DE MUSICA SACRA ET SACRA LITURGIA

(Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ của Bộ Phượng Tự, ngày 03-09-1953)

Columba Kelly, OSB

(linh mục nhạc sĩ, nhạc trưởng, chuyên viên về bình ca,

tiến sĩ thánh nhạc trường Musica Sacra, Rôma)

 

Năm 2007, nhà xuất bản OCP (Hoa Kỳ) ấn hành một tập sách mỏng nhan đề The Song of the Assembly (Cộng đoàn ca hát) gồm 23 bài viết ngắn diễn giải các văn kiện của Hội Thánh liên quan đến thánh nhạc, đặc biệt chú trọng đến những vấn đề thực tiễn trong việc tham dự tích cực của cộng đoàn vào phụng vụ. Ủy ban Thánh nhạc/HĐGMVN xin giới thiệu bài viết thứ tư của tập tiểu luận này 1

De Musica Sacra et Sacra Liturgia (Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ) là bản tóm lược toàn bộ những điểm chính yếu về phụng vụ, thánh nhạc cùng những thuận lợi về phương diện mục vụ của cả phụng vụ và thánh nhạc mà Toà Thánh đã công bố từ thời Đức Thánh Cha Piô X (1903-1914). Huấn thị này gồm ba chương.: chương I cắt nghĩa mấy khái niệm tổng quát; chương II đưa ra các qui tắc chung về thánh nhạc trong phụng vụ; chương III trình bày chi tiết về trọn vẹn đề tài thánh nhạc và phụng vụ. Chương nào cũng nêu ra những nguyên tắc chung và rồi áp dụng vào các trường hợp riêng.

Sợi chỉ xuyên suốt chương III là tầm quan trọng của cộng đoàn hát bản văn phụng vụ. Tuy nhiên, cần hiểu rằng bản văn để hát lên phải bằng tiếng La-tinh. Số 13a của Huấn thị nói rất rõ: “La-tinh là ngôn ngữ sử dụng trong mọi lễ nghi phụng vụ”. Số 14a nhấn mạnh thêm: “Trong mọi Lễ hát, buộc phải dùng tiếng La-tinh. Luật này áp dụng… cho cả ca đoàn và cộng đoàn nữa”. Ở một số nơi, những bài ca phổ thông bằng tiếng địa phương được hát lên sau khi đã hát các bản văn phụng vụ bằng La ngữ. Những nơi nào thói quen này đã là “tập tục lâu đời” thì Huấn thị cho phép được duy trì (14a).

Số 22b nêu ra những cách thức khác nhau để cộng đoàn tham dự tích cực vào phụng vụ. Huấn thị viết: “Tuy nhiên, để sự tham dự của cộng đoàn trở nên hoàn hảo hơn, ngoài tâm tình bên trong còn phải có sự tham dự bề ngoài được tỏ lộ bằng các hành vi ngoại tại như tư thế thân mình (quỳ, đứng, ngồi), các dấu chỉ của nghi lễ, và nhất là những lời đối đáp, cầu nguyện và ca hát”. Cộng đoàn ca hát là hình thức tham dự được Huấn thị nói đến sau cùng, nhưng không phải là kém quan trọng nhất! Huấn thị nói tiếp: “Những người có công góp vào việc tham dự bề ngoài của cộng đoàn trong các nghi lễ thánh phải được nồng nhiệt khen ngợi” (22b). Xin lưu ý rằng Huấn thị được ban hành khi ngôn ngữ hát là tiếng La-tinh.

