Để tham dự thánh lễ thêm phần sốt sắng …

 

Các nhà thờ của chúng ta có vui vẻ, sôi nổi, sầm uất ở bên ngoài thật, nhưng về thực chất bên trong, có những điều cần phải suy nghĩ lại.

( Linh Mục Đỗ Xuân Quế)

 

Tôi từ nhỏ đã nghe thấy có người nhắc đến một nhận xét của một thánh nhân “Hát là cầu nguyện hai lần”. Ngẫm nghĩ thấy đúng. Bởi lẽ khi người ta hát,  lời cầu nguyện, cảm tạ, ngợi khen, tâm tình riềng của mỗi người với Chúa, với Mẹ Maria, với các thánh … được chuyển tải theo tiếng hát ấy bằng những nốt nhạc tài hoa của các nhạc sĩ. Lại nữa, tính hiệp thông của cộng đoàn cùng hiện diện trong thánh lễ cũng qua lời ca tiếng hát mà được nâng lên. Người tham dự trong cùng thánh lễ trở nên gần gũi hơn, thân thiết hơn.

 

Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, mỗi khi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự . Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn ; mầu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn ; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình.

(Nguồn : Huấn Thị "Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ"

(Instructio de Musica in Sacra Liturgia)

Thánh Bộ Lễ Nghi, Ngày 5 tháng 3 năm 1967 

 

Tôi xin ghi lại sau đây lời ca tiếng hát được thể hiện trong một thánh lễ như sau :

1.  Ca nhập lễ

2.  Kinh thương xót

3.  Kinh vinh danh

4.  Đáp ca giữa hai bài đọc (Thánh vịnh)

5.  Kinh tin kính

6.  Ca dâng lễ

7.  Bài Thánh Thánh Thánh

8.  Bài Chiên Thiên Chúa

9.  Kinh Lạy cha

10. Ca hiệp lễ

11. Kết lễ (Bài hát kết thúc)

 

Nếu chi tiết  hơn, còn phải chia ra các bậc lễ nữa .

 

“Cách sử dụng các cấp bậc tham gia được qui định như sau. Bậc nhất có thể dùng riêng một mình, bậc hai và bậc ba chỉ được dùng tất cả hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, các tín hữu sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần ca hát một cách đầy đủ.

a. Bậc nhất gồm có :

  Trong nghi thức nhập lễ :

- Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân

- Lời nguyện

  Trong phần phụng vụ Lời Chúa

- Các câu tung hô Tin Mừng

  Trong phần phụng vụ Thánh Thể

- Lời nguyện tiến lễ

- Kinh Tiền tụng với những câu đối đáp và Kinh Thánh Thánh Thánh

- Lời ca tụng kết Kinh Tạ ơn

- Kinh Lạy Cha với lời nhắn nhủ và lời cầu nguyện tiếp

- Lời chúc bình an

- Lời nguyện hiệp lễ

- Những công thức kết lễ

 

b. Bậc hai gồm :

               Kinh Xin Chúa thương xót, Kinh Vinh danh và Lạy Chiên Thiên Chúa

               Kinh Tin kính

               Lời nguyện giáo dân

 

c. Bậc ba gồm :

               Những bài hát lúc nhập lễ và rước lễ

               Bài hát sau bài Cựu Ước hoặc Thánh thư Ha-lê-lui-a trước khi đọc TinMừng

               Bài hát tiến lễ –

               Các bài đọc sách thánh, trừ khi thấy nên đọc hơn là hát.

 

Tại một vài nơi được đặc quyền, người ta thường dùng những bài hát khác thay thế các bài ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ trong sách Graduale. Có thể giữ như thế tùy phán quyết của Đấng Bản quyền địa phương, miễn là những bài hát đó hợp với các phần trong thánh lễ và ngày lễ cũng như mùa phụng vụ. Thẩm quyền địa phương phải phê chuẩn lời ca trong những bài hát đó.

Cộng đoàn tín hữu nên hết sức tham gia phần riêng lễ. Điều ấy có thể thực hiện được, nhất là khi có những điệp khúc dễ hát và những hình thức âm nhạc thích hợp. “

( Nguồn: Thánh ca – LM Đỗ Xuân Quế)

 

Tuy nhiên, có khi chủ tế giản lược bằng cách đọc chứ không hát trong số các  kinh nói trên. Những phần còn lại là hát.

Bây giờ, chúng ta đi vào những chi tiết cụ thể.

