TINH THẦN CỦA NGHI THỨC THỐNG HỐI TRONG THÁNH LỄ

(giaolyductin.net 14/04/12, 9:54 am)

 

Phần Nghi Thức Thống Hối, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma (QCSLRM 2002) chỉ dẫn như sau:

“Tiếp theo, vị tư tế mời mọi người sám hối. Sau một chút thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tộichung và vị tư tế đọc lời xá giải để kết thúc. Lời xá giải này không có hiệu quả của bí tích thống hối. Vào ngày Chúa Nhật, nhất là trong Mùa Phục Sinh, thay vì nghi thức thống hối thường lệ, thỉnh thoảng nên làm phép và rảy nước thánh để nhớ lại Phép Rửa”(Số 51).

“Sau nghi thức sám hối, là luôn luôn đến kinh ‘Lạy Chúa, xin thương xót’, trừ khi đã dùng kinh này trong nghi thức sám hối. Vì là bài hát giáo dân dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người, bài này thường được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó. Thường mỗi lời tung hô được hát hai lần, nhưng vì đặc tính của các ngôn ngữ khác nhau, vì nghệ thuật âm nhạc, hay vì hoàn cảnh, cũng có thể hát nhiều lần. Khi kinh ‘Lạy Chúa, xin thương xót’ được dùng như là phần của nghi thức thống hối, thì trước nó có những câu tung hô riêng”(Số52).

Có thể nói từ khóa của phần nghi thức thống hối là xưng thú (confessio [latinh] – confession [anh – pháp]) vì các tín hữu nhìn nhận tội lỗi và bất xứng của mình trước Thiên Chúa, nhất là qua cụm từ như “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm…” như được đọc trong kinh “Tôi thú nhận”(Confiteor). Nhưng ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, từ “xưng thú” (confess) còn có nghĩa là tuyên xưng niềm tin cách công khai và rõ ràng. Do vậy, khi nhìn nhận tội lỗi của mình thì đồng thời cũng có nghĩa là các tín hữu diễn tả đức tin của mình vào tình thương của Thiên Chúa và nói lên lời cảm tạ tri ân vì ơn tha thứ của Ngài chứ không phải quy về những lầm lỗi và thiếu sót của mình.

Thêm nữa, cụm từ khẩn cầu “Kyrie eleison” [“Xin Chúa thương xót”] trong nguyên ngữ Hy Lạp không có ý hướng là chúng ta đấm ngực ăn năn vì “là tội nhân trong bàn tay giận dữ của Thiên Chúa”. Đúng hơn, “Kyrie eleison” có nghĩa là một sự tuyên xưng ngợi khen (confessio laudis) Thiên Chúa là Đấng hằng thương xót con người được thể hiện một cách cụ thể nơi Đức Ki-tô khi Ngài đáp ứng lời van xin của chính các nạn nhân hay những người thân yêu của họ mà ra tay cứu chữa những kẻ bệnh hoạn tật nguyền như người mù (x. Mt 9,27; 20,30-31; Mc 10,47), người phong cùi (x. Lc 17,13), con gái người đàn bà Canaan bị quỷ ám (x. Mt 15,22), đứa trẻ bị kinh phong (x. Mt 17,14)... Vì thế, khi khẩn cầu “Xin Chúa thương xót chúng con” trong Thánh Lễ, điều chính yếu là chúng ta đặt niềm trông cậy vào Chúa Ki-tô cũng như tuyên xưng ngợi ca tình thương trung thành không hề đổi thay của Ngài dành cho con người. Rõ ràng, QCSLRM số 52 được trích dẫn ở trên cũng nói như thế: “… [Kinh Thương Xót]là bài hát giáo dân dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người…”.

Như vậy, nghi thức thông hối không nên được hiểu một cách quá tiêu cực và chỉ hướng đến tội lỗi của chúng ta mà là thừa nhận rằng chúng ta cần đến ân sủng của Thiên Chúa qua người con của Ngài là Đức Ki-tô Giê-su trong Hy Lễ Tạ Ơn được cử hành [i].

