Giới thiệu Tác phẩm Giáo lý năm 1969 của Đức Cha Simon - Hoà Hiền

 

GIẢI NGHĨA KINH

NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY

 

KINH NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY

          Ngày Chúa nhật hôm nay; chúng con hiệp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, khong khen cảm tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, và phạt tạ Chúa vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa; thì chúng con dám xin Chúa hãy khấng ban những ơn cần kíp cho chúng con đặng rỗi linh hồn.

          Nên chúng con cả lòng tin vững vàng mọi điều Đạo Thánh Chúa dạy, nhất là những điều cần kíp này: là có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, mà Người có Ba Ngôi: Ngôi Thứ Nhất là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con, Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần: Ba Ngôi cũng một tính một phép, cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi.

          Chúng con tin Ngôi Thứ Hai ra đời làm người, sinh bởi Bà Maria Đồng trinh, đặt tên là Giêsu; ở thế gian ba mươi ba năm, đoạn chịu chết trên cây Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ: đến ngày thứ ba Người sống lại, khỏi bốn mươi ngày lên trời; đủ mười ngày lại cho Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh Tông Đồ và Hội Thánh mới lập; ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy thì chẳng đặng rỗi linh hồn. Mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết đặng; và đến ngày tận thế xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét; kẻ lành lên thiên đàng hưởng phước đời đời, kẻ dữ sa hoả ngục chịu phạt vô cùng.

          Mà chúng con tin các sự ấy mà thôi thì chưa đủ cho đặng lên thiên đàng; song phải giữ mười điều răn Đức Chúa Trời cùng sáu luật điều Hội Thánh, và làm những việc lành phước đức. Nhân vì sự ấy chúng con hằng phải sợ hãi, và trốn lánh các tội lỗi nhất là bảy mối tội đầu là căn nguyên mọi tội lỗi khác. Vậy chúng con phải ân cần lo lắng, mà năng chịu các phép Bí tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những phương linh nghiệm cho chúng con đặng nên thánh.

          Cả bảy phép Bí tích mà thôi; song phép Rửa tội, phép Mình Thánh Chúa, cùng phép Giải tội, là ba phép cần kíp hơn cho chúng con đặng rỗi. Ấy vậy chúng con hằng phải ra sức lo lắng thể nào, mà chịu các phép trọng ấy cho nên, cùng tin thật vững vàng mà giữ cẩn thận các điều trước này, thì mới đặng hưởng phước thanh nhàn đời đời kiếp kiếp. Amen.

*******************

 

 

 

BẢN TÓM NHỮNG MỤC ĐỀ TRONG

KINH NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY

          Kinh ngày Chúa nhật hôm nay lược bày 5 đề tài căn bản trong Đạo Thánh: PHỤNG VỤ - ĐỨC TIN - SỐNG ĐẠO - PHƯƠNG THẾ - TỨ CHUNG.

          1. - Phụng vụ: Nhơn đức công bình buộc ta “Của ai phải trả cho nấy”. (Mt 22,21; Mc 12,17; Lc 20,25; Rm 13,7). Vạn sự đều do Thiên Chúa tạo dựng. Ta có lý trí, cần phải nhìn nhận cao rao danh Chúa: ấy là đức Thờ phượng, dưới hai hình thức tư công. Vậy ta phải chung cùng với nhau thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, cầu khẩn ơn Người: thứ tha tội lỗi, ban bố những điều cần thiết cho ta vâng giữ Luật Người cho trọn.

          2. - Đức tin: Ta có phận sự phải kính tin lời Chúa phán truyền. Những tín điều căn bản là: có một Thiên Chúa công bình thưởng phạt - Người có Ba Ngôi – Ngôi Hai giáng trần, chịu chết để cứu nhân loại, đã sống lại, lên trời, gởi Chúa Thánh Thần ở với Giáo Hội. Ngày tận thế, Người sẽ cho mọi người sống lại, hồn nhập với xác cũ, lãnh thưởng, chịu phạt đời đời tuỳ tội phước.

          3. - Sống đạo: “Ai mến Thầy, giữ trọn luật Thầy” (Ga 14,21-23). Tin chưa đủ, vì ma quỷ cũng tin có Chúa. Cần phải sống theo đức tin mà vâng giữ luật Chúa, gồm tóm trong mười điều răn Chúa, in khắc vào lòng sáu luật Hội Thánh; hãm dẹp tính xấu xa lánh tội lỗi, do bảy mối tội đầu gây nên – làm tròn bổn phận riêng mình.

          4. – Phương thế: “Không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Ơn Chúa thường ban qua bảy phép Bí tích, nên ta phải ân cần chịu lấy, nhất là những phép cân hơn: Rửa tội, Giải tội, Mình Thánh. Siêng năng cầu nguyện, làm nhiều việc lành.

          5. - Tứ chung: Cuối đường đời trần gian, giờ chết đón chờ và định đoạt vận mạng muôn kiếp: mỗi người sẽ nghe tuyên án chí công, thiên đàng hay hoả ngục. Đến ngày tận thế, mọi người sống lại, cùng nhau ra mặt trước công toà Chúa Giêsu, nhận lãnh tuyệt án sinh tử đời đời.

Lời dẫn đường

          Ở xứ ta, tuy dầu sách đạo chưa được phong phú dồi dào, nhưng giáo hữu ta rất giàu trí nhớ và ân cần đọc kinh, nên thuộc được rất nhiều nhờ sự đọc chung, lời kinh thấm thía dần dần, in sâu vào tâm khảm; đến lúc hữu sự, biết cách hành động theo những nguyên tắc đạo lý.

          Vì vậy, nếu người tín hữu hiểu rành ý nghĩa những mầu nhiệm nguyên căn Đạo Thánh, thì nó gây được những lý lẽ thâm trầm, chỉ vẽ đường lối phải đi, biết đàng cầu xin những ơn cần thiết; đức tin sẽ đâm rễ sâu xa, tâm tình chóng nên cao thượng, sự cầu nguyện trở nên một việc khoái thích; sẽ tránh được sự bơ thờ trong giờ tụng niệm, không còn đọc như cưỡng sáo.

          Kẻ thuộc kinh, sẽ nhờ đó mà ôn lại những điều đã nghe đã học; lúc cần phải dạy, biết dựa vào các kinh, sẵn có một chương trình thứ tự dễ nhớ, chẳng khác chi như có sườn nhà, chỉ cần xây bao vách tường móc lợp thêm ngói vào thôi.

          Trong các kinh giáo hữu quen đọc, có kinh: “NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY” lược tóm bổn phận con người, phải thờ phượng Chúa, phải tin kính Người, vâng giữ luật Người, dùng những phương thế Chúa chỉ, ngõ hầu làm tôi Chúa cho trọn.

          Tôi soạn ra đây ít lời vắn tắt và đơn sơ giải thích kinh ấy, trước là nên như chương trình bài giảng quanh năm; sau là giúp ích cho những người dạy dỗ tân tòng, sẵn có tài liệu về những vấn đề căn bản trong đạo.

          Để hợp lực bổ túc, tôi yêu cầu ai dùng đến bản giải thích này, cho biết những câu khó hiểu, những điểm nào cần phải giải rộng, những kiểu nói hợp với tâm lý tinh thần hiện đại.

          Tôi hết lòng đa tạ; cầu mong cho tập nhỏ này, mang lại cho ai nấy lòng mộ đạo, ham muốn học đạo, sống đạo, dạy đạo hơn.

SIMON-HOÀ HIỀN

19-III-1963

 

*******************

 

GIẢI NGHĨA KINH “NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY”

I. – NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY

1). Ngày Chúa nhật là ngày nào?

          Ngày Chúa Nhật là Ngày của Chúa, dành riêng kính Chúa, để thờ phượng, làm tôi Người cách đặc biệt hơn.

Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa muốn cho nhân loại dành riêng một ngày để kính thờ Người, nên dạy tác giả thuật lại việc tạo dựng thế gian, phân ra sáu khoảng, gọi là sáu ngày, và ngày thứ bảy, Chúa nghỉ việc.

Làm thế, có ý dạy ta mọi ngày trong tuần, chăm lo làm việc nuôi mình, song phải dừng lại, dành riêng một ngày để thờ phượng, đội ơn Chúa (x. St 1-2).

2). Tại sao không mừng ngày thứ bảy, mà giữ ngày Chúa Nhật?

          Từ đầu Giáo Hội, các Thánh Tông đồ và tín hữu, vào chiều thứ bảy, rạng sáng Chúa nhật, quen hội họp nhau, nghe đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, hát xướng, ngợi khen Chúa Cha, vì đã cho Con Một Người là Đức Giêsu Kitô chịu chết vì ta, và sống lại sớm ngày thứ nhất trong tuần; cùng nhau bẻ bánh, làm lại việc tế lễ Mình Máu Chúa Giêsu như Người làm trong nhà tiệc ly hôm thứ năm trước khi chịu nạn. Đồng thời, chuẩn bị mong chờ Chúa Giêsu đến cải thiện đời sống ta và đón ta về ở với Người.

Như vậy, ngày thứ nhất trong tuần thay thế ngày thứ bảy cuối tuần, biến thành ngày dâng kính Thiên Chúa: ta quen gọi ngày Chúa nhật (x. Kh 1,10).

Lời nhắn nhủ:

          1) “Các người hãy tôn trọng ngày của Chúa” (Tv 117,24; Gr 17,22; Xh 16,23). “Rạng ngày thứ nhất trong tuần, các Bà mang thuốc thơm ra mồ”. (Mt 28,1; Mc 16,9; Ga 20,1).

          2) Hết lòng tôn trọng Ngày của Chúa, chớ bơ thờ, kể như các ngày khác trong tuần; chớ lạm dụng, quá ham tích của, hoặc uổng phí thì giờ, lo ăn chơi, làm mất lòng Chúa vì không giữ Ngày Chúa Nhật.

II. – CHÚNG CON HIỆP NHAU

          1) Chúng con là ai?

Chúng con là người có đạo; người có đạo tin Chúa Giêsu, Đức Chúa Cha sai đến, chỉ dạy đường ngay nẻo chính, ban trả sự sống đời đời: vì tin, nên chịu phép Thánh Tẩy, được tháp nhập vào Chúa Giêsu sống lại, làm phần tử của Giáo Hội. Phần đông các nước, chiếu theo lời tuyên ngôn của các dân tộc, trong hiến chương đều có mục đề “tự do tín ngưỡng tôn giáo”; thật ra người ta hữu ý hay vô tình, tự nhiên lưu ý đến điểm dị đồng: “Người đó có đạo mà!” Vừa đây một linh mục Do Thái tên là Daniel, xin Chính phủ Israel, cho mình hưởng quyền lợi nước ấy; họ trả lời: “Ông là người dân Do Thái, nhưng không có đạo Do Thái!”

Ở nước ta, biết bao nhiêu người bị bách hại hành hung, đè nén, bóp nghẹt, chỉ vì là người có đạo! Xung quanh ta, bao giờ ai bị tội tình, nếu là người có đạo thì càng dễ bị chỉ trích hơn người ngoại đạo! Phải chăng người ta tự nhiên cảm nghĩ “Người Công Giáo phải lành thánh hơn!”

Dầu muốn dầu không, hễ là người có đạo, tốt xấu, đều được liệt vào hạng người đặc biệt: “có đạo”. Hễ có đạo, tất nhiên thuộc về một đoàn thể tôn giáo riêng biệt, chung sống trong tinh thần tập thể, với sứ mệnh chứng minh Chúa Giêsu trước mặt thế gian.

Nhờ đức tin và Phép Rửa tội, chúng ta có đạo, được liên kết với nhau, thành một đại gia đình, mà Cha chung là Đức Chúa Cha, Anh Trưởng là Chúa Giêsu, dây thương mến ràng buộc nhau lại là Chúa Thánh Thần; sống nhờ một ơn thánh, là nhựa sống thiêng, do bửu huyết Chúa Giêsu sắm tạo, thông chuyển qua khắp các phần tử. Tôi ở Việt Nam, tuy không biết các người Âu-Mỹ, nhưng hễ là có đạo, đều là anh em một nhà. Việc người lành hay dữ, đều có ảnh hưởng tốt xấu trên tất cả mọi người.

2) Chúng ta hiệp nhau làm gì?

Con người cả xác cả hồn, với mọi sự trong ngoài trước sau, hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, vận mạng sinh tử đều do bởi tay Người; mỗi người có phận sự phải thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng con người không phải đứng riêng lẻ loi, song hợp thành đoàn thể xã hội lớn bé như: gia đình, xứ sở, nước nhà, dân tộc, quốc gia, Giáo Hội; những xã hội này thảy đều do bản tính con người, theo lề luật Chúa, hiệp thành đoàn thể; vì thế việc thờ phượng Thiên Chúa, phải là việc cá nhân, một trật là việc đoàn thể. Với các anh em trong họ, cùng giáo hữu trong toàn Địa phận, một ý một lòng, cùng tín đồ khắp thế giới, chúng tôi hiệp nhau với vị linh mục đại diện của Chúa, dùng danh nghĩa và quyền phép Chúa ban, mà dâng thánh lễ, làm một với lời cầu nguyện, ngợi khen, và các việc lành tất cả nhân loại, thượng tiến trước toà Đức Chúa Cha.

Chúng tôi tin chắc việc cộng đồng này, rất đẹp lòng Thiên Chúa, kéo nhiều ơn ích cho chúng ta, vì chính Chúa Giêsu đã phán: “Ở đâu có hai, ba người họp mặt, thì có Ta ở giữa”. (Mt 18,20).

Lời nhắn nhủ:

1)    Ngày Chúa nhật, giáo hữu tập hợp, chung nhau bẻ bánh. (Act. 2,46).

          2) Hãy khuyến khích nhau, tập trung tại nhà thờ, để thờ phượng Chúa trong ngày Chúa nhật, và đua nhau học thêm lẽ đạo. Những nơi không có Thánh Lễ, nhà thờ, hãy tập hợp nơi một địa điểm thuận tiện, đọc kinh chung, nghe giảng sách, để cùng nhau thờ phượng Chúa.

III. – KÍNH LẠY THỜ PHƯỢNG CHÚA - CẢM TẠ CHÚA

1)    Tại sao “Kính lạy thờ phượng Chúa”?

