Ngày của Cha

 

 

 

CHÚA NHẬT THỨ BA THÁNG SÁU

16/06/2013

 

Ban Mục vụ gia đình – Giới gia trưởng

          Lời ngỏ

 

       Kính thưa quý gia trưởng,

 

          Đã từ lâu ban phụ trách giới gia trưởng muốn có một tờ Gia Trưởng cho những người chồng, người cha, người ông… trong các gia đình công giáo như tờ Hiền Mẫu, nhưng chưa thực hiện được.

 

          Nhân ngày Người Cha năm nay ban phụ trách giới gia trưởng xin gửi đến các gia đình nói chung, cách riêng đến quý ông, quý bố đôi trang vắn vỏi như lời chân tình chia sẻ, như lời hỏi han, như khát khao đồng hành với các gia đình, với quý ông, quý bố trong ơn gọi, trong trách nhiệm, trong hạnh phúc, trong đau khổ, trong hành trình đón nhận, hun đúc và hoàn tất thiên chức mà Chúa đã và đang trao tặng cho những người cha trong gia đình công giáo.

 

          Ước mong sẽ được tiếp tục gửi tới quý gia trưởng những trang về Người Cha trong tương lai.

 

          Kính chào,

          Lm Đaminh Nguyễn Mạnh Tuyên

          Phụ trách – đồng hành Quý Gia Trưởng

Người cha trong mắt con…

 

 

"Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái,

quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đàn con.

ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi,

Ai thảo kính mẹ mình, thì như thu được một kho tàng"

Đức Huấn Ca 3, 3-4

 

 

"Ngày của Cha", ngày mà những người con ý thức về công ơn Cha trong cuộc đời mình. Nói đúng hơn, đó là ngày mà có lẽ hình ảnh người Cha xuất hiện sáng nhất, rõ nhất trong đôi mắt của những người con.

“Người cha trong mắt con” là góc nhìn ít ai nghĩ hoặc ngờ tới, nhưng có khi đó là cách hiểu về người cha cách thấm thía và sâu xa nhất trong trách nhiệm và nhất là trong “thiên chức làm cha".

Thông thường và tự nhiên, ai cũng nghĩ kẻ nói đúng nhất về một người không ai khác hơn là chính người đó: Ai nói đúng nhất về người cha nếu không phải là chính người cha ! Và điều này dường như có thể áp dụng cho mọi trường hợp, bởi nói cho cùng, phải thức đêm mới biết đêm dài, phải gồng gánh hai vai mới biết đời nặng nhọc ! Cũng vì thế mà khi nói về cha mẹ, người ta nghĩ ngay đến trách nhiệm, đến gánh vác, đến lo toan mọi ngày và lo lắng cho con đến hết cuộc đời: “Nước mắt chảy xuôi…”

Tuy nhiên, sách Đức Huấn Ca như mở cho chúng ta một cách nhìn hoàn toàn khác: nhìn từ đứa con, từ tất cả những gì còn đọng lại nơi con, về cha của mình !

Thiên Chúa suy tôn người cha nơi con cái”.

Người cha nào cũng mong mỏi niềm hiếu thảo của con, nhưng cũng đừng quên người con nào cũng mong giữ mãi những hình ảnh thật tốt, thật đẹp về người cha của mình.

Nếu người cha có thể nghĩ, có thể ý thức về bổn phận làm cha thì xin đừng quên những đứa con cũng nghĩ về cha, mong muốn về cha có khi hoàn toàn khác, có khi thiêng liêng đến mức mà chính người cha không ngờ tới !

Thật vậy, mấy người cha còn giữ lại cái khoảnh khắc đã biến đối hoàn toàn cuộc đời mình, khoảnh khắc được một ai đó gọi mình là Cha, là Bố : “Bố ơi!”. Một tiếng kêu mà chưa bao giờ và cũng sẽ không có ai khác gọi mình như thế bao giờ, ngoài chính đứa con của mình !

 “Bố ơi!” có thể là tiếng hạnh phúc nhất mà người “lần đầu tiên làm cha” được nghe, nhưng cũng đừng quên đó là tiếng thiêng liêng nhất mà người con giữ mãi cho đến cuối đời !

