TƯ TƯỞNG MỖI NGÀY
Năm Linh Mục

Trung Tuần Tháng 11 Năm 2010
Từ 11 đến 20 Tháng 11 Năm 2010
Nguồn Trích: Daily Thought
Focolare Movement: wwww.focolare.org
Bản Dịch: Nam Nguyên

Ngày 11/11/2010

Trở nên yếu ớt với người yếu ớt

Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.20 Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái, để chinh phục người Do-thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật.21 Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Ki-tô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật.22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng

First Letter
to the Corinthians 9: 19-23


Ngày 12/11/2010

Không còn quan tâm đến bản thân mình nữa

Vì Thiên Chúa là tình yêu, linh mục không bao giờ tách rời việc phụng sự Thiên Chúa ra khỏi tình thương yêu anh chị em mình, trong việc hiến thân làm phương tiện cho đức ái. Tiên vàn, người linh mục cần phải có bổn phận giảng dậy một giáo lý về hai điều luật yêu thương qui tóm trọn vẹn về một điều chính: đó là mến Chúa yêu người. Vị linh mục không thể gieo trồng hay phổ biến giáo lý này nếu chính mình không là chứng nhân đích thực cho tình thương yêu. Là mục tử dẫn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, linh mục không thể quên được sứ vụ của mình đã đạt tới điểm hy sinh mạng sống mình vì tình yêu. Theo chiều hướng mẫu mực như thế, linh mục biết rằng mình không quan tâm đến bản thân mình nữa mà phải trở nên mọi sự cho mọi người để mà chấp nhận mọi hy sinh liên quan đến tình yêu thương. Đìều thiết yếu cần bao hàm trước là linh mục có sẵn nơi mình một trái tim quảng đại, biết mở rộng để thông cảm và trở nên thân hữu với mọi người.

John Paul II Angelus 18 February1990


Ngày 13/11/2010

Các bạn là những chi thể của nhau

Nếu ở trong lớp học, các bạn hãy nhìn nhận lấy nhau. Nếu ở trong cơ xưởng làm việc, các bạn hãy nhìn nhận lấy nhau. Nếu sống trong cùng một khu dân cư, các bạn hãy nhìn nhận lấy nhau. Nếu sống cùng một xứ đạo, các bạn hãy nhìn nhận lấy nhau: các bạn là chi thể của nhau, vì các bạn là chi thể của Chúa Kitô. Đây là câu nói được diễn tả với một sắc thái cách mạng nhất: “các bạn là chi thể của nhau.” Đó là cách mẹ Teresa thành Calcuta nhìn vào người ngoài đường phố, người xin ăn quần áo rách rưới, trong hoàn cảnh “tả tơi” thực sự, và mẹ vẫn đón tiếp họ như là một chi thể của Chúa Kitô, ý nói cũng là chi thể của mẹ nữa. Việc nhìn nhận tha nhân phải tỏ hiện bằng cách cụ thể. Nếu không tỏ hiện cụ thể và người đời không nhận thấy được, thì kể như chưa phải là nhìn nhận tha nhân, và việc nhìn nhận cũng chưa có thực. Phải tỏ hiện bởi vì việc đó chính là điểm nhân chứng cho Chúa Kitô. Điểm này phải là điều bộc lộ đầu tiên của chúng ta mỗi khi nói lên lời yêu mến Chúa Kitô.

Luigi Giussani Parole ai preti SEI, Torino 1996, pp. 70-71


Ngày 14/11/2010

Với con mắt của Chúa Kitô

Như vậy thương yêu tha nhân được coi như là một việc có thể thực hiện theo cách thức do Chúa Giêsu loan truyền qua Thánh Kinh. Điều này nhất thiết hệ tại ở điểm cốt yếu là: trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa tôi thương yêu tha nhân dù tôi không ưa thích và ngay cả chưa biết đến họ. Việc này chỉ có thể diễn ra được do nếp sống thân mật với Thiên Chúa, một nếp sống trở nên hiệp một lòng một ý, và bao gồm cả tình cảm nữa. Để như thế tôi biết cách nhìn vào người khác không phải vớí ánh mắt và cảm tình đơn giản mà phải nhìn theo cách nhìn cùa Chúa Giêsu Kitô ... Đi xa hơn diện mạo bên ngoài, tôi cảm nhận được nơi nội tâm tha nhân có niềm ao ước về một dấu chứng của tình thương yêu và sự quan tâm gì đó. Về điểm này tôi có thể cung ứng cho họ không phải chỉ giới thiệu đến các tổ chức đẳx trách về các dịch vụ liên hệ, mà có lẽ phải chấp nhận đó là một nhu cầu chính thức. Vậ hãy nhìn tha nhân với cái nhìn của Chúa Kitô. Tôi có thể cho tha nhân nhiều hơn chính nhu cầu của họ mà tôi thường nhìn thấy từ bên ngoài, đó là việc tôi có thể cho họ cái nhìn của tình thương yêu mà họ mong ước.

Benedict XVI
Deus caritas est 18


Ngày 16/11/2010

Một người có lòng bác ái

Một người sống bác ái là ngưòi không tự hào, không thích lấn át nguời khác, chẳng bao giờ nói với ai về thói hư tật xấu của người khác, cũng chẳng xét nét đến chuyện người khác đang làm. Một người sống bác ái không xoi mói vào ý nghĩ của người khác, không hề cho rằng mình là người có thể làm điều gì đó tốt hơn ai khác, cũng chẳng khi nào tự cho mình tốt đẹp hơn người. Trái lại người sống bác ái luôn nghĩ rằng người khác có thể làm tốt hơn mình, và cũng không thấy mích lòng khi nguời khác có phần thắng thế. Nếu có bị coi thường thì đương sự cũng vẫncứ vui vẻ, vì cho rằng mình còn đáng bị khinh chê nhiều hơn thế. Ai cũng biết rằng để mến Chúa yêu người một cách chân thành không nhất thiết phải là người học rộng biết nhiều hay là người giầu có sang trọng. Chỉ cần cố gắng làm đẹp lòng Chúa trong mọi việc mìmh làm, và làm điều tốt cho tha nhân, cho cả người tốt lẫn người xấu, cho cả người làm phương hại đến danh dự mình cũng như người yêu mến mình.

