Mười điều bảo vệ hạnh phúc gia đình

Tình yêu không loại trừ sự kính trọng. Trái hẳn lại. Nếu vợ chồng không biết tỏ lòng quí mến nhau, dù trong cuộc sống riêng tư hay ở nơi công cộng, tình yêu của họ sẽ không sống mãi được. Lễ độ, lịch sự là cách biểu lộ tình yêu giống như những cách biểu lộ khác. Tránh mọi lời nói hay mọi cử chỉ thô lỗ, thiếu tế nhị, là điều tối thiểu để tỏ lòng mến thương nhau.

1. KÍNH TRỌNG LẪN NHAU

Vợ chồng là nghĩa tào khang

Chồng hòa vợ thuận, nhà thường yên vui

Sinh con mới ra thân người

Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no

Tình yêu không loại trừ sự kính trọng. Trái hẳn lại. Nếu vợ chồng không biết tỏ lòng quí mến nhau, dù trong cuộc sống riêng tư hay ở nơi công cộng, tình yêu của họ sẽ không sống mãi được. Lễ độ, lịch sự là cách biểu lộ tình yêu giống như những cách biểu lộ khác. Tránh mọi lời nói hay mọi cử chỉ thô lỗ, thiếu tế nhị, là điều tối thiểu để tỏ lòng mến thương nhau.

Sau đây là một trong những trường hợp thường xẩy ra: Anh chị ấy không còn yêu nhau như trước nữa, bởi vì anh ấy (hay chị ấy) cứ nói những lời châm chọc, khích bác, phán đoán giọng kẻ cả. Người này cố ý chọc tức cho người kia nổi giận bằng những lời lẽ tục tằn hay những cử chỉ thô lỗ. Chị ấy (hay anh ấy) không để lỡ một cơ hội nào mà không phê bình chồng mình (hay vợ mình) trước mặt bạn bè, ngay cả trước mặt con cái. Tệ hơn nữa, người này tiết lộ công khai những tật xấu của người kia để được một chút “chia sẻ” của người chung quanh.

Để tình yêu vợ chồng của anh chị đằm thắm mãi, hằng ngày xin anh chị hãy dành cho nhau những tế nhị mà thánh Phanxicô dệ Salê gọi là “bông hoa đẹp của tình yêu”.

2. NÓI VỚI NHAU LỜI ÂU YẾM

Tình yêu dành cho nhau giữa vợ chồng cần được khẳng định lại mỗi ngày, ít ra bằng những lời nói dịu dàng, những cử chỉ thân thương. Tuy nhỏ bé, nhưng những lời nói âu yếm, những ánh mắt luyến thương luôn là hương thơm ướp đậm tình yêu giữa hai người. Đừng đợi đến lúc ái ân mới nói lời yêu thương, mới tỏ cử chỉ thân mật.

Giữa vợ chồng có trăm ngàn cách để bày tỏ tình yêu: từ lời nói đơn giản nhất: “Anh yêu em” hay “Em yêu anh” cho đến tất cả những biểu lộ sự ân cần, lòng biết ơn, tâm tình ngữơng mộ, hay lời nói khuyến khích hoặc xây dựng từ tốn...mà vợ chồng có biết bao trường hợp để dành cho nhau.

Bức tranh cổ truyền việt nam họa cảnh âu yếm đối thoại giữa vợ chồng vẫn đồ sộ và gương mẫu:

Chàng ơi, trẩy sớm hay trưa?

Để em gánh gạo tiễn đưa hành trình

Thương nàng đã đến ngày sinh

Ăn ở một mình, trông cậy vào ai!

Rồi khi sinh gái sinh trai

Sớm khuya, mưa nắng, lấy ai bạn cùng

Sinh gái, thì em gả chồng

Sinh trai, lấy vợ mặc lòng thiếp lo

Theo ông Anphônsô Gay: “Người chồng không bao giờ nói với vợ rằng “anh yêu em” và người vợ không bao giờ nói với chồng rằng “em yêu anh” thì chẳng bao lâu họ sẽ không còn biết yêu nữa, cũng không còn biết cách làm cho vợ hay chồng mình yêu mình nữa. Tình yêu thành phai nhạt... và mất dần sức sống”.