“Người cha trong mắt con” chính là ký ức về tiếng gọi thiêng liêng đó, tiếng gọi chỉ dành duy nhất cho một người, và không ai có thể thay thế. Tiếng gọi đó vang lên thực ra không phải một lần, mà là muôn vàn lần, không phải chỉ bên ngoài, mà có khi như tiếng thảng thốt bên trong, giữa những vui mừng và đau khổ, hoặc chỉ toát lên trong hãnh diện hay xấu hổ, trong sợ hãi hay hy vọng của đứa con, như thể cuối cùng người cha vẫn là ký ức không bao giờ quên, như thể vẫn luôn có ai đó ở bên mình, bất chấp tất cả : “Bố ơi !”

Thực ra mọi người cha đều đã từng là con và từng trải qua kinh nghiệm làm con.Thế nhưng, không ít khi, chính những người hôm nay làm cha lại quên ngày xưa mình đã từng bảo vệ “bố” của mình bất chấp mọi sự : “Muốn nói gì cùng được, chửi gì cũng được, nhưng xin đừng động đến “Bố tôi”, đừng chửi “Cha tôi”.

Hoặc chính người đã từng hãnh diện, “bố tôi là như thế” hoặc từng mong mỏi: “giá như bố tôi không… như vậy”, lại quên mất rằng chính những đứa con của mình hôm nay có khi đang xấu hổ vì bố mình là như thế, hoặc thầm mong, “giá bố mình không như thế !”

Và còn bao nhiêu điều người cha có thể nhìn lại hình ảnh của mình trong mắt đứa con, như thể đó là tấm gương sáng và trong nhất, trong hơn nhiều so với chính ý thức của mình… để biết mình có khi thiêng liêng hơn mình tưởng, để hiểu mình có khi cần thiết hơn là chuyện tính toán làm ăn, để cảm thầy mình có khi phải vượt lên trên những đam mê xấu hổ, không phải vì mình mà vì con !

Nếu phải nói đến gia tài hay kho tàng để lại cho con, biết đâu không phải là điều này hay điều nọ, mà có khi là niềm an ủi và đỡ nâng, niềm kiêu hãnh và sức mạnh cho cuộc đời con, vì đã được diễm phúc : “Có được một người cha như thế trong đời…”

 

Con cứ ngủ, màn đêm cha đã mắc,

giữ  trời  khuya,

không để...ánh sao rơi !

 

                   Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm

 

Bố và Con

 

 

          Chuyện kể rằng: Khi sáng tạo người cha, Thiên Chúa bắt đầu bằng việc tạo ra một thân hình cao to. Một thiên thần thấy thế liền thưa:

          Ông Bố kiểu gì lạ vậy, thưa Chúa ? Nếu Chúa định tạo ra những em bé thì sao lại làm ra những ông bố to kềnh như thế? Anh ta sẽ phải quỳ gối mà chơi bắn bi với lũ trẻ, sẽ phải khom lưng để đặt con lên giường, và hẳn là phải cúi gập người để mà hôn con mất!”

          Chúa mỉm cười ý nhị: “Nhưng nếu anh ta có tầm vóc của một đứa trẻ thì ai sẽ làm  cho lũ trẻ phải ngước nhìn lên ?”

          Rồi Chúa tạo ra đôi tay của người cha. Một đôi tay to đùng và gân guốc. Thiên thần lại lắc đầu:

          Chúa có biết mình đang làm gì không vậy? Đôi tay này nhất định là sẽ rất vụng về, làm sao mà xoay sở với kim băng gài tã lót, với những cái nút áo nhỏ xíu, làm sao mà cột nơ hay thắt bím tóc cho con gái mình được?

          Chúa mỉm cười: “Ta biết chứ! Nhưng tay to thế này thì tha hồ mà giữ đủ thứ đồ chơi bọn trẻ làm rơi. Mà Ta thấy nó cũng đủ nhỏ để nâng niu khuôn mặt đứa con đấy chứ!”

