BÀI GIẢNG THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM ĐỨC TIN CỦA ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI

Quảng trường thánh Phêrô

Thứ Năm 11.10.2012

Chư Huynh đáng kính

Anh chị em thân mến,

Vào lúc kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II, hôm nay, chúng ta hết sức vui mừng khai mạc Năm Đức Tin. Tôi hân hoan chào đón tất cả những người hiện diện, cách riêng đức Batôlômêô I, Thượng Phụ giáo chủ của Constantinople, cũng như Ngài Rowan Williams, Tổng giám mục Canterbury. Tôi đặc biệt nghĩ đến các Thượng Phụ và các Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công giáo Đông phương và các vị Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục. Để ghi nhớ Công đồng, mà một số trong chúng ta đang hiện diện nơi đây – mà tôi mến chào – đã có ân huệ sống cách cá nhân, việc cử hành thánh lễ này còn được làm phong phú thêm bởi một vài dấu chỉ đặc biệt: cuộc rước ban đầu nhắc lại cuộc rước không thể quên của các Nghị Phụ khi các ngài long trọng bước vào Vương cung thánh đường này; việc suy tôn Sách Tin Mừng, bản sao của chính sách đó đã từng được dùng suốt Công đồng; bảy Sứ điệp sau cùng của Công đồng cũng như sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo mà tôi sẽ trao vào cuối Thánh lễ trước khi ban Phép lành. Những dấu chỉ này không chỉ nhắc nhở chúng ta bổn phận tưởng nhớ của chúng ta, nhưng chúng còn mang lại cho chúng ta cơ hội vượt quá viễn ảnh này để vượt sang bên kia. Chúng mời gọi chúng ta bước vào sâu xa hơn trong chuyển động thiêng liêng đã làm nổi bật Vatican II, để mang lấy nó và trao cho nó tất cả ý nghĩa của nó. Ý nghĩa này đã là và vẫn là đức tin vào Chúa Kitô, đức tin tông truyền, được thúc đẩy bởi nhiệt huyết nội tâm thúc giục loan báo Chúa Kitô cho mỗi người và cho hết mọi người trong suốt cuộc lữ hành của Giáo Hội trên những nẻo đường của lịch sử.

Mối liên hệ chặt chẽ giữa Năm Đức Tin mà chúng ta khi mạc hôm nay và con đường mà Giáo Hội đã trải qua từ 50 năm qua là rõ ràng: bắt đầu bởi Công đồng, rồi xuyên qua Huấn quyền của Tôi Tớ Chúa Phaolô VI mà, vào năm 1967, đã từng công bố một “Năm Đức Tin”, cho đến Đại Năm Thánh 2000 qua đó Chân phước Gioan-Phaolô II một lần nữa đã đề nghị cho toàn thể nhân loại Chúa Giêsu-Kitô như là Đấng Cứu Độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Giữa hai triều đại giáo hoàng này, đức Phaolô VI và đức Gioan-Phaolô II, có một sự đồng quy hoàn toàn và sâu xa về Chúa Kitô, trung tâm của vũ trụ và của lịch sử, cũng như về lòng nhiệt thành tông đồ đã đưa các ngài đến chỗ loan báo Chúa Kitô cho thế giới. Chúa Giêsu là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Người kitô hữu tin vào Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu, Đấng đã mạc khải cho chúng ta khuôn mặt của Người. Ngài là sự hoàn tất Thánh Kinh và là người giải thích chung cuộc Thánh Kinh. Chúa Giêsu-Kitô không chỉ là đối tượng của đức tin nhưng Ngài còn là, như Thư gởi tín hữu Do Thái nói, “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12, 2).

