I. KHOA HỌC VÀ THƯỢNG ĐẾ

Bạn thân mến,

Sau những giờ phút chúng ta cùng nhau trao đổi về vấn đề Đức Tin, mình cảm thấy hiểu và thông cảm với bạn nhiều hơn trước. Mình thấy một mặt bạn đang bị dao động những nghi vấn về vấn đề Đức Tin do chính lý trí của bạn và những lời phê bình chỉ trích của kẻ khác gây ra: những nghi vấn đó đang nắm lấy đức tin của bạn mà lay tận gốc, như để xem nó vững chắc đến mức độ nào. Nhưng mặt khác, bạn lại cố bám chặt lấy đức tin như người sắp chết đuối cố níu lấy những mảnh ván cuối cùng đang trôi nổi giữa trùng dương đầy sóng gió vì bạn cảm thấy dầu sao đức tin vẫn là lẽ sống của bạn; nếu bạn buông nó ra, bạn sẽ trôi dạt không biết về đâu. Nếu không còn đức tin nữa thì tất cả những nền tảng mà trên đó bạn đã xây dựng đời mình sẽ sụp đổ. Bị chia xẻ giữa hai chiều trái ngược nhau như vậy, bạn rơi vào một tình trạng rối ren bất ổn, hoang mang, lo sợ về cả hai mặt lý trí và cảm tính. Được chia sẻ tâm trạng đó của bạn, mình viết mấy dòng này tới bạn.

Trước hết, mình xin góp ý là bạn đừng phản ứng như kẻ tự nhiên bỗng có cảm tưởng rằng họ có thể đã lầm đường lạc lối rồi đâm ra hoảng hốt, chạy đôn chạy đáo khắp phía lung tung, vì trong sự hoảng hốt đó, bạn quá rõ là càng loay hoay lại càng rối loạn, càng hoảng sợ lại càng đi xa vào đường lạc lối. Vậy, việc đầu tiên là bạn hãy cố gắng giữ cho tâm hồn được bình tĩnh.

Muốn vậy, bạn nên ý thức rằng: sự dao động của bạn hiện nay không có gì đáng làm cho bạn phải hoảng hốt, lo sợ cả: vì đó là một điều rất thường, chẳng những tất nhiên phải xảy ra nữa, vì nó có một tác dụng cần thiết cho đức tin, lợi ích cho đức tin của bạn.

Quả vậy, đức tin không phải là một tĩnh vật như một thoi vàng, một viên ngọc, chỉ cần nhét kín vào két sắt khoá kín là đủ. Đức tin là một sự sống. Mà sự sống nào cũng vậy, cũng phải luôn chuyển động, biến dịch để tăng trưởng, để sinh hoa kết quả. Mà mỗi lần biến dịch và mỗi lần tăng trưởng là phải qua một cơn khủng hoảng. Khủng hoảng là vì phải rời bỏ một thế quân bình cũ chuyển sang một thế quân bình mới do sự thích ứng với những thay đổi ở bên trong cũng như ở bên ngoài. Một em bé lúc tập bò, tập ngồi, tập đi, mọc răng, đều qua những cơn nóng sốt; nam nữ đến tuổi dậy thì chuyển dần sang giai đoạn trưởng thành cũng phải qua một cơn khủng hoảng. Những khó khăn bên trong cũng như những nghịch cảnh bên ngoài, lẽ tất nhiên có thể gây nguy hại, nhưng là điều kiện cần thiết để kích thích cho sự sống được linh hoạt tăng trưởng; nếu quá bình an, thì tuy là ổn định, nhưng sợ rơi vào ù lỳ, khô cứng, nếu không muốn nói là chết cứng.

Thế nên, cơn khủng hoảng về đức tin của bạn hiện nay, dầu là vì lý do gì đi nữa (trí tuệ, tình cảm, đạo đức) và mặc dầu có phần nào đáng lo ngại, nhưng căn bản vẫn là một điều cần thiết và có thể bổ ích nếu bạn biết cách để ra khỏi đó.

Như vậy rốt cuộc phải thấy rằng đó là điều đáng mừng và bạn đã đón nhận lấy nó như một ân sủng với lòng cảm tạ biết ơn. Đáng mừng vì đó là dấu chỉ cho thấy đức tin của bạn sống động chứ không ù lỳ, vì có sống động mới có thắc mắc băn khoăn; và có thể đó là biểu hiện một sự phản tỉnh của một lòng tin đang tự tìm kiếm, tự kiểm điểm lấy chính mình để ý thức hơn nữa (vì chắc là đã có ý thức một phần nào rồi mới có sự dao động) những nhược điểm của mình để cố gắng vươn lên tìm hiểu, bổ khuyết và nhờ đó mà bước sang một giai đoạn khác trên đường trưởng thành sau khi đã khắc phục được cơn thử thách. Đã thấy rõ như trên, chắc là bạn sẽ bình tĩnh hơn, và nhờ vậy sẽ sáng suốt hơn để chúng ta cùng nhau đi vào vấn đề.

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau xét qua một vài nguyên tắc căn bản trong việc truy tầm chân lý. Trong công việc của chúng ta cũng gần như là một cuộc thực nghiệm khoa học, cần phải có phương pháp thích ứng, và nhất là cần phải có một thái độ đứng đắn trước vấn đề chân lý.

Chúng ta sẽ không làm cái việc khó khăn là định nghĩa chân lý là gì. Câu trả lời sẽ đến khi chúng ta kết thúc cuộc trao đổi này. Chúng ta chỉ lưu ý điều này: có nhiều loại chân lý, và mỗi loại đòi hỏi một phương pháp đặc thù, và một thái độ khác nhau của con người đối với nó. Thí dụ: muốn dò xem một người con gái có yêu bạn không mà bạn lại có thái độ và dùng cùng một phương pháp như lúc bạn tìm xem trong một bình nước có chất độc ác-xê-níc không, thì không thể nào bạn đạt kết quả được.

Cho nên, ngay từ bây giờ chúng ta có thể quả quyết rằng nếu Thiên Chúa có thật và ta muốn tìm gặp Ngài (hay chứng minh sự hiện hữu của Ngài) mà ta lại áp dụng phương pháp Pasteur đã dùng để chứng minh có vi trùng, thì chắc là không đạt kết quả. Vì nếu Thiên Chúa có thật, thì Ngài là một đối tượng khác vi trùng. Đối tượng ấy đòi hỏi một phương pháp khác, một thái độ khác.

Ngoài ra, trên nguyên tắc, ai cũng nghĩ rằng mình thích chân lý. Nếu gặp được chân lý, mình sẽ đón nhận ngay. Nhưng thực tế thì khác! Có những loại chân lý chúng ta dễ dàng đón nhận khi nó được phát hiện. Chẳng hạn chúng ta sẵn sàng nhìn nhận rằng: quả thật 2+2=4. Nhưng có những chân lý khác liên quan sâu xa đến cuộc đời của chúng ta, thì chúng ta chưa hẳn lại sẵn sàng chấp nhận nó đâu. Thí dụ: một người cha thông minh lỗi lạc, khó lòng mà nhìn nhận rằng quả thật mình có một đứa con đần độn! Thế rồi nhiều khi tình cảm, tưởng tượng chi phối, che khuất lý trí, đưa đến chỗ có thể phủ nhận ngay cả những sự thật hiển nhiên! Vì vậy, muốn tìm được, và đón nhận được chân lý, phải có cả một sự khắc kỷ, thanh lọc tâm hồnl

Chân lý như mặt trời, tâm trí con người như mặt nước. Nước có trong thì mới soi đúng bóng sự vật. Nước vẩn đục và xáo động, bóng sự vật sẽ bị xáo trộn, lu mờ. Vì thế, người đi tìm chân lý khác nào một kẻ đi tìm thầy học đạo. Phải trai giới khiết tịnh, phải tự kiếm đời sống của mình để giải thoát mình, chẳng những khỏi những dục vọng thấp hèn, mà khỏi cả lòng tự cao tự đại, khỏi những tập quán, những thành kiến cố chấp, hẹp hòi. Khắc phục tình cảm, tưởng tượng để lý trí trở nên thuần khiết. Công việc thanh lọc này cũng như trước khi dùng dao, ta phải mài dũa cho sạch gỉ sét, trước lúc soi gương, ta phải lau chùi cho khỏi bụi bặm.

