VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA

ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN:

VẤN ĐỀ 08: Chỉ những gì khoa học chứng minh được mới có thực, mà Thiên Chúa thì cho tới nay khoa học vẫn chưa chứng minh được, nên không có hoặc không đáng tin.

ĐÁP:

1. LỜI CHÚA: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài” (Tv 18,2).

2.SUY NIỆM:

I.GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC:

1) Khoa học thực nghiệm là gì ?

- Khoa học nói chung là một hệ thống kiến thức tổng quát, khách quan, xác thực hơn kém và đạt được một cách có phương pháp.

Nhưng Khoa học đề cập tới ở đây là Khoa học thực nghiệm (experimental science), là khoa học theo nghĩa chặt. Đây là một môn học về vật chất, được khảo sát bằng những thí nghiệm, kiểm chứng nhờ những dụng cụ để đi tới định luật chung cắt nghĩa các sự kiện khác thuộc vật chất.

- Thí nghiệm hay thực nghiệm, là một bước trong phương pháp khoa học dùng để phân minh giữa khoa học hay giả thuyết. Thí nghiệm cũng được sử dụng để kiểm tra tính chính xác của một lý thuyết hoặc một giả thuyết mới để ủng hộ hay bác bỏ chúng. Thí nghiệm hoặc kiểm nghiệm có thể được thực hiện bằng phương pháp khoa học để trả lời một câu hỏi hoặc khảo sát một vấn đề. Trước tiên là quan sát, rồi đặt ra câu hỏi hoặc đặt vấn đề. Sau đó, giả thuyết được hình thành. Tiếp đến thí nghiệm được đưa ra để kiểm tra giả thuyết. Kết quả thí nghiệm được phân tích, rồi đi đến kết luận, một lý thuyết được hình thành từ kết quả thí nghiệm, và các kết quả được công bố trên các tạp chí nghiên cứu.

2) Đối tượng nghiên cứu của khoa học thực nghiệm:

Khoa học thực nghiệm có đối tượng nghiên cứu là vật chất trong không gian và thời gian. Chỉ những gì có thể đo được: dài ngắn, nặng nhẹ, mạnh yếu, nhiều ít, nhanh chậm, mới…mới thuộc phạm vi nghiên cứu tìm hiểu của môn khoa học thực nghiệm này.

3) Giới hạn của Khoa học thực nghiệm:

- Ngay trong lĩnh vực vật chất là đối tượng nghiên cứu của khoa học thực nghiệm, thế mà cho tới nay vẫn còn rất nhiều vấn nạn mà các nhà bác học vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Chẳng hạn: sự sống hình thành và phát triển thế nào trong một hạt lúa, một con kiến ? Chết là gì và tại sao con người phải chết ? Làm thế nào để con người có thể sống mãi ? Vũ trụ vật chất ta đang sống có biên giới không ? Xuất hiện từ bao giờ ? Gồm bao nhiêu hành tinh ? v.v…Người ta chỉ biết phỏng đoán, hoặc dựa vào một vài yếu tố để xây dựng những giả thuyết thiếu chính xác, dễ bị sụp đổ với thời gian.

- Sang đến lĩnh vực tâm linh con người thì khoa học thực nghiệm hoàn toàn bấc lực vì vượt quá phạm vi họat động của nó. Chẳng hạn: Quan sát một bàn tay đang sờ trên trán của một người, nhà bác học chỉ có thể biết được: xương tay mỗi cái di chuyển mấy độ ? Do những cơ gân nào điều động. Sức nặng của bàn tay là bao nhiêu ? Cần tốn bằng nào nhiệt tố (Calori) của cơ thể để xê dịch như vậy ? Sự cọ xát của hai làn da phát sinh bao nhiêu nhiệt điện ?... mà thôi. Khoa học không thể nói đến ý nghĩa tâm linh của hành động ấy để khẳng định đó là cử chỉ của một bác sĩ đang khám bệnh hay là sự vuốt ve của một bà mẹ đang nựng đứa con thơ.

- Nhìn vào quan hệ giữa người với người, khoa học thực nghiệm chỉ thấy da thịt cọ xát vào nhau, hai bàn tay đang nắm chặt nhau, nhưng không bao giờ thấy được tình hữu nghị trong cái bắt tay đó. Khoa học thực nghiệm cũng không thể dùng các dụng cụ để đọc được tư tưởng của con người, không thể giải thích được tại sao tôi lại thương người này và ghét người kia. Dù không thấy không biết, khoa học thực nghiệm cũng không bao giờ dám quả quyết rằng ý nghĩa hay tình cảm kia là không có.

