PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI – P. 4

  

Nguyên tác: La Liturgie de L’Église của Dom Robert le Gall,
Đan viện Trưởng đan viện Sainte Anne, Kergonan

Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.

Nguồn: catechesis.net
————————

 

IV. DẤU CHỈ VÀ BIỂU TƯỢNG PHỤNG VỤ

Nguyên gốc, signum trong tiếng Latinh nghĩa là dấu hiệu, dấu vết in lại mà, bằng cách này hay cách khác, nó “chỉ ra” ý định theo bề ngoài của một vật hay một người. Dấu ấn hay chữ ký là những dấu hiệu riêng qua mọi thời. Qua bí tích, Thiên Chúa “in vào” trong lòng chúng ta dấu hiệu riêng của Người, như “Chúa Cha đã ghi dấu ấn tín của Người” trên Con người khi sai người đến thế gian (Ga 6,27). Như thế, một cách rất đặc biệt, đối với các bí tích “ấn tích[1]”, những bí tích in vào trong tâm hồn một dấu thiêng liêng không thể xoá nhoà, tức là bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. Nhưng bốn bí tích kia, theo cách riêng của chúng, cũng ghi dấu vào lòng chúng ta tương tự với Thiên Chúa Tình yêu và tỏ ra rằng chúng ta thuộc về Người : trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (thánh thể, hoà giải) hay trong những giai đoạn quan trọng (hôn nhân, xức dầu bệnh nhân), chúng đem lại cho ta ân sủng của Thiên Chúa.

Một cách rộng hơn, dấu chỉ là tất cả thực tại hữu hình hay xác thực chuyển tải một thực tại khác, hữu hình hay vô hình. Có những dấu chỉ của thời gian : những chồi non báo hiệu mùa xuân về ; nếu thấy ráng đỏ, thì trời sẽ mưa ! Cầu vồng chỉ cho thấy chỗ trời quang mây tạnh sau những lúc chợt mưa chợt nắng. Thầy thuốc, khi nhận ra triệu chứng này hay triệu chứng khác, có thể chẩn đoán ra bệnh này hay bệnh kia : một vài cái mụn nhọt là dấu hiệu của bệnh đậu mùa hay chỉ là những nốt mề đay thông thường do muỗi chích, v.v… Chúng ta ít nhiều dùng theo quy ước một số quan trọng những dấu hiệu, từ dấu hiệu đi đường cho đến các dấu hiệu toán học. Con người không thể sống mà không có dấu hiệu, bởi vì bản chất “lưỡng cư”, hỗn hợp nếu ta thích nói như vậy, vật chất và tinh thần, nên cần đến sự trung gian của dấu hiệu.

Ngoại trừ một số ít trường hợp đặc biệt giới hạn có thể thông tin với người đồng loại của mình từ tinh thần đến tinh thần, từ tâm hồn đến tâm hồn : Còn chúng ta phải dùng tất cả mọi sắc thái của những dấu hiệu để “trình bày” chúng ta, như những cử chỉ, tất cả mọi biểu hiện của tướng mạo, từ ngữ và ngôn ngữ. Thiên Chúa dùng những dấu chỉ giác quan, để in vào trong chúng ta ân sủng của Người, tức là ân sủng của sự sống và tình bằng hữu của Người : các vật, cử chỉ, lời nói. Để rõ hơn, ta có thể nói rằng các bí tích được thực hiện, như phương tiện chuyên chở ân sủng, một mặt là thực tại hữu hình như bánh, rượu, dầu, cử chỉ đổ nước, cử chỉ đặt tay, và mặt khác là những lời nói (dấu chỉ âm thanh) mà nó phát biểu ý nghĩa của dấu chỉ hữu hình : điều mà trong thần học người ta gọi là chất thể và mô thể.

Thiên Chúa đến với chúng ta bề ngoài, bằng các dấu chỉ bí tích; bên trong, Người thánh hoá chúng ta. Ngược lại trong phụng vụ Kitô giáo, cộng đoàn tác động trở lại hành động của Thiên Chúa trong khi “diễn tả” bằng cử chỉ và lời nói sự đồng thuận của mình với ân sủng của Thiên Chúa : quả thực là các bí tích cũng như tất cả những hành vi phụng vụ khác, đều bao hàm sự tham dự của cử chỉ và lời nói của các tín hữu.

Việc canh tân phụng vụ bắt nguồn từ Công Đồng Vaticanô II chủ yếu hệ tại ở “việc tổ chức những bản văn và những nghi thức theo cách mà chúng trình bày với sự sáng sủa nhất thực tại thánh thiện mà chúng hàm chứa ý nghĩa, và Dân Thiên Chúa, với mức độ khả dĩ, có thể nắm bắt nó cách dễ dàng và tham dự vào việc cử hành cách đầy đủ, tích cực và mang tính cộng đoàn” (PV s.21).

1. Biểu tượng, bầu khí của phụng vụ

Nhìn vào những áp-phíc có xung quanh, ta có thể phát hiện ra sức khoẻ hay khủng hoảng của xã hội ta đang sống. Con người, quả thực, không thể sống mà không có những biểu tượng, tức là không có sự tham khảo những hình ảnh “gây cho ta suy nghĩ”. Chỉ cần nhìn chăm chú một chút vào các doanh nghiệp thương mại hay những nhóm người chọn một biểu tượng hay “logo”, từ con cá ngựa của hãng Air France cho đến những hình vẽ khéo léo xáo trộn bằng nghệ thuật những chữ cái đầu của tên công ty. Cái này chẳng có gì là mới : về điểm này, ta có thể làm cuộc nghiên cứu nghiêm túc về những huy hiệu quốc gia, của các tỉnh thành hay của cá nhân nào đó. Con người ta sống trên hai bộ máy ghi nhận của giác quan và của tâm linh. Hai bộ máy ấy chuyển đổi qua lại cách bất biến. Trong đó, biểu tượng tạo nên một trong những mối liên hệ chặt chẽ nhất của chúng. Sumballéin, trong tiếng Hylạp, từ đó ta có từ “biểu tượng”, nghĩa là “đặt với”, “đặt chung”, “kết hợp”, “tham dự vào”.

Các chuyên gia tâm lý, các nhà phân tâm học đã nêu bật những cấu trúc khác nhau của trí tưởng tượng của con người. Về phần mình, các sử gia về tôn giáo đã biết khai triển các ý nghĩa sống động của các biểu tượng tôn giáo. Họ chỉ cho thấy ý nghĩa của mặt trời và mặt trăng, của ánh sáng và bóng tối, của núi, của biển, nội dung của sự gợi lên dục tính, biểu tượng của bữa ăn, của cây cối, của lửa, của thập giá, v.v… ta chỉ cần mở ra và lật từng trang của cuốn Kinh Thánh để cảm nghiệm sự hiện diện mọi nơi mọi lúc của những biểu tượng trong mặc khải Dothái Kitô giáo. Ở đây, Đức Kitô không đến để bãi bỏ, nhưng để hoàn thành (Mt 5,17).