          Rồi Chúa làm cho người cha một đôi chân dài và bờ vai rất rộng. Thiên thần lại phàn nàn:

          Đến ngày cuối của công trình sáng tạo rồi đấy, vậy mà Chúa lại làm ra một ông bố không biết ôm con vào lòng! Anh ta mà muốn ôm con thì không khéo lại làm bẹp đứa bé mất!

          Chúa vẫn mỉm cười: “Một người mẹ thì cần biết ôm con vào lòng! Nhưng ông bố thì phải có đôi vai mạnh mẽ để mà kiệu con lên cao, để giữ thăng bằng cho con tập chạy xe đạp và để con có chỗ tựa vào mà ngủ gục chứ !”.

          Rồi Thiên Chúa tạo ra cho người cha một đôi chân to bè mà thiên thần đoan chắc là không thể nào bật dậy lúc sáng khi đứa con đang khóc, còn Chúa thì lại nói đôi chân này rất vững vàng ….Thiên Chúa làm việc suốt cả đêm, rồi Ngài ban cho người cha một ít lời nói, nhưng với một giọng nói đáng tin, dứt khoát và uy quyền. Ngài cũng ban cho người cha một đôi mắt nhìn thấy và hiểu được mọi chuyện, nhưng vẫn trầm tĩnh và khoan dung…

          Cuối cùng, sau khi suy nghĩ rất lâu, Thiên Chúa ban thêm cho người cha những giọt nước mắt. Rồi Ngài quay sang hỏi thiên thần:

Bây giờ ngươi đã hài lòng chưa? Khi người bố cũng có thể yêu thương những đứa con của mình như một người mẹ …chỉ hơi khác kiểu thôi!

Và thiên thần im lặng.

[ x: Nhóm nhân văn, Tình Cha, nxbTrẻ-nxbGiáo dục, tphCM 2006, tr7-9]

 

Vai trò của bố

          Câu chuyện gợi lên hình ảnh người cha thật lý tưởng mà ai cũng mong muốn. Hình ảnh đẹp đẽ đó có thể ít nhiều bị nhạt nhòa đi vì những lời buộc tội giới mày râu về những đau khổ trong đời sống gia đình: bài bạc, rượu chè,  nóng nảy, bạo lực, không tròn trách nhiệm…

          Nhưng bất chấp những yếu đuối không thể chối cãi của cánh đàn ông, không ai có thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của những người cha trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho con cái. Ủy ban Giáo hoàng về gia đình nói : Người cha nào tạo được cho lối sống của mình một phong thái đàn ông  xứng đáng  không nhiễm não trạng gia trưởng hay trọng nam khinh nữ - người cha đó sẽ là một mẫu mực đầy sức lôi cuốn  đối với con trai và khơi lên lòng kính trọng, sự  ngưỡng mộ và cảm nhận an toàn nơi con gái của mình” [Sự thật và ý nghĩa của đời sống tính dục nơi con người, số 59]

          Các nhà chuyên môn giải thích : “Về mặt tâm lý, chính người cha giúp cho đứa con dần thoát ra khỏi cái “tổ kén” của mẹ, nơi đứa con cứ muốn chui vào để tìm sự an toàn; chính người cha cho đứa con sự tự tin và lòng can đảm đối mặt với những trở ngại và đi vào thế giới người lớn. Nếu người cha không hoàn thành sứ mạng của mình, hoặc vì ông bỏ mặc đứa con cho sự che chở quá mức của người mẹ, hoặc vì ông đòi hỏi những điều vượt quá khả năng của đứa con và lúc nào cũng đặt con đối diện với những yếu kém của bản thân, thì con trai ông sẽ rất khó trở thành đàn ông thực sự và con gái ông sẽ mãi là “đứa bé gái”, hoặc ngoan ngoãn  hoặc phản loạn, chứ không trở thành người phụ nữ thực sự” [Jo Croissant, La femme sacerdotale, tr.59].

