Tháng 12/2013

Gia đình của Thiên Chúa

Lời Chúa: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel” (Mt 1, 23)

Ý cầu nguyện: Tạ ơn Thiên Chúa đã đến chia sẻ phận người với chúng con trong một gia đình phàm nhân như chúng con.

Bài ca ý lực: Cầu xin Thánh gia.

1. Mẫu gương Thánh Gia

- Thánh Gia của Đức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse là Hội thánh tại gia nguyên thủy[1].

- Đức Maria và thánh Giuse, đã nói tiếng «xin vâng» với Thiên Chúa trong đức tin để tận hiến hoàn toàn phụng sự thánh ý Thiên Chúa.

- Đức Maria và thánh Giuse kết hợp với nhau không chỉ bởi mối dây tình cảm của con người và theo Lề Luật Môsê, nhưng nhất là bởi tặng phẩm thần linh, là Ngôi Lời nhập thể. Thiên Chúa đã chọn các ngài để trao phó Người Con Duy Nhất nhập thể làm người của mình, để rồi các ngài trao ban Người lại cho thế giới. Trong cuộc sống thường nhật của gia đình, đức Maria và thánh Giuse được kết hợp với Chúa Cha trên trời trong mối quan hệ vừa nhân bản vừa thiêng linh với Chúa Giêsu. Bởi lẽ, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu vừa là Người thật vừa là Thiên Chúa thật đã hiệp nhất nơi ngã vị mình Ba Ngôi thần linh với ba ngôi thế trần đến muôn đời. Xuyên qua kinh nghiệm sống rất đơn sơ khi làm việc, cầu nguyện, chuyện vãn, đức Maria và thánh Giuse kết hợp với Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, các đấng đã góp phần vào giáo dục, nhờ ơn làm cha làm mẹ khiết trinh.

2. Mẹ Maria và cha Giuse

- Thiên Chúa hiến mình cho nhân loại trong Chúa Giêsu Kitô. Điều đó được thực hiện nhờ trung gian đích thật của đức Maria làm mẹ, cũng như của thánh Giuse làm cha.

- Đức Maria làm mẹ là điều hiển nhiên kể từ tiếng “xin vâng” ngày truyền tin. Nhưng đó là làm mẹ về thể lí. Mẹ còn làm mẹ về mặt thiêng liêng khi cưu mang Lời trong tâm hồn: Mẹ đã suy đi nghĩ lại Lời trong lòng, Lời vang lên từ trong các biến cố đời sống. Tiếp tục làm mẹ Ngôi Lời cho đến tận chân thập giá. Và trở thành mẹ Hội thánh.

- Còn vai trò làm cha của thánh Giuse thì sao? «Được dìm trực tiếp vào mầu nhiệm Nhập thể, bản thân Thánh Gia Nadaret cũng là một mầu nhiệm đặc biệt. Và, cũng như mầu nhiệm Nhập thể, sự kiện ngài (thánh Giuse) làm cha thật cũng thuộc về mầu nhiệm này. Hình thức phàm nhân của gia đình Con Thiên Chúa, một gia đình đích thật là người, được hình thành nên bởi mầu nhiệm Thiên Chúa. Trong gia đình ấy thánh Giuse là người cha. Sự kiện làm cha ấy không do việc ngài sinh con, nhưng không vì thế mà vai trò làm cha của ngài chỉ như là “bề ngoài”, hoặc “thay thế”, mà là một Vai trò làm cha nhân bản đích thật và trọn vẹn, nhờ sứ mệnh làm cha trong gia đình»[2]. Sự thật ấy là hệ luận của mầu nhiệm ngôi hiệp (hai bản tính thần-nhân trong một ngôi vị duy nhất của Đức Giêsu). Thánh Giuse có một liên hệ cá biệt với Chúa Cha trên trời, bởi Ngài đã chọn thánh nhân làm dung mạo người cha trong tiến trình thành nhân cho trẻ Giêsu Con Cha làm người. Thánh Giuse được Thiên Chúa kêu gọi “phục vụ trực tiếp” chính bản thân và sứ vụ của Chúa Giêsu qua thực thi vai trò làm cha[3].