Đứng trước một vị thần linh, hay biến cố dữ dằn, con người khép nép run sợ. Chúa tể càn khôn, tạo dựng muôn loài, quyền phép vô biên, phán một lời liền có trời đất muôn vật. Trời đất mênh mông, với vô số thụ tạo, từ các vị Thiên Thần, cho đến một nguyên tử nhỏ bé, thảy đều bởi tay Người tạo dựng, các vẻ thiện mỹ trong mỗi vật lớn bé, đều do Thiên Chúa thông ban. Con người có hồn thiêng như thần linh, có thể xác như loài vật, chiếm một địa vị ưu tú, trong hàng ngũ thụ tạo. Thiên Chúa phó giao một sứ mệnh lớn lao: “Hãy sinh sản đông đúc, khai thác và cai quản vũ trụ”. (Gen. 28). Trong địa vị cao quý này, thân xác con người, đứng trước vũ trụ, thật là nhỏ hơn cát bụi, sức khoẻ dồi dào bao nhiêu, như lưỡi gươm treo vào sợi tơ mỏng manh: một vi trùng nhỏ bé, một viên đạn vô tình, một mũi kim trái thuốc, có thể huỷ phá sự sống tức khắc; đứng trước vị Thần linh tối cao vô địch, toàn năng toàn thiện, con người có lý trí, phải nhận chân mình là nhỏ bé hèn hạ, phải phủ phục mà thờ lạy Người, ngẩn trí khi suy đến sự cao cả của Người; ngợi khen những thần đức vô hạn của Người, ca tụng lòng Người chiếu cố thương xem đến từng vật thụ tạo.

Hơn nữa, Thiên Chúa đã ban Con một mình xuống, mặc lốt phàm trần, để đưa nhân loại lên làm con Chúa. Lòng từ bi vô hạn Chúa, đòi buộc chúng ta phải thờ lạy, ngợi khen, theo như những điều ta được biết thêm về bản tính Thiên Chúa, nhờ Người mạc khải cho ta.

2)    Cảm tạ Chúa vì lý do nào?

Phép lịch sự xã giao, buộc ta phải cám ơn, khi lãnh nhận vật gì. Hơn nữa, khi kẻ trao ban, là một người có địa vị thể thống, dầu ta có quyền đòi của ấy, thì ta cũng phải tỏ lòng biết ơn. Ơn sinh thành, ơn cứu chuộc, muôn vàn ơn khác ta lãnh, nhờ bởi tay Chúa rộng lượng thương ban, ta phải nhận mình hoàn toàn bất xứng; hằng giây phút, phải biết chắp tay cúi đầu cảm tạ. Nhiều điều xảy ra, chẳng vừa ý ta, như rủi ro bệnh tật, có thể là những ơn quý trọng Chúa ban, để nhắc như cảnh cáo. Trong hết mọi sự, ta hãy cám đội ơn Người, chớ dám phàn nàn kêu trách, mà phụ lòng Chúa; ta phải hiệp cùng bà con anh em đồng loại, cùng với vạn vật, dâng lời cảm tạ lòng nhân từ Chúa, không nỡ để ta đời đời trong sự hư không, cho ta đặng làm người, cùng hằng gìn giữ ta, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết vì ta, lại cho ta được đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép, đang khi muôn vàn kẻ khác, chưa được những hạnh phúc lớn lao dường ấy. Ta hãy hiệp nhau, đứng kế cạnh Chúa Giêsu, xin Người đội ơn Đức Chúa Cha, thay thế cho ta; chắc hẳn lời cảm tạ Người đẹp lòng Chúa Cha, cân xứng với những ơn lành ta được.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Anh em hãy nhờ Chúa Giêsu mà đội ơn Đức Chúa Cha trong hết mọi sự” (1 Tx 5,18). “Ta hãy đội ơn Chúa vì sự vinh hiển cao trọng của Người”. (Kinh Vinh Danh).

          2) Khi gặp buồn vui may rủi, ta phải lập lại câu này: “Con cám ơn Chúa”.

IV. - PHẠT TẠ CHÚA VÌ NHỮNG TỘI LỖI

1)    Phạt tạ nghĩa là gì?

Con cái hiếu thảo làm mất lòng cha mẹ, phải buồn phiền hối hận, mau mau xin lỗi; người dưới phạm đến kẻ trên, nhất là quyền thế, có thể sửa phạt thẳng tay, hoặc đại ân nhân, có quyền trừu lại ơn lành, thì kẻ ấy lo sợ, lanh chơn tìm cách thú phạt xin lỗi, chạy chữa nhờ kẻ cầu bầu. Chúng ta là thụ tạo thấp hèn, cả gan phạm đến Chúa cả trời đất; chúng ta nô lệ ma quỷ, được Chúa thương nhận vào sổ con cái; chúng ta đầy tràn tội lỗi, được Chúa lấy bửu huyết rửa sạch, chữa cho lành đã, chúng ta nghèo nàn, thiếu thốn mọi sự, được Chúa ban ơn dư dật phủ phê. Thế mà chúng ta cả lòng bội phản với Chúa, coi luật Chúa chẳng bằng ý riêng ta; phủ nhận các ơn của Chúa, dám ngộ nhận tài năng sức lực, là của riêng mình, cố tình lạm dụng mà phản bội cùng Chúa, hầu thoả mãn dục tình: đành lòng chà đạp Máu thánh của Chúa, đặt mình làm trung điểm mọi sự; cả gan khiêu khích phép công thẳng Chúa, không sợ Người trừng phạt thẳng tay. Rủi ta phạm tội, hãy kíp mở mắt nhận nhìn việc tai quái phản bội, vô ơn của ta, xin thú phạt trước mặt Chúa, nhờ Đức Mẹ, các Thánh cầu cùng Chúa thứ tha; hãy hối tiếc, vì đã lỡ dại. Nài xin Chúa giúp ta sau này chẳng còn tái phạm; quyết tâm xua trừ những duyên cớ sinh dịp tội, làm ta sa ngã. Ta hãy cố sức làm nhiều việc lành, lãnh nhận mọi thử thách, hiệp cùng sự thương khó Chúa mà đền tội ta.

2)    Vì mọi tội lỗi... tội là gì?

Một đứa con biết rõ hoặc hồ nghi điều gì làm phật lòng cha mẹ, mà cứ liều làm, không đếm xỉa tình thương cha mẹ, thì lỗi phạm với cha mẹ. Một người dân, biết rõ luật lệ, ích lợi quốc gia; nếu mình vi phạm, có hại đến quyền lợi kẻ khác, mà cứ liều lĩnh, kẻ ấy lỗi phạm đến nước nhà. Tôi biết luật Chúa, cả dám làm trái ngược, để theo ý riêng, thoả thích dục tình, thì tôi quá khinh rẻ quyền phép của Người, quá chuộng yêu mình tôi, lẽ nào khỏi mất lòng Chúa? Lề luật càng trọng, tôi càng cố tình vi phạm, thì tội tôi càng nặng, đáng cho Chúa khai trừ tôi ra, trầm luân xuống hoả ngục đời đời! Nếu là luật nhẹ, hoặc tôi không hiểu rõ, hay là vì tính nhẹ dạ, thì Chúa dễ bề tha thứ, không đành phạt nặng như các tội trước. Nhưng dầu trọng nhẹ, thì cũng xấu xa vô cùng, đáng cho ta ghê gớm sợ hãi trên hết mọi sự, vì phạm đến Đấng cao cả vô biên.

Các Thánh hiểu rõ, tội lỗi là quái vật xấu xa nên thà chịu chết ngàn lần, chẳng thà phạm tội. Tội riêng cá nhân, tội chung xã hội, kẻ này xô đẩy kẻ khác, tội các dân tộc, các quốc gia, gạt bỏ Thiên Chúa, phủ nhận luật Người, quá ham mê vui sướng tạm bợ, thảy đều phải đền hết cả. Chúng ta tài hèn bất lực, nương tựa vào Chúa Giêsu, dâng mình trong Thánh Lễ, mới trông phạt tạ Thiên Chúa cho cân xứng được.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Lạy Chúa, xin thương con là kẻ tội lỗi”. (Lc 18,13) “Xin tha thứ chúng con, khỏi cơn thạnh nộ đời đời”. (Joel 1,17; Ps 84,4; Lời Nguyện Mùa Chay).

          2) Mỗi khi phạm tội trọng, tội nhẹ, vội vàng thú lỗi với Chúa. Xin Chúa khấng tha cho con. Năng đi xưng tội. Trước khi đi ngủ tất cả gia đình quỳ xin lỗi Chúa.

V. – XIN CHÚA KHẤNG BAN NHỮNG ƠN CẦN KÍP...

          1) Ta cần những gì?

          Đứa con cần cơm ăn áo mặc, nó liền kêu xin cha mẹ; một người ăn xin, thiếu hụt, đói khát, đi gõ cửa từng nhà. Một người mù quáng ngồi bên lề đường, cứ chấp tay cúi đầu: “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại...” (Thren 1,12). Chúng ta thiếu hết mọi sự cần phải van nài, cầu xin Chúa ban: Phần xác hằng ngày dùng đủ, vì nếu quá thiếu hụt đói rách, sẽ khó bề giữ đạo sốt sắng; kiếm được công ăn việc làm, ta hãy xin cho ta hồn an xác mạnh; rủi lâm cơn bệnh ngặt nghèo, sa vào cảnh thất nghiệp, ta hãy kêu xin cứu vớt; nhược bằng Chúa muốn điều ấy ích lợi cho ta hơn, hãy cầu khẩn, xin ơn chịu khó, vâng trọn ý Cha. Trong gia đình, làng nước, ta hãy xin những ơn ấy cho hết mọi người. Ta năng hoài tưởng đến vô số người trong thế gian, đang lâm tình trạng đói nghèo đau khổ, gặp cảnh tai nạn tản cư, nhiều gia đình không còn sum hợp, vợ xa chồng, cha mẹ lìa con cái; vô số người tật bệnh già nua, không thiếu kẻ bị câu lưu cấm cố, ta hãy cầu nguyện cho họ và tìm cách nâng đỡ họ tuỳ sức, ít ra với những người kế cận bên ta.

          Một thứ ơn khác trọng vọng, cần thiết hơn cả luôn luôn ta phải cầu xin cho mình và cho mọi người thảy thảy, là ơn biết và mến Chúa, làm tôi giữ trọn luật Người, bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa, đưa dẫn nhiều người trở lại với Chúa. Được ơn ấy, là được hết mọi sự, vì sống đời này chỉ là sống tạm: sinh ký tử quy: đời sau mới là sống thật, sống đời đời. Nếu ta chết trong ơn nghĩa, đời đời ta được hưởng phúc thanh nhàn với Chúa. Giờ chết đến như kẻ trộm, luôn luôn ta phải sống trong ơn Thánh Chúa.

2) Ta phải xin làm sao cho đắt lời?

Ta hãy nghe lời Chúa Giêsu dạy ta tin tưởng vào lòng từ bi quảng đại của Chúa khoan hồng: “Chim trời không gieo, không gặt, mà chẳng con nào chết đói”. (Mt 6,26). Ta chớ bôn chôn về việc đời này: “Hãy tìm nước Chúa trước đã, vạn sự khác, Chúa sẽ gia tăng”. (Mt 6,33).

Phải cầu nguyện liên lỉ, chớ có sờn lòng nản chí bao giờ. Bà goá kia kêu hoài, quan toà bực mình, xử kiện cho xong. Đàn bà xứ Cananéa kêu nài Chúa lắm, mới được Chúa trừ quỷ khỏi con của bà. Hãy cầu xin với lòng khiêm nhượng, như Đại uý thành Caphanaum: “Lạy Chúa, tôi chẳng đáng Chúa vào nhà tôi”. (Mt 8,8). Thiên Chúa nguồn mạch chủ tể mọi ơn, Người muốn ban ơn gì, cho ai, khi nào, cách nào, mặc thánh ý Người, chẳng có ai có quyền đòi hỏi hạch xách. Chúng ta chỉ được quyền xin vô hạn bất cứ cho ai, những gì, bất kỳ khi nào ta muốn, vì Chúa đã hứa; “hãy xin, sẽ được; hãy gõ sẽ mở”. (Mt 7,7; Lc 11,9; Mc 11,24).

Lời nhắn nhủ:

          1) “Chúng con vì danh Thầy, hãy xin Đức Chúa Cha bất cứ sự gì, Người sẽ ban cho chúng con tất cả”. (Ga 16,23).

          2) Ta hãy xin mọi ngày những ơn hồn xác cho mình, cha mẹ, bà con, nước nhà, giáo hội cùng cả thế giới. Chớ quên cầu cho những người hấp hối, buồn phiền và những người quá cố.

VI. – TIN NHỮNG ĐIỀU CẦN KÍP NẦY... TIN LÀ LÀM SAO?

1)    Nghe ai thuật truyện gì lạ, tôi liền bật hỏi trong trí: “Có thật không?” (Sap 2,17).

Nếu thật, thì tôi mới nhận điều ấy là có; bằng không, tôi không lưu ý tới. Khi tôi nhận thật lời ai nói, thì tôi tôn trọng chính người ấy, kể họ không phải là người gian ngoa lếu láo; và nếu điều ấy liên hệ đến đời sống tôi, thì tôi dựa vào lời ấy mà hành động. Nếu tôi tin ai, ấy là dấu tôi tín nhiệm kẻ nói với tôi; và tuy tôi không hiểu rõ điều ấy toàn diện, vì kính cẩn họ, thì trí tôi nhận chân điều họ quả quyết, lòng tôi nghiêng chịu buộc mình làm theo. Tôi tin Thiên Chúa phán dạy, thì tôi tỏ lòng kính cẩn, vâng phục Người; tuy những điều ấy vượt quá sức tôi, và tầm trí mọi loài, thì tôi cũng bắt ép trí lòng tôi nhận đó là chân lý bất dịch, không một mảy sai lầm. Tôi tin như vậy không phải tự sức riêng tôi, song nhờ ánh sáng Chúa soi, và ơn Chúa thúc đẩy bên trong, tôi mới vững vàng cương quyết nhận chân những điều Chúa dạy, tôi sấp mình trước mặt Chúa, bắt trí lòng tuân phục và trịnh trọng kính cẩn thưa với Người rằng: “Lạy Chúa con tin, xin Chúa gia tăng đức tin vào lòng con”. (Mc 9,23; Lc 17,5). Như thế là ta vui lòng hy sinh tính tự ái ta, tế lễ tự do tư tưởng ta: thật là của lễ tốt đẹp!

Tôi vững vàng kính tin lời Chúa, nên tôi cố sức uốn nắn đời sống tôi ăn nhịp với lời Chúa dạy, để tỏ lòng hoàn toàn kính trọng tôn thờ mến yêu Người.

2)    Vì sao tôi tin như vậy?

Lần kia một học sinh hô to: “con bò bay!” Một anh chạy ra xem, chúng bạn cười rầm lên cả! Anh ta đáp lại: “bò bay, có thể có được; nhưng một học sinh nói láo, tôi cho là điều quái dị!” Những tin rung động, thiên hạ truyền miệng với nhau, dựa vào một cột báo, một trang sách; nay mai báo khác lại cải chính việc đó! Thế mà dân chúng cứ đua nhau tin nhảm! Tin lời nói hành bỏ vạ, thơ rơi, rất dễ! Mách lại và tìm cách phổ biến phá hại người ta! Nhưng khi Thiên Chúa phán dạy ta lại không muốn tin, hoặc tin mà không vâng giữ! Thật tệ bạc bất công!