3. TẶNG QUÀ CHO NHAU

Một định nghĩa (giữa bao định nghĩa) của tình yêu: “Yêu là muốn cho một cái gì”. Một số người có thể nghĩ rằng: khi kết hôn, hai người đã tự hiến mình cho nhau với tất cả những gì họ có, nên không cần phải tặng quà cho nhau nữa.

Nghĩ như thế là quên đi rằng tình yêu phải được bày tỏ và nuôi dưỡng bằng những cử chỉ cụ thể. Về điểm này, không có cách nào tốt hơn là để ý mua một món quà, lựa chọn cẩn thận và đem trao tặng với những lời nói dễ thương. Người Đức thường nói: “Cái giá trị nhất chính là ý định bên trong của mình”. Người Pháp cũng bảo: “Cử chỉ bề ngoài khẳng định ý muốn bên trong” (L'acte apparent prouve l'intention secrète).

Bởi vậy, không cần phải là món quà đắt tiền hay độc đáo, một món quà càng bất ngờ hay thích hợp nhu cầu sẽ càng có tác dụng tình yêu. Một món quà nho nhỏ, bất ngờ, vừa đủ tạo niềm vui cho người được tặng, có thể là một dấu hiệu lớn của tình yêu hơn là những quà trao tặng theo truyền thống vào dịp lễ Giáng Sinh hay đầu Năm Mới. Tặng một món quà thích hợp với nhu cầu của người thân thương, chứng tỏ người tặng quà biết đặt mình vào địa vị, biết quan tâm đến đời sống của người nhận quà.

Bó hoa, quà bánh, các đồ dùng trong việc nội trợ, đồ dùng cá nhân, vé xem hát, các sản phẩm mỹ thuật, vật dụng trong nhà... được trao tặng, đều là những dấu hiệu của tình yêu vợ chồng dành cho nhau.

Để bày tỏ rằng tình yêu vợ chồng không còn mặn mà như xưa nữa, nhiều phụ nữ Pháp quen nói: “Không có lấy một món quà từ nhiều năm nay!”.

Quả thật, nếu người Pháp bảo: “Những món quà nhỏ bồi dưỡng tình yêu” (Les petits présents entretiennent l'amour), thì người La mã khẳng định: “Với bàn tay trắng, lời xin thành liều lĩnh” (Vacuae manus, temeraria petitio est).

Người Việt ta, từ những quan sát hằng ngày như:

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay

hoặc như:

Yêu nhau, mọi việc chẳng nề

Dù trăm chỗ lệch, cũng kê cho bằng

để kết luận:

Yêu nhau chữ vị là vì

Chữ dục là muốn, chữ tùy là theo

4. SỐNG GẦN GŨI NHAU

Trong thời kỳ đính hôn và trong buổi đầu thành hôn, người ta không bao giờ chán ở gần nhau. Lẽ tự nhiên, tình yêu khiến người trẻ mới kết hôn cảm thấy nhu cầu muốn ở gần nhau bao lâu cũng được. Ca dao ta đã chẳng hát câu này sao?

Vợ chồng đầu gối má kề

Lòng nào mà bỏ, mà về cho đang!

Hồ về, chân lại đá ngang

Về sao cho dứt, cho đang mà về

Vậy tại sao, sau vài năm kết hôn, một số người lại cho rằng họ luôn luôn yêu nhau mà không cần phải hồ hởi sống bên nhau?

Họ ăn với nhau, ngủ với nhau, gặp mặt nhau để giải quyết những vấn đề cấp bách của gia đình. Họ không chút nghi ngờ về tình yêu dành cho nhau. Họ bác bỏ những ý nghĩ “vợ hay chồng lạnh nhạt với nhau” và họ tự nhủ: “Tôi không trung thành với vợ (chồng) tôi đó sao? Tiền lương được bao nhiêu, tôi vẫn đem hết về gia đình! Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm để lo đầy đủ cho vợ (chồng) và con cái tôi...”

