Năm đức tin với thánh Tôma - (Bài 35):

Điều răn thứ năm: Chớ sát sinh (Xh 20,13)

(daminhvn.net)

Điều răn thứ năm: Chớ sát sinh (Xh 20,13)

Chúng ta đã quen đọc điều răn thứ năm là “Chớ giết người”. Nếu dịch sát nguyên bản thì phải nói “Cấm giết”, và dĩ nhiên là hiểu về việc giết người. Nhưng có người đã dựa vào nguyên bản để cấm luôn cả việc giết thú vật. Vì thế để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng tôi cố gắng theo sát nguyên bản là “chớ sát sinh”.

Bài giáo lý của thánh Tôma gồm ba phần.

1/ Thứ nhất, tác giả xác định ý nghĩa của điều răn thứ năm: a) không cấm giết thú vật; b) được phép giết người khi hành động nhân danh Thiên Chúa (chẳng hạn khi thi hành pháp luật); c) không được tự sát.

2/ Thứ hai, tác giả kể ra những cách thức phạm tội sát nhân: a) do chính tay mình; b) bằng lời nói; c) đồng lõa trong việc giết người; d) tán thành việc giết người; e) giết linh hồn; f) giết cả linh hồn và thể xác

3/ Tiến thêm một bước nữa, Chúa Giêsu coi việc giận ghét cũng như giết người (Mt 5,21-22). Vì thế tác giả giải thích: a) làm thế nào tránh giận (tuy rằng không phải lúc nào giận cũng có tội); b) đừng giận lâu; c) đừng để cơn giận lẻn vào tim (sinh ra giận ghét); d) đừng để bộc lộ ra lời; e) đừng để nó dẫn tới hành động.

-----------

Luật Chúa dạy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa và người thân cận. Mệnh lệnh đó truyền chúng ta không những phải làm điều tốt mà còn phải tránh điều xấu. Điều xấu nhất mà ta gây ra cho người thân cận là tước mất sự sống của họ, vì vậy mà có điều cấm: “Ngươi chớ sát sinh.”

I. Ý nghĩa của điều luật

Điều răn này đã bị giải thích sai lệch bằng ba cách.

1/ Có người nói rằng không được phép giết súc vật. Nhưng ý kiến này sai, vì con người không phạm tội lỗi gì khi giết những con vật hạ cấp, bởi lẽ chúng đã được đặt dưới sự phục tùng con người.Trật tự thiên nhiên muốn rằng thảo mộc được dùng làm lương thực cho động vật, một vài động vật trở thành lương thực cho các động vật khác, vàtất cả đều trở thành lương thực cho con người, như ta đọc trong sách Sáng thế: “Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi” (St 9,3). Triết gia Aristote cho rằng săn bắn cũng giống như chiến tranh chính đáng[1]. Còn thánh Phaolô cũng viết cho các tín hữu rằng: “Tất cả những gì bán ngoài chợ, anh em cứ việc ăn, không cần phải đặt vấn đề lương tâm” (1Cr 10,25). Vì thế, ý nghĩa của điều răn này là: “Ngươi không được giết người.”

