Giáo lý Chuẩn Bị cho Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2015 tại Philadelphia

Giáo lý Chuẩn bị giữ một vai trò trung tâm trong mỗi kỳ Đại Hội Gia Đình Thế Giới (ĐHGĐTG). ĐHGĐTG được tổ chức bởi những giáo phận khác nhau, và giáo phận đứng ra tổ chức mỗi ĐHGĐTG sẽ soạn một loạt bài Giáo lý Chuẩn bị - một sưu tập những gì người Công giáo tin nhận về mục đích đời người, hôn nhân, và gia đình. Bài Giáo lý này, cũng như ĐHGĐTG, là dành cho dân Thiên Chúa thuộc mọi lứa tuổi và mọi bậc sống.

Các chân lý về gia đình tập hợp trong tài liệu chuẩn bị của Giáo Hội cho mỗi ĐHGĐTG là những gì Hội Thánh Công Giáo vẫn giảng dạy theo truyền thống, cho nên đây không phải là huấn giáo mới, nhưng mỗi tài liệu chuẩn bị này đều có những điểm nhấn đặc thù dựa vào những vấn đề mà nước đứng tổ chức cũng như thế giới đang phải đối phó ở thời điểm soạn thảo tài liệu này. Giáo lý chuẩn bị cho ĐHGĐTG Philadelphia 2015 hình thành nền tảng cho các chương trình của đại hội này, vì ban tổ chức ĐHGĐTG đã lấy các đề tài nội dung từ bài giáo lý chuẩn bị và dùng những đề tài đó để quyết định sẽ bao gồm những cuộc nói chuyện nào, những trò chơi nào (dành cho giới trẻ), và những hoạt động tạo niềm vui như thế nào. Đây là câu trích từ bài Giáo lý Chuẩn bị cống hiến cho chúng ta một ý rất hay về điều chúng ta muốn nhấn mạnh: “Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta, và chính là nhờ kính mến Chúa và yêu mến nhau mà chúng ta sẽ được sống dồi dào”.

Đến mùa Thu này, bài Giáo lý Chuẩn bị trọn vẹn sẽ sẵn sàng cung cấp trên trang mạng của chúng tôi vừa dưới dạng sách thông thường, vừa dưới dạng sách điện tử để cho các bạn mua. Xin hãy liếc qua mười đề tài dưới đây mà bài Giáo lý Chuẩn bị sẽ khai triển:

1. Được Tạo dựng để hưởng Niềm Vui

Chúng ta không chỉ là một cái gì ngẫu nhiên của sự tiến hóa. Chúng ta còn đại hơn toàn bộ khoa sinh học. Thiên Chúa hiện hữu. Ngài thiện hảo. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài tạo nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài để chúng ta được chia sẻ niềm vui của Ngài. Ngài can thiệp tích cực vào đời sống chúng ta. Ngài sai Con duy nhất của Ngài đến hồi phục phẩm giá chúng ta và đưa chúng ta về với Ngài.

2. Sứ mệnh của Tình yêu

Thiên Chúa tác động qua chúng ta. Chúng ta có một sứ mệnh. Chúng ta hiện diện trong vũ trụ này vì một mục đích — nhận lấy tình yêu của Thiên Chúa và biểu lộ tình yêu của Ngài cho những người khác. Thiên Chúa tìm cách chữa lành một vũ trụ đã bị đổ vỡ. Thiên Chúa mời gọi chúng ta làm chứng tá cho Ngài và tiếp tay Ngài trong công trình này.

3. Ý nghĩa Tính dục Con người

Thế giới vật chất, trần tục, hữu hình không phải là cái gì bất động hay một thứ đất sét làm khuôn mẫu đối với ý chí con người. Tạo vật là thánh thiêng, mang ý nghĩa của bí tích. Tạo vật phản ánh vinh quang Thiên Chúa. Tạo vật bao gồm cả thân xác chúng ta. Tính dục chúng ta có năng lực sinh sản, và thông phần phẩm giá được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải sống cho phù hợp phẩm giá đó.

4. Hai Nên Một

Chúng ta đâu phải được sinh ra để sống lẻ loi một mình. Chúng ta cần có nhau và bổ túc cho nhau. Tình bằng hữu và cộng đồng thỏa mãn niềm khát mong với những mối dây liên kết cùng chung lợi ích và tình yêu. Hôn nhân là một thứ tình bạn thân mật duy nhất thúc đẩy một người nam và một người nữ yêu thương nhau theo cách thức của giao ước Thiên Chúa. Hôn nhân là một Bí tích. Tình yêu vợ chồng sinh ra hoa trái và được trao hiến cho nhau một cách trọn vẹn. Tình yêu này diễn tả sự thủy chung của Chúa Giêsu đối với Hội thánh.

5. Tạo dựng Tương lai

Hôn nhân cốt để nên phong nhiêu và đón nhận sự sống mới. Con cái tạo dựng nên tương lai, y như chúng được đinh hình trong gia đình của chúng. Không có trẻ, không thể nào có tương lai. Trẻ được nuôi nấng trong yêu thương và dìu dắt chính là nền tảng cho một tương lai đầy tình thương yêu. Trẻ em bị tổn thương báo hiệu một tương lai ảm đạm. Gia đình là nền tảng của tất cả mọi cộng đồng lớn hơn. Các gia đình là những giáo hội tại gia, là nơi cha mẹ giúp cho con cái khám phá ra được rằng Thiên Chúa yêu thương chúng và Ngài có một kế hoạch cho cuộc đời của từng người.