 

1. Ai hát?

Trong những thánh lễ trước Công đồng chung Vatiacan II , việc hát xướng bằng tiếng La tinh nên chỉ dành cho ca đoàn.  Giáo dân chỉ nghe

( thường thì không hiểu gì). Sau Công đồng, thánh lễ được cử hành bằng ngôn ngữ địa phương nên việc hát xướng bằng tiếng Việt mới có cơ hội phát triển hơn nữa. Lý tưởng nhất là tất cả mọi người cùng hát từ bài đầu đến bài cuối cùng.

Thật không có gì tưng bừng và vui vẽ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát

( Nguồn: Huấn thị như trên, đoạn 16)

 

Muốn cho mọi người cùng hát, thì phải thuộc bài hát và phải biết hát. Nhưng giáo dân có thuộc bài hát và có biết hát không?

 

- Thuộc bài hát

Trong quá trình soạn bài hát mấy mươi năm qua, các nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác rất nhiều. Tôi không có con số thống kê đầy đủ nhưng có người cho rằng khoảng vài chục ngàn bài. Nếu đúng thì quả là số lượng bài hát không phải là nhỏ. Chính vì con số quá lớn như thế cho nên có thể nói mà không sợ sai là không ai có thể thuộc hết những bài hát thánh ca đã được sáng tác, cho dù đó là những người hát chuyên nghiệp! Thường thì giáo dân chỉ thuộc một số bài thôi. Nếu trong thánh lễ mà người ca trưởng chọn bài hát mà ít người biết, thì chỉ còn lại có ca đoàn hát. Mà nếu ca đoàn hát một mình dẫn đến việc những giáo dân tham dự chỉ nghe bài hát.  Kết quả là thánh lễ kém đi phần sốt sắng.

 

-  Biết hát 

Như trên đã nói, nếu thuộc bài hát, giáo dân có thể hát được cho dù không đúng  hẳn từng nốt nhạc của bài hát. Tuy nhiên như thế cũng có thể tạm chấp nhận được. Còn nếu không thuộc bài hát thỉ hẳn là …bó tay! Muốn cho giáo dân cùng hát được, thì phải tập hát. Ca đoàn nào cũng có tổ chức các buổi tập hát hàng tuần (thường là 2-3 lần một tuần). Song giáo dân thì có thì giờ đâu mà tập? Mà không tập thì làm sao mà biết hát?  Tôi sẽ trở lại vấn đền này ở dưới.

 

2. Hát bài gì?

Việc chọn bài hát cho một thánh lễ quả là không dễ dàng gì trong số những bài hát đã được sáng tác trong mấy mươi năm qua. Những bài hát được chọn cho giáo dân cùng hát (không kể những bài hát dành riêng cho ca đoàn) theo tôi phải đạt được những yêu cầu sau đây:

-         Dễ hát ( không nhiều bè, nét nhạc đơn giản) ngoại trừ những bài hát dành riêng cho ca đoàn

-         Lời hát phù hợp với thánh lễ đó ( chủ nhật, lễ trọng, lễ cưới …)

-         Nội dung tư tưởng của bài hát còn phù hợp.

 

3. Nội dung và tư tưởng của bài hát có phù hợp không?

 

Đây là vấn đề mà nhiều linh mục tu sĩ và giáo dân đã bàn đến nhiều. Có những bài hát đơn giản mà rất hay, nhạc và lời quyện vào với nhau làm cho tâm tình của giáo dân thêm sốt sắng. Có những bài hát được sáng tác cách đây mấy mươi năm nhưng bây giờ vần thấy còn hay, vẫn còn được sử dụng trong các thánh lễ. Những bài hát phỏng theo Thánh vịnh được dệt nhạc để trở thành bài hát mang âm hưởng của dân ca Việt Nam rất dễ đi vào tâm hồn mỗi người. Có những bài hát ra đời hơn cả nửa thế kỷ rồi mà còn dùng được ngày nay tôi cho là những bài hát ấy rất xứng đáng được gọi là “bất tử”.

Trong âm nhạc phụng vụ, không có chuyện phân biệt mới hay cũ. Nhạc cũ theo phong cách grêgôrien hình thành từ rất lâu vẫn được Giáo hội trân trọng. Những tiết điệu du dương mang nét đặc trưng của “thánh ca” bao giờ cũng dễ đi vào lòng người, mang tâm hồn con người lên gần Chúa hơn và ý thức tôn giáo được khắc sâu vào lòng mỗi người.

