Sám hối mùa chay 2015

Chủ đề:  Xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn cầu nguyện, hiệp thông và truyền giáo

Mùa Chay là mùa đặc biệt và quan trọng, nhằm chuẩn bị cử hành lễ Vượt Qua. Phụng vụ Mùa Chay giúp các tín hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua qua việc tưởng niệm Bí tích Thánh Tẩy và việc sám hối.

Sám hối cộng đồng không đơn giản là dịp thuận lợi để đi xưng tội cho tâm hồn được nhẹ nhàng. Hòa mình vào nhịp sống chung của toàn thể Hội thánh trong năm Tân phúc âm hóa đời sống cộng đoàn và giáo xứ, buổi thống hối cộng đồng mùa Chay 2015 là cơ hội tốt để mỗi người nhìn lại con người và đời sống đức tin của mình, đặc biệt dưới chiều kích cộng đoàn, nghĩa là với tư cách là thành viên của Giáo Hội, của cộng đoàn Giáo xứ, một cộng đoàn được Chúa Giê su trao trách nhiệm làm lan tỏa Niềm vui của Tin mừng trong môi trường sống của chúng ta. Bài đọc từ sách Công vụ 2,42-47: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” giúp hướng dẫn cộng đoàn hồi tâm theo định hướng: xây dựng Giáo xứ thành cộng đoàn cầu nguyện, hiệp thông và truyền giáo.

1. Trong tương quan cá nhân với Chúa.

Mùa Chay mời gọi chúng ta thống hối trở về với Chúa. Về với Chúa thực tế cũng là trở về với chính mình, với con người và cuộc sống của mỗi người như lòng Chúa mong muốn. Trong bối cảnh gần gũi trong một Giáo xứ, nếu như cha xứ phải thường xuyên tự vấn xem mình có là mục tử như lòng Chúa mong ước chưa, thì mỗi người giáo dân cũng phải thường xuyên tự hỏi : tôi đã là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con hay người cháu như lòng Chúa mong ước chưa.

Một cách cụ thể:

1. Khi nhìn vào con người và đời sống của tôi, Chúa Giêsu có thể mỉm cười hài lòng chưa? Cuộc sống và sự hiện diện của tôi trong gia đình cũng như giáo xứ mang lại bình an và nụ cười, hay đem lại âu lo và tiếng thở dài ? Có điều gì đáng hối tiếc mà tôi đã gây ra cho người thân và cho Giáo xứ của tôi? Đâu là điều lẽ ra tôi phải làm cho bản thân, gia đình và giáo xứ mà tôi đã không làm?

2. Trong Sứ điệp Mùa Chay 2015, Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi chúng ta chống lại nạn dửng dưng đã trở thành căn bệnh có tính toàn cầu. Tôi dửng dưng với nỗi âu lo, buồn phiều, hay đau khổ của người thân trong gia đình tôi không? Và để cho người thân của mình phải cô đơn trong chính gia đình là một lỗi nặng hơn là chúng ta nghĩ.

3. Trong tư cách là cha là mẹ, tôi đã làm gì để vun trồng bầu khí cầu nguyện trong gia đình và thông truyền đức tin cho con cái?

2. Với tư cách là giáo dân của giáo xứ

Lời Chúa trong sách Tông Đồ Công vụ trình bày một khuôn mẫu, một tiêu chuẩn để chúng ta dựa vào mà lượng định đời sống đức tin của chúng ta trong tư cách là một cộng đoàn đức tin: “chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. Đó cũng là cộng đoàn luôn hiệp nhất với nhau và biết chia sẻ, một cộng đoàn được toàn dân thương mến và biết làm mỗi ngày có thêm những người được cứu độ, nghĩa là có thêm nhiều người tin vào Chúa. Đó chính nhờ ơn Chúa… Đó là một ơn mà không phải giáo xứ nào cũng được lãnh nhận.

1. Vậy tôi, gia đình tôi đón nhận điều đó thế nào? Có bao giờ tôi cảm tạ Chúa về điều đó hay tỏ ra thờ ơ, miễn cưỡng, phàn nàn như phải mang thêm gánh nặng phụ trội?

2. Cộng đoàn đầu tiên rất siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện. Vậy, tôi đã góp phần thế nào vào việc xây dựng bầu khí cầu nguyện trong giáo xứ? Tôi đến nhà thờ với thái độ nào: nhiệt tình và cố gắng tham gia vào việc đọc kinh, hát lễ hay uể oải tìm một góc xa xa nào đó và mong cho chóng qua? Tôi có lưu tâm đến việc lắng nghe Lời Chúa và lời giảng giải hay chỉ biết kêu các cha giảng dài, dai và dở nhưng lại không biết tra vấn thái độ lắng nghe của chính mình.

3. Tôi đã làm gì để góp phần vào việc xây dựng sự hiệp nhất trong giáo xứ? Lời tôi nói đem đến sự bình an và hòa thuận hay gây ra bất hòa và nghi kỵ? Tôi quảng lại góp công góp sức hay làm ít nói nhiều, có khi còn tệ hơn : không làm mà chỉ nói khiến cho những người đang làm chán nản và nhụt chí?

4. Tôi và gia đình tôi đóng góp và chia sẻ thế nào cho sứ vụ loan báo Chúa Giê su: về sự hiện diện, về thời gian, lời cầu nguyện và nếu được, cả của cải vật chất nữa?

5. Tôi có biết thăm hỏi, nâng đỡ hay thờ ơ dửng dưng trước những vui buồn của anh chị em trong cùng giáo xứ?

6. Trong Tông Huấn niềm vui của Tin mừng, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi tất cả chúng ta phải có tinh thần truyền giáo, phải đến với mọi người, phải chịu trách nhiệm về phần rỗi của những người chưa biết Chúa đang sống trong phạm vi giáo xứ chúng ta. Tôi và gia đình tôi có bao giờ thăm hỏi những người chưa biết Chúa sống xung quanh? Có bao giờ cầu nguyện cho họ? Thực tế thì có được bao nhiêu người chưa biết Chúa có thể coi tôi là bạn? Liệu những người chưa biết Chúa có cảm thấy may mắn vì có gia đình tôi là hàng xóm hay bạn bè của họ không? Gia đình tôi có đấm ấm và hạnh phúc và làm cho những người chưa biết Chúa thấy rằng : gia đình có đạo có hơn không?

Sau đó, những phút giây thinh lặng suy nghĩ và xét mình đã giúp từng người trong cộng đoàn giáo xứ nhận ra lời mời gọi rất cụ thể, gần gũi mà Chúa gởi đến. Canh tân ắt hẳn không phải là việc làm một sớm một chiều, và cũng không phải là một phong trào “theo xu hướng đám đông”, nhưng đó là một bước “lên đường” cụ thể mà lòng tôi thôi thúc: tôi phải lên đường trở về nhà Cha, chứ không thể khác được.


Năm Tân Phúc Hóa Giáo Xứ & Cộng Đoàn sống đời Thánh Hiến