2/ Một số người cho rằng điều răn này tuyệt đối cấm giết người. Vì thế họ cho rằng những thẩm phán tuyên án tử hình theo luật pháp đều là những kẻ sát nhân. Nhưng thánh Augustinô nói rằng qua điều răn nàyThiên Chúa không rút lại quyền sinh sát, bởi vì chúng ta đọc thấy trong Kinh thánh rằng: “Ta cầm quyền sinh tử” (Đnl 32,39). Vì thế, nếu ai buộc phải sát sinh do một lệnh truyền của Thiên Chúa, thì họ được phép làm xét vì lúc ấy là chính Thiên Chúa làm. Thật vậy, mọi luật pháp (công minh) đều là lệnh truyền của Chúa: “Chính nhờ Ta mà vua chúa biết cầm quyền trị nước, các thủ lãnh có những phán quyết công bình” (Cn 8,15). Thánh Tông đồ viết: “Nếu anh em làm điều ác thì hãy sợ, vì quan tòa mang gươm không phải là không có lý do; thật vậy họ là người thừa hành của Thiên Chúa.” (Rm 13,4) Còn ông Môsê cũng đã ra lệnh: “Các kẻ phù thuỷ, ngươi không được để cho sống” (Xh 22, 17). Vì vậy, điều gì hợp pháp đối với Thiên Chúa thì cũng hợp pháp đối với những kẻ thừa hành sự ủy quyền của Ngài. Hẳn nhiên là Thiên Chúa không phạm tội khi Ngài phạt án tử cho kẻ phạm pháp, bởi vì Ngài là Đấng làm luật, như thánh Phaolô đã nói: “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết” (Rm 6,23). Vì vậy kẻ thừa hành của Thiên Chúa cũng không phạm tội[2].

3/ Có những người hiểu rằng điều răn này cấm giết người khác, nhưng lại cho phép giết chính mình. Vì vậy, có những mẫu gương như ông Samson (Tl 16,30), Caton[3] đã tự sát, và một số trinh nữ đã lao mình vào đống lửa, như thánh Âugustin kể lại trong Đô thành của Thiên Chúa (quyển I,27). Tuy vậy, liền đó thánh nhân giải thích như sau: “Ai tự giết mình thì tất nhiên cũng là giết người khác” (Sđd., 13). Do đó không được phép giết một người khác nếu không do quyền bính của Thiên Chúa, thì cũng không được phép giết hại chính mình nếu không do quyền bính của Thiên Chúa hoặc do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, như trường hợp ông Samson. Vì thế, “Ngươi chớ giết người.

II. Những cách thức giết người

Nên biết rằng người ta có thể giết người bằng nhiều cách thức:

1/ Trước hết, có thể giết tự tay mình: “Tay của ngươi đầy những máu” (Is 1,15). Giết một người thì không những trái nghịch với tình yêu, vì tình yêu đã dạy bảo chúng ta hãy yêu người thân cận như chính mình: “Không một kẻ sát nhân nào mà lại có sự sống đời đời nơi chính mình được” (1 Ga 3,15), mà còn trái nghịch với tự nhiên nữa, vì “Sinh vật nào cũng ưa thích đồng loại của mình” (Hc 13,19). Vì thế mà có lời chép rằng: “Ai đánh chết người, thì phải bị giết chết” (Xh 21,12). Kẻ giết người thì còn độc ác hơn cả con sói, bởi vì Aristote cho biết là nếu đưa cho con sói thịt sói thì nó không ăn (De animalibus, IV).

2/ Người ta cũng có thể giết người bằng miệng lưỡi, khi mà ta xúi giục ai đó đi giết người, hoặc bằng cách khiêu khích, vu cáo, mạ lỵ: “Nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo, lưỡi thì sắc bén tựa gươm đao” (Tv 66,6).

3/ Thứ ba, giết người bằng cách trợ giúp kẻ khác giết người,như có lời chép rằng: “Này con, con đừng đi một đường với kẻ sát nhân... Chúng nhanh chân chạy theo điều dữ, lại vội vàng đổ máu người ta” (Cn 1,15-16).

4/ Thứ tư, giết người vì chấp thuận việc sát nhân: “Hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy” (Rm 1,32). Bạn tán đồng việc giết người khi bạn có thể ngăn cản được mà bạn không ra tay, như đã viết: “Hãy lôi kẻ bị điệu đi chết ra khỏi nguy cơ” (Cn 24,11). Bạn cũng tán đồng việc giết người khi bạn có những phương tiện giúp đỡ nhưng bạn đã không làm dobởi lơ đễnh hoặc hà tiện. Vì thế, thánh Ambrôsiô nói rằng: “Khi thấy ai hấp hối vì đói ăn thì bạn hãy cho họ ăn; nếu không thì bạn là kẻ giết chết người đó.