Nhưng cái họ không làm nữa, đó là tìm dịp sống gần gũi với người mà họ nói là họ yêu thương.

Người ta thường nghe các bà than thở: “Chồng tôi, hễ không đi làm là vùi đầu chơi bài bên nhà hàng xóm, hay trời đẹp lại đi câu cá, chơi thể thao, cuối tuần lo đi hội chính trị, hết đảng này đến nhóm khác... chứ không muốn dành giờ sống cho vợ, cho con...”. Và cũng không hiếm qúy ông than phiền: “Bà ấy để tôi và con cái ăn cơm trễ giờ, hay ăn cơm nguội là thường! Vì trước tiên không phải là lo cho chồng cho con, nhưng là đi hội, đi gặp thăm người này, người nọ. Sống ngoài gia đình xem ra bà ấy thoải mái hơn sống trong gia đình gần gũi chồng con”.

Chồng cũng như vợ, họ chỉ gặp nhau khi họ không thể làm khác được.

Xin qúy anh chị đừng quên rằng mỗi người có bổn phận với người bạn đời của mình và tình yêu của người ấy đòi buộc chúng ta phải tôn trọng. Sự thật phũ phàng, là sau vài năm kết hôn, nhiều ông chồng ưa ngồi chơi bài với bạn bè hơn là vui đùa với vợ con. Cũng vậy, nhiều bà vợ muốn trốn cái đơn điệu của bếp núc, quét nhà, lau tủ. Công việc nội trợ không còn hấp dẫn nữa! Bà thích ngồi một mình xem phim, nghe nhạc... hơn gần gũi với chồng con. Buông trôi kiểu đó, là không giữ lời hứa về tình yêu ngày kết hôn, là giết tình yêu của người bạn đời của mình.

Hôn nhân đòi hỏi chúng ta phải sống gần nhau. Tình yêu của những người chạy trốn nhau sẽ là tình yêu không thật.

5. ĂN MẶC CHỈNH TỀ

Tình yêu che giấu chưa hẳn là tình yêu sâu xa, đằm thắm.

Một trong những biểu lộ và thăng tiến tình yêu giữa vợ chồng là sự ăn mặc tươm tất.

Đối với người vợ, làm đẹp cho vừa lòng chồng là một bổn phận. Người đàn ông Việt Nam vẫn mê mẩn và hãnh diện khi thấy vợ biết trang điểm và ăn mặc tươm tất:

Thấy em đẹp nói đẹp cười

Đẹp quần đẹp áo, lại tươi răng vàng

Chân em đi dép quai ngang

Mặt vuông chữ điền, liền vành cá chôi

Anh thương mình lắm mình ơi!

Đối với người chồng, ăn mặc tươm tất để vợ không mắc cỡ với bạn bè, khu xóm cũng là một bổn phận. Dẫu lam lũ cầy cấy, dẫu nhọc nhằn canh cửi, người vợ việt nam vẫn luôn vui sướng khi thấy chồng bảnh bao “xiêm áo thảnh thơi”:

Xin chồng kinh sử học hành

Để em cầy cấy, cửi canh kịp người

Mai sau xiêm áo thảnh thơi

Ơn trời, lộc nước đời đời hiển vinh

Không chỉ khi đi ra ngoài, mà ngay trong nhà, giữa đời sống ấm cúng gia đình, người vợ cũng phải ăn mặc xinh xắn, sạch sẽ, và trang điểm kín đáo. Đừng viện lý: “Tôi có nhiều việc phải làm... Tôi không có thời giờ trang điểm... Tôi không có tiền...”. Mãi mãi bà là bông hoa xinh tươi và thơm hương của gia đình!

Đành rằng ở trong nhà, bà không nên lúc nào cũng chưng diện như khi tiếp khách. Nhưng bà phải cố ăn mặc sạch sẽ, trau chuốt và hấp dẫn, để bảo vệ tình yêu của chồng, để ông khỏi đi tìm ở nơi khác những cái bà không biết hiến tặng chồng.

