TƯ TƯỞNG MỖI NGÀY
Năm Linh Mục

Tháng Tư Năm 2010
Từ 11 đến 20 Tháng 4 Năm 2010
Nguồn Trích: Daily Thought
Focolare Movement: wwww.focolare.org
Bản Dịch: Nam Nguyên

Ngày 11/04/2010

Thiên Chúa biến thân mình làm của ăn nuôi dưỡng

Mọi loài tạo vật đều cần dinh dưỡng để sống. Đó là lý do Thiên Chúa làm cho cây cối nẩy mọc lên tốt tươi. Đây cũng chẳng khác gì bàn ăn để cho các muông thú có thể đến kiếm mồi và mỗi loài đều có thể tìm được thức ăn cần thiết. Chính linh hồn chúng ta cũng cần được nuôi dưỡng. Khi muốn ban của ăn nuôi dưỡng cho linh hồn chúng ta để bổ sức cho tất cả mọi người trong cuộc hành trình dương thế, nhìn vào các loại tạo vật, Thiên Chúa chẳng tìm ra được thứ gì thích hợp làm của ăn nuôi dưỡng cho linh hồn chúng ta. Nên Ngài nhìn vào bản thân Ngài và quyết định hiến ban chính thân thể mình làm của ăn cho chúng ta. Linh hồn tôi ơi! Ngươi quá ư là cao trọng, vì chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn được ngươi mà thôi.

San Giovanni Maria Vianney Scritti scelti
Città Nuova, Roma 1975, p. 95


Ngày 12/04/2010

Toàn thế giới chung quanh chúng ta

Tại sao có những đoàn hành hương đổ về xứ Ars để cùng hiệp tâm hiệp ý sát cánh bên nhau chung quanh bàn thờ, nơi mà cha thánh Gioan Vianney cử hành bí tích Thánh Thể? Tại sao lại có đông đảo người tham dự thánh lễ do cha thánh Padre Piô cử hành, họ đến tham dự màu nhiệm đang được cử hành trước mặt mình một cách say mê đến độ bất kể thời gian đang trôi qua? Lý do là vì họ thấy một linh mục hoà mình với Chúa Giêsu trên thập giá một cách khăng khít đến độ ngài có thể nói như lời Thánh Phaolô rằng: “Tôi đang hoàn thành những gì còn thiếu trong khổ hình của Chúa Kitô nhân danh nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội” 1 Col 1:24) Cũng giống như Cha Sỏ giáo xứ Ars và Cha Thánh Padre Piô, tại mỗi thánh lễ, chúng ta đều có cả thế giới chung quanh chúng ta ngay ở những nơi mà “Thiên Chúa khóc” với mọi người tội lỗi cùng với mọi nỗi đau khổ của nhân loại. Chúng ta hãy lắng nghe bằng chính tai mình, hay cảm nghiệm đau khổ từ đáy con tim mình, và hãy để Chúa Thánh Thần cầu nguyện với chúng ta với “những tiếng than khóc không tả thành lời” (Col 1:24). Chúng ta hãy kết hợp mọi sự với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, là Đấng thực sự ngự trên bàn thờ.

ĐHY Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Testimony of Hope Pauline Books, Boston, 2000, p94


Ngày 13/04/2010

Hiện hữu “được hiến ban”

"Accipite et manducate. Accipite et bibite!" Hãy nhận lấy mà ăn! Hãy nhận lấy mà uống! Việc Chúa Kitô hiến ban chính mình Ngài, một sự hiến ban bắt nguồn từ sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Tình Yêu, đạt tới chót đỉnh hy sinh trên thập giá và đã được dự liệu ngay trước đó thành bí tích trong Bữa Tiệc Ly. Linh mục không thể đọc những lời thánh hiến này mà không cảm nhận chính bản thân mình hoà nhập trong mhiệm tích thần thánh như thế. Theo một ý niệm nào đó, khi đọc: “Hãy cầm lấy mà ăn!” linh mục phải biết áp dụng ngay vào chính bản thân mình, và cần phải thốt ra những lời thánh hiến ấy với lòng trung thực và quảng đại. Nếu có thể hiến mình thành một món quà, thì ngài hãy hiến thân phục vụ cộng đồng cũng như phục vụ bất cứ ai cần tới, như vậy đời sống của linh mục mới có ý nghĩa đích thực. Đây chính là điều mà Chúa Giêsu mong đợi từ các tông đồ của Ngài, như Thánh Goan Thánh Sử đã nhấn mạnh trong việc Chúa rửa chân cho chân các ông. Dân Chúa cũng mong đợi từ các linh mục như thế... Linh mục áp dụng ngay thân xác của mình vào cuộc sống qua lời nói “Hãy cầm lấy mà ăn!” như khi Chúa Giêsu nói lời ấy trong Bữa Tiệc Ly, Ngài đã hiến thân cho Giáo Hội,

