NHẬT KÝ CỦA MỘT CHA XỨ MIỀN QUÊ

tgphanoi.org27.07.2010 09:51

(Trích dịch từ tiểu thuyết “Journal d’un curé de campagne”
của Georges Bernanos do Librairie Plon
xuất bản năm 1936 và tái bản năm 1974)

(Các tiêu đề là của dịch giả)

(Căn bệnh trầm kha của các giáo xứ)

Giáo xứ của tôi là một giáo xứ như bao giáo xứ khác. Thật ra, giáo xứ nào cũng giống nhau. Dĩ nhiên, tôi muốn nói tới các giáo xứ hiện nay. Hôm qua tôi có đưa ra nhận xét này với cha xứ Norefontes : phải làm sao cho cái hay cái dở cân bằng với nhau tại các giáo xứ ; chỉ cần là đặt trọng tâm của lực hấp dẫn xuống thật thấp. Hoặc nếu muốn, phải làm sao cho cái hay cái dở tại các giáo xứ ấy nằm chồng lên nhau, nhưng không pha lẫn với nhau như hai chất lỏng có tỷ trọng khác nhau. Cha xứ Norefontes đã cười nhạt. Đó là một linh mục tốt, rất cởi mở, rất có tình cha con, một người mà ngay ở tòa tổng giám mục cũng có người coi là bản lãnh, thậm chí có phần nguy hiểm. Nhà xứ nào cũng cười ran trước những câu chuyện hóm hỉnh của ngài. Ngài còn quắc mắt nhìn một cách sắc sảo mỗi khi kể các câu chuyện vui, nhưng tôi lại nhận thấy đó là cái nhìn đã mệt mỏi, khiến tôi nhiều khi muốn phát khóc.

Giáo xứ của tôi đang bị sự chán chường mệt mỏi nhai ngấu nghiến. Có lẽ phải nói một cách chính xác như vậy. Như biết bao giáo xứ khác vậy ! Đang bị sự chán chường mệt mỏi nhai ngấu nghiến ngay trước mắt chúng ta, nhưng chúng ta lại chẳng thể làm được gì. Có thể một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ bị lây bệnh ấy, chẳng khác nào một căn bệnh ung thư, một căn bệnh mà chúng ta có thể cùng chung sống rất lâu.

Tôi chợt nảy ra những ý nghĩ ấy trên đường trở về nhà xứ ngày hôm qua. Lúc ấy trời đổ những cơn mưa mát dịu cho tôi nuốt lấy với hai buồng phổi căng phồng, nuốt tới tận dạ dày. Đứng trên sườn đồi Saint-Vaas, tôi bỗng thấy làng quê tôi dồn đống lại rất thảm thương dưới một bầu trời u ám của tháng mười một. Nước bốc khói trên làng quê ấy từ khắp mọi phía. Ngôi làng cứ nằm lì ra đó dưới làn nước róc rách, trông giống như một con vật đáng thương đã kiệt sức. Một ngôi làng sao nhỏ nhoi quá ! Ngôi làng ấy chính là giáo xứ của tôi, nhưng tôi lại chẳng làm được gì cho nó. Tôi nhìn ngôi làng ấy buồn bã đi dần vào bóng tối, cho tới lúc biến mất… Chỉ một lát nữa thôi, tôi sẽ không còn thấy nó nữa. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi cô đơn của giáo xứ và của tôi một cách khốc liệt như vậy. Tôi nhớ tới bầy gia súc như đang ho khục khặc trong sương và thằng bé chăn bò từ trường trở về làng, ôm cặp trong tay, đang dẫn chúng băng qua những đồng cỏ đẫm ướt về ngôi chuồng nóng nực, bốc mùi… Tương tự như thế, sau bao nhiêu đêm bì bõm trong bùn, ngôi làng của tôi cũng đang chờ được một ông chủ nào đó dẫn về một nơi trú ẩn không rõ, một nơi trú ẩn không thể hình dung được.

