LỜI MỞ ĐẦU

 

Quản Trị Mục Vụ, một đề tài nghe rất lạ tai đối với nhiều người Việt chúng ta. Nói tới quản trị là nói tới các chức vụ giám đốc, bề trên, lãnh tụ, quản lý, là người đứng đầu, là kẻ ăn trên ngồi trốc, là kẻ cai trị với quyền uy và danh vọng, vân vân và vân vân… Quản trị, như vậy, chỉ nên áp dụng cho xã hội, thương nghiệp, kinh tế, học đường, cho những công việc ngoài đời!… Đã là mục vụ, tại sao còn quản trị?

 

Nếu hiểu hai chữ quản trị như thế thì quả thật chúng ta không nên đem quản trị áp dụng vào các sinh hoạt mục vụ, vì như vậy, là đi ngược với đường hướng mục vụ của Đức Kitô: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải phục vụ anh em” (Mt 20:26). Thực ra, tất cả những định nghĩa nêu trên, chỉ là cái nhìn rất phiến diện về hai chữ quản trị.

 

Hoa Kỳ, từ sau cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế năm 1929, đã thức tỉnh và tìm cách vượt qua những thử thách kinh tế tương tự trong tương lai. Những nỗ lực đáng quí ấy đã sản sinh ra một bộ môn mới và được đưa vào học trình của các đại học đường, ngang hàng với các môn học truyền thống như triết học, thần học, lịch sử, văn chương, nhân văn, và kinh tế, vv… Đó là khoa Quản Trị Học (Leadership/ Management). Quản trị học hình thành và phát triển mạnh mẽ kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi Hoa Kỳ mở rộng thị trường tiêu thụ đến các quốc gia trên thế giới. Nếu trước Đệ Nhị Thế Chiến, các Đại Công Ty Hoa Kỳ đặt cơ sở trên khả năng thiên phú của các nhà lãnh đạo, thì sau Thế Chiến, tất cả các nhân viên nắm giữ các chức vụ quản trị, dù bất cứ ở cấp bậc nào, ngoài những khả năng thiên phú, phải được đào tạo theo bài bản tại trường lớp. Dù là một khâu căn bản nhất trong guồng máy chính trị, xã hội hoặc tôn giáo, vv… người tổ chức hoặc điều hành, đều phải xuất thân từ “lò luyện” quản trị. Tại các Đại Chủng Viện, các ứng viên Linh Mục, đều được đào tạo qua các lớp quản trị học cơ bản. Quản trị học, do đó, đã đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các cơ cấu tổ chức và điều hành tại Hoa Kỳ, đạo cũng như đời.

 

Như vậy, quản trị là gì? Tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống con người xã hội đều qui về hai chữ “người” và “việc” (people and tasks). “Người” nảy sinh ra “việc”, và “việc” phục vụ “người”. “Việc” chỉ phục vụ “người” tới mức tối đa nếu “việc” đạt hiệu năng tối đa. Để “việc” đạt hiệu năng tối đa, “việc” phải được tổ chức và điều hành có trình tự và lớp lang một cách hợp lý và thích hợp với khả năng của “người” và hoàn cảnh môi trường. Người đứng ra tổ chức và điều hành gọi là quản trị viên. Như vậy, quản trị là sự sắp đặt và phân phối nhân sự một cách hợp lý dựa trên khả năng con người và hoàn cảnh môi trường, để công việc tiến hành thuận lợi và đạt hiệu năng mong muốn. Hai chữ quản trị nếu được hiểu như thế thì việc quản trị mục vụ là việc nên làm và cần làm, để công sức của người làm mục vụ không bị lãng phí, và người nhận lãnh mục vụ, sẽ được thừa hưởng nếu không trọn vẹn, thì ít ra cũng nhiều hơn.

 

Khoa quản trị học nhắm đến cả “người” lẫn “việc”. Hai yếu tố “người” và “việc” đều quan trọng ngang nhau. “Việc” phải đạt năng xuất ấn định, và “người” phải được huấn luyện kỹ lưỡng và được đối xử công bằng. Một quản trị viên giỏi, là người vừa đóng trọn vẹn vai trò của một nhà lãnh đạo (leader), vừa là một nhà quản trị (manager). Vai trò lãnh đạo nhắm đến “người” (people concern), và vai trò quản trị thiên về “việc” (task concern). Một quản trị viên chỉ nhắm đến công việc mà thiếu tính lãnh đạo sẽ có xu hướng trở thành một nhà độc tài. Một quản trị viên chỉ quan tâm đến người mà bỏ bê công việc thì chỉ là một bù nhìn.