          Như vậy, trong việc giáo dục và hình thành nhân cách của con cái, vai trò của người cha  hết sức quan trọng và cao quý. Nhưng đó không phải là món hời được  cho không! Quý ông phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để chinh phục nó. Trước hết là chinh phục sự gần gũi của con cái vì con tự nhiên gần mẹ hơn gần cha. Thứ đến, chinh phục sự tin tưởng của con  bằng chính phẩm chất nam tính đích thực của mình. Những đức tính tốt mà người cha thể hiện trong đời sống gia đình sẽ từng ngày thấm vào suy nghĩ và cách hành xử của con, góp phần định hướng cách sống của đứa con: thể hiện niềm tin nơi Chúa trong cuộc sống hằng ngày, tính trung thực và lòng dũng cảm, sự đòi hỏi và lòng khoan dung, sự quan tâm và tinh thần trách nhiệm…

 

Học tập làm bố

          Trở thành bố thì dễ, làm bố thì khó và phải học suốt cả đời. Hãy lắng nghe tâm sự và lời khuyên của một vài người cha. Philipphe Oswald, một trí thức công giáo và là cha của bảy đứa con, khuyên các ông bố hãy bộc lộ tình thương của mình và không nên sợ nói những lời dịu dàng hay những cử chỉ âu yếm đối với con.

a.Dịu hiền

          Cha mẹ nào cũng thương con nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách biểu lộ tình thương chân thành của mình đối với con cái. Hậu quả là nhiều đứa con không cảm nhận được là cha mẹ thương yêu và chấp nhận mình. Về chuyện này các ông bố lại càng kém! Một phần do bản tính đàn ông vốn ‘khô khan”. Khác với phụ nữ, họ (các ông bố) thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc diễn đạt tình cảm. Một phần do quan niệm không hoàn toàn chuẩn xác về nam tính: Đàn ông thì phải cứng rắn, không khóc, không ủy mị… Và người ta nghĩ rằng dịu hiền hay dịu dàng là độc quyền của phụ nữ, của mẹ! Nếu có ông bố nào xa cách, nóng nảy, quát nạt hoặc có lời lẽ nặng nề với con cái, người ta dễ dàng biện bạch: đàn ông mà! Cứ như thể là đàn ông không thể và không cần dịu hiền vậy! Thực ra,tình phụ tử tự bản chất bao hàm sự dịu dàng, chứ không chỉ hiền từ. 

          Xin đừng quên là sự dịu dàng của tình cha phát xuất tự chốn cao xanh, tận nơi cung lòng Thiên Chúa đấy! Kinh Thánh dùng rất nhiều hình ảnh đầy nữ tính để diễn tả tình cha của Thiên Chúa đối với con người. Thánh Kinh đã dùng chữ Rabamim, tiếng Do Thái có nghĩa là lòng- dạ mẹ, để nói về sự dịu dàng nơi tấm lòng hiền phụ của Thiên Chúa. “Đối với ta, Ephraim thật là quí tử, một đứa con cưng, để cứ chốc chốc Ta lại nhắc đến nó, và Ta nhớ canh cánh bên lòng, khiến lòng ruột ta những rạo rực lên vì nó, thương da diết, sấm của Thiên Chúa” [ Giêrêmia 31,20]. Khi khóc thương thành Giê rusalem, Đức Giê su đã dùng một hình ảnh thường chỉ áp dụng cho người mẹ : “Giêrusalem, Giêrusalem, đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, một thể như gà mẹ thâu họp gà con dưới cánh…” [Mt 23,37]. Khi đối xử dịu dàng với con cái, người đàn ông không làm thiệt hại nam tính hay uy quyền của mình mà ngược lại đang thể hiện tình cha theo cách mà chính Thiên Chúa đã làm. 