Hơn nữa, muốn tìm chân lý, ta phải yêu chân lý; yêu đây không phải là tinh cảm say sưa để tìm nơi chân lý một nguồn an ủi, mà là yêu theo nghĩa hy sinh những cái vị kỷ thấp hèn để tìm chân lý, để phục vụ chân lý. Yêu đây cũng không phải là đi chiếm hữu chân lý như một lợi lộc thoả mãn nhu cầu vị kỷ mà là để cho chân lý chiếm lấy trí tuệ của mình, không bắt chân lý ráp vào khuôn sẵn có của mình, trái lại sẵn sàng bỏ những khuôn sáo cũ, để mở rộng tâm trí mình ra đón nhận chân lý, dù chân lý ấy có làm mình phải chói chang nhức nhối, có đòi hỏi phải từ bỏ chính mình. Phải hướng về chân lý với tất cả tâm hồn mình là vậy. Vì thế người đã hiến dâng cả cuộc đời mình để truy tầm chân lý (dù là khoa học tự nhiên) thường có tâm hồn cao đẹp, khiêm cung, liêm khiết, bình dị, rộng rãi, dũng cảm, đơn thuần, nghiêm túc và từ tốn. Chân lý đối với họ là cả một giá trị gần như tuyệt đối mà họ cống hiến cả một đời để phục vụ. Nơi làm việc của những người ấy, nhiều khi phảng phất một bầu khí tôn nghiêm, phảng phất tinh thần nguyện cầu. Quả vậy, nguyện cầu là thái độ của một tâm hồn gạt bỏ tất cả, dồn hết tâm trí hướng về một đối tượng, rời khỏi mình, đi ra khỏi sự chật hẹp của bản thân, hướng tới với tất cả tâm hồn hiến dâng cho một đối tượng.

Tóm lại, tu viện khắc kỷ và trầm lặng nguyện cầu (theo nghĩa trên đây) là điều kiện cần thiết cho những ai muốn suy tìm chân lý. Ở đây cũng tưởng nói thêm điều này để bạn yên tâm là những điều kiện đó không phải để ru ngủ lý trí trong một giấc mơ huyền bí, mà chính là để gạn đục khơi trong tâm hồn, đưa tâm hồn vào một khung cảng sáng sủa, bình lặng, trần trụi, để lý trí được thông suốt, kiên cường bén nhạy, uyển chuyển sâu sắc, chín chắn, thoát khỏi những kìm hãm của dục vọng, của tập quán, thành kiến, hấp tấp vội vàng, nặng nề, thô thiển, nông cạn.

Ngoài ra, nếu có thể, cũng nên tạo một khung cảng sống bình lặng, xa những nơi huyên náo, xa những chuyện phiền toái cuộc đời ô trọc, ganh đua bon chen hối hả. Nếu có được một phong cảnh thanh u tĩnh mịch lại càng tốt. Hay ít nhất trong ngày cũng cố gắng tạo cho mình một sự vắng lặng bên ngoài trong một thời gian nào đó và trầm tĩnh tâm hồn đi vào sự vắng lặng bên trong. Có nhiều lúc, chỉ cần cố gắng tạo nên một khung cảnh sống như vậy, tạo nên một thái độ bên trong như vậy, tức khắc ánh chân lý sẽ bừng toả. Vì thực ra chân lý không ở đâu xa, mà đã có trong chính tâm hồn mình, chỉ vì ta để cho tâm hồn bị ô nhiễm, xáo trộn bởi dục vọng, thành kiến tập quán, bon chen, náo động nên nó bị che khuất giống như ánh mặt trời bị mây mù che phủ vậy. Chỉ cần quét sạch cho mây mù tan biến là tức khắc mặt trời ló dạng.

ĐỨC TIN và LÝ TRÍ

Bây giờ mình xin góp ý với bạn một số vấn đề có tính cách cụ thể hơn. Đó là những vấn đề có liên quan đến Đức Tin, lý trí, khoa học v.v… Như bạn biết, đức tin thường được coi là trái nghịch với lý trí: có một quan niệm khá phổ biến cho rằng: nội dung của đức tin có những điều không hợp lý như: Giêsu Nadarét vừa là người vừa là Thiên Chúa; dưới hình bánh miến có sự hiện diện thực sự của Mình Thánh Chúa Giêsu.

Từ ngữ ‘không hợp lý’ khá mơ hồ. Cần phải phân tích hai trường hợp:

1/ Về phương diện luận lý hình thức: không hợp lý là những mệnh đề có hàm chứa mâu thuẫn: “A vừa là A vừa là không A trong một lúc và trên cùng một bình diện”. Nguyên tắc mâu thuẫn là một nguyên tắc chỉ đạo công tác khẳng định của lý trí, hoàn toàn hình thức, chứ không liên hệ đến nội dung của mệnh đề, không liên hệ đến hiện hữu của sự vật.

Vì vậy nói rằng: “Giêsu vừa là người, vừa là không (không phải là) người” là không hợp lý về mặt luận lý hình thức, vì khi nói thế, sự khẳng định tự mâu thuẫn với chính điều mình tuyên bố. Còn nói rằng: “Giêsu vừa là người vừa là Thiên Chúa” thì vẫn hợp lý về phương diện luận lý hình thức, vì Thiên Chúa tuy khác với con người, nhưng không bao hàm mệnh đề phủ định “không người”. Về mặt này thì đức tin không bao giờ khẳng định điều gì tự mâu thuẫn với chính mình cả.

2/ Về phương diện luận lý nội dung: không hợp lý là những sự kiện trái với những định luật phổ biến của thiên nhiên. Thí dụ: khi nghe nói có một con sông mà nước chảy ngược dòng từ biển lên ngọn nguồn, thì người ta sẽ kết luận ngay là phi lý, vì điều đó trái với kinh nghiệm phổ biến về tất cả mọi con sông: xưa nay nước chảy từ ngọn nguồn đến biển cả chứ có bao giờ thấy chảy ngược lại đâu; cũng thế, tin rằng Giêsu Nadarét chết chôn đã ba ngày rồi sống lại là điều không hợp lý vì theo định luật sinh học phổ biến, một con người đã chết thật thì không thể hồi sinh được nữa.

Xin nhắc lại là các mệnh đề của đức tin không bao giờ phạm nguyên tắc mâu thuẫn cả, vì thế không bao giờ là không hợp lý theo nguyên lý hình thức, mà chỉ có thể bị xem như là không hợp lý theo nghĩa thứ hai trên đây, nghĩa là về phương diện luân lý nội dung mà thôi. Vậy ta thử xét vấn đề hợp lý hay không hợp lý về phương diện này xem sao?

