NGƯỜI THỪA SAI THỜI@

Jos.Vinc. Ngọc Biển

Ngày nay, khi sáng kiến hay sản xuất ra một sản phẩm mặt hàng mới nào, người ta nghĩ ngay đến vai trò của Marketing. Người đóng vai trò Marketing phải là người hoạt bát, am hiểu và có khả năng thuần thục trong lãnh vực này. Nhất là nhàMarketing phải là người nắm bắt thời cuộc chuyển xoay của xã hội và nhu cầu của nó, nhằm giới thiệu sản phẩm của mình sao cho “hot” và hợp “gu” nhất với thị hiếu của khách hàng.

Người tu sĩ thừa sai thời nay cũng không nằm ngoài vòng xoay đó. Đang sống trong một xã hội chuyển vần với những đổi thay từng ngày, chúng ta cũng phải là những người am hiểu và nắm bắt thời cơ sao cho vai trò Marketing Lời Chúa của chúng ta luôn hợp thời. Phải chăng có khác là khác ở chỗ mục đích và nội dung cần chuyển tải: mục đích của chúng ta là làm vinh danh Chúa và cứu các linh hồn. Nội dung của sứ điệp truyền giáo là công bố ơn cứu độ trong và qua Đức Giêsu Kitô.

Qua bài viết này, xin cùng nhau xác định lại căn tính thừa sai, đồng thời cũng làm toát lên tính cấp thiết của việc đào tạo nhà thừa sai, để trở thành một Marketing của“Lời” trong xã hội thời @.com.

Trước khi tìm hiểu về những điều kiện để trở thành nhà thừa sai thực sự, chúng ta cùng tìm hiểu: tu sĩ, bạn là ai?

 

1.  Tu sĩ thừa sai là ai?

Từ sau Công đồng Vaticanô II, cách riêng từ những thập niên cuối thế kỷ 20, hàng giáo sĩ và tu sĩ, kể cả Kitô hữu giáo dân, không ngừng nhắc đến hai từ “Truyền giáo”, hay cụm từ đồng nghĩa “Loan báo Tin Mừng”. Còn cụm từ “Thừa sai” thì đã được đề cập đến ngay từ nhiều thế kỷ trước đó. Bằng chứng cho thấy đã từ rất lâu trong Giáo Hội luôn có những vị thừa sai sẵn sàng từ bỏ quê hương xứ sở của mình để ra đi loan báo Tin Mừng trên khắp thế giới. Ơn gọi thừa sai được bắt nguồn từ lệnh truyền của Chúa Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Tinh thần đó lại được thánh Phaolô xác quyết hết sức hùng hồn khi nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16). Giống như Chúa Giêsu, nhóm Mười Hai lên đường loan báo Tin Mừng và mời gọi người ta hoán cải (x. Mc 1,15). Họ chứng thực lời nói của họ bằng việc ban phát những dấu chỉ giúp củng cố lòng tin của những người nghe họ. Ban phát những bí tích để nuôi dưỡng dân Chúa. Các tông đồ ngày xưa đã hăng hái ra đi vào vườn nho cũng như cánh đồng truyền giáo của Chúa; các môn đệ ngày nay cũng thế, họ cũng hăng say trong sứ mệnh.  Là môn đệ của Đức Giêsu, người tu sĩ có bổn phận loan truyền tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người, mọi nơi và mọi thời.

Như vậy, theo cách hiểu chung chung, thì: “Ơn gọi này là mẫu mực sự dấn thân truyền giáo của Giáo Hội, Giáo Hội luôn cần sự hiến thân quyết liệt và trọn vẹn, cần những động lực mới mẻ và táo bạo [1].

 

Chỉ tình yêu đối với Chúa Giêsu và với con người mới giúp người thừa sai vượt qua được những khó khăn của giai đoạn học tập.

Người tu sĩ thừa sai sống hết mình cho việc tông đồ hiện tại, nhưng cũng được mời gọi sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, và đến bất cứ nơi đâu, mà Giáo Hội và con người cần đến. Để làm bất cứ công việc gì với bất cứ ai, nhằm xây dựng những mối tương quan hiện sinh giữa Thiên Chúa và con người, và mối tương liên nhân vị.

Nói cách khác, tu sĩ thừa sai chính là người ra đi loan truyền Tin Mừng cứu độ của Chúa đến với muôn dân, đồng thời từ bỏ ý riêng, chấp nhận hy sinh với một tâm hồn thanh thoát và nhiệt huyết vì lý tưởng và phần rỗi của các linh hồn.

Khi đã xác định được căn tính của nhà thừa sai, chúng ta sẽ bàn về yếu tố làm nên, hay xây dựng con người của nhà thừa sai thời @.com.