6. Mọi Tình yêu đều đem lại Hoa Trái

Không phải tất cả mọi người đều được mời gọi tiến đến hôn nhân. Nhưng đời sống nào cũng có thể trở nên phong nhiêu, nghĩa là có thể sinh hoa trái. Đời sống mỗi người đều có năng lực và nhu cầu nuôi dưỡng sự sống mới — nếu không bằng cách sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái, thì bằng những hình thức trao ban sự sống khác như quên mình hy sinh, kiến tạo và phục vụ. Giáo Hội là một đại gia đình bao gồm nhiều ơn gọi khác nhau, mỗi ơn gọi đều có tính khác biệt nhưng ơn gọi nào cũng cần đến và có thể hỗ trợ những ơn gọi khác. Chức linh mục, đời sống tu trì và ơn gọi độc thân giữa đời đều làm phong phú và được trở nên phong phú nhờ chứng tá của những người sống bậc vợ chồng. Những cách thức khác nhau để sống khiết tịnh và độc thân bên ngoài bậc sống hôn nhân đều là những cách cống hiến đời sống mình cho việc phụng sự Thiên Chúa và cộng đồng nhân loại.

7. Ánh sáng trong một thế giới u tối

Ở tình trạng tốt nhất, gia đình chính là trường học của tình yêu, công lý, lòng nhân ái, sự thứ tha, sự tương kính, đức kiên nhẫn và đức khiêm tốn giữa một thế giới u tối bởi tính ích kỷ và những xung đột. Theo những cung cách này, gia đình dạy dỗ những gì là nhân bản, nhân đạo. Tuy nhiên, nhiều sự cám dỗ cứ nổi lên ra sức dỗ dành chúng ta quên đi điều này là người nam và người nữ đều được tạo dựng để sống giao ước và hiệp thông với nhau. Chẳng hạn, nạn nghèo khó, sự giàu có, nạn phim ảnh và sách báo khiêu dâm, phương tiện ngừa thai, những thứ triết học và văn nhóa lầm lạc, tất cả đều khả dĩ tạo nên những bối cảnh thách đố hoặc đe dọa đời sống gia đình lành mạnh. Giáo Hội chống lại những thứ này để bảo vệ gia đình.

8. Một Mái Ấm cho những Trái Tim mang thương tích

Nhiều người, nhất là ngày nay, phải đối diện với những tình huống đau buồn do sự nghèo đói, bất lực, bệnh hoạn và nạn nghiện ngập, thất nghiệp, và sự cô đơn vì tuổi già. Nhưng tệ nạn ly dị và đồng tính luyến ái tác hại lên đời sống gia đình theo những cung cách khác nhau nhưng rất ghê gớm. Các gia đình kitô hữu và mạng lưới các gia đình cần phải là nguồn lân tuất, an toàn, thân thiện và trợ lực cho những cá nhân và gia đình đang phải chiến đấu với những vấn đề này.

9. Người Mẹ, Người Thày, Gia đình : Bản chất và Vai trò của Hội Thánh

Hội Thánh có những định chế bởi vì phải hoạt động trong thế giới. Nhưng điều này không làm mất đi yếu tính của mình. Hội Thánh là Nàng Dâu của Đức Kitô, là một “đấng”, chứ không phải là một “cái gì đó”. Theo ngôn từ của Thánh Gioan XXIII, Hội Thánh là mẹ chúng ta và cũng là vị thày của chúng ta, là đấng an ủi và hướng dẫn chúng ta, là gia đình đức tin của chúng ta. Ngay cả khi dân và những người lãnh đạo dân của bà mẹ này phạm tội, chúng ta vẫn cần đến sự khôn ngoan, các Bí Tích, sự nâng đỡ và lời công bố chân lý của Hội Thánh, bởi vì Hội Thánh là thân thể của chính Chúa Giêsu giữa lòng thế giới, là gia đình của dân Thiên Chúa một cách rõ rệt.

10. Chọn lấy Sự Sống

Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta vì một lý do. Tình yêu của Ngài là sứ mệnh của cả đời chúng ta. Sứ mệnh này làm cho chúng ta có thể tìm thấy căn tính thực sự của chúng ta. Nếu chúng ta chọn lấy việc thi hành sứ mệnh này, chúng ta sẽ có được viễn cảnh mới về nhiều vấn đề, chứ không phải chỉ về vấn đề gia đình mà thôi đâu. Sống sứ mệnh của giáo hội tại gia có nghĩa là các gia đình Công giáo sẽ đôi khi sống như những nhóm người thiểu số với những giá trị khác hơn nền văn hóa chung quanh họ. Sứ mệnh tình yêu của chúng ta sẽ đòi hỏi sự can đảm và lòng dũng cảm. Chúa Giêsu đang mời gọi, và chúng ta có thể đáp lại, chọn lấy đời sống đức tin, đức cậy, đức mến, niềm vui, sự phục vụ, và sứ mệnh.

Antôn Uông (theo Website của ĐHGĐTG 2015)

 

 


Năm Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình