TƯ TƯỞNG MỖI NGÀY
Năm Linh Mục

Trung Tuần Tháng 10 Năm 2010
Từ 11 đến 20 Tháng 10 Năm 2010
Nguồn Trích: Daily Thought
Focolare Movement: wwww.focolare.org
Bản Dịch: Nam Nguyên

Ngày 11/10/2010

Ngôn ngữ thích hợp với mọi người

Người ta có thể bào chữa rằng: trí nhớ của tôi thực kém cởi, vả lại tôi không có lợi khẩu về nói năng để mà rao truyền Lời Chúa. Thiết tưởng lời bào chữa như thế có thể không vững lý vào ngày phán xét chung, bởi vì chúng ta đều biết rằng để rao truyền Lời Chúa, Chúa chúng ta đã không chọn gọi các bậc thày thông thái giỏi giang, nhưng lại chọn những người không có học thức và các mục đồng, là những người thực sự sống nghèo khó và hèn mọn. Vậy nếu chúng ta tìm thấy nơi một linh mục có khoa ăn nói hùng biện thế gian.... chắc chắn tài năng đó sẽ không đúng chỗ nếu ngài giảng dậy trong nhà thờ theo một phong cách khiến cho con chiên mình không hiểu lời mình muốn khuyên dậy, thì phải nói rằng bải giảng của linh mục ấy chỉ chuyển đạt tới được một số người có học thức nào đó mà thôi. Đó là lý do tại sao các giám mục phải giảng cho các con chiên bổn đạo của mình với ngôn ngữ bình dân dễ hiểu mà mọi người đều có thể hiểu được như thánh tông đồ đã nói: “Tôi trở nên mọi sự cho mọi người để bằng cách nào đó tôi có thể cứu rỗi được một số người.”, và theo như thánh nhân thì lời nói của thánh Jerôme cũng có lý: “Tốt hơn các linh mục nên giảng làm sao để gợi đến lòng hối cải hơn là chỉ muốn đạt được lời khen ngợi.”

St Caesar of Arles
Sermones 1, 15


Ngày 12/10/2010

Những lời đánh động tâm hồn

Chúng ta cần chú tâm đến mức dài ngắn của bài giảng của mình. Nếu chúng ta nòi dài dòng cho lớp người không có khả năng lãnh hội được bao nhiêu, cuối chúng ta chỉ làm cho người nghe buồn chán mà thôi. Do đó vị giảng thuyết trứ danh của chúng ta nhắc lại một lần nữa cho các tín hữu Hy Bá Lai: “Anh em thân mến tôi muốn nhắc nhở cho anh em, xin anh em hãy vui vể đón nhận lời khuyên nhủ này, vì vậy tôi đã viết lại cho vắn gọn mà gởi đến anh em.” Đây là điều rất là đúng đối với những người yếu kém. Hãy để họ nghe một ít lời thôi, những lời mà họ có thể lãnh hội dễ dàng và cũng đánh đông tâm hồn họ được với lòng hoán cải. Lý do là bài giảng dài dòng và khúc mắc mà nói với họ chỉ một lần thôi, thì họ chẳng nắm vững được gì mà sẽ mất hết các tư tưởng trong bài giảng, vì họ đâu có thể nắm giữ để mà nhớ được bao nhiêu.

Saint Gregory
the Great Homilies on Ezechiel I, 11, 16-17, Sources Chrétiennes, 327, p. 467