Trước hết, ta cần phải phân biệt rõ là sự hợp lý đức tin có hai mặt:

1. Sự hợp lý của chính nội dung những tín điều. Thí dụ: “Giêsu đã chết thật sự và đã sống lại” mệnh đề này có hợp lý không?

2. Lý do khiến cho lý trí chấp nhận một mệnh đề mà nội dung có thể có chỗ không hoặc chưa nắm được là đúng hay sai.

Thí dụ:

a) Tôi tin mệnh đề “2+2=4” là chính vì lý trí của tôi tự nhận ra được nội dung của mệnh đề ấy đúng. Việc tin của tôi như vậy là hợp lý theo mặt thứ nhất.

b) Bà nội tôi nói: “Bà cố nội của con bàn tay trái có sáu ngón” và tôi tin lời bà tôi nói là thật. Một cách nào đó mà nói, tôi chưa áp dụng hết mọi phương pháp, như hỏi lại các cụ già quen biết bà cố nội tôi, hay khai quật mồ mả của bà cố nội tôi lên để kiểm chứng xem có đúng không. Nhưng xét rằng bà nội tôi vốn là người sáng suốt (không lầm lẫn), thành thật (không nói dối), vả lại nói dối về việc ấy bà tôi chẳng được lợi lộc gì, và bà cũng chẳng bị ai ép buộc phải nói dối như thế cả. Vì vậy tôi chưa kiểm chứng trực tiếp xem mệnh đề trên đây có thực đúng không, tôi vẫn có thể tin được việc bà cố nội tôi bàn tay trái có sáu ngón là sự thật. Tuyệt đối mà nói, việc tin của tôi vẫn chưa vững chắc 100%. Nhưng thực hành mà xét, chắc ai cũng nhất trí rằng tôi tin vào lời làm chứng của bà nội tôi là một việc hợp lý. Và nếu bà nội tôi thà chịu thiệt thòi trăm nghìn chuyện hoặc thà chịu chết chứ không phủ nhận việc bà cố nội tôi bàn tay trái có sáu ngón, thì lòng tin vào sự làm chứng của bà tôi lại càng hợp lý hơn.

Qua những nhận xét trên, ta có thể quả quyết ngay từ bây giờ là tính cách hợp lý theo mặt thứ hai này của đức tin chúng ta hoàn toàn được bảo đảm. Đã có hàng triệu người đổ máu để làm chứng nhân, mà trong số đó có rất nhiều người thuộc vào hạng ưu tú nhất nhì của nhân loại về cả hai mặt tài trí và đức hạnh.

Hơn nữa, phần lớn những điều ta tin đều hợp lý về cả hai mặt này trong một tỷ lệ nào đó, và hai mặt thường hỗ trợ nhau, vì dù sao lý trí ta cũng phải phần nào thấy được sự lờ mờ hợp lý của chính nội dung mệnh đề mới có thể tin được. Thí dụ: nội dung mệnh đề “Giêsu đã chết thật và đã sống lại” tuy có chỗ khó chấp nhận nhưng đào sâu xét kỹ có thể có lý do nào đó để chấp nhận. Trái lại nếu ai nói: “Giêsu có 5 đầu, 6 tay và luôn luôn đi đầu xuống đất chân lên trời” thì nội dung này khó chấp nhận hơn. Vì sự sống lại của Giêsu có một ý nghĩa nào đó mà suy cho sâu gẫm cho cùng cũng sẽ lờ mờ thấy hợp lý; chứ việc Giêsu 5 đầu, 6 tay, luôn đi đầu xuống đất, chân lên trời, không có ý nghĩa gì để thấy nó có thể là có lý, là hợp lý cả.

Vì vậy, những lý do để đức tin của chúng ta hợp lý về mặt thứ hai dù có nhiều và có giá trị bao nhiêu đi nữa thì chúng ta cũng phải tìm những lý do làm cho đức tin của chúng ta hợp lý theo mặt thứ nhất. Nghĩa là chúng ta phải cố gắng tìm thấy rằng nội dung của một số tín điều thường bị xem như không hợp lý bởi một số người, thực ra cũng hợp lý trong một chiều hướng, trên một bình diện, ở một tầm mức nào đó. Muốn thấy vậy, ta phải biết là để chấp nhận một mềnh đề là đúng, ta có nhiều loại lý do khác nhau tuỳ theo từng lãnh vực. Thử so sánh các mệnh đề sau đây:

1/ 2+2=4

2/ Dưới áp lực không khí bình thường nước bốc hơi nếu được đun lên tới 100 độ C.

3/ Xét về nghệ thuật, thơ của Nguyễn Du hay hơn thơ của Nguyễn Đình Chiểu.

4/ Người vị tha có thể hưởng ít khoái lạc hơn, nhưng có hạnh phúc hơn người vị kỷ.

5/ Anh X là người trung tín có thể tin cậy được.

Những cái lý để ta cho mệnh đề 1 là đúng khác hẳn cái lý để ta cho mệnh đề 3 hoặc mệnh đề 5 là đúng. Nếu có ai bắt buộc ta chứng minh sự thật của mệnh đề 3 và mệnh đề 5 y như chứng minh mệnh đề 1 thì người đó đã thật sự không hiểu gì về luận lý và phương pháp.

Cũng vậy, đòi hỏi chứng minh những tín điều theo phương pháp toán học hay khoa học tự nhiên là một điều không hợp lý vì đức tin thuộc về một lãnh vực khác. Để chấp nhận các tín điều, trí tuệ tôi dựa vào những lý khác loại với những lý đưa tôi đến chỗ chấp nhận một định lý toán học hay một định luật khoa học, cũng như để tin vào lòng trung tín của anh X, để xác nhận thơ của Nguyễn Du hay hơn thơ của Nguyễn Đình Chiểu, tôi phải dựa vào những lý thuộc về lãnh vực riêng của văn nghệ, của sự giao du giữa người với người. Không thể nói rằng tôi không chứng minh được cái hay của thơ Nguyễn Du, lòng tin của anh X, như chứng minh một định lý toán học, hay kiểm nghiệm một định luật khoa học thì sự chấp nhận cái hay của thơ Nguyễn Du, lòng trung tín của anh X là không hợp lý!

Có cái lý của toán học, có cái lý của hoá học, có cái lý của tâm lý học, có cái lý của xã hội học, có cái lý của siêu hình học, có cái lý của thần học v.v… Đòi hỏi áp dụng cái lý cùa lãnh vực này sang lãnh vực khác, là một điều không hợp lý. Hầu hết các luận cứ của người cho rằng đức tin không hợp lý đều có tính cách không hợp lý vì đòi hỏi áp dụng những lý thuộc về lãnh vực khác vào lãnh vực tôn giáo. Họ nhân danh lý trí nhưng thực ra họ làm một việc không hợp lý, chẳng khác nào đòi dùng phương pháp toán học để chứng minh thơ Nguyễn Du là dở!