Con người là hữu thể trong thế giới sống giữa những đồng loại của mình, điều này làm cho nó sống trong vũ trụ của các biểu tượng. Ngày nay, thường những biểu tượng gợi nhớ hay tác động mạnh nhất, là những biểu tượng khiêu dâm (sự biến thái của tình dục) và những biểu tượng của sức mạnh vũ phu bạo lực. Người ta ghi nhận biểu tượng, đồng thời họ ước vọng có được một bản chất tái trở nên trong trắng : ta ca ngợi nước khoáng trên nền của núi non, yaourt được liên kết với những cánh đồng cỏ đầy quyến rũ. Ta thấy rằng thế giới của chúng ta càng ngày càng thành thị hoá, không còn hiểu được những biểu tượng của thiên nhiên : chắc chắn rằng không thể không đề cập đến, nhưng càng ngày càng rõ ra rằng phải tìm về với hương vị gốc của nó. Nhận thức về tính biểu tượng của những cây nến, của hương và của chuông được đổi mới, nhưng đó không phải là tận cùng : màu sắc, kiến trúc, định hướng (điều muốn nói riêng hướng về Phương Đông), tất cả biểu tượng vũ trụ (mặt trời, mặt trăng, các vì sao, thánh giá liên kết những điểm chính yếu) có vẻ như được đón nhận khác đi.

Phụng vụ là một vũ trụ của các dấu chỉ. Với người Công giáo, những dấu chỉ bí tích tương đối ít : bánh, rượu, dầu, cử chỉ đổ nước, cử chỉ đặt tay ; những lời nói là làm rõ nghĩa những dấu chỉ này. Ra như các dấu chỉ (biểu tượng) trên không đủ sức thu hút so với các biểu tượng khác, nhưng thực tế, chúng không kém sự phong phú và đa dạng về ý nghĩa. Các bí tích là những dấu chỉ điển hình nhất. Chúng được cử hành đồng thời với các cử chỉ, tư thế của thân thể, cùng lời nói và tiếng hát nhằm hướng đến những chủ đích khác nhau. Nhưng tiếc thay, một nền văn hoá ngày càng duy lý không dẫn chúng ta đến sự phong phú mà các biểu tượng khơi gợi lên và được thể hiện qua phụng vụ. Chúng tôi không ghi nhận được tín hiệu khả quan nào của chúng xung quanh các cuộc cử hành bí tích. Nói đúng hơn, vũ trụ biểu tượng là một yếu tố bắt buộc cho phụng vụ. Bằng chứng rõ nhất là những người tín hữu ngày càng ít tham dự các cuộc cử hành phụng vụ mà tại đó lạm phát lời nói. Lời nói không thể lấn át những ý nghĩa của các biểu tượng thánh thiêng.

2. Dấu chỉ của thập giá

Việc dùng dấu chỉ thập giá là một trong những cách thức thực hành Kitô giáo từ buổi sơ khai được xác nhận phổ quát nhất. Không chỉ những vật hay các công trình được đánh dấu bằng thánh giá, mà người ta còn làm dấu trên trán và trên những phần khác của cơ thể. Khó mà xác định rõ thời nào người ta chuộng cách làm dấu như hiện nay, cách làm dấu thánh giá từ trên trán xuống đến ngực rồi qua hai vai. Điều quan trọng nhất là đưa ra ý nghĩa cho những cử chỉ quen thuộc này.

Công cụ khổ hình của Đức Giêsu đã trở nên biểu tượng của sự cứu chuộc, tuyệt tác của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta và tình yêu của Chúa Con đối với Cha của người. Để nhận thức rõ hơn ý nghĩa của thập giá, thật là thích đáng để tường thuật lại cuộc cử hành phụng vụ chiều thứ Sáu Tuần Thánh và sắc thái phụng vụ của chiến thắng mà nó làm rõ nét. Đọc bài thương khó theo thánh Gioan thực sự là tôn phong Đức Kitô Vua : “Đây là Vua của các ngươi ! ” (19,14), Philatô tuyên bố với dân Dothái, và ông sai đóng vào cây thập tự bản án viết rằng : “Giêsu Nadarét, Vua dân Dothái” (19,19), tóm tắt bằng I.N.R.I trên các thánh giá của chúng ta. Nâng lên khỏi mặt đất, Đức Kitô lôi kéo mọi người đến với Người (Ga 12,32). Đối với tất cả những người Kitô hữu, Thập giá là dấu chỉ của sự tập hợp tiêu biểu nhất : Thập giá của phục sinh từ khổ nhục.

Toàn bộ phụng vụ đặt trên mầu nhiệm thập giá và phục sinh. Hẳn ta không bất ngờ khi thấy sự hiện diện khắp nơi của Thập giá, của những dấu thánh giá trong những lễ nghi cử hành phụng vụ khác nhau. Không nên nói đến tính đau khổ nào đó mà Giáo Hội có ý làm cho trở nên quen thuộc, nhưng trái lại đến một cái nhìn phục sinh bởi tính thực tại của tình yêu mà nó không ngừng cứu độ chúng ta, cũng không phải loại trừ đi sự đau khổ và cái chết, nhưng biến đổi nó bằng mầu nhiệm phục sinh.

Dấu chỉ thập giá thường đánh dấu sự bắt đầu của các nghi thức cử hành phụng vụ. Cử chỉ này của linh mục và tín hữu không những nhắc nhở rằng họ được cứu chuộc, bằng tâm hồn và thân xác của họ, bằng thập giá của Đức Giêsu, mà cử chỉ ấy còn giải trình rằng Thập giá không có nghĩa nếu người chấp nhận nó (x. Hr 12,2) không phải là “Một trong Ba Ngôi”. Điều đó ứng với lời các thánh Giáo Phụ đã nói : Người Con duy nhất của Thiên Chúa nhập thể “cho con người chúng ta và để cứu độ chúng ta”, như kinh Tin Kính ta tuyên xưng trong mỗi thánh lễ. Quả thực, khi ta làm dấu thánh giá, đồng thời ta tuyên xưng những lời sau : “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.”

Theo cách ấy, cử chỉ đơn giản này, được đi kèm với lời đọc, tóm tắt toàn bộ mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta. Chúng tuyên xưng đồng thời Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc, tức là Ba Ngôi Thiên Chúa và công trình cứu độ hoàn tất bởi Ngôi Lời trong mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người. Chính trên thập giá mà tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện ra cách cao độ, và cũng chính bởi thập giá mà chúng ta có thể bước dần vào trong sự thân mật với Người. Không thể có dẫn nhập phụng vụ nào khác hay hơn.