 

Để bảo toàn ca mục Thánh Nhạc và cổ võ đích đáng những tác phẩm mới, phải hết sức chú trọng đến việc dạy và thực hành âm nhạc trong các chủng viện, tập viện tu sĩ nam nữ, và các học viên của họ, và cả trong các học viện và học đường công giáo, nhưng nhất là tại những viện cao đẳng đặc biệt dành cho khoa đó. Trước hết phải đẩy mạnh việc học hỏi và ca hát nhạc Ghê-go-ri-ô vì những đức tính đặc biệt của nó, nhạc này vẫn là nền tảng có giá trị cao để vun trồng thánh nhạc.

( Nguồn: Huấn thị , đoạn 52)

 

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhưng loại âm nhạc với tiết điệu mạnh, dồn dập, “rùm beng” được giới trẻ ngoài đời yêu thích đang có nguy cơ xâm nhập vào nhà thờ, làm loãng đi cái không khí phụng vụ cần phải có. Những tiết điệu cha cha cha, rock … có nên mang vào nhà thờ?

 

Viết đến đây, tôi nhớ lại cách dây mấy mươi năm khi tôi đang là một sinh viên, một số thày (nay đã là linh mục) của Dòng Chúa Cứu Thế Dalat có trình diễn trong khuôn viên Đại học Đà Lạt và một số trường học về một loại nhạc mới có tiết điệu trẻ trung. Các thày đã làm cho giới trẻ của chúng tôi lúc ấy say mê và loại nhạc được gắn cho một cái tên mới là “Nhạc vào đời”. Theo thiển ý của tôi, loại nhạc nhạc này rất thích hợp cho các buổi cắm trại, picnic, các buổi văn nghệ có sân khấu dành cho giới trẻ … nhưng chưa chắc đã phù hợp với bài hát dùng trong thánh lễ vì những nhịp điệu tân thời của những bài hát đó.

 

Nhiều tác giả đã lên tiếng chỉ trích những bài hát uỷ mị thái quá (nhất là một số bài hát về Đức Mẹ mang nặng một nỗi buồn trần thế trong cô đơn, lạc lõng, đầy những cạm bẫy chông gai, khó khăn thử thách…) được lồng vào nét nhạc trầm buồn thê thảm … Những nhận xét đó không phải là không có cơ sở.

Một căn bệnh trầm kha nữa là phạm vào lỗi xung hô không đúng tiếng Việt. Không thiếu gì bài hát kể cả cũ lần mới đều chứa những cụm từ “ Chúa ơi”. “Ngài ơi” , thậm chí “Giêsu ơi”! Nhiều bài hát nghe thì êm tai nhưng tôi không hiểu tác gỉả muốn ám chỉ điều gì vì quá khó hiểu với giáo dân bình thường, thay vì nói “cám ơn” thì lại dùng từ Hán là “tri ân”, thậm chí vừa “cám ơn” vừa “tri ân” trong cùng một bài hát! Hoặc quá sáo rỗng , hoặc sai tinh thần thần học.

(xin miễn cho tôi khỏi phải trích dẫn dài dòng phần này vì đã có người nói đến , xin xem Trà Lũ , Lời hát nhà thờ, www.dunglac.net)

 

Ngoài ra, một số nhà thờ còn mang cả vũ điệu vào thánh lễ . Tôi có cảm tưởng phần tế lễ (dâng bánh rượu) mà biểu diễn như một tiết mục văn nghệ như thế không có lợi gì ngoài cái lợi “thư giãn đôi chút” mà cái hại trước mắt là làm cho những người tham dư thánh lễ chia trí   không phù hợp với cung cách nghiêm trang cần có của phụng vụ.

  nhiều nơi lại làm long trọng phần này quá đáng, nào là rước lễ vật, múa hát, làm văn nghệ. Thật là vui tai vui mắt, nhưng không hợp phụng vụ, bởi lẽ làm cho người tham dự bị phân tán, chú ý quá nhiều vào phần phụ thuộc không cần thiết, lại làm cho thánh lễ mất quân bình. Mục đích chính của việc dâng lễ vật là làm cho giáo dân ý thức vai trò tế lễ của họ trước chức linh mục của giáo dân mà thôi.

( Nguồn: Thánh ca – LM Đỗ Xuân Quế)

 

4. Một số giải pháp đề nghị    

a) Giải pháp trước mắt

- Ca nhập lễ: đây là bài hát bắt đầu thánh lễ, không cần thiết phải chọn những bài mới sáng tác trong thời gian gần đây mà nên sử dụng những bài hát cũ mà giáo dân phần nhiều đã thuộc để cho tất cả giáo dân cùng hát được nhằm tạo ra một khí thế ban đầu miễn sao diễn tả tâm tình hân hoan trước khi thánh lễ bắt đầu.

