LỜI  HÁT  NHÀ  THỜ

 

Trà Lũ  Trần Trung Lương

 

Mùa hè năm nay tôi may mắn được tiếp rước một người bạn thân từ Âu Châu sang chơi. Trước khi tới Canada với tôi thì ông bạn vàng đã thăm California một tháng, đã tham dự các thánh lễ VN tại các giáo xứ VN. Ông là một cựu giáo sư văn chương ngày xưa. Xa nhau đúng 30 năm. Tha hương ngộ cố tri, thật không gì vui sướng bằng. Niềm vui của tôi còn tăng lên thêm nữa khi biết Anh mới gia nhập đạo Công Giáo. Trước kia Anh thuộc đạo Ông Bà. Anh bảo từ đạo Ông Bà của tổ tiên bước sang đạo Công Giáo không xa bao nhiêu. Mình vẫn tin có trời, trời sinh ra ông bà tổ tiên. Bây giờ ông Trời được minh danh là Thiên Chúa. Ngay từ xưa anh đã có thiện cảm với đạo Chúa, nhưng vẫn chưa dứt khoát cõi lòng. Sau cái chết của Mẹ Teresa Calcutta thì anh dứt khoát. Anh góa vợ đã lâu. Anh bảo vào đạo Chúa rồi thấy mình gần vợ hơn ngày xưa. Quả là ông đã đạt đạo.

            Anh đến  thứ Bảy, ngay chủ nhật sáng hôm sau, anh và tôi cùng đi lễ tại nhà thờ VN. Anh nghe đọc kinh VN thì cảm động lắm, và nghe thánh ca VN thì thích lắm. Trên đường về nhà thì chúng tôi bàn luận về buổi lễ ở nhà thờ. Chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện về đạo. Anh  là giáo sư văn chương nên anh rất  thích các kinh  cổ VN . Tôi bảo anh rằng các kinh này đều dịch từ bản gốc tiếng Latin, có từ ngày xưa, và đã thống nhất toàn quốc VN từ năm 1924. Anh biết chuyện này.  Anh kể, từ khi biết những kinh căn bản đều là kinh dịch , anh đã so sánh các bản kinh VN với các bản gốc tiếng Latin, và anh thấy kinh VN hay tuyệt vời vì lời kinh chuyên chở đầy văn hóa VN. Như kinh Lạy Cha chẳng hạn., tiếng Fiat trong bản gốc Latin mà dịch là ‘vâng ý Cha’thì hay tuyệt diệu, hay hơn lời kinh trong bản dịch mới là ‘ ý Cha thể hiện ‘. Hoặc Kinh  Ăn Năn tội, câu : ‘Lạy Chúa tôi, Chúa là đấng trọn tốt trọn lành vô cùng’ thì hay qúa sức, vì tổ tiên ta ngày xưa đã nói như vậy. Hoặc kinh ‘Cáo Mình’, cáo mình có nghĩa là tự tố cáo chứ không phải do ai tố cáo mình rồi mình mới thú nhận như lời kinh mới hiện nay. Và chữ ‘lỗi tại tôi, lỗi tại tôi moi đàng ‘ thì quả là tổ tiên ta đã đạt đạo và thấu đáo tinh thần  tiếng Việt’, vì  nào ai có thể ngờ được đó là lời dịch từ ‘mea culpa, mea maxima culpa’ hay ‘ c’est ma faute, c’est ma grande faute’.  Cái cao quý và đặc biệt là tổ tiên ta đã cố gắng dùng ngôn từ VN tinh ròng , như mấy kinh sau đây không hề có từ Hán Việt : Kinh Lạy Cha, Kinh Ăn Năn Tội,  Kinh Mười Điều Răn, Kinh Cầu Cho Các Linh Hồn, Kinh Cầu Hồn. Hoặc chỉ có một tiếng Hán Việt, như tiếng ‘lâm tử’ trong Kinh Kính Mừng, hoặc tiếng ‘đồng trinh’ trong Kinh Cáo Mình’. 

Lời kinh hay tuyệt vời như vậy, theo sách vở để lại, không phải là công trình của các ‘cố tây’ mà là một công trình tập thể, ít là 70 nhà nho thông thái, trong này có cả một số nhà sư nhập đạo Công Giáo. Người có công đầu trong tập thể này phải nói tới Đức Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn. Lúc hội nghị họp về thống nhất lời kinh năm 1924 tại Huế thì ngài là linh mục thư ký của Hội Đồng  mà lúc đó hội đồng toàn là các giám mục ngoại quốc.

            Chuyện ông bạn tôi bàn về lời kinh VN thì dài lắm, chúng tôi nói trong một tuần lễ mà vẫn chưa hết . Đặc biệt có một tiếng mà bạn tôi nói đi nói lại vì không đồng ý với lời dịch trong Sách Thánh Kinh ấn bản của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ở Saigon cũng như trong lời một vài bài hát, đó là tiếng ‘ Thần Khí ’để chỉ Đức Chúa Thánh Thần. Thần khí là cái khí của ông thần, mà theo quan niệm Tàu và VN thì cái gì chạm tới quỷ, tới thần thì đều đáng sợ vì đều gây ra chết chóc hay tai hoạ. Chính vì thế ta có lời kinh xin cho khỏi ‘thần khí ôn dịch’. LM Thanh Lãng đã tra 8 cuốn tự điển cổ về chữ này.

Ba cuốn đầu là tự điển Việt-Latin : Dictionarium Annamiticum Latinum của Pigneau de Béhaine in năm 1772, của Taberd in năm1836, của Theurel in năm 1877 thì cả 3 tự điển này đều định nghĩa thần khí là pestis, tức là ôn dịch.dịch hạch. 

Ba cuốn sau làtự điển Việt-Pháp : Dictionnnaire Annamite-Francais,  của Génébrel in năm 1898, của Bonet in năm 1899, của Goin in năm 1957, thì cả ba cũng định nghĩa thần khí là peste, tức là  ôn dịch.

 Cuốn thứ bảy là Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của in năm 1895 cũng định nghĩa thần khí là dịch khí, ôn dịch.

Cuốn thứ 8 làViệt NamTự Điển của Lê Văn Đức in năm 1970 cũng định nghĩa thần khí là lệ khí, ôn dịch.

Ông bạn tôi kết luận : Xưa thì tổ tiên ta nói thần khí là dịch hạch, là thứ đáng sợ, nay sao ta lại tôn thần khí đáng sợ đó lên làm Đức Chúa Thánh Thần là thế nào ? LM Thanh Lãng rất có lý khi viết về việc đó như thế này : “ Thật không có gì giống nhau giữa Ngôi Ba Thiên Chúa với cái bệnh dịch hạch cả, vậy mà mấy ông canh tân Kinh Thánh tự vỗ ngực là siêu bác học đã làm những việc canh cải theo cái kiểu chửi bố chửi mẹ mình như vậy !”

Nhân đang nói về lời kinh, ông bạn tôi bàn luôn sang lời hát. Ông bảo trong bài ‘ Xin Ngài mau đến’, có 3 câu tiểu khúc mở đầu cũng nói tới Thần Khí như sau : Ngài là Thần Khí, xuất từ nơi Cha... Ngài là thần khí, bay là trên không... Ngài là thần khí, che phủ Maria... Đó, rõ ràng ôn dịch thần khí đang từ lời kinh truyền nhiễm vào lời ca.

Rồi ông bạn tôi thao thao về những lời ca. Nghe ông bạn tôi là người gốc ngoại giáo nói mà tôi giật mình. Nhiều lời trong các bài hát đã rất tây, không phải là tiếng Việt, không phải là văn hoá VN, mà chúng ta hát lâu năm hóa quen, không nhìn ra.  Công Đồng Vatican  II dạy ta phải đem đạo Chúa hội nhập vào văn hoá của mình, nhưng chúng ta vẫn còn rất tây. Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu họp năm 2003 đã nhận xét rất đúng “Bộ mặt Giáo Hội Á Châu còn tây qúa”.

Độc giả sẽ hỏi tôi những tiếng nào trong các bài ca không có tính chất văn hoá VN ư ? Thưa, nhiều lắm. Bạn tôi nhìn ra nhiều hơn tôi. Bạn tôi bảo mỗi lần nghe hát những lời này trong thánh lễ thì ông chia trí vô cùng. Nghe bạn tôi kể mà tôi giật mình.

           Trong bài “Tình hình Thánh nhạc hiện nay” đăng trên  “HÁT LÊN MỪNG CHÚA” số  38, 1999, Ban Thánh nhạc giáo phận TPHCM cho biết:”Tính chung số lượng thánh ca Việt Nam cả nước từ xưa đến nay có chừng 100.000 bài hát lớn  nhỏ.”

         Một trăm ngàn bài!  Một rừng cây mênh mông , bát ngát!

        Nhưng không cần  phải hát hết hay xem hết bấy nhiêu  bài, chỉ cần liếc qua 5,7 quyển  “thánh ca”, ta sẽ thấy bao nhiêu điều đáng suy nghĩ. Những điều này đúng y như lời ông bạn tân tòng đã nói ra với tôi. Chẳng hạn :

 

1.  NGÀI. Theo tiếng Việt thì Ngài chỉ bậc trưởng thượng, vàxa cách. Ta có bao giờ nói với cha với mẹ là Ngài đâu. Hoặc ví dụ ta nói với Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn của Saigon, ta có bao giờ gọi Đức Hồng Y là Ngài đâu. Chúa có bao giờ xa cách với ta đâu, Chúa ở ngay trong ta mà, thì tại sao ta gọi Chúa là Ngài ? Thế mà, than ôi, bây giờ đa số các bài hát trong nhà thờ đều dùng tiếng Ngài khi nói với Chúa.

 

2. Ngài ơi.  Tiếng Ngài chỉ sự kính trọng, nếu thêm tiếng ƠI vào, ‘Ngài ơi’, thì rõ ràng là không tôn kính, rõ ràng chỉ sự sàm sỡ. Thế mà, than ôi, trong  nhiều bài ca, tiếng Ngài Ơi xuất hiện rất nhiều !

 

3. Chúa ơi !  Chúa là một danh hiệu và chức vị, như Vua Lê Thánh Tôn, Chúa Trịnh Kiểm... Trong tiếng VN, ta không được phép dùng tiếng ƠI với các bậc bề trên. Ta không bao giờ nói : Vua ơi, Tổng thống ơi, Hồng Y ơi, mà ta phải nói Kính lạy Đức Vua, Kính thưa Tổng Thống, Kính thưa Đức Hông Y. Thế thì tại sao ta lại dám nói với Chúa Giêsu là Chúa ơi ?

 

4. Giêsu ơi ! Trong nhiều bài hát, ta rất năng gặp  tiếng ‘Giêsu ơi, Maria ơi’. Tôi cho đây là điều bất kính và không đúng văn hóa VN, xin trình bày lý do như sau :

-  Ví dụ ta nói với Đức Thánh Cha Bênêdictô, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, tên mẹ ta là Bà Nguyễn Thị Lan chẳng hạn, liệu ta có dám nói Benêdictô ơi, Diệm ơi, Mẫn ơi, Lan ơi không ? Thế thì tại sao ta dám gọi Chúa một cách xách mé là Giêsu ơi! Xin đừng giải thích là ngôn ngữ Latin, Anh, Pháp đều viết thế. Đồng ý là trong tiếng Latin, tiếng Anh tiếng Pháp, tên Jesus đứng một mình, nhưng trong ngôn ngữ VN, tên Giêsu không đứng một mình được, không nói cộc lốc như vậy được.

            - Tôi cũng đã tìm đọc về nhạc Phật Giáo, những bài tôn vinh và cầu khấn với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì tôi thấy không bài nào có câu như ‘Mâu Ni ơi, Phật ơi, hãy đến...’. Sở dĩ anh em Phật Giáo không viết lời nhạc như vậy vì trong tiếng Việt không ai dám nói như vậy, nó trái văn hóa VN.

- Nếu chỉ gọi tên Giêsu trống trơn thì những người ngoài Công Giáo mà thông thạo tin tức sẽ hỏi :  Giêsu nào đây ? Có phải là tên sát nhân Marcus Wesson có biệt danh Giêsu vừa bị Toà án Fresno bên California kết án tử hình ngày 27.7.2005 vì đã giết 9 người ,vừa con vừa cháu, và đã hãm hiếp loạn luân không ?  Ngoài ra, hiện nay nhiều dân Nam Mỹ đang đua nhau xin cải danh  là Jesus Christ. Ta nghĩ sao đây ?

 

5. Giêsu ơi, hãy đến !  Nguyên tiếng ‘Giêsu ơi’ đã hỗn láo qúa độ rồi, bây giờ ta còn ra lệnh cho Chúa . HÃY là tiếng ra lệnh cho bề dưới. Có bao giờ ta dám nói với Đức Hồng Y Mẫn : Mẫn ơi, hãy đến... Ta không bao giờ dám nói như thế vì đó là điều xúc phạm và không đúng văn hoá VN, thế thì tại sao ta dám vừa gọi tên Chúa một cách xách mé vừa hỗn láo ra lệnh cho Chúa Giêsu ?

 

6. Hỡi.  HỠI là tiếng gọi kẻ ngang hàng hay bề dưới, như hỡi bạn, hỡi chư quân... Thế mà trong Bộ lễ Hy Vọng,  trong Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa,  tác giả  đã viết lời như thế này : Hỡi Người là Chiên Thiên Chúa, xin thương xót chúng con !  Trong một bài khác, có tác giả đã viết : Hãy đến, hỡi Thánh Thần....

 

7. Đức Giêsu, Đức Maria.  ĐỨC là một tiếng tôn vinh đi trước một danh vị, như Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Đức Thày Phạm Phú Sổ, Đức Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, tiếng Đức không bao giờ đi liền với tên riêng. Trong tiếng Việt ta không nói Đức Mẫn, Đức Sổ, Đức Huệ, thế thì tại sao ta lại nói Đức Giêsu, Đức Maria ? Muốn cho đúng tiếng Việt, ta phải nói Đức Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, hay Chúa Giêsu, Mẹ Maria...

 

 8. Hiền thê của Chúa.  Trong bài hát ‘ Ca Ngợi Thánh Nữ Catarina’ có câu : Các Thánh vềđây cùng chung dâng lên tiếng hát. Catarina hiền thê được Chúa yêu thương..  Vậy hóa ra Chúa có vợ sao ?  Tôi còn đọc được trên nhiều thiệp mời mừng lễ nữ tu khấn trọn đời “ Xin mời tới dự lễ mừng nữ tu ABC được Chúa chọn làm hiền thê..” Thật không còn tiếng nào phạm thượng và phạm thánh hơn tiếng hiền thê này.

 

Trên đây mới là mấy tiếng mà chúng tôi cho là không đúng vì chưa hội nhập văn hóa VN, nhưng đáng kinh ngạc thay, những tiếng này lại đang lan tràn trong các bài hát trong nhà thờ. Công Đồng Vatican II  dạy ta phải hội nhập văn hóa, tôi tự hỏi đôi điều  trên đây có mang tính chất hội nhập văn hóa VN không. Nếu không đúng văn hóa VN  thì phải sửa.  Có người cãi : Đã dùng  quen qúa rồi, không thể sửa được nữă. Tôi không đồng ý như vậy. Đã sai thì quen mấy cũng phải sửa, cho đúng văn hóa VN.

 

Ai là người có thẩm quyền  sửa ? 

 Hội Đồng Giám Mục VN đã ra 3 thông cáo về Thánh Nhạc đề ngày 24.9.1994 . Và gần đây nhất là văn thư của Đức Giám Mục Tri Bửu Thiên đặc trách Thánh Nhạc viết ngày 28 tháng 9 năm 2004. Văn thư mang tên ‘Mấy nhận định và đề nghị về thánh nhạc’. Thư này nhắc lại những điều đã nói trong 3 thông cáo năm 1994 . Tất cả đều chỉ dẫn rất rõ ràng về các bài thánh ca trong phụng vụ, phải được chuẩn ấn của Toà Giám Mục, lời ca phải đúng với tín lý Công giáo, từ ngữ phải chuẩn xác và đúng văn phạm, tránh những lời uỷ mị và sáo rỗng. Ngoài tiếng nói của Hội Đồng Giám VN trên đây, và 2 vị có thẩm quyền về thánh ca la 2  nhạc sĩ  quá cố  Hùng Lân và Hải Linh, hiện nay LM Dao Kim, LM Thiện Cẩm, LM Đỗ Xuân Quế, LM Nguyễn Hữu Triết, LM  Nguyễn Duy... cũng đã từng  lên tiếng báo động về những lời hát lạc đường. Nhưng hình như tiếng của Hội Đồng Giám Mục VN và những huynh trưởng đều như nước đổ lá khoai, tiếng kêu trong sa mạc.

Lời ca vẫn sai giáo lý :

. Con tôn thờ Thiên tính, ngự trong bánh hữu hình…

. Đây chính thật Ngôi Lời ẩn náu hình….

. Nhiều đêm thâu Cha khóc cô liêu chỉ có ngọn đèn chầu an ủi...

. Con chẳng mong gì hơn nữa. Con yêu Mẹ có thế thôi.

. Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai....

. Mẹ ở con về, Mẹ Maria ơi...

