TƯ TƯỞNG MỖI NGÀY
Năm Linh Mục

Tháng Hai
Từ 21 đến 28 Tháng 2 Năm 2010
Nguồn Trích: Daily Thought
Focolare Movement: wwww.focolare.org
Bản Dịch: Nam Nguyên

Ngày 21/02/2010

Chương trình của Thiên Chúa với cơn thử thách

Cùng anh em yêu dấu và thân ái nhất, khi bị đòn giáng xuống, cơn đớn đau hành hạ, hay được Thiên Chúa sửa phạt, anh em đừng để cho tâm hồn mình rơi vào tuyệt vọng, cũng đừng lẩm bẩm than phiền. Chớ bao giờ để cho nỗi niềm cay đắng của sầu muộn tràn ngập vào tâm hồn mình, cũng chớ để cho sự nhát đảm của mình biến mình thành người lo lắng hoảng sợ! Mong sao sự tươi cười luôn rạng chiếu trên khuôn mặt, niềm vui mừng luôn nẩy nở trong tâm hồn, lòng biết ơn luôn phát ra từ môi miệng anh em! Anh em cần ca ngợi Thiên Chúa về thánh ý Ngài qua việc Ngài gởi cơn thử thách đến, khiến cho anh em phải lâm cảnh khốn khổ, nhờ vậy Ngài sẽ cứu anh em thoát khỏi án phạt đời đòi. Cơn thử thách đưa anh em xuống mức thấp hèn để rồi anh em sẽ được nâng lên, làm cho em em bị thương tích để rồi anh em sẽ được chữa lành, làm cho anh em ngã xuống để rồi anh em đưọc ơn chỗi dậy.

Saint Peter Damian
Lettere
Libro 8, 6


Ngày 22/02/2010

Chấp nhận cơn khủng hoảng ngoại tại

Bản thân chúng ta là linh mục, dù vào tuổi già hay vẫn còn trẻ, chúng ta phải hiểu biết về sự cần thiết của đau khổ và những cơn khủng hoảng. Chúng ta phải chịu đựng và thăng hoá các nỗi đau khổ xẩy đến ấy. Có đón nhận trong thái độ như thế thì cuộc sống mới trở nên phong phú. Tôi xác tín rằng những dấu tích Chúa mang mãi mãi là sự kiện có giá trị biểu tượng. Theo sự diễn đạt về sự khủng khiếp của đau khổ và sự chết, ngày nay những dấu tích thánh chính là những dấu ấn chiến thắng của Chúa Kitô, nói lên nét cao đẹp trọn vẹn của đau khổ, nói lên tình thương yên vô bờ bến của Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta, các linh mục cũng như người trong nếp sống lứa đôi, tất cả phải chấp nhận và chịu đựng mọi cơn khủng khoảng từ ngoại tại, của tha nhân, nhất là những khủng hoảng mà tưởng chừng không còn cách nào để cho chúng ta ở lại với nhau được nữa.

Pope Benedict XVI
To the priess of the diocese of Albano
31 August 2006


Ngày 23/02/2010

Cảm nhận những khổ đau của Giáo Hội như của mình

Bộ mặt Giáo Hội, dù trong ánh sáng hay bóng tối, đều phải hiển hiện trong mỗi người Kitô hữu, và trong từng cộng đoàn Kitô hữu. Điều này có nghĩa là chúng ta phải cảm nhận như là của chính chúng ta không những niềm vui, hy vọng, những thăng tiến liên tục, cũng như các chiến thắng của Giáo Hội, mà cỏn cần cảm nhận như của riêng chúng ta cả những nỗi sầu muộn của Giáo Hội nữa, chẳng hạn như: thiếu tình hiệp nhất trọn vẹn nơi các Giáo Hội, những cuộc tranh cãi tiêu cực, nhiều nguy hại của việc coi thường những kho tàng cổ truyền, nỗi lo lắng về việc nhiều người không nhìn nhận hay không sống theo sứ điệp Thiên Chúa nói với thế giới về ơn cứu rỗi nhân loại. Tôi thiết tưởng rằng mọi người Kitô hữu chân chính đều là những người mang thương tích, không phải ở mức độ phi thường, nhưng là một cảm nghiệm vượt trên cảm giác, một cảm nghiệm tâm linh... Tôi thấy hình như dấu tích của các người Kitô hữu hôm nay là những thương tích bí nhiệm nhưng có thật, đó là những đau khổ Giáo Hội phải chịu đựng trong thời đại này. Nếu chúng ta không để cho tình bác ái của Đức Kitô đang hiện diện trong lòng mình đủ rộng lớn để cảm nghiẹm được những cơn đau đớn của các vết thương này, thì làm sao chúng ta hiểu được tâm tình mà Thiên Chúa muốn chúng ta cần phải có trong thời đại hôm nay.