Nếu thế thật là thích hợp để người Kitô hữu làm dấu thánh giá. Các cử chỉ phụng vụ phải đẹp và đơn giản ; điều quan trọng là tránh vội vàng như chỗ thân quen. Ta thấy quá thường xuyên các tín hữu làm dấu thánh giá qua loa, giảm thiểu, do sự tôn trọng con người hay do thói quen, với một cử động mơ hồ, như đuổi ruồi xua muỗi trước ngực và trên vai. Người ta kể rằng thánh nữ Bernadette, nhân các thị kiến chị gặp Đức Vô Nhiễm, đã có cách thức cảm động để làm dấu : làm dấu thánh giá với chị cách long trọng và hết sức chậm rãi, thong thả, khi đi từ trán xuống ngực và qua hai bên vai. Nhìn thấy chị làm cử chỉ này,  không ai có thể nào quên được. “Hãy nhìn nhận, hỡi người Kitô hữu, nhân phẩm của mình !” Đức giáo hoàng Léon tuyên bố với tín hữu thành Rôma : ung dung làm dấu thánh giá là dấu hiệu của sự cao trọng Kitô giáo, một hành vi của đức tin sống động, một lời rao giảng không câu cú và nó có thể đụng chạm đến những người khác, dẫu họ có niềm tin hay không.

3. Ánh sáng vui mừng của phụng vụ

 “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa anh em là ánh sáng ; vậy anh em hãy ăn ở như con cái của ánh sáng !” Thánh Phaolô nói như vậy với các tín hữu Êphêxô (5,8). Trong sách Sáng thế, ánh sáng là thụ tạo đầu tiên xuất phát ra từ bàn tay Thiên Chúa (1,3-5) ; nhưng nơi “khởi đầu” mới là Tin Mừng, đặc biệt theo thánh Gioan, “Ngôi Lời là ánh sáng thật, chiếu soi hết mọi người” (1,9). Trở nên “con cái Chúa”, nhờ Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, chúng ta thực sự là những con cái của ánh sáng. Nếu phụng vụ thực hiện sự làm con cái Thiên Chúa của chúng ta, thì điều ấy chí có thể thực hiện với ánh sáng, và được biểu tượng bằng nhiều cách.

Những ngọn nến dự phần vào những vật thể quen thuộc trong những lễ nghi phụng vụ của chúng ta, nó được đặt trên hay xung quanh bàn thờ. Thời đầu, những ngọn nến là một trong những phương tiện dùng để chiếu sáng cho hoạt động đời thường cũng như hành vi thờ tự. Ngoài nhu cầu chiếu sáng, người ta lưu truyền nó còn với chủ đích biểu tượng. Có những bữa tối người ta dọn ra với những ngọn bạch lạp được ưa chuộng đặc biệt, chúng làm ta nghĩ đến những buổi sinh nhật. Có chuyện ấy là vì lý do không khí thân mật được tạo nên từ ánh sáng lung linh của những ngọn nến. Vậy sẽ thật là đáng tiếc nếu những nghi thức cử hành phụng vụ của chúng ta bỏ đi biểu tượng này.

Như người Kitô hữu, chúng ta sinh ra với ngọn nến cháy sáng trong tay ! Quả vậy, vào cuối nghi thức thanh tẩy, người vừa được lãnh bí tích thanh tẩy nhận ngọn nến cháy sáng, trong khi chủ tế tuyên bố : “Hãy lãnh nhận ánh sáng của Đức Kitô.” Trở nên con cái ánh sáng, người tân tòng từ nay phải bước đi trong ánh sáng và giữ gìn ngọn đèn được thắp sáng của mình đợi chờ sự trở lại của Đức Kitô : đây là bài học từ dụ ngôn mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13). Nhân phép thanh tẩy trẻ nhỏ, khi một thành viên trong gia đình đến châm ngọn nến nơi cây nến phục sinh, vị linh mục nói : “Chính nơi anh/chị/em, cha mẹ, cha mẹ đỡ đầu mà ánh sáng này được trao phó : hãy gìn giữ nó.”

Ánh sáng thánh thiêng nổi tiếng nhất được quy tụ về ngọn nến phục sinh. Đêm canh thức vọng phục sinh bắt đầu bằng lời chúc lành. Nghi thức này là sự phát triển của nghi thức trong Dothái giáo. Lúc đầu, chúng là việc thắp sáng những ngọn đèn vào lúc màn đêm buông xuống khởi đầu của ngày sabát . Sau, chúng  trở thành buổi canh thức (lucerna : “đèn”) trong Kitô giáo thời kỳ đầu. Những buổi như thế, người ta thực hiện vào Giờ Kinh Chiều, với lời bài hát cổ “Ánh sáng vui mừng”, một thánh thi chúc tụng có từ rất sớm.

Sau khi làm phép lửa mới, chủ tế khắc trên một cây nến dài, từ một phần rộng hơn thường lệ, những biểu tượng sau : một thập giá, Anpha và Omega – chữ đầu và chữ cuối của mẫu tự Hylạp, điều này có nghĩa là Đức Kitô là nguyên lý và cùng đích của toàn thể ơn cứu độ (Kh 1,8) – cuối cùng bốn con số của năm hiện hành. Năm hạt hương đốt cháy được gắn vào cây nến, khi nâng cao thập giá đã được đánh dấu, nơi biểu tượng của năm dấu thánh vinh quang của Đức Kitô trong cuộc vượt qua. Ta thắp nến Phục Sinh bằng lửa mới, thày phó tế cầm nến đi đầu đoàn rước tiến vào nhà thờ chìm trong bóng tối. Nơi đây thày dừng lại ba lần để tuyên bố : “Ánh sáng Chúa Kitô !” Khi tất cả đều đã được thắp nến phục sinh, thày phó tế hát Exsultet (Tin mừng Phục sinh), bài thơ cổ cô đọng và trữ tình của niềm vui phục sinh.

Trong suốt phụng vụ phục sinh, cây nến lớn tiếp tục được cháy sáng : ngọn lửa cháy bừng biểu tượng cho tâm hồn Đức Kitô, kết hợp với thân thể của Người trong vinh quang của Chúa Cha. Người ta chỉ tắt nó vào lúc hết mùa phục sinh, nghĩa là vào đêm của ngày lễ Hiện xuống, nhưng ánh sáng này không bao giờ tắt trong lòng người đã lãnh nhận bí tích rửa tội : nó chờ đợi ngày Vinh quang.