Cũng vậy, người chồng đừng lầm tưởng rằng sau ngày thành hôn là được tự do ăn mặc cẩu thả, tóc tai bù xù, khỏi cạo râu, khỏi đánh giày, khỏi thắt cà vát... Ăn mặc chỉnh tề là tự trọng. Biết tự trọng là biết kính trọng người khác. Người khác đây trước tiên là người vợ!

Tuy nhiên, đừng thái quá! Thái quá cũng nguy hiểm như bất cập! Phải trung dung, đúng lúc đúng mực! “Nhân đức đứng ở giữa” (Virtus in medio stat). Tránh lòe lọet, đừng học đòi làm sang, làm điệu.

6. DÀNH QUYỀN ƯU TIÊN CHO NHAU

Lần đầu tiên đề cập tới hôn nhân, Chúa nói với ông Adong: “Bởi vậy, người nam sẽ rời bỏ cha mẹ và gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một (Mt 19,7).

Điều cốt yếu là, trong hôn nhân, người chồng phải chứng tỏ cho người vợ thấy: mình thương vợ hơn bất cứ ai trên đời. Người vợ cũng phải có một tình yêu như thế đối với chồng. Đó là ý nghĩa tình yêu vợ chồng mà ca dao ta đã diễn tả rằng:

Chăn đơn nửa đắp, nửa hòng

Cạn sông, lở núi ta đừng quên nhau

Từ ngày ăn phải miếng trầu

Miệng ăn, môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu

Biết rằng thuốc dấu hay là bùa yêu

Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa

Làm cho quên mẹ, quên cha, quên cửa, quên nhà...

Thế nhưng, đôi khi vì lý do đặc biệt, có thể từ chối quyền ưu tiên tuyệt đối ấy. Chẳng hạn, khi có lý do chánh đáng, người chồng hay người vợ có thể đòi đem cha mẹ mình đến ở chung trong nhà. Nhất là theo tinh thần Đạo Hiếu của Việt Nam, con cái được cha mẹ sống chung với là một hãnh diện và hạnh phúc, đó là chưa nói đến ích lợi thực tế (như trông nhà, coi cháu...).

Sống chung với cha mẹ là trường hợp đặc biệt, vì có lời Thánh Kinh: “Họ sẽ rời cha mẹ mình”. Đàng khác, kinh nghiệm cho hay sống chung với cha mẹ thường có nhiều phiền toái... Ngay cả khi đức hiếu thảo bắt buộc vợ chồng ở chung nhà với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, họ vẫn luôn có bổn phận kín đáo dành cho nhau “cách xử đãi ưu tiên”.

Vì thế, nếu người chồng, chỉ bận tâm đến những gì mẹ mình muốn hơn là những gì vợ mình thích, người chồng ấy tước bỏ quyền lợi của vợ và dần dần giết chết tình yêu của vợ đối với mình. Nếu người vợ chỉ vun vén cho cha mẹ mình hơn lo cho hạnh phúc của chồng, thì trước sau bà sẽ thấy lòng thương mến của chồng suy giảm, và lúc đó bà là người chịu trách nhiệm.

Nhất là nếu người chồng để cho mẹ mình điều khiển gia đình và luôn luôn bênh mẹ trong những cuộc tranh luận, người đó đi ngược lại lời đã hứa và đi ngược lại cả ý của Chúa về hôn nhân.

Không phải chỉ trong những trường hợp vợ chồng sống chung với cha mẹ dưới một mái nhà mới có thể xảy ra những “phiền toái”. Một người vợ để cho mẹ mình ảnh hưởng quá nhiều đến những công việc trong nhà, như ỷ thế vào mẹ mỗi khi có chuyện bất bình giữa vợ chồng, lúc đó liệu bà còn dành quyền ưu tiên cho chồng mình không?

Một người chồng bắt buộc vợ làm việc (hay giúp đỡ) cho gia đình bên bố mẹ ruột của mình nhiều hơn cho gia đình bên vợ, liệu ông ta có nguy cơ đánh mất tình yêu của vợ không?