Theo tác giả A.G Martimort và J. Gelineau, người ta không được biến nghi thức thống hối thành cuộc xét mình với bảng liệt kê các tội. Nghi thức thống hối đầu lễ không nhất thiết có bản chất sám hối, nhưng là kinh thờ lạy, ngợi khen, giống như một hơi thở mà cuộc đời dao động của ta rất cần đến khi bắt đầu cử hành Thánh Lễ[ii]. Thực sự, phần này nhấn mạnh đến lòng thương xót của Đức Ki-tô và lòng tin tưởng phó thác của con người vào tình thương của Ngài, chứ không phải là lúc thống kê và kể ra các tội người ta thường phạm[iii]. Xét về phương tâm lý, cộng đoàn sẽ cảm nhận như thế nào đây khi vừa tới nhà thờ, mới vui mừng hồ hởi gặp nhau trong Chúa với bài ca nhập lễ mang bản chất hoan ca mà lại đột ngột bị tấn công bởi bốn chân lý cuối cùng (tứ chung): sự chết - phán xét - thiên đàng - hỏa ngục. Chính vì điều này ông Pé-guy đã khéo léo trách các tín hữu vì chuyện họ “dừng lại quá lâu ở ngưỡng cửa để chùi chân”. Đây là lý do mà Giáo Hội cho phép bỏ phần sám hối trong nghi thức khai mạc của lễ cưới (không phải vì thế mà người ta không nhận mình có tội)[iv].

Hậu nhiên là trong thực hành, “không bao giờ dùng chữ chúng ta (con)” khi kêu xin Chúa, vì như vậy chúng ta đang nhắm đến hành vi con người, quy chiếu vào chúng ta hơn là Thiên Chúa. Ví dụ : nếu chúng ta thưa rằng: “Lạy Chúa Ki-tô, chúng con chỉ lo đến nhu cầu của chúng con mà nhiều khi lơ là, dửng dưng đối với anh chị em của mình. Xin Chúa thương xót chúng con” thì những lời này là một lối tiếp cận sai nhầm và không đúng với tinh thần của Nghi Thức Thống Hối. Những lời như thế chỉ phù hợp trong Cử Hành Sám Hối cộng đồng chứ không phải trong Thánh Lễ. Nó không phải là mẫu tuyên xưng ca ngợi (confessio laudis) lòng thương xót của Chúa[v].

Một điều cần lưu ý khác là các mẫu của Hành Vi Thống Hối luôn luôn khấn nguyện Chúa Ki-tô chứ không phải khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn như:

- Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, xin Chúa thương xót chúng con / Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Đức Mẹ Ma-ri-a, xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con / Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, xin Chúa thương xót chúng con.

- Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài là Đường, xin Chúa thương xót chúng con / Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài là sự thật, xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con / Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài là sự sống của chúng con, xin Chúa thương xót chúng con.

Công thức thống hối mẫu thứ III như trên nên được đặt tên lại là “Kinh cầu ngợi khen Chúa Ki-tô”. Nó được coi là thích hợp cho các mùa vui tươi trong năm hơn là được nhìn như một Nghi Thức Thống Hối. Nó cũng làm cho công thức thống hối thứ III gần sát hơn với tinh thần của Kinh Vinh Danh hơn là Kinh Thú Tội[vi].

Chúng ta biết rằng, từ ban đầu, tức thế kỷ thứ V, kinh cầu thể loại đối đáp với những từ “Xin Chúa thương xót chúng con” như hiện nay mới được đưa vào trong Thánh Lễ và được đặt sau phần Kinh Nhập Lễ (introit) nhằm bày tỏ sự tin tưởng của cộng đoàn vào Chúa Ki-tô phục sinh bằng một sự diễn tả đầy hân hoan. Như thế, Kinh Thương Xót thực sự đã từng là một lời tung hô vui mừng ca ngợi Thiên Chúa; nhưng khi kinh này mất đi sắc thái đó thì Giáo Hội cảm thấy nhu cầu phải đưa điều gì đó vui tươi vào, đặc biệt trong các ngày đại lễ, và thế là dẫn đến sự xuất hiện Kinh Vinh Danh trong Thánh Lễ[vii]. Như vậy, sẽ là tiêu cực và không phù hợp khi những nhạc điệu dùng trong phần Nghi Thức Thống Hối đa số mang âm thứ như để diễn tả lòng đau đớn, buồn sầu và bất xứng của con người. Làm như thế là phản lại tinh thần của phụng vụ bởi vì quy về chúng ta chứ không quy về Thiên Chúavà ơn tha thứ của Ngài[viii].