4. Nước tưới mát toàn bộ phụng vụ

Chu kỳ phụng vụ của Lễ Giáng Sinh kết thúc bằng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa. Đây là một trong những “mầu nhiệm” Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình, với sự triều bái của Ba Vua và tiệc cưới tại Cana. Ở bên Đông phương, nơi phụng vụ còn lưu giữ những nghi thức cổ truyền, lễ Hiển linh là lễ cử hành long trọng việc tỏ mình của Chúa Giêsu, là một lễ của ánh sáng và đồng thời của nước. Việc cử hành sự sinh ra của Đấng Cứu Thế đạt đến cực điểm với sự “dìm vào” – nghĩa tầm nguyên của “phép rửa” – của Đức Kitô trong nước sông Gio-đan, để chúng ta cũng được dìm vào trong “dòng nước hằng sống” mà chương cuối cùng của sách Khải Huyền (22,1) nói đến. Đức Kitô để mình bị dìm vào trong dòng nước của sự chết, để chúng ta có thể được tắm trong dòng nước hằng sống của sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chu kỳ Phục sinh kết thúc bằng lễ Hiện xuống, trong đó hiện thực hoá lời hứa của Đức Giêsu : “Ai tin vào Thầy, từ trong lòng sẽ tuôn chảy dòng sông của nước hằng sống” (Ga 7,38). Trước khi đi vào cuộc sống của Thiên Chúa trong Giáo Hội và nơi mỗi người tín hữu, mùa Chay là một thời gian chuẩn bị dài, được đánh dấu bằng biểu tượng của nước thanh tẩy, và lễ phục sinh – lễ trọng trên hết mọi lễ trọng – được giới thiệu như ngày tiêu biểu của việc cử hành bí tích thanh tẩy, như ngày, dù sao, mà người ta làm phép long trọng nước rửa tội. Tất cả những việc này nhằm chỉ cho thấy có biết bao nhiêu tính biểu tượng của nước thấm đẫm toàn bộ phụng vụ, cũng như nước tạo nên cái cốt yếu trong cơ thể con người.

Phải chăng nước chỉ có biểu tượng như là dấu chỉ ? Nước là yếu tố thân thuộc và cần thiết của cuộc đời con người. Nước luôn chất chứa ý nghĩa phong phú. Nước là hình ảnh Người Mẹ phổ quát. Chúng không thể phát sinh sự sống nếu không do hơi thở Thiên Chúa (St 1,2) . Nhưng nước cũng là một biểu tượng hai chiều. Nó có thể cùng lúc gợi đến cái chết lẫn sự sống; cả sự thanh tẩy và sự thánh hoá.

Việc tắm gội hay rảy nước thánh của các nghi lễ tôn giáo, trước tiên có một nội dung phủ định, tức là nó giải thoát những lỗi lầm hay vết nhơ làm cho ô uế việc cử hành phụng vụ (x. Ed 36,25) : nước trong nghi thức nhận chìm mọi sự ô uế. Nước, theo cách tích cực, là nguyên lý của sự sống, là biểu tượng của sự sinh ra hay của sự tái sinh, nó toát ra sinh khí (Ed 47,1-2 ; Kh 22,1-2).

Những nghi thức phụng vụ không chỉ hiệu quả khi chúng kết hợp với hành động của chính Thiên Chúa, mà chúng còn mang lại hiệu quả trong mối liên hệ với những hành động của cộng đoàn cử hành. Phép thanh tẩy bằng nước – phép thanh tẩy của Gioan Tẩy Giả – chỉ có vai trò chuẩn bị cho phép thanh tẩy trong nước và Thánh Thần được ban cho từ chính Con Thiên Chúa làm người (Ga 3,5 ; 1,33). Khi nước được làm cho phong phú bởi Thánh Thần, nước không phân biệt với Người và trở nên biểu tượng ưu việt nhất. Nhờ việc Đức Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan, nước trở nên “nước hằng sống” mang “ân sủng của Thiên Chúa”, tức là chính Thánh Thần, Đấng duy nhất có khả năng “tuôn tràn sự sống vĩnh cửu”. Chính Đức Giêsu ở trong thẳm cung của Ba Ngôi hằng sống (Ga 7,37-39), và vào Giờ trao Thần Khí (19,30), Người đã để tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu nước và máu, biểu tượng cao siêu của các bí tích, mà từ nay sẽ hoạt động bằng sức mạnh Thánh Thần (19,34 ; 1 Ga 5,6-8).

Nhấn dìm bởi bí tích Thanh Tẩy trong cái chết và trong sự sống của Đức Kitô, người con cái Chúa đón nhận bảo chứng của Thánh Thần, Đấng tưới tắm và cho uống nước (1 Cr 12,13). Cùng khi đó, họ khát mong được dìm vào trong Dòng sông của sự sống là chính Đức Kitô.

Để hiểu thêm ý nghĩa của biểu tượng nước trong phụng vụ, ta có thể lấy những công thức làm phép nước trong sách Lễ để suy niệm : nghi thức rửa tội, làm phép nước trong đêm vọng phục sinh, và của nước phép. Và đây là một trong những công thức được đề nghị cho việc làm phép nước mỗi Chúa nhật trong thánh lễ : “Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ngài là nguồn mạch và nguyên thuỷ của toàn thể sự sống của thân thể và linh hồn, chúng con xin Chúa chúc lành cho nước này : Chúng con dùng nó với niềm tin để khẩn nài ơn tha thứ mọi tội lỗi thiếu sót của chúng con và đón nhận sự bảo vệ của ân sủng Ngài chống lại mọi bệnh tật và chống lại mọi quyền lực của sự dữ. Với lòng thương xót, lạy Chúa, xin đừng ngưng nghỉ làm tuôn chảy cho chúng con nước hằng sống của ơn cứu độ ; chúng con có thể đến gần Chúa với tấm lòng trong sạch, và xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự nguy hại đến thể xác và tinh thần. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Amen.”

5. Dầu Thánh

Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh – hay vào một trong những ngày đầu tiên của Tuần Thánh – giám mục cử hành trong nhà thờ chính toà của mình thánh lễ truyền dầu, được gọi như vậy vì ngài sẽ thánh hiến dầu thánh.

Ở mọi thời, con người – nam cũng như nữ – đã biết dùng đến các dầu thơm và nước hoa. Thánh Kinh nói đến dầu làm toả sáng trên khuôn mặt (Tv 103,15) ; là biểu tượng của niềm vui (Tv 44,8). Xức dầu nghĩa là sự thánh hiến của một người do bởi Thiên Chúa, cho nhiệm vụ của vua, của tư tế hay ngôn sứ (Xh 29,7 ; 1 Sm 10,1 ; 16,12-13). Chính những vật dụng và nhà cửa cũng được thánh hiến bằng dầu (St 28,18). Người được xức dầu tiêu biểu nhất là Đấng Mêsia hay Đấng Kitô : cả hai từ này đều chỉ (chữ đầu trong tiếng Hípri, chữ thứ hai trong tiếng Hylạp) người được xức. Đức Giêsu, Đức Kitô là Vua, Tư Tế và Ngôn Sứ.

Biểu tượng của niềm vui và sắc đẹp, dấu chỉ của sự thánh hiến, dầu còn là chất dẻo thơm (ngày nay ta gọi là “pommade” hay “dầu cù là”) nó làm dịu cơn đau và gia tăng sức mạnh cho các đấu sĩ, đem lại sự dẻo dai và ít chấn thương.

Tiếp theo biểu tượng con người và Thánh Kinh, phụng vụ của Giáo Hội đã ưu tiên ba loại dầu, gọi là “dầu thánh” : dầu bệnh nhân, dầu dự tòng và dầu thánh.