Người ta thấy ngay cả trường hợp mà sự ưu đãi được dành cho người ngoài: Ông ta thích gần gũi bạn bè hơn; bà ta thích làm việc cho người khác hơn là cho người trong gia đình mình. E rằng sự ưu đãi như thế sẽ dun dủi họ đến chỗ thất trung và sự ngoại tình. Trong trường hợp ngoại tình, Giáo Hội công nhận rằng người ta không thể bắt buộc người chồng hay người vợ tiếp tục sống với kẻ thất trung. Lúc ấy, người ta có thể nghĩ đến việc ly thân. (nhưng không vì thế mà được tái hôn).

Nhưng nói rằng người ta không bao giờ đi đến sự ngoại tình, không đủ. Nếu người ta muốn sống trong tình yêu một cách đầy đủ và bền bỉ, thì phải dành cho người bạn đời của mình quyền ưu tiên trên bất cứ ai mà người ta có thể gặp.

7. NHẬN LÃNH TRÁCH NHIỆM

Khi kết hôn, mỗi người nhận lấy trách nhiệm xây dựng gia đình. Thường người chồng giữ việc mưu sinh cho gia đình, người vợ giữ việc nội trợ. Cả hai tự nguyện giúp nhau, bao lâu có thể được, trong những nhiệm vụ ấy.

Giấc mơ vợ chồng hoà thuận đã phác họa sự phân chia trách nhiệm xây dựng gia đình đầm ấm việt nam rằng:

Trên trời có cái cầu vòng

Kẻ chợ cầu Muống, cửa đông cầu Rềm

Vua trên đền cần vàng cần bạc

Các lái buôn cần nước cần non

Đôi ta cần của cần con

Con đẹp giống mẹ, con giòn giống cha

Con gái dệt cửi trong nhà

Con trai đi học đỗ ba khóa liền

Con lớn thì đỗ trạng nguyên

Hai con tiến sĩ, đỗ liền cả ba

Vinh quy bái tổ về nhà

Bõ công đèn sách mẹ cha vun trồng

Nhưng tình thương của vợ chồng dành cho nhau đã cảm thấy trước ngày thành hôn có thể tiêu tan sau đó, nếu mỗi người không nhận lãnh trách nhiệm của mình một cách nghiêm chỉnh.

Ví dụ người chồng không làm việc tận tình, thay đổi việc làm luôn luôn, đem tiền làm ra tiêu phí vào những việc không cần thiết hay không có sự thỏa thuận chung. Tệ hơn, chồng giữ hết tiền, chỉ đưa tiền cho vợ cách nhỏ giọt, làm như bà vợ là một người đầy tớ không đáng tin cậy.

Hay là người vợ ở nhà không đi làm, nhưng bỏ bê việc nhà, không làm tươm tất những công việc thường ngày: quét dọn, giặt giũ, chăm nuôi con cái, lo cơm nước... Do đó, bà ta đừng phàn nàn gì nếu ông chồng gắt gỏng, không thương yêu bà như xưa nữa! Làm sao người chồng có thể say mê bà vợ, nếu ông ta phải sống trong một căn nhà dơ bẩn, bỏ bê, không thứ tự?

Tình yêu cũng có thể chết khi hai vợ chồng không biết để ý đến việc làm của nhau, không biết tế nhị giúp đỡ nhau trong công việc làm. Đặc biệt khi đã có con. Giáo dục con cái là phận sự chung của cha mẹ. Nếu người chồng bỏ việc giáo dục con cái cho vợ hoàn toàn thì ông đừng phàn nàn rằng “vợ mình thương con hơn thương mình” hay “con cái quấn quít mẹ hơn cha”!

Ngày nay hầu như hai vợ chồng đều đi làm. Mỗi người càng phải ý thức trách nhiệm và tương hỗ nhau hơn nữa. Phải “biết tự động” lãnh trách nhiệm của riêng mình và rộng rãi chia sẻ trách nhiệm với bạn đời. Đúng như tục ngữ rằng:

Chồng khôn, vợ được đi hài

Vợ khôn, chồng được nhiều bài cậy trông

hoặc:

Chồng sang, vợ được đi giầy

Vợ sang, chồng được ghé ngày cậy trông

Đã yêu nhau thật, thì không còn tính toán nữa!

