''Năm Linh Mục'', chia sẻ với em: Đức Ái của linh mục Chúa Ki-tô

 

2. Đức Ái của thánh Gioan Maria Vianney.

Mở ra “Năm linh mục”, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 mời gọi các linh mục học hỏi và noi gương của thánh Gioan Maria Vianney, một vị thánh mà sức học tầm thường nhưng đạo hạnh thì trổi vượt trên mọi người; kiến thức không xuất sắc nhưng đã làm cho rất nhiều hối nhân trở lại với Chúa là Cha rất nhân từ; làm cha xứ một họ đạo nhỏ -họ Ars- giáo dân khô khan về đạo hạnh, nhưng chỉ năm (5) năm sau, mỗi ngày đã có hàng ngàn người từ khắp nơi tìm đến họ đạo của ngài để xưng tội, để được lòng ăn năn hối cải, điều gì đã làm cho ngài được như thế ? Thưa, đó chính là Đức Ái của ngài trổi vượt trên tất cả mọi việc mà ngài thực hiện.

Chỉ có Đức Ái mới làm được như thế, chỉ có Đức Ái mới khiến cho tâm hồn của con người ta biết khiêm tốn, hy sinh khi phục vụ tha nhân mà thôi.

a. Nhờ Đức Ái được chọn làm linh mục.

Thánh Gioan Maria Vianney được gọi là linh mục “dốt nát”, vì sức học của ngài quá kém và theo lẽ thường thì không được làm linh mục, nhưng cha chính địa phận thay mặt đức giám mục đã hỏi ngài có yêu mến Thiên Chúa không, và được sự xác nhận của các giáo sư là cậu chủng sinh tuy học dở nhưng đạo đức thì trổi vượt mọi sinh viên cùng lớp. Đoạn văn này giúp ta hiểu rõ điều kỳ diệu Chúa làm nơi con người “dốt nát” là Gioan Maria Vianney:

“Bấy giờ đức giám mục đi vắng, cha chính địa phận đại diện đức giám mục khảo hạch khả năng thần học của các thầy. Cha chính đã biết rõ về thầy Gioan qua cha Balley, và vì tin lời cha Balley, cũng như biết cha là người đạo đức thâm trầm nên ngài gọi Gioan đến và khảo hạch riêng trong phòng. Gioan trả lời những câu hỏi của cha chính cũng vừa đủ không đến nỗi kém quá nên ngài bằng lòng cho Gioan chịu chức năm.

Khi các giáo sư dạy thần học trình bày cho cha chính biết trường hợp của Gioan, và muốn biết quyết định của ngài như thế nào, cha chính hỏi:

- Về lòng đạo đức sốt sắng của Gioan thế nào? Có lòng yêu mến Thiên Chúa không?

Các giáo sư đều trả lời:

- Về phần đạo đức sốt sắng, cách ăn ở khiêm nhường cùng các nhân đức khác thì Gioan hơn hẳn anh em bạn học, chỉ mỗi tội là học quá kém thôi.

Nghe thế cha chính trả lời:

- Ta bằng lòng cho thầy Gioan chịu chức năm, thầy có thiếu điều gì thì Chúa sẽ bù đắp cho…”( http://www.nguoitinhuu.com)

Thánh Gioan Maria Vianney đã được Chúa chọn làm linh mục không phải vì tri thức uyên bác, cũng không phải là một người đầy tài năng, nhưng là vì có lòng yêu mến Thiên Chúa, người có lòng yêu mến Thiên Chúa thì chắc chắn cũng sẽ làm những gì thuộc về Thiên Chúa yêu cầu: đó là yêu mến tha nhân như chính mình. Khi yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, thì Thiên Chúa sẽ dùng chính Đức Ái ấy mà thực hiện những kỳ công của Ngài trên họ, cha thánh Gioan Maria Vianney cũng như như thế, Thiên Chúa chọn ngài không vì học thức uyên bác của ngài, nhưng chính sự ngu dốt của ngài mà Thiên Chúa chọn, để làm sáng danh Ngài ở trần gian.