Số 25 trình bày ba cấp độ tham dự bằng việc ca hát chung. Cấp độ thứ nhất là hát những lời đối đáp phụng vụ như Amen, Et cum spiritu tuo và những câu đối đáp trong phần Tiền tụng của Thánh lễ. Ở số 31, Huấn thị coi cấp độ này là hình thức tham dự hoàn hảo nhất, trong đó cộng đoàn đối đáp với vị chủ tế. Cấp độ thứ hai là cộng đoàn hát các kinh của Phần thường lễ: Kyrie, Gloria, Credo, Sanctus-Benedictus Agnus Dei. Huấn thị khuyến khích mọi người học hỏi cho biết hát những giai điệu bình ca đơn giản dành cho các kinh này, chẳng hạn kinh Gloria của Thánh lễ XV trong Sách hát lễ Rôma (Graduale Romanum) vốn sử dụng một cung hát thánh vịnh rất giản dị mà cộng đoàn dễ dàng tiếp thu. Ý tưởng này của Huấn thị vẫn còn vang vọng trong lời kêu gọi hiện nay của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và của Tòa Thánh là phải thực hiện sách hát chung, dễ hát, cho mọi cộng đoàn sử dụng được. Cấp độ thứ ba là có một ca đoàn được đào tạo chu đáo về bình ca khả dĩ hát được Phần riêng của Thánh lễ như Ca nhập lễ, Ca dâng lễ và Ca hiệp lễ trong sách Graduale Romanum.

Số 93 thuộc phần 5, chương III liệt kê những người giữ các phần việc chính yếu trong thánh nhạc, theo thứ tự tầm quan trọng của mỗi người: trước tiên là linh mục/chủ tế, sau là các giáo sĩ hát trong ca đoàn hoặc trường thánh nhạc (schola cantorum), rồi đến giáo dân. Trong giáo dân, chỉ những người thuộc phái nam mới có thể “thi hành một thừa tác vụ phụng vụ tuy được uỷ thác nhưng có tính cách trực tiếp. Nếu là ca viên, giáo dân phải thuộc ca đoàn hoặc thuộc trường thánh nhạc. “Nếu không thể lập được ca đoàn hoặc trường thánh nhạc gồm toàn nam giới, có thể cho phép ca đoàn giáo dân gồm vừa nam vừa nữ hoặc chỉ toàn nữ giới mà thôi. Nhưng chỗ của ca đoàn này phải ở ngoài gian cung thánh (số100).

Rõ ràng theo Huấn thị này, cộng đoàn ca hát - xét như một toàn thể - không có chức năng chính thức trong phụng vụ. Rõ ràng nữa là hát bản văn phụng vụ ắt phải hát bằng tiếng La-tinh (số 14a). Vì thế, số 98c đòi hỏi người hát phải được dạy cho hiểu ý nghĩa của các bản văn và biết phát âm tiếng La-tinh cho chính xác và rành mạch. Như thể báo trước một trong những mục tiêu của Công đồng Vatican II sau này, Huấn thị đề xuất cách hát đối đáp giữa các thừa tác viên và dân chúng như là hình thức tham dự hoàn hảo nhất vào phụng vụ. Huấn thị cũng khuyến khích dân chúng hát thông thạo sách hát chung gồm những bài ca giản dị thuộc Phần thường lễ. Ngày nay, thách đố trước mắt là thực hiện được sách hát chung gồm những bài ca giản dị bằng tiếng bản xứ. Huấn thị trao hẳn việc hát Phần riêng của Thánh lễ cho ca đoàn gồm các ca viên được đào tạo chu đáo, bởi lẽ phần này thay đổi liên tục hàng tuần. Phần riêng của Thánh Lễ có Đáp ca và Alleluia. Hai phần này trở thành phần hát đối đáp quan trọng của cộng đoàn trong Thánh lễ của Đức Thánh Cha Phaolô VI. Bản văn của hai phần này bằng tiếng bản xứ cần được phổ nhạc cách đơn sơ để dân chúng có thể hát đối đáp.

Huấn thị lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi cộng đoàn ca hát hãy hát bản văn chính xác của phụng vụ chứ không chỉ bằng lòng với một vài ca khúc mới trong khi cử hành phụng vụ, cho dù lời và nhạc của các ca khúc này có diễm lệ và thu hút đến đâu chăng nữa. Nhờ được sử dụng tiếng bản xứ của mình, như trong ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta ngày nay có thể hát lên ca tụng các kỳ công của Thiên Chúa với sự tham dự tích cực, trọn vẹn và có ý thức vào chính hành vi phụng vụ.

----------------

1 Bài này đã đăng trên Hương Trầm số 9 (tháng 2/2009)

 

Người dịch: Phanxicô

 


Phung Vu