Ngày 13: Lắng Nghe Người Khác

 

Thấy thế, vua Sa-un hiểu rằng Đức Chúa ở với ông Đa-vít và cô Mi-khan, con vua, yêu ông. Vua Sa-un càng thêm sợ ông Đa-vít, và vua Sa-un trở thành kẻ thù của vua Đa-vít suốt đời. (1Sm 18: 28-29)

 

Hầu như ai trong chúng ta cũng có một bộ máy gạn lọc vô hình và tinh tế đối với lời nói của những người khác. Qua kinh nghiệm, chúng ta tô màu cho cuộc đời theo cách thế chúng ta kỳ vọng. Lăng kính màu sắc tùy vào cảm xúc nhiều hơn là lý trí. Chính vì nặng phần cảm xúc và kém phần lý trí, sự cân nhắc và đánh giá lời người khác thường không trung thực và đôi khi nguy hiểm.

 

Một người lãnh đạo tốt là một người biết lắng nghe người khác. Đồng ý một phần hay toàn phần phải tùy thuộc vào lý trí hơn là cảm xúc. Lý trí giúp chúng ta mổ xẻ vấn đề và đối chiếu với chân lý để tìm ra sự thật hàm chứa trong dữ kiện. Hãy lắng nghe mọi điều trình bày của người đối diện và không nên tỏ phản ứng để vấn đề được trình bày trọn vẹn. Sự đóng kín hoặc biểu lộ phản ứng nặng phần cảm xúc sẽ làm dữ kiện bị bóp méo do sự tinh tế và hùa theo của đối tượng.

 

Lắng nghe người khác cũng đòi hỏi người lãnh đạo dẹp bỏ những kế hoạch đang gậm nhấm trong đầu. Bởi nếu đầu óc bận rộn với những vấn đề khác sẽ làm họ không chú tâm đến vấn đề được đối tượng trình bày. Điều đó sẽ khiến đối tượng nản chí và thà thinh lặng vì có cảm tưởng bị khinh thường. Để đầu óc vượt khỏi những tư tưởng đang vướng bận cũng đòi hỏi một ý chí mạnh mẽ. Chúng ta hãy nhớ rằng khi đầu óc bận rộn, chúng ta không thể lắng nghe một cách hiệu quả. Sigmund Freud nói: “Một người đau răng không thể yêu!”, nghĩa là cái răng đau khiến người đó không còn bụng dạ nào để ý đến chuyện khác ngoài cơn đau người đó đang hứng chịu. Người Hoa Kỳ cũng có câu: “Đừng nói gì với ngươi thợ xay đá vì tiếng của bạn sẽ bị tiếng máy xay đá át đi và hắn chẳng thể nghe điều bạn nói”.


Mục Lục Quản Trị Mục Vụ
Trở Về Trang Nhà