Pope John Paul II
Letter to Priests Holy Thursday 2005, n. 3


Ngày 14/04/2010

Trường dậy về tự do và đời sống

Bí tích Thánh Thể phải trở thành một trường dậy về đời sống cho chúng ta, mà trong đó chúng ta phải học cách hiến trao đời sống mình. Đối với Thiên Chúa càn phải trao hiến hoàn toàn và trao một cách nhưng không. Mạng sống không phải chỉ để hiến dâng vào lúc chết, cũng như không phải chỉ để hy sinh khi tử đạo, mà chúng ta phải hiến dâng mỗi ngày. Hằng ngày chúng ta cần phải biết rằng sự sống riêng của mình không phải thuộc sở hữu riêng mình và cũng không phải để sử dụng riêng cho bản thân mình. Mỗi ngày, chúng ta phải học hỏi cách thức từ bỏ bản thân mình, học biết cách làm sao chuẩn bị bản thân mình luôn sẵn sàng để dấn thân vào bất cứ việc gì và vào bất cứ lúc nào mà Chúa chúng ta cần đến, dù cho những việc khác xem ra nổi bật hơn và quan trọng hơn đối với chúng ta: nói tắt là hãy luôn cho đi chứ đừng giữ lại. Chính qua cách thức này mà chúng ta mới cảm nghiệm được thế nào là tự do: tức là không lệ thuộc vào bản thân mình, và bản thân mình luôn rộng mở bao la. Như thế, khi trở thành người hữu dụng, là người mà xã hội cần đến, đời sống của chúng ta mới trở nên cao cả và tốt đẹp. Chỉ có những người sẵn sàng từ bỏ mạng sống mình thì mới tìm lại được sự sống.

Pope Benedict XVI
Homily, IV Sunday of Easter 7 May 2006


Ngày 15/04/2010

Một di sản cho thế kỷ 21

Biết bao nhiêu người tử đạo! Ngàn ngàn lớp lớp người tử đạo: tử đạo để giữ lòng trinh khiết, tử đạo để bảo vệ công chính, người tử đạo là thiếu niên, là nam là nữ, là những người xuất thân từ mọi quốc gia dân tộc. Bức tranh vĩ đại này bầy ra trước mắt chúng ta – con mắt của người Kitô hữu, hiền lành, khiêm cung, không bạo động, luôn chống lại độc ác, yếu đuối nhưng đồng thời rất vững mạnh trong đức tin - trước mắt những người biết yêu thương, tin tưởng vào đời sau. Môi trường tử đạo là niềm hy vọng của một kỷ nguyên mà chúng ta đang bắt đầu sống. Đó là một di sản của Chúa Kitô dành cho thế kỷ 21, một di sản mà chúng ta phải chọn lựa và nâng niu. chúng ta phải năng niu di sản này trong mỗi ngày sống của chúng ta, trong mọi khó khăn dù nhỏ hay lớn đến cỡ nào, với thái độ không gây hấn, không hận thù và không bạo động. Di sản tử đạo cần được đón nhận trong tinh yêu mến trọn vẹn, trong tinh thần hài hòa và trung thành. Isaac the Syrian đã viết: “Các bạn hãy để cho người ta hành hạ mình, nhưng mình đừng hành hạ ai. Hãy để cho người ta đóng đinh mình, nhưng mình đừng đóng đinh người khác. Hãy để cho người ta lạm dụng mình, nhưng mình đừng lạm dụng ai cả”

Card. François- Card. HY Phanxicô-Xaviê Nguy ễn Văn Thuận
Testimony of Hope Pauline Books, Boston, 2000, pp. 113-114


Ngày 16/04/2010

Trở về với điểm chủ yếu

Trong khi giao tiếp với các nền văn hóa Á Châu, dần dần tôi mới hiểu được rằng đời sống và cụ thể là đời sống giao tế còn quan trọng hơn cả những bài nói chuyện. Tôi cảm thấy mình cần “suy niệm” một số tư tưởng và suy nghĩ về các kinh nghiệm này... Chúng ta là một hạt giống bé nhỏ. Chúng ta chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng nếp sống dấn thân hằng ngày của chúng ta cần nói lên một đều đáng nhớ rằng “chúng ta ở đây để dâng trao cho Chúa Giêsu sức sống để Ngài sống giữa mọi người chúng ta.” Nguyên do chính để chúng ta sống với nhau, để chúng ta bắt đầu sống cho nhuyễn nhuần Lời Chúa, để phục vụ tha nhân, đó chính là bắc nhịp cầu sống động cho Chúa Giêsu đến sống giữa chúng ta... Khi thấy được sự thâm sâu của các dân tộc cùng nền văn hóa thấm nhuần đạo giáo của họ, tôi tự nói với mình... rằng: chúng ta là người Kitô hữu nhưng nếu chúng ta không thể biểu hiện được sự hiện thân của Đấng Đã Phục Sinh giữa chúng ta, thì không có triết lý, nguyên tắc hạy ứng dụng văn hóa nào có thể đạt tới được. Tôi xác tín một điều là chúng ta phải quay trở lại với điểm cốt yếu. Chúng ta phải khám phá trở lại mà nhận ra rằng ngay từ đầu việc rao truyền kitô giáo nếu luôn nhắm thẳng vào Chúa Giêsu Phục Sinh làm chính, thì ngày nay mọi sinh hoạt truyền đạo ai cũng theo đó và chỉ nhắm về cùng Đấng Đã Phục Sinh ấy mà thôi.

