Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn

– Gợi ý mục vụ –

Đề tài 3. Giáo xứ: Cộng đoàn thừa sai với chứng từ của đời sống thánh hiến

“Hài nhi càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan

 và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40)

Giáo xứ là “giếng nước đầu làng” nơi mọi người đến để được giải khát, nơi quy tụ và truyền thông, tạo nên cuộc sống của cộng đồng sống yêu thương hiệp thông, từ đó tạo nên chứng từ để truyền giáo. Cũng như bí tích của Tình Yêu Thần linh biểu lộ qua hai bậc sống hôn nhân và độc thân trinh khiết, đời sống hiệp thông của cộng đoàn giáo xứ cũng được hợp thành từ chứng từ sống động của các gia đình, hội thánh thu nhỏ, và của các cộng đoàn “tu trì” tức sống đời thánh hiến với các lời khuyên Phúc âm.

1. Đời sống thánh hiến

 Bậc tu trì hay đời sống thánh hiến “được thiết lập do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Hội thánh, vẫn thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Hội thánh một cách vững bền”.[1] Thực ra, mọi Kitô hữu đã được Rửa tội đều phải sống các lời khuyên của Phúc âm vốn có nhiều, nhưng đối với các tu sĩ hay những ai tự nguyện đảm nhận ơn gọi sống đời thánh hiến, họ được kêu gọi sống “sự hoàn hảo của đức ái” bao hàm nghĩa vụ tuân giữ đức khiết tịnh trong sự độc thân vì Nước Trời, đức khó nghèo và đức vâng phục. Tuyên giữ các lời khuyên này, trong một bậc sống vững bền được Hội thánh công nhận, là đặc tính của “đời sống thánh hiến” cho Thiên Chúa. Đời tu hay đời sống thánh hiến là một cách thế để sống một cách “thân mật hơn” sự thánh hiến đã bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.[2] Người tu sĩ muốn mình bước theo Đức Kitô sát gần hơn, tự hiến cho Thiên Chúa đáng mến trên hết mọi sự, và theo đuổi sự trọn hảo của đức mến để phục vụ Nước Trời, bày tỏ và loan báo trong Hội thánh vinh quang của thế giới tương lai.[3]

 Đã có nhiều hình thức sống đời thánh hiến khác nhau, đan tu hoặc cộng đoàn. Đời ẩn tu, để ngợi khen Thiên Chúa và mưu cầu phần rỗi cho thế giới bằng việc sống cách biệt với thế giới, trong thinh lặng đơn độc, chuyên cần cầu nguyện và sám hối. Đời tu dòng, với lời tuyên khấn công khai và sống thành cộng đoàn huynh đệ, làm chứng tá cho sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh, và sự hiện diện rất cần thiết cho sự khởi đầu của công cuộc truyền giáo. Các hội viên Tu hội đời sống giữa thế giới, cố gắng vươn tới sự trọn hảo của đức mến và góp phần vào việc thánh hóa trần gian cách đặc biệt từ bên trong, và sự hiện diện của họ tác động như men trong bột.[4]

2. Thánh hiến và sứ vụ

 “Những ai tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm có sứ vụ đầu tiên là sống sự thánh hiến của mình. Vì họ ‘dấn thân phục vụ Hội thánh do chính sự thánh hiến của mình, cho nên họ buộc phải hoạt động cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo, theo thể thức riêng của hội dòng’”.[5]

Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói “Hội thánh gia tăng không bởi chiêu mộ nhưng bởi sự thu hút”.[6] Ở đâu có niềm vui thì có sức thu hút. Nhiều người cảm thấy bị thu hút vì nhận ra những người Kitô hữu thường sống vui và hạnh phúc, cách đặc biệt nơi những người sống đời thánh hiến. Bởi vì người ta nhận ra họ “sống hiện tại cách say mê”, như là “những chuyên viên hiệp thông”. Trong một xã hội xung đột, một xã hội khó chung sống giữa các nền văn hóa với nhau, một xã hội chèn ép những kẻ cô thế, xã hội bất bình đẳng, các môn đệ ấy của Đức Kitô được kêu gọi trở nên khuôn mẫu cụ thể của cộng đoàn có khả năng sống tương quan huynh đệ, nhờ biết nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ các ân huệ mà mỗi người đã lãnh được. Kitô hữu sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên là những con người của sự hiệp thông, can đảm hiện diện tại những nơi có đố kị và tranh chấp, trở nên dấu chỉ khả tín của sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng đổ tràn xuống các tâm hồn niềm say mê cho hết mọi người được nên hiệp nhất (x. Ga 17,21),[7] nhưng tiên vàn sự hiệp thông cần được thực hành ngay tại các cộng đoàn trong dòng: trong nhà của họ “không được phép cư ngụ những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kị”.[8]