Tôi biết rằng thật là điên khùng khi dám so sánh như thế, tôi không thể coi những ý nghĩ đó, những mơ mộng ấy là điều nghiêm túc… Làng quê của tôi không thể nào đứng dậy như bầy gia sức khi nghe tiếng kêu của một chú học trò. Bất kể thế nào, chiều hôm qua, tôi đã cảm thấy làng quê mình như vừa được một vị thánh đánh thức dậy !

Tôi đã từng tự nhủ rằng thế giới hôm nay đang bị sự buồn chán dày vò. Dĩ nhiên, phải suy nghĩ một chút thì mới thấy được điều ấy, chứ không thể nắm bắt được ngay. Giống như một thứ bụi. Bạn đi lui đi tới nhiều lần mà vẫn không hề thấy nó. Bạn hít thở thứ bụi bặm ấy, ăn uống thứ bụi bặm ấy. Nhưng nó mảnh mai và bé nhỏ quá đến nỗi có bị nhai, nó vẫn không bị vỡ. Tuy nhiên, chỉ cần bạn dừng lại một giây thôi, thứ bụi ấy sẽ bám đầy mặt đầy tay của bạn. Bạn phải lắc mình không ngừng thì mới giũ được thứ tro bụi ấy. Thế giới đang lay động nhiều là vì lý do đó.

Có thể có người nói thế giới đã quen với tình trạng chán ngán này từ lâu rồi ; chán ngán đã trở thành thân phận của con người. Tựa như những hạt giống đã được gieo vãi khắp nơi và đang nảy nở đây đó như trên đám đất màu mỡ. Thế nhưng, không rõ người ta có bao giờ biết rằng sự chán ngán rất dễ lây lan tựa như phong cùi vậy ? Như một nỗi thất vọng chưa chín, một hình thức tuyệt vọng không hay đẹp, như một sự khởi đầu của một Ki-tô Giáo đã tới hồi tan rã.

Dĩ nhiên, đó là những ý nghĩ tôi giữ riêng cho mình. Nhưng tôi không hổ thẹn với những ý nghĩ ấy. Thậm chí tôi còn cho rằng mình đã hiểu về mình rất đúng, đúng tới mức mình không thể cho phép mình được nghỉ yên – nghỉ yên trong lương tâm. Sự lạc quan của các bề trên không còn nữa. Những đấng bậc lạc quan vẫn tiếp tục giảng dạy sự lạc quan ấy, nhưng chỉ theo thói quen thôi, chứ không xác tín đâu. Chỉ cần bị phản đối một chút thôi là các ngài sẽ tuôn ra một tràng cười và xin chúng ta thông cảm. Các linh mục già biết rõ điều ấy. Dù bên ngoài vẫn tỏ vẻ lạc quan hay vẫn trung thành với một cách mô tả nào đó, như thể không hề thay đổi, các ngài không còn thích mạn đàm về những đề tài mà các đấng bậc ưa vung vít nữa. Chẳng hạn, trước kia theo một truyền thống đã có cả thế kỷ không có giám mục nào kết thúc một bài diễn văn của mình mà không ám chỉ một cách thận trọng (rất xác tín nhưng vẫn giữ sự thận trọng) tới cuộc bắt đạo sắp xảy ra hay máu các vị tử đạo sắp đổ. Ngày nay người ta không mấy khi nghe những lời tiên báo ấy. Rất có thể vì càng ngày người ta càng ít dám đoan chắc những sự việc ấy sẽ xảy ra hay không.