Tin Mừng ngày hôm nay nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu, được Chúa Cha thánh hiến trong Thánh Thần, là chủ thể đích thực và muôn thuở của việc Phúc Âm hóa. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn” (Lc 4, 18). Sứ mạng này của Chúa Kitô, chuyển động này, được tiếp diễn trong không gian và thời gian, xuyên qua các thế kỷ và các châu lục. Đó là một chuyển động khởi đi từ Chúa Cha và, với sức mạnh của Thánh Thần, mang Tin Mừng cho người nghèo hèn của mọi thời đại, theo nghĩa vật chất và tinh thần. Giáo Hội là dụng cụ đầu tiên và cần thiết của công trình này của Chúa Kitô bởi vì Giáo Hội được kết hiệp với Ngài như thân thể kết hiệp với đầu. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Đó là những gì Đấng Phục Sinh đã nói với các môn đệ và, thổi hơi trên họ, Ngài nói thêm: “Các con hãy lãnh nhận Thánh Thần” (c. 22). Chính Thiên Chúa chủ thể chính của việc Phúc Âm hóa thế giới, xuyên qua Chúa Giêsu-Kitô; nhưng chính Chúa Kitô đã muốn thông ban cho Giáo Hội sứ mạng của Ngài, Ngài đã làm điều đó và đang tiếp tục làm điều đó cho đến tận cùng thế giới bằng việc tuôn ban Thánh Thần trên các môn đệ, chính Thánh Thần này đã ngự trên Ngài và ở trong Ngài trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài, ban cho Ngài sức mạnh «công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha  và cho người mù biết họ được sáng mắt », « trả lại tự do cho người bị áp bức »  « công bố một năm hồng ân của Chúa » (Lc 4, 18-19).

Công đồng Vatican II đã không muốn dành một văn kiện riêng biệt cho chủ đề đức tin. Tuy nhiên, nó đã hoàn toàn được thúc đẩy bởi ý thức và ước muốn phải, có thể nói như thế, đắm mình một lần nữa trong mầu nhiệm Kitô giáo, để có thể một lần nữa đề nghị nó cách hữu hiệu cho con người hiện đại. Về điều này, Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã tuyên bố hai năm sau khi bế mạc Công đồng : « Nếu Công đồng không minh nhiên bàn về đức tin, thì ở mỗi trang nó đều nói đến đức tin, nó nhìn nhận đặc tính trọng yếu và siêu nhiên của đức tin, nó xem đức tin như là toàn vẹn và mạnh mẽ và thiết lập trên đức tin tất cả những khẳng định giáo thuyết của của nó. Chỉ cần nhắc lại một vài khẳng định của Công đồng là đủ […] để nhận thấy tầm quan trọng thiết yếu mà Công đồng, trong sự phù hợp với truyền thống giáo thuyết của Giáo Hội, gán cho đức tin, đức tin đích thực, đức tin mà có Chúa Kitô là nguồn mạch và Huấn quyền của Giáo Hội là kênh thông chuyển” (Bài giáo lý buổi tiếp kiến chung ngày 8.3.1967). Đức Phaolô VI đã diễn tả như thế vào năm 1967.

Nhưng bây giờ chúng ta phải trở lên với người đã triệu tập Công đồng Vatican II và đã khai mạc nó : Chân phước Gioan XXIII. Trong diễn văn khai mạc của mình, ngài đã trình bày mục đích chính của Công đồng bằng những lời này : « Đây là những gì liên quan đến Công Đồng Chung : kho tàng thánh thiêng của giáo thuyết Kitô giáo phải được bảo vệ và được dạy cách hữu hiệu hơn. (…) Mục đích chính của Công đồng nay do đó không phải là thảo luận chủ đề giáo thuyết này hay chủ đề giáo thuyết kia…không cần có một Công đồng cho điều đó…Cần thiết giáo thuyết chắc chắn và bất biến này, mà phải được trung thành tôn trọng, phải được đào sâu và trình bày để đáp lại những đòi hỏi của thời đại chúng ta » (AAS 54[1962], 790.791-792). Đức Giáo Hoàng Gioan đã nói như thế vào lúc khai mạc Công đồng.

