Khủng hoảng trong đời sống linh mục

Cuộc đời nào cũng có căn tính của nó. Đời sống linh mục cũng vậy. Chúng ta quá biết linh mục là người trung gian giữa trời và đất, kế tục sự nghiệp của Chúa Ki-tô ở trần gian. Đó là một thiên chức cao cả. Nhưng tại sao hiện nay có quá ít người trẻ ở các nước được gọi là văn minh, tân tiến, muốn làm linh mục. Một số người đã được thụ phong linh mục, lại muốn bỏ cuộc. Người ta gọi là khủng hoảng căn tính. Tại sao?

Lúc nào, khi nào, con người cũng cần nghe và hiểu sự thật. Các linh mục có thừa tác hàng đầu là rao giảng Lời Chúa. Lời Chúa là chân lý, nói thật thì hay mất lòng, nên các linh mục hôm nay dễ bị cám dỗ thích nghi Lời Chúa trong tư tưởng hiện tại. Chính vì thế mà có việc thỏa hiệp, cắt nghĩa Lời Chúa theo tư duy của con người, biến các phép lạ thành những lối tượng trưng và cắt nghĩa những hiện tượng lạ ấy theo sự lý giải của lý trí. Như vậy là hoạt kê bức chân dung của Lời Chúa.

Linh mục dâng thánh lễ chiếu lệ, giải tội cho qua giờ, ít sốt sắng đọc kinh nhật tụng, bỏ bê hầu hết những việc sùng kính, điều này làm cho người trẻ nản lòng, làm cho giáo dân tuyệt vọng, thất vọng và xem linh mục như là một công chức. Đó là do yếu kém trong khi thi hành chức năng thứ hai, thánh hóa các linh hồn.

Trong khi thi hành mục vụ, các linh mục thích đi vào chính trị, thích làm các công tác chuyên môn ở đời, muốn làm bác sĩ, kỷ sư, phi hành gia, nhà xã hội, nhà văn v.v... Trong lúc đó người ta cần nơi chúng ta không phải là điều họ có, mà là điều họ không có. Jean Guitton có lần viết trong báo Le Christ au Monde: "Chúng tôi không cần các linh mục làm những việc như chúng tôi, mà các linh mục làm sao làm các điều ấy có hiệu năng như chúng tôi được. Chúng tôi là những nhà chuyên môn. Còn các linh mục phải lo những chuyện của mình như bận đọc kinh, bận dâng lễ và các công tác mục vụ khác nữa. Điều chúng tôi cần, là đời sống chứng tá và các lời rao giảng của các linh mục...”

Do đó, chúng ta hãy nên xét lại trong kỳ phòng này, có những điểm nào lệch, hãy sữa đổi, và hãy chú trọng nhất trong những điểm tích cực sau đây:

- Linh mục trước tiên là người mang mầu nhiệm của Thiên Chúa đến cho con người và mở đường cho con người tiếp cận với Mầu Nhiệm ấy. Thiên Chúa là tình yêu vô biên, vô cùng mãnh liệt, cần phải có linh mục làm trung gian khơi dậy tình yêu ấy nơi con người trong Giáo Hội. Thiếu điều này, Giáo Hội chỉ là một tổ chức xã hội hay từ thiện mà thôi.

- Linh mục là chiếc cầu nối liền Trời và Đất: mời Chúa đến cho mọi người và dẫn con người đến cùng Chúa. Muốn miêu tả và làm sống động hình ảnh Đấng Vô Hình, người linh mục phải có óc thi sĩ, giàu trí tưởng tượng, phải biết trình bày một Thiên Chúa tuyệt vời cho mọi người qua cuộc sống nhiệm lạ của mình, qua lời nói hấp dẫn của mình.

Con người linh mục phải biết say mê Chúa để sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi sự vì Chúa. Ngoài ra, linh mục phải có con mắt sâu thẳm để nhìn thấy Chúa khắp mọi nơi và thấy mọi sự ở trần gian này là dấu chỉ yêu thương của Chúa. Chính với cái nhìn này, mà “Cha Sở Nhà Quê” của văn sĩ Bernanos, đứng trước muôn vàn khổ đau và thất vọng, vẫn thốt lên: “Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa”.