- Ca dâng lễ: Vẫn có thể dùng bài hát cũ mà không có trở ngại gì. Cái lợi là mọi giáo dân đều tham gia được. Với bài hát mới, ca trưởng nên tập hát cho cộng đoàn tham dự thánh lễ  nếu có trước giờ lễ ( tập hát không nên quá 10 phút). Tuy nhiên, cần chú ý tính kế thừa của bài hát . Không cần thiêt phải là tuần nào cũng tập làm cho giáo dân “ngán”, không cần thiết là phải có bài mới hàng tuần mà hàng tháng chỉ nên tập 1 hoặc 2 lần. Không nên quá 2 lần trong một tháng. Tốt nhất là một tuần có, một tuần không trong cùng một giờ lễ. Nếu ham tập nhiều, sự hưởng ứng của giáo dân sẽ giảm đi. Kết quả là thay vì mọi người cùng hát trở thành chỉ có ca đoàn hát và việc tập hát đó không mang lại kết quả gì. Muốn tập bài mới cho có kết quả phải có chuẩn bị, hoặc là in sẵn bài hát và để sẵn ở mọi hàng ghế, hoặc là có màn ảnh lớn dùng máy chiếu cho mọi người thấy. Máy chiếu có kết quả hơn.

Không cần có vũ điệu để phụ hoạ cho bài hát .

 

- Ca hiệp lễ: đây là phần giáo dân chuẩn bị rước lễ nên ca đoàn có thể hát những bài hát mới nều thấy hay và phù hợp. Để thêm phần long trọng nên sử dụng hát nhiều bè, hát solo… Cũng lưu ý là sau khi mỗi người rước lễ xong, giáo dân thường có thói quen quỳ gối và cầu nguyện riêng. Vì thế, ca đoàn không nên hát hết thời gian rước lễ mà phải có vài phút thinh lặng trước khi đến phần kết lễ.

 

- Kết lễ: nên chọn bài hát ngắn, có thể hát một bài hát về Đức Mẹ với tâm tình tạ ơn, cầu xin. Nên chọn một bài mà mọi giáo dân đều hát được trước khi ra về. Cũng nên chọn bài hát không quá uỷ mị mà nên chọn bài mừng vui vì luôn có Mẹ luôn che chở và ủi an.

 

b) Giải pháp dài hạn

+  Đối với các Giám Mục địa phương

- Duyệt lại bài hát và ấn hành tuyển tập thánh ca: trải qua một thời gian có thể tạm gọi là dài trong quá trình phát triển của thánh ca Việt Nam, tôi thấy điều cần hiện nay là phải có một uỷ ban có thẩm quyền để duyệt lại bài hát. Trước mắt là mỗi giáo phận tự làm trước . Cần xem xét lại từng bài và chọn in vào một tuyển tập thánh ca dùng trong cả giáo phận. Nếu phát hiện thấy bài nào không còn đúng với tinh thần phụng vụ nữa thì kiên quyết không cho vào tuyển tập. Các ca đoàn của các giáo xứ lấy đây làm cơ sở để chọn bài hát trong các thánh lễ.

- Duyệt sáng tác mới : trước mắt cũng là do chính uỷ ban của mỗi giáo phận tự duyệt xét lấy trên tinh thần và ý nghĩa của phụng vụ. Hàng năm, giáo phận sẽ tập hợp lại , in ấn và cho phổ biến.

 

+ Đối với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Nếu có điều kiện, cứ vài năm một lần, Uỷ ban Thánh nhạc của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ tuyển lựa lại các bài thánh ca đang lưu hành dựa trên những tuyển tập của các giáo phận gửi lên , chọn ra những bài hát hay nhất theo từng thể loại và cho in ấn, sau đó cho lưu hành trên tất cả các giáo phận trong cả nước.

Với cung cách xét duyệt như thế, tôi tin rằng trong một thời gian không xa, thánh nhạc Việt Nam sẽ không lo gì mà không có những bài hát xứng đáng dùng trong phụng vụ.

 

 Nguyễn Thụ Nhân

Gia Lai, 24.8.2006

(Tài liệu này đã được đăng trên các báo điện tử: Thăn Tiến Giáo Dân và Chứng Nhân Đức Kytô)

 


 

Phung Vu