Có một vài linh mục được Chúa ban cho trí thông minh, học hành giỏi giang, nhưng thiếu bóng khiêm tốn và cuộc sống thiếu Đức Ái với ngay cả chính bản thân mình: vì kiêu ngạo nên các ngài thường lấy khả năng trình độ học thức của mình để biện hộ cho hành động thiếu Đức Ái với mình là đúng, như hút thuốc uống rượu, mà một khi đã không yêu bản thân mình thì không thể trở thành gương tốt cho người khác được. Thiên Chúa là Đấng ban phát trí khôn và tài năng cho con người, nhưng Ngài cũng sẽ lấy lại nếu con người vì quá kiêu ngạo phủ nhận mọi tài năng của mình là do bản thân của mình mà có. Và đó chính là điều mà Thiên Chúa đã dùng thánh Gioan Maria Vianney để tình yêu thương của Ngài trên mọi linh hồn được thể hiện, mà cụ thể là giáo dân của họ đạo Ars, một họ đạo khô khan và “ngoại trừ họ đã chịu Phép Rửa Tội ra, thì tất cả đều sống như con vật.”

b. Đức Ái cảm hóa lòng người.

Thánh Gioan Maria Vianney lên đường đến xứ đạo mới –họ Ars- với một cái rương nhỏ đựng một ít đồ dùng cần thiết, ngài không biết đường đến nhà thờ nên phải nhờ em bé mục đồng chỉ đường, ngày dâng lễ đầu tiên ở họ đạo mới chỉ có vài người, nhưng trong lòng ngài đầy ắp cả chương trình làm việc ở họ đạo mới khô khan lòng đạo này. Chương trình đó của ngài chính là đặt Đức Ái lên trên hết mọi công việc mục vụ, mà việc đầu tiên của Đức Ái chính là đi thăm giáo dân của mình, ngài đi thăm từng gia đình một, ngài nắm vững từng tâm hồn của con chiên của ngài, và ngài biết phải làm gì để cảm hóa lòng họ, yêu thương họ và cầu cứu với Thiên Chúa, đó là cầu nguyện.

Khác hẳn với các linh mục hôm nay, khi nhận bài sai đến giáo xứ mới thì chính mình hoặc nhờ người thân tín đến đó trước để dò hỏi tình hình, và có khi “chỉ đạo từ xa” cho giáo dân ở xứ đạo ấy phải làm thế nào đón tiếp mình cho thật long trọng, phòng khách nhà xứ chưa có thì phải làm hoặc sửa sang lại ngay, nhà ở của cha sở chưa có gắn máy lạnh thì phải kêu thợ đến gắn ngay, rồi sau khi mọi chỉ thị từ xa được hoàn thành thì ngài mới đến. Thánh Gioan Maria Vianney không chần chừ khi được bài sai, cũng không nhờ người đi dò hỏi trước giáo xứ mà mình đến, cũng không chỉ thị từ xa cho họ phải làm cái này phải bỏ cái kia, nhưng ngài vội vàng ra đi với một tâm hồn tràn đầy lửa yêu mến Chúa và tha nhân. Linh mục thời nay được chọn với học thức đầy đủ, và chắc chắn không có một giáo xứ nào nhỏ bé mà khô khan cằn cỗi lòng đạo như họ Ars của thánh Gioan Maria Vianney, bởi vậy các linh mục cần phải có tâm hồn tràn đầy Đức Ái như ngài, thì Đức giám mục sẽ vui mừng hân hoan, các giáo dân cũng nhờ đó mà vui mừng tiến bước trong ân sủng của Chúa dưới sự dẫn dắt của cha sở mình.

Không những viếng thăm giáo dân và tìm hiểu đời sống và ước muốn nội tâm của giáo dân, thánh Gioan Maria Vianney còn chuyên chăm cầu nguyện, bởi vì ngài biết rằng, hiểu rõ hoàn cảnh của mỗi giáo dân mà thôi thì cá nhân ngài cũng không thể làm được gì cả, nhưng phải cậy nhờ vào tình yêu của Chúa, thế là ngài chuyên tâm cầu nguyện, cầu nguyện để được biết ý Chúa, cầu nguyện để trở nên gương sáng cho giáo hữu, và sự cầu nguyện của ngài làm cho các giáo dân hồ nghi đây có phải là linh mục đích thực không ? Thế là vì tò mò mà người đến nhà thờ để coi ngài, nhìn ngài cầu nguyện, và rồi sự cầu nguyện đã cảm hóa được tâm hồn nguội lạnh về Thiên Chúa của họ.