Muốn giữ được cảm thức huyền nhiệm như thấy Đấng Vô Hình này, linh mục cần phải ngày ngày chú tâm học hỏi, trau dồi trí thức, mài dũa trí tưởng tượng để thấy Chúa qua công trình Chúa tạo dựng ở trần gian và qua những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân.

Có được tâm thức về Chúa, linh mục phải trình bày những huyền nhiệm ấy qua sự giảng dạy không chỉ bằng lời, mà còn bằng cả cuộc sống của mình. Phải để Lời Chúa nhập thể vào mình và đốt cháy chính mình để trở thành đuốc soi trần gian. Như Ysaia, môi được lửa trí tuệ của Thiên Chúa đốt cháy, như Êzekiel, miệng nếm lấy Lời Chúa ngọt ngào và dư đầy, linh mục phải có môi miệng xứng hợp để chia sẻ Lời Chúa cho mọi người.

Do đó, linh mục không phải là con người bình thường, mà là con người được tách riêng, con người thánh thiêng, con người thần bí, chiêm niệm, con người cầu nguyện. Nói cách khác, linh mục là người lãnh đạo dân Chúa, một vị linh hướng. Không được biến linh mục thành một nhà tâm lý, nhà xã hội đơn thuần, vì như vậy là hoạt kê chân dung của linh mục. Bổn phận đích thực của linh mục là mang mầu nhiệm Thiên Chúa đến cho mọi người, một bổn phận phong phú và đầy thách thức. Đó là sự nghiệp của ngôn sứ, một thi sĩ, một nhà hiền triết. Tại sao lại bỏ vai trò cao quý ấy để đi làm một nhà tâm lý, một nhà xã hội hay một chính trị gia ?

Còn khía cạnh khác tưởng cũng nên nêu lên ở đây, là đời sống độc thân của linh mục. Nhiều người cho sống độc thân là phản văn minh, là phi lý, là chướng kỳ.

Nhiều người giải thích linh mục cần sống độc thân, để phụng sự Chúa và phụng sự tha nhân đắc lực hơn, để sống vô vị lợi hơn. Có thể đúng, nhưng không nhất thiết vì những người có gia đình cũng phục vụ đắc lực và có lúc cũng rất vô vị lợi, do sự trợ lực của vợ con.

Như vậy, linh mục sống độc thân để làm gì? Tại sao phải sống độc thân. Paul Tillich đã chú giải một cách tuyệt vời khi so sánh đời sống độc thân linh mục với thái độ của Maria, khi bà đập vỡ bình bạch ngọc để lấy dầu thơm xức cho Chúa trước sự phản đối hữu lý của các môn đệ. Khi được tình yêu vô biên và vô điều kiện của Chúa thâm nhập, con người đáp trả bằng một tình yêu khác thường, bằng một sự tự hiến phi lý.

Theo suy nghĩ của một số người, như một số các môn đệ Chúa, thì hành vi của Maria là không thích hợp là, kỳ quặc. Thế mà Chúa Giê-su lại ca tụng tán dương và đón nhận tình yêu khác thường này. Độc thân linh mục là một điều phi lý, phi thường và phi tự nhiên. Chính tình yêu lạ thường này là rất khó hiểu như Chúa Giê-su đã từng nói “Ai hiểu được thì hiểu”.

Nói tóm lại, linh mục là người trung gian giữa trời và đất, là con người đặc tuyển để sống vì Chúa, vì tha nhân, do đó, phải hiến dâng đời mình không chia sẻ. Người đích thực mang mầu nhiệm của Thiên Chúa, người sống ở đường biên giữa trời và đất, sẽ khó gặp thấy đời mình tẻ nhạt và vô nghĩa.

Tất cả chúng ta đều biết và đều thích nhân vật “Tôn Ngộ Không”, vì Tôn Ngộ Không đột phá mọi ngăn cách thời gian và không gian: lúc thì ở trên thiên giới, lúc thì trở lại với trần gian. Con người với khát vọng vô biên ước mong được như Tôn Ngộ Không. Và linh mục là hiện thực của ước mơ ngàn đời này.

