TƯ TƯỞNG MỖI NGÀY
Năm Linh Mục

Tháng Ba Năm 2010
Từ 1 đến 10 Tháng 3 Năm 2010
Nguồn Trích: Daily Thought
Focolare Movement: wwww.focolare.org
Bản Dịch: Nam Nguyên

Ngày 1/03/2010

Hãy canh chừng trái tim của bạn!

Ngay các ngôi sao cũng chẳng được coi là trong sạch dưới mắt Thiên Chúa. Còn đời người là cả một cơn cám dỗ trường kỳ thì có kém gì đâu! Khốn thay cho chúng ta là những kẻ phạm tôi dâm dục mỗi khi chúng ta thích thú với chuyện dâm đãng. “Gươm trời của Ta đã chém phạt no nê rồi!” Thiên Chúa nói vậy, thế mà còn phải vung chém nhiều hơn nữa theo các mùa gặt hái đầy bụi gai và cây cỏ dại dưới dương gian. “Đường mạch” đã được Chúa Kitô “chọn” làm phương tiện để phát ra lời Ngài muốn nói, đã tự hủy hoại cả rồi, và biến thành một thứ lệ thuộc. Tuy nhiên ngay lúc bị cản trở bởi dục vọng thì lại chính là lúc con người cứ phải làm điều mà mình không mưốn làm. Như thế thật chẳng khác chi một người đau khổ vì bạo hành đến nỗi phải lên tiếng kêu than: “24 Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7:24). Nếu không biết canh chừng trái tim mình một cách cẩn mật, làm sao bạn có thể thoát khỏi vấp ngã, và tránh khỏi tổn thương?

Saint Jerome
Letters, 125: 7
Cf http://www.newadvent.org/fathers/3001125.htm


Ngày 2/03/2010

Những người hề của Thiên Chúa

Tôi không lấy làm phiền gì cả khi kể với các bạn rằng trong cuộc sống biết bao lần Chúa đã thương ban cho tôi đầy đủ ơn sủng. Thế nhưng tôi lại hay chối từ. Tôi đi theo con đường riêng của tôi, không phải con đường này có sức lôi cuốn tôi, mà vì tôi tưởng mình phải làm như vậy mà chẳng cần tới tình thương của Ngài. “Nhưng lậy Chúa, chúng con có thể diễn được một màn hài kịch nào mà lại không cần đến Chúa? Nói như vậy có phải là bôi bác giả hình không?” Cứ bình tĩnh mà xét cho kỹ, vào một lúc nào đó bạn sẽ phải diễn xuất một màn hài kịch của con người trước một vị khán giả là Thiên Chúa. Rồi hãy an tâm mà chờ xem! Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đang theo dõi màn hài kịch của bạn. Vậy thì bạn hãy ra sức mà diễn xuất bằng mọi cách với lòng mến Chúa, và diễn làm sao cho vui lòng Chúa dù có phải hiến cả đời bạn. Thật là diễm phúc cho các hài kịch viên của Thiên Chúa! Quả thực, một điều rất là tốt đẹp khi diễn màn hài kịch vì lòng yêu mến Chúa, và diễn với cả tấm lòng hy sinh, không phải để làm thỏa mãn riêng tư, mà để làm hài lòng Thiên Chúa là Cha chúng ta, là Đấng cùng đang diễn xuất với chúng ta. Hãy đặt mình như đang sống trước nhan Thiên Chúa, và hãy tâm sự với Ngài: “Con chẳng mong muốn làm điều đặc biệt này đâu, tuy nhiên con muốn làm để dâng lên Chúa!” Rồi hãy làm và làm cho thật sống động dù đó chỉ là một màn kịch. Đó là màn hài kịch được chúc phúc! Tôi bảo đảm với bạn rằng đây không phải là màn kịch giả tạo mà được diễn thực sự, nên chính các người đóng kịch cũng cần đến khán giả cho màn trình diễn của họ chứ!