Ngày 13/10/2010

Hiệp nhất đời sống

Qua như thế, chúng ta có thể đưa ra nhận định như sau: chúng ta thường hay thấy rằng người giảng dậy càng có đời sống đạo đức bao nhiêu, thì càng đạt được nhiều kết qua bấy nhiêu, cho dù nếp sống của các ngài thấp thế nào, trình độ lợi khẩu kém đến đâu, và kiến thức ở mức bình dân đến mấy chăng nữa. Lý do là tinh thần sống sẽ nhóm lên lửa. Thế nhưng một khi thiếu vắng tinh thần, lợi ích sẽ đạt chẳng bao nhiêu, mà cung cách và giáo lý đề ra thì lại cao siêu. Dĩ nhiên ai chẳng biết rằng cung cách cao, cử điệu hay, giáo lý thâm sâu, từ ngữ giảng chọn lựa khéo, tất cả đều có sức lôi cuốn và dễ làm xúc động, và sẽ mang lại hiệu quả hơn nếu đi kèm theo tinh thần cao đẹp: thế nhưng thiếu vắng tinh thần cao đẹp, những lời hoa mỹ lôi cuốn cảm giác cũng như trí khôn đến mức nào đi nữa thì bài giảng cũng mang lại hiệu quả ít ỏi và cũng không khích động được lòng muốn của người nghe. Trong trường hợp như thế lởi giảng không tác động bao nhiêu đến lòng muốn, khiến cho lòng muốn đang ở trong tình trạng yếu ớt lại không được đoái hoài đến cho dù những lời giảng kìa có hoa mỹ đến đâu và nội dung cao đẹp đến mấy. Do đó bài giảng chẳng qua chỉ là nghe cho vui tai giống như nghe bản hoà tấu hay hoặc tiếng chuông thánh thót nào đó xong rồi thôi. Một khi có tinh thần cao đẹp hiện diện, thì như tôi đã nói, tinh thần sẽ chẳng để cho tâm hồn cứ sống nguyên trạng thái cũ với nhiều hạn hạn đâu, còn tiếng nói xuông thì không có mãnh lực nào làm cho người chết ra khỏi mồ mà sống lại được.

St John of the Cross
The Ascent of Mount Carmel
Book 3, 45, 4 ICS, Washington, 1979, p. 291


Ngày 14/10/2010

Lời khen thưởng trung thực

Các bạn sẽ khen ngợi về những điều tôi nói chứ? Tôi chẳng cần lời khen tặng hay lời tung hô ồn ào đâu. Tôi chỉ mơ ước một điều: là sau khi yên lặng và chăm chú nghe, các bạn mang những điều tôi nói ra mà thực hành vào đời sống. Đó là lời khen thưởng cũng như tung hô mà tôi mong muốn. Nếu các bạn chỉ khen ngợi những điều tôi nói mà không đưa vào thực hành, thì các bạn tự chuốc vào bản thân mình bản án tệ hại và hình phạt nặng nề. Như vậy tất cả chúng ta sẽ hổ ngươi và hóa nên trò cười mà thôi. Vì đây không phải là sân khấu, và các bạn cũng không phải chỉ ngồi đó để nhìn xem các diễn viên là những người cần được hoan hô vỗ tay. Thực ra đây là trường dậy đời sống tinh thần, là trường dậy thánh thiện. Ở đây có một chủ đề và một cứu cánh: đó là hãy mang điều mà các bạn nghe biết và hãy áp dụng vào đời sống thực hành, và qua những hành động như thế các bạn hãy làm nhân chứng cho sự tuân phục của mình. Chỉ trong trường hợp như vậy, tôi mới thấy mình có công phúc, còn như cứ theo tình trạng hiện giờ, tôi sẽ đành phải bỏ cuộc trong nỗi thất vọng mà thôi.

John Chrysostom
Commentary on the Gospel of Matthew Homily 17:7


Ngày 15/10/2010

Nhiệm vụ “trước tiên”