- Như vậy, phải nói rằng: KHÔNG PHẢI CHỈ NHỮNG GÌ KHOA HỌC CHỨNG MINH ĐƯỢC MỚI CÓ THỰC. VẪN CÓ NHỮNG THỰC TẠI HIỆN HỮU TRONG THIÊN NHIÊN, NHƯNG VÌ NGOÀI PHẠM VI THỰC NGHIỆM, NÊN KHOA HỌC ĐÀNH CHỊU BẤT LỰC KHÔNG THỂ CHỨNG MINH ĐƯỢC.

II.KHOA HỌC VÀ SỰ HIÊN HỮU CỦA THIÊN CHÚA:

1) Khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên với những trật tự lạ lùng kỳ diệu, con người có trí khôn đã đặt ra ngay câu hỏi: “vũ trụ và trật tự ấy do đâu mà có ?” Từ đó với trí khôn suy luận từ hậu quả tới nguyên nhân, con người đã đi đến kết luận: phải có một Đấng nào đó đã sáng tạo nên chúng. Đấng ấy được gọi là Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời… tùy theo mỗi dân tộc, địa phương…

2) Tuy nhiên, một số người lại dựa vào khoa học để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Theo họ, cho tới nay khoa học vẫn chưa chứng minh là có Thiên Chúa, nên chắc không có thực. Ý niệm về một vị Thiên Chúa sáng tạo chỉ là sự mê tín do một số nhà duy tâm bày đặt ra nên không đáng tin. Ngày 12/04/1961: YU-RI GA-GA-RIN một phi hành gia người Liên-xô đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Phi thuyền chở ông đã quay về an toàn sau 108 phút bay quay quanh trái đất. Sau cuộc du hành, Ga-ga-rin đã tuyên bố: “Trong cuộc bay lượn giữa các vì sao, tôi chẳng nhìn thấy Thiên Chúa đâu cả”. Linh mục DO-MI-NI-QUE DU-BAR-LE, một nhà triết học tôn giáo, chuyên gia tại Công đồng Vatican II và là trưởng khoa triết học tại viện Công Giáo Paris (1967-1973) đã trả lời : “Vậy thì ông cho rằng Thiên Chúa là một loài có xương thịt và thở bằng không khí hay sao ?” Người tín hữu công giáo, dù chỉ là một đứa bé cũng biết rằng: Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, chứ không phải là lòai vật chất hữu hình giống như các tạo vật do Ngài sáng tạo. Do đó các phi hành gia dù có đi trong vũ trụ bao lâu đi nữa cũng không bao giờ có thể nhìn thấy Ngài. Thiên Chúa thiêng liêng thì làm sao phi hành gia có thể xem thấy được ? Cũng như với cặp mắt thường, chúng ta không nhìn thấy vi trùng trên miếng mít vừa bị con nhặng đậu vào. Nhưng không thấy không đồng nghĩa với không có. Vì khi nhìn qua kính hiển vi chúng ta sẽ thấy hàng triệu vi trùng trên miếng mít nói trên. Cũng vậy, với mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa trong vũ trụ thiên nhiên, nhưng với mắt đức tin, chúng ta chắc chán sẽ thay được sự hiện hũu của Ngài.

3) Thiên Chúa là nguyên nhân tối hậu, là căn nguyên của vũ trụ vạn vật, là Đấng đã sáng tạo vũ trụ vật chất từ hư không, nhưng Ngài không đồng hóa với các tạo vật do Ngài tạo dựng. Thiên Chúa ở ngoài không gian và thời gian và không lệ thuộc vào vũ trụ thiên nhiên vật chất. Ngài là Đấng thiêng liêng vô hình, không phải là một lòai vật chất hữu hình… nên Ngài không phải là đối tượng nghiên cứu trực tiếp của Khoa học thực nghiệm. Khoa học không có quyền quả quyết có hay không có Thiên Chúa, vì điều đó nằm ngoài phạm vi của nó. Cũng như khi nghiên cứu tìm hiểu về một cái bàn, nhà khoa học chỉ có thể phân tích, cân, đo… những gì là vật chất chứa đựng trong cái bàn đó như các chất gỗ, sắt… Nhưng lại bất lực không thể chứng minh có ai đó đã làm nên cái bàn ấy. Người ta phải dùng trí khôn suy luận từ hậu quả đến nguyên nhân để quả quyết chắc chắn: cái bàn không thể tự nhiên xuất hiện, nhưng phải có một bác thợ mộc nào đó đã làm ra nó. Cũng vậy, khi nhìn thấy vũ trụ thiên nhiên với những định luật trật tự lạ lùng hoàn hảo, trong đó Khoa học chỉ có thể nghiên cứu tìm hiểu những định luật, những hiện tượng thiên nhiên, những gì thuộc vật chất… nhưng không bao giờ chứng minh được rõ ràng về sự hiện hữu của Thiên Chúa ? Khoa học không thể cho biết sinh hoạt của Thiên Chúa ra sao ?...Vì Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình, và không hiện diện tại một nơi nào đó trong vũ trụ, không lệ thuộc vào những định luật không gian thời gian do Ngài sáng tạo. Muốn nhận biết Thiên Chúa, người ta phải sử dụng trí khôn suy luận từ hậu quả đến nguyên nhân: Có vũ trụ trời đất với những trật tự lạ lùng kỳ diệu thì đương nhiên đã phải có một Đấng nào đó không phải là vật chất, đã tạo dựng nên chúng và an bài để chúng tiếp tục tồn tại. Đấng ấy chính là Thiên Chúa.