Cho nên, nếu quả là một linh mục chính cống thì còn ngại gì khủng hoảng và thất vọng. Chúng ta đã lựa chọn và được lựa chọn đi vào con đường ưu tuyển, con đường tuyệt vời nhất. Chỉ có điều vì thiên chức linh mục quá cao đẹp, quá trong suốt, mà con người yếu hèn như chúng ta không còn chỗ nào tối tăm để ẩn mình. Càng sống chức linh mục, chúng ta càng sai lỗi, và càng sai lỗi, chúng ta tự ái nản lòng.

Hãy nghe chị thánh Catarina thành Sienna, nữ tiến sĩ của Giáo Hội, ví von:

"Nếu bạn thấy một người đến từ xa, mang cho bạn một kho tàng, người đó vượt qua cuộc hành trình dài, nên áo quần rách nát, mặt mày lấm lem, chân tay rướm máu. Bạn có giơ tay đón lấy kho tàng rồi xua đuổi người ấy đi, hay là mời người ấy vào nhà, tắm rửa và băng bó vết thương cho người ấy?

Cũng vậy, các linh mục là những người mang đến cho các bạn kho tàng quý giá, Lời Chúa và Bí Tích, các bạn hãy đón nhận với lòng tri ân và yêu thương, băng bó các vết thương cho các linh mục. Đừng đoán xét, hãy để cho Chúa làm việc ấy”.

Ngày nay, có rất nhiều người mang tâm tình của Nữ Thánh Tiến sĩ Catarina thành Sienna. Các linh mục hãy tin tưởng, lạc quan và chiến đấu cho sự đứng vững của chính mình trong ơn gọi cao quý, cho nước Chúa ngày càng hiển trị và Danh Chúa được cả sáng trong môi trường hoạt động của chúng ta.

Tôi xin đưa ra đây một vấn đề thời sự: Ngày 04 tháng 07 năm 2002, tôi có dịp dâng lễ cho một cộng đoàn đa số là người Mỹ tại San Diego, Hoa Kỳ. Sau thánh lễ, Cha xứ đề nghị tôi nói mấy lời với cộng đồng dân Chúa. Tôi đã chia sẻ như sau:

Tôi rất vui mừng vì được dịp cùng với các bạn dâng lễ mừng ngày độc lập của đất nước Hoa Kỳ. Các bạn đã đấu tranh rất nhiều với cái giá bằng xương máu để giành được sự độc lập, tự do hôm nay. Nhưng mãi cho đến hôm nay, sự độc lập tự do ấy cũng chưa được bảo đảm, bằng chứng là các bạn đã trải qua những giờ phút kinh hoàng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đó là: Biến cố mà người ta gọi là nine one one” (11-9).

Như vậy, yếu tố quan trọng ở đây không phải là bất cứ giá nào giành cho được độc lập tự do, nhưng chính tình thương mới là quan trọng như thánh Phaolô đã nói: “Tình thương chịu đựng tất cả, vượt thắng tất cả, tha thứ tất cả. ..”

Tôi đã đến thăm nhiều Tòa Giám mục trong cuộc công du này và tôi nhận ra có một cuộc tấn công khác, lần này không phải là khủng bố về thể lý, mà là về tinh thần. Đó là các linh mục bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em. Nhiều giám mục đã đau buồn không cầm được giọt lệ, nhiều linh mục tốt lành đã từ nhiệm, một số giáo dân đạo đức đã ngã lòng và bị cám dỗ không giữ đạo nữa. Nhưng tôi xin nói với các bạn một câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Một cây đổ thì gây ồn ào hơn một cánh rừng đang mọc”. Quả vậy, một thiểu số linh mục bị cáo là lạm dụng thì báo chí và các phương tiện truyền thông gây ồn ào trên khắp thế giới. Động lực rất nhiều phát xuất từ những lý do kinh tế, chính trị, tôn giáo... Trong khi đó, ai cũng công nhận ra Giáo Hội Mỹ là một Giáo Hội có sức sống phong phú như một cánh rừng đang mọc. Vậy mà mấy ai để ý tới, không có phương tiện truyền thông nào quảng bá. Đừng ngã lòng, bởi lẽ, tỷ lệ các linh mục bê bối là không đáng kể so với đại đa số linh mục làm việc mục vụ và sống đời sống ơn gọi của mình một cách hết sức nghiêm túc. Hơn nữa, các bạn nên nhớ, sau khi uống thuốc xổ, người ta sẽ trở nên khỏe mạnh hơn”.