Thiên Chúa là chính sự thật, nguồn mạch mọi điều mỹ thiện, thông suốt mọi sự chân chính, không thể lầm sai, phỉnh gạt bao giờ. Nếu Người phán dạy điều gì, ta phải kính cẩn tin nhận, chẳng chút hoài nghi. Chân lý ấy còn chắc thật hơn những chân lý rõ rệt hiển nhiên, vì trí khôn thụ tạo, còn có thể sai lầm. Đức tin không dựa vào lý lẽ tự nhiên, song đứng vững trong thanh thế của Thiên Chúa, vô cùng thông minh chân thật. Điều tôi cần phải tìm biết cho chắc, là Thiên Chúa đã phán cùng nhân loại những gì, thánh ý Người quyết định cho tôi tin giữ làm sao, để tôi triệt để tin phục như vậy. Thời xưa Chúa dùng miệng các Tổ phụ tiên tri, mà truyện vãn cùng nhân loại; cuối cùng Người đã sai Con một xuống thế, dạy dỗ mọi lẽ chân chính, và truyền dạy các Thánh Tông Đồ, rao giảng khắp thế. Hội Thánh tiếp tục công việc Chúa Kitô, lãnh sứ mệnh bảo vệ đức tin, và giải thích cho tín đồ biết rõ, những điều Thiên Chúa truyền dạy, Hội Thánh không có thẩm quyền tạo nên một chân lý mới nào, chỉ có phận sự trình bày giải thích bảo tồn đức tin Chúa đã giao phó cho đúng ý nghĩa mà thôi.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Lạy Chúa con tin Chúa. Xin thêm đức tin cho con”. (Mc 9,23; Lc 17,5). “Đức tin không có việc làm, là đức tin chết”. (Jac 2,17,26).

          2) Cố sức học hỏi những lời Chúa phán, ra công truyền bá đức tin cho kẻ xa gần. Phán đoán sự việc với cặp mắt đức tin, chớ theo lý đời mà thôi.

VII. – CÓ MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT

1)    Làm sao mà biết có một Đức Chúa Trời?

Một ngôi nhà, cắm giữa cánh đồng hoang vu, tất nhiên phải có chủ nào dựng lên đó. Một vườn hoa nhiều màu sinh đẹp, cần phải có một tay khôn khéo trồng tỉa xếp đặt. Một đoàn thể có trật tự, chắc hẳn phải có những vị chỉ huy tài tình. Vạn vật trong vũ trụ, dầu thuộc về hạng nào, cũng không hoàn toàn cần thiết: có thể mặc lấy thiên hình vạn trạng, có cũng được không cũng thôi; tự mình chưa có, không thể tự tạo nên mình, cần phải nhờ ai tác tạo nó mới có. Nhìn kỹ vũ trụ, ta dễ nhận thấy thứ tự lớp lang: mỗi vật lớn bé, đều có định luật riêng mình, (như nước chảy đọng chỗ thấp, lửa hồng đốt thiêu cháy nóng). Phải có một tay nào tài giỏi làm ra, một trí não thông minh định luật, một vị nào khôn khéo điều khiển. Đấng ấy ta gọi là Thiên Chúa, có một không hai, vì Người phải có toàn năng toàn thiện, vô cùng trọn hảo, không ai sánh kịp bao giờ. Nếu có hai vị Thiên Chúa, tất không có vị nào vô cùng tuyệt đối; vị này hạn chế vị kia! Ở xứ ta, khi gặp gian truân nguy hiểm tay ta chắp lại miệng ta van nài: “Lạy ông trời, xin cứu độ tôi với”. Khi đe dọa ai, ta thường nghe nói: “trời đánh loã đầu”. Như vậy thiên hạ tin thật có vị Chủ tể trời đất, xưng danh: “Ông Trời, Ngọc Hoàng, Thượng đế”. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. (Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt!)

2)    Dựng nên trời đất là làm sao?

Khoa học triết lý, chỉ tìm hiểu bản chất và hình thức, đặc tính các sự vật, không thể nào vạch ra cho biết nguồn gốc đầu tiên của nó. Thiên Chúa truyền dạy cho ta được biết: chính Người, vì thương, bởi không làm ra mọi sự cho có. Thiên Chúa hoàn toàn tự do: trong muôn vàn sự vật có thể hiện xuất, Người đã chọn lấy một số, mà ban cho nó được sự thực thể hiện hữu, định luật cho mỗi vật, theo bản tính của mình; bảo tồn, quan phòng điều khiển mọi sự, cho danh Người được thêm cả sáng. Trên mặt đất này, Người đã phó thác tất cả sự vật cho nhân loại sử dụng quản cai, khai thác: chúng ta được quyền hưởng dùng tất cả, để phụng sự Người và đại diện chúng, mà cảm tạ khong khen Người mãi mãi.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất”. (Gen 1,1). “Con phải thờ phượng Thiên Chúa và phải phụng sự một mình Người”. (Mt 4,10; Lc 4,8).

          2) Ta chớ tin nhảm ma thần, mà cúng vái; bói khoa, xin quẻ, cậy nhờ phù thuỷ, đồng bóng, song đặt hoàn toàn tin tưởng vào một lòng nhân hậu từ bi của Chúa.

VIII. - MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

          1) Mạc khải và lý trí, cho ta biết được có một Thiên Chúa, bản tính vô cùng, toàn năng toàn thiện. Nhờ Thiên Chúa thương ta, vén màn bí ẩn, bày tỏ những điều sâu nhiệm thuộc bản tính cao xa bất đạt của Người. Người tuy có một bản tính vô cùng, nhưng bản tính vô cùng ấy thuộc về Ba Ngôi; vì vậy chúng tôi tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm cao cả này, là nguồn gốc và cứu cánh tất cả mầu nhiệm trong đạo thảy thảy. Chúng tôi biết chắc có một Thiên Chúa Ba Ngôi, vì chính Con Một Chúa Cha, và Ngôi Ba Thánh Thần, đã mạc khải điều ấy rõ ràng. Khi Chúa Giêsu Ngôi Hai ra đời, chịu phép rửa vừa xong, Ngôi Ba Thánh Thần, lấy hình bồ câu, xuống đổ trên đầu, và trên trời tiếng Chúa Cha phán tỏ: “Này là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta mọi đàng”. (Mt 3,17). Khi Đức Chúa Giêsu hòng ngự về trời, Người dạy các Tông đồ: “Hãy đi khắp thế dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

          2) Ngôi nghĩa là gì?

          Ai ai cũng biết, việc thiêng liêng hoàn toàn khác hẳn việc vật chất, như việc hiểu biết, ước muốn, không thể đồng loại với việc ăn uống, ngủ nghỉ. Việc thiêng liêng đòi phải có nguồn gốc thiêng liêng, việc vật chất do bởi cơ quan thể xác xuất hiện. Nhưng trong một người, có thể gặp được cả hai thứ việc: cả thiêng liêng, cả vật chất, hết thảy đều thuộc về trách nhiệm chung cùng một người, vì trong người ấy, có cái “tôi” độc nhất: Tôi ăn, tôi ngủ, tôi nói, tôi làm, tôi học, tôi hiểu, tôi muốn, tôi thương, cái tôi ấy làm như cột trụ đứng vững, các thứ hành động khác loại đều được treo móc vào đó. Cái tôi ấy, triết lý gọi là ngôi vị. Mỗi cái tôi đứng riêng biệt, khác hẳn với cái tôi khác: mỗi cái tôi, có phạm vi hành động riêng hẳn của mình. Khi nói có Ba Ngôi trong một Chúa, ta có xưng ra, theo lời mạc khải: trong một bản tính Thiên Chúa có Ba vị, Ba Tôi: Tôi thứ nhất: Đức Chúa Cha hằng sinh ra Đức Chúa Con, trao phó toàn sự sống mình cho Đức Chúa Con. Phần việc riêng hẳn của Ngôi Cha là sinh ra Ngôi Con. Ngôi Thứ Hai: Đức Chúa Con nhận lãnh sự sống của Đức Chúa Cha; Ngôi Thứ Ba: Đức Chúa Thánh Thần, là sự thương mến vô cùng, giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cùng nhau trao đổi. Ta được đưa vào trong bản tính Thiên Chúa mà biết những điều Mầu nhiệm là nhờ Đức Chúa Giêsu, bởi cung lòng Đức Chúa Cha sinh ra, dạy ta như vậy.

 

 

 

Lời nhắn nhủ:

          1) “Thầy sẽ xin cùng Đức Chúa Cha sai đấng an ủi, Thánh Thần sự thật; Người sẽ ở cùng chúng con, và dạy dỗ chúng con mọi lẽ chân chính”. (Gio 14,16,17,26).

          2) Tôn trọng thánh danh Chúa Cả Ba Ngôi; làm dấu Thánh giá cho tử tế, kính dâng mọi việc cho cả sáng danh Chúa. Trước khi tra tay làm việc gì, tự hỏi: Chúa Ba Ngôi có hài lòng không?

IX. – TIN NGÔI HAI RA ĐỜI LÀM NGƯỜI

1)    Ngôi Hai ra đời nghĩa là làm sao?

Ngôi Hai Con một Chúa Cha, muốn cứu nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi, khấng xuống trần gian mặc lấy lốt người thường dân, có hồn xác, sinh sống trong một gia đình nghèo khổ.

Xác Người sinh bởi Nữ Trinh Maria, do công việc Ngôi Ba Thánh Thần, không theo lề lối tự nhiên; “không phải bởi xác thịt tự nhiên, cũng không bởi ý muốn người nam, song bởi quyền phép Thiên Chúa”. (Gio 1,13). Có sinh trưởng, cần ăn uống, biết đau, biết cực, nghe nhọc mệt vất vả. Hồn Người trong sạch, chẳng chút bợn nhơ; kết hợp chặt chẽ với Thiên tính trong Ngôi Hai, thông minh sáng suốt, suy luận mến yêu, thông cảm quyến luyến, hoàn toàn tuỳ phục Thánh ý Đức Chúa Cha, đến đỗi vâng lời Chúa Cha, chịu chết tử hình trên thập giá. Muốn cảm hoá người ta cho có hiệu lực, Người chung sống lẫn lộn, chia sẻ vui buồn với ta. Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta lên chức Thiên tử, đã muốn trở nên con người thật như ta mọi đàng, với các sự yếu hèn chúng ta, trừ tội. Chúa Giêsu nêu gương mỗi ngày, cho chúng ta bắt chước, có thể hiến dâng tất cả trong ngoài ta, để làm rạng danh Chúa Cha, lập công đáng thưởng trên trời và đền tội cho mình và cho kẻ khác.

Mọi việc trọng hèn khó dễ nếu làm với Chúa Giêsu, vì công nghiệp Người, sẽ biến thành những việc mến thương đẹp lòng Chúa Cha mọi bề.

2)    Xác hồn Chúa Giêsu có đứng biệt lập thành Ngôi không?

Mỗi người trong chúng ta, xác hồn hiệp lại, làm thành một ngôi vị, một tôi riêng biệt; phạm vi trách nhiệm đều là của riêng một mình tôi, không ai giành giựt: Làm lành cũng tôi; làm dữ cũng tôi, không đổ lại cho ai. Trong Đức Chúa Giêsu không phải vậy: Tuy xác hồn, Người có trọn vẹn như chúng ta, là người thật, nhưng hồn xác ấy không đứng biệt lập thành một TÔI, song hoàn toàn thuộc riêng của Ngôi Hai Thiên Chúa. Mỗi việc xác hồn Chúa Giêsu làm, mọi sự Chúa Giêsu chịu, đều thuộc quyền sở hữu của Ngôi Thứ Hai; chính Ngôi Thứ Hai nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm: “Tôi (là Ngôi Thứ Hai) làm chịu điều ấy”. (Gio 8,29; Mc 9,18; Lc 22,19). Vì vậy đức tin dạy ta: “Đức Chúa Giêsu có hai tính trong một Ngôi”. (C. Lat. I, C. 6; Kinh tin kính Athanasiô). Mọi việc Chúa Giêsu làm mang giá trị vô cùng lớn lao; vì là việc con một Chúa Cha. Cả hồn cả xác Đức Chúa Giêsu đều đáng cho ta thờ lạy, vì việc kính thờ ấy đưa thẳng đến Ngôi vị Chúa Con, là Đức Chúa Trời thật. Bởi vậy, Đức Trinh Nữ Maria tuy chỉ sinh thể xác Đức Chúa Giêsu, mà cũng được gọi là Đức Mẹ Chúa Trời.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Này bà sẽ chịu thai và sẽ sinh con trai; trẻ ấy sẽ gọi là con Đấng Chí Tôn”. (Lc 1,31). “Thầy là Con Đức Chúa Trời hằng sống”. (Mt 16,16).

          2) Ta hãy thờ lạy Đức Chúa Giêsu, Con một Đức Chúa Cha và Mẹ Maria; hãy cám ơn Người đã mặc lấy xác hồn như ta, để thông ban thiên tính cho nhân loại.

X. – SINH BỞI BÀ MARIA ĐẶT TÊN LÀ GIÊSU

          1) Trinh Nữ Maria, dòng dõi vua Đavít, gá bạn cùng thợ mộc Giuse, người làng Nazareth. Thiên sứ Gabirie đến chào kính Người: “Kính mừng Bà, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà; Bà có phước lạ hơn mọi người nữ”. (Lc 1,28). Maria bỡ ngỡ bối rối, không hiểu tại sao Sứ thần chào mừng như vậy. Thiên thần giải thích đó là công việc Chúa Thánh Thần, Bà sẽ thụ thai, sinh con đặt tên Giêsu. Người con ấy sẽ cứu độ dân mình và cả thiên hạ; nước Người chẳng bao giờ cùng tận. Maria hiểu rõ lệnh trên, khiêm tốn vâng phục: “Này tôi là tôi tá Chúa, Tôi xin vâng như lời Người dạy”. (Lc 1,38). Tức thì Ngôi Hai ngự xuống đầu thai trong lòng trinh khiết Đức Mẹ. Đến kỳ mãn nguyệt, Maria sinh hạ Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem, giữa mùa đông giá rét, vì trong quán, không nơi trú ngụ. Chúa Giêsu ra chào đời, giữa cảnh hèn mạt tối đen; Thiên thần mừng hát xướng ca, mục đồng đem nhau đến thờ lạy. Ít lâu sau, ngôi sao lạ mọc lên, hướng dẫn những vị quan khách phương Đông, đi tìm thờ lạy, và hiến dâng những vật quý báu. Ngoại trừ một vài tia sáng ló rạng, màn đen cảnh tối trùm bao đời sống ẩn dật người con Thiên Chúa giáng trần.

          2) Tên Giêsu nghĩa là gì?