Saint John Vianney
Scritti scelti Città Nuova, Roma 1988, p. 117


Ngày 17/11/2010

Trở nên mọi sự cho mọi người

Chỉ nhờ vào sự hy sinh triệt để thì chúng ta mới có thể làm chứng nhân cho niềm hy vọng thiêng liêng như Giáo Tông Gioan Phaolô II nói: “nhờ vào tình thương yêu riêng của Chúa Kitô là tình yêu bao hàm sự quan tâm, lòng nhân ái thương cảm, thái độ sẵn sàng, tâm hồn cởi mở và chú ý đến những nỗi niềm của con người (Redemptoris Missio, n. 89). Trong việc cứu giúp những người thấp hèn nhất, những người xa lạ nhất, những người chưa biết đến Thiên Chúa, Chúa Giêsu là Đấng bị đóng đanh đã mở ra con đường tông đồ là “trở nên mọi sự cho mọi người.” Riêng Thánh Phaolô thì truyền đạt cho các người Kitô hữu sứ mệnh tông đồ đích thực: hãy bầy tỏ cho mọi người không phân biệt một ai biết rằng Thiên Chúa luôn gần gũi với họ và yêu thương họ vô bờ bến. Khi kết hiệp “nên một” với mọi người, và có can đảm nhìn nhận mọi người dương gian - cả những người xem chừng là người thấp hèn nhất hay thù địch đi nữa - tức là coi tất cả mọi người như người thân cận, anh chị em mình, chúng ta đã thực hành được điểm chính yếu của ơn cứu độ, tức chúng ta sống với lời loan truyền là trên thánh giá của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn xích lại gần tất cả những người còn sống xa Thiên Chúa để ban cho họ ơn tha thứ và ơn cứu chuộc.

Card. François-Xavier Van Thuan
Testimony of Hope Daughters of St. Paul, Boston, 2000, pp. 80-81


Ngày 18/11/2010

Hãy nới rộng tâm hồn chúng ta

Chúng ta cần mở rộng trái tim mình cho lớn như chiều rộng của trái tim Chúa Giêsu. Phải lớn rộng như thế nào? Thực ra chính đây mới là điều cần thiết duy nhất. Khi làm được như thế, là xong mọi sự. Có nghĩa là yêu mọi người như chính Chúa Giêsu yêu họ. Bao lâu còn sống nơi dương gian, chúng ta phải yêu thương hết mọi người, và tâm hồn chúng ta không nên bỏ qua mà không thương mến anh chị em nào mới gặp trước đây. Dầu sao chúng ta thương yêu mọi người là yêu cũng chính một Chúa Giêsu hiện diện trong họ. Nếu cứ bỏ qua người nào đó, như vậy xem chừng người anh chị em chúng ta gặp trước đây chỉ được yêu thương vì quyền lợi của riêng chúng ta hay vì quyền lọi của người ấy... chứ không vì Chúa Giêsu. Đó chính là vấn đề. Bổn phận hầu như quan trọng vào bậc nhất của chúng ta là duy trì tình thương yêu của Thiên Chúa, có nghĩa là: giữ tình yêu thương trong trái tim chúng ta như Chúa Giêsu từng thương yêu. Do đó, muốn tâm hồn được trong sáng, chúng ta cần tránh để cho trái tim chúng ta trống vắng tình thương yêu hay kiềm hãm tình thương yêu trong trái tim mình. Chúng ta cần mở rộng trái tim mình cho lớn như chiều rộng của trái tim Chúa Giêsu và hãy thương yêu mọi người.

Chiara Lubich
Meditations Città Nuova, Roma 1991, p. 22


Ngày 19/11/2010

Chúa Giêsu hiện thân nơi các thánh

Anh em thân mến, đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe. 8 Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh em, - điều ấy thật là thế nơi Đức Giê-su và nơi anh em-, bởi vì bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.

1 John 2:7, 8, 10


Ngày 20/11/2010

Chúa Giêsu hiện thân nơi các thánh

Tư tưởng hiệp thông theo hướng tham gia vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa được minh khải một cách xúc tích trong Tin Mừng thánh Gioan. Trong cuộc lữ hành nơi dương thế, thánh sử đã có thể chia sẻ qua việc thông hiệp với Chúa Con trong nếp sống thần linh của Chúa Con cũng như Chúa Cha: “chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô.” (1Jn 1:3) Đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân chính là mục đích của việc công bố Tin Mừng, là mục đích cải hoá con người trở về Kitô Giáo: “ Điều chúng tôi đã thấy và nghe làm chứng, nên chúng tôi loan báo cho anh em biết để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi.” (1Jn1:2) Như vậy việv hiệp thông Thiên Chúa và với tha nhân là sư hiệp thông song diện không thể tách rời nhau được. Ở đâu sự hiệp thông với Thiên Chúa, tức là hiệp thông Chúa Cha. Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà bị huy diệt thì cội nguồn của việc chúng ta hiệp thông với tha nhân cũng bị hủy diệt, Và ở đâu chúng ta không hiệp thông với tha nhân, thì việc chúng ta hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi cũng không tồn tại và có thực nữa, như chúng ta đã từng nghe.

Benedict XVI
General Audience 29 March 2006


Năm Linh Mục