Lòng thương xót Chúa (18): Thương viếng kẻ tù rạc

(dongten.net) 08/11/2015

 Giữa mùa Đông giá rét ở Tây Phương và cũng là dịp tết Nguyên Đán của mọi người Việt da vàng, mùng hai tết âm lịch chúng tôi khăn gói bánh chưng, hạt dưa, các loại mứt và kẹo, lư hương và những bó nhang, cả những câu lộc đầu năm, và lên đường vào một nhà tù để thăm một số anh em. Sau một số thủ tục cần làm, chúng tôi được phép đưa những thứ đồ được chuẩn bị vào trong khuôn viên nhà tù, và được dẫn vào trong một phòng hội. Chúng tôi vội vàng chuẩn bị bàn thờ tổ tiên, xếp bàn ghế và đặt bánh chưng cùng mọi thứ lên bàn. Khoảng 20 phút sau, các tù nhân – những anh em đồng hương đến, có những tù nhân còn đưa tới cả xôi, chả giò, chè và bánh ngọt…Dù hơi hồi hộp, nhưng tay bắt mặt mừng, chúng tôi chào đón nhau và chúc nhau câu chúc đầu xuân. Khi tất cả gần 50 tù nhân tề tựu, chúng tôi bắt đầu buổi Tân Niên với những hương vị của quê hương ngay trong những song sắt ở quê người. Sau khi tâm tình những câu chuyện đầu xuân, chúng tôi cùng nhau hướng về bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ, và theo làn khói của những cây nhang, chúng tôi hướng nhìn lên cao và xin Trời Phật phù hộ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và anh chị em cùng những người thân của mình. “Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Câu ca dao của quê mình hôm nay đã đến với quê người, đã vào cả pháo đài ngục thất, để bao trái tim Việt Nam, dù nghèo hay giàu, dù tốt lành hay có tội, vào những ngày đầu năm vẫn chân thành nhìn về Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ và gia đình dấu yêu. Những trái tim yêu thương đã hội ngộ. Khi tình yêu đến thì tất cả tội lỗi bị xóa tan, để lòng người rạo rực đón mùa xuân mới. Một mùa xuân đem lại thời gian của hồng phúc, thời gian của niềm vui. Sau đó, chúng tôi cùng đọc Kinh Lạy Cha. Hồi hộp biết bao, vì trong số tù nhân chỉ có một hoặc hai người là Công Giáo. Sau khi làm dấu Thánh Giá, chúng tôi cùng đọc lời kinh mà Chúa Giê-su đã dạy, trong sự tôn trọng của các tù nhân khác tôn giáo qua sự yên lặng của họ. Tôi thầm cầu nguyện với Cha trên trời cho tất cả các anh em có được sức khoẻ, bình an và ơn can đảm, cùng những ân sủng mà họ cần đến trong thời gian ở trong ngục tù này.

Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục chia sẻ niềm vui ngày tết với những bài hát và câu hò ngày đầu xuân. Trong số gần 50 khuôn mặt thanh niên đang ngồi ở đây, tôi thấy có một anh khoảng ngoài 30 tuổi có một thái độ rất lạ lẫm. Mỗi lần ai vừa hát xong một bài giúp vui, thì tất cả đều cười tươi và khen lấy khen để, còn khuôn mặt anh ta bộc lộ một nét buồn, và anh như vẫn muốn ở lại trong vỏ ốc của mình. Thấy thế, tôi đổi ghế và đến gần, ngồi xuống đối diện anh. Chào anh và anh chào lại. Anh mời miếng bánh ngọt. Tôi cám ơn và ăn thật ngon miệng. Hỏi ra, thì biết bánh ngọt này do anh tự làm lấy. Miếng bánh ngọt ngon lành trong miệng như muốn nói với tôi rằng: “Sau này, nếu được tự do anh này có thể mở tiệm bánh ngọt được rồi!” Tôi khen anh làm bánh rất ngon. Anh mỉm cười và cám ơn. Câu chuyện đầu xuân của chúng tôi bắt đầu từ cái bánh ngọt này đây. Sau đó, hỏi anh về đời sống trong tù thế nào. Anh bắt đầu kể cho tôi nghe những sinh hoạt thường ngày. Buổi sáng anh dậy sớm, ăn sáng và sau đó quản giám đưa anh đi làm. Sau công việc ở nhà bếp, anh ăn trưa cùng vài người bạn và cả buổi chiều anh có giờ rảnh rỗi. Vì vậy, để đốt thời gian và để đỡ phải nghĩ ngợi lung tung, anh đã quyết định tập tạ, tập fitness đều đặn. Nên anh là một tù nhân rất đô con và khỏe mạnh. Nhưng anh sẽ đốt thời gian cho đến khi nào? Anh kể rằng anh là người tù chung thân. Đã ở tù được 7 năm rồi. Trước đây là người khác đạo, từ ngày lấy vợ anh trở thành người Công Giáo. Vợ chồng anh có một con. Nhưng bây giờ, vợ đã ly dị với anh và lấy chồng khác. Còn đứa con thì đã mấy năm rồi anh chẳng nhìn thấy mặt. Nghe anh kể mà tôi thấy lòng mình buồn làm sao ấy. Còn nguyên nhân làm anh trở thành người tù chung thân, tôi không dám hỏi và cũng không nên hỏi làm gì. Sau đó anh cũng tiết lộ rằng, anh còn mẹ và hai em gái ở quê nhà. Đó là những người thân duy nhất đón nhận anh với quá khứ của anh. Anh vẫn được phép viết thư thường xuyên mỗi tháng về nhà cho mẹ và hai em. Đáp lại, em gái anh cứ ba tuần một lần viết cho anh một lá thư. Anh kể tới đây tôi thấy nơi anh một sự nghẹn ngào chan chứa niềm vui về tình mẹ dành cho mình, tình huynh đệ anh có với em. Những mối tình gia đình này không chỉ chấp nhận và quên đi quá khứ của anh, mà hiện tại còn giữ anh lại với cuộc sống, đem đến cho anh niềm hy vọng, và thúc đẩy anh ý thức sống vươn lên cho ngày mai. Thật quý báu biết bao! Dù thế nào đi nữa, những hồng phúc và niềm vui vẫn còn hiện diện và sống động nơi chính người tù chung thân này. Khi đã kể đôi chút về đời mình, anh hỏi tôi về đời sống của của tôi. Tôi kể anh nghe chút về những bước tôi đi trên đất khách quê người, những vất vả, những âu lo và cả những cố gắng vươn lên để sống trong công việc và học hành. Trên đường tôi đi, Chúa và nhiều người đã dẫn dắt và giúp đỡ tôi, để ngày hôm nay Chúa làm tôi trở thành một người Linh mục cho Chúa, cho Giáo Hội và cho mọi người.

