ƠN GỌI THỪA SAI THÁNH HIẾN: HUYỀN NHIỆM MỘT TÌNH YÊU

 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

Một niềm an ủi và hy vọng cho Giáo Hội Việt Nam hiện nay là: các Chủng Viện, các Dòng Tu, Tu Đoàn và Tu Hội hiện đang rất dồi dào các Tu Sinh và Đệ Tử Sinh. Hiện tình đó quả là đúng như lời các vị Thừa Sai đã khen Giáo Hội Việt Nam: một mảnh đất màu mỡ, phong phú ơn Thiên Triệu.

 

Quả thật, ngày nay tại Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ khao khát tận hiến đời mình cho Chúa qua ơn gọi thánh hiến, để đáp lại tình yêu cao cả, nhiệm mầu Chúa dành cho mình, với mong ước được trở thành nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo. Tuy nhiên, muốn trở thành nhà thừa sai đúng nghĩa như Chúa và Giáo Hội mong muốn, người thừa sai phải hiểu, biết, cảm nghiệm và sống ơn gọi cao quý này như một hồng ân và trách nhiệm...


 

1.   Thừa sai: một ơn gọi đến từ Chúa

 

Trước tiên, ơn gọi thừa sai phát xuất và xây dựng dựa trên ơn gọi căn bản của Bí tích Rửa Tội. Khi lãnh nhận Bí tích này, người tín hữu được tham dự vào ba chức năng của Đức Giêsu là: Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Vì thế, bản chất của người Kitô hữu là truyền giáo. Ơn gọi đó được nuôi dưỡng và trọn vẹn qua việc ta lãnh nhận dồi dào Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thiêm Sức: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18). Trong thư luân lưu của Bộ Giáo sĩ về căn tính truyền giáo của Linh mục,  có nói: “Sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội là sứ vụ được lãnh nhận từ Chúa Giêsu Kitô với ân huệ của Chúa Thánh Thần. Sứ vụ này là duy nhất, và được trao phó cho mọi thành phần Dân Chúa [...]. Sứ vụ này mở rộng cho mọi người, mọi văn hoá, mọi nơi và mọi lúc”#. Thánh Công đồng Vat. II cũng nhắc đến như một lời minh định: “Giáo hội lữ hành trên trần thế tự bản chất là truyền giáo, theo chương trình của Thiên Chúa Cha, và xuất phát từ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần”#.

 

Ơn gọi tận hiến là một huyền nhiệm, sứ mạng thừa sai bắt ngồn từ Thiên Chúa và được Người ủy thác. Thái độ của ta là đón nhận với cả tấm lòng tri ân, quảng đại và xả thân vì sứ vụ. Nói như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16); bởi vì: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”(2 Cr 5, 14) và:  “Đối với tôisống là Đức Kitô” (Pl 1, 21).

 

Tuy nhiên, đứng trước lời mời gọi đầy tình yêu của Thiên Chúa, ít ai có thể coi là xứng đáng và can đảm như ngôn sứ Isaia: “ Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8). Vì thế, nhiều khi lại còn biện minh là không xứng đáng, hay không có khả năng để trở thành một tu sĩ thừa sai cho Chúa, để phục vụ Giáo Hội và được sai đến với muôn dân trên cánh đồng truyền giáo. Lo lắng và băn khoăn là thế, nhưng gẫm lại ta thấy: có ai trong con cái loài người có thể cho là mình xứng đáng, là đủ điều kiện và khả năng tham gia vào công tác tông đồ để gieo trồng và phát triển Hội Thánh Chúa Kitô?