Chiara Lubich
Essential Writings
New City, London, 2007, p 117


Ngày 24/02/2010

Sự nhiệt thành canh tân mà không phiền lòng ai

“Homo ecclesiasticus” (Người của Giáo Hội)... thường nhậy cảm trước các nhân tố có sức làm tê liệt, áp đảo, hay làm tổn thương đến cả nhiệm thể... Người ấy cảm thấy khổ tâm về những phiền toái trong nội bộ Giáo Hội. Trong mọi hoàn cảnh, người ấy muốn Giáo Hội luôn khát vọng sự công chính, quan tâm hơn về khía cạnh tâm linh của mọi vấn đề, càng phải tránh xa hơn càng tốt cái gọi là dung hòa với thế gian và những mặt sai trái của trần thế. Người ấy không sống trong mộng tưởng, và bao giờ cũng tự trách mình trước, nhưng lại chẳng bao giờ có thể đồng ý với tình trạng các môn đệ Chúa Giêsu ... cứ thờ ơ đứng khoanh tay bên lề những cảnh tượng thăng trầm của nhân loại. Người ấy vẫn một mực nhìn ra các điều tốt và vui hưởng những điểm lạc quan ấy, hơn nữa còn cố gắng trình bầy cho mọi người cùng biết, và mặt khác người ấy chẳng bao giờ nhắm mắt làm ngơ những khiếm khuyết và đau khổ mà bao nhiêu người không muốn biết đến, hoặc đã từng trở thành gương mù gương xấu cho người khác. Người của Giáo Hội nhận định rằng có nhiều vấn đề phải được canh tân nếu chúng ta muốn tránh khỏi các tai ương hoạn nạn sắp tới, đồng thời người ấy không phải là không biết việc canh tân là một chuyện tự nhiên mà Giáo Hội luôn cần đến.... Trước khi hăng say bắt tay vào việc, người ấy muốn ra sức dẫn lối chỉ đường để ai nấy phải làm thế nào cho đúng hướng đi.

Henri De Lubac
Méditation sur l’Eglise
Paris 1968, pp. 205-206


Ngày 25/02/2010

Hãy bước theo con đường của tình thương

Chống trả sự xấu, chống lại các hình thức ích kỷ và hận thù, và chết cho bản thân để sống cho Thiên Chúa, đó là cuộc hành trình đầy khổ hạnh mà mỗi môn đệ Chúa Giêsu đều được mời gọi dấn thân với lòng khiêm nhường và kiên nhẫn, với lòng quảng đại và bền tâm. Chúng ta cũng có thể nói thái độ sống nội tâm này sẽ giúp chúng ta biết chú trọng tích cực hơn về cách mà các người Kitô hữu sẽ đáp ứng ra sao với cảnh bạo động đang đe dọa nền hòa bình thế giới. Họ sẽ đáp ứng bằng cách không trả thù, không ghen ghét, và cũng không lao mình vào chủ thuyết sai lạc nào cả. Sự đáp trả của những người theo chân Đức Kitô luôn đi vào con đường mà Ngài đã chọn mỗi khi phải đối mặt với sự dữ vào thời Ngài sống dưới thế cũng như trải qua các thời đại, đó là Ngài nhất quyết dấn thân vào con đường khổ giá, bước theo con đường của tình yêu dù dài đến đâu nhưng đạt hiệu nhất.

Pope Benedict XVI
Ash Wednesday
1 March 2006


Ngày 26/02/2010

Lý tưởng cao cả: Chúa Giêsu Bị Đóng Đinh

Lý tưởng lớn lao nhất của linh hồn các linh mục phải là Chúa Giêsu Bị Đóng Đinh. Nguồn linh ứng duy nhất dưới thế đối với linh mục là cần noi gương bắt chước Ngài, nên giống như Ngài cả trong lẫn ngoài. Chúa Giêsu Bị Đóng Đinh: đối với linh mục là sách để đọc, là đề tài để suy niệm, là lý tưởng để theo, và là đối tượng để yêu mến, vì không có gì cao trọng và sung mãn hơn là Thập Giá...một mầu nhiệm làm sống dậy tình yêu của Thiên Chúa đang hiện diện nơi các linh hồn. Thập giá chính là thần bản mệnh cao quí của một linh mục thánh thiện: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá, bị đóng đinh trên bàn thờ, nhưng trước tiên Ngài bị đóng đinh ngay trong Trái Tim Ngài, với nhiều nỗi thống khổ một cách mầu nhiệm nhưng là có thật.

Conchita Cabrera De Armida
Sacerdoti di Cristo
Città Nuova, Roma 2008, p 369


Ngày 27/02/2010

Hãy cám ơn về các thành công cũng như thất bại

Nếu bạn đang hoạt động cho Thiên Chúa, làm sao bạn lại chán nản được? Công việc càng trở nên cam go, bạn càng nên cảm thấy hạnh phúc hơn, như Thánh Phêrô và Thánh Gioan sau khi bị đánh đòn: “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.” (Acts 5:41) Khi bạn thành công, hãy cảm tạ Thiên Chúa. Và hhi thất bại cũng hãy cảm tạ ơn Ngài, bởi những dịp thất bại là cơ hội Ngài thử thách thái độ dấn thân của bạn vào các hoạt động. Thực tế, việc tỏ ra can đảm và vui mừng trong lúc thất bại thường cảm thấy khó đạt tới hơn là niềm vui mừng trong những cơ hội an lành và thành ccông: những anh hùng vui trong thất bại chỉ đếm được trên đầu các ngón ở một bàn tay mà thôi.

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
The Road of Hope
New City, London, 200 p.114


Ngày 28/02/2010

Hãy luôn luôn phó thác

Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Giavê,
thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách.

2 Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì,
đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ.

3 Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ,
để cuối đời, con được cất nhắc lên.

4 Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận,
và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn.

5 Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa,
còn những người sáng giá
thì phải được thử trong lò ô nhục.

6 Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con.
Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người.


7 Hỡi ai kính sợ Đức Giavê,
hãy trông đợi lòng lân tuất của Người,
đừng lìa xa Người kẻo ngã.

8 Hỡi ai kính sợ Đức Giavê, hãy tin vào Người,
và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu.


9 Hỡi ai kính sợ Đức Giavê, hãy đợi trông ơn lành,
niềm vui không cùng và lòng thương xót.


Ecclesiasticus 2:1-9


Năm Linh Mục