8. HY SINH CHO NHAU

Một trong những bằng chứng tốt nhất về tình yêu chân thật là sự quên mình. Ngược lại với sự quên mình là tính ích kỷ. Người ích kỷ chỉ nhìn thấy mình, chỉ thu vén ích lợi cho riêng mình, chỉ bảo thủ ý kiến riêng của mình... Vì thế sớm muộn, họ trở thành những ông chồng hay bà vợ độc tài, nhiều khi thật quá quắt! Đừng quên rằng, một người độc tài có thể áp đảo, bắt người khác vâng theo ý mình, nhưng dễ gì làm cho họ yêu thương mình! Có nhiều cách hy sinh.

Chồng giận thì vợ bớt lời

Chồng giận, vợ giận, thì giùi nó quăng

1. Trước hết bằng tinh thần nhượng bộ, một nhịn chín lành, dĩ hòa vi qúy, thuận vợ thuận chồng cho vui cửa vui nhà. Dĩ nhiên có những điều không thể nhượng bộ, nhất là trong lĩnh vực luân lý hay tinh thần: Chấp nhận làm điều xấu, để vui lòng chồng (hay vợ), không phải là sự hy sinh hay quên mình, nhưng là sự đồng loã. Ví dụ việc toan tính phá thai.

Vợ chồng là nghĩa già đời

Ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn

2. Phải biết quên mình ngay trong những vấn đề vật chất, như việc xử dụng thời giờ, tiền bạc, việc mua sắm, việc giải trí... Người chồng độc đoán luôn muốn sắm sửa, giải trí theo sở thích của mình. Người vợ làm dữ đòi chồng phải mua cho bà những món đồ bà thích... Không ai nhịn ai! Kể từ đó đừng nói đến tình yêu nữa: Người ta đã giết chết nó, bằng cách lấy ích kỷ thay thế hy sinh.

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười hớn hở rằng “anh giận gì?”

3. Hy sinh cũng có nghĩa là biết tha thứ. Đời này chẳng có ai là toàn thiện. Nhân vô thập toàn. Không có cuộc hôn nhân nào mà sớm hay muộn, không cần đến sự tha thứ. Nói cách khác phải biết “biết khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và khi một trong hai có điều đáng trách, phải biết tha thứ cho nhau...” (Cl 3,12-13)

Còn gì phá vỡ tình yêu bằng thiếu tinh thần hy sinh và dung thứ. Vì thiếu tinh thần hy sinh và tha thứ, bà ấy không để lỡ một cơ hội nào mà không nhắc lại những sai lỗi, những khuyết điểm và tật xấu của chồng. Nhắc đến để đay nghiến! Cũng vậy, người chồng âm ỉ giận vợ, lầm lì hờn dỗi ngày này qua ngày khác là người ích kỷ, không quảng đại tha thứ.

Xin vợ chồng đừng bao giờ quên: “Không có tình yêu nào mà không có hy sinh” (l'amour n'existe pas sans sacrifice), “Muốn tráng trứng, phải đập vỡ quả trứng” (On ne peut pas faire d'omelttre sans casser les oeufs). Nhất là vợ chồng phải nằm lòng lời Chúa Giêsu: “Không có tình yêu nào lớn hơn là hy sinh mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13). Thiếu tinh thần hy sinh và tha thứ, vợ chồng chày kíp sẽ giết chết tình yêu đã dành cho nhau!

9. SỐNG VỮNG NIỀM TIN

Chỉ có tôn giáo mới giúp con người phát triển đúng mức những đức tính cao đẹp của con người. Con người trổi hơn thú vật bởi vì con người có khả năng sống tôn giáo. Chỉ có tôn giáo có thể trang bị cho con người một nhân tính dũng mạnh, vừa làm tăng trưởng vừa thu hút tình yêu.