 

2.           Sự yếu đuối của người được sai đi

 

Đọc lại lịch sử cứu độ, ta thấy những phản ứng của Môsê trước lệnh truyền của Chúa để đi đến gặp vua Pharaô, thuyết phục nhà vua cho con cái Iraen ra khỏi Aicập. Ông đã đưa ra nhiều lý lẽ để từ chối, ông nói: Chúa coi, tôi là ai mà dám gặp Pharaô, hay, tôi là người ăn nói không được dễ dàng, không văn hoa làm sao vua Pharaô chịu nghe tôi! Thậm chí ông còn thưa với Chúa rằng: “Chúa ơi xin xá lỗi cho con. Xin Chúa sai ai đi làm môi giới thì sai, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi […] Xin Chúa sai Aharon anh con, anh ấy ăn nói hay hơn con nhiều”( Xh 4,10-13). Ngôn Sứ Isaia lúc ban đầu cũng cảm thấy mình vô dụng trước lời mời gọi của Chúa. Lúc đó, ông đang ở trong đền thờ Giêrusalem thì được Thiên Chúa bày tỏ cho thấy thị kiến. Khi đối diện với vinh quang của Thiên Chúa, ông thấy mình quá bất xứng và đã thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất. Vì tôi là một người môi miệng ô uế!  Làm sao tôi có thể nói nhân danh Đấng Thánh được?” ( Is 6,1-8). Hay như ngôn Sứ Giêrêmia cũng thế thôi. Khi được Thiên Chúa gọi, ông đã phân bua:“Lạy Chúa là Chúa thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói”(Gr 1,6). Ngay cả Đức Maria cũng vậy. Trước lời mời gọi của Chúa qua lời Sứ Thần truyền tin Mẹ sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế. Bàng hoàng, ngỡ ngàng, Mẹ đã thốt lên: việc đó xảy đến thế nào được... (x Lc 1, 26-38).

 

Lo lắng, hoang mang trước một biến cố hay trách nhiệm lớn lao là lẽ thường tình. Nhưng kể như khi con người bất lực thì: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9) và “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh!” ( 2.Cor 12, 10). Vì có ơn Chúa ở cùng.


 

3.           Ơn Chúa bao phủ lên yếu đuối của người được sai

 

Đứng trước những phản ứng vì yếu đuối và bất xứng của con người như vậy, Thiên Chúa đã khẳng định quyền năng và tình thương của Ngài vượt lên trên tất cả:“Ta sẽ ở với ngươi, Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng ngươi, và Ta sẽ chỉ cho ngươi biết những gì người phải làm” (Xh 4,15). Với ngôn sứ Giêrêmia, Chúa cho ông biết rõ ơn gọi và sứ mạng của ông đã được Thiên Chúa tiền định: “Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân” (Gr 1,4). Và, với Mẹ Maria thì:“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà...” (Lc 1, 35). Thánh Phaolô cũng quả quyết: “Tôi là kẻ rốt hết trong dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (Ep 3,8)

 

Như thế, chúng ta đã thấy rõ, ơn gọi phát xuất từ chính cung lòng của Thiên Chúa trong tình yêu thương. Người gọi chúng ta không phải chúng ta có tài cán hay công trạng gì. Người gọi chúng ta chỉ vì Người yêu thương chúng ta. Và,  Người chọn ai thì đồng thời Người cũng ban những ơn cần thiết để người đó chu toàn sứ mạng mà mình đã lãnh nhận từ nơi nơi Người. Điều quan trọng trước tiên là tin: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu nầy: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 5- 6). Niềm tin ấy được Chúa Giêsu củng cố: “Tâm hồn các con đừng sao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14,27. Có thế, sứ mạng truyền giáo mới thực sự khả tín vì nó được khởi đi từ Tình yêu, lớn lên trong Tình yêu và được Tình yêu thúc đẩy. Tuy nhiên, khiêm tốn để trao truyền sứ mạng này là điều cần thiết nếu không muốn nói là cấp bách.


 

4.           Khiêm tốn là yếu tố cần cho sứ vụ truyền giáo của nhà thừa sai

 

Thiên Chúa qua muôn thế hệ, Người vẫn muốn dùng những con người bất toàn, yếu đuối để làm ngôn sứ, làm phát ngôn viên giới thiệu tình yêu của Chúa cho thế giới.