Nếu không có Đức Ái thì linh mục cũng chỉ là như một người làm công cho đức giám mục mà thôi, nghĩa là các ngài trước khi đến giáo xứ thì đòi điều kiện với Đức giám mục, đến nơi giáo xứ thì hạch sách giáo dân, chứ không vì đức vâng lời, không vì trách nhiệm và bổn phận mà phục vụ, bởi vì nơi những vị linh mục ấy không có Đức Ái nên không có khiêm tốn, không có đức vâng lời và cũng không có tinh thần phục vụ như lòng Chúa mong muốn nơi các mục tử của đoàn chiên Ngài.

Không một giáo dân nào thờ ơ khi thấy cha sở hoặc linh mục cầu nguyện, và ngay cả chính Thiên Chúa cũng mềm lòng trước lầu cầu xin chính đáng của con người, huống gì là lời cầu nguyện của một linh mục, Thiên Chúa nhất định sẽ yêu mến và chấp nhận lời cầu xin của các ngài, bởi vì các ngài đã dùng Đức Ái để cầu nguyện chứ không dùng sự kiêu ngạo, dùng sự bền chí để cầu xin chứ không cầu xin được hay không cũng được. Nhờ Đức Ái mà thánh Gioan Maria Vianney nhìn thấy những nhu cầu cần thiết của giáo dân trong một họ đạo thiếu vắng linh mục đã lâu, nên ngài biết cầu nguyện liên lĩ và cầu xin liên lĩ, không những cho mình có can đảm để tiếp tục cày bừa trên thửa ruộng họ (đạo Ars) khô cằn sỏi đá được trở bông yêu thương và nhiệt thành, mà còn cầu nguyện cho cả giáo dân của mình được ơn hoán cải và nhiệt thành với nhà Chúa...

c. Đức Ái dẫn đến hy sinh quên mình.

Nhìn “thời khóa biểu” trong một ngày của thánh Gioan Maria Vianney làm cho con người thời nay cảm phục, ngài hy sinh đến quên cả bản thân mình, mỗi ngày ngài ngồi tòa giải tội liên tục từ giờ này đến giờ nọ, ngay cả khi ăn cũng giải tội, thời gian một ngày của ngài là giải tội cho giáo dân của mình và giáo dân từ những nơi xa xôi trong các vùng nước Pháp đến, không có giờ nấu ăn, nên ngài nấu khoai lang để dùng vài ngày ăn cho tiện, ngay cả giờ nghỉ ngơi giải trí cũng không, giờ ngủ thì rất ít, tất cả những hy sinh đó nếu không có lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân thì chắc chắn không thể làm được.

Có một vài linh mục thời nay, sau khi dâng thánh lễ xong thì không thấy ngài đâu nữa, và không ai biết ngài đi đâu, điện thoại di động không mở, không phải ngài đang cầu nguyện trong nhà thờ, cũng không phải ngài đang đóng cửa đọc sách, nhưng ngài đang đóng cửa coi phim, giáo dân có việc tìm ngài thì không gặp, muốn xưng tội với ngài thì phải coi giờ xưng tội nơi cửa nhà thờ, chứ đường đột xin xưng tội thì sẽ không được.

Đức Ái của linh mục không hệ tại đọc sách nhiều và làm việc giỏi (bởi vì có nhiều linh mục năng nổ làm việc đạt nhiều thành quả tốt, nhưng lại không có sự khiêm tốn trong tâm hồn, nên các ngài dễ dàng bị những thành quả ấy đánh gục mình khi vừa được tiếng khen ngợi của người khác), nhưng là nhờ suy gẫm cuộc thương khó của Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại mà chịu khổ hình, để nhờ đó mà các ngài hiểu rõ được sứ mạng cao cả của mình khi phục vụ Chúa trong mọi người.

Sự hy sinh của thánh Gioan Maria Vianney trở thành mẫu gương sáng chói cho các linh mục của Chúa Giê-su, như lời của Đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói trong thư gởi các linh mục nhân dịp mở “Năm Linh Mục”: "Vừa đến nơi, ngài đã chọn nhà thờ làm nơi ở của mình…Ngài vào nhà thờ trước bình minh và chỉ ra khỏi đó sau Kinh Truyền Tin buổi chiều. Chính ở đó mà phải tìm kiếm ngài nếu người ta cần đến ngài". Giáo dân không cần đi tìm ngài ở nơi xa xôi, nhưng vào nhà thờ là thấy được ngài đang cầu nguyện trước Chúa Giê-su Thánh Thể, đây là mẫu gương tuyệt vời của sự cầu nguyện của các linh mục. Bởi vì thời nay có một số linh mục rất ít vào nhà thờ ngoài giờ dâng lễ, mặc dù nhà xứ sát bên cạnh nhà thờ; thời nay cũng có những linh mục không tích cực chầu Mình Thánh Chúa, bởi vì các ngài có rất nhiều lý do để biện minh cho mình, mà quên mất rằng Chúa Giê-su Thánh Thể là Đấng thẩm phán trong ngày phán xét chung cuộc của mỗi người, và của cả nhân loại trong ngày tận thế.

