Tháng 03/2014

Gia đình sống và cử hành:

BÍ TÍCH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Lời Chúa: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37).

Ý cầu nguyện: Xin cho các thành viên trong gia đình cảm nhận được lòng Lân tuất hay Tha thứ của Thiên Chúa, và biết yêu thương chịu đựng, tha thứ lẫn nhau.

Bài ca ý lực: Tình yêu tha thứ (Ca vang Tin mừng, tr.75).

1. “Hãy sám hốitin vào Tin Mừng”

- Chúa Giêsu kêu gọi sám hối trong khi loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa : “Thời kì đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời kêu gọi này trước hết nhằm đến những người chưa biết Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Chính nhờ tin vào Tin Mừng và nhờ bí tích Rửa tội mà người ta từ bỏ sự dữ và đạt được ơn cứu độ, nghĩa là được ơn tha thứ mọi tội lỗi và được hưởng hồng ân sự sống mới[1]. Thế nhưng lời kêu gọi hối cải này vẫn tiếp tục vang vọng trong đời sống các Kitô hữu. “Hội Thánh có nước và nước mắt” (th. Ambrôsiô). Nước là của bí tích Rửa tội, và nước mắt là sự sám hối dành cho một bí tích khác. Cuộc hối cải thứ hai này là một nhiệm vụ liên tục của toàn thể Hội Thánh vì “mang trong lòng mình những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh luyện”[2]. “Hội Thánh tại gia”, càng cảm nghiệm và được kêu gọi sống điều này hơn ai hết, vì họ phải sống bổn phận nên thánh của gia đình Kitô hữu, vì lắm khi họ không trung thành với sự “mới mẻ” của phép Thánh Tẩy vốn đã làm cho họ được nên “thánh”, vì không phải bao giờ họ cũng sống trung thành với luật ân sủng và sự thánh thiện do bí tích Thánh Tẩy đem lại và được tái công bố trong bí tích Hôn Phối.[3]

- Sự hối hận và tha thứ thường xuyên cho nhau trong đời sống hằng ngày của gia đình Kitô hữu mới dẫn đến bí tích thống hối Kitô giáo. Đức giáo hoàng Phaolô VI nhắn nhủ các gia đình: “Nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng trên họ, ước gì họ đừng nản lòng, nhưng hãy kiên nhẫn và khiêm tốn chạy đến với Lòng Thương Xót của Chúa, vốn vẫn luôn tuôn đổ dạt dào trong bí tích Thống hối”[4].

2. “Chúa đã tha thứ cho anh em” (Cl 3,13)

- Việc cử hành bí tích này, còn gọi là bí tích Giải tội hay bí tích Tha Thứ, có một ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống gia đình. Thật vậy, trong khi nhờ đức tin họ thấy rằng tội lỗi không chỉ chống nghịch lại giao ước với Thiên Chúa, mà còn mâu thuẫn với giao ước giữa đôi bạn và với tình hiệp thông gia đình; đôi bạn và tất cả các thành viên gia đình còn được dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa “giàu lòng xót thương” (Ep 2,4), là Đấng tái thiết và hoàn thiện giao ước hôn nhân và sự hiệp thông gia đình khi Ngài thông ban tình yêu cho ta, một tình yêu mạnh mẽ hơn cả tội lỗi[5]. Ơn Tha thứ của bí tích Giải tội là một ơn huệ lớn cho đời ta, vì luôn có thể được bắt đầu lại khi nào ta còn sống, bí tích này quả thực làm mới lại, bỏ bớt gánh nặng tội lỗi và trở ngại đã qua, khi được ta đón nhận trong tình yêu và đầy sinh lực mới. Thiên Chúa giàu lòng thương xót ước mong tha thiết của Ngài là, ta là tội nhân khẩn nài lòng thương xót của Ngài. Ai đã xưng tội là mở cuốn sách đời mình sang một trang mới trắng tinh.[6]

- Để được ơn tha tội, ta cần phải có lòng ăn năn thống hối về tội ta đã phạm đồng thời nhận thấy rằng giữa Tình yêu Chúa và tội lỗi của ta có sự mâu thuẫn trái nghịch. Ta đau lòng vì tội đã phạm. Ta quyết tâm thay đổi đời sống và trông cậy ơn Chúa giúp đỡ. Tại tòa giải tội, trước mặt Chúa qua vị linh mục, ta cần phải tự mình xưng tội ra với ngài, và có thể bao gồm cả việc đền tội sau đó, theo chỉ định của linh mục giải tội. Linh mục nhân danh Chúa mà ban ơn tha tội.