Dầu bệnh nhân là dấu chỉ khả giác được dùng trong bí tích xức dầu bệnh nhân. Trong bệnh tật, dầu đem lại sự nâng đỡ của Thánh Thần.

Dầu dự tòng ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần cho những ai sắp được rửa tội và trở nên những đấu sĩ của Thiên Chúa, bên cạnh Đức Kitô, chống lại thần khí của sự dữ.

Dầu thánh là dầu thơm, dùng để xức dầu thánh hiến : sau khi rửa tội, dầu được xức trên đỉnh đầu của người con cái mới của Chúa ; ở thời điểm cốt yếu của bí tích thêm sức, dầu ghi dấu trên trán ; sau khi thụ phong giám mục, dầu được xức trên đỉnh đầu của tân giám mục ; sau khi truyền chức linh mục, trong lòng bàn tay của tân linh mục; nhân dịp cung hiến các thánh đường và bàn thờ, dầu được đổ trên bàn thờ và trên thánh giá để thánh hiến. Mỗi dịp như vậy, việc xức dầu thánh biểu tượng cho sự hiện xuống của Thánh Thần, Đấng đi vào lòng con người, như dầu thấm sâu vào trong những gì nó đụng tới. Dầu đưa con người tham dự, bằng những cách thức khác nhau, vào việc xức dầu vương đế, tư tế và ngôn sứ của Đức Kitô – Đấng được xức dầu tiêu biểu.

Để hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu sắc của dầu thánh, phải đọc trong sách lễ, bản văn cầu nguyện dùng làm phép hay thánh hiến chúng, thứ Năm Tuần Thánh, Lễ truyền dầu. “Để những ai tái sinh từ nước và Thánh Thần – được yêu cầu lúc thánh hiến dầu – mà hương thơm là dầu của ơn cứu độ làm cho tham dự vào cuộc sống thần linh và hiệp thông với vinh quang trên trời.”

6. Mùi thơm hương trầm

Những ngọn nến tìm thấy ý nghĩa lễ hội ở thời của chúng ta. Vậy sẽ rất thiếu sót nếu phụng vụ của Giáo Hội mất đi tính biểu tượng này của những ngọn nến. Cũng như thế đối với trầm hương : vào thời mà phổ biến dùng những cây hương (nhang !) và xông hương, ít nhiều mang tính huyền bí, không nên để việc cử hành loại bỏ một biểu tượng mà theo đó những người tín hữu rất nhạy cảm, dù việc chuẩn bị và sử dụng bình hương đòi hỏi một số kỹ thuật. Một bình hương làm ra để toả khói, và thà mất một người chuyên lo chuẩn bị với bình hương chứa than cháy đỏ, hơn là bỏ hương vào mà không xông khói. Những cử chỉ xông hương, không mục đích, thì thật là lố bịch.

Phần lớn các tôn giáo cổ xưa dùng nhựa cây thơm gọi là hương trầm. Chính Đức Chúa đã ghi nhắc cho Môsê rằng, mỗi sáng sớm và chiều hôm, người ta phải xông hương trước Nhan Người trên bàn thờ hương trầm sẽ được đặt nghi ngút trong nơi Thánh (Xh 30,7-8). Chính khi hoàn tất nghi lễ này mà ông Dacaria đón tiếp thiên thần Gáprien đến loan báo sự ra đời của Gioan Tẩy Giả (Lc 1,9-11). Vào ngày trọng đại của Lễ Thục tội (xá tội) (Yom Kippur), vị đại tư tế đi vào trong nơi cực thánh của đền thờ, với than nóng và hương thơm, để phủ lên một làn mây trầm hương trên hòm bia Giao Ước, trên đó được coi là nơi Đức Chúa cư ngụ (Lv 16,12-13).

Với hương trầm, đó là lời cầu nguyện của dân Ítrael bay lên tận Thiên Chúa như hương thơm, theo lời của tác giả Thánh Vịnh : “Ước chi lời con nguyện / như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan” (Tv 140,2). Sách Khải Huyền lấy lại phụng vụ này : “Một thiên thần đến đứng trước bàn thờ, tay cầm bình hương vàng. Thiên thần lãnh nhận nhiều hương thơm, để dâng trên bàn thờ bằng vàng trước ngai Thiên Chúa, cùng với những lời cầu nguyện của toàn thể dân thánh” (8,3-4).

Ở giữa phụng vụ Ítraen và phụng vụ trên trời, Giáo Hội dâng kính Thiên Chúa hương trầm cho ý nghĩa cụ thể của lòng tôn kính và cầu nguyện của mình (x. Mt 2,11 : hương trầm mà các Vị Đạo Sĩ dâng tặng Đức Giêsu). Hương trầm tiếp tục tỏ lòng tôn kính cốt yếu của Đức Kitô, chính Người đã dâng tặng lên Chúa Cha như hương thơm ngọt ngào (Ep 5,2) ; toàn thể các tín hữu được mời gọi lan toả khắp mọi nơi hương thơm của Đức Kitô (2 Cr 2,14-16).

Hương trầm được dâng tặng cho mọi thứ biểu tượng của Thiên Chúa, hay liên đến Người : trước tiên là Thánh Giá, bàn thờ, sách Tin Mừng, lễ vật, cả chủ tế và các tín hữu. Trong nghi thức an táng, ta còn xông hương cả thi hài người quá cố, người đã được rửa tội, như dấu chỉ của danh dự mà người ấy là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cr 6,19). Chúng ta không thể không nhắc đến rằng Thánh Thể là đối tượng rất đặc biệt để xông hương, hoặc là khi truyền phép trong thánh lễ, hoặc khi chầu mình thánh.

7. Bàn thờ : Điểm hội tụ của các Giáo Hội

Altare, trong tiếng Latinh, nghĩa là “bàn thờ” ; từ này có nguồn gốc từ altus, nghĩa là “nâng lên”. Nguyên bản, bàn thờ là nơi cao dùng như điểm nối kết giữa Thiên Chúa và trần gian. Nguyên do là những ngọn núi và những ngọn đồi là những nơi ưu tiên để người ta xây dựng toà nhà thánh thiêng ; Thiên Chúa ngự xuống đây và con người leo lên đó : “chạm núi cao cho toả khói mịt mù”, như lời Thánh vịnh 143,5 khẩn khoản. Cũng đôi khi, một hòn đá rơi xuống từ trời cao – thiên thạch – là nguyên lý của một sự thờ phượng địa phương : đó là trường hợp của La Mecque.

Dù bàn thờ có thể còn được chỉ định cho một nơi thờ phượng chung, như cách làm bên Đông phương, nó còn có nghĩa là trung tâm : bàn nơi người ta đặt những lễ vật dành riêng cho Chúa, được xem như ngự xuống để “nuôi dưỡng”. Nhằm tránh đi một cách quá đáng con người khi giới thiệu Thiên Chúa, người ta “nâng” những lễ vật lên Thiên Chúa, khi đốt chúng ; khi xông hương những lễ vật này, đó là hướng chúng lên trời để Thiên Chúa hít lấy hương thơm dịu dàng (St 8,21). Bàn nơi của lễ “chuyển” vào trong nơi thánh thiêng của Thiên Chúa, bàn thờ tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa ; vì thế hết mọi người không thể đi vào : chỉ các tư tế, theo lẽ bình thường, mới có thể đến gần (Xh 29) với những cử chỉ tôn kính.