Không sống tôn giáo, người ta dễ sống “như cầm thú”. Con người được dựng nên trong thân phận cao hơn thân phận cầm thú, nhưng nhiều khi, do sự lựa chọn tự do, con người lại sống thấp hèn giống như cầm thú.

Hôn nhân không chỉ đặt trên căn bản xác thịt, của cải, chức vị và danh vọng. Căn bản của hôn nhân là tình yêu. Và niềm tin là thành lũy bảo vệ tình yêu.

Mọi vấn đề của đời sống đều đòi hỏi những giải đáp tinh thần hay luân lý.

Không gì qúy bằng vợ chồng có chung một niềm tin. Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng, một hướng trọn vẹn về mọi phạm vi vật chất và tinh thần.

Niềm tin dạy chúng ta rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, chính ngài đã thiết lập đời sống gia đình, và muốn đồng hành với vợ chồng, giúp cho vợ chồng sống hạnh phúc trong tình yêu chung thủy. Vì thế, đời sống cầu nguyện trong gia đình là cần thiết. Hạnh phúc của gia đình là có Chúa hiện diện trong nhà, chia sẻ trong mọi biến cố vui buồn.

Đối tượng cầu nguyện hằng ngày của vợ chồng là xin Chúa cho mỗi người yêu nhau đến cùng, yêu nhau như Chúa yêu; là xin Chúa bảo vệ tình yêu họ dành cho nhau, tình yêu là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện khác trong đời sống đôi bạn. Còn yêu là còn tin nhau, còn sống cho nhau hạnh phúc.

10. LÀM TRÒN BỔN PHẬN VỢ CHỒNG

Trong những biểu lộ quan trọng nhất của tình yêu vợ chồng, có sự biểu lộ tình yêu xác thịt hay sự biểu lộ tình yêu trong đời sống sinh lý.

Người ta nói nhiều đến hạnh phúc lứa đôi, nhưng thực tế vợ chồng chỉ cảm nghiệm và hưởng thụ hạnh phúc đó “một cách con người nhất” là khi vợ chồng trao thân cho nhau. Sau ngày thành hôn, đời sống sinh lý vợ chồng là chuyện vừa hợp pháp, vừa cần thiết và có công phúc.

Vợ chồng cần biết bảo trì đời sống sinh lý. Đừng làm cho nó trở thành nhàm chán, nghèo nàn. Trái lại phải làm sao cho thân xác vợ chồng hấp dẫn nhau, đời sống chăn gối mãi mới mẻ, phong phú. Mỗi lần sống bên nhau, trao thân cho nhau, cả hai đều cảm thấy thỏai mái, hạnh phúc... hiến thân và lãnh nhận.

Muốn đạt được như vậy, vợ chồng ý thức rằng, chính trong đời sống chăn gối này, có rất nhiều tế nhị mà đôi bên phải thận trọng cho hợp với điều kiện tâm lý, và cả sinh lý của đôi bên. Đòi hỏi hay đáp ứng đúng thời điểm và tâm lý. Đây vừa là quyền lợi, vừa là bổn phận. Cần đọc sách nói về đời sống chăn gối vợ chồng để có thêm kiến thức, để hiểu tốt hơn về những điều kiện sinh lý và tâm lý của bạn mình.

Một trong những chủ yếu của khế ước hôn nhân là khẳng định về đặc quyền của mỗi người trên thân xác của người bạn đời. Đặc quyền này hướng về việc sinh con cái. Nhưng cũng để vợ chồng tạo hạnh phúc cho nhau, yêu nhau cách khăng khít và chung thủy.

Trăm năm lòng gắn dạ ghi

Nào ai thay nút đổi khuy cũng đừng

Vì thế, tình yêu có thể chết khi người ta không tôn trọng đặc quyền đó, hay khi người ta có một ý niệm sai lầm về nó. Vô tình người ta mở cửa cho người bạn của mình thất trung với mình. Lúc ấy, hôn nhân trở nên một gánh nặng thật sự.

GS Bùi Thị Lý, Đức Ông Mai Đức Vinh, GS Trần Văn Cảnh

Nguồn: Uybanmucvugiadinh