(Hai quan niệm điều hành giáo xứ)

(…) Hôm qua tôi đến thăm cha xứ Torcy. Đó là một linh mục tốt lành, rất đúng giờ, và theo tôi có phần nào hơi sà sà mặt đất, một người con của một gia đình nông dân giàu có, biết giá trị của đồng tiền và rất gây ấn tượng đối với tôi về kinh nghiệm sống ngoài đời. Anh em đang kháo láo ngài sẽ được đặt làm quản hạt Heuchin… Cách ngài cư xử đối với tôi có phần đáng thất vọng vì ngài rất kỵ việc tâm sự và chỉ cười nắc nẻ khiến những ai muốn tâm sự phải nản lòng ; ngoài ra ngài tinh tế hơn vẻ bên ngoài của ngài. Tôi ao ước có được sức khỏe, sự can đảm và cả sự thăng bằng tâm lý của ngài ! Hình như ngài có vẻ khoan dung với cái mà gọi là tình cảm quá đáng của tôi, vì ngài vốn biết tôi chẳng tự hào gì về tính khí ấy. Thậm chí đã có một thời gian dài tôi không còn coi sự sợ hãi ấu trĩ của mình khi thấy người khác phải đau khổ là lòng thương cảm của các thánh đối với con người nữa – một lòng thương cảm vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng.

- Sắc mặc của chú không tốt chút nào !

Phải nói rằng tôi vẫn còn bàng hoàng về cảnh tượng lão già Dumonchel đã gây ra cho tôi vài tiếng đồng hồ trước đây, tại phòng thánh. Chúa quá biết tôi rất muốn xả thân không tính toán, từ thời giờ tới sự vất vả, mấy tấm thảm len, mấy bức màn đã bị gián cắn, mấy cây nến đã phải mua rất đắt tại nhà người làm nến ở tòa giám mục nhưng chưa thắp được bao lâu đã chảy và cháy xèo xèo như mỡ rán trong chảo. Chỉ có điều là lệ phí đã quy định thì phải trả ! Tôi biết làm gì hơn bấy giờ !

Cha xứ Torcy nói :

- Cha phải đuổi ông ta ra cửa !

Và thấy tôi chực phản đối, ngài lại nói :

- Đuổi ra ngoài. Tôi quá rõ lão Dumonchel : lão có lắm tiền… Bà vợ quá cố của lão còn giàu hơn lão gấp hai lần. Lão ta phải chôn cất bà ấy tươm tất là phải ! Mấy cha trẻ như cha….

Ngài đỏ hết cả mặt và nhìn tôi từ đầu tới chân.

Tôi không rõ mấy linh mục trẻ như cha ngày nay có gì trong máu ! Vào thời tôi, người ta đào tạo ra những người của Giáo Hội – đừng nhíu lông mày, mấy anh linh mục trẻ như cha làm tôi ngứa ngáy muốn vỗ lên đầu mấy anh. Phải, vào thời tôi, người ta đào tạo ra những người của Giáo Hội, hay lấy lại chữ của mấy anh, những nhà lãnh đạo giáo xứ, những ông chủ, những người cai trị thật sự. Những con người chỉ cầm hất cằm lên là đã điều khiển được cả vùng. Tôi biết cha sẽ nói rằng các cha thời ấy ăn sung mặc sướng, không màng chi tới tiền bạc. Đồng ý ! Khi được đào tạo để gánh vác công việc cách thích đáng, người ta sẽ làm vừa tốt vừa nhanh. Sau đó là thư giãn. Ai ai cũng chịu. Còn bây giờ chủng viện gởi tới cho chúng tôi những chú giúp lễ, những cậu đi chân đất cứ tưởng mình phải làm việc nhiều hơn người khác chỉ vì mình chẳng bao giờ làm xong một việc gì. Chỉ biết ngồi than thở thay vì đứng dậy chỉ huy. Đọc cả đống sách nhưng chẳng bao giờ hiểu dụ ngôn Lang Quân và Hiền Thê. Xin hỏi cha : hiền thê là ai ? Là một phụ nữ thực sự mà một người đàn ông ước mong gặp được nếu còn đủ khôn ngoan để không làm theo lời khuyên của thánh Phaolô. Đừng vội trả lời, cha chỉ nói toàn chuyện vớ vẩn thôi. Đó phải là một gã thanh niên rắn rỏi trong công việc, nhưng biết phân biệt các sự việc và biết mọi sự đều luôn luôn phải bắt đầu lại cho tới khi chấm dứt. Hội Thánh có làm tình làm tội mình tới đâu cũng không thay đổi được thế giới đáng thương này thành ngai tòa cho Chúa Thánh Thể ngự. Ngày xưa – tôi muốn nói tới thời kỳ trông coi giáo xứ cũ của mình – tôi đã từng có một người phục vụ phòng thánh khá thú vị, một bà xơ xuất ở Bruges vào năm 1908, một tâm hồn can đảm. Trong 8 ngày đầu làm việc, cô đã chùi bóng nhà Chúa không khác gì phòng khách của tu viện, đến nỗi tôi hầu như không nhận ra được ! Lúc ấy chúng tôi đang ở vào mùa gặt, không có lấy một con mèo. Bà cô già ấy yêu cầu tôi phải cởi giày. Tôi lại rất sợ mang dép. Thậm chí tôi có cảm tưởng như bà cô ấy đã lấy tiền túi mua cho tôi đôi giày ấy. Dĩ nhiên, mỗi buổi sáng bà cô ấy lại phát hiện ra một lớp bụi trên băng ghế, một hai cái nấm mới mọc trên tấm thảm ở cung thánh và mấy lưới màng nhện – những lưới màng nhện có thể làm thành chiếc váy lót của mấy cô dâu !

