nữ hoàn toàn gắn kết với nhau, đến độ tạo thành một thực tại mới. Kết hợp nên một như thế người nam và người nữ có thể và phải sẵn sàng thông truyền sự sống, sẵn sàng đón nhận, bằng cách sinh sản con cái nhưng cũng đồng thời rộng mở cho những hình thức cho và nhận con nuôi. Quả thật, sự thân mật vợ chồng là nơi từ ban đầu đã được Thiên Chúa muốn và đặt định, là nơi sự sống con người không những được thông truyền và sinh ra, mà còn là nơi tập hợp tất cả những tình cảm và các mối quan hệ nhân vị được đón nhận và học hỏi.

Nơi đời sống đôi bạn, vợ chồng sống sự kỳ diệu, tiếp đón, cống hiến, an ủi khi gặp bất hạnh và cô đơn, giao ước và biết ơn vì những việc lạ lùng Thiên Chúa làm. Và như thế họ trở thành mảnh đất tốt cho sự sống con người được gieo vào, nảy mầm và vươn ra ánh sáng. Nơi của sự sống, nơi của Thiên Chúa : đôi vợ chồng nhân loại, khi cùng đón nhận nhau họ hiện thực hoá số phận phục vụ cho công trình tạo dựng và, đồng thời mỗi ngày một trở nên giống Đấng Tạo Hoá hơn, trên hành trình tiến về sự thánh thiện.

E. Lắng nghe Giáo huấn [của Giáo hội]

Trong đời sống gia đình những tương quan liên vị có nền tảng và được nuôi dưỡng bởi mầu nhiệm tình yêu. Hôn nhân Kitô giáo, vốn là mối kết giao mà người nam và người nữ thề hứa yêu nhau trong Chúa suốt đời và với toàn thể con người mình, là nguồn mạch nuôi dưỡng và làm sống động những tương quan giữa mọi thành viên trong gia đình. Không phải tình cờ mà trong những đoạn trích sau đây từ Tông Huấn Familiaris ConsortioEvangelium Vitae, để minh hoạ huyền nhiệm đời sống gia đình, nhắc đi nhắc lại nhiều lần hạn từ “hiệp thông” và “hồng ân”.

Tình yêu, nguồn mạch và linh hồn của đời sống gia đình

Sự hiệp thông vợ chồng là nền tảng trên đó xây dựng sự hiệp thông rộng lớn hơn trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa những anh chị em trong nhà với nhau, giữa những người bà con gần và những thành phần khác của gia đình.

Một sự hiệp thông như vậy bắt nguồn từ những liên hệ tự nhiên ruột thịt và được phát triển cho đến mức toàn thiện thực sự nhân bản, nhờ biết thực hiện và phát triển đến mức trưởng thành những mối liên hệ thiêng liêng còn sâu xa và phong phú hơn, đó là : tình yêu, là linh hồn của những tương quan liên vị giữa những thành phần khác nhau trong gia đình, tình yêu này là sức mạnh bên trong làm nên sự hiệp thông và làm sống động cộng đồng gia đình.

Ngoài ra, gia đình Kitô hữu còn được mời gọi trải nghiệm một sự hiệp thông mới mẻ và độc đáo, củng cố cho sự hiệp thông tự nhiên và nhân bản. Thật vậy, ân sủng củaĐức Giêsu Kitô, người “Anh Cả của một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), theo bản tính và sức năng động nội tại của ơn ấy, là một “ân sủng của tình huynh đệ” như thánh Tôma Aquinô vẫn gọi (S. Th. II· II·, 14, 2, ad 4). Thánh Thần được đổ tràn xuống trong cử hành các bí tích chính là nguồn cội sống động và lương thực vô tận cho sự hiệp thông siêu nhiên tập hợp và nối kết các tín hữu với Đức Kitô và với nhau trong sự hiệp nhất của Hội Thánh Thiên Chúa. Gia đình Kitô hữu là một mặc khải, một sự thực hiện đặc biệt mối hiệp thông này trong Hội Thánh. Vì thế, gia đình Kitô hữu còn được gọi và phải được gọi là “Hội Thánh tại gia” (LG 11 ; x. AA, 11).

Tất cả mọi thành phần trong gia đình, mỗi người theo ơn riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để ngày này sang ngày khác xây dựng mối hiệp thông giữa các ngôi vị, bằng cách biến gia đình thành một “trường học đào tạo nhân tính được hoàn hảo và phong phú hơn” (GS, 52). Điều đó được thể hiện qua việc yêu thương chăm sóc trẻ nhỏ, những người đau yếu, những người già cả, qua những việc phục vụ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày, qua việc chia sẻ của cải, chia sẻ những niềm vui và nỗi khổ. [Familiaris Consortio, 21]

Gia đình được mời gọi can dự vào toàn bộ cuộc sống của các phần tử, từ khi sinh ra cho tới khi qua đời. Gia đình thật là “cung thánh của sự sống… là nơi mà sự sống, hồng ân của Thiên Chúa ban, có thể được đón nhận cách xứng hợp và bảo hộ chống lại bao nhiêu đe dọa chực tấn công, và là nơi mà sự sống có thể phát triển theo những đòi hỏi cho một tăng trưởng nhân bản đích thực”.[2] Vì thế vai trò của gia đình có tính quyết định và không thể thay thế, để xây dựng nền văn hoá sự sống.