Đưa ra những sự kiện thời sự trên đây, tôi có ý cho các cha thấy người linh mục tuy được Chúa gọi, được Chúa thánh hiến, nhưng vẫn là những con người nguyên trạng, vẫn mang những yếu hèn của mình. Nếu không có Chúa, chúng ta không làm được việc gì tốt tự chúng ta. Do đó, phải có sự phối hợp hài hòa giữa ân sủng và tự do. Khi biết cậy dựa vào Chúa, chúng ta sẽ được Chúa nâng lên như phượng hoàng nâng con trên cánh.

Con người là một xã hội hữu, có khuynh hướng sống kết đoàn, có khuynh hướng lo cho người khác, quan tâm đến người khác. Nhưng vì bị ảnh hưởng trong thế giới hưởng thụ ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, nên đã có nhận xét: “Tha nhân là hỏa ngục”. Mà đúng như thế, khi ta ăn bữa ăn một mình thì ta hưởng trọn vẹn bữa ăn ấy, khi ta ngủ trong một căn phòng thoáng mát, là ta ngủ yên; nếu bây giờ có ai đến chia sẻ phần ăn, ta chỉ còn một nửa, ngủ chung một phòng, tức là làm ô nhiễm căn phòng đó, sức khỏe bị đe dọa, và như vậy, tha nhân làm cản trở cuộc đời ta. Nhưng đó là theo suy tư của thuyết hiện sinh vô thần đóng kín. Con người ích kỷ sẽ không làm ích gì cho ai, mà trở nên gánh nặng cho người khác. Trái lại, nếu coi tha nhân là thiên đường, thì đó là khuynh hướng cởi mở, để cho tha nhân tham dự vào đời sống của mình, và như vậy, có sự chia sẻ cho nhau, có sự đùm bọc lẫn nhau và tương thân tương ái, có đức nhân, là nhân đức quan tâm hai chiều. Muốn sống tinh thần nhập thể, cần phải có tinh thần tương thân tương ái, mến Chúa yêu người. Loay quay trong lĩnh vực này đã hết thời giờ, không còn sức lực dư đủ để nghĩ không tốt, nói không tốt và làm không tốt nữa.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 10 tháng 11 năm 1978, trong khi ngõ lời với các Bề Trên thượng cấp các dòng tu ở Rôma, đã đưa ra ba nguyên tắc sống chẳng những cho các thầy dòng bà xơ, mà cũng cho các linh mục của chúng ta. Ngài nói: "Để được thật nhiều bạn trẻ đón nhận tiếng Chúa gọi, chúng con hãy làm sao cho đời sống mình tỏa chiếu thành một lời chứng: trước hết lời chứng về lòng trung thành tuyệt đối với giá trị của Tin mừng và đối với ơn gọi riêng của mình. Mỗi lần chúng con nhượng bộ cho sự thỏa hiệp là chúng con làm nản lòng những người bao quanh chúng con, đừng quên điều đó.

Rồi lời chứng về một nhân cách đã thành đạt và chín chắn về mặt nhân bản, biết giao tiếp với người khác một cách không thiên kiến và cũng không bất cẩn ngây ngô, nhưng với một tấm lòng chân thành cởi mở và một quân bình trong sáng.

Sau cùng lời chứng về niềm vui của chúng con, một niềm vui không phải chỉ đọc thấy nơi lời nói, mà cả nơi đôi mắt và nơi thái độ, là niềm vui tỏ rõ cho những ai đang nhìn chúng con thấy rằng chúng con ý thức mình đã chiếm được kho báu giấu kín, viên ngọc quý, nên chẳng tiếc gì mà không từ bỏ mọi sự để sống theo lời khuyên của Tin mừng".