          Giêsu nghĩa là Cứu Thế. Sinh được tám ngày, bà con xóm giềng tề tựu, dự lễ đặt tên. Gia trưởng là thợ Giuse, xướng kinh cảm tạ ơn Chúa, cầm dao nhỏ cắt thịt trẻ con: ấy là phép cắt bì, nghi lễ gia nhập dòng họ Israel, vào sổ dân riêng của Chúa. Người long trọng đặt cho con trẻ tên Giêsu, thể lệnh Thiên thần tiên báo cho mình và cho bạn mình. Bà con họ hàng, chỉ thấy cảnh nghèo gia thất, mà không nhận biết những điều cao trọng, tàng ẩn bên trong, không khỏi xầm xì chế nhạo: “Đã nghèo cực tột mức, mà còn làm le, lựa tên hay bảnh, mà đặt cho con nữa”.

          Thật sự, tên Giêsu, Chúa Cha đã chọn, đặt cho con mình rất đúng, vì chỉ có một mình Người, đủ sức giàn hoà mọi tội lỗi cùng Chúa Cha, dư công đền tội cho cả thiên hạ, thừa ơn ban cho ai nấy làm lành lánh dữ, có quyền đón rước mọi người vào nơi vinh phước. Tên Giêsu có sức đưa dẫn tới Toà Đức Chúa Cha, để kêu nài đủ mọi giống ơn; cao trọng đến đỗi trên trời dưới đất, và trong hoả ngục, phải quỳ gối cúi đầu thờ lạy, khi nghe xướng lên tên ấy; vị thuốc linh thiêng, chữa đã mọi tật nguyền; uy quyền lớn phép, làm cho mọi thù địch khiếp run sợ hãi. Tên Giêsu cắt đôi nhân loại: Kitô tín hữu và các tôn giáo khác.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Ông sẽ gọi tên con trẻ là Giêsu”. (Mt 1,12). “Họ chịu phép Thánh tẩy nhân danh Giêsu”. (Act 8,12; 10,48).

          2) Tôn trọng, mến yêu tên cực trọng Giêsu. Mỗi lần bị cám dỗ, gặp nỗi vui buồn, hãy chạy đến cùng tên Giêsu.

XI. - Ở THẾ GIAN 33 NĂM

          Đời sống Đức Chúa Giêsu chia làm ba giai đoạn:

1)    Ẩn dật.

2)    Công khai.

3)    Vinh hiển.

1) Đời sống ẩn dật. Kể từ ngày sinh, cho đến lúc ra giảng đạo, chừng độ 30 năm. Phúc Âm lược thuật một vài câu truyện trong khoảng thời gian dài dặc này, như tích trốn sang Ai Cập, trở về định cư ở Nazareth, lạc mất ở Giêrusalem hồi 12 tuổi đầu, Thánh kinh tóm lại chỉ trong vài tiếng: “Tùng phục mẹ cha”. (Lc 2,51). “Người càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan duyên dáng trước mặt Thiên Chúa và người ta”. (Lc 2,52; Mt 11,19).

2) Đời sống công khai Chúa Giêsu. Bỏ nơi ẩn dật Nazareth, Người xuống sông Giudong, chịu phép thuỷ tẩy bởi tay Thánh Gioan, lẫn lộn giữa đám người tội lỗi. Người lên núi cao, ăn chay cầu nguyện. Để nêu gương chiến đấu với tà ma, Chúa ban phép cho Satan lại gần cám dỗ. Người lanh lẹ chống trả, dạy ta chớ dại nghe theo nguỵ thần. Đoạn Người đi rảo khắp làng mạc thị thành, mà rao giảng Phúc Âm, dạy cho biết cách cải thiện đời sống, ăn ở xứng đáng người con Thiên Chúa. Người nghèo khó quê mùa, sẵn sàng nghe Chúa giảng dạy, đón nhận lời Người như một hột giống tốt lành rơi xuống trên đất phì nhiêu; còn đầu mục Thầy cả, biệt phái thông tư, vì lòng tự ái kiêu hãnh ghen ghét Thầy Giêsu, được nổi tiếng hơn mình, chúng hằng theo dõi rình mò tìm phương bắt bẻ, kiếm cách sát hại. Để chứng minh chức vụ Thiên sứ của mình, Người làm nhiều phép lạ: chữa đã bệnh tật, xua trừ quỷ ma, cho kẻ chết sống lại. Người tiên phán nhiều điều hậu lai, nhất là về cái chết nhục nhã của mình, ngày thứ ba sống lại; về Giáo Hội sẽ tồn tại giữa trăm ngàn bách hại giông tố: và mọi sự đều xảy đến y như lời Người tiên báo. Người dạy chúng ta về bản thể Thiên Chúa, về sứ mệnh cứu tinh của Người, truyền cho ta mến Chúa trên hết mọi sự, yêu người như chính bản thân, làm lành cho người làm dữ; cuộc đời công khai, Chúa đã phó mình trong tay kẻ dữ chịu hành hạ đau khổ hết sức; sau cùng chịu đóng treo vào thập giá, chết tất tưởi giữa hai người trộm cướp.

Lời nhắn nhủ:

1)    “Hãy học với Thầy cho biết Thầy hiền lành khiêm nhượng trong lòng”. (Mt 11,29).

2)    Sống trong gia đình, ta năng tự hỏi: Chúa Giêsu ở đây, Người làm thế nào?

XII. - CHUỘC TỘI CHO THIÊN HẠ

1)    Chúa Giêsu chuộc tội cho thiên hạ cách nào?

Ta phạm đến ai, nếu người bị xúc phạm là vị cao cấp, tội ta càng trọng: điều ta vi phạm càng to tát, lỗi ta càng nặng nề. Nhân loại nhỏ hèn, mống lòng lộng lược phỉ báng Chúa cả Trời đất, không thèm tuân vâng luật Chúa, cố tình làm theo ý mình, tội nặng tày trời nan phương đền cho cân xứng: Tội cả nhân loại chồng chất như núi, thẳm sâu như biển, làm sao đáng Chúa thứ tha? Ta chớ ngã lòng, có Chúa Giêsu thuộc dòng con cháu Adong, liên đới với ta. Chúa Giêsu là con thật Chúa Cha; mọi việc Người làm, sự khốn khó Người chịu, đều mang nặng giá trị vô biên, đủ thế lực làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa Cha, và đền bồi các sự lầm lỗi chúng ta, một cách dư dã. Tự sức ta là loài phản bội, không làm nên trò dáng gì nên thân; nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, chung cùng với Người, các việc làm của ta, được tăng giá trị. Ta chỉ cần tháp nhập vào Người, dựa cậy vào công huân Người, ta sẽ huỷ diệt tội lỗi, đền bồi cân xứng, và lãnh nhận ơn Chúa thứ tha: vì cái chết của Chúa Giêsu thừa sức cứu vãn tất cả mọi người.

2)    Chúa sống lại nghĩa là làm sao?

Hai môn đệ được phép quan trấn thủ, bắt thang hạ xác Chúa xuống, ướp thuốc thơm tho, mai táng vào trong huyệt đá mới của Giuse đã sắm sẵn cho mình. Các kẻ đầu mục, đến niêm yết tảng đá lấp mồ và đặt một toán lính canh. Nhưng lòng sâu độc của người thù ghét, không sức chống đối nổi với uy quyền của Chúa Giêsu. Rạng ngày thứ ba, giờ nào không rõ, linh hồn Chúa Giêsu trở về, hiệp với xác, ra khỏi mồ oai nghi sáng láng: Nhưng để chứng minh cho thiên hạ biết, mình đã sống lại, không lẽ để cửa mồ đóng kín bị niêm phong, Chúa sai Thiên thần đến lăn tảng đá, và ngồi lên trên, mặt mũi sáng chói, như ánh huy hoàng. Quân canh cả khiếp chạy về loan báo: “Đứng trước quyền phép linh thiêng, chúng tôi làm gì chống nổi?” Rạng ngày, mấy bà bưng bình thuốc thơm, chạy ra thăm mộ, ngõ hầu ướp xức xác Thầy, để mai táng lại phải thể hơn, xứng với lòng thương mến của mình. Ngó tới đàng xa, thấy cửa mồ đã mở, các người khiếp sợ; lại gần được gặp Thiên thần và nghe: “Các Bà chớ sợ, Giêsu Nazareth các Bà tìm kiếm tại mồ, còn đây đâu nữa? Người đã sống lại như Người đã phán trước nhiều lần”. (Mt 28, 5-6). Các bà về loan báo cho môn đệ hay tin hoan lạc này. Họ cho các bà nói sảng. Mađalena trở lại một mình, gặp hai Thiên thần và chính Thầy Giêsu, nhưng vì nước mắt chan hoà, không nhìn rõ ai, tưởng đâu là bác giữ vườn. Chúa liền gọi đích danh: “Hỡi Maria” (Gio 20,16). Nhận ra là chính tiếng Thầy mình, Maria ngước mắt lên nhìn kỹ, lòng đầy hỉ hoan, miệng kêu lên: “Thầy” (Ibid); đầu cúi sát đất, hai tay ôm lấy chân Thầy; cũng nội ngày ấy, Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ đi làng Êmau, đến thăm thánh Phêrô và các Tông đồ; một tuần sau đó, Chúa hiện về cùng các môn đệ, có cả Tôma nữa. Mỗi lần môn đệ hoài nghi, đoán là tinh ma, nên đâm ra sợ hãi. Chúa Giêsu lại gần, chỉ trỏ năm dấu đinh thương cho môn đệ xem rõ; Người biểu hãy rờ, hãy xem kỹ: tinh ma đâu có xương thịt thế này! Các môn đồ nhận thật Thầy Giêsu đã mai táng trong mộ, đã chết thật như kẻ khác; nay họ thấy mộ trống; lại nhiều người đã gặp Chúa Giêsu sống động, tất nhiên phải công nhận: Người ở trong cõi chết, đã sống lại thật. Mộ Người trống không nằm trên đồi “núi Sọ”, còn nguyên vẹn đó, chứng minh mầu nhiệm Phục sinh. Đức Chúa Cha hoàn toàn chấp nhận công huân cứu vãn của Người, nên đã cho Người sống lại. Đồng thời cũng là triệu chứng: ngày sau ta sẽ sống lại vinh hiển với Người, nếu bây giờ ta quyết tâm đóng đanh dục tình, và đồng sanh đồng tử với Chúa.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Người thương tôi trước nên phó mình chịu chết vì tôi” (1 Gio 4,10; Eph 5,2). “Người sống lại như lời tiên báo; Người sẽ về trước ở Galilêa” (Mt 28,6-7).

          2) Siêng năng làm dấu Thánh Giá. Cố sức làm cho tử tế, nhớ tưởng sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Khi gặp rủi ro: ta nên giục lòng nhớ ngày sống lại.

XIII. - KHỎI BỐN MƯƠI NGÀY LÊN TRỜI

1)    Đức Chúa Giêsu sống lại, có ngự về trời liền không?

Trên con đường lữ khách, linh hồn còn ở trong xác, bị thể xác hạn chế cản trở, hành động lệ thuộc vào các cơ quan thể xác. Nhưng khi ta sống lại vinh hiển xác ta thay đổi không còn yếu đuối nặng nề, nó sẽ nhẹ nhàng theo linh hồn lanh chóng. Xác Đức Chúa Giêsu sống lại, không còn lệ thuộc với các định luật trần gian, không cần ăn uống ngủ nghỉ, không thể bị đả thương, đau khổ như hồi trước nữa. Xác đã sống lại vinh hiển ấy phải về nơi thiên quốc, mà hưởng nhận vinh quang đời đời. Song Đức Chúa Giêsu còn khấng lưu lại trần gian, thêm 40 ngày, để cho môn đệ vững lòng mạnh tin, dạy thêm các Tông đồ mọi lẽ chân chính, giải thích cho họ ý nghĩa Thánh Kinh, và lập đủ mấy phép nhiệm tích, ban bố những ơn quý trọng, do sự chết và sống lại của Người lập ra.

2)    Đức Chúa Giêsu lên trời ở đâu?

Ngày cuối cùng, Chúa dùng bữa với các môn đệ. Họ mong chờ Người lập một nước thịnh vượng ở giữa trần gian. Người rằng: “Chúng con hãy dọn mình đón nhận Đức Chúa Thánh Thần và sẽ chứng minh Thầy cho đến tận cùng thế gian”. (Act 1,8). Ý định Người là các Tông đồ sẽ đi khắp thế mở rộng nước Chúa, không phải lo lập nước thế gian đâu. Thầy trò đưa nhau trèo lên núi cây dầu phía đông đền thờ, dặn bảo mấy lời tâm quyết cuối cùng, và chúc lành hết thảy, Đức Chúa Giêsu hồn xác bay ngự về trời. Cả triều thần thánh vui mừng đón rước, Đức Chúa Cha đặt Người bên hữu mình, ban thưởng trọng hậu Con một dấu yêu, vì mọi công nghiệp Người đã sáng lập, và triệt để vâng lệnh Chúa Cha. Rày ở trên trời, Chúa Giêsu cầu bàu cho ta, theo dõi mọi người trong ta, dọn chỗ tiếp đón chúng ta. Ta có một vị môi giới thế lực: dựa cậy vào Giêsu khởi hoàn, ta sẽ đủ sức chiến đấu. Gặp nỗi gian truân, ta chớ phàn nàn; hãy ngước mắt ngó lên, ta sẽ chóng quên những của trần tục.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Thầy về cùng Đức Chúa Cha, dọn chỗ cho chúng con; nay mai chúng con về với Thầy”. (Gio 14,2-3).

          2) Mỗi lần gặp nỗi khó khăn, ta chớ cụp mặt xuống đất, phải đưa mắt lên trời: Quê ta ở đó.

XIV. - MƯỜI NGÀY LẠI CHO ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

1)    Mười ngày tiếp sau các Thánh Tông đồ làm gì?

Các Tông đồ tề tựu nhà tiệc ly, hiệp cùng Mẹ Maria, sốt sắng cầu nguyện, mong chờ Đấng An Ủi đến. Trí lòng đưa nhắc về trời, cầu xin Ơn Trên cho mình đủ sức đi khắp thế giảng đạo. Tuy dẫu đã gặp Thầy mình sống lại lên trời, nhưng trí còn tối tăm yếu đuối, lòng đầy sợ sệt, chưa dám công khai rao giảng danh Người; cửa nhà đóng kín, sợ người Do Thái đột nhập bắt bớ. Ta muốn đón nhận Ngôi Ba Thánh Thần, ta hãy bắt chước các Thánh Tông đồ, siêng năng cầu nguyện, tránh xa những chỗ ồn ào; kêu nài Đức Mẹ giúp sức.

2)    Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống làm gì?