5/ Giết linh hồn

Chúng ta đã xét những trường hợp giết người về thân xác, nhưng có người lại giết chết linh hồn bằng cách tước mất sự sống ân sủng, cụ thể là khi xúi giục ai phạm tội trọng, giống như ma quỷ: “Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân” (Ga 8,44), bởi vì đã lôi kéo con người vào đường tội lỗi.

6/ Giết chết cả linh hồn và thân xác

Sau cùng, có những người giết chết cả thể xác lẫn tâm hồn. Điều này có thể xảy ra bằng hai cách: a) hoặc bằng cách giết các bà mẹ mang thai, vì bà mẹ mang trong bụng cả linh hồn và thân xác của đứa con; b) thứ hai là phạm tội tự sát.

III. Tội nóng giận

Chớ sát sinh”. Trong Tin mừng Matthêu (chương 5), Chúa Kitô dạy rằng sự công chính của chúng ta phải lớn hơn sự công chính trong Luật cũ.Vì thế Người muốn cho những Kitô hữu hãy tuân giữ các điều răn một cách hoàn hảo hơn người Do thái. Lý do là bởi vì ai càng nỗ lực nhiều thì sẽ được phần thưởng lớn hơn: “Ai gieo ít thì gặt ít” (2Cr 9,6). Luật cũ hứa ban những phần thưởng thuộc trần thế này : “Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ” (Is 1,19), còn Luật mới thì hứa ban những điều thiện trên trời vĩnh cửu. Vì thế, sự công chínhdo việc tuân giữ các điều răn cũng cần phải hoàn hảo hơn, một khi trông mong phần thưởng lớn lao hơn.

Trong số những lệnh truyền của Tin mừng, Chúa có đề cập đến tội sát nhân như thế này: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người... Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà” (Mt 5,21-22). Hình phạt này tương đương với tội trạng của luật cũ viết rằng: “Nếu có ai cố tình hại người thân cận tới mức dùng mưu mà giết nó, thì ngươi sẽ lôi kẻ ấy ra khỏi bàn thờ của Ta mà giết chết” (Xh 21,14).

 năm phương thế tránh tội nóng giận.

A. Điều trước tiên là chúng ta đừng để cho mình dễ nổi giận : “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1,19). Tại sao vậy?

1/ Lý do thứ nhất là bởi vì nóng giận là một tội sẽ bị Chúa trừng phạt. Nhưng phải chăng hết mọi thứ giận dữ đều trái nghịch với nhân đức? Có hai ý kiến. Trường phái Khắc kỷ (Stoics) cho rằng người quân tử không để cho xúc động lên lỏi vào trong mình; đối với họ, nhân đức hệ tại chỗ giữ tinh thần được yên tĩnh. Trái lại, trường pháiAristote chủ trương ngược lại: cơn giận có thể lẻn vào người quân tử, nhưng ông làm chủ được nó. Ý kiến thứ hai đúng hơn.

Trước hết thế giá của Kinh thánh chứng minh điều ấy, bởi vì Tin mừng cho thấy cơn giận cũng có nơi Đức Kitô[4], Đấng là nguồn mạch và đầy tràn khôn ngoan. Thứ đến, lý trí cũng chứng thực điều ấy. Thực vậy, giả như tất cả các cảm xúc đều trái nghịch với nhân đức, thì nhiều tiềm lực của linh hồn sẽ trở nên vô dụng và thậm chí còn nguy hại nữa, bởi vì các tiềm lực ấy sẽ không có hoạt động tương xứng; như vậy tiềm lực tấn công và ước mơ sẽ trở thành vô ích.