Sứ mạng tiên quyết và quan trong nhất mà Giáo Hội có thể làm được và phải chu toàn cho nhân loại ngày nay đó là việc truyên bá Tin Mừng. Điều này ai cũng luôn luôn cho là đúng, ngay đối với người chỉ lo tiêu thụ, người theo chủ nghĩa khoái lạc, người theo chủ nghĩa duy vật, người bất cần về việc có niềm tin hay không có niềm tin. Công cuộc truyền bá Kitô Giáo theo Tin Mừng đã từng và sẽ luôn luôn có sức mạnh riêng đối với từng trạng huống cụ thể của con người. “Chúng tôi không thể ngưng việc rao giảng được!” (Act 4:20) Đó là lời hai Thánh Phêrô và Gioan Tông Đồ trước hội đồng cộng tọa. Còn chúng ta là những mục tử ngày nay, chúng ta cũng không thể yên lặng được. Với lòng can đảm và tinh thần hăng say, chúng ta phải ra sức đóng góp vào công cuộc truyên bá Tin Mừng mà không phải sợ ai chống đối dù xuất phát từ bất cứ quyền lực nào. Chỉ có cách như thế chúng ta mới tỏ ra rung thành với Chúa Giêsu Kitô và có thể đảm trách sứ vụ không thể thay thế bằng sứ vụ nào khác được cho mọi người thời nay, thành thị cũng như thôn quê hẻo lánh mọi nơi trên thế giới, là những người giống như bất cứ lớp người nào thuộc các giai đoạn trong lịch sử, tất cả đều mong tìm ý nghĩa cụ thể cho cuộc sống của mình.

Card. Claudio Hummes
Sempre discepoli di Cristo San Paolo, Milano 2002, pp. 73.159


Ngày 16/10/2010

Điều ước mong thầm kín

Ngay trong một thành phố thế tục ở thời đại văn minh, tại các quảng trường và đường phố - những nơi mà người ta chẳng tha thiết gì đến đức tin với thái độ thờ ơ cố hữu, nơi mà sự dữ hình như luôn lướt thắng sự lành, nơi đang nổi bật cảm tưởng chiến thắng giống như Babylon vượt trên Jerusalem - chính tại những nơi đó người ta vẫn còn có thể tìm thấy lòng sốt mến, niềm hy vọng vươn lên, sự mong đợi tha thiết. Như chúng ta có thể đọc thấy trong sách tiên tri Amos (8:11): “Đây sắp đến những ngày- sấm ngôn của ĐỨC GIAVÊ là Chúa Tể - Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Thiên Chúa.” Sinh hoạt truyền vá Tin Mừng của Giáo Hội muốn đáp ứng cho cơn đói khát này. Ngay Chúa Kitô Đấng Phục Sinh cũng lên tiếng thúc bách các tông đồ có thái độ lừng chừng là hãy rời khỏi những nơi an toàn mà lên đường: “Vậy chúng con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thày, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho chúng con. và đây, Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28:19-20). Thánh Kinh thì đầy dẫy những lời kêu gọi “đừng yên lặng” mà “hãy lên tiếng nói” để “rao truyền lời Chúa đúng lúc hợp thời” và hãy trở nên người lính canh đứng chờ để rồi làm tan đi cái thinh lặng đầy lãnh đạm.

2008 Synod Message on the Word of God,
n. 10 Origins 38 (2008), 341-349, at, p. 346


Ngày 17/10/2010

Người rao giảng Tin Mừng của vũ

Nhiều vùng, nhiều quốc gia, nhiều nhóm xã hội, tất cả mỗi nhóm đều có chiến sĩ hăng say riêng của mình. Còn phần con, lậy Chúa là Thiên Chúa của con, con mong sao trở thành người tông đồ - và có thể được thì con xin trở thành người rao giảng Tin Mừng - của Chúa Kitô trong vũ trụ này. Với những điều suy niệm, con muốn lời nói cũng như việc làm trong suốt cả đời sống của con luôn luôn biểu hiện và loan truyền sự tương quan liên tục của vũ trụ mà trong đó chúng con đang tham dự vào một môi trường sống đã được thần thánh hóa bằng màu nhiệm Nhập Thể, môi trường này đang tiến vào sức sống thần linh bằng sự hiệp thông, và có thể được thánh hóa nhờ vào sự cộng tác của mỗi người chúng con. Nhờ vào tiềm năng cố hữu, việc mang Chúa Kitô vào đến tâm điểm của các sự vật được coi là việc khá cam go, vì là sự nhập cuộc trọn vẹn vào thiên nhiên, một hoạt động thần hóa vạn vật – nhưng đó chính là Tin Mừng của con và cũng là sứ mệnh của con