 

2. Bốn cột trụ trong việc đào tạo tu sĩ thừa sai

Nếu loan báo Tin Mừng là lệnh truyền mang tính cấp thiết của Đức Giêsu cho Giáo Hội “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), thì việc đào tạo, hay huấn luyện tu sĩ thừa sai để làm môn đệ cho Chúa trên cánh đồng truyền giáo hẳn là việc nên làm nếu không muốn nói là bắt buộc, bởi lẽ truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, mà người truyền giáo phải là người hội đủ những điều kiện thiết yếu trong lãnh vực này, như: huấn luyện nhân bản; đời sống thiêng liêng; tri thức và mục vụ, nhằm trở nên những tông đồ luôn có tâm hồn thánh thiện, nhiệt thành, lại có kiến thức sâu rộng và có khả năng mục vụ.

Trước hết, đào tạo nhân bản: đào tạo nhân bản là nền tảng của mọi nền đào tạo. Không thể có một nền đào tạo tốt được nếu nhà đào tạo bỏ qua hay sơ xài trong việc huấn luyện nhân bản. Nếu bỏ qua, việc đào tạo kể như bị thiếu hụt trầm trọng và khập khiễng. Đánh mất đi nền đảng cần thiết[2]. Như vậy, đào tạo nhân bản chính là việc giúp cho người tu sĩ trưởng thành để thi hành sứ vụ cách tốt đẹp hơn.

Thứ đến, là việc đào tạo thiêng liêng: đời sống thiêng liêng nơi người thừa sai phải được ví như cành cây luôn gắn liền với thân cây. Việc trao dồi đời sống thiêng liêng phải là điều tiên vàn mang tính bắt buộc. Người thừa sai phải là người kết hiệp mật thiết với Đức Kitô cách sâu xa như hình với bóng, như cành cây tiếp nhựa bởi thân cây. Khi đã có đời sống thiêng liêng sâu đậm, người thừa sai có thể đón nhận mọi niềm vui nỗi buồn dưới cái nhìn mang chiều kích cứu độ[3] và cánh chung.

Tiếp theo, là đào tạo tri thức: xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển tột bậc trong mọi lãnh vực, nhất là lãnh vực khoa học. Trong một môi trường năng động như thế, người thừa sai phải là người am hiểu, thông suốt nhiều trong lãnh vực, nhất là những khoa học thánh. Như thế mới có thể đáp ứng và đồng hành được với những suy tư và phát triển của con người thời nay, nhằm thích ứng với thời cuộc.

Lãnh vực cuối cùng là đào tạo mục vụ: trong lãnh vực này, người môn đệ Đức Kitô nhắm tới đức ái, sự hiệp thông giữa con người với con người, trong đó người môn đệ Đức Kitô phải là người mang lại hạnh phúc cho con người và xã hội mà mình đang phục vụ. Trong lãnh vực này, người môn đệ Đức Kitô phải phác họa chân dung Vị Mục Tử Nhân Lành ngay trong cung cách phục vụ của mình. Đây chính là chiều kích sứ vụ[4]. Mặt khác, người thừa sai am tường sâu xa về lãnh vực này, sẽ giúp cho đương sự nhạy bén và đọc được các dấu chỉ thời đại nhằm đáp ứng kịp thời những khắc khoải, ưu sầu, lo lắng của con người thời nay, hầu mang lại cho họ niềm hy vọng và giúp họ khám phá nhiệm cục cứu độ trong chương trình của Thiên Chúa trên cuộc đời và trong thế giới.

Như vậy, lược qua bốn cột trụ trong việc đào tạo người tu sĩ thừa sai để thấy được tính cấp thiết trong việc đào tạo và những đòi hỏi trong lãnh vực truyền giáo.

 

3.  Thay lời kết

Mong thay, đặc tính hay bản chất của nhà thừa sai là luôn yêu mến Chúa, hăng say ra đi đến với bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì nhằm loan báo Tin Mừng cứu độ cho con người và thế giới hôm nay cách vô vị lợi vì vinh danh Chúa và phần rỗi của các linh hồn. 

Và, nhà thừa sai hôm nay sẽ đáp ứng được tính hiếu tri của con người thời đại nhờ việc năng trao dồi kiến thức. Đồng thời, người thừa sai phải là những người trân quí và có những đức tính tự nhiên (nhân bản) cách trổi vượt nhằm nối kết, thông truyền những giá trị siêu nhiên ngay trong những thực tại trần thế. Mặt khác, họ cũng là những người có một đức tin sâu xa, một đức mến nồng nàn, một tấm lòng quả cảm, để sẵn sàng ra đi loan truyền Tin Mừng cứu độ. Được như thế, nhà thừa sai ngày nay sẽ là những người đáp ứng được những đòi hỏi và thách đố của thời đại @.

 

 


[1] Gioan Phaolô II. Thông điệp Redemptoris missio, ban hành ngày 07-02-1990, số 66.

[2] Xc. Gioan Phaolô IITông huấn Pastores Dabo Vobis, số 43.

[3] Xc. Báo Chia Sẻ, đào tạo tâm linh trong các cộng đoàn tu trì, số 63, tr. 7.

[4] Xc. Báo Chia Sẻ, đào tạo tri thức và mục vụ trong các cộng đoàn tu trì, số 64, tr.5.

 


Năm Đời Sống Thánh Hiến