Thực ra, lúc này, chúng ta đã được tha thứ rồi. Tội lỗi của chúng ta đã được đóng đinh vào thánh giá qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô rồi. Giờ đây, chúng ta chỉ cần chấp nhận ơn tha thứ của Chúa cách tri ân và tuyên xưng lòng nhân hậu của Ngài mà thôi. Chúng ta có thể hiểu một cách sâu xa hơn tâm tình này khi suy niệm đoạn Phúc Âm Chúa Giê-su tham dự bữa tiệc ở nhà ông Simon và xảy ra là có một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành đó đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm đến bên Chúa Giê-su mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị còn lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên (x. Lc 7,36-50). Chúng ta thấy rằng chị đã cảm nghiệm được ơn tha thứ của Chúa và được Ngài ôm ấp vào lòng từ lâu trước khi bước vào phòng tiệc; người phụ nữ này đã nhìn nhận rằng Thiên Chúa là Đấng công chính và đã đón nhận ơn tha thứ của Ngài. Chính nhận thức đầy hoan lạc về ơn tha thứ ấy đã thúc đẩy chị đến với Chúa. Vì thế, chị đến không phải để xin ơn tha thứ, nhưng là để biểu lộ lòng tri ân. Những gì chị bày tỏ với Chúa Giê-su như: lấy nước mắt tưới ướt chân Người; lấy tóc mình mà lau; hôn chân Người; lấy dầu thơm mà đổ lên chân Người là nhằm diễn tả lòng quý mến[ix], sự tôn kính Chúa Giê-su và đặc biệt là lòng biết ơn sâu xa đối với Người là Đấng đem đến cho con người ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thái độ tri ân đó cũng là thái độ của chúng ta vào lúc cử hành nghi thức thống hối trong Thánh Lễ và trong suốt cuộc đời của mình[x].

Từ những lý do được trình bày ở trên, chúng ta đi đến kết luận thực hành mục vụ sau:

- Loại bỏ bài hát “Nguyện cùng Cha nhân ái xin thương xót thân con tội tình, xin thương xót con, xin thương xót con. Xin Chúa Ki-tô uy linh hãy tha thứ hết mọi lỗi lầm, xin Chúa Ki-tô hãy thương xót con. Xin Chúa Thánh Linh nguồn ơn dẫn đưa con về chốn trường sinh, xin thương xót con, xin thương xót con” hay những bài hát tương tự vì Kinh Thương Xót không kêu cầu Ba Ngôi Thiên Chúa.

- Nên chọn hát những bài Kinh Thương Xót được sáng tác theo cung trưởng mang âm hưởng vui tươi. Bộ lễ Ca Lên Đi 2 của linh mục nhạc sĩ Kim Long (hợp âm D) là một trường hợp điển hình và nên được ưu tiên chọn hát. Rất tiếc là đa số ca đoàn và cộng đoàn hiện nay toàn hát bộ lễ, cách riêng là Kinh Thương Xót mang âm thứ. Hơn nữa, người ta còn chọn hát bộ lễ với âm hưởng ảm đạm hơn trong Thánh Lễ an táng vì như muốn hòa điệu vào cái chết của người quá cố mà quên đi rằng mọi Thánh Lễ đều là cử hành mầu nhiệm sự sống và mầu nhiệm phục sinh của Chúa Ki-tô.

- Vào các ngày Chúa Nhật, đặc biệt là trong Mùa Phục Sinh, nên chọn nghi thức làm phép và rảy nước thánh.

- Trong Mùa Chay, sử dụng Kinh Thú Tội hay công thức thống hối thứ II.