Sách Gương Chúa Giê-su đã dạy: “Con người được đức ái thành toàn, thì trong tất cả mọi việc chỉ vì vinh quang của Thiên Chúa mà không cầu lợi ích cho mình.” Thánh Gioan Maria Vianney đã thực hiện đúng như thế, ngài đã để cho Đức Ái chiếm lĩnh hoàn toàn tâm hồn của mình, ngài đã hành động vì lòng yêu mến Chúa qua những giáo dân nguội lạnh lòng đạo đức trong họ đạo của mình; ngài thức khuya dậy sớm, cầu nguyện suốt ngày trong nhà thờ, hy sinh ngồi tòa giải tội bất cứ lúc nào trong ngày, đi thăm viếng từng gia đình trong họ đạo là chỉ vì vinh quang của Thiên Chúa, chứ không phải tìm vinh quang cho mình. Ngài đã để cho ngọn lửa Đức Ái đã đốt cháy tâm hồn để trở thành ngọn đuốc yêu thương tỏa sáng và sưởi ấm lòng lãnh đạm thờ ơ nơi mỗi người tín hữu...

Người ta thường đề cao đức khiêm tốn của các thánh, và đối với thánh Gioan Maria Vianney cũng không ngoại lệ đó, nhưng sẽ không có sự khiêm nhường nếu không có Đức Ái, vì Đức Ái chính là mẹ sản sinh ra những nhân đức khác. Cho nên có thể nói cuộc đời của thánh Gioan Maria Vianney được tóm gọn trong hai chữ Đức Ái, bởi vì không yêu thì sẽ không làm gì cả, dù cho ân sủng của Chúa vẫn luôn sẵn sàng ban xuống cho con người.

LỜI KẾT

Em thân mến,

Đức Ái cần phải là kim chỉ nam cho cuộc đời của các linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô, bởi vì nếu không có Đức Ái thì dù các linh mục có làm những chuyện rung chuyển thế giới, thì cũng chỉ là như cái thanh la kêu chũm chọe mà thôi, lại còn làm điếc tai người khác nữa.

Đức thánh cha Biển Đức 16 trong ngày khai mạc “Năm Linh Mục”, ngài đã đi thẳng đến nhà nguyện nơi có xác thánh Gioan Maria Vianney -bổn mạng của các cha sở- và mở đầu lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Giêsu, nơi thánh Gioan Maria Vianney, Chúa đã muốn ban cho Giáo Hội một hình ảnh cảm động về đức bác ái mục tử của Chúa, xin ban cho chúng con sống trọn vẹn Năm linh mục này, cùng với thánh nhân và được sự nâng đỡ của Người.” Lời cầu nguyện đơn sơ với tất cả ý van xin nơi vị thánh tràn đầy Đức Ái của Chúa Giê-su, để nhờ ngài cầu bàu cho các linh mục của Giáo Hội Công Giáo được trở nên những mục tử tràn đầy Đức Ái như ngài, để các linh mục thực sự là những chứng nhân hoàn hảo giữa một thế giới đầy dẫy bóng đêm tội lỗi, mà các linh mục phải trở thành những ngọn đuốc sáng soi cho họ.

“Năm Linh Mục” được mở ra trong bối cảnh thế giới đang nhìn vào các linh mục của Giáo Hội, đang xoi bói chế giễu các linh mục của Giáo Hội, và ma quỷ cũng đang vỗ tay ăn mừng chiến thắng vì có các linh mục đã đầu hàng vô điều kiện trong cuộc chiến tâm linh với ma quỷ và tội lỗi, thì với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần mà “Năm Linh Mục” được khai mở cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo, mà đặc biệt là Đức thánh cha đã chọn thánh Gioan Maria Vianney làm mẫu gương sáng đặc biệt cho các linh mục học hỏi và noi theo, không phải noi theo cái “ngu dốt tầm thường” kiến thức của ngài, nhưng noi theo những việc ngài đã làm cho họ Ars, từ một địa phương không ai biết thành một nơi hành hương nổi tiếng của thế giới, từ một họ đạo khô khan lòng đạo của giáo dân trở thành nơi an ủi khuyến khích những tâm hồn tội lỗi trở về với Chúa, tắt mọt lời đó là học theo gương mến Chúa yêu người của thánh nhân, tức là Đức Ái.