Khi đã trò chuyện với nhau, chúng tôi tò mò hỏi tuổi nhau và khám phá ra một điều là, chúng tôi cùng một tuổi. Nhưng đến đây thì anh nói tiếp: “Con và cha cùng tuổi, nhưng đường đời của mỗi người ở đất khách quê người này lại khác. Hôm nay, con thì như vầy, còn cha thì được như thế”. Tôi nghe mà chẳng biết phải đáp lời thế nào, chỉ biết nói với anh rằng: “Dù thế nào, thì điều quan trọng là anh và tôi luôn có khao khát để sống vươn lên. Đó là một trong những điều căn bản cho cuộc đời”. Anh nhìn tôi và mỉm cười. Sức sống vươn lên của anh và của tôi thật cần thiết biết bao. Sức sống đó tôi đọc được nơi anh qua những cố gắng làm lại cuộc đời của mình trong tù, qua việc chăm sóc chính thân xác và tinh thần mình, qua việc gìn giữ và phát triển tình mẫu tử và tình đệ huynh, qua chính cái bánh ngọt anh làm để đãi anh em bạn tù đồng hương và đãi cả chúng tôi. Cái bánh ngọt ngon miệng của anh làm không chỉ đưa lại cho chúng tôi niềm vui của mùa xuân mới, mà đó còn chính là hồng phúc anh trao cho chúng tôi. Khi chia tay ra về, tôi đã chân thành cám ơn anh và thật chân tình tôi nói với anh rằng, tôi sẽ cầu nguyện đặc biệt cho anh. Tôi hy vọng một ngày nào đó, với thiện chí vươn lên, anh sẽ đón nhận được lòng nhân hậu, và mong sao chúng tôi sẽ gặp nhau bên ngoài ngục thất, để cùng chia một miếng bánh ngọt của Thiên Chúa, của tình người với nhau. Trải nghiệm này thật quý báu biết bao cho hành trình tông đồ của người môn đệ đơn hèn theo Chúa. Ngày xưa Chúa Giê-su đã tuyên bố, Ngài đến để không chỉ rao truyền một năm hồng ân, thời gian của hồng phúc, mà Ngài còn loan báo cho người nghèo một Tin Mừng, một tin vui của mùa xuân mới, và giải thoát người tù nhân ra khỏi gông cùm. Thật vậy, người tù nhân dù tội lỗi có là gì thì vẫn luôn mong ngóng một điều: được giải thoát.

Chữ tù luôn đi đôi với cụm từ mất tự do. Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã rất vui mừng khi thăm viếng nhà tù lớn Regina Coeli tại Ý vào ngày lễ thánh Stephano, 26 tháng 12 năm 1958, năm đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng. Ngài nói với các tù nhân rằng: “Các con không thể đến với cha, vì thế cha đến với các con… Do đó, cha ở đây, cha đã đến đây và đã thấy các con; cha chăm chú nhìn vào ánh mắt các con, cha đặt trái tim cha gần trái tim các con. Trong lá thư đầu tiên mà các con viết cho gia đình, các con phải viết về niềm vui, về sự hiện diện của cha với các con và cha hứa cầu nguyện cho gia đình các con”. Lời của ngài tỏ lộ cho thế giới thấy rằng, nhiều khi xã hội có khuynh hướng xem tù nhân là một người bị gạt sang bên lề xã hội hay một con người bị kết án vì cảm xúc hay hành vi của họ. Bằng chứng cho thấy sự gần gũi của ngài với các tù nhân được thể hiện qua việc, trước khi rời nhà tù, ngài đã muốn ở lại giữa các tù nhân. Một bằng chứng thế kỷ đã thuật lại rằng, “trong khi đang ra khỏi cửa nhà tù, Đức Gio-an XXIII thấy một người tách ra khỏi nhóm đang vây quanh bàn thờ. Nhìn ngài với ánh mắt đẫm lệ, người này cúi xuống và hỏi: Những lời hy vọng của ngài có dành cho tôi không, tôi là một kẻ tội lỗi? Đức Thánh Cha không đáp lại, ngài cúi xuống, nắm tay ông và ôm ông vào lòng thật chặt”.

Các tờ nhật báo trong nước viết rằng, với sự kiện này, “Đức Gio-an XXIII đã làm rung chuyển các bức tường của nhà tù Regina Coeli. Người ta không nói về bầu khí tiêu biểu của nhà tù nữa”. Các tờ nhật báo quốc tế, trong đó có tờ Daily Express, đã định nghĩa Đức Gio-an XXIII là “Đức Giáo Hoàng hiện đại”. Một tờ nhật báo Anh quốc đã cho rằng, Đức Gio-an XXIII đang chứng minh rằng, ngài là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội có cái nhìn rộng mở. Bằng cách thăm viếng các nhà tù tại Roma, Đức Thánh Cha đã khôi phục lại truyền thống bị chôn vùi gần một thể kỷ”. Trong thực tế có một biến cố khiến ngài rất đau lòng đó là ngài không được phép thăm 300 tù nhân, những người bị nhốt trong những phòng giam biệt lập vì bị xem là những tù nhân nguy hiểm. Vì thế, Đức Thánh Cha đã gởi cho mỗi người một ảnh nhỏ với sự bảo đảm rằng ngài không quên “những người con vô hình” (những người ngài không được gặp họ).[1]

Sự kiện đặc biệt này đã được ghi lại qua một tác phẩm nghệ thuật của Giacomo Manzú khắc trên một cánh cửa của đền thờ Thánh Phê-rô ở Roma, diễn tả hình ảnh Đức Gio-an XIII trong bức hình điêu khắc đưa tay qua song sắt của nhà tù, bắt lấy tay của các tù nhân và gọi họ là anh em.[2] Các tù nhân dù đã mất tự do, họ vẫn là anh em, họ vẫn mang một phẩm giá cao quý làm người. Dù quá khứ của họ có nhuốm màu tội lỗi nào đi nữa, thì phẩm giá của họ vẫn thế, vì mọi sự qua đi nhưng tình yêu của Chúa làm nên phẩm giá con người vẫn luôn tồn tại. Một vị Mục Tử khác của Giáo Hội – Đức Thánh Cha Phanxicô, đã làm mọi người ngạc nhiên, khi ngài không cử hành nghi thức Phụng Vụ của ngày Thứ Năm Tuần Thánh (28.3.2013) tại Latran – theo phong tục của Giám Mục thành Roma, cũng không ở trong đền thánh Phê-rô, mà Đức Phanxicô lại vào trong nhà nguyện của trại giam giữ trẻ vị thành niên Casal del Marmo, phía bắc của Roma, và cử hành nghi thức ở đó. Trong nhà nguyện của ngục tù, ngài đã cử hành nghi lễ rửa chân và đã quỳ xuống bằng hai đầu gối trước mười hai tù nhân trẻ. Với tất cả sự trân quý các tù nhân trẻ tuổi, Đức Thánh Cha rửa chân và hôn chân họ. Trong số họ, có hai cô gái trẻ và một trong hai cô gái là người Hồi Giáo. Ngài cũng ôm hôn họ khi trao chúc bình an. Trong bài giảng ứng khẩu đơn sơ và ngắn gọn, Đức Phanxicô nói: “Thật là một cử chỉ cảm động. Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Phê-rô không hiểu gì và từ khước. Nhưng Chúa Giê-su giải thích cho ông. Chúa Giê-su là Thiên Chúa mà làm điều đó! Và chính Ngài giải thích cho các môn đệ: ‘Các con có hiểu điều Thầy làm cho các con không? Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa, và các con nói đúng, vì Thầy là như vậy. Vậy nếu là Thầy và là Chúa mà Thầy rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng làm như Thầy đã làm’. Đó là gương của Chúa: Ngài là người quan trọng nhất mà rửa chân, thì người nào cao trọng nhất trong chúng ta phải phục vụ người khác. Đó là một biểu tượng, một dấu hiệu. Rửa chân có nghĩa là ‘tôi là người phục vụ cho anh’. Và cả chúng ta, không phải là chúng ta phải rửa chân mỗi ngày cho nhau sao? Nhưng điều ấy có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng ta phải giúp đỡ nhau. Nhiều khi ta bực mình với người khác, nhưng hãy bỏ qua, và nếu người khác xin bạn giúp, thì hãy làm. Hãy giúp đỡ nhau: đó là điều Chúa Giê-su dạy chúng ta và đó là điều tôi làm, và tôi làm hết lòng, vì đó là bổn phận của tôi. Trong tư cách là Linh mục và như là Giám Mục, tôi phải phục vụ các bạn. Nhưng đó là một nghĩa cử đến với tôi từ trái tim: tôi yêu mến điều đó và tôi làm vì Chúa đã dạy tôi làm. Và cả các bạn: hãy giúp đỡ nhau, khi làm như thế, chúng ta làm điều thiện. Bây giờ chúng ta cử hành nghi thức rửa chân, và chúng ta nghĩ, mỗi người chúng ta nghĩ: Tôi có thực sự sẵn sàng, phục vụ, giúp đỡ người khác hay không? Chúng ta hãy nghĩ điều đó thôi. Chúng ta hãy nghĩ rằng dấu hiệu này là một sự âu yếm Chúa Giê-su đã làm, vì Chúa Giê-su đã đến để làm điều đó, để phục vụ và để giúp đỡ chúng ta”.

Cùng với bà Mary, một người phụ nữ Công Giáo, chúng tôi được phép đến thăm một trại tù. Trước khi đến nhà tù, bỗng chợt bà Mary dừng xe. Bà nói rằng, bà muốn xuống mua một vài thẻ nạp điện thoại. Đến cổng nhà tù, đợi một lát và sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, bà lái xe đưa chúng tôi vào tận bên trong, và đậu xe trong bãi dành cho các nhân viên ở đây. Dù bà chẳng phải là nhân viên của trại tù, nhưng vì tấm lòng và bản chất tốt lành cũng như sự khôn ngoan của bà, nên nhà tù đã cho phép bà đưa xe vào tận bên trong. Đưa xe vào bên trong, không chỉ để tiện đi lại, mà còn tiện để khuân đồ nữa. Mấy thùng mì gói, bánh kẹo và cả vài giỏ quà cáp cho các cai tù được đưa vào phòng đợi. Sau 20 phút ngồi đợi, chúng tôi thấy bóng giáng của những tù nhân đang được các cai tù dẫn ra từ phòng giam. Tay họ bị còng, họ phải xếp hàng dọc, hai tay để trên vai người phía trước và cứ thế từ từ bước vào phòng thăm. Hơn hai mươi chàng thanh niên người Việt bước vào phòng, chúng tôi chào thăm họ. Trong phòng có một vài cái ghế, và cũng có một hàng ghế, nhưng các cai tù bắt tất cả các tù nhân phải ngồi bệt xuống đất. Bà Mary nói tiếng Anh hỏi thăm anh em. Có anh em bà đã gặp trong lần thăm trước, nhưng có một số mới bị bắt vào. Tội trạng thì có gì lớn lao đâu. Một số là ngư phủ lạc vào hải phận của đất nước sở tại, bị cảnh sát biên phòng bắt và bị nhốt ở đây chờ ngày bị trục xuất về quê hương xứ sở. Có người thì cư ngụ bất hợp pháp không giấy tờ, cũng bị bắt và chờ ngày bị trục xuất.

Chữ tù luôn đi đôi với cụm từ mất tự do. Anh em tù nhân ở đây bị mất tất cả, mất cả tự do căn bản cần có là tự do liên lạc về với gia đình người thân ở quê hương. Hiểu được hoàn cảnh của anh em, bà Mary mỗi lần đến thăm đều chuẩn bị một số điện thoại để gọi ra nước ngoài với giá rẻ. Bà lấy ra hai cái điện thoại mới nạp tiền trước đó, và hỏi anh em nào muốn liên lạc về với người thân. Tất cả đều giơ tay. Điện thoại được truyền từ người này sang người khác. Chiếc điện thoại của tình người, chiếc điện thoại nối tình thân, chiếc điện thoại đưa lại những giây phút tự do, để có thể liên lạc với gia đình ở quê hương. Thật quý và giá trị biết bao chiếc điện thoại, khi cha mẹ, vợ con ở quê hương xa xôi được nghe giọng nói của con, của chồng, và hiểu được hoàn cảnh hiện nay của họ. Ngồi ngắm nhìn anh em gọi điện thoại, lòng xúc động biết bao. Sự xúc động hoà với những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của các tù nhân. Những giọt nước mắt không chỉ diễn tả tình cảm của con người, mà còn như muốn nói lên lòng khao khát của anh em được thả ra khỏi chốn ngục tù, mà chẳng ai muốn chọn nơi đó làm chốn nương thân. Tiếng Anh không biết, tiếng địa phương cũng mù tịt, nên anh em được bà Mary nâng đỡ để đối thoại với các nhân viên trại giam và giúp họ làm giấy tờ, để họ có thể mau chóng được hồi hương. Hơn nữa, bà Mary còn giúp họ tìm mua vé máy bay với giá rẻ nhất có thể, để khi có giấy tờ, họ được thả ra và có thể về lại nhà gặp cha mẹ, gặp vợ và con cái. Lòng tốt của người phụ nữ Công Giáo này vượt trên mọi biên giới, không chỉ với người tù nhân Việt, mà với các tù nhân từ Miến Điện và từ những nước nghèo nàn khác. Tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ biết đến giới hạn, không bao giờ chấp nhận biên giới mà con người đã vẽ ra trên quả địa cầu nhỏ bé này. Lòng tốt của người phụ nữ Công Giáo tốt lành này đã ghi dấu trong nhiều cuộc đời của các tù nhân. Một vài tù nhân kể rằng, trên tường của ngục thất, một số anh em tù nhân trước đây giờ đã hồi hương, ghi lại tên của bà Mary và số điện thoại của bà cùng lời khuyên cho những tù nhân đến sau: Hãy liên lạc với mẹ Mary với số diện thoại này…, mẹ sẽ giúp đỡ.

Trước khi rời khỏi trại tù, bà Mary còn vội vàng lấy ra mấy thùng mì gói và một số bánh kẹo và tặng cho anh em tù nhân. Thức ăn trong tù đã thiếu, mà giờ đây còn được ăn một gói mì thì thật là tuyệt biết bao. Lời cuối cùng trước khi tạm biệt anh em là lời Kinh Lạy Cha. Bà Mary lên tiếng và xin anh em cùng cầu nguyện với bà lời kinh mà Chúa Giê-su đã dạy. Lời Kinh Lạy Cha bằng tiếng Anh vang lên trên môi miệng bà, chúng tôi một vài người Công Giáo Việt Nam đọc nhẩm bằng tiếng Việt yêu thương. Lời kinh đó vang lên ngay trong trại tù, giữa những anh chị em khác tôn giáo. Lời kinh này được gởi đến Cha trên trời, Cha của mọi người không kể sắc tộc và màu da, không màng tới hoàn cảnh hạnh phúc hay đau thương. Cha trên trời, Đấng giàu lòng xót thương luôn nhìn đến những người con yêu dấu của Ngài – những tù nhân bất hạnh. Lòng tốt của người phụ nữ Công Giáo tốt lành này đã làm tôi nhớ lời của Thánh Phao-lô nhắn nhủ: “Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ” (Dt 13,3).

Chào tạm biệt anh em, lòng chúng tôi bịn rịn. Cái bịn rịn của yêu thương và của mong ước anh em mau chóng được thả ra, để về lại với người thân đang mong chờ anh em. Trên xe, bà Mary cho chúng tôi xem con chim được đan bằng những dây nhựa. Bà nói, các tù nhân đã đan và tặng cho tôi. Chú chim đong đưa trên chùm chìa khoá xe của bà như đang nói rằng, tự do tung cánh trong bầu trời cuộc đời là quyền căn bản của con người. Tự do đó cần được chăm sóc, gìn giữ và bảo vệ. Tự do đó cần được chuộc lại, như bà Mary đã và đang tiếp tục làm cho anh em tù nhân.

Chữ tù luôn đi đôi với cụm từ mất tự do, nhưng chữ tù không bao giờ giam hãm được lòng thương xót và nhân ái. Lòng thương xót luôn viếng thăm, ủi an, nâng đỡ và tìm cách chuộc lại tự do cho người tù rạc. Đó chính là tinh thần của Đức Ki-tô, Đấng đang hiện diện sống động trong các tù nhân, như chính Chúa đã nói: “Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,36).

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

[1] Nguồn: dongten.net. Nguyễn Minh Triệu SJ chuyển ngữ từ Radio Vaticana.

[2] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.16-17.

 


Năm Thánh Lòng Thương Xót