Xét như là Giáo Hội tại gia, gia đình được mời gọi loan báo, cử hành và phục vụ Tin mừng về sự sống. Đó là sứ mệnh liên quan trước hết đến đôi bạn, những người được mời gọi để truyền ban sự sống, dựa trên một ý thức luôn được canh tân về ý nghĩa của truyền sinh, coi đó là sự kiện ưu tiên biểu lộ sự sống của con người là một hồng ân được tiếp nhận, để rồi lại được trao ban. Khi tạo nên một sự sống mới, người cha người mẹ như muốn nói rằng đứa con “nếu như là kết quả của việc họ tự hiến cho nhau trong tình yêu, thì đến lượt nó, nó trở nên một hồng ân cho cả hai người : một hồng ân phát sinh từ một hồng ân”.[3]

Trên hết chính qua việc giáo dục con cái mà gia đình làm tròn sứ mệnh loan báo Tin mừng về sự sống. Bằng lời nói và bằng gương sáng, trong những tương quan và chọn lựa hằng ngày, và qua những cử chỉ và dấu hiệu cụ thể, cha mẹ khai tâm cho con cái về sự tự do đích thực, vốn được thể hiện trong việc thành thực hiến thân, và vun trồng cho con cái lòng kính trọng đối với người khác, ý thức về công bình, lòng hiếu khách nồng hậu, thái độ đối thoại, tinh thần phục vụ quảng đại, tình liên đới và các giá trị khác giúp ta sống cuộc đời như một hồng ân. Công trình giáo dục của cha mẹ Kitô hữu phải làm sao để phục vụ đức tin của con cái và giúp chúng đáp trả ơn gọi từ Thiên Chúa. Cũng trong sứ mệnh giáo dục của cha mẹ là phải dạy và làm chứng cho con cái biết ý nghĩa thực củađau khổ và sự chết. Dạy cho chúng biết về những điều ấy khi họ biết lưu tâm đến mọi người đang đau khổ mà họ gặp thấy quanh mình, và trước hết, khi họ biết gần gũi cách cụ thể qua sự đỡ nâng và chia sẻ với các thành viên đau ốm và những người già yếu, ngay từ trong gia đình mình. [Evangelium Vitae, 92]

F. Những câu hỏi để thảo luận

Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng :

1. Chúng ta sống như thế nào [để hoà hợp] giữa ham muốn và ân cần trong quan hệ của chúng ta ?

2. Những cản trở nào giăng kín hành trình giao ước thâm sâu của chúng ta ?

3. Tình yêu vợ chồng của chúng ta có rộng mở ra để có con cái, mở ra đối với xã hội và Giáo hội không ?

4. Chúng ta có thể có một quyết định nho nhỏ nào để giúp chúng ta hiểu rõ hơn ?

Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đoàn :

1. Làm thế nào để cổ vũ giá trị tình yêu vợ chồng trong cộng đoàn chúng ta ?

2. Làm thế nào để giúp các gia đình thông tin dễ dàng và giúp đỡ lẫn nhau ?

3. Làm thế nào để giúp những người đang gặp khó khăn trong đời sống vợ chồng và gia đình ?

G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội

H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.

I. Bài hát kết thúc.

 



[1] Ý thức hệ về giới hay lý thuyết phái tính là một khái niệm chính trong ý thức hệ nữ quyền hay chủ trương đồng tính luyến ái. Lý thuyết này phân tách giới (hay phái = gender / bình diện tâm lý xã hội) ra khỏi tính (tính dục = sexuality / bình diện sinh học). Chủ trương này cho rằng giới tính là tập hợp các động thái, hay các kiểu mẫu phản ứng do học tập mà có. Các động thái này có thể thay đổi tùy ý hay do ảnh hưởng xã hội và môi trường chung quanh.

Những người theo ý thức hệ về giới cho rằng loài người không phải chỉ có hai giới (nam/nữ) mà có đến những mười một giới (tính) khác nhau. Họ cho rằng quan điểm chủ trương giới tính đồng nghĩa với giới tính sinh học (dục tính) chính là nguồn gốc đưa đến cho tình trạng kỳ thị những người đồng tính luyến ái và thái độ cố chấp, không khoan dung với những ai khác biệt. [Chú thích của người dịch].

[2] Đức Gioan Phaolô II, Th.đ. Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 39.

[3] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn trước các tham dự viên Hội nghị Giám mục Âu châu về đề tài “Những thái độ đương thời trước việc sinh ra đời và trước cái chết : một thách đố cho việc rao giảng Tin Mừng”(17.10.1989), số 5. Con cái theo truyền thống Kinh Thánh được trình bày cách rõ ràng như là hồng ân của Thiên Chúa (x. Tv 127,3) và như là dấu chỉ phúc lành của Ngài xuống trên những ai đi trong đường lối của Ngài (x. Tv 128,3-4).