Teilhard de Chardin
(The Priest, 1918, XII, 219) Il Sacerdote Queriniana, Brescia 1991, pp. 36-37


Ngày 18/10/2010

Nguyên lý của việc sinh sản

Chẳng có ai trong chúng ta lại mạo hiểm vào các hoạt động tông đồ mà lại không suy niệm sâu xa về mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa. Ơn cứu chuộc không thể có được nếu không nhờ vào thập tự giá, như thế ơn cứu chuộc cũng không thể hoạt động nơi các tâm hồn nếu không qua đường thập tự giá và đau khỏ của các tông đồ là những người chuyển đạt ơn cứu chuộc. Về việc này chúng ta phải có cùng tâm tình như Thày Chí Thánh nếu chúng ta thực sự trở thành các nhà truyền giao của Ngài. “Anh em hãy có tâm tình như Chúa Giêsu Kitô” là Đấng vinh danh Chúa Cha để cứu rỗi các linh hồn, “ Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Ph 2:5,8). Không có ai sinh con mà lại không đau đớn cả. Chính chịu chết trên thập tự giá mà Chúa Giêsu mới làm cho chúng ta có thể được sinh vào đời sống vĩnh cửu. Chính dưới chận thập giá mà Mẹ Maria đã trở thành Mẹ chúng ta. Trong lãnh vực siêu nhiên, nguyên lý của sinh sản là phải đau khổ và có khi chết nữa.

Blessed Paolo Manna
Virtù apostoliche Bologna 1997, pp. 223-224


Ngày 19/10/2010

Mâu thuẫn của xã hội

Khác hẳn với người khác, người linh mục sống giữa cộng đồng dân Chúa chẳng khác gì lể vật hy sinh cho mọi người: một người tôi tớ của cộng đồng và phục vụ theo nhu cầu của cộng đồng (...) Linh mục hội nhập vào một xã hội Kitô Giáo nhiều mâu thuẫn, nơi mà người khiêm cung nhất sẽ được nâng lên cao nhất, và người ở địa vị cao nhất là người cần phục vụ nhiều nhất.

Igino Giordani
Cattolicità Morcelliana, Brescia 1938, p. 216


Ngày 20/10/2010

Phủ phục xuống đất

Người nhận chức thánh phủ phục xuống đất hoàn toàn và trán gối trên cánh tay, qua đó muốn nói lên sự quyết tâm đảm nhiệm sứ mệnh được trao phó cho mình. Nghi thức ấy ghi một dấu ấn vào đời sống linh mục của tôi một các sâu đậm. Những năm sau đó, tại vương cung thánh đường Thánh Phêrô (thởi điểm những ngày tháng đầu của Công Đồng), tôi nhớ lại cái giây phút thụ phong linh mục hôm đó và tôi đã làm một bài thơ. Tôi muốn chia sẻ một vài câu thơ ấy ở đây: “Phêrô hỡi, ngài là sàn đất mà nhiều người bước lên mà đi... mà chẳng biết mình đi đâu, nên Ngài là người dẫn dắt bước chân họ đi...” Khi viết lên câu này, tôi nghĩ đến thánh phêrô và nghĩ đến trọn vẹn thực tế của đời sống linh mục, đồng thời cố gắng sống nếp sống đầy ý nghĩa của nghi thức phủ phục hôm nào. Vào lúc phủ phục nằm xuống đất theo hình thánh giá trước khi lãnh chức linh mục và chấp nhận một đời sống riêng biệt - nếp sống giống như thánh Phêrô - nhận thánh giá của Chúa Kitô và cùng với vị thánh đồ trở nên “sàn đất” cho anh chị em chúng ta , như vậy chúng ta mới hiểu được ý nghĩa thâm sâu của đời sống tinh thần của linh mục.

John Paul II
Gift and Mystery
Random House, New York, 1996, p. 44


Năm Linh Mục