Sau hơn 20 năm lăn lộn trong ngành quản trị tại các Đại Công Ty của Hoa Kỳ và trong gần 3 năm giảng dạy môn quản trị học cho chương trình Cao Học Quản Trị Kinh Doanh (MBA) tại University of Redlands, tôi có cơ hội trao đổi với nhiều giáo sư quản trị học và các nhà quản trị từ trung tới cao cấp tại nhiều Đại Công Ty khác nhau. Tôi mỗi ngày mỗi nghiệm ra rằng “người” và “việc” mang hệ lụy tính nhưng “việc” vẫn chỉ là hệ quả của “người”. Càng nghiền ngẫm Kinh Thánh và sách Gương Chúa Giêsu, tôi lại càng thâm tín điều đó, dù rằng khoa quản trị học khẳng định rằng “người” và “việc” phải song hành, và phải được quan tâm ngang nhau. Đứng trên quan điểm của kinh tế học, các quản trị gia có lý của họ, nhưng với cái nhìn mục vụ, con người phải đóng vai trò trung tâm điểm của mọi hoạt động. Thực ra, những tư tưởng chủ yếu của khoa quản trị đã được viết trong Kinh Thánh từ nhiều ngàn năm nay. Những tư tưởng này bàng bạc trong khắp các trang sách thánh, và nhất quán từ Cựu sang Tân Ước, mà người thực thi lý thuyết quản trị trọn vẹn chính là Đức Kitô, lãnh tụ tối cao.

 

Trong gần 20 năm sinh hoạt mục vụ tại Hoa Kỳ từ cấp cộng đoàn, cộng đồng, giáo xứ đến giáo khu và tổng giáo phận, tôi có dịp học hỏi mục vụ từ mọi thành phần Dân Chúa, từ thiếu niên, thanh niên đến hàng bô lão kỳ cựu thuộc nhiều sắc dân khác nhau, từ giáo dân, tu sĩ nam nữ, đến hàng giáo sĩ và giáo phẩm. Học hỏi và nghiền ngẫm những thao thức và nhu cầu mục vụ của Cộng Đồng Dân Chúa, tôi càng thao thức tìm kiếm những phương thức thi hành mục vụ hữu hiệu. Phương thức này không gì khác hơn là khoa quản trị học.

 

Tuy nhiên, Giáo Hội là một Cộng Đồng Đức Tin. Chúng ta không thể áp dụng phương thức quản trị kinh tế và xã hội một cách thuần túy như một phương tiện để đạt mục đích mục vụ. Do đó, tôi nghĩ đến việc dùng phương thức quản trị học dưới ánh sáng của Tin Mừng. Tôi tạm gọi đó là Quản Trị Mục Vụ, với yếu tố “người” là chủ yếu, và yếu tố “việc” là thứ yếu. Nói cách khác, “việc” thuần túy là để phục vụ và làm thăng tiến “người”, với phương châm “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20: 28).

 

Mùa Hè năm 2005, tôi đưa gia đình về thăm quê hương sau 25 năm xa cách. Trong chuyến đi ấy, tôi có dịp thăm viếng 14 xứ đạo, phỏng vấn 47 giáo dân, 26 vị Chánh Trương hoặc quí chức phục vụ trong các ban Phần Việc, gặp gỡ vào trao đổi với 18 linh mục hoặc Quản Xứ hay đặc trách các mục vụ chuyên biệt, và một vị Giám Mục. Qua những cuộc thảo luận, tôi lại càng thao thức muốn đóng góp chút gì đó cho Giáo Hội Chúa tại quê nhà. Dĩ nhiên, những điều tôi thu lượm được tại đất nước người, không thể hoàn toàn đem về áp dụng tại quê nhà vì những khác biệt về hoàn cảnh, phương tiện, và khả năng của yếu tố “người”, mặc dù, “việc” thì đều như nhau, vì Giáo Hội là phổ quát, là Công Giáo, và là cùng một gốc ngọn.

 

Để chia sẻ những kinh nghiệm quản trị và sinh hoạt mục vụ dưới ánh sáng Tin Mừng, đến những ai có tâm huyết với Giáo Hội, yêu mến Cộng Đồng Dân Chúa, và đang dấn thân phục vụ tha nhân, bất cứ dưới hình thức nào, tôi xin cùng quí vị suy niệm Lời Chúa mỗi ngày bằng chính ngôn từ và cái nhìn của một người đang làm công việc quản trị. Ước mong phần trình bày của tôi đóng góp một chút nào đó vào công việc phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân của quí vị, hầu đem lại lợi ích thiết thực cho Giáo Hội và Cộng Đồng Dân Chúa.

 

Xin Thiên Chúa chúc lành cho những công việc chúng ta làm.

         

 

J.B. Đào Ngọc Điệp


Mục Lục Quản Trị Mục Vụ
Trở Về Trang Nhà