Dưới ánh sáng của những lời này, người ta hiểu những gì chính tôi đã có cơ hội trải nghiệm : trong suốt thời gian Công đồng, có một sự căng thẳng cảm động khi đối diện với bổn phận chung làm chiếu sáng chân lý và vẻ đẹp của đức tin trong cái hôm nay của thời đại chúng ta, mà không vì thế hy sinh đi những đòi hỏi của giây phút hiện tại hay giam hãm nó (đức tin) vào quá khứ : trong đức tin vang vọng sự hiện diện vĩnh hằng của Thiên Chúa, Đấng siêu vượt thời gian và tuy nhiên chỉ có thể được tiếp nhận bởi chúng ta trong cái hôm nay độc nhất của chúng ta. Chính vì thế tôi cho rằng điều quan trọng nhất, nhất là đối với một sự kỷ niệm có ý nghĩa như cuộc kỷ niệm này, là làm sống lại trong toàn thể Giáo Hội sự căng thẳng tích cực ấy, ước muốn một lần nữa loan báo Chúa Kitô cho con người thời đại này. Nhưng để nhiệt huyết nội tâm này đối với việc tân Phúc Âm hóa không vẫn chỉ là ảo hay không bị bôi đen bởi sự lờ mờ, nó cần phải dựa vào một nền tảng cụ thể và rõ ràng, và nền tảng này được tạo nên bởi các văn kiện của Công đồng Vatican II trong đó nó tìm thấy sự diễn tả của nó. Vì lý do này, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh đến sự cần thiết trở về, có thể nói như vậy, với « văn tự » của Công đồng – tức là với các bản văn của nó – để khám phá ra tinh thần đích thực của nó, và tôi đã lặp đi lặp lại rằng gia sản đích thực của Công đồng hệ tại nơi chúng. Việc quy chiếu đến các văn kiện bảo vệ khỏi những thái qua hay khỏi sự hoài tưởng lỗi thời hay khỏi những cuộc chạy đua về phía trước và cho phép nắm bắt được tính mới mẻ của nó trong sự liên tục. Công đồng không sản sinh ra điều gì mới lạ trong vấn đề đức tin và đã không muốn cất đi khỏi nó những gì là cổ kính. Đúng hơn, nó bận tâm làm thế nào để chính đức tin tiếp tục được sống trong ngày hôm nay, tiếp tục là một đức tin sống động trong một thế giới đang biến động.

Nếu chúng ta chấp nhận đường hướng đích thực mà Chân phước Gioan XXIII đã muốn ghi khắc cho Vatican II, thì chúng ta sẽ có thể làm cho nó hiện diện trong suốt Năm Đức Tin này, trong con đường duy nhất của Giáo Hội muốn liên tục đào sâu kho tàng đức tin mà Chúa Kitô đã giao phó cho Giáo Hội. Các Nghị Phụ đã muốn trình bày đức tin cách hữu hiệu. Và nếu các ngài đã tin tưởng mở ra cho việc đối thoại với thế giới hiện đại, thì đó là bởi vì các ngài đã vững chắc về đức tin của mình, về sự vững chắc của đá tảng trên đó các ngài dựa vào. Trái lại, trong những năm tiếp theo, nhiều người đã tiếp nhận não trạng đang thống trị mà không có phân định,  tranh luận chính những nền tảng của kho tàng đức tin (depositum fidei) mà bất hạnh thay họ không còn cảm thấy như là của họ nữa trong tất cả chân lý của chúng.