Bàn đặt của lễ toàn thiêu nơi lễ vật biến thành hương khói dâng lên Thiên Chúa, bàn thờ cũng là bàn nơi Thiên Chúa và cộng đoàn tín hữu chia sẻ lương thực thần thiêng, nơi dấu chỉ của sự hiệp thông. Lương thực đến từ Thiên Chúa hoàn lại cho Thiên Chúa, và phần trở về với con người được nhìn nhận đầy đủ như của lễ thần thiêng. Thiên Chúa và con người, có thể nói, được cùng ngồi chung bàn và hiệp thông trong cùng một sự sống, sự sống của Thiên Chúa : họ cùng là “thực khách” theo nghĩa mạnh của từ. Nhân kết thúc của Giao Ước trên núi Sinai, một phần máu của vật sát tế được đổ trên bàn thờ để dâng lên Đức Chúa, và phần khác được rảy trên Dân chúng. Nhờ hy lễ này, Thiên Chúa và con người trở nên “họ hàng” (Xh 24).

Trong Giao Ước Mới, Đức Kitô đồng thời là bàn thờ, như Thiên Chúa, lễ phẩm và tư tế, cũng như con người : “Khi Người trao ban thân xác của mình trên Thập giá, tất cả mọi hy tế của Giao Ước Cũ đạt đến sự hoàn tất ; và khi Người ban tặng vì ơn cứu độ chúng ta, Người duy nhất là bàn thờ, tư tế và lễ phẩm” (Kinh tiền tụng thứ năm của mùa Phục sinh.)

Khi thánh hiến bàn thờ, vị chủ tế xức dầu thánh năm dấu thánh giá (một ở giữa và bốn ở bốn góc) và toàn bộ mặt bàn làm bằng đá là biểu tượng của Đức Kitô mà Chúa Cha đã “xức dầu” bởi Thánh Thần. Hương trầm mà chúng ta xông trên bàn thờ với mùi thơm êm dịu (Ep 5,2), cũng như những lời cầu nguyện của các tín hữu, được linh hứng từ Thánh Thần (Kh 8,3-4). Khăn bàn thờ phủ trên bàn thờ bảy tỏ rằng bàn ăn của tiệc thánh thể, nơi Thiên Chúa và con người hiệp thông, không còn trong máu của những con vật bị sát tế, nhưng trong máu của Ngôi Lời nhập thể, chết và phục sinh. Ánh sáng chiếu soi từ những ngọn nến xung quanh bàn thờ gợi nhắc đến Đức Kitô “ánh sáng của muôn dân” (Lc 2,32). Trong ngôi mộ dành sẵn, người ta đặt các thánh tích của các thánh : đó là sự tỏ hiện của sự hiệp nhất của hiến tế của Đầu và của các thành phần trong Thân Thể mầu nhiệm. Phải chiêm nghiệm tất cả sự vận hành của các biểu tượng trong các bản văn của sách nghi thức thánh hiến bàn thờ. Phải chú ý rằng người ta chỉ thánh hiến bàn thờ cố định : sự thánh hiến này thuộc quyền giám mục. Bàn thờ di động chỉ được làm phép bởi giám mục hay bởi linh mục phụ trách ngôi nhà thờ có bàn thờ đó ; người ta không đặt thánh tích của các thánh.

Trong các nhà thờ của chúng ta, bàn thờ- nơi biến đổi hy lễ duy nhất của Giao Ước Mới, là trung tâm của sự tập trung của toàn thể ngôi giáo đường. Để biểu lộ rõ hơn phẩm giá nội tại của bàn thờ, chúng không nên biến thành nơi lưu giữ thánh thể. Ngoài những thái độ thờ lạy dành cho Thánh Thể – nếu có ở đây – (quỳ gối), bàn thờ, hơn cả thập giá, tiếp nhận những cử chỉ thờ kính của các tín hữu (cúi mình). Trong thánh lễ, việc Linh mục hôn bàn thờ là dấu hiệu của sự tôn kính và hiệp thông. Dù có những cấp độ phụ khác nhau, nhưng bàn thờ, Thánh thể và linh mục đều là những biểu tượng của Đức Kitô.

8. Áo dài trắng trong tiệc cưới con chiên

Y phục phụng vụ dự phần vào cách thức của con người đến với Chúa. Áo dài, hay áo trắng (như nghĩa alba trong tiếng Latinh), là áo dài trắng, là áo phụng vụ căn bản của những người có vị trí đặc biệt trong việc cử hành của Giáo Hội : Giám mục, linh mục, phó tế, cũng như thầy giúp lễ (acolytes) (những người phục vụ hay thừa tác viên giúp cho chủ tế cử hành), người đọc sách và những người điều khiển trong thánh lễ.

Trong phần lớn các tôn giáo, sự hoàn thành của các nghi thức được hiểu như một sự bắt chước của hoạt động của các thần linh : người cử hành ở đây – nhất là linh mục hay người chủ tế – được giữ cho trong sạch theo nghi thức, thường được biểu tượng bằng y phục trắng. Trong Cựu Ước, vải lanh (gai) là loại vải dùng thông dụng trong phụng vụ (Xh 39,27-29).

Trong Tân Ước, y phục trắng là dấu chỉ của sự phục sinh, của đời sống mới mà chúng ta có được từ mầu nhiệm phục sinh. Nơi bốn tác giả tin mừng, các thiên thần của biến cố phục sinh xuất hiện trong “trang phục áo dài” : “Thiên thần của Thiên Chúa từ trời ngự xuống và đến lăn tảng đá, người ngồi trên đó. Mặt Người sáng chói và áo Người trắng như tuyết” (Mt 28,3 ; x. Mc 16,5 ; Lc 24,4 ; Ga 20,12).

Ở phần đầu sách Khải huyền, khi Đức Kitô vinh quang xuất hiện với thánh Gioan, Người mặc một áo dài, y phục của vị đại tư tế (1,13 ; x. Hc 50,11). Người hứa với các tín hữu, những kẻ chia sẻ chiến thắng của Người : “Họ sẽ mặc áo trắng cùng đi với Ta, vì họ xứng đáng. Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng ; Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh” (3,4-5 ; x. c.18). Quả thế, đám đông khổng lồ của những người được tuyển chọn xuất hiện trong trang phục toàn trắng : “Họ đứng trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành thiên tuế” (7,9). Người ta giải thích cho thánh Gioan, những người mặc áo dài trắng này “là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt và tẩy áo của mình trong máu Con Chiên” (7,14). Và khi Hiền thê xuất hiện, sẵn sàng cho tiệc cưới Con Chiên, sắc đẹp của nàng được làm từ màu trắng : “Nàng được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền. Vải gai đây chỉ những việc lành của dân thánh” (19,8).