Chúng ta thử xét xem ba điểm mà Đức Giáo Hoàng vừa nêu lên:

- Trong đời sống chứng tá của chúng ta, điều quan trọng nhất là sự trung thành. Sau khi thụ phong linh mục, trước sau như một, chúng ta có sống mực thước không sai chạy, không đổi thay với thiên chức linh mục của mình không? Nói cách khác, là phải sống chính danh. Nếu chúng ta đòi hỏi người khác phải sống tu ra tu, thế gian ra thế gian, cha ra cha, con ra con, thầy ra thầy, trò ra trò, thì cũng phải tự đòi hỏi mình sống linh mục cho ra linh mục. Khi nhìn vào một người sống trung thành với đời, người ta phát hiện ra căn cước của người ấy. Ngược lại là lang thang, lưu linh lưu địa, vô danh vô tánh. Chúa muốn chúng ta làm linh mục là muốn chúng ta trở thành Đức Kitô thứ hai có tôn chỉ, có mục đích, có vai trò, có bản chất hẳn hoi, như có nhiều lần chúng ta suy gẫm trong các ngày phòng này. Nếu chúng ta sống xa với tôn chỉ, mục đích của hàng giáo sĩ, xa linh mục đoàn, là chúng ta làm lỡ thầy lỡ thợ, hư bột hư đường. Người ngoài nhìn vào sẽ ngỡ ngàng, kinh ngạc, các bạn trẻ muốn đi tu, muốn làm linh mục sẽ nản lòng.

- Điều thứ hai mà Đức Giáo Hoàng muốn nhắn nhủ là chứng tá một sự quân bình trong nhân cách, không ngây ngô. Nói theo Kinh Thánh là phải "đơn sơ như chim bồ câu và khôn ngoan như con rắn". Muốn được như vậy, phải có sự trưởng thành về mặt tâm lý và về mặt thiêng liêng. Về mặt tâm lý, phải biết phán đoán đúng, phải biết nhận định nhân tình thế thái và nhận định một cách khách quan, không chủ quan hay qui nạp bừa bãi. Phải biết hướng dẫn tình cảm của mình không như Evà nghe lời phỉnh nịnh của rắn dữ. Phán đoán khó nhất và dễ sai nhất, là phán đoán về con người. Mẹ Bề Trên Dòng Kín phán đoán sai về chị Têrêxa. Mẹ giáo tập sai chị Têrêxa mỗi buổi sáng ra nhổ cỏ ở trước cổng Nhà Dòng, thế mà Mẹ Bề Trên lại bảo: "Con nhỏ này sáng nào cũng đi hóng gió". Hãy hỏi han cặn kẽ, điều tra cẩn thận trước khi phán đoán. Muốn được như vậy, đòi phải kiên nhẫn, khách quan, bình tĩnh và có tinh thần bác ái.

Trưởng thành về mặt yêu thương cũng vậy, biết lý trí hóa tình cảm, biết dám làm, dám xông pha, nhưng không liều lĩnh. Có khi tạm thời bị người khác hiểu lầm đánh giá thấp, nhưng vì bác ái, vì công ích, phải hy sinh về lâu về dài, không sớm thì muộn, chân lý sẽ sáng tỏ.

Trưởng thành thiêng liêng là biết lựa chọn căn bản, biết nhận định nấc thang giá trị trong đời sống thiêng liêng, tôn sùng và đạo đức, biết vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa, biết hy sinh, biết cùng sống cùng chết với Chúa. Đó là sự lựa chọn trưởng thành, dứt khoát, mặc dầu phải đấu tranh nhiều, thậm chí có lúc bị nhiều thương tích hay tử vong.