Nếu ngày nay Giáo Hội đề nghị một Năm Đức Tin nữa cũng như việc tân Phúc Âm hóa, thì đó không phải là để cử hành một cuộc kỷ niệm, nhưng bởi vì đó là một sự cần thiết, còn hơn cách đây 50 năm nữa ! Và câu trả lời đưa ra cho sự cần thiết này là câu trả lời được mong muốn bởi các Giáo hoàng và các Nghị Phụ và được chứa đựng trong các văn kiện của nó. Chính sáng kiến lập nên một Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ việc tân Phúc Âm hóa, mà tôi cám ơn vì những nỗ lực được biểu lộ vì Năm Đức Tin, nằm trong viễn ảnh này. Những thập niên vừa qua đã biết đến một « sự sa mạc hóa » thiêng liêng. Những gì mà có nghĩa là một cuộc sống, một thế giới không có Thiên Chúa, vào thời Công đồng, thì người ta đã có thể nhận thấy xuyên qua một số trang bi kịch của lịch sử, nhưng ngày nay bất hạnh thay chúng ta nhìn thấy nó mọi ngày xung quanh chúng ta. Chính sự trống rỗng đã được lan truyền. Nhưng chính từ kinh nghiệm về sa mạc này, về sự trống rỗng này, mà chúng ta có thể khám phá một lần nữa niềm vui đức tin, tầm quan trọng trọng yếu của nó đối với chúng ta, những người nam và người nữ. Trong sa mạc chúng ta tái khám phá giá trị của những gì thiết yếu để sống ; như thế trong thế giới hiện đại, những dấu đói khát Thiên Chúa, đói khát ý nghĩa tối hậu của đời người, là vô số cho dầu chúng thường được diễn tả cách mặc nhiên hay tiêu cực. Và trong sa mạc này, đặc biệt cần phải có những con người có đức tin mà, bằng mẫu gương đời sống của họ, cho thấy con đường tiến về Đất Hứa và như thế nắm giữ thức tỉnh niềm hy vọng. Đức tin được sống mở tâm hồn ra cho Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát khỏi sự bi quan. Ngày nay hơn bao giờ hết, Phúc Âm hóa có nghĩa là làm chứng cho một cuộc sống mới, được Thiên Chúa biến đổi, và như thế chỉ ra con đường. Bài đọc thứ nhất nói với chúng ta về đức Khôn ngoan của người lữ hành (x. Hc 34, 9-13) : cuộc lữ hành là một ẩn dụ về cuộc sống và người lữ hành khôn ngoan là người đã học biết nghệ thuật sống và có khả năng chia sẻ nó với anh chị em của mình – như đó là trường hợp đối với những người hành hương trên Hành Trình Thánh Giacôbê hay trên những con đường khác mà gần đây đã biết đến, không phải tình cờ, một sự hồi sinh. Làm sao mà biết bao người đang cảm thấy nhu cầu trải qua những con đường này ? Chẳng phải là bởi vì họ cảm thấy ở đó, hay ít ra nhận thấy ở đó điều gì đó về ý nghĩa của cuộc sống tại thế của chúng ta ? Như thế, đây là cách thức chúng ta có thể suy nghĩ Năm Đức Tin này : một cuộc hành hương trong những sa mạc của thế giới hiện đại, trong đó chúng ta phải chỉ mang đi những gì là thiết yếu : không gậy, không sắc, không bánh ăn, không tiền bạc và không có hai áo – như Chúa đã nói với các Tông đồ khi sai họ đi truyền giáo (x. Lc 9,3) – nhưng Tin Mừng và đức tin của Giáo Hội mà các văn kiện của Công Đồng Chung Vatican II là sự diễn tả sáng ngời của chúng, cũng như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, đã được công bố cách đây 20 năm.

Chư Huynh đáng kính và anh chị em thân mến, ngày 11.10.1962, lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã được cử hành. Chúng ta phó thác Năm Đức Tin cho Mẹ, như tôi đã làm cách đây một tuần khi tôi đi hành hương đến Loretta. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria luôn chiếu sáng như vì sao trên con đường tân Phúc Âm hóa. Xin Mẹ giúp đỡ chúng ta thực hành lời khuyên của thánh Phaolô Tông đồ : « Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan… Và anh em có nói gì, làm gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha» (Col 3, 16-17). Amen

Tý Linh chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp on by Xuân Bích Việt Nam

 

Mục Lục Năm Đức Tin