Toni Weber
Al servizio del Vangelo in Asia Gen’s 28 (1988) pp. 50-51


Ngày 17/04/2010

Một con đường sống “Phục Sinh”

Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. 3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. 9 Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi,10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu.11 Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.

Letter to the Colossians 3:1-3,9-14


Ngày 18/04/2010

Giáo Hội, Ch úa Ba Ng ôi trong thời gian

Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta rồi để chúng ta bị giam hãm trong phạm vi thụ tạo, hay sống trọn kiếp cô độc. Ngài làm cho mọi người chúng ta trở nên tất cả với nhau trong trái tim của đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu Kitô ban hiến thân mình cho chúng ta như một hiến tế hy sinh để chúng ta trở nên một trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây chính là điểm “gom lại” , là sự “tái tạo”, là sự “hoàn chỉnh” của mọi sự, và bất cứ điều gì đi ra ngoài sự kết hợp này đều là sai lạc. Giờ đây, có một Chỗ ngay nơi dương thế này, là nơi đã bắt đầu sự kết hợp mọi sự trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó chính là “Gia Đình của Chúa” là sự sống mở rộng của Ba Ngôi Thiên Chúa trong thời gian, gia đình ấy không những chuẩn bị chúng ta, tạo niềm xác tín cho chúng ta về sự sống kết hợp này mà còn ban ơn cho chúng ta có thể tham dự vào sự sống ấy nữa. Đây là xã hội duy nhất “rộng mở” một cách sung mãn, duy chỉ có xã hội này mới đáp ứng được những khát vọng của chúng ta, và cũng từ đó cuối cùng chúng ta có thể đạt tới sư hoàn chỉnh đầy đủ dưới mọi phương diện. De unitate Patris et Filii et Spiritus sancti plebs adunata (Ciprian). Giáo Hội chính là như thế. Giáo Hội tràn đầy sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Henri de Lubac
Méditation sur l’Eglise Paris 1968, p. 195


Ngày 19/04/2010

Câu trả lời cho mọi vấn đề

Chúng ta phải làm sao để Thiên Chúa sống thực sự trong chúng ta, và chuyển sự sống của Ngài sang tha nhân như chuyển nguồn sống để làm hồi sinh nơi nào đã mất đi sức sống. Hơn nữa còn cần phải giữ Ngài tiếp tục sống với chúng ta bằng cách chúng ta hãy thương yêu nhau. Nhờ thế mà mọi sự chung quanh chúng ta sẽ thăng tiến đổi mới: từ chính trị đến nghệ thuật, từ môi trường học đường đến các công xưởng làm việc, từ đời sống riêng tư đến các sinh hoạt giải trí. Tất cả mọi sự. Chúa Giêsu là chính Người hoàn hảo che chở mọi người và tổng hợp mọi chân lý. Ai tìm thấy được Người đó, là tìm ra được câu trả lời cho mọi vấn đề thần linh và nhân loại.

Chiara Lubich
Yes, Yes, No,No New City, London, 1977 p.72


Ngày 20/04/2010

Những người giáo dân thánh

Đối với người Kitô hữu, sự việc trên đời này không biến mất hay đi đến chỗ tiêu tan: tất cả đều được quy lại để cùng được tháp nhập vào giòng thác lũ là giòng thác chuyển đưa mọi loài thụ tạo hướng về Thiên Chúa... Thật là quá đơn sơ nếu cứ tin rằng việc truyền bá phúc âm theo quan điểm về các thực tại tạm bợ ấy có thể thực hiện được mà không gặp phải tranh đấu hay ý kiến chống đối. Trong lãnh vực của “hoàng tử thế gian” vẫn còn rất nhiều sự việc mà hoàng tử không có ý định để cho qua đi được. Liệu chúng ta có nghĩ rằng lớp người lao động có thể được dẫn về với Chúa Kitô mà không cần phải chiến đấu gay go chăng, hay lớp người kinh doanh có thể tin vào Tin Mừng một cách dễ dàng không, còn giới chính khách, giới khoa học và giới nghệ thuật nữa thì sao? Việc trở lại với ơn thánh của tạo vật đòi có sự thánh thiện hiện diện khắp nơi trong thế giới văn minh này. Vấn đề đặt ra ở đây là: liệu chúng ta có những người giáo dân thánh chăng (người thánh... là người dấn thân theo Chúa Kitô, người sống trong tình bác ái, và những người để Chúa Thánh Linh hướng dẫn), liệu chúng ta có những vị thánh xuất thân từ giới lao động, từ những người nông dân, từ những công nhân hay nghệ sĩ sống đời sống thánh thiện chăng?

Henri Caffarel
Prier 15 jours avec Henri Caffarel Nouvelle Cité, Parigi 2002, p. 242


Năm Linh Mục