Thực ra dưới cái “LÝ” là cả một mớ quan niệm rất hàm hồ. Trừ nguyên tắc mâu thuẩn ra, cái mà người ta gọi là lý là cả một số những qui tắc cần phải được phân biệt rõ ràng tuỳ theo từng lãnh vực của nhận thức con người. Đành rằng con người phải có óc phê phán, phải thận trọng hết sức khi chấp nhận cái gì là sự thật, nhưng cũng phải có tầm nhìn sâu xa, rộng rãi, uyển chuyển, tinh tế, để phân biệt chân, giả trong nhiều lãnh vực khác nhau. Nếu đòi hỏi phải chứng minh cho bằng được chuyến xe hàng ta sắp đi sẽ không có tai nạn bằng phương pháp toán học mới chịu bước lên xe thì có lẽ không ai dám di chuyển đi đâu bằng phương tiện xe cộ cả, chỉ có đi bộ thôi! Mà muốn đi bộ lại sẽ không gặp tai nạn nào mới chịu rời khỏi nhà, thì chẳng ai dám đi đâu cả! Và nếu chỉ chịu ở trong nhà với điều kiện là phải chứng minh bằng phương pháp toán học cho thấy nhà không sập thì chẳng ai dám ở trong nhà cả! Nói vậy để ý thức vấn đề xác tín là một vấn đề phức tạp, và do đó từ ngữ “HỢP LÝ” phải được hiểu một cách đa dạng, rộng rãi chứ không thể đóng khung vào một khuôn khổ độc nhất, chật hẹp, cứng ngắc. Làm như thế, tưởng là có lý, nhưng thực ra chỉ là một thái độ cố chấp, khép kín, hẹp hòi và cuối cùng là không hợp lý chút nào cả.

Bên cạnh sự kiện có nhiều loại lý tuỳ theo từng lãnh vực, lại còn sự kiện trong mỗi lãnh vực cái lý cũng có tính cách tương đối nhất thời chứ không phải là vĩnh viễn tuyệt đối. Mỗi một thời đại tất cả các kiến thức được sắp xếp vào một hệ thống chặt chẽ, điều hợp nhất trí. Cái gì mà người ta không sắp xếp được một cách ổn thoả thì người ta gọi là không hợp lý. Thí dụ: trong một thời đại mặt đất còn được hình dung như là một cái đĩa dẹp và tròn, mà bảo rằng: trên mặt đất có thể có hai người cùng chân đạp đất đầu đội trời, thế mà lại đối chân và ngược đầu với nhau (antipode) thì ai cũng cho là không thể có được vì không hợp lý. Nhưng đến lúc biết được quả đất hình cầu thì việc ấy lại là chuyện hợp lý.

Thực ra cái mà người ta tưởng là một cái lý vĩnh viễn, tuyệt đối, có khi chỉ là một toàn bộ kết thành bởi những nguyên tắc, bởi những sự kiện do sự hình dung của một thời đại một trình độ kiến thức nào đó được điều hợp thành một hệ thống để con người có một cái nhìn nhất quán về sự vật trong một hệ thống duy nhất, mà trong đó mọi sự được lý giải và nhờ đó con người có thể dựa vào các mối liên hệ được thiết lập giữa các sự vật để hành động cho có hiệu quả mà thôi. Sự lý giải ấy chẳng qua là sắp xếp cho ổn định của một sự vật một cách ổn định và điều hợp trong toàn bộ của một hệ thống duy nhất, chứ thực ra không đào sâu vào nguyên nhân căn bản của sự vật, mà chỉ thiết lập tương quan giữa các sự vật và các khái niệm mà thôi. Thường thường, mỗi khi có sự kiện gì khác thường không tìm được chỗ ổn định để sắp xếp vào trong toàn bộ hệ thống ấy, thì người ta vì lười biếng trí tuệ, vội gạt phăng đi, phủ nhận nó và cho là không hợp lý. Nhưng đối với những người có óc hiếu tri, họ lại cố gắng tìm cách lý giải, hợp lý hoá sự kiện được xem như lạ lùng ấy, bằng cách sửa lại quan niệm cũ, nới rộng, linh hoạt hoá các hệ thống cũ để cho sự kiện mới mẻ kia có một chỗ đứng được điều hợp trong toàn bộ một hệ thống mới. Sở dĩ kiến thức loài người tiến bộ được là nhờ những sự kiện lúc đầu thường bị xem như là phi lý không thể có được, thôi thúc đi tìm cách lý giải. Ngay trong giới khoa học, những phát minh mới mẻ, lúc mới ra đời cũng gặp sự phản đối kịch liệt của các nhà bác học kỳ cựu, có uy tín lớn, nhưng đã quá quen suy nghĩ trong khuôn khổ của hệ thống khoa học hiện hành.

Như vậy, cái mà người ta thường cho là cái LÝ vĩnh viễn tuyệt đối, thực ra chỉ là những cái lý riêng biệt, tương đối của từng lãnh vực, từng thời đại, chỉ là cái nhìn, sự hình dung, cách lý giải về sự vật vô cùng vô tận, của một giai đoạn trong sự tiến bộ không ngừng của trí tuệ con người mà thôi. Những cái lý ấy chỉ là sản phẩm của trí năng con người luôn luôn sinh hoạt, luôn luôn đổi mới tiến bộ, luôn luôn đào sâu, nới rộng những hệ thống kiến thức để mỗi ngày mỗi thêm tinh vi, phong phú, uyển chuyền. Cho nên vội vã tuyên bố một việc nào là không hợp lý một cách tiên quyết, cứng ngắc, hẹp hòi thì đó là dấu chỉ của một não trạng thủ cựu, cố chấp, hẹp hòi, cằn cỗi chứ không phải là một não trạng biết tôn trọng sự kiện và trí năng linh hoạt của con người.

Nếu chúng ta thấy rõ giá trị nhất thời và cục bộ của cái mà ta gọi là lý, ta sẽ không bị dao động bao nhiêu trước những vấn nạn của chính mình hoặc của kẻ khác nêu ra, khi thấy tín điều này hay tín điều nọ có vẻ như không hợp lý. Trái lại điều đó có thể giúp ta suy nghĩ, tìm tòi để lý giải phần nào những tín điều ấy bằng cách đào sâu, mở rộng những hệ thống quan niệm của ta. Chính nỗ lực ấy là nguồn phát sinh ra các hệ thống thần học và cũng chính những nỗ lực ấy đã góp phần rất nhiều trong sự hiểu biết mỗi ngày một hơn về con người. Chẳng hạn vấn đề Thiên Chúa Ba Ngôi đã đưa đến kết quả giúp ta phân biệt Ngã vị (Ngôi, personne) và bản thể (nature). Và nhờ đó nảy sinh cả một nền suy tư phong phú về giá trị nhân vị con người và về tình yêu giữa hai Ngã vị. Vấn đề ân sủng và tự do là nguồn phát sinh ra cả một hệ thống sâu sắc về tự do của con người. Và có lẽ một tôn giáo thường bị người ta cho là giáo điều, tha hoá con người v.v… chính lại là nơi mà suy tư con người đào sâu nhất về vấn đề Ngã vị và tự do của con người, và thường cũng là thành trì cuối cùng và kiên cố để bảo vệ giá trị tối thiêng liêng của Ngã vị và tự do con người trước sự uy hiếp của mọi quyền lực ở đời này. Cả một nền suy tư sâu sắc, phong phú về tự do, ngã vị, tình yêu, sáng tạo của con người, sở dĩ có được là nhờ những lý giải (trong mức độ có thể của trí tuệ con người) những tín điều mà một số người vội cho là không hợp lý. Và ta có thể nói lý thuyết duy vật chưa chắc đã giúp con người hiểu rõ bản chất và giá trị của vật chất bằng mầu nhiệm Phục sinh và bí tích Thánh Thể.