Áo trắng – áo dài – là loại trang phục của “người được tái sinh”, của những ai đã giặt áo mình trong máu của Con Chiên, những người được rửa tội đã sống cuộc sống thượng giới, họ đã đi vào trong đời sống của Thiên Chúa. Vì thế những trẻ nhỏ và người lớn được mặc cho áo trắng nhân lúc họ lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Khi long trọng tuyên xưng đức tin, một cách thức đổi mới con người do phép rửa, những trẻ vị thành niên cũng mặc áo trắng.

Do màu đỏ của Cuộc Vượt qua của Đức Kitô và của máu Con Chiên, áo cưới của đời sống vĩnh cửu (Mt 22,11-12) mà chúng ta thủ đắc được : màu trắng, màu của phụng vụ trên trời, đã gợi lên qua sự trong trắng ngây thơ của nó, sự nóng sáng của Vinh quang Thiên Chúa.

9. Trang phục của linh mục : Dây các phép và áo lễ

Chúng ta không có tâm hồn trong sạch. Vậy khi Mặc Khải mô tả cho chúng ta phụng vụ trên trời, thì cũng chỉ cho ta thấy các thiên thần “mặc áo vải gai tinh khiết sáng chói, ngang ngực có thắt đai bằng vàng.” (Kh 15,6). Những người được tuyển chọn, như chính Đức Kitô, sẽ được mặc áo trắng. Người đã nói trong Thánh Kinh rằng không ai có thể đi vào trong phòng tiệc cưới mà không mặc áo cưới (Mt 22,11-12 ; Kh 1,13-14 ; 7,14). Nếu phụng vụ sử dụng phẩm phục với các màu sắc khác nhau thì cũng là để họa theo sự kiện con người dùng trang phục để xác định những chức năng khác nhau trong xã hội, từ áo blouse trắng của giới thầy thuốc cho đến áo choàng đen của giới tư pháp hay đại học, không nói đến những đồng phục khác nhau. Đặc điểm của những trang phục ít được hiểu rõ trong thời đại của chúng ta, thời đại mà người ta tìm cách giảm trừ những khác biệt : một dấu chỉ là sự có mặt khắp nơi của quần “jeans”, đồng phục của mọi nơi mọi lúc này gạt bỏ đi mọi thứ đồng phục. Sự tầm thường hoá của phụng vụ và của các tác giả, khi nó muốn, bày tỏ sự hiếu lầm của hành vi thánh thiêng mà nó nhắm tới, trái lại, việc đặt lên hàng đầu ý nghĩa của các hành vi nổi bật nhất bởi tính tầm thường này, như các bữa ăn. Để cử hành hiến tế và bữa tiệc thánh thể, linh mục mặc áo dài, choàng dây các phép và áo lễ khoác bên ngoài.

Dẫn nhập tổng quát sách lễ Rôma tuyên bố, “Giáo Hội, là Thân thể Chúa Kitô, vậy nên tất cả các thành viên không có cùng chức năng. Sự khác biệt này của các tác vụ trong việc thi hành việc phụng tự thánh được tỏ hiện ra bên ngoài bằng dự khác biệt của các trang phục thánh, mà nó phải được xem như dấu chỉ của chức năng riêng cho từng thừa tác viên. Những trang phục này phải đóng góp cho vẻ đẹp của việc cử hành thánh thiện. Trang phục riêng của linh mục cử hành thánh lễ hay một cử hành liên hệ đến thánh lễ là áo lễ (chasuble), mặc bên ngoài áo dài (aube) và dây các phép (étole).”

Dây các phép trong tiếng Latinh là stola hay stolè trong tiếng Hylạp : “trang phục phía trên” – là huy hiệu trang phục riêng của những ai đã lãnh bí tích Truyền chức thánh. Đó là dải băng vải dài gồm hai vạt cân bằng nhau ; nó đồng mầu với màu sắc phụng vụ của những trang phục thờ phượng khác. Giám mục và linh mục đeo dây từ phía sau cổ và để hai vạt song song phía trước ; thầy phó tế mang chéo qua vai, từ vai trái : một điểm kết nối hai dải ở dưới thấp sao cho dây các phép đi chéo thân thể phía trước cũng như phía sau. Dây các phép đeo bên ngoài áo dài.

Ở thời hậu văn hoá Latinh, casula là trang phục bên ngoài mà ta mặc chui qua đầu ; từ này đến từ casa : “ngôi nhà”. Quả thế, áo lễ bao trọn vẹn thân thể của người mặc nó, gợi nhắc đến một ngôi nhà nhỏ hay một túp lều. Ở những thế kỷ đầu, đó là trang phục bên ngoài dùng trong đời thường, và đã trở lại theo mốt phụ nữ vào những năm gần đây dưới hình thức áo khoác ngoài hay một áo đầm không có tay. Ở Nam Mỹ, áo pông-sô (poncho) còn rất phổ biến và đó không phải là cái gì khác một tấm chăn hình chữ nhật khoét một lỗ hay xẻ một khe ở giữa để chui đầu qua.

Dần dần, áo lễ trở thành trang phục riêng của giới giáo sĩ, không dành riêng cho phẩm trật nào : ngay cả các thầy giúp lễ ngày xưa cũng mặc. Chỉ mới gần đây nó mới trở thành phẩm phục dành riêng cho giám mục và linh mục để cử hành thánh lễ. Mặc áo lễ, linh mục “khoác trên mình” Đức Kitô, trong Ngôi vị (Personne) đó mà Người hành động.

10. Màu sắc phụng vụ

Phụng vụ là sự tỏ lòng biết ơn trọn vẹn của cộng đoàn nhân loại, trong hành động này con người gặp được Thiên Chúa của mình. Con người đem lại điều mà họ có tốt nhất trong mọi lãnh vực. Như kiến trúc, hội hoạ và điêu khắc được kêu gọi đóng góp để tạo nên một khuôn khổ và bầu khí – nếu không là trang trí – cho những khoảnh khắc nơi cộng đoàn Kitô hữu gặp gỡ với Đấng sáng tạo và cứu độ. Cũng vậy trong chiều sâu, ca hát góp phần vào sự diễn đạt chung mầu nhiệm được cử hành, hay lễ nghi trong trật tự điều hoà của những sự vận động và cữ điệu của mỗi cá nhân tham dự. Trong sự tỏ lòng tôn kính trọn vẹn này của con người đối với Thiên Chúa, chính những trang phục và màu sắc của chúng có vị trí của nó. Căn cứ vào đặc tính hỗn hợp của con người, tức là bản chất của nó vừa thiêng liêng và vật chất, thân xác và những vật dụng khác nhau dự phần vào trong phụng vụ. Chúng có nhiệm vụ giải thích những thực tại mà ta không thấy. Chính tính biểu tượng này làm nên cầu nối hai thành tố của bản chất con người. Bánh và rượu, dầu, nước, hay ánh sáng, hương trầm hay những cơ cấu thánh thiêng có chức năng biểu tượng riêng, bên cạnh đó màu sắc chỉ có một vai trò phụ thuộc. Dù vậy phải nói rằng không gì thực sự là phụ thuộc trong phụng vụ, bởi tất cả đều xuất phát từ Thiên Chúa. Trong những nghi thức của chúng ta, những màu sắc và ngay cả hoa cũng có tính biểu tượng và tầm quan trọng của nó, như chúng có ý nghĩa trong cuộc đời của chúng ta, dù lớn hay nhỏ.