 Trong cộng đoàn hội thánh địa phương, cũng như giữa lòng trần thế, các tu sĩ như những lính canh tỉnh thức (x. Is 21,11-12), tiếp tục bước đi với niềm tín thác vào Chúa và “làm thức tỉnh thế giới”, bởi vì đặc tính của của đời sống thánh hiến là tính tiên tri (prophetic). Biết Thiên Chúa và biết con người đồng loại, vị tiên tri có khả năng phân định và tố giác tội ác và những bất công, bởi vì họ là con người tự do, chỉ phải trả lẽ với Thiên Chúa chứ không trả lời cho quyền bính thế gian nào hết; họ chỉ quan tâm đến lợi ích của Thiên Chúa chứ không gì khác. Vị tiên tri thường đứng về phía người nghèo, người cô thế cô thân, vì biết chính Thiên Chúa đứng về phía họ.

 Hơn ai hết, trước lời cuối cùng của Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ xưa cũng như hôm nay “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ”, những người sống đời thánh hiến được mời gọi đi ra khỏi chính mình để đến những ‘vùng ngoại vi’ của cuộc đời. Cả một nhân loại đang chờ đợi họ: những người đang tuyệt vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước đường đời tương lai, những người già yếu bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trong lòng rỗng không, những đang đi tìm ý nghĩa cuộc sống, khao khát sống đời tâm linh...

3. Giáo dân sống Năm đời sống thánh hiến như thế nào?

 Các giáo dân trong họ đạo và giáo phận được khuyến khích chia sẻ lý tưởng, linh đạo, sứ vụ với các tu sĩ, những người sống đời thánh hiến. Chung quanh mỗi dòng tu, chung quanh các Tu đoàn Tông đồ và những Tu hội đời, có một gia đình rộng lớn hơn, “gia đình đặc sủng” bao gồm nhiều dòng, hay tu hội, hiệp hội, nhận biết nhau trong cùng một đặc sủng, và đặc biệt là, các giáo dân cảm thấy mình được kêu gọi chia sẻ đặc sủng ấy trong điều kin sống giáo dân của mình.

 Đức Thánh Cha mời gọi mọi cộng đồng Kitô hữu sống Năm đời sống thánh hiến, trước hết “để tạ ơn Thiên Chúa và nhớ lại những hồng ân mà chúng ta đã và còn đang nhận lãnh nhờ sự thánh thiện của những vị sáng lập và sự trung thành với đặc sủng của biết bao người tận hiến. Tôi mời gọi hết mọi người hãy kề sát những người tận hiến, để chia vui với họ, để san sẻ những khó khăn của họ, để hợp tác với họ, trong tầm mức có thể được, trong việc thực thi tác vụ và công việc của họ mà cũng là của toàn thể Hội thánh. Hãy giúp họ cảm nhận được lòng ưu ái và thiện cảm của toàn thể dân Chúa”.[9]

Câu hỏi thảo luận

1. Trong giáo xứ của anh chị em, có những thành viên tu hội đời, hay cộng đoàn đời thánh hiến nào? Đâu là đặc sủng, sứ vụ đặc thù của họ?

2. Cộng đoàn giáo xứ và các gia đình có chia sẻ gì về đặc sủng và về sứ vụ với các dòng tu, tu hội này hay không?

3. Sống mầu nhiệm hiệp thông Hội thánh giữa các thành phần linh mục, tu sĩ, giáo dân ngày nay có gặp những trở ngại nào cho công cuộc loan báo Tin mừng? Và đâu là những ích lợi?

––––––––––––––––––––––––––––––

[1] Lumen Gentium, 44.

[2] X. Perfectae Caritatis, 5.

[3] X. Bộ Giáo Luật, đ. 537.

[4] X. GLHTCG, 915-930.

[5] GLHTCG, 931. x. Bộ Giáo Luật, đ. 783; x. Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, 69.

[6] Evangelii Gaudium, 14.

[7] ĐGH Phanxicô, Tông thư gửi tất cả những người tận hiến nhân dịp Năm đời sống thánh hiến, I. 2.

[8] Ibid., II.3.

[9] Ibid., III.2

 


Năm Tân Phúc Hóa Giáo Xứ & Cộng Đoàn sống đời Thánh Hiến