- Vào các ngày lễ mừng hay thời gian khác trong năm, nên chọn cử hành công thức thống hối thứ III như một cách thế để tập trung sự chú ý của cộng đoàn vào Chúa Ki-tô và ngợi khen Ngài vì những gì ngài đã làm và đang tiếp tục thực hiện cho thế giới và Giáo Hội. Những hình thức thống hối do Sách Lễ Rô-ma đưa ra chỉ là kiểu mẫu chứ không bó buộc. Vì vậy, chủ tế có thể lựa chọn hoặc có thể tự sáng tác. Nhưng khi sáng tác theo mẫu thống hối thứ III, phải tuân thủ một vài quy luật sau[xi]:

· Những lời kêu cầu phải quy về Chúa Ki-tô, chứ không quy về Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ hay bất kỳ vị thánh nào.

· Những lời kêu cầu phải vắn gọn.

· Nội dung của những lời kêu cầu phải dựa trên nền tảng Ki-tô học thích ứng với mùa, ngày lễ hoặc bài Tin Mừng hôm đó.

· Như đã nói ở trên, những lời kêu cầu không phải là bản xét mình liệt kê các tội mà là những lời cảm tạ và chúc tụng Chúa Ki-tô.

- Đừng bao giờ hát Kinh Thương Xót rồi lại chỉ đọc Kinh Vinh Danh[xii].

- Mark Searle[xiii] đã đề nghị:

o 1 - Chọn cử hành hoặc là Nghi Thức Thống Hối hoặc là Kinh Vinh Danh hơn là cử hành cả hai trong một Thánh Lễ. Điều này có nghĩa là nếu Thánh Lễ có Kinh Vinh Danh (tức từ bậc lễ kính trở lên) thì nên bỏ Nghi thức Thống Hối để đi vào Kinh Vinh Danh luôn. Làm như vậy, chúng ta sẽ tránh được tình trạng Nghi Thức Đầu Lễ, có thể nói, như một chiếc bánh “sandwich” (bánh mì kẹp) mà hai phần bánh kẹp là Bài Ca Nhập Lễ và Kinh Vinh Danh thì vui tươi phấn khởi, còn phần nhân là Kinh Thương Xót thường có sắc thái buồn sầu;

o 2 - Nếu không, tức là muốn cử hành cả Nghi Thức Thống Hối lẫn Kinh Vinh Danh, thì nên sử dụng mẫu thống hối thứ III, trong đó chúng ta tung hô Đức Ki-tô, rồi bỏ câu “Xin Thiên Chúa toàn năng…” mà đi thẳng vào Kinh Vinh Danh luôn[xiv].

Mùa Phục Sinh 2012

Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss


[i] x. Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions On The Mass, pp. 46-48

[ii] x. J. Gélineau,Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập II, tr. 154 

[iii] Vinh-sơn Nguyễn Thế Thủ, Giải đáp các vấn nạn về phụng vụ, tập 1, tr.147.

[iv] x. J. Leben, Để Sống Phụng Vụ, tr. 88.

[v] x. Dennis C. Smolarski, SJ, How Not To Say Mass, pp. 54-55.

[vi] Dennis C. Smolarski, Q & A: The Mass, p. 9.

[vii] x. Erasto Fernandez, sss, The Eucharist - Step by Step, p. 23.

[viii] x. Erasto Fernandez, sss, Called to Renewed Eucharistic Spirituality, Ensemble / Together 78 (Dec. 2003), p.35.

[ix] Trong tiếng Hip-ri, A-ram, Xy-ri không có động từ “cám ơn” hay danh từ “lòng biết ơn” nên phải dùng một từ ngữ khác để diễn tả, ở đây là từ “yêu mến” (x. Lc 7,42.44-46. 47) (Fx. Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Luca dùng trong phụng vụ Lời Chúa 2006, tr. 155)

[x] Erasto Fernandez, sss, Called to Renewed Eucharistic Spirituality, Ensemble / Together 78 (Dec. 2003), p. 35-36

[xi] Dominic Thuần, sss, Cử Hành Thánh Lễ, tr. 31-32.

[xii] J. Leben, Để Sống Phụng Vụ, tr. 88.

[xiii] Giáo sư thần học tại trường đại học Notre Dame (Indiana - Hoa Kỳ) đồng thời là cố vấn của Ủy Ban Quốc Tế Anh Ngữ về Phụng Vụ.

[xiv] x. Mark Searle, Liturgy Made Simple, p. 37.

 


Phung Vu