Saint Josemaría Escrivá De Balaguer
Tra le braccia del Padre
Marietti, Genova 2000, pp. 32


Ngày 3/03/2010

Dòn mỏng những không thất vọng

Cầu nguyện là một điều rất là cần thiết và phải cầu nguyện liên lỉ, với cả tâm hồn, và trọn vẹn niềm tin tưởng. “Lạy Chúa, xin đừng tín nhiệm nơi con, còn con, con xin tín nhiệm nơi Chúa!” Và khi Chúa Giêsu thương và ban trước cho linh hồn chúng ta tình thương yêu, lòng cảm thông, với lòng nhân ái, vì Ngài nhìn thấy chúng ta cần như vậy, một điều chứng minh là Ngài chẳng hề bỏ rơi chúng ta, nên chúng ta mới thấu hiểu được chính lời Thánh Tông Đồ đã nói: “Virtus in infirmitate perficitur” (sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối (2 Cor 12:9). Khi tín thác nơi Chúa, dù ta khốn khó thế nào, đúng hơn là vì hoàn cảnh khốn khó của ta, chúng ta mới biết ơn Thiên Chúa chúng ta là người Cha Đầy Tình Thương Mến. Sức mạnh thần thánh của Ngài sẽ tỏa sáng và giữ cho chúng ta bền vững trong chính sự dòn mỏng của chúng ta... Nếu bạn nhận thấy mình không thể chịu đựng nổi vì một lý do nào đó, thì hãy cứ phó thác cho Ngài mà nói rằng: “Lậy Chúa, con giao phó hồn xác con cho Chúa, con hoàn toàn tín thác nơi Chúa. Xin Chúa trợ giúp con trong cơn yếu đuối của con!” Với lòng phó thác trọn vẹn, hãy nhắc lại với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, hãy nhìn đến con là kẻ rách rưới tồi tàn, cuộc sống con trải qua bao sầu khổ, con không đáng là con của cha nữa!” Hãy nói với Ngài nữa đi, và cứ nói đi nói lại mãi với Ngài như thế! Chẳng bao lâu bạn sẽ nghe tiếng Ngài: “Ne timeas! – Con đừng có sợ!” hoặc: “Surge et ambula!” – Con hãy chỗi dậy mà đi!”

Saint Josemaría Escrivá De Balaguer
Tra le braccia del Padre
Marietti, Genova 2000, pp. 19, 46


Ngày 4/03/2010

Tình yêu khôn lường

Điều kỳ diệu nhất trong việc Thiên Chúa xuống thế làm người chính là Ngài đã chết cho chúng ta. Người ta có thể hiểu Ngài phải sống lại, có thể hiều Ngài sống lại như thế nào, và khi hiểu như thế là đi đến chỗ hiểu được căn nguyên mọi sự tức là mong được lên thiên đàng. Thế nhưng có một điều nữa mà không ai có thể tìm ra được, tưởng tượng được, hay nghĩ ra được tại sao Chúa lai chịu chết vì chúng ta, Sự kiện này gây nên chấn động khôn tả nơi loài người đầy tội lỗi. “Simon, con có yêu mến Thày không?” chứ Ngài không nói: “Con đã sai lỗi, con đã phản bội Thày.”... “Simon, con có yêu mến Thày không?” đây là một cuộc cách mạng của nền luân lý mà Kitô giáo đã mang đến cho nhân loại. Luân lý này là tình yêu, một tình yêu chỉ muốn tự nguyện và xin để được tự nguyện, một tình yêu dấn thân và nài nỉ để được dấn thân. Tình yêu mà Chúa Kitô biểu lộ đã nung nấu chúng ta với tư tưởng là nếu người nào đó chết cho chúng ta, thì chết với mục đích là để cho mọi người không còn sống cho bàn thân mình nữa mà sống cho chính Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta.” Và điều đó vẫn được tái diễn lại trong cuộc khổ nạn đang thúc đẩy tôi, trong điều mà tôi phải thực hiện, và kêu gọi tôi trở lại với nguồn lý tưởng, tiếp tục kêu gọi ngay cả lúc tôi đang xả thân để làm cho lý tưởng trở nên năng động nơi tha nhân.