Vì thế cần nói như thế này: có khi cơn giận là một nhân đức, có khi nó không phải là nhân đức. Thật vậy, ta có thể hiểu sự giận dữ theo ba nghĩa:

a) Thứ nhất, cơn giận chỉ là một phán đoán của lý trí chứ không kèm theo một cảm xúc nào. Trường hợp này không phải là giận dữ theo đúng nghĩa mà chỉ là một phán đoán mà thôi. Vì thế, người ta bảo rằng Thiên Chúa nổi cơn giận khi ngài trừng phạt những kẻ độc ác: “Vì tôi đắc tội với Đức Chúa, tôi sẽ phải gánh chịu cơn giận của Người” (Mk 7,9).

b) Kế đến, cơn giận ám chỉ một cảm xúc thuộc giác quan, và có thể xảy ra hai trường hợp. Đôi khi lý trí ra lệnh cho nó hành động và kiềm chế nó trong những giới hạn chừng mực. Điều này xảy ra khi một người nổi giận vì họ phải giận, và trong mức độ cần thiết, do một lý do chính đáng. Cơn giận này là một hành động nhân đức và được gọi là “lòng nhiệt thành”. Vì thế, ông Aristote nói rằng: đức hiền lành không có nghĩa là không hề nổi giận. Giận dữ như vậy thì không phải là tội.

c) Có loại giận dữ thứ ba thoát khỏi sự phán đoán của lý trí, và nó luôn luôn là tội, hoặc tội nặng hay tội nhẹ, tùy theo động lực đưa đến sự giận dữ.

Thật vậy, cần biết rằng có hai thứ tội trọng: có thứ tội trọng do bản chất, có thứ tội trọng do hoàn cảnh. Giết người là một tội trọng tự bản chất bởi vì nó trái nghịch với điều răn của Chúa. Vì thế sự ưng thuận giết người cũng là một tội trọng tự bản chất, bởi vì nếu một hành động là tội trọng thì sự ưng thuận hành động cũng là tội trọng. Tuy nhiên, đôi khi hành động tự bản chất là tội trọng, nhưng động lực không phải là tội trọng bởi vì nó xảy đến ngoài sự ưng thuận của lý trí. Do đó nếu nổi lên một xung động thúc giục phạm tội tà dâm nhưng mà chúng ta không ưng thuận thì không có tội trọng. Đối với sự giận dữ cũng vậy. Sự giận dữ là một cảm xúc nổi lên để sửa trị một điều bất công. Nếu cảm xúc này quá mạnh đến nỗi lôi kéo cả lý trí thì có tội trọng. Nhưng nếu lý trí không chịu ưng thuận thìchỉ là tội nhẹ. Tuy nhiên, nếu cơn giận không phải là một tội trọng tự bản chất thì cho dù lý trí có ưng thuận đi nữa, nó vẫn không phải là một tội trọng. Do đó, câu nói: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà” phải hiểu về cơn giận dẫn đến sự báo thù gây hại nặng nề cho tha nhân và là một tội trọng, bởi vì đã có sự ưng thuận của lý trí.

2/ Lý do thứ hai không nên dễ dàng nổi giận là vì mọi người đều yêu mến sự tự do và ghét sự nô lệ. Thế nhưng người nóng giận thì không làm chủ được chính mình như sách Châm ngôn nói: “Ai có thể chịu đựng sự hung bạo của kẻ nóng giận” (Cn 27,4). Và có lời khác nói rằng: “Đá nặng, cát cũng nặng, đứa ngu nổi giận còn nặng nề hơn” (Cn 27,3).

B. Thứ hai, đừng nên giận lâu

Chúng ta hãy cẩn thận đừng giận lâu: “Hãy run sợ, và đừng phạm tội nữa” (Tv 4,5). Ở chỗ khác trong Kinh thánh lại nói: “Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Lý do đã được Chúa giải thích trong Tin mừng: “Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,25-26).