 

Lẫn Cha với Chúa. Xưa nay tiếng Việt quen dùng Cha để chỉ Thiên Chúa Cha, và Chúa chỉ Đức Kitô , nhưng trong nhiều bài hát, nhạc sĩ đã lẫn lộn :

. Nay chúng con  hợp hoan mừng Cha nhân ái, xưa đã sống trên nơi trần ai

. Cha đã hy sinh và vượt qua, nay Chúa ban thưởng Cha hạnh phúc muôn đời

 

Lời ca sáo rỗng, vô nghĩa, uỷ mị, tình cảm trần tục :

. Xin dâng lên Ngài tấm thân nhuốm bao khó nhọc, hiệp cùng dâng lên ước mơ nồng cháy tuổi đời...

. Người yêu tôi hỡi...

. Chúa đến thăm ta không như người thường mà như tình nhân đến ban đêm

            . Chúa là cánh buồm, con là ngọn gió...

            . Mẹ là vầng trăng soi ánh dương

            . Từ rất xa khơi, từ rất xa mờ…

            . Như viên đá xanh ngủ yên giấc mộng lành.Con say tiếng ca quên tình người bao la...Tay ôm khói hương, người đâu vắng đêm trường, không mang nhớ thương cho hồn này tơ vương...

            . Trăng vương ngàn sợi, dệt lụa sáng bao la. Mẹ ơi trong ngọc trắng ngà...

            . Lệ sầu thành  những sương mai nõn nường      

Ai cũng biết 4 chữ ‘trong ngọc trắng ngà’ là thơ Nguyễn Du tả nàng Kiều tắm, và tiếng ‘nõn nường’nhắc tới tình dục.

           

Nhiều bài thuần túy đời nhưng cũng được hát trong nghi lễ phụng vụ, như :

. ‘Một muà sao sáng’ của Nguyễn Văn Đông

. ‘Tân hôn’ nhạc ngoại quốc lời Phạm Duy

. ‘Ơn nghĩa sinh thành’ của Dưong Thiệu Tước

. ‘One day’, nhạc ngoại quốc

 

 -Ngoài ra, nhiều nhạc sĩ  thiếu y thức về ngôn ngữ nên đặt lời ca rất trái dấu. như ‘mở cửa’ thành ‘mớ cứa’, ‘canh tân hòa giải’ thành ‘ canh tân hóa g..., ‘. . ..trong hình lưỡi lửa’ thành  ‘. . .trong hình lươi lứa’, ‘Ban cho có đôi’ thành ‘Bán chó có đôi’, ‘Con qùy bên máng cỏ’ thành ‘Con quỳ bên máng có’. Kinh “Thánh Thánh Thánh” thì hát là ‘Thành, Thanh, Thánh’ hoặc ‘Thành Thành, Thanh Thanh, Thánh Thánh ...’

 

Mục đích thánh nhạc là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Nhiều người chúng ta đi nhà thờ, dự thánh lễ mà như đi dự nhạc hội. Lễ càng trọng thì ca đoàn càng lớn, hát càng to, càng nhiều kèn nhiều trống và càng nhiều bài mới lạ. Và chỉ có ca đoàn hát, còn cộng đoàn cả nhà thờ ngồi thụ động từ đầu lễ tới cuối lễ, nghe xong nhiều khi cộng đoàn còn vỗ tay. Nhiều bài chả ăn nhập gì tới ý lễ, miễn là có chữ Chúa chữ Mẹ là được. Nhạc sĩ LM Thiện Cẩm rất có lý khi ngài nói : Thánh nhạc càng ngày càng bị tục hoá, càng chịu ảnh hưởng nhạc đời. Nghe một bài hát trong nhà thờ mà cứ tưởng như một bài trong phòng trà. Nói chung lời ca ít thấm nhuần Kinh Thánh, thiếu chất lượng Thần Học. Nhiều ca đoàn hầu như dành độc quyền hát trong nhà thờ, không cho cộng đoàn tham gia rộng rãi. Vì ca đoàn độc quyền hát nên mới bị cám dỗ ‘trình diễn’, nghĩa là hát để cho người ta nghe hơn là hát để cầu nguyện và hiệp thông với nhau trong việc thờ phượng. Đó cũng là lý do khiến các ca đoàn cứ thích sưu tập những bài mới, nghe chỗ nào hát bài lạ thì mình cũng phải hát, kẻo nếu không sẽ bị coi là ‘quá đát, outdated’.