          P.Oswald tâm sự : “Hãy lục tìm những ký ức xa xưa nhất của bạn, bạn có tìm thấy khuôn mặt cha và mẹ đùa vui với bạn hay dạy bạn học hay không? Về phần tôi, những hình ảnh xa xôi nhất mà tôi lưu giữ được về tuổi thơ của mình là hình ảnh cha tôi kiệu tôi trên vai đi dạo trong rừng, và cũng mùa hè năm đó, cha cho tôi một chiếc xe màu xanh chở đầy những viên bi bằng gỗ. Khi đó tôi vừa tròn ba tuổi”.

b.Nói với con

          Một tác giả khác, Guy Corneau, viết : “Tôi nhớ lại niềm hy vọng sẽ có một cuộc trò chuyện giữa hai bố con, hết tuần này sang tuần khác, tôi thất vọng rồi lại hy vọng.  Tôi ngồi vào chiếc ghế của mẹ, ngay bên cạnh chiếc ghế nơi bố ngồi đọc báo. Tôi mãi ao ước bố sẽ nói với tôi điều gì đó, kể cho tôi nghe cái gì cũng được về công việc của bố hoặc là chuyện phi thuyền bay lên vũ trụ… Gì cũng được, chỉ cần bố nói với tôi thôi. Tôi cố gắng tìm ra những câu hỏi có thể làm bố quan tâm. Tôi làm ra vẻ đàn ông, tôi cần được bố nhìn nhận biết chừng nào. Nhưng chỉ hoài công!...” [Guy Corneau, Père manquant, fils manqué, tr.14-15]

          Và ông kết luận : Khi tỏ cho con trai thấy là cháu xứng đáng được người ta nói với mình, các ông bố xác nhận với con : chúng là đàn ông. Một lời nói chia sẻ, một lời trấn an, hay một lời xác nhận, dù là rất ngắn, cũng là một yếu tố nền tảng cho biến cố khởi đầu tuổi trưởng thành …Việc người cha chủ động phá vỡ sự im lặng hay sự nặng nề là cử chỉ có tầm quan trọng không kể xiết đối với  con trai ông. Bất kể lời nói có khiêm tốn đơn sơ thế nào, chỉ cần nó chân thật và không cứng ngắc rập khuôn là được. Bất hạnh thay, rất nhiều người cha chỉ mở lòng ra vào giờ phút cuối đời ! Trách nhiệm mở đường khai lối cho con của người cha không thể bị giới hạn vào một kiểu mẫu hoàn hảo hay một thái độ giả tạo mình là người cha mạnh mẽ. Ngược lại, chỉ nguyên sự chia sẻ chân thành của người cha về phận người mỏng giòn của bản thân là đã có thể đưa đứa con đi tới và gỡ bỏ cho nó khỏi thế lưỡng nan: hoặc là thiên thần hoặc là tội phạm…” [tr.146]

c.Lắng nghe con

          Quy luật vàng cho việc trao đổi giữa cha con là lắng nghe. Rất ít người học lắng nghe, nhất là lắng nghe đứa con mà họ tưởng tượng ra là mình biết rất rõ. Đâu phải cứ đổ ngập đầu ngập cổ đứa con bằng lý lẽ và lời khuyên bảo của mình là đã tạo ra sự trao đổi giữa cha con đâu. Trong thực tế điều trái ngược sẽ xảy ra. Bao lâu mà lời nói chỉ có mục đích là phô bày kinh nghiệm của bản thân hay gây ấn tượng cho người khác, nghĩa là bao lâu lời nói chỉ để khoe mình hay áp đặt thì nó không thể mở đường đi đến với tha nhân. Con đường thật đưa ta đến với người khác bắt đầu bằng một lời nói biết im lặng để lắng nghe. Nói mà biết im lặng. Đó là sự khôn ngoan mà truyền thống ki tô giáo gọi là ‘con tim biết lắng nghe’.

          Lắng nghe là điều rất khó. Nhưng nếu không lắng nghe thì không thể gần gũi, cảm thông. P.Oswald tự hỏi : tại sao người ta lại khó dành thời giờ cho những người mình yêu thương nhất trên đời đến thế? Cuộc sống bận rộn và vội vã khiến người ta cư xử như thể những giây phút dành cho con cái là những phút giây bị đánh cắp! Đánh cắp giờ nghỉ ngơi, đánh cắp giờ giải trí hay giờ làm việc…

          Theo tinh thần ki tô giáo – và điều này cũng thật nhân bản – bí quyết để có thể  lắng nghe là yêu thương vô điều kiện. Yêu con vì chính bản thân đứa con chứ không phải vì đứa con đáp ứng những kỳ vọng của mình! Thương con bất kể  diện mạo, khiếm khuyết hay yếu kém của đứa con, thương con kể cả khi mình không tán thành cách hành xử của con hoặc đứa con không đáp ứng hoài bão của mình.

Điều này thật khó, và vì vậy phải rèn luyện suốt đời. Nhưng đó chính là cách Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta, không phải vì ta dễ thương, mà ngay lúc ta còn là tội nhân. Và chính nhờ tình thương yêu vô điều kiện đó mà chúng ta có hy vọng đổi đời…

 

                             Lm Phêrô Trần văn Hội sưu tầm

 

 

[IMG][IMG]   [IMG]

 

Sáu hình ảnh về người cha

 

1. Có một người cha giữ hai cuốn nhật ký viết về con gái. Trong đó có một cuốn anh viết khi con đang còn trong bụng mẹ. Chín tháng mười ngày trải dài trong 100 trang viết khắc khoải mong chờ đứa con đầu lòng.

2. Có một người cha giữ một kỷ vật trong hộp đồ nữ trang gia bảo. Đó là một miếng kẽm hình tròn có đục lỗ đeo dây. Trên cả hai mặt đều ghi chữ số 34. Ít ai biết vật này có giá trị gì mà anh sợ mất nó hơn bất cứ món nữ trang quý giá nào.

Những ngày đầu con gái chào đời là những ngày anh phấp phỏng “lẻn” vào phòng sơ sinh mỗi ngày chục bận, để âu lo dòm vào đứa bé mỏng mảnh đang nằm trong lồng kính và chưa chịu mở mắt. Đứa bé mang số 34. Và những lần cô hộ lý đưa con anh đi tắm là một lần anh mong ngóng hồi hộp nhìn con số 34 để biết chắc rằng con anh không bị “lạc”. Ngày đón con từ bệnh viện về, khi thay áo cho con gái, anh mừng rú lên khi thấy người ta bỏ quên “vật báu” 34 vẫn còn đeo ở cánh tay con. Anh biết đó sẽ là vật quí còn theo anh mãi mãi.

3. Có một người cha khắc những vết khắc lên cột, vạch những vạch vôi lên tường để đo con gái lớn dần trong niềm vui và nỗi lo. Những vết khắc, vạch vôi là những bức tranh nhân bản đẹp tuyệt vời trong bất cứ ngôi nhà nào.

4. Có một người cha cứ trồng thêm một cây khi con thêm một tuổi. Và vườn cây cho con gái cứ nhiều lên trong hạnh phúc đớn đau của người cha khi nghĩ về cái ngày con lên xe hoa về nhà người khác.

5. Tất cả những việc tưởng chừng như “ngớ ngẩn” của người cha dành cho con, để làm gì?

Để một ngày kia con về cùng hạnh phúc
Ba đôi lúc nhìn quanh cho đỡ nhớ nhà mình

Đó là câu thơ của một nhà thơ, anh đã giải thích hộ cho mọi người cha yêu con gái. Rằng đối với cha, con gái có ý nghĩa thân thiết ngự trị vào tất cả là gia đình, là ngôi nhà. Đến mức nếu không còn có con trong ngôi nhà này thì có nghĩa là ngôi nhà cũng không còn, đã xa lạ như nhà của người khác mất rồi. May mắn sao những kỷ vật kia, những vạch vôi, vết khắc kia, “vườn cây-con gái” kia là hiện thân của con qua năm tháng, vẫn còn ở lại. Và thế là cha nhìn quanh, nhìn lên những “hiện thân” ấy để gặp lại một chút nhà mình, cho đỡ nhớ nhà mình.

6. Một ngày nọ vào bệnh viện, thấy một cô bạn gái đang đút cháo cho bố ăn, tôi chợt thấy thảng thốt với câu nói của nhà thơ Thanh Tịnh :

“Bố cho con ăn, con cười, bố cười.

 Con cho bố ăn, bố khóc, con khóc”.

Mới thấy vòng đời ngắn ngủi làm sao!

Mỗi người đều lưu giữ trong tim hình ảnh một người cha. Hình ảnh thứ 7, thứ 8, thứ 7 tỉ xin dành cho bạn, cho những ai được may mắn sinh ra trên Trái Đất này.

Chiều nay đưa tiễn thân phụ một người bạn về bên kia dương gian, chợt thấy mọi thứ tình yêu đều cần phải vội vàng, đâu cứ chỉ tình yêu lứa đôi. Mau lên chứ vội vàng lên với chứ…

Trích từ http: //webcamdong.com/sau-hinh-anh-ve-nguoi-cha.html

 

Mt tình yêu ca b !

Bố đã không hề biết chứng tỏ tình yêu như thế nào. Mẹ là cầu nối của mọi người trong gia đình. Bố chỉ biết đi làm suốt ngày còn ở nhà, mẹ lập danh sách một loạt các tội lỗi của chúng tôi phạm phải trong ngày và bố cằn nhằn chúng tôi.

Có một lần tôi ăn trộm một thanh kẹo, bố buộc tôi phải mang trả lại và bảo người bán hàng rằng tôi đã trộm nó, tất nhiên tôi phải đập heo lấy tiền đền. Nhưng chỉ có mẹ mới hiểu rằng tôi còn là một đứa con nít. Một lần tôi chơi đánh đu bị gãy chân, chính mẹ ẵm tôi trong đôi tay suốt đoạn đường đến nhà thương. Bố chỉ lái xe thẳng đến cửa phòng cấp cứu và khi người ta yêu cầu bố rời xe đi chỗ khác vì nơi đó dành cho xe cứu thương, bố quát lên: “Anh nghĩ đây là cái gì? Xe du lịch hả?”.

Vào những buổi sinh nhật của tôi, bố như kẻ bàng quan, chỉ thổi bong bóng, dọn bàn và làm những việc vặt. Chính mẹ là người trịnh trọng mang chiếc bánh sinh nhật và nến đến cho tôi thổi.

Khi tôi lật cuốn lưu ảnh ra xem, người ta hay hỏi: “Bố em đâu?”. Ai mà biết được, bố luôn luôn ôm máy ảnh chụp hết người này đến người nọ. Tôi có đến một tỷ tấm ảnh tôi và mẹ chụp chung.

Tôi nhớ lại khi mẹ nhờ bố dạy tôi đi xe đạp. Tôi bảo bố đừng bỏ tay ra nhưng bố nói là đã đến lúc rồi. Tôi ngã, mẹ chạy lại định ẵm tôi lên nhưng bố khoát tay ngăn mẹ lại. Tôi giận quá, phải chứng tỏ cho ông ấy biết. Tôi leo ngay lên xe và tự đạp lấy một mình. Bố không hề cảm thấy áy náy một tí nào hết. Bố chỉ mỉm cười.

Khi tôi vào đại học, chính mẹ làm mọi thứ giấy tờ. Bố chỉ gởi những tấm ngân phiếu và lại còn nói rằng sân cỏ nhà mình sẽ đẹp hẳn ra khi không còn tôi quần banh trên đó nữa.

Khi tôi điện thoại về, bố hình như muốn nói chuyện nhưng lại luôn bảo:

- Đợi đấy, bố sẽ gọi mẹ!

Khi tôi lấy vợ, chính mẹ là người khóc, bố chỉ hỉ mũi và bước ra khỏi phòng.

Suốt đời, bố thường nói: “Con đi đâu đấy?”, “Mấy giờ con về?”, “Không, con không thể đi”.

Bố đã không biết chứng tỏ tình yêu như thế nào… trừ ra… Có thể nào bố đã chứng tỏ tình yêu đó mà tôi lại không nhận ra.

Trích trong chuyên mục Những câu chuyện cảm động về cha

http://webcamdong.com/mot-tinh-yeu-cua-bo.html

 

___________________________________________________