- Đối với đôi bạn kitô hữu, sự sám hối trở về, phải vừa thực tế vừa thiêng liêng. Điều đó có nghĩa là họ buộc phải thực hiện những chọn lựa đạo đức phù hợp với ý muốn của Đức Kitô và hiệp thông trong Thánh Thần. Ngày nay, những mục tiêu đặc thù của đời hôn nhân (như hợp nhất, chung thủy và mở ngỏ cho sự sống) cần phải được sống đến mức làm nổi bật sự ưu việt của tính bí tích, tức là đôi bạn và gia đình của họ phải sống làm sao chiếu tỏa ánh rạng ngời thiêng liêng. Họ không chỉ là một cộng đoàn “được cứu độ” đón nhận tình yêu của Chúa Kitô, mà còn hơn thế nữa, được gọi để chuyển thông tình yêu của Chúa Kitô đến cho anh em mình nghĩa là trở thành một cộng đoàn “cứu độ”. Một gia đình truyền giáo. Sự sám hối của đôi bạn trở về với tình yêu Chúa Kitô đồng thời giả thiết đôi bạn phải cởi mở cụ thể và thường xuyên đối với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, vì thiếu Ngài sẽ không thể có sự thánh thiện, cũng như sự hiệp thông và truyền giáo. «Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa» (Rm 8,14).

3. “Anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13)

- Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin: “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Lời cầu xin tha tội này của chúng ta sẽ không được nhậm lời nếu trước đó chúng ta không đáp ứng một đòi buộc của nó: biết tha thứ cho anh em[7]. Thật vậy, vì “nguồn ơn thương xót này của Thiên Chúa không thể thấm nhập vào trái tim chúng ta, một khi chúng ta không tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta”[8]. Và vì Tình yêu cũng như Thân Thể Đức Kitô, thì không thể phân chia: chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà ta không thấy, nếu chúng ta không yêu mến anh chị em mà chúng ta đang thấy được (x. 1Ga 4,20).

- Gia đình là cộng đồng sự sống chung và tình yêu thương thân mật, và  vì “có chung thì có đụng” nên giữa các thành viên, vợ-chồng và cha mẹ-con cái, anh-chị-em, không thể tránh khỏi làm phiền lòng nhau và tổn thương nhau, được mời gọi trước hết biết “chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau” (x. Cl  3,13). Múc từ nguồn ơn thương xót trong bí tích Tha Thứ, mọi người được nối bằng mối dây liên kết tuyệt hảo, là bác ái, sẽ biết “thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (x. Cl 3,12). Sự Bình an của Đức Kitô ngự trị giữa gia đình.

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

  1. Mọi người trong gia đình tôi có nhận ra bí tích Thống hối và Giao hòa là hồng ân lớn lao của Lòng Chúa Xót Thương không?
  2. Các thành viên trong gia đình, nhất là bậc làm cha mẹ, ông bà, anh chị, có thường xuyên nhắc nhủ, thúc giục sống và tìm ơn tha thứ trong bí tích này hay không?
  3. Gia đình tôi có biết luôn tha thứ cho nhau hay thường “giận nhau lâu” vì cứ “cắn nhau đau”? Tôi có “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” đối với mọi người?


[1] X. GLHTCG 1427.

[2] LG 8.

[3] X. FC 58.

[4] Phaolô VI, Tđ. Humanae Vitae 25; FC 58.

[5] Gioan-Phaolô II, Tđ. Dives in misericordia, số 13; FC 58.

[6] X. GLHTCG cho Người Trẻ: Youcat Việt Nam, 226.

[7] X. GLHTCG 2838.

[8] GLHTCG 2840.