Luigi Giussani
Parole ai preti
SEI, Torino 1996, pp. 69-70


Ngày 5/03/2010

Thiên Chúa trong đêm tối tâm linh

Nếu Thiên Chúa không chữa lành cho tôi, thì chắc phải có sự bí ẩn nhiệm mầu nào đó liên quan đến sự việc mà người ta không thể hiểu được. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa đã có một chủ đích cho đời sống chúng ta, mà chủ đích ấy không thể đo lường bằng chiều dài của đời sống con người... Thực sự không có gì vinh quang hơn là việc được ở với Chúa Kitô mãi mãi, và sẽ thoát khỏi đau đớn, khổ sở, khóc than, cũng như thoát khỏi mọi khó khăn và bất công của thế gian. Như thế tâm trạng tôi đang sống bây giờ chẳng khác gì chính là tâm trạng tôi thực sự muốn sống trên thiên đàng. Ai lại chẳng muốn được lên thiên đàng càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên tôi lại đang muốn tiếp tục sống nơi dương thế này, sống giữa những ganh đua, tranh chấp, và khó khăn từ muôn nẻo, vì Ngài muốn tôi ở lại trần gian này. Sẽ có những lúc chúng ta giận dữ với Thiên Chúa, hay cảm thấy bị áp chế không nói lên lời, hoặc hoàn toàn mất phương hướng, vì cho rằng Thiên Chúa chẳng muốn ra tay trợ giúp gì cả... Tuy nhiên, cứ kiên nhẫn hoạt động trong giây phút tăm tối (những đêm đen tối của linh hồn như các nhà thần bí thường gọi) thì sự tương quan của chúng ta với Thiên Chúa mới càng sâu đậm. Còn nếu tôi chỉ biết ca tụng Thiên Chúa vào những lúc mặt trời chiếu sáng thì đức tin của tôi xem ra là quá nông cạn.

David Watson
David Watson: A Biograhpy
Hodder, Sevenoaks 1992, p. 229


Ngày 6/03/2010

Đau khổ, con đường đi tới gặp gỡ

Mọi cuộc gặp gỡ sâu sắc với Chúa Giêsu chỉ có thể đạt tới được qua con đường đau khổ. Không có đau khổ, chúng ta không thể hiểu biết Ngài một cách sâu xa, và cũng không thể gặp Ngài một cách thân mật. Tại sao chỉ có thể đạt được bằng con đường khổ đau? Lý do là chúng ta không thể gặp được Chúa Kitô nếu chúng ta không biết cởi mở tâm hồn mình. Chúng ta không thể gặp được Chúa, nếu tâm hồn mình không trở nên rảnh rang và rộng mở. Biến tâm hồn mình trở nên nơi trống rộng và mở sẵn là tình trạng luôn theo sau những nhức nhối con tim, như bị lưỡi gươm đâm thấu qua. Để đón nhận Đấng Vĩnh Cửu, tạo vật hạn hẹp chúng ta phải tan vỡ.

Card. Stefano Kim
Fede e Amore del cardinale Stefano Kim Sou Hwan
Seoul 1997, pp. 60-61


Ngày 7/03/2010

Đau khổ với tình yêu

Có hai loại đau khổ: đau khổ với tình yêu, và đau khổ không tình yêu. Các thánh đón nhận đau khổ với niềm vui sướng, kiên nhẫn, và bền tâm bền chí, vì các ngài yêu mến. Còn chúng ta, chúng ta đón nhận đau khổ với giận dữ, bực bội, chán chường bởi vì chúng ta không yêu mến. Nếu chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta phải mừng vui khi có thể đau khổ vì yêu mến Ngài là Đấng đã chịu đau khổ quá nhiều vì thương yêu chúng ta.. Bạn thấy khó sao? Không, thật là dễ dàng, là điều thích thú, là điều ngọt ngào và hạnh phúc. Chúng ta chỉ có con đường là phải yêu trong khi đau khổ, cũng như phải đau khổ trong khi yêu. Người muốn tìm đến thập giá phải đi ngược chiều với các thập giá và sẽ gặp được các thập giá, và có lẽ người ấy cảm thấy hạnh phúc khi gặp các khổ giá, cảm thấy yêu mến và can đảm vác mọi khổ giá. Các thánh giá sẽ nối kết người ấy với Chúa chúng ta, sẽ thanh luyện người ấy, và đưa người ấy tách ra khỏi thế gian, sẽ cất đi mọi chướng ngại ra khỏi tâm hồn, sẽ giúp sống cho đến hết cuộc đời, như những nhịp cầu giúp chúng ta vượt qua sông ngòi..