 

Trong bài ca Magnificat, Mẹ Maria đã thốt lên: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không” (Lc 1, 50-53). Sự khiêm tốn là yếu tính của sứ vụ này, qua đó người thừa sai xác định được cái “là” và cái “làm”. Nếu người thừa sai đi trệch con đường này, họ đã làm lu mờ và mất đi lý do hiện hữu và sứ vụ của mình.  Vì thế, “Giáo Hội được mời gọi để phục vụ nhân loại, trong phong cách của vị Thiên Chúa – người: một vị Thiên Chúa không những đảm nhận lấy bản tính nhân loại, trở nên người phàm, mà còn trở nên tôi tớ Thiên Chúa và tôi tớ của con người nữa. Là tôi tớ Thiên Chúa, trong mức độ mà Giáo Hội chỉ sống dựa vào sức mạnh của Lời Chúa, Lời đem lại năng lực ơn cứu độ, Lời của tình yêu trao ban trong những người hèn mọn, ngay cả Lời hiện diện trong những người nghèo và bé mọn. Người tôi tớ đau khổ của Giavê là kiểu mẫu hoàn hảo của sự tự hạ, Chúa Kitô trên thập giá là sự thể hiện cách đầy đủ tình yêu của Thiên Chúa”#.

 

Như vậy, trong tình yêu của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta điều có quyền tin tưởng rằng: Chúng ta có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta. (x. Pl 4,13). Thánh Gioan Maria Vianney cũng quả quyết điều đó khi ngài bị ban Giam Đốc Chủng Viện chê trách chỉ vì học hành kém cỏi không bằng một con lừa. Trong niền xác tin vào ơn Chúa trợ giúp, Ngài nói: Samson chỉ với một cái hàm lừa mà còn đánh bại 3.000 quân Philitinh, huống hồ cả một con lừa như con, lẽ nào Chúa lại không sử dụng vào việc gì được hay sao? Kết quả, trong sự khiêm nhường, ngài đã thành công rực rỡ và lớn lên trong sự cảm nghiêm sâu xa về tình yêu của Thiên Chúa. Cuối cùng Ngài đã đem về cho Chúa biết bao Linh hồn tội lỗi mà ngài vẫn thường gọi đó là “những con cá bự”. Sau này ngài trở thành vị đại thánh và bổn mạng các cha sở trên toàn thế giới.

 

Thay lời kết

 

Như vậy, ta đã thấy rõ: ơn gọi phát xuất từ chính Chúa, do lòng yêu thương của Người từ muôn đời qua muôn thế hệ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chon anh em” (Ga 15,16).  Bổn phận của chúng ta là đáp lại tình yêu ấy bằng chính sự quảng đại, sẵn sàng hiến toàn thân cho Thiên Chúa để Người sử dụng ta theo thánh ý Người trong công trình cứu chuộc thế giới. Tuy nhiên, vì mang trong mình sự yếu đuối, nên ta cần đến ơn Chúa trợ lực để có thể thi hành sứ mạng rao giảng Lời cứu độ cho con người và thế giới. Chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI  đã khơi lên trong phần suy niệm trước phiên khoáng đại đầu tiên của Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 13: “Lời đầu tiên, sáng kiến đích thực, hoạt động thực sự đến từ thiên Chúa và chỉ khi nào chúng ta tháp nhập vào sáng kiến ấy của Chúa, chỉ khi nào chúng ta cầu khẩn sáng kiến ấy của Chúa, thì chúng ta mới có thể trở thành những người rao giảng Tin Mừng - với Chúa và trong Chúa”#. Mặt khác, sự khiêm tốn như một thửa đất tốt để hạt giống của “Lời” được đâm trồi nẩy lộc và sinh nhiều hoa quả tốt tươi.

 

Như vậy, thiết nghĩ ơn gọi thừa sai của chúng ta là tìm thấy sự thật viên mãn về căn tính của mình trong khi là một sự xuất phát từ Chúa Kitô, một sự tham dự đặc thù trong Chúa Kitô và sự tiếp nối chính Chúa Kitô, như thế chúng ta chính là hình ảnh sống động và trong sáng của Chúa Kitô.

 

 


Năm Đời Sống Thánh Hiến