3. Các gia đình tiếp nối Hội thánh tại gia nguyên thủy

- Chúa Cha đã ban con trẻ Giêsu (tặng phẩm thần linh) cho Thánh Gia Nadaret cũng là ban cho Hội thánh và cho toàn thể nhân loại. Ngài còn tiếp tục ban trẻ này cho các gia đình Kitô hữu, đặc biệt qua bí tích Rửa tội, là dịp sinh hạ Con của Ngài trong các thành viên của Nhiệm Thể Người. Bởi thế, Chúa Giêsu sống ở trong những người con và Người phải lớn lên trong họ nhờ cha mẹ trong gia đình giúp đỡ cho đến khi đạt đến sự trưởng thành của một con người hoàn thiện. Những gì thánh Giuse và đức Maria đã sống vì thế cần được kéo dài trong các gia đình, là Hội thánh tại gia. Những quan hệ hằng ngày của cha mẹ với con cái ẩn chứa một “mầu nhiệm cao cả”, đó là mầu nhiệm làm cha làm mẹ thiêng liêng đối với những đứa con của mình, những đứa con mà họ đón nhận từ Thiên Chúa Cha, chúng như anh chị em của Người Con Duy Nhất của Ngài. Từ đó, người cha người mẹ phải đối xử yêu thương làm sao để những đứa con của họ có thể cảm nhận được, qua tình yêu rất nhân loại của cha và của mẹ chúng, tiếng đập của con tim của Người Cha vĩnh cửu.

4. Gia đình Kitô hữu phong nhiêu

- Tình yêu đôi vợ chồng dành cho nhau trong Chúa, một đàng, thật lớn lao đến nỗi chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy, và đàng khác, được trao ban như ân sủng chất chứa lời hứa phong nhiêu. Lời hứa hẹn ấy vẫn trọn vẹn nằm trong tay Thiên Chúa, đôi vợ chồng không nắm được sở hữu.

“Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và phán với họ: ‘hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất’“ (St 1,28).

Chính sự trao hiến yêu thương giữa đôi vợ chồng đòi hỏi họ phải có thái độ mở ngỏ sẵn sàng với sự sống mà Chúa có thể trao ban, không “tính toán” hơn thiệt. Sự tính toán loại trừ có con cách tiên thiên (ngừa thai) hoặc yêu sách có con như đòi một quyền lợi (thụ thai nhân tạo), không có ý nghĩa gì cả đối với các đôi vợ chồng Kitô hữu sống trong ân sủng.

- Có thực hiện lời hứa phong nhiêu hàm ẩn trong tình yêu vợ chồng hay không là tùy thuộc tự do của ân sủng Chúa. «Mọi hôn phối kitô hữu đều được Thiên Chúa chúc lành và phong nhiêu trong Người, hoặc với phúc lành con cái, hoặc với phúc lành hi sinh. Nếu Thiên Chúa chọn khả năng thứ hai, thì sự phong nhiêu của hôn nhân sẽ khuếch trương và tăng trưởng một cách thiêng liêng và vô hình hơn trong cộng đoàn»[4]. Khi ấy, sự phong nhiêu của vợ chồng, vì trải qua con đường hi tế, nên giống với sự phong nhiêu siêu nhiên của bậc sống đồng trinh.

- Trong đức tin, việc hiến thánh tình yêu vợ chồng cho Chúa Kitô đưa họ tham dự vào sự phong nhiêu của hi tế Thập Giá, vốn là nguồn mạch và là nguyên mẫu của mọi sự phong nhiêu. Đứa con không đơn giản chỉ là kết quả của tình yêu “tự nhiên” của họ nhưng là hoa trái của việc đôi bạn tận hiến cho Chúa trong đức tin, vì Thiên Chúa chúc lành cho mọi sự tấn hiến bằng một tặng phẩm là con cái hay sự sống siêu nhiên.

 

 

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

  1. Gia đình tôi có cố gắng theo mẫu gương của Thánh Gia là luôn sống tiếng “xin vâng”, nghĩa là luôn tìm kiếm và sống theo thánh ý Cha trên trời hay không?
  2. Những người làm cha, làm mẹ trong gia đình, vốn là Hội Thánh tại gia, có ý thức trách nhiệm Phúc-Âm-hóa gia đình mình qua việc giáo dục đức tin cho con cái bằng gương sáng và lời nói hay không?
  3. Đâu là những hi sinh thường ngày trong cuộc sống gia đình tôi như là hi tế Thập Giá, chúng có sinh hoa kết quả thiêng liêng gì hay không?


[1] Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (RC), 7.

[2] RC, 21.

[3] Cf. RC 8; Thánh Gioan Kim Khẩu, In Matth. Hom. V, 3: PG 57, 57f.

[4] A. von Speyer, Il Verbo si fa carne, Jaca Book, Milano 1985, 82.