Năm mươi ngày sau Chúa sống lại, giữa lúc cầu nguyện sốt sắng, bỗng chốc một luồng gió thổi mạnh vào nhà tiệc ly. Mọi người giật mình chăm chú thì Đức Chúa Thánh Thần lấy hình bầu lửa ngự đến, chia ra từng ngọn hình lưỡi, đổ xuống trên đầu mỗi người: như lửa luyện vàng, đốt cháy những đồ dơ bẩn, thông ra sức nóng của mình, thì Chúa Thánh Thần ngự xuống, đốt lòng các Thánh Tông đồ, luyện sạch mọi bợn nhơ tội lỗi, khai quang tâm trí, cho họ hiểu sâu xa những sự mầu nhiệm Chúa Giêsu dạy truyền, thêm sức cho họ can đảm lướt thắng mọi trở lực, đặt vào miệng lưỡi những lời đanh thép hùng hồn, cao rao danh Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại.

“Và Hội Thánh mới lập”. (Act 2,1). Hội Thánh Đức Chúa Giêsu lập sau 3 năm truyền bá đức tin, vỏn vẹn chỉ có 500 người.

Chính ngày hiện xuống, Thánh Phêrô đứng lên rao giảng Chúa Giêsu chịu chết, sống lại. Nội ngày có 3.000 người xin chịu phép rửa tội. Tín đồ mỗi ngày tăng số; nhằm lúc bắt bớ, các Tồng đồ và tín hữu tản mác nhiều nơi, đem vào Giáo Hội một số đông đảo. Thánh Phêrô, Phaolô sang tận La Mã rao giảng tin lành. Các Tông đồ truyền đạo ở đâu, đặt người thay thế tiếp tục việc mình. Suốt 20 thế kỷ đạo Chúa được giảng khắp nơi. Kitô hữu, dưới quyền chỉ huy các vị Giám mục, với sự cộng tác của hàng linh mục, có Đức Giáo Hoàng đại diện Đức Chúa Giêsu lãnh đạo tối cao, lập thành một đoàn thể lớn lao, gọi là Hội Thánh Chúa Giêsu. Giáo Hội nhờ sự chỉ dẫn soi sáng của Chúa Thánh Thần, hằng dạy những điều chân chính, rút trong kho tàng mạc khải và áp dụng những nhiệm mầu bí tích, phân phát ơn Chúa tràn trề. Ở trong Hội Thánh ai tuân giữ những điều Hội Thánh truyền, khỏi đi sai lạc, và lãnh nhận ơn Thiên Chúa giúp mình nên Thánh.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Lòng thương của Chúa đổ tràn vào tâm hồn ta, nhờ ban Chúa Thánh Thần xuống cho ta”. (Rom 5,5).

          2) Giáo Hội là Mẹ nhân lành, ta hết lòng mến yêu, tuân giữ mọi điều, Người dạy: chớ hề chống báng. Giáo Hội ở giữa trần gian, các phần tử thảy là người phàm dương thế, không thể cởi bỏ mọi khuyết điểm nhân tính, chớ vội đoán xét nhặt nhiệm mà hoài nghi khinh bỉ.

XV. – AI CHẲNG THÔNG CÔNG CÙNG HỘI THÁNH ẤY THÌ CHẲNG ĐẶNG RỖI LINH HỒN

1)    Thông công cùng Hội Thánh ấy nghĩa là gì?

Hội Thánh là Hội Chúa Giêsu sáng lập, đưa dẫn người lữ khách trần gian tiến về nước trời. Muốn khỏi nắng mưa, ta phải vào nhà núp ẩn. Toà nhà của Chúa xây dựng ở giữa trần gian, là Giáo Hội; ai ở trong Giáo Hội ấy, được làm con Chúa, được biết những điều phải tin, được sức mạnh dồi dào, để tuân giữ luật Chúa, chống trả với mọi giống thù địch. Muốn vào trong Hội Thánh, cần phải có ơn Chúa thúc đẩy tự sức không thể nào được; lại cần phải tin những điều Chúa dạy, chịu phép Thánh tẩy thật sự, ít ra với lòng ước muốn. Ai biết rõ những điều cần kíp, nếu khăng khăng một mực không muốn tin vâng, kẻ ấy chẳng được ở trong Hội Thánh; nhưng cũng có kẻ tuy không biết Chúa, chưa chịu phép Rửa tội, song thành thật vâng giữ những điều lương tâm chỉ vẽ, tuy dầu bề ngoài, chưa được gia nhập Hội Thánh, nhưng thật sự bên trong, đã được ơn Thánh sủng, nên cũng được gọi là trong Hội Thánh, xét theo nghĩa rộng. Vì vậy ta chớ ngã lòng: Rất hy vọng Ông Bà Tổ Tiên ta, chưa nghe biết Chúa, mà cũng được ơn cứu rỗi.

2)    Chẳng đặng rỗi linh hồn nghĩa là gì?

Chúa đã phán: “Nếu ai không tái sanh, chẳng được nhập vào nước trời”. (Gio 3,5). Nhập vào nước trời, hay là được cứu rỗi, cũng là một. Giờ lâm chung, ai chết trong ơn thánh Chúa, kẻ ấy được sống đời đời, và được làm con cái Chúa, thừa kế sự nghiệp Chúa Cha. Vậy ai biết rõ, mà cả lòng tự loại mình ra, không ở trong Giáo Hội của Chúa, không tuân giữ luật Người, thì không thể nào đạt được ơn cứu rỗi. Nhiều người vì lòng ngạo mạn, vì tánh tự đắc, vì dục tình, tự ý tách lìa ra khỏi Giáo Hội, chống báng, vì nhận thấy đôi điều khuyết điểm nơi vài phần tử Giáo Hội, đành bỏ Giáo Hội lập ra đạo lạc, bè rối, hoặc xuyên tạc chế biếm những lẽ đức tin, kẻ ấy không còn ở trong Giáo Hội; thế tất chẳng đặng rỗi linh hồn. Ta phải cám ơn Chúa, vì Người cho ta ở trong Giáo Hội Người; chớ dại nghe theo lời quyến rũ, mà hoài nghi những lẽ đức tin; lại cố sức hướng dẫn nhiều người còn xa Giáo Hội, vui lòng nhập tịch ràn chiên của Chúa.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Thầy sẽ xây Giáo Hội trên đá này, và các quỷ hoả ngục không tài nào lay chuyển”. (Mt 16,18).

          2) Ta hãy siêng năng cầu nguyện cho bà con xa gần, gia nhập Đạo Thánh Chúa. Thật lòng thương yêu giúp đỡ người nghèo khó, thiếu hụt, nhất là về phần thiêng liêng.

XVI. – LINH HỒN LÀ TÍNH THIÊNG LIÊNG, CHẲNG HỀ CHẾT ĐẶNG

1)    Linh hồn là gì?

Con người có hai phần: Thể xác, Linh hồn. Phần xác do cha mẹ sinh ra, nuôi nấng, phải nhờ lương thực vật chất, mới có thể sống được. Thể xác gồm có trên ba triệu tế bào, kết cấu thành những cơ quan tinh xảo, sinh hoạt với với những mục đích riêng biệt. Vì có nhiều tế bào hợp thành cơ thể, lúc bệnh hoạn già nua, có những bộ phận tê liệt thương tích, phát ra nhiều chứng bệnh, sinh ra sự chia rẽ, đem lại cái chết tán loạn. Linh hồn là tính thiêng liêng, hiểu biết, mến yêu những sự vô hình, thật là đơn thuần, không cảm giác; không tan rã, đời đời tồn tại; Hiệp cùng thân xác, tạo nên con người; giúp xác sống động, khi hồn lìa xác để xác trơ trọi nát thối; ra trước toà Chúa, hồn lãnh nhận bản án định đoạt kiếp sống đời sau. Được chết trong ơn thánh Chúa, hồn lên Thiên đàng, hưởng phước vui vẻ. Nếu chưa vẹn sạch, tạm vào luyện ngục một khoảng thời gian, sau mới về cùng Chúa. Rủi mang tội trọng, phải trầm luân hoả ngục, chịu phạt đời đời, chẳng bao giờ được vào nhà Cha cả trên trời.

2) Đến ngày tận thế xác sẽ sống lại... Theo định luật tự nhiên xác ta một phen tan rã, trở về bụi đất, nan phương gặp lại sự sống. Thiên Chúa yêu thương định đoạt cách khác. Người ta cho biết: Đến ngày tận thế, hồn ai trở lại xác ấy, từ Adong cho tới người rốt cùng; mọi người sống lại, đều đến trình diện trước toà Chúa Giêsu. Vì xác ta cộng tác chặt chẽ với hồn thiêng, làm lành lánh dữ, thì cả hai cùng được hợp nhất, đời đời sống mãi: Để lãnh phần thưởng hoặc mang án phạt đời đời.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Hỡi các kẻ Cha Ta chúc lành, hãy vào nhận lãnh nước Cha Ta sắm để từ ngày tạo lập thế gian. Hỡi đồ khốn nạn, đáng chúc dữ, hãy ra khỏi mặt Ta, vào trong lửa đời đời, đã sắm dọn cho quỷ dữ và bộ hạ nó”. (Mt 24,34-41).

          2) Trước khi toan làm việc gì, ta hãy tự hỏi: làm việc này xong, đến trước toà Chúa, tôi sẽ ra thế nào?

XVII. - KẺ LÀNH LÊN THIÊN ĐÀNG KẺ DỮ SA HOẢ NGỤC

1)    Thiên đàng là gì?

“Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng”. Ở thế gian phép công bình thưởng phạt, ít khi được thi hành cho đúng. Có người thánh thiện, mà cứ bị rủi ro; việc lành không được khen thưởng, lắm phen tội ác lại được tán dương. Nhiều khi phần thưởng phần phạt, không cân xứng chút nào với tội phước, vì người ta không thấu tận nhân tâm, không biết được mọi điều cặn kẽ. Nơi Thiên Chúa khác hẳn: mọi sự đều bày tỏ trước mặt Người, dầu những sự kín nhiệm trong lòng ta, con mắt Chúa đều trông rất rõ ràng tỉ mỉ. Đóng cửa phòng cầu nguyện, nhìn xem một người phụ nữ cách chẳng sạch trong, ngấm ngầm quyết tâm nhiễu hại kẻ khác, ước muốn những điều tà vạy trong lòng, Chúa đều thấy cả. Lúc ra trước toà Người, nếu ta được đầy ơn Chúa, làm nhiều việc lành, lánh xa tội lỗi trong thuở bình sinh. Ta sẽ được nhận vào sổ con cái đời đời, chung sống với các vị Thần Thánh, đồng hưởng Thiên Chúa Ba Ngôi: Hiểu biết Người một cách sâu xa, mến yêu Người một cách nồng hậu, ta sẽ thấu suốt những điều mầu nhiệm cao cả trong Chúa, mà lúc ở trần gian, ta chỉ được biết sơ một cách mờ ám nhờ đức tin. Trong Chúa ta sẽ nhận thấy những sự tốt lành đáng chuộng nơi Đức Mẹ, Chư Thánh, nơi ta, và những người liên hệ của ta, cùng muôn vàn điều mỹ thiện khác trên trời dưới đất.

2)    Hoả ngục là gì?

Hoả ngục là nơi Chúa sắm để phạt quỷ ma và kẻ dữ, liều mình nghe theo nó. Chúa Giêsu đe doạ sẽ bị trầm luân vào đó, những ai khinh chê luật Người, chỉ biết nghe theo tà thần xác thịt; trong đó có lửa thiêu đốt đời đời, ở lẫn lộn cùng các quỷ dữ, khóc than, rên siết, nghiến răng, hầm hực, hùa nhau than trách số phận, tức giận mình, phản đối Chúa. Dầu không thể biến tan huỷ hoại, thì cũng không còn hy vọng thoát khỏi nơi cấm cố khốn nạn bao giờ: tiếng “đời đời” vang dội bên tai mãi mãi! Khi hồn lìa xác, nếu mắc tội trọng, tức khắc phải xô xuống hoả ngục. Đến ngày tận thế, hồn nhập với xác sống lại; sau lời tuyên ngôn bản án cuối cùng, cả xác và hồn đồng với nhau bị phạt đời đời.

Trong dụ ngôn người giàu có ích kỷ hà tiện, Chúa Giêsu tả cho ta biết Lazarô, được dự tiệc trên trời, dựa đầu vào lòng Abraham; còn người giàu có, bị chôn vùi trong hoả ngục, không chút gì an ủi; mong chờ một giọt nước, do ngón tay Lazarô nhỏ xuống, mà cũng chẳng được! Nếu ta biết ăn no lo xa, ta hãy năng nhớ thiên đàng, hoả ngục, làm tròn bổn phận, chớ ngại khó khăn, ta sẽ lập được nhiều công huân, nhất là trong việc thương người; sau này đáng Chúa ban khen: “Chúng con làm gì cho một người nhỏ mọn trong anh em, ấy là làm cho chính mình Thầy”. (Mt 24,40).

Lời nhắn nhủ:

          1) “Hỡi đầy tớ trung nghĩa, hãy vào trong sự hỷ hoan chủ mình”. (Mt 25,21; Lc 19,17).

          2) Trước khi đi ngủ, ta hãy nhớ đến đời sống hậu lai, giục lòng hối cải, xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi suốt đời.

XVIII. – TIN MÀ THÔI CHƯA ĐỦ - CÒN PHẢI GIỮ ĐIỀU RĂN

          1) Tin mà thôi chưa đủ, các quỷ trong hoả ngục cũng tin có Chúa, nhưng họ cứ chấp nê phản đối với Người. “Ai yêu mến Thầy, giữ trọn luật Thầy” (Gio 14,23). Tin Chúa, là tỏ lòng khâm phục, nhận nhìn lời Chúa là lời chân thật. Để tỏ lòng mến yêu, ta còn phải giữ những lệnh Chúa truyền, phải dùng những phương pháp Chúa lập. Một đứa con trung hiếu, tìm hiểu ý cha mẹ, và ra sức tuân giữ. Thánh ý Chúa được tỏ bày trong luật tự nhiên, khắc in vào lương tâm mọi người, chép vào Thánh Kinh, thành 10 điều răn của Chúa lại còn lề luật Hội Thánh, và các việc bổn phận hằng ngày tuỳ theo đấng bậc giai cấp mỗi người. Ai giữ trọn các lề luật ấy, thì tỏ ra thật lòng mến Người.

          Mười điều răn chia làm hai mục:

          Một là về Chúa, hai là về người. Ba điều răn trước, nhắm việc thờ phượng kính tôn, làm rạng danh Chúa; bảy lề luật sau chỉ về người ta, theo lẽ công bình bác ái. Mười lề luật ấy tóm lại vào hai điều: “Mến Chúa trên hết mọi sự. Yêu người như mình ta vậy”. (Mt 22,37-39).