- Điều thứ ba mà Đức Giáo Hoàng muốn nói là Niềm Vui. Chúng ta biết căn bản của niềm vui là có tình yêu và an cư lạc nghiệp. Chúng ta có Chúa là Tình Yêu và tha nhân là đối tượng để ta phục vụ. Chúng ta có linh mục đoàn và giáo phận là chỗ dựa vững chắc, nhất là tình yêu và quê hương ấy được bảo đãm trên Nước Trời, thì không có lý do gì để buồn chán hay cau có khó thương. Khi ta vui, chúng ta chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người và người trẻ sẽ phấn khởi đến với chức linh mục.

Chúng ta đang ở trong thiên niên kỷ mới, có nhiều căn nguyên để vui:

·          Vui vì được hưởng tình yêu và hồng ân của Thiên Chúa.

·          Vui vì được Chúa Giêsu Kitô đã liều thân chịu chết vì chúng ta, để chúng ta được hưởng ơn cứu độ.

·          Vui vì cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang đến và sẽ tiếp tục ở với con cái loài người mãi mãi.

·          Vui vì Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội và Giáo Hội đang tồn tại tới hôm nay và trong tương lai.

·          Vui vì Chúa hằng kết hợp hằng ngày với chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể.

·          Vui vì rồi đây Chúa Giêsu Kitô sẽ lại tỏ hiện trong vinh quang vào ngày cánh chung.

Để kết thúc bài này, tôi xin kể cho các cha câu chuyện mà Graham Green đã viết trong quyển sách mang tựa đề “Vinh quang và quyền lực” (Glory and Power):

Trong quyển sách này, nhân vật chính là một vị linh mục duy nhất còn sống và đang bị chính quyền Mexicô lúc bấy giờ ruồng bắt. Tất cả những linh mục khác đều bỏ nước ra đi hay đã bị hành quyết. Ông linh mục này, người ta không biết tên, nhưng vì ông là người duy nhất còn lại và làm ích cho biết bao nhiêu người, do đó, được mọi người Kytô hữu quý mến tặng cho danh hiệu là Padre (Cha).

Vì sống trong lo sợ và buồn chán, nên linh mục ấy có tình nhân và nghiện rượu. Dầu vậy, đi đến đâu, linh mục ấy cũng giải tội, xức dầu, dâng thánh lễ, cho rước lễ, rửa tội, khuyên bảo, ủi an và làm việc bác ái. Nhưng ông phải tàng hình vì luôn bị cảnh sát theo dõi, tìm kiếm. Cuối cùng, vì thấy người bạn mình quá khổ cho nên tình nhân của ông khuyên ông trốn sang bên kia biên giới để đến New Mexico. Trên con đường đi trốn, ông bị người cảnh sát rượt theo, người này là bạn học của ông và đang truy kích ông và tên tướng cướp. Cuối cùng, vị linh mục ấy đã thoát nạn và trốn sang bên kia biên giới. Được hít thở bầu khí tự do, ông hút xì gà và đọc báo, sau khi tắm rửa sạch sẽ, coi như làm cuộc tẩy trần dứt điểm, từ giả cuộc đời cam go. Nhưng từ bên kia biên giới, một người giáo dân đã bò qua và báo cho linh mục ấy biết, anh tướng cướp bị bắn trọng thương và đang cần có linh mục giải tội. Bị thúc đẩy một cách mãnh liệt do lương tâm linh mục, ông đã mặc lại bộ đồ rách rưới và bò qua biên giới Mexico. Đang khi ông giơ tay ban xá giải cho anh tướng cướp thì người cảnh sát đứng đàng sau ông. Ông đã bị bắt và sang hôm sau, người ta nghe tiếng súng nổ trên đồi gần đó.

Như vậy, chúng ta thấy, dầu cuộc đời ông dù bê bối thế nào đi nữa, vị linh mục này cũng luôn để mình làm dụng cụ quảng bá tình thương và sự cứu rỗi của Chúa giữa những kẻ cùng khổ, lầm than cần được cứu vớt. Cuối cùng, triều thiên tử đạo đã được Chúa gởi đến cho ông.”

+ GM Phêrô Nguyễn Soạn   (VietCatholic News  28/02/2005)

 

 


Năm Linh Mục