C. Thứ ba, đừng để cơn giận thâm nhập vào con tim

Chúng ta hãy đề phòng đừng để cho cơn giận gia tăng, trước tiên bằng cách xâm nhập vào con tim, khi nó đưa đến giận ghét. Ở đây, có sự khác biệt giận và ghét: giận thì xảy ra trong giây lát, còn ghét thì kéo dài, vì thế mà nó thành một tội trọng: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3,15). Lý do là bởi vì nó hủy hoại tình yêu, đưa đến việc sát hại chính mình và người anh em.Trong bản tu luật, thánh Augustinôviết: “Giữa anh em đừng có cãi cọ nhau, hoặc nếu có tranh cãi điều gì thì hãy sớm kết thúc, vì sợ rằng cơn giận sẽ gia tăng dẫn đến lòng thù hận, cọng rơm sẽ trở thành cái xà, và linh hồn trở thành kẻ sát nhân.” Trong Kinh thánh lại nói: “Kẻ nóng tính gây ra cãi vã” (Cn 15,18). Ông Giacob cũng nói về hai đứa con Simeon và Lêvi rằng: “Đáng nguyền rủa thay cơn giận dữ của chúng, vì nó vũ phu, đáng nguyền rủa thay cơn lôi đình của chúng, vì nó tàn bạo” (St 49,7).

D. Đừng để cơn giận bùng nổ ra lời nói

Thứ bốn, chúng ta hãy tránh đừng để cơn giận bùng nổ ra lời nói: “Kẻ ngu si biểu lộ chính mình khi giận dữ” (Cn 12,16). Sự biểu lộ diễn ra qua hoặc là bằng những lời nhục mạ hoặc là những lời ngạo mạn. Về những lời sỉ nhục, Chúa đã cảnh cáo: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5,22). Và Thiên Chúa ám chỉ đến lòng kiêu ngạo của người giận dữ qua những lời: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng” (Sđd.). Hơn thế nữa, trong Cựu ước còn nói: “Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan, lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ” (Cn 15,1).

E. Đừng để cơn giận dẫn đến hành động

Cuối cùng, chúng ta phải ý tứ đừng để cơn giận dữ bộc lộ ra hành động. Thực vậy, trong tất cả lối ứng xử, chúng ta phải tuân giữ hai điều, đó là: thi hành sự công bình và lòng thương xót; thế nhưng cơn giận dữ ngăn cản cả hai điều đó: “Vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1,20). Như thế, dù muốn thực thi sự công bình thì cũng không thể làm nổi. Có lần một triết gia nào đó đã nói với người xúc phạm mình rằng: “Nếu tôi không nổi giận thì tôi sẽ trừng phạt anh.” Còn trong Kinh thánh thì nói rằng: “Đứa nóng giận thì độc ác, kẻ thịnh nộ thì bạo tàn” (Cn 27,4), và: “Trong cơn giận, Simeon và Levi đã giết người” (St 49,6).

Vì thế Đức Kitô đã dạy chúng ta không những là đừng phạm tội giết người mà còn đừng giận dữ. Một bác sỹ giỏi thì không chỉ chữa cơn bệnh có thể nhìn thấy mà còn cắt bỏ được gốc rễ của bệnh đó, để cho nó khỏi tái phát. Cũng vậy, Chúa muốn chúng ta tránh xa cội nguồn của tội lỗi; và vì vậy, cần phải tránh xa cơn giận dữ vì nó chính là nguồn gốc của tội giết người.


[1] Sách Politica. Nên biết là thần học Trung cổ biện minh cho chiến tranh “chính đáng” (hợp công lý)

[2] Nên biết là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 2267) đã xét lại sự thích hợp của án tử hình, trước đây được duyệt chính như là quyền tự vệ chính đáng của xã hội.

[3] Marco Ponto Catone tự sát vì lòng yêu nước (năm 46 trước Công nguyên).

[4] Trong Sách Tổng luận thần học (III, q.15, a.3), thánh Tôma đã bàn luận về những “cảm xúc” (passiones, thường dịch là “đam mê”) nơi Đức Giêsu. Theo thánh Tôma, các “cảm xúc” tự nó không tốt không xấu: yêu, ghét, thèm, tởm, vui, buồn, hy vọng, thất vọng, liều, sợ, giận.

 


Mục Lục Năm Đức Tin