2)    Sáu luật điều Hội Thánh

Hội Thánh là Mẹ nhân lành, hết lòng lo cho con cái giữ trọn luật Chúa dễ dàng, nên đã ra thêm sáu điều luật khác, chỉ cách phải thờ phượng Chúa thế nào, phải đền tội làm sao, phải dùng phương pháp nào, hầu giữ ơn Chúa trong lòng.

Mỗi người có bổn phận riêng mình: kẻ làm thủ lãnh cấp trên, người làm phụ thuộc cấp dưới. Mỗi người phải làm tròn bổn phận của mình, mới đẹp lòng Chúa, giúp ích cho cả nhân loại. Việc trọng, việc hèn, nếu ta làm tử tế tuỳ sức, vì lòng mến Chúa, thảy đều nên công nghiệp trước mặt Người, đáng thưởng trên nước Thiên Đàng. Chẳng cần tìm đâu cho xa, chăm chú làm tròn phận sự mỗi ngày, vừa đền bù tội lỗi riêng ta, vừa làm rạng danh Chúa cả, vừa mưu ích lợi cho toàn thế giới.

Lời nhắn nhủ:

1)    “Ai mến Thầy sẽ giữ trọn luật Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”. (Gio 14,21).

          2) Tìm biết bổn phận hằng ngày, gắng sức làm cho trọn vẹn, dầu những sự nhỏ mọn bằng mấy, sẽ được Thiên Chúa ban khen! Ta chớ hành động lôi thôi, bê trễ bổn phận, Chúa sẽ thêm sức giúp ta, thắng lướt mọi điều trở ngại.

XIX. – TA PHẢI SỢ HÃI VÀ TRỐN TRÁNH CÁC TỘI LỖI

1)    Tại sao phải sợ tội?

Tội là khi ta cố tình lỗi phạm luật Chúa: hiểu rõ điều Chúa dạy, mà không muốn làm, biết việc Chúa cấm mà không lo tránh, để theo dục vọng hoặc lo ngại mất lòng kẻ khác. Dùng trí khôn và các cơ thể, là của Chúa ban, mà phản bội với Người, biết mình yếu đuối hay sai, mà dám cho mình là khôn là đúng, cả gan lấy Chúa làm thua một vài sự vật; thật là ngạo mạn bất công, vô ơn, đáng ghét. Những tật nguyền bệnh hoạn, những sự túng cực rủi ro, có thể làm cho ta cực lòng đau khổ; nhưng nếu Chúa muốn dùng, để thử thách ta, thì các sự khốn khó ấy không còn thật là sự dữ nữa, song biến thành phương thế cho ta lập công đền tội. Chí như tội lỗi, hoàn toàn xấu xa, ta phải lo sợ, vì nó tách lìa ra khỏi Chúa, làm cho hồn nhớp bẩn. Kìa xem Thiên Chúa nhơn từ vô hạn, mà phải dựng nên hoả ngục, để phạt kẻ có tội đời đời! Hãy nhìn lên Thánh Giá, ta sẽ nhận biết tội lỗi xấu xa ngần nào, nên con Thiên Chúa đã phải cực hình tử nạn, mới chuộc tội lỗi ta. Bà Thánh Blanca quen nói cùng Hoàng Tử Lu-Y thứ IX rằng: “Thà mẹ thấy con chết trước mặt mẹ, chẳng thà thấy con sa phạm tội gì”.

2) - Nhất là bảy mối tội đầu. Bảy mối tội đầu, thật ra chưa phải là tội, chỉ là khuynh hướng đưa ta đến tội. Từ ngày Adong phạm tội, xác thịt nổi lên, tìm cách chế ngự linh hồn, làm cho linh hồn tối tăm yếu đuối; lấy mình làm trọng quá mức, nên đòi hoàn toàn tự đắc: ấy là kiêu ngạo. Chuộng yêu của cải đời này hơn sự sống đời sau, sinh ra hà tiện; tìm dục tình, trái ngược với sự sạch trong: đó là dâm dục. Người ta được thịnh lợi may mắn, ta đau lòng xót ruột, kẻ khác lâm phải gian truân, ta khoái thích vui sướng, ấy là tính ghen tương; ăn uống sa đà quá sự cần thiết đó là tội mê ăn; chẳng biết cầm mình vừa phải trước sự trở ngại khó khăn, sinh ra lòng hờn giận; dong dưỡng thân xác, không cố gắng ép mình làm tròn bổn phận, ấy là lười biếng. Nếu ta không lo giữ trọn luật Chúa, ép mình chịu khó, thì các mối tội đầu sẽ xô ta lăn vào đủ giống tội, ta hãy kiểm thảo thử xem tính tình ta nghiêng chiều về giống tội nào mạnh hơn, và hãy cầu xin Thiên Chúa, bàn bạc với người khôn ngoan, cố sức thắng lướt tính xấu làm đầu, và làm những việc trái ngược với nó, ta sẽ dễ dàng lánh xa tội lỗi.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Ai làm điều tội, kẻ ấy trở nên nô lệ của tội”. (Gio 8,34).

          2) Can đảm nhận nhìn lỗi mình, mỗi khi sa ngã, kêu cầu với Chúa giúp ta, ép mình thắng trị tánh xấu, ta sẽ chóng nên người đạo đức.

XX. – TA PHẢI ÂN CẦN LO LẮNG CHỊU CÁC PHÉP BÍ TÍCH

1)    Phép Bí tích là gì?

Nhân tính của Chúa Giêsu, biểu lộ hình ảnh Thiên Chúa cho ta, như lời Đức Chúa Giêsu đã phán: “Ai thấy Thầy thì thấy Đức Chúa Cha”. (Gio 14,9). Các Thánh Tông đồ trực tiếp nhìn thấy thể xác của Chúa Giêsu, được biết tâm tình cao thượng linh hồn của Chúa; đồng thời gián tiếp biết thiên tính trong Người. Thiên Chúa tuỳ theo bản tính con người, dùng lấy những sự hữu hình, mà đưa ta lên tới những vật vô hình. Thiên Chúa nguồn mạch mọi ơn, khấng dùng nhân tính của Chúa Giêsu, thông ban cho ta các ơn Thánh Người. Rày Chúa Giêsu đã ngự về trời, Người khấng để lại những Phép Bí Tích, kho tàng quý báu, chứa đựng ơn thiêng của Chúa. Phép Bí Tích là một dấu bề ngoài, ta có thể cảm giác, như nước rửa cho sạch đồ dơ, dầu xức, để làm thuốc chữa bệnh lành đã; Bánh rượu là thực phẩm nuôi sống, những sự vật ấy mang theo một ý nghĩa cao siêu, nhờ lời Chúa truyền phải đọc, để chỉ ơn Thánh đặc biệt. Đồng thời Chúa buộc vào đó một sức thiêng liêng, thật sự ban phát những ơn ám chỉ. Các dấu nhiệm ấy được Chúa sáng lập, cho ta lãnh dùng, hầu nhận lấy đầy tràn ơn Chúa, trang điểm linh hồn, thêm sức giúp ta làm lành lánh dữ; ai tin lời Chúa, ân cần năng chịu bí tích, sẽ được ơn Chúa dồi dào, miễn là ta không đặt ngăn trở.

2)    Có bảy Phép Bí Tích

Trong đời sống con người, phải sinh mới bước vào trong xã hội; muốn sinh trưởng vững chắc, cần phải có ăn uống tẩm bổ, dùng thuốc tăng sức; đến khi đau ốm, phải chạy thuốc thang; trong cơn bệnh nặng, cần có bác sĩ điều trị. Trong đời sống thiêng liêng, nhờ phép Rửa Tội, ta được tái sinh, nhận vào số con cái Chúa. Phép Mình Thánh Chúa nuôi dưỡng linh hồn, ta được mạnh sức chiến đấu; xưng đạo mạnh mẽ nhờ Chúa Thánh Thần trong phép Thêm Sức; khi ta phạm tội, chạy đến toà cáo giải, ta liền được sạch tội thêm ơn, trong cơn bệnh nặng nguy hiểm, phép sức Dầu Thánh tha tội quên sót, giúp sức để ta chiến đấu mãnh liệt cùng ma quỷ, có khi hoàn trả sức khoẻ phần xác lại cho ta.

Giữa xã hội muốn cho con cháu nối dòng, nam nữ phải lập gia đình, dân sự phải có người điều khiển. Cũng một lẽ ấy, phép Hôn Phối ban ơn đặc biệt cho kẻ làm vợ chồng cha mẹ; phép Truyền Chức ban quyền giảng dạy, thánh hoá, tế lễ cho một hạng người Chúa chọn, để phục vụ dân Người.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Ai tin và chịu phép Rửa Tội sẽ được cứu rỗi”. (Mc 16,19). “Chúng con tha tội cho ai nấy sẽ được tha”. (Gio 20,23).

          2) Siêng năng xưng tội rước lễ, cầu nguyện cho trẻ em, khi chúng đến nhận các phép Bí Tích. Học hỏi về những ơn riêng mỗi phép, và những sự kiện phải làm, hầu đón nhận những ơn ích các phép ấy.

XXI. – PHÉP RỬA TỘI

1)    Chúa lập phép này bao giờ?

Trước khi toan ngự về trời, Chúa Giêsu dặn bảo: “Chúng con hãy đi, dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ Nhơn Danh Cha và Con và Thánh Thần”. Trước khi lập phép Bí Tích này, chính Chúa xuống sông Dudong, chịu phép thuỷ tẩy bởi tay Thánh Gioan, để chuyển thông qua nước sức nhiệm rửa sạch tội khiên. Về sau truyện trò với Nicôđêmô, Chúa đã phán dạy: “Nếu ai không tái sinh, nhờ nước trong Chúa Thánh Thần, kẻ ấy chẳng vào nước Trời được”. (Gio 3,5).

Phép rửa tội cần cho hết mọi người, nhưng khi ai chịu phép ấy chẳng đặng, ít ra phải có lòng muốn chịu thì mới đặng rỗi. Vì rất cần thiết như vậy, nên Chúa ban phép cho hết mọi người, chẳng trừ loại ai, trong kỳ khẩn cấp, dầu người ngoài đạo, miễn là có ý làm theo lời Chúa, thì cũng thành phép Rửa Tội.

2)    Rửa Tội làm sao? Được những ích gì?

Người ta quen dùng nước, uống cho đỡ khát, rửa cho sạch bợn nhơ. Chúa cũng muốn dùng chút nước tự nhiên, để rửa cho sạch tiền khiên tội lỗi. Vậy để rửa tội, ta cần lấy chút nước lã, thứ nước tự nhiên, dội xuống trên đầu kẻ chịu phép ấy; đồng thời lập lại chính lời của Chúa: “Tôi rửa anh, (chị). Nhơn Danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Ai có tuổi khôn, muốn chịu phép ấy cần phải tin năm sự cần kíp: Thiên Chúa độc nhất, thưởng phạt công bằng, một Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai ra đời, chuộc tội thiên hạ, linh hồn hằng sống lại người có tuổi khôn cần phải thật lòng muốn chịu, ăn năn sám hối, mới lãnh nhận ơn ích phép ấy: Trước là được sạch tội Tổ tông, và các tội riêng mình, sau là được làm con Chúa, đầy tràn Thánh Sủng và những ơn giúp cần thiết cho người có đạo. Phép Bí Tích này, nên như cửa chính, đưa dắt vào nhà Hội Thánh, được quyền lãnh chịu mọi Bí Tích khác, in khắc một dấu thiêng tháp nhập ta với Chúa Giêsu sống lại. Mỗi khi trong nhà, trong họ, có người chịu phép Thánh tẩy, ta hãy vui mừng đến tham dự lễ, cầu xin cho họ nhận lãnh những ơn ích phép ấy, và sống bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Trong ngày Hiện Xuống, các Thánh Tông đồ đã Nhân Danh Chúa Giêsu rửa tội cho 3.000 người tứ chiếng”. (Act 2,41).

          2) Ta hãy năng cám ơn Chúa, đã ban cho ta chịu phép Rửa tội, sẵn sàng thà chết, chẳng thà làm mất chức Thiên Tử. Cầu xin cho có nhiều người lãnh nhận ơn phép rửa tội. Tập quen biết cách rửa tội khi cần kíp.

XXII. – PHÉP MÌNH THÁNH CHÚA

          1) Chúa Giêsu lập phép này bao giờ? (Mt 26,26-28; Mc 13,22-24; Lc 22,19-20; 1 Cor 11,24-25).

          Thứ năm trước ngày chịu nạn, Chúa vào nhà tiệc ly cùng các Tông đồ, ăn lễ Vượt Qua. Chúa cầm lấy bánh, ngửa mặt lên trời, tạ ơn Chúa Cha làm phép, bẻ chia các môn đồ và phán: “Chúng con hãy lãnh lấy mà ăn. Cái này là mình Ta”. (Mt 26,26-28; Mc 13,22-24; Lc 22,19-20; 1 Cor 11,24-25). Đoạn Người cầm chén rượu, làm phép, trao cho các môn đồ, và phán: “Chúng con hãy bưng lấy mà uống: chén này là chén Máu Thầy, sẽ đổ ra cho chúng con và nhiều người, ban ơn tha tội”. (Mt 26,26-28; Mc 13,22-24; Lc 22,19-20; 1 Cor 11,24-25). Sau Người lại thêm: “Chúng con hãy làm việc này, để kỷ niệm Thầy”. (Mt 26,26-28; Mc 13,22-24; Lc 22,19-20; 1 Cor 11,24-25).

          Từ đó về sau, các Thánh Tông đồ và các người kế vị, dùng bánh dùng rượu; thay thế Đức Chúa Giêsu, các ngài đọc mỗi khi ta dự Thánh lễ, ta hãy hiệp cùng Chúa Giêsu, dâng trót đời sống ta làm một với Mình Máu Thánh Người, làm của lễ thượng tiến Chúa Cha, cảm tạ Người, cầu xin Người tha tội lỗi, ban xuống cho ta những ơn cần thiết cho được rỗi linh hồn.

          2) Phép Thánh Thể là của nuôi linh hồn

Thể xác, nhờ ăn uống, mới bảo tồn sự sống, và có đủ sức làm việc. Phần linh hồn, cần phải có ơn Chúa, và Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, làm đồ ăn của uống, cho linh hồn được sống, và đủ sức chống trả với sức thù địch. Ai chịu Mình Thánh Chúa, được kết hiệp chặt chẽ với Người thông ơn sức mạnh, dẹp trừ tính hư, và mặc lấy tâm tình của Chúa; tất nhiên cũng đoàn tụ với anh em, trong đức thương mến. Kết hiệp cùng Chúa như vậy ta được bảo đảm về sự sống đời đời, như lời Đức Chúa Giêsu đã phán: “Ai ăn Mình và uống Máu Ta, kẻ ấy sẽ được sống đời đời”. (Gio 6,55-57). Vậy ta hãy dọn mình cẩn thận, siêng năng chịu phép Thánh Thể, ta sẽ được hưởng nhiều ơn Chúa, thân thiện với Người bành trướng đức bác ái, bao hàm tất cả nhân loại. Nếu rủi đương mắc tội trọng, cần phải xưng tội trước đã; đến dự Bánh Thánh, chẳng phải cốt mua chuộc tiếng khen, hoặc vì ẩn ý nào khác chẳng lành, song là đón nhận lấy Chúa, chặt chẽ kết hiệp với Người. Phải giữ lòng chay, đừng ăn chớ uống vật gì trước một tiếng đồng hồ; còn nước tự nhiên và các thứ thuốc chữa bệnh, uống lúc nào cũng được.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Ai ăn lấy Thịt Ta, được sống trong Ta”. (Gio 6,58).