Chúng ta có thể cùng Pascal mà kết luận: “Điều cao nhất mà lý trí loài người đạt được là ý thức rằng vũ trụ bao la còn có những điều vượt khỏi tầm với của trí năng con người”. Cái nhìn khiêm tốn ấy, chính là một động lực để thúc đẩy con người cố gắng suy tầm, tìm hiểu những gì mình chưa hiểu nỗi; trái lại hễ thấy cái gì khác thường, vội vã kiêu căng gạt đi, cho là không hợp lý, để ngủ yên trong cái hệ thống lý chật hẹp, phiến diện, cứng nhắc của mình, là một thái độ cố chấp, phản lý trí.

Nhìn lại lịch sử tư tưởng Tây phương sở dĩ nó có tính cách sinh động, phong phú (khác hẳn với sự ngưng đọng của các nền tư tưởng khác như Ấn Độ, Trung Hoa). Chắc chắn chính là nhờ sự thúc bách của nỗ lực thần học tìm cách lý giải những vấn nạn, những hóc hiểm của các mầu nhiệm Kitô giáo vì hầu hết các mầu nhiệm ấy dồn lý trí con người vào thế phải giải quyết những sự kiện hầu như nghịch lý (paradoxal). Và nhờ vậy bắt buộc trí tuệ phải làm việc một cách phi thường phá vỡ những khái niệm, những hệ thống cố định chật hẹp một chiều chứ không thể để nó yên nghĩ tự mãn trong chính những khuôn khổ do mình tạo ra.

* * *

Trên đây chúng ta đã thấy rằng sở dĩ khoa học tiến bộ là nhờ những đầu óc biết tôn trọng những SỰ KIỆN (mới xem qua có vẻ như là nghịch lý) và nỗ lực lý giải bằng những quan niệm mới, những hệ thống mới. Về mặt này có những điểm tương đồng giữa suy tư thần học Kitô giáo và Khoa học thực nghiệm. Cả hai đều đi từ việc tôn trọng SỰ KIỆN (dù là sự kiện mới xem qua tưởng như là nghịch lý) rồi cố gắng tạo ra những quan niệm mới, những hệ thống mới để lý giải (tức là để tìm hiểu những cái KHÓ HIỂU) những sự kiện ấy, chứ không gạt bỏ chúng một cách tiên quyết dựa vào những quan niệm, những hệ thống sẵn có. Thay vì vội vã, kiêu căng tuyên bố các sự kiện mới lạ là không hợp lý, thì cố gắng đào sâu vươn cao để tìm ra cái lý mới của chúng.

Bạn nên nhớ đức tin của chúng ta không phải là một hệ thống tư duy sẵn có do con người tạo ra, mà là những sự kiện khách quan đã xảy ra và con người phải nhìn nhận là có THẬT và phải cố gắng mà tìm hiểu lấy. Tinh thần khoa học chân chính là tinh thần biết tôn trọng sự kiện, rồi cố gắng dùng lý trí lý giải sự kiện chứ không phải lấy lý trí làm khuôn áp đặt lên sự kiện.

Nói cho cùng nguyên tắc mà xét thì chỉ có thuyết của Parménide là hợp lý, chỉ có một hữu thể duy nhất, hằng hữu bất biến, v.v…vì nó không ngược với nguyên tắc căn bản của lý trí là ĐỒNG NHẤT. Nhưng sự kiện thì khác: muôn loài muôn sự dị biệt, đa tạp, biến dịch không ngừng, không hợp lý chút nào cả; cả vũ trụ muôn màu sắc là không hợp lý! Sao con rít có hằng trăm chân, con rắn lại không có chân! Sao lửa lại nóng, tuyết lại lạnh! Sao cây bầu cây bí thân cây nhỏ, quả lại lớn! Cây nhãn quả thì bé, mà thân lại lớn! Sao hạt lúa hẩm nát đi lại sinh hằng trăm hạt vào mùa gặt. Sao cô bé mũm mĩm kia sẽ là một cô gái mỹ miều, rồi sẽ là một bà già tóc bạc da mồi v.v… toàn là không hợp lý cả! Thái độ duy lý cực đoan đó đã đi đến chỗ phủ nhận thực tại đa tạp và biến dịch, cho nó là hư vô, là ảo ảnh! Và chỉ có một cái HỮU duy nhất, vĩnh viễn bất biến v.v… kiêu ngạo lấy lý trí con người làm khuôn cho vạn vật!

Trí tuệ con người sở dĩ tiến bộ là nhờ thái độ khiêm tốn duy thực: đón nhận SỰ KIỆN, bắt lý trí tìm hiểu sự kiện, chứ không áp đặt khuôn khổ của lý trí lên sự vật để khỏi phải mất công tìm hiểu, mất công thay đổi quan niệm, hệ thống của mình. Vừa kiêu căng vừa lười biếng trí tuệ, vừa thiếu liêm khiết. Kết quả là giam hãm con người trong những khuôn khổ cứng nhắc, chật hẹp, kìm hãm bước tiến của trí tuệ. Những phát minh của nhân loại là nhờ ở những kẻ biết thấy sự kỳ quặc của sự vật (chứ không nhân danh cái lý của mình gạt bỏ nó) rồi bắt lý trí tìm cho ra cái lý của nó chứ không phải cái lý mình gán cho nó.

Vì thế mỗi sự kiện có cái lý riêng của nó, thuộc lãnh vực riêng của nó. Có cái lý toán học, có cái lý vật lý học, có cái lý tâm lý học, có cái lý xã hội học, có cái lý siêu hình học, có cái lý thần học v.v… chứ không có cái lý chung chung! Trí tuệ con người là một năng khiếu sáng tạo ra trăm nghìn cái lý trong khi tiếp xúc đón nhận sự vật chứ không phải là cái thùng chứa một số lý bất di bất dịch có sẵn, chỉ cứ việc áp đặt lên sự vật thôi.

* * *

Tới đây chắc bạn đã thấy khá rõ vấn đề nhưng cũng chưa phải là lúc chúng ta kết luận rằng: Đức tin chúng ta là hợp lý, mà chỉ mới đi tới chỗ có điểm nào trong các tín điều mà chính ta hoặc người khác cho là không hợp lý, thì ta phải thận trọng xem là không hợp lý nào? Và cái lý ấy có thẩm quyền, có liên quan gì đến lãnh vực đối tượng đức tin không? Với lại bạn đừng quên là tìm cho ra cái lý của sự vật không phải là dễ.

Một khối óc như Newton mà phải bận tâm suy nghĩ tìm tòi mới tìm ra được cái lý của một sự kiện rất thông thường là quả táo rơi. Một khối óc như Pascal mà cũng phải tốn bao nhiêu công lao mới tìm được cái lý của sự kiện nước chỉ lên có một cao độ nào đó trong ống thuỷ tinh, rồi để lại một khoảng chân không có tính cách kỳ lạ đối với quan niệm cổ truyền là thiên nhiên sợ chân không.