“Năm Linh Mục” là để mỗi linh mục nhìn lại cuộc đời tận hiến của mình có phù hợp với tinh thần Phúc Âm không, là nhìn lại căn tính của linh mục không phải chỉ là dâng thánh lễ, cũng không phải là kiến thiết xây dựng, nhưng căn tính của linh mục là Đức Ái, là lời truyền dạy của Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly trước khi hy sinh chịu chết vì tội lỗi nhân loại, Chúa Giê-su dạy rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”( Ga 15, 12.) “yêu thương nhau” chính là Đức Ái, là căn tính của các linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô.

***

Em thân mến,

“Đức Ái của linh mục Chúa Ki-tô” là những chia sẻ với em về những suy tư của anh trong đời sống linh mục, bởi vì nếu không có Đức Ái thì linh mục không thể cảm động trước nổi bất hạnh của người khác; nếu không có Đức Ái thì linh mục cũng chỉ là một con người đầy tham sân si như những người khác mà thôi, và có khi còn tệ hại hơn nữa, bởi vì nơi bản thân linh mục mọi sự đều có, mà theo người đời nhìn vào thì linh mục là một đại gia có tiền, có danh vọng và có quyền, mà khi một linh mục trở thành đại gia –nghĩa là không có Đức Ái- thì dù ngài có dâng thánh lễ, dạy giáo lý, hoặc làm việc bố thí, thì tất cả những việc làm ấy như thanh la chũm chọe để mọi người khen ngợi mà thôi.

Em đừng ngã lòng khi thấy cha sở em, hay một vài linh mục sống không có Đức Ái, bởi vì các vị ấy chỉ là những thiểu số nhỏ, nhưng hầu hết các linh mục của Chúa Giê-su trên thế giới này đều là những con người đã hy sinh tất cả để được Chúa, các ngài đã vì tận hiến cho Chúa mà trở thành những mục tiêu tấn công của ma quỷ và thế gian, cho nên em hãy luôn cầu nguyện cho các linh mục của Giáo Hội, cầu nguyện thật nhiều bởi vì các linh mục của Chúa Giê-su rất cần lời cầu nguyện của mọi người, trong đó có em và có anh.

Lời nguyện kết thúc bài chia sẻ:

Lạy Chúa Giê-su là linh mục đời đời,

Chúa đã đến thế gian không phải để được phục vụ

dù Chúa rất đáng để được người khác phục vụ,

nhưng Chúa đến thế gian

để phục vụ và hiến mạng sống

cho nhân loại, là đối tượng yêu thương của Chúa.

Xin ban cho con và các linh mục của Chúa,

ngày hôm nay,

đang sống giữa một thế gian

giữa những cám dỗ của ma quỷ và tội lỗi

biết trang bị cho mình tinh thần cầu nguyện,

lòng khiêm tốn và can đảm,

và nhất là đốt cháy lòng chúng con ngọn lửa

của Đức Ái.

Để chúng con cũng như Chúa,

coi họ là những đối tượng yêu mến của chúng con.

Để nhờ sự cầu nguyện

mà chúng con tìm ra thánh ý Chúa,

để nhờ lòng khiêm tốn

mà chúng con phục vụ trong vui vẻ,

để nhờ lòng can đảm

mà chúng con không ngại trước những cám dỗ,

và nhờ Đức Ái

mà chúng con hoàn thành nhiệm vụ

vối tất cả hy sinh quên mình.

Lạy Chúa Giê-su là linh mục đời đời,

Nhờ lời chuyển cầu

của thánh Gioan Maria Vianney,

bổn mạng của các cha sở và các linh mục,

xin cho chúng con biết noi gương

bác ái, khiêm tốn và cầu nguyện của ngài,

để chúng con đi đốt lên ngọn lửa của Đức Ái

nơi những tâm hồn nguội lạnh,

để lòng họ bừng cháy lên lòng yêu mến Chúa,

để họ biết chung tay

thắp lên ngọn lửa Đức Ái ngay trong cuộc sống

của mình và của người khác.

Xin Chúa nhậm lời chúng con cầu xin.

Amen.

 

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 

Hết


Năm Linh Mục