          2) Ham mộ dự Thánh lễ, cầu nguyện cho mình và cho kẻ khác, siêng năng dọn mình rước lễ, để nuôi sống linh hồn, đủ sức chống lại mọi cơn cám dỗ.

XXIII. – PHÉP GIẢI TỘI

1)    Chúa Giêsu lập phép này bao giờ?

Trước khi chịu nạn, Chúa đã hứa trao quyền buộc mở cho các môn đồ: “Chúng con cởi mở điều gì dưới đất, thì trên trời cũng được cởi mở; chúng con cầm buộc sự gì, thì trên trời cũng cầm buộc điều ấy”. (Mt 18,18). Chính Chúa Giêsu khi làm phép lạ, cũng đã tha tội cho người lầm lỡ. Trong ngày sống lại Người hiện ra cùng các Tông đồ, thổi hơi trên đầu: “Chúng con hãy chịu Đức Chúa Thánh Thần; chúng con tha tội cho ai, nấy được tha; cầm tội ai lại, kẻ ấy bị cầm”. (Gio 20,22-23). Từ đó về sau, các Thánh Tông đồ và các kẻ kế vị, dùng quyền Chúa ban, tha tội cho những kẻ lỡ lầm thú phạt.

2)    Phép Giải tội ban những ơn ích nào?

Sau ơn rửa tội, nếu ta phạm tội, linh hồn nhơ bẩn, mất ơn Thánh Chúa; may thay! Được một diệu kế, là phép Giải tội, để Chúa thứ tha, hoàn trả ơn thánh, gia tăng sức mạnh, ngõ hầu chống trả mọi chước quỷ ma. Muốn chịu phép Giải tội tử tế, cần ăn năn hối cải, buồn tiếc vì đã lỡ dại, làm mất lòng Chúa. Cậy nhờ ơn Chúa, quyết tâm từ bỏ, lánh xa dịp tội. Ta nên dùng những lý lẽ siêu nhiên, để giục lòng ta sám hối, như là suy tưởng tội lỗi xấu xa, xúc phạm đến Chúa cao cả vô biên, đã quá thương ta, cho Con một Người xuống thế chịu nạn chịu chết vì ta, hằng ban cho ta muôn vàn ơn quý trọng, và hứa phần thưởng đời đời cho ta. Vậy mà ta cả dám làm mất lòng Người, đóng đinh con Người lại trên Thánh Giá! Ta thật là đồ khốn nạn, đáng Chúa đánh phạt thẳng tay, nhận chìm xuống lửa hoả ngục. Ta đau đớn hổ thẹn, khiêm tốn nài xin Chúa thứ tha.Đoạn ta thành thật thú hết mọi tội trong ta biết nhớ, cho người đại diện của Chúa. Nhưng trước phải lo xét mình, theo mười điều răn Chúa, sáu điều răn Hội Thánh, bảy mối tội đầu, và bổn phận riêng mình.

Lắng tai nghe lời khuyên bảo chỉ dạy, và giục lòng ăn năn, đang khi Thầy cả giơ tay tha tội. Khi lui về chỗ, đừng quên cảm tạ ơn Chúa, cầu xin Đức Mẹ phụ giúp, cho ta bền lòng giữ nghĩa với Chúa. Ta còn phải làm việc đền tội Thầy cả dạy truyền, lại dâng thêm nhiều việc lành khác, để đền tạ Chúa, xin Người giảm bớt các phần phạt tội ta. Kẻ xưng tội nên, được Chúa thứ tha, lãnh nhận ơn thánh và nhiều ơn khác, giúp ta chừa tội.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Tha tội cho con. Hãy về, đừng phạm tội nữa”. (Gio 8,11). “Sau khi chối Chúa, được Chúa liếc (nhìn) Phêrô ra ngoài, nức nở khóc than”. (Mt 26,75; Lc 22,62).

          2) Nhất là khi phạm tội trọng, hãy vội vàng chạy đến toà cáo giải, tắm gội trong Máu Thánh Người. Điều cần hơn cả, là phải thật lòng ăn năn.

XXIV. - HƯỞNG PHÚC THANH NHÀN

1)    Số phận đời đời định đoạt ở đâu?

Số phận đời đời, do tại giờ chết. Nếu giờ lâm chung, ta mắc tội trọng, chẳng kịp ăn năn, đời đời ta sẽ trầm luân hoả ngục, bầu bạn cùng ma quỷ và bộ hạ nó, chẳng bao giờ đoàn tụ trong gia đình Chúa Cả Ba Ngôi. “Cây xiêu bên nào sẽ nhào bên ấy”. (Eccle 11,3). Suốt đời ăn ở làm sao, trong giờ lâm chung, ta sẽ ngã theo chiều ấy. Vì giờ lâm chung định đoạt số mệnh mỗi người, nên ma quỷ tìm đủ cách trình bày rõ rệt trước mắt ta, những điều lầm lỗi ta đã phạm; nó cám dỗ ta hoài nghi về lòng nhân từ của Chúa, hoặc về những lẽ đức tin tiếc nuối của tạm đời này, không đành lìa bỏ nhân vật mến yêu, và trăm ngàn kế khác. Vì vậy ta phải hết lòng cầu xin, cho được sự bền đỗ trong ơn Thánh Chúa, sức mạnh chống trả mọi chước kẻ thù. Dọn mình sốt sắng chịu phép giải tội, Mình Thánh của ăn đi đàng, phép xức Dầu Thánh, trong khi ta còn tỉnh táo. Năng kêu tên cực trọng Giêsu, Maria, Giuse; năng lập lại lời nguyện vắn tắt: “Con tin mọi điều Chúa truyền, con trông cậy lòng nhân từ Chúa, con mến Chúa hết lòng; con xin dâng mọi đau khổ cho Chúa; con xin vâng theo Thánh ý Chúa mọi đàng”. Thay vì truyện trò khóc lóc, những người thăm viếng kẻ liệt, nên ghé miệng vào tai, sẽ lặp lại những lời nguyện tắt ấy.

2)    Phước thanh nhàn đời đời là gì?

Cái chết là cửa bước vào quê hương đời đời: Ở đó mới thật là sống. Nước Thiên Đàng là chốn vui vẻ, Thiên Chúa sắm sẵn, để thưởng người lành. Trên đó, ta được ngắm nhìn Thánh nhan của Ba Ngôi; hiểu rõ những điều đức tin đã dạy. Ta sẽ mến yêu Thiên Chúa tận tuỵ, hưởng được chính Chúa muôn đời, lòng ta thoả mãn không bao giờ nhàm chán. Ta sẽ gặp lại Chúa Giêsu, mà ta đã quen thuộc ở chốn trần gian, nhờ đức tin, trong sách Phúc Âm, nơi các Bí Tích, nhất là trong phép Thánh Thể, trong Giáo Hội, nơi anh em. Ta sẽ chung sống với Mẹ Maria, Thánh cả Giuse, và triều Thần Thánh. Để ta dễ hiểu, Chúa Giêsu so sánh nước Thiên Đàng với một bữa tiệc linh đình, ăn uống no nê, đủ mùi đủ vị, truyện trò vui vẻ thân mật, không sợ ai dòm hành đố kỵ. Sách Khải huyền gọi Thiên Đàng là Giêrusalem trên trời, thành trì xây bằng đá quý, ở đó không cần ánh sáng mặt trời, vì chính Chúa là mặt trời công bình chiếu rọi, không còn than khóc la lối, không còn đau đớn tật nguyền, nhưng mọi người được sống đầy đủ no nê, bình an vui vẻ.

Lời nhắn nhủ:

          1) “Chúa định mọi người phải chết một lần, liền sau nghe tuyên án”. (Heb 27).

          2) Ta hãy luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị đón rước tử thần, vì “Con Người đến như kẻ trộm” (Mt 24,44; Lc 12,40; Apoc 3,13; 16,15). Ta hãy cầu nguyện và ân cần giúp đỡ những người hấp hối, nhất là trong vòng bà con họ hàng. Ý tứ đọc kinh Kính Mừng, nài xin Đức Mẹ giúp ta chết lành.

          “Con hãy mến Chúa Trời là Chúa con hết trí hết lòng, hết tâm hồn, hết sức lực; và hãy yêu người lân cận như chính mình con”. (Mt 22,37-39; Mc 12,30-31; Lc 10,27).

          “Đức Thương mến gồm trọn cả bộ Luật Chúa”. (Rom 13,10).

 

BẢN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Đức PHAOLÔ VI đọc ngày 30-06-1969

(Theo bản La ngữ)

          (8). – Chúng tôi kính một Đức Chúa Trời, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, tạo dựng sự vật hữu hình, như thế gian này nơi chúng ta đang sống một đời vắn vỏi, và các vật vô hình, như thể các Thần thiêng chúng tôi cũng gọi là Thiên thần, Người cũng tạo dựng hồn thiêng bất diệt trong mỗi người chúng tôi.

          (9). – Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa: Người là Đấng tuyệt đối độc nhất trong bản thể chí thánh, cũng như trong các điều trọn lành khác: toàn năng, thông minh vô cùng, quan phòng mọi sự, ý muốn và lòng thương. “Người là Đấng hằng có” (Xuất ký 3,14) như chính Người tỏ bày cho Maisen, Người là “Thương mến” (1 Gio 4,8), như thánh Gioan Tông đồ giảng dạy: Hằng có và Thương mến, hai danh hiệu này diễn tả khéo léo bản thể của Đấng đã khấng tỏ mình cho chúng tôi; Đấng ấy ngự trị trong “sự sáng không ai tới gần” (1 Tim 6,16), tự hữu, không danh nào diễn đúng, không sự vật nào sánh kịp, không trí khôn nào hiểu thấu. Chỉ mình Người mới cho ta biết được Người một cách đầy đủ đích thực: Người mạc khải cho ta nơi Người có Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con, Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi hằng sống; Người dùng ơn thánh, mời gọi ta thông chia sự sống của Người: ở trần gian còn phải sống trong đức tin lu mờ, trên trời sẽ được sống trong ánh sáng đời đời. Ba Ngôi chỉ có một bản thể Thiên Chúa, mỗi Ngôi hưởng nhận cách khác nhau: Mỗi giây liên lạc từ đời đời kết hợp chặt chẽ Ba Ngôi cùng nhau, làm cho mỗi Ngôi khác biệt, tạo nên sự sống thân mật hạnh phúc của Thiên Chúa chí thánh: sự sống ấy cao siêu, vượt trổi vô cùng mọi điều trí khôn loài người hiểu được. Nhưng chúng ta cám đội tín hữu, dầu chưa biết có mầu nhiệm Ba Ngôi, cũng có thể cùng với chúng ta, chứng minh có một Thiên Chúa.

          (10). - Vậy chúng ta tin Thiên Chúa từ đời đời sinh ra Chúa Con; chúng ta tin Chúa Con là Đức Lời của Thiên Chúa, được sinh ra tự đời đời; chúng ta tin Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba hằng có, bởi Ngôi Cha và Ngôi Con thương mến nhau vô cùng mà xuất hiện. Như vậy, trong Ba Ngôi Thiên Chúa, hằng có như nhau, bằng nhau mọi đàng, Thiên Chúa độc nhất hằng hưởng cũng một sự sống và một hạnh phúc vô cùng tràn đầy sung mãn, một cách tuyệt diệu vinh quang, xứng với bản thể hằng có của Người; và ta phải “luôn luôn tôn thờ một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi trong một Chúa”.

          (11). – Chúng tôi tin kính Chúa chúng tôi là Đức Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa. Chính Người là Lời hằng có, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, đồng bản tính với Chúa Cha; nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã xuống thai trong lòng Đức Trinh nữ Maria và đã làm người: như vậy, về thiên tính, Người bằng Chúa Cha, về nhân tính Người không trọng bằng; trong Người có hai bản tính (không pha trộn), nhưng chỉ có một Ngôi là Ngôi Hai.

          (12). – Chính Người đã sống giữa chúng ta, đầy tràn ơn thánh và chân thật. Người đã rao giảng và lập nước Chúa, mà tỏ bày Chúa Cha nơi bản thân Người cho chúng tôi. Đã ban luật mới Người cho ta, truyền ta phải yêu nhau, như chính Người đã thương ta. Dạy đường hạnh phúc tin mừng: là sống trong tinh thần nghèo khó, hiền lành, nhẫn nại chịu đựng đau khổ, khát khao công chính, rộng lòng Từ bi, giữ lòng trong sạch, kiến tạo hoà bình, chịu bách hại vì lẽ công chính. Người là Chiên Thiên Chúa, gánh tội thế gian, chịu khổ hình bởi Philatô lên án; chết trên thành giá vì chúng ta, đổ máu đào cứu chuộc chúng ta. Được đồ đệ mai táng, ngày thứ ba Người tự quyền sống lại, nhờ đó đưa nâng chúng ta vào ơn thánh là thông phần sự sống Chúa Trời. Người lên trời, ngày sau lại xuống trong vinh quang phán xét kẻ sống người chết, mỗi người tuỳ công tội của mình, kẻ nào đáp ứng lòng Chúa nhân từ yêu thương, sẽ và lãnh sự sống đời đời; còn ai khăng khăng từ chối đến cùng, sẽ phải trầm luân trong biển lửa không hề dập tắt. Và nước Người thống trị vô tận.

          (13). – Chúng tôi tin Chúa Thánh Thần là Chúa, Đấng ban sự sống, được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Người đã nhờ các tiên tri mà phán dạy; Chúa Kitô sống lại, lên trời, đã xin Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần xuống cho chúng ta: Người chiếu soi, ban sự sống, bảo vệ, cai quản Hội Thánh, miễn ta không từ chối ơn Người. Chúa Kitô đã dạy: “Chúng con hãy nên trọn lành, như Cha chúng con trên trời trọn lành” (Mt 5,48). Chúa Thánh Thần xuống tận đáy lòng, giúp chúng ta đủ sức thực thi lệnh ấy.