Hơn nữa, nói lý giải sự vật thì cũng chỉ lý giải phần nào thôi chứ đâu có tìm thấy cái lý rốt cùng của sự vật được! Ngay một việc tầm thường như tại sao bàn tay con người lại thường chỉ có 5 ngón thôi thì cũng chẳng ai biết được cái lý rốt ráo của nó cả! Sao lại 5 không phải là 7; mà nếu 7, sao lại 7 mà không phải là 9 v.v… Tại sao hàm răng con người không phải là 80 cái, mà nếu 80 cái, tại sao không phải là 120 cái v.v…

Cái lý cuối cùng là đâu? Cái mà trí tuệ gọi là lý chẳng qua chỉ là một cách tạm gọi là nắm được phần nào cái mầu nhiệm không đáy của bất cứ một sự vật gì dù là thông thường hết sức như một giọt sương lấp lánh dưới ánh mặt trời ban mai, hay ánh trăng vằng vặc trên mặt nước hồ thu, hay ánh mắt của một em bé, hay một ngọn lá vàng rơi tạt vào khung cửa sổ rụng trên mái tóc của một người quả phụ khóc chồng, hoặc sự ra đi vĩnh viễn của một bậc anh tài vô ý vướng phải dây điện cao thế rơi ở vệ đường.

Xét về một mặt nào đó, sự ngơ ngác của một em bé, của một người tiền sử trước vũ trụ bao la, có lẽ hiểu rõ cái mầu nhiệm hiện hữu hơn là sự tự đắc của một chàng sinh viên năm một khoa học trước thành quả tốt đẹp anh ta đã thí nghiệm được. Nếu cái ngơ ngác của em bé hay của người tiền sử là chỉ thấy rừng bao la mà không thấy rõ cây thì cái tự đắc của chàng sinh viên khoa học là chỉ thấy cây, để cây che khuất cả khu rừng bao la bát ngát. Chúng ta nói anh chàng sinh viên năm một khoa học chứ chúng ta không nói nhà khoa học lão thành, vì chỉ có ai mới được tập tễnh vài bước vào thế giới kiến thức mới coi trời bằng vung, chứ các thiên tài của nhân loại vì đã đi cùng đường kiến thức nên thường là khiêm tốn như Newton đã tự ví mình như em bé lấy vỏ hến múc nước của trùng dương chứ không dám tự cho mình đã lý giải được sự vật muôn trùng diệu vợi.

Giữa con người đã đặt chân trên mặt trăng và nhà thơ viết câu: “Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sâu” với người nông dân hát câu: “Cớ sao múc ánh trăng vàng đổ đi!”; giữa nhà nghiên cứu luật rơi của sự vật và nhà thơ viết: “Vàng bay mấy lá thu hầu hết”, ai đã đi sâu, ai nắm được thực thể của sự vật? Ai thấy được cái lý của vạn vật hơn? Để trả lời những câu hỏi này ta cần phải suy gẫm kỹ, chớ vội vàng hấp tấp! Cơn khủng hoảng trầm trọng mà nhân loại đang trải qua từ đệ nhất thế chiến đến nay về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá biết đâu lại chẳng phải vì đã tuyệt đối hoá, vĩnh viễn hoá một thứ lý nào đó (cái lý của phe duy lý) lấy nó làm cái lý vô tận vô biên của mọi sự, vượt qua vượt xa tầm với của con người. Pascal quả là một vĩ nhân khi nói “Điểm cao nhất của lý trí là biết rằng có những điều vượt quá tầm của lý trí”. Đó mới thật là người đã biết rõ lý trí là gì. Cái đó cũng không có gì làm lạ, vì Pascal là người có một lý trí siêu đẳng, cũng như người đã trèo lên thành giếng mới biết trời bao la chứ không phải chỉ là miệng giếng, chỉ có cóc ngồi đáy giếng mới đóng khung chân trời bao la vào khuôn khổ chật hẹp của miệng giếng mà thôi.

Nếu hiểu rõ giới hạn của lý trí thì vấn đề đức tin và khoa học cũng đã được giải quyết rồi.

ĐỨC TIN và KHOA HỌC (TỰ NHIÊN)

Chúng ta thử suy nghĩ hai vấn đề liên quan đến Khoa học tự nhiên, đó là vấn đề tất định và vấn đề xin tạm gọi là “Duy vật khoa học” hay “Duy vật phương pháp” (matérialisme scientifique, matérialisme méthodique) để phân biệt với “Duy vật triết học” (matérialisme philosophique).

VẤN ĐỀ TẤT ĐỊNH

Công việc của nhà khoa học là đi tìm những định luật chi phối các hiện tượng. Đi tìm những định luật tức là đã bao hàm giả thuyết cho rằng: “trong cùng những điều kiện như nhau, sự vật đâu đâu và thời gian nào cũng xảy ra như nhau”. Thí dụ: cùng dưới một áp lực không khí bình thường nước được đun nóng lên 100 độ C thì sẽ bốc thành hơi”. Và cái giả thuyết bảo sự vật sẽ xảy ra thường đều (constant) trong những điều kiện thường đều là điều kiện để thành lập ra qui luật, vì nếu không tin vào giả thuyết ấy, không ai lại mất công đi tìm định luật, cũng như nếu không tin sự vật sẽ xảy ra một cách thường đều, mà mỗi nơi mỗi khác, không thể có khoa học được. Và giả thuyết ấy là nguyên tắc nhất định, hay nói cho chính xác, là định đề tất định.

Tất định, định luật, khoa học tự nhiên, đó là ba khâu của một vòng xích.

Khoa học tìm định luật, mà chỉ có thể có định luật nếu định đề tất định là đúng. Và ngược lại định đề tất định chỉ được kiểm chứng là đúng khi khoa học đã thành lập được một số định luật mà thôi. Nhà khoa học phải tin vào định đề tất định mới mất công đi tìm định luật, và chỉ có tìm ra được định luật mới kiểm chứng được quả thật cái định đề mình dựa vào để làm việc là đúng. Tuy nhiên tất định khoa học (Déterminisme scientifique) chỉ là một “giả thuyết phương pháp để làm việc” (hypothèse de travail) nghĩa là một giả sử để dựa vào đó mà làm việc, nghiên cứu, tìm tòi, và chỉ được xác nhận sau khi làm việc tìm tòi có kết quả tốt.

Nhà khoa học không tuyên bố: “TẤT CẢ MỌI SỰ đều do nguyên tắc tất định chi phối”. Có thể có NHỮNG SỰ VẬT xảy ra theo tất định, và nếu thế, tôi có thể tìm ra định luật chi phối NHỮNG SỰ VẬT ẤY; và khi tôi kiểm chứng được có NHỮNG SỰ VẬT chịu sự chi phối bởi định luật ấy thì giả thuyết tất định của tôi quả là đúng. Công việc của nhà khoa học là chỉ biết đến những sự việc do nguyên tắc tất định chi phối và nỗ lực của họ là càng khám phá ra nhiều định luật càng hay.

Nói cách khác, khoa học không có quyền tuyên bố TẤT CẢ đều tất định, mà chỉ tuyên bố có NHỮNG SỰ KIỆN tất định; và những sự kiện này mới thuộc lãnh vực của tôi. Còn vấn đề tất cả có tất định hay không là một vấn đề triết học không thuộc phạm vi khoa học tự nhiên.

Cần phải nhớ là khoa học tự giới hạn mình vào những sự kiện tất định, đi tìm các định luật chi phối các sự kiện ấy, thế thôi! Có thể tất cả đều tất định, nhưng để biết bên nào là đúng giữa hai quan niệm ấy, thì khoa học không có thẩm quyền mà là do suy tư triết học.

Nói tóm lại, cần phải phân biệt định đề tất định. Bất cứ nhà khoa học nào dù duy tâm hay duy vật, vô thần hay hữu thần, duy tất định (về mặt triết học) hay duy vô tất định (về mặt triết học) thì lúc vào phòng thí nghiệm, lúc tìm định luật cũng đều phải chấp nhận định đề tất định cả. Nhưng khi bàn đến Vũ trụ quan (là một vấn đề triết lý) thì không có quyền nhân danh định đề tất định khoa học để tuyên bố là “Tất cả đều tất định” và cũng không có quyền nhân danh những giới hạn của khoa học để tuyên bố “Không phải TẤT CẢ đều tất định”. Hai mệnh đề này chưa biết bên nào đúng, bên nào sai, nhưng có một điều phải nắm vững là những luận cứ đưa ra để biện hộ cho mệnh đề này hay mệnh đề kia chắc chắn không thuộc phạm vi khoa học mà thuộc phạm vi triết học. Nếu dựa vào uy tín của khoa học để hỗ trợ cho quan niệm của mình về vấn đề triết học này là phạm lỗi lầm lẫn hai lãnh vực, là lạm quyền, là thiếu liêm khiết trí thức.

Dù bạn thuộc về phía nào, từ ngữ TẤT CẢ là một từ ngữ triết học, siêu hình; khoa học không bao giờ có tham vọng nắm TẤT CẢ vào phạm vi của mình. Vì khoa học dựa vào thực nghiệm thì dù nhiều bao nhiêu cũng không bao giờ áp dụng được cho tất cả. Khi thời gian và không gian là vô hạn, làm sao thực nghiệm ôm tất cả vào cánh tay hữu hạn của mình được, dù cánh tay có dài mấy đi nữa thì cũng chỉ là hạn hữu mà thôi.

Nếu nhân danh khoa học, ta có quyền tuyên bố: “NHỮNG GÌ tôi nắm được thì tất định, còn vấn đề tất cả có tất định hay không, điều đó chẳng liên hệ gì tới tôi cả!”. Có nhà khoa học thuộc phái “duy tất định”, có nhà khoa học khác thuộc phái “tất định giới hạn”, nhưng khi họ thuộc phái nào thì không phải là với tư cách một nhà khoa học nữa, mà là với tư cách một người có vũ trụ quan, một nhân sinh quan nào đó trên bình diện triết học, bởi vì những luận cứ đưa họ tới kết luận này hay kết luận kia không phải là những luận cứ khoa học mà là những luận cứ triết học siêu hình.

* * *

Đến đây, tưởng để nắm vững vấn đề hơn, chúng ta nên phân biệt rõ giữa tất định và tất yếu. Những sự kiện mà nhà khoa học tìm ra được các qui luật chi phối là tất định, nghĩa là xảy ra một cách thường đều (trong những điều kiện như nhau thì không thay đổi). Nhưng những định luật tự nhiên là thường đều (constant) chứ không phải tất yếu (nécessaire). Chúng vẫn là bất tất (contigents). Nghĩa là khoa học dựa vào kinh nghiệm trên những kinh nghiệm CÓ ĐÓ của vũ trụ này của chúng ta, thành lập những định luật thường đều của vũ trụ này và tuyên bố là trong vũ trụ hiện có, đang có này thì có những sự kiện theo những định luật như thế, chứ không tuyên bố là vũ trụ này tất phải có (không thể không có) và tất phải đang có và đã có (chứ không thể khác được). Nghĩa là nhà khoa học không phủ nhận mà cũng chẳng khẳng định vũ trụ này có thể không có, và có thể có một cách khác. Nghĩa là hiện nó có và có như thế đấy, nhưng nếu nó không có, hay có một cách khác thì không phải là điều không thể có.

Thực ra, vấn đề này không thuộc về khoa học mà thuộc về phạm vi triết học. Có nhà khoa học quan niệm vũ trụ này với định luật của nó là tất yếu; có nhà khoa học khác lại quan niệm chúng là bất tất. Nhưng thuộc về phái nào, những quan niệm ấy vẫn là kết luận của luận cứ triết học của ông ta chứ không phải do những luận cứ khoa học. Vì cũng như vấn đề trên, nhân danh khoa học ta chỉ có thể trả lời: “Tôi biết có vũ trụ này tôi phân tích nó, phát kiến ra những định luật như thế, còn vấn đề sự hiện hữu của vũ trụ này và những định luật của nó là tất yếu hay bất tất, điều đó chẳng liên hệ gì tới tôi cả”. Nhân danh khoa học mà kết luận về phía này hay phía khác là phạm lỗi lạm quyền y như trên kia vậy.

VẤN ĐỀ DUY VẬT KHOA HỌC (TỰ NHIÊN)

Như bạn đã biết. một phương pháp của khoa học tự nhiên là phân tích cái phức tạp khó hiểu để tìm cái dễ hiểu nằm bên dưới thượng tầng, chẳng hạn phân tích một hiện tượng sinh lý để tìm ra những hiện tượng lý hoá đơn giản hơn nằm ở hạ tầng; phân tích những hiện tượng tâm lý phức tạp để tìm ra những hiện tượng sinh lý ở hạ tầng; phân tích những hiện tượng xã hội phức tạp để tìm ra những hiện tượng kinh tế ở hạ tầng, v.v…

Cái xu hướng của khoa học là giản lược, hướng hạ, để hiểu những cái nằm bên trong hay ở dưới hạ tầng của những hiện tượng phức tạp rối rắm, hầu hiểu chúng một phần nào. Vì vậy thường thường khoa học cứ giản lược, hướng hạ vấn đề đến hạ tầng thấp nhất là vật chất. Nói cách khác, cách lý giải của khoa học giống như ta tháo gỡ từng bộ phận của một chiếc máy phức tạp, chứ khoa học không đặt vấn đề các bộ phận được qui tụ, kết hợp bởi lý do nào.

Vì thế dù là quan niệm triết học của cá nhân nhà khoa học là gì đi nữa (duy tâm hay duy vật, vô thần hay hữu thần) thì khi bước vào phòng thí nghiệm, lúc tìm định luật, đặt giả thuyết, ai ai cũng đều áp dụng phương pháp giản lược, hướng hạ và duy vật như vậy cả. Riêng về khoa học tự nhiên thì chỉ biết có vật chất và chỉ lưu ý đến khía cạnh vật chất của sự vật và gác vấn đề tâm linh ra ngoài.

Một nhà bác học kitô giáo như Paul Chauchard chẳng hạn, khi lấy tư cách là một nhà sinh học, ông chỉ nghiên cứu ý thức con người dưới khía cạnh bộ não mà thôi. Ông ta không tuyên bố ý thức là do não tiết ra như Le Dantec, nhưng ông giới hạn việc nghiên cứu của mình dưới khía cạnh NHỮNG ĐIỀU KIỆN não cân của sự xuất hiện, biến chuyển, vận dụng ý thức của con người mà thôi. Như vậy, không phải ông chấp nhận thuyết duy vật siêu hình (chủ trương CHỈ CÓ vật chất mà thôi), nhưng lúc làm việc khoa học, ông ta gác vấn đề linh hồn con người ra một bên, và chỉ nghiên cứu những điều kiện sinh lý của những hiện tượng ý thức thôi. Ngược lại, khi ông ta khẳng định con người có linh hồn bất tử ông ta đã không dựa vào những công trình luận cứ khoa học để đi đến kết luận đó. Nhà khoa học chỉ tìm xem dưới những điều kiện não cân nào ý thức xuất hiện. Chứ nhà khoa học với tư cách là nhà khoa học, ông không tuyên bố sự sống CHỈ LÀ sản phẩm của não cân. Nếu có thiên về thuyết duy vật siêu hình (CHỈ CÓ vật chất MÀ THÔI) hay về thuyết tâm linh là do những luận cứ của con người làm việc suy tư triết học của ông ta mà thôi.

Từ “CHỈ CÓ MÀ THÔI” là một từ ngữ của triết học, vì khoa học thực nghiệm chỉ dựa vào những sự kiện hiện có, ghi nhận được bằng giác quan trực tiếp hay qua dụng cụ máy móc chứ không có tham vọng cho rằng mình đã gạn lọc được hết mọi hiện tượng, nên không bao giờ tuyên bố “Chỉ có… mà thôi” cũng như không bao giờ tuyên bố “Tất cả là… “. Chỉ khi nào nắm được tất cả vũ trụ trong không gian thời gian vô hạn, mới có quyền tuyên bố: “Chỉ có… mà thôi”, “Tất cả là… “.

Thực nghiệm bao giờ cũng hữu hạn cả, có thể thuyết duy vật triết lý là đúng, có thể thuyết chủ trương có tâm linh là đúng, nhưng những luận cứ để biện hộ cho thuyết nào đi nữa thì cũng chỉ là luận cứ thuộc địa hạt triết học chứ không thuộc lãnh vực khoa học. Nhân danh khoa học để hỗ trợ cho thuyết này thuyết nọ là phạm lỗi lạm quyền, lẫn lộn lãnh vực này với lãnh vực kia. Nhà khoa học với tư cách là nhà khoa học, nhân danh khoa học mà nói thì chỉ có quyền tuyên bố: “Địa hạt của tôi là vật chất, tôi tìm những cơ cấu vật chất của sự vật, thế thôi”.

Nếu ta hỏi họ phải chăng chỉ có vật chất hay còn có tâm linh, hay chỉ có tâm linh thôi, thì về mặt khoa học họ sẽ trả lời ngay: “Điều đó chẳng liên hệ gì tới tôi cả!”. Còn nếu họ bàn về vấn đề ấy, lúc đó họ không bàn với tư cách, với tinh thần phương pháp khoa học nữa, mà đã bước sang lãnh vực suy tư triết học rồi.

Tóm lại, các vấn đề tất định, duy tất yếu, duy vật là những vấn đề ngoài phạm vi của khoa học, tinh thần khoa học không cho phép dựa vào khoa học hay lấy uy tín của khoa học để hỗ trợ cho thuyết này hoặc thuyết nọ, vì những vấn đề ấy là những vấn đề triết học. Các nhà khoa học vẫn làm triết học, nên làm triết học vì họ cũng là người (và người nào chẳng có một nhân sinh quan, một vũ trụ quan, nghĩa là người nào mà chẳng có một triết thuyết), nhưng lúc đó họ không còn áp dụng phương pháp khoa học nữa, họ không suy nghĩ như là, với tư cách là một nhà khoa học nữa. Triết thuyết của họ có giá trị như thế nào là tuỳ ở giá trị luận cứ triết học của họ, chứ không tuỳ ở giá trị công trình khoa học của họ. Có những thiên tài về khoa học nhưng suy tư triết học lại rất tầm thường, vì mỗi lãnh vực đòi hỏi những khả năng phương pháp khác nhau.

Nói vậy để ta khỏi bị uy tín của khoa học làm choáng ngợp chứ phần đông các nhà bác học lão thành đều ý thức rõ vấn đề này và ít khi họ lạm dụng uy thế của khoa học để lấn sang lãnh vực của triết học, vì hơn ai hết họ biết rõ lãnh vực giới hạn phạm vi của mình. Những nhà khoa học có tinh thần khoa học, làm việc theo phương pháp khoa học khác với những người theo triết thuyết duy khoa học (scientisme). Ta cần phải phân biệt tinh thần khoa học (esprit scientifique) với triết thuyết khoa học (scientisme philosophique) là một quan niệm triết lý có xu hướng tuyệt đối hoá khoa học, trong lúc khoa học chỉ là một trong nhiều lãnh vực khác nhau của kiến thức con người mà thôi.

KHOA HỌC và THƯỢNG ĐẾ

Từ những suy nghĩ trên đây chắc bạn đã thấy rõ là ta có thể kết luận rằng vấn đề hiện hữu của Thượng Đế (cũng như vấn đề linh hồn con người) là một vấn đề không nằm trong phạm vi khoa học. Khoa học không chứng minh mà cũng không phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế. Khoa học đặt vấn đề ấy ra ngoài phạm vi của mình. Vấn để Thượng Đế là một vấn đề thuộc lãnh vực triết học. Nhà khoa học với tư cách là khoa học, không đặt câu hỏi vũ trụ này tự hữu hay có Thượng Đế tạo nên. Họ chỉ nhận lấy vũ trụ này và khám phá tìm hiểu những định luật chi phối các hiện tượng xảy ra trong vũ trụ này, thế thôi!

Thí dụ một người vô thần và một người hữu thần đều có thể chấp nhận sự tiến hoá của các sinh vật là có thực và cũng nhất trí về mặt khoa học trong khi trình bày phân tích sự tiến hoá đã xảy ra như thế nào. Nhưng phương pháp khoa học, luận cứ khoa học không thể giải quyết, cũng không hề đặt vấn đề sự tiến hoá ấy là do sự qui tụ ngẫu nhiên, hay sự qui tụ ấy là do ý đồ của một trí tuệ, một ý chí siêu việt sắp đặt. Khoa học chỉ xác nhận có sự qui tụ và phân tích xem sự qui tụ ấy đã diễn tiến ra như thế nào, thế thôi! Còn ngẫu nhiên hay có ý đồ sắp xếp của một ĐẤNG SỊÊU VIỆT, nhà khoa học với tư cách khoa học sẽ trả lời: “Điều đó chẳng liên quan gì đến tôi cả!”. Một nhà khoa học có thể là hữu thần hay vô thần, nhưng khi làm việc khoa học họ không đặt vấn đề ấy ra, và những lý do đưa họ đến kết luận vô thần hay hữu thần là những lý do không thuộc về khoa học. Họ không có quyền nhân danh khoa học để đi đến kết luận vô thần hay hữu thần.

Thật ra tất cả những vấn đề trên được bàn đến là vì chúng ta, vì trong dư luận của một số quần chúng còn rơi rớt lại những quan niệm lỗi thời về khoa học và về Thượng Đế, chứ thực ra ngày nay trong phòng thí nghiệm các nhà khoa học đủ mọi xu hướng triết học, mọi tín ngưỡng, hợp tác đắc lực với nhau trong lãnh vực chuyên môn và đã thừa rõ sự phân biệt của từng lãnh vực khoa học, triết học, tín ngưỡng. Nếu đọc những dòng chữ trên đây họ chỉ mỉm cười, lắc đầu và cho đó là những vấn đề hư tạo ngô nghê méo mó do môt thời ấu trĩ của khoa học trùng hợp với một thời lạc hậu của thần học nay đã qua rồi. Nào có khác gì hai gia đình trong quá khứ đã có sự ngộ nhận nên xích mích với nhau, nay người lớn trong hai nhà đã giải quyết xong từ lâu, chỉ còn bọn trẻ chưa thấy rõ đầu đuôi câu chuyện vẫn còn “nói leo” chí choé tranh cãi rườm tai nhức óc mà thôi!

Vì thế chúng ta tạm ngưng ở đây. Hẹn bạn thư sau.

Xin Thần trí khôn ngoan và hiểu biết soi dẫn bước đường chúng ta.

 

Nguyễn Khắc Dương

 


Mục Lục Năm Đức Tin