Tôi tự nhủ : “Ừ, cứ chà bóng đi, rồi tới chúa nhật sẽ thấy”. Và tới chúa nhật, một chúa nhật như bao chúa nhật khác, không phải là lễ trọng có chuông đổ liên hồi, cử tọa bình thường. Tới tội ! Tới nửa đêm, bà cô ấy thắp đèn cầy, hết đánh xi lại kỳ cọ. Vài tuần sau, nhân ngày lễ Các Thánh Nam Nữ, hai cha dòng Chúa Cứu Thế đến giảng tuần đại phúc. Bà cô khốn khổ này lại thức suốt đêm để bò lui bò tới, hết bò tới xô nước lại bò đến chỗ lau, vì rêu bắt đầu mọc dọc theo các cột nhà và trong chỗ tiếp giáp giữa các viên gạch. Chẳng có cách nào tranh luận với bà cô ấy ! Nếu như đã nghe lời bà, tôi đã phải đẩy thế giới của tôi ra ngoài cửa để Chúa được khô chân. Tôi vẫn nói với bà cô ấy : “Cô sắp sửa suy sụp vì phải uống mấy chai thuốc ho”. Rốt cuộc bà cô ấy cũng ho, và sau cùng phải nằm trên giường do lên cơn thấp khớp, tim suy sụp và thế là ! bà cô ấy đã phải trình diện thánh Phêrô. Theo một nghĩa nào đó, đó đúng là một cuộc tử đạo, không thể nghĩ ngược lại. Sai lầm của bà cô ấy không phải là chống lại sự dơ bẩn, mà chính là đòi tiêu diệt sự dơ bẩn như thể mình thừa sức làm việc ấy. Một giáo xứ hẳn là dơ bẩn. Một cộng đoàn ki tô hữu còn dơ bẩn hơn thế nữa. Hãy chờ ngày ra trước tòa Chúa, cha sẽ thấy các thiên thần phải xúc hằng bao nhiêu xẻng cái gì đây từ các tu viện hết sức thánh thiện. Ôi biết bao là cặn bã ! Anh bạn nhỏ của tôi ơi, điều đó chứng tỏ rằng Giáo Hội phải làm một bà nội trợ hết sức vững vàng, vững vàng và thực tế. Bà quản gia của tôi không phải là người nội trợ đúng nghĩa, vì một người nội trợ đúng nghĩa phải biết nhà xứ không phải là nơi chứa các thánh tích. Đó chỉ là ý kiến của mấy ông thi sĩ mơ mộng !”

Nguyễn Nguyện (Theo Nhà Chung số 7)

 


Năm Linh Mục