          (14). – Chúng tôi tin Đức Maria trọn đời đồng trinh, làm Mẹ Ngôi Hai xuống thế là Đức Giêsu Kitô Chúa thật, Đấng cứu chuộc chúng ta; vì ơn riêng Chúa chọn, Mẹ đã được gìn giữ tuyền vẹn không vướng mắc chút bợn nhơ tội tổ, và được trang điểm bằng ơn thánh diễm lệ, vượt xa mọi loài thụ tạo; những đặc ân ấy, Chúa ban cho Mẹ vì Chúa nhắm vào công nghiệp Con Mẹ sẽ cứu chuộc Mẹ cách riêng biệt hơn mọi người.

          (15). - Được liên kết với mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế cứu chuộc một cách chặt chẽ vững bền, Đức Trinh nữ Maria vô nhiễm nguyên tội, mãn cuộc đời trần gian, đã được rước về trời hồn xác và nên giống Con Mẹ từ cõi chết sống lại, Mẹ hưởng nhận trước hết mọi người vinh quang dành để cho người lành thánh sau này; chúng tôi tin Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, như Evà mới, làm Mẹ Hội Thánh, rày ở trên trời, với tình âu yếm mẫu tử, chăm lo chi thể Chúa Kitô, giúp đỡ mỗi người trong ta lãnh nhận và gia tăng sự sống siêu nhiên.

          (16). – Chúng tôi tin mọi người đều mắc tội trong nguyên tổ Adong: nghĩa là tội nguyên tổ đã phạm làm cho nhân tính ở nơi mỗi người, sa vào số phận đa đoan, gánh trên mình các hậu quả của tội ấy: Thuở sơ khai không phải như vậy, vì nhân tính nơi nguyên tổ chúng ta được Chúa tạo dựng nơi sự thánh thiện công chính, con người không mắc tội ác, không bị án tử. Vậy nhân tính sa sụp như thế đã mất ơn thánh mà Chúa điểm trang; năng lực tự nhiên đều mắc phải trọng thương, bị tử thần đô hộ: nguyên tổ truyền lại nhân tính kiệt quệ ấy cho con cháu; lời Thánh kinh dạy: mọi người sinh ra trong tội, phải hiểu theo nghĩa ấy. Vậy chúng tôi xác nhận với Công đồng Triđen, tội nguyên tổ, làm một với nhân tính, truyền lại cho con cháu, qua đường máu huyết, không phải chỉ noi gương, và như vậy là mỗi người đều mắc cả.

          (17). – Chúng tôi tin Đức Giêsu Chúa chúng tôi, đã tế lễ mình trên thánh giá mà cứu chuộc chúng tôi khỏi tội tổ truyền và mọi tội riêng mỗi người trong ta đã phạm, bởi đó thật đúng lời thánh tông đồ: “Đâu càng đầy tội, đấy càng tràn ơn thánh” (Rom 5,20).

          (18). – Chúng tôi tin tưởng tuyên xưng chỉ có một phép Rửa Chúa chúng tôi đã lập để tha tội. Các trẻ em dẫu tự mình chưa phạm được tội gì, cũng phải rửa tội cho chúng, để chúng khi sinh chưa có ơn thánh, được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần, nhận lãnh sự sống siêu nhiên trong Đức Kitô Giêsu.

          (19). – Chúng tôi tin kính Hội Thánh, độc nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền mà Chúa Giêsu Kitô sáng lập trên nền đá là thánh Phêrô. Hội Thánh là nhiệm thân Chúa Kitô, là một xã hội hữu hình, có những cơ cấu phẩm trật, đồng thời là cộng đồng thiêng liêng; Hội Thánh ở trần gian, là dân Chúa lữ khách dưới thế, và được trang bị của quý trên trời; là hạt giống và khởi điểm Nước Chúa, Chúa dùng để tiếp tục công việc và đau khổ của Đấng Cứu thế qua các thế hệ. Hội Thánh đang hết lòng mong đợi ngày được kiện toàn trong vinh quang sau ngày tận thế. Trong các thời đại, Chúa Giêsu dùng các bí tích bởi sự viên mãn của Người thông ra, mà đào luyện Hội Thánh Người. Nhờ đó, bởi ơn Chúa Thánh Thần ban sự sống và thúc đẩy, Hội Thánh giúp các chi thể thông chia mầu nhiệm tử nạn, Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy gọi hội ấy là Hội Thánh, dẫu trong nội bộ có con cái tội lỗi, vì trong thân mình Hội Thánh, không có sự sống nào khác ngoài sự sống siêu nhiên: ai được sự sống ấy sẽ nên người thánh thiện, kẻ nào lìa xa sự sống ấy sẽ phạm tội, nhuốm bẩn linh hồn, ngăn chận nó không để rạng ngời khắp nơi. Vì thế Hội Thánh đau lòng và đền tội thay, và có quyền dùng Máu Thánh Chúa Kitô và ơn Chúa Thánh Thần mà rửa sạch con cái cho khỏi những tội lỗi ấy.

          (20). - Hội Thánh, thừa kế các lời Chúa hứa và là con ông Abraham theo tinh thần, nhờ dân Israel: vì dân ấy để lại Thánh kinh mà Hội Thánh đang âu yếm giữ gìn và tôn kính các tổ phụ tiên tri của họ. Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ. Qua các thế hệ, nhờ Đấng kế vị thánh Phêrô và các giám mục giao hảo với Người, Hội Thánh trung thành chuyển giao giáo lý luôn luôn sống động và quyền bính chăn chiên mà Chúa Giêsu đã trao phó; sau nữa, hằng được Chúa Thánh Thần phụ giúp, Hội Thánh lãnh trọng trách gìn giữ, truyền dạy, giải thích và phổ biến chân lý mà Chúa đã dùng các tiên tri phác họa và nhờ Chúa Giêsu tỏ bày đầy đủ cho nhân loại.

          Chúng tôi tin tất cả mọi điều chứa đựng trong lời Chúa nơi Thánh kinh và Thánh truyền và Hội Thánh dạy phải tin bằng cách long trọng phán đoán hoặc bằng cách giáo huấn thường lề phổ cập. Chúng ta tin Đấng kế vị thánh Phêrô, khi lấy danh nghĩa là mục tử tối cao và là Thầy dạy đức tin, dùng quyền Chúa ban mà quyết định điều gì thì được ơn vô ngộ. Và khi toàn thể cộng đồng Giám mục cùng với Đấng thay mặt Chúa Kitô, dùng quyền giáo huấn tối cao mà truyền dạy, thì cũng được hưởng đặc ân ấy nữa.

          (21). – Chúng tôi tin Hội Thánh Chúa Kitô sáng lập mà Người đã cầu nguyện cho, luôn luôn chỉ có một, một trong đức tin, trong phụng tự, trong dây liên kết phẩm trật. Trong nội bộ Hội Thánh, dầu có nhiều nghi lễ phong phú, nhiều gia sản chính đáng về thần học, tu đức, nhiều lề lối luật lệ khác nhau: các điều khác biệt ấy đã không cản trở sự hợp nhất, còn nêu cao đặc tính ấy lên nữa.

          (22). – Đàng khác, chúng tôi nhìn nhận, ngoài cơ thể Hội Thánh Chúa Kitô, cũng gặp nhiều yếu tố thánh thiện, chân lý: dẫu là của riêng Hội Thánh, những yếu tố ấy thúc đẩy mọi người tới sự hiệp nhất công giáo; tin tưởng vào hành động Chúa Thánh Thần: Người đang gầy tạo nơi mọi Kitô hữu lòng ước muốn hợp nhất ấy, chúng tôi hy vọng tuy rầy chưa hoàn toàn hợp nhất cùng một Hội Thánh, nhưng sau này họ sẽ đoàn tụ vào một đoàn chiên dưới sự dẫn dắt của một chủ chăn.

          (23). – Chúng tôi tin Hội Thánh cần thiết cho việc cứu rỗi. Vì chỉ một Chúa Kitô là trung gian và là Đường cứu rỗi: Người ở trong Hội Thánh là nhiệm thân mình. Song ý định Thiên Chúa là cứu vãn mọi người. Những ai không tại lỗi mình mà chẳng biết Tin Mừng Chúa Kitô và Hội Thánh, miễn thật lòng kiếm tìm Chúa, và nhờ ơn Chúa thúc giục, họ cố sức theo tiếng lương tâm làm tròn thánh ý Người, kẻ ấy có thể được sống đời đời. Số kẻ ấy được bao nhiêu, chỉ có một mình Chúa biết mà thôi.

          (24). – Chúng tôi tin Thánh lễ thật là lễ tế Núi Sọ: Thánh lễ ấy do thầy cả đại diện Chúa Kitô bởi quyền đã nhận khi chịu chức thánh, dâng lên với danh nghĩa Chúa Kitô và nhiệm thân Người; Thánh lễ này, ngày nay thật sự được dâng lên trên các bàn thờ chúng ta, dưới hình thức bí tích. Chúng tôi tin: như xưa trong buổi tiệc ly, bánh rượu Chúa truyền phép đã trở nên Mình Máu Người mà ngày hôm sau được thượng tiến Chúa Cha trên thánh giá vì chúng tôi, thì ngày nay bánh rượu thầy Cả truyền phép trở nên chính Mình Máu Chúa Kitô đang vinh hiển ngự trên trời; chúng tôi tin Chúa Giêsu hiện diện thật sự, đích xác, toàn bản thể, một cách nhiệm lạ, trong hình bánh rượu tuy hình bánh rượu trước và sau truyền phép vẫn còn y nguyên.

          (25). - Ấy vậy, trong phép Thánh Thể, Chúa Kitô chỉ hiện diện bằng cách này: cả thể chất bánh đã trở nên Mình Thánh Người toàn thể chất rượu đã trở nên Máu Thánh Người; còn các tính chất mà chủ quan vẫn tồn tại. Hội Thánh quen gọi sự biến đổi nhiệm lạ ấy là Đổi Chất (transubstantiation). Danh từ này thích hợp và đúng nghĩa. Nhà thần học nào muốn tìm hiểu thêm về phép nhiệm mầu này để ăn nhịp với tín điều phải giữ vững điều này: trong thực thể sự việc, ngoài mọi ảnh hưởng lý trí chúng ta, sau khi đọc lời truyền không còn bánh rượu nữa, vì vậy sau đó, Mình Máu Chúa Giêsu đáng thờ lạy, thật sự đang ở trước mặt ta dưới hình bí tích bánh rượu. Chính Chúa đã muốn như vậy để nên lương thực nuôi ta, đoàn kết ta lại trong hợp nhất Nhiệm thân Người.

          (26). – Chúa Giêsu vinh hiển trên trời chỉ có một, thân xác Người không phân chia, không trở nên nhiều Giêsu. Nhưng trong Thánh Thể, Người hiện diện nhiều nơi trên địa cầu, chỗ nào có dâng thánh lễ. Thánh lễ dâng xong, Chúa Giêsu vẫn còn hiện diện trong Thánh Thể. Cất giữ Mình Thánh trong nhà chầu, Chúa Giêsu Thánh Thể là quả tim sống động của đền thờ chúng tôi. Vì vậy, trong phép Thánh Thể chúng ta ngắm nhìn, ta phải hết lòng kính tôn thờ lạy Ngôi Lời xuống thế. Tuy mắt ta không trông thấy, nhưng Ngôi Lời đang hiện trước mặt ta, mà vẫn không lìa khỏi thiên đàng.

          (27). – Chúng tôi cũng tuyên xưng nước Chúa khởi điểm nơi Hội Thánh Chúa Kitô ở trần gian, nhưng không thuộc về thế gian (Gio 13,36) vì hình ảnh thế gian chóng qua (1 Cor 1,31). Việc mở mang nước Chúa không tiến theo đà phát triển văn hóa khoa học, kỹ thuật phần đời. Nó ở tại sự hiểu biết luôn luôn sâu rộng hơn những kho tàng siêu việt của Chúa Kitô, ở tại lòng hy vọng luôn luôn mạnh mẽ hơn những của đời đời, ở tại sự luôn hăng hái đáp ứng lòng thương của Chúa, ở tại luôn luôn rộng tay phân phát ơn nghĩa và thánh thiện cho nhân loại. Nhưng cũng vì lòng thương ấy mà Hội Thánh chăm lo cho con người được phát triển ở đời. Hội Thánh hằng nhắc nhở con cái điều này: dẫu ta không phải sống luôn ở đời, nhưng Hội Thánh cũng thúc giục ta mỗi người tuỳ nghề tuỳ sức, góp tay vào việc xây đắp xứ sở, cổ võ công lý, hoà bình, và tình huynh đệ trong nhân loại, cố sức giúp đỡ anh em, nhất là những người nghèo khó khốn khổ hơn hết. Hội Thánh, Hiền thê Chúa Giêsu, hết lòng chăm chú đến nhu cầu con người, như là vui mừng và chờ đợi, đau khổ và nhọc nhằn, không ngoài mục đích tận tâm ước muốn ở giữa họ, để đưa ánh sáng Chúa Kitô chiếu soi cho họ, đoàn tụ siết chặt mọi người trong Chúa Kitô là Đấng Cứu thế độc nhất của họ. Chớ bao giờ có ai lầm hiểu rằng Hội Thánh chăm lo như vậy là có ý chạy theo việc đời và giảm bớt sự hăng nồng chờ đợi Chúa đến và Nước đời đời.

          (28). – Chúng tôi tin có sự sống đời đời. Chúng tôi tin linh hồn mọi người chết trong ơn thánh Chúa Kitô - dầu còn đền tội trong luyện ngục hay được Chúa Giêsu rước về ngay sau khi vừa ra khỏi xác, như người trộm lành xưa - thảy đều thuộc dân Chúa sau giờ lâm chung; đến ngày tận thế, mọi người sống lại, hồn nhập với xác, khi ấy sự chết sẽ hoàn toàn thất bại.

          (29). – Chúng tôi tin các linh hồn đoàn tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Mẹ trên Thiên đàng là Hội Thánh Thiên quốc: họ đang hưởng phúc bất diệt chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong thiên tính Người; mỗi vị mỗi cấp bậc khác nhau, cùng với các Thiên thần, họ được dự thông vương quyền của Chúa Kitô, bằng cách bầu cử cho chúng ta, giúp đỡ chúng ta yếu đuối trong tình huynh đệ tương quan thân ái.

          (30). – Chúng tôi tin mọi tín hữu cùng thông công: những người còn lữ khách ở thế, những người quá cố đang ở luyện hình, những người đang hưởng phúc thanh nhàn thiên quốc, tất cả kết hợp thành một Hội Thánh. Chúng tôi cũng tin trong sự thông công này, Chúa và các thánh đầy lòng xót thương hằng sẵn sàng lắng tai nghe tiếng chúng ta van nài, như chính Chúa đã phán: “Hãy xin, sẽ được” (Lc 10,9). Với lòng tin kính và niềm hy vọng ấy, chúng tôi chờ đợi ngày kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.

          Chúc tụng Thiên Chúa thánh tai, thánh tai, thánh tai. Amen.

 

 

 

         

 

 


Phung Vu