Thực ra vai trò của ca đoàn không phải là biểu diễn âm nhạc cho thật hay, mà là để giúp cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện cho thật sốt sắng, lãnh hội được  thật nhiều Tin Mừng qua sứ điệp Phúc âm. Các ca đoàn nhất là các ca trưởng hiện nay cần phải được bồi dưỡng kiến thức không những về văn hóa,  về thánh nhạc mà còn cả về Kinh Thánh và Thần học. Theo tôi thì có lẽ cả các nhạc sĩ sáng tác cũng cần như vậy  và còn cần nhiều hơn vậy nữa. Và cha sở cũng nên quan tâm tới ca đoàn, tới việc chọn lựa các bài hát, và nhất là bài nào đã được chuẩn ấn.

Giáo Hội dạy ta rất rõ về việc này :

-Hiến Chế Mục Vụ số 114 : ‘Hãy nhiệt tâm lo lắng để trong bất cứ trong nghi lễ nào có hát thì tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tham dự một cách linh động.’

-Hiến Chế Mục Vụ số 115 : ‘Phải huấn luyện các nhạc sĩ và các ca viên  cho họ có căn bản về phụng vụ’.

Tôi có thắc mắc này :  những bài sáng tác ở hải ngoại thì ai cho chuẩn ấn đây ?

Trên hệ thống VietCatholic Network  tháng 7 năm ngoái, Cha Trần Công Nghị hô hào các nhạc sĩ gửi bài để làm một CD ‘Thánh Nhạc Phụng Vụ’, tôi không biết nhạc sĩ nào gửi bài nào thì Cha Nghị cũng nhận và cũng thâu, hay có sự lựa chọn. Nếu lựa chọn thì ai là người có thẩm quyền và chọn theo tiêu chuẩn nào. Vấn đền còn căng quá. LM Đỗ Xuân Quế đã lo sợ rằng thánh nhạc VN rồi sẽ là một cái chợ bát nháo, ai muốn viết nhạc viết lời làm sao cũng được, và ca đoàn nào muốn trình diễn bài nào cũng được. Như vậy thì loạn to mất rồi.

 

Chúng tôi viết  bài này không hề có ý chỉ trích một ai, mà chỉ có ý góp một lời nhỏ mọn trong việc làm sao hát để có thể  tôn vinh Chúa và hát để có thể thánh hóa mọi người.

 Xin được gửi những lời chân thành này tới các vị có thẩm quyền.

 

TRÀ LŨ  Trần Trung Lương

Trích www.dunglac.net

 

 

Tài liệu tham khảo :

- Thông cáo số 1, 2, 3 về Thánh Nhạc, Hội Đồng GMVN, 24.9.1994

- Mấy Nhận Định và Đề Nghị về Thánh Nhạc,  HĐGMVN,  28.9.2004

- Di cảo của LM Thanh Lãng, 27.1.1987

- Dấu Chúa trong văn học VN cận đại và hiện đại, Nguyễn Văn Trung, 2002

- Lạm bàn về phiên dịch kinh sách sang Việt ngữ, LM Cao Phương Kỷ, 6.2005

- Tình hình thánh nhạc hiện nay, Hát Lên Mừng Chúa số 38, 1999, Ban Thánh Nhạc 

                                                       Giáo phận TPHCM

- Những bài hát xập xình trong nhà thờ, LM Đỗ Xuân Quế, VietCatholic 16.10.2003

- Nhạc Việt Nam ở quốc nội, LM Đỗ Xuân Quế, VietCatholic 4.12.2003

- Thánh nhạc hỗ trợ cho phụng vụ và phục vụ dân Chúa, LM Đỗ Xuân Quế,     

                                                      VietCatholic 16.3.2004

- Âm nhạc trong Thánh ca VN ngày nay, Hùng Lân, 1980

- Âm nhạc trong thánh lễ, LM Dao Kim, 22.8.2004

- Hát lên mừng Chúa, hình thức tốt đẹp. LM Nguyễn Hữu Triết, 3.10.1996

- Thánh ca buồn, Mặc Giao, Tháng 12. 2000

- Lời Ca, Hải Linh

- Vài nhận xét về thánh nhạc hiện nay, LM Thiện Cẩm,

- Âm nhạc trong thánh ca VN hiện nay, Hùng Lân, 1980

- Thánh Nhạc, LM Nguyễn Duy, catruong.com

 

 


Phung Vu