TÓM LẠI: Khoa học ngày nay tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn luôn có giới hạn. Khoa học chẳng qua chỉ là sản phẩm của trí khôn hữu hạn của con người, có nhiệm vụ khám phá những gì vẫn có trong vũ trụ thiên nhiên và hướng những hiểu biết ấy vào việc phục vụ con người. Khoa học ngày càng tiến triển là một bằng chứng cho thấy sự hữu hạn của nó. Vì còn tiến tức là còn có nhiều điều khác vẫn chưa khám phá ra. M. POINCARÉ đã nói: “ Khoa học dù có tiến xa, phạm vi của nó vẫn có hạn. Ngoài giới hạn của nó là sự bí mật. Biên giới càng xa thì bí mật càng rộng.” ARSONVAL cũng khẳng định: “ một câu trả lời của nhà khoa học sẽ gợi ra 20 vấn nạn khác. Khoa học là trường rèn luyện về đức tính khiêm tốn và thành thực”. YOUNG cũng phải thú nhận rằng: “ Càng giỏi càng thấy mình dốt”.

Ngay trong phạm vi vật chất nhà Khoa học còn bất lực không thể giải đáp được nhiều vấn đề, phương chi về những vấn đề siêu hình như sụu hiện hữu của Thiên Chúa, linh hồn, đời sau… Đây la những vấn đề vượt quá khả năng của khoa học thực nghiệm mà chỉ có triết học suy luận và thần học mặc khải mới có quyền lên tiếng. Tuy nhiên, Khoa học có thể đóng góp tích cực trong việc tìm kiếm chân lý: Khoa học có thể nghiên cứu và cho biết sự sắp đặt kỳ diệu, những định luật lạ lùng chi phối thiên nhiên… Rồi nhờ nguyên tắc nhân quả của triết học, con người sẽ nhận biết Đấng Tạo Hóa và nhờ mặc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, con người sẽ hiểu biết nhiều mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì thế ông Newton, một nhà thiên văn học lừng danh đã mạnh dạn quả quyết : “Tôi nhìn thấy Thiên Chúa ở đầu thiên lý kính của tôi”.

3. THẢO LUẬN: 1) Bạn sẽ trả lời thế nào khi nghe một người bạn nói khoa học đã chứng minh ngòai con người, không có một Thiên Chúa hay thần minh nào khác cả ? 2) Hãy cho biết cứ cãi lý nhau về có hay không có Thiên Chúa liệu sẽ có người thắng người thua không ? Điều quan trọng nhất các tín hữu phải làm khi gặp một người bạn phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa ?

4. NGUYỆN CẦU:

- Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho chúng con luôn xác tín vê sự hiện hữu cua Chúa trong vũ trụ thiên nhiên va trong mỗi giây phút trong cuộc sống của mỗi người chúng con, để không ngừng dâng lời ngợi khen chúc tụng Chúa noi gương Mẹ Ma-ri-a: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… Đấng Tòan Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn.” (Lc 1,46b.49).

- Mỗi khi gặp phải một kẻ cứng lòng tin. Xin cho chúng con biết cầu xin Chúa đổ ơn Thánh Thần giúp chúng con biết phải đối thọai và trình bày đức tin thế nào để giúp họ nhận biết Chúa? Chúng con luôn xác tín rằng: đức tin là do ơn Chúa ban và đòi sự thiện chí đón nhận của con người. Xin giúp chúng con biêt làm chứng cho Chúa bằng một lối sống yêu thương khiêm nhường và phục vụ tha nhân vô vụ lợi, và phó thác thành quả cho Chúa quan phòng.- AMEN.

LM ĐAN VINH - HHTM

 

 


Mục Lục Năm Đức Tin