Ngày 8/03/2010

Tình yêu là đau khổ và đau khổ là tình yêu

Trên dương gian này, đau khổ chính là điều làm cho các linh hồn nên công trạng nhiều hơn, nhờ tình yêu vô bờ bến, đau khổ mới chuyển biến thành giá trị trên trời. Trong thế giới tâm linh, tình yêu là đau khổ và đau khổ là tình yêu. Tình yêu bén rễ trong đau khổ, thực ra đau khổ không đến từ Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch mọi sự. Tình yêu bén rễ sâu trong đau khổ vì đau khổ là hệ lụy của tội lỗi và đã được xóa bỏ, được đền bù bởi tình yêu phong phú của Chúa Cha, là Đấng sẽ diệt trừ mọi bợn nhơ, là Đấng thăng hóa mọi sự mà Ngài đoái tới, cũng như chuyển biến ngay cả đau khổ thành tình thương yêu và công trạng. Tình yêu ăn rễ sâu trong đau khổ, vì Thánh Giá là bàn thờ giải thoát những đau đớn, là bàn thờ của tình yêu, mang lại ơn cứu độ và hoa trái tốt tươi... Có bao nhiêu hình thức từ bỏ mà linh mục phải đối đầu để có thể chu toàn sứ vụ riêng của mình, để thánh hóa bản thân cũng như thánh hóa tha nhân! Nếu hiểu được đau khổ giúp ta thu nhận được nhiều hoa trái tốt từ nơi Chúa Cha, các linh mục phải hăng say và ao ước dường nào để được vác lấy khổ giá!

Conchita Cabrera De Armida
Sacerdoti di Cristo
Città Nuova, Roma 2008, p. 231


Ngày 9/03/2010

Xã hội tính nhân loại và thần linh

Tôi sẽ là một con người hầu như chỉ đích thực vào giây phút mà tôi tự nguyện một cách ý thức thăng tiến người khác với cả mạng sống của tôi. Sự năng động này được Chúa Giêsu diễn tả trong những lời: “Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng tình yêu của người tự hiến mạng sống mình” cho người khác. Nói cách khác, không có ai siêu việt hơn chính bản thân mình, hoặc hơn bản năng con người của mình, hay hơn cả chính người, mà vì muốn cứu vớt sự siêu việt của người khác, tự thăng hóa mình bằng cách từ bỏ cả chính mình. Như vậy, luật xã hội thần thánh đã được Chúa Giêsu mạc khải và sống, luật này phải là như vậy không thể xẩy ra cách khác được, và luật của xã hội loài người cũng như vậy. Chính Chúa Giêsu đã giúp đỡ chúng ta hiểu rõ chân lý này: hạt lúa miến sẽ không phải là lúa miến nều không có khả năng trổ sinh bông trái, và việc sinh bông phải đi qua một tiến trình của sự chết. Ở vào dịp khác, Ngài nói: “Nếu ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất sự sống, còn ai để mất mạng sống thì lại giữ được mạng sống mình.”

Silvano Cola
Scritti e testimonianze
Gen’s, Grottaferrata 2007, p. 63


Ngày 10/03/2010

Sự liên đới mầu nhiệm và đích thực

Những ai thuộc về Chúa Kitô đều phải sống cuộc sống của mình sao cho trọn vẹn. Họ phải trưởng thành theo cuộc đời biến chuyển của Chúa Kitô... và phải trải qua vườn Giệtsimani và núi Calvariô. Mọi đau khổ từ bên ngoài sẽ chẳng là gì nếu đem so sánh với màn đêm của linh hồn, là lúc mà ánh sáng thần linh không còn rọi sáng, và lời Chúa nói cũng không còn nghe thấy. Thiên Chúa vẫn ở đó nhưng Ngài ẩn mình. Các đau khổ và cái chết của Chúa Kitô được tiếp diễn trong Nhiệm Thể cũng như các chi thể. Đau khổ và sự chết là định mệnh của mọi người thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô, vậy nhờ Đầu của Nhiệm Thể là Thiên Chúa, đau khổ và cái chết của chi thể cũng có giá trị cứu rỗi và đền tội,, Một người đặt mình theo chân Chúa Kitô như thế phải kiên trì, không để mình chìm đắm trong màn đêm do việc tự tách lìa Thiên Chúa và để vắng bóng Ngài. Có lẽ trong chương trình cứu chuộc Thiên Chúa sử dụng những khốn khổ này để giải thoát con người từng là nô lệ cho tội lỗi. Do đó, Voluntas tua (Xin cho ý Cha được nên trọn), và phải chịu nhiểu hơn thế nữa một khi chúng ta lâm vào màn đêm tối tăm nhất của cuộc đời.

Edith Stein
La vita come totalità
Città Nuova, Roma 1990, pp. 204-205


Năm Linh Mục