Ở Tây phương, màu sắc phụng vụ là như sau : trắng, đỏ, xanh lá cây, tím, đen và hồng ; như thế Quy chế tổng quát sách lễ Rôma đã liệt kê chúng ra và đã để lại cho các Hội đồng giám mục nhiệm vụ phải phê chuẩn theo phong tục địa phương hay thích ứng với các quy tắc chung. Vàng, như màu sắc của các lễ trọng, và xanh da trời, như màu của Đức trinh nữ Maria, đôi khi được dùng tại một vài nơi. Trong những việc cử hành trọng thể, ta luôn có thể dùng đến phẩm phục đẹp nhất, dù chúng không chính xác là màu sắc của ngày.

Màu trắng được dùng vào mùa Giáng Sinh và mùa Phục sinh. Ta cũng dùng nó trong những lễ cung hiến, lễ về Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần, các vị chủ chăn, các tiến sĩ Giáo Hội, các thánh nam và các thánh nữ không tử đạo. Nó gợi nên sự thanh khiết, nhưng còn hơn thế nữa, là Vinh quang Thiên Chúa (lễ về Chúa) và sự sáng chói của những gì đụng đến Thiên Chúa. Ở Viễn Đông, màu trắng là màu của tang tóc.

Màu đỏ gợi đến máu và lửa. Nó xuất hiện vào chúa nhật Vượt qua (hay chúa nhật lễ Lá), Thứ sáu tuần Thánh, ngày lễ Hiện xuống và các lễ tôn kính Chúa Thánh Thần, vào lễ Suy tôn Thánh giá 14 tháng 9, vào lễ các thánh Tông đồ và tác giả các sách tin mừng, và vào lễ các thánh tử đạo. Nó liên hệ chặt chẽ với chứng từ cao nhất của tình yêu, là ân sủng của máu, và sự tôn thờ của Đấng là Tình Yêu : Thần Khí, đến trên các tông đồ dưới hình lửa.

Màu xanh là màu phụng vụ của muà thường niên. Từ này đến từ tiếng Latinh viridis (“xanh rờn”) ; nó gợi đến sự tăng trưởng của Giáo Hội, nhờ vào nhựa sống ban bởi Thiên Chúa.

Màu tím được nhận một cách nhân tạo bởi sự hoà trộn giữa màu đỏ và màu xanh da trời, nhưng đó là màu sắc tự nhiên của tím (viola trong tiếng Latinh), biểu tượng cho sự khiêm nhường và nhỏ bé. Trong phụng vụ, màu tím là màu sắc của thời gian sám hối (mùa Vọng và mùa Chay). Ta có thể dùng màu sắc này cho việc cầu cho mùa màng tươi tốt, rước kiệu sám hối nhằm van xin những nỗi bất hạnh chung hay ban cho thu hoạch hoa màu ruộng đất, và để dùng cho các lễ an táng.

Màu đen là màu của tang chế ở Tây Phương ; nó có thể được dùng làm phẩm phục phụng vụ của các lễ và các nghi thức phụng vụ cho người quá cố ; thông thường, người ta dùng màu tím cho những việc cử hành loại này.

Màu hồng chỉ xuất hiện hai lần trong năm phụng vụ : chúa nhật thứ ba mùa Vọng gọi là Gaudete (“Hãy vui lên”, từ đầu tiên của bài hát nhập lễ theo truyền thống ghêgôriô), và chúa nhật thứ tư mùa Chay, được gọi là Laetare (cùng nghĩa với Gaudete, của lời nhập đề). Trong khung cảnh của hai mùa sám hối, Giáo Hội thực hiện một cuộc nghỉ ngắn để nhắm đến tốt hơn niềm vui mà Giáo Hội đang chuẩn bị và chờ đợi : niềm vui của lễ Giáng Sinh và niềm vui Phục Sinh. Vào hai chúa nhật của niềm vui này, màu tím, màu bình thường của thời gian sám hối, toả sáng thành màu hồng, không chuyển tiếp sang màu trắng, màu của lễ trọng Sinh Nhật và Phục sinh.

11. Mũ và gậy của giám mục

Ngày nay, các bản tin truyền hình thường hay tường thuật việc đức Giáo hoàng trao phẩm hiệu giám mục cho một vị nào đó. Trong ngày lễ đó, hình ảnh mũ và gậy trở nên khá quen thuộc với chúng ta. Cha ông ta ngày xưa cũng quen với hình ảnh đó do những phác hoạ trên kiếng màu, trên các bức điêu khắc hay những hình trang trí có trong sách. Một số ý kiến cho đó là những đồ nghề lủng củng dùng trong cuộc diễu hành, tốt hơn nên tiết kiệm. Có suy nghĩ như thế là bởi người ta không đọc thấy ý nghĩa của chúng. Những lần cải cách phụng vụ diễn ra nhưng vẫn duy trì việc sử dụng từ thời xa xưa này của mũ và gậy. Chúng được  trao cho các giám mục và các đan viện phụ. Trong thực tế, chúng vẫn xuất hiện thường xuyên nhân các dịp cử hành quan trọng. vì thế cũng cần nhắc đến ý nghĩa của chúng.

Gậy, dấu chỉ tiêu biểu nhất của những người đứng đầu cộng đoàn Kitô giáo. Đó là chiếc gậy mục tử mà tên của nó xuất phát bởi từ “croc hay crochet – cái móc”, vì phần cong ở phía đầu cùng của gậy. Nguyên thuỷ, cây gậy của các người chăn chiên – la houlette (trong tiếng pháp) – được bẻ cong ở phần đầu. Chúng  có rãnh cho phép ném (“houler” nghĩa là “ném” trong tiếng pháp cổ) đất hay đá về phía những con cừu đi xa đàn, cũng như xua đuổi khi thú dữ đến gần. Cây gậy này trở nên biểu tượng của sự tỉnh thức, cảnh giác của người mục tử, lo lắng gìn giữ đàn súc vật của mình và dẫn đưa chúng về đồng cỏ xanh tươi (x. Tv 22,4 ; Ga 10 ; Lc 15,3-7).

Kém phong phú về ý nghĩa, mũ giám mục theo truyền thống được gắn liền với gậy giám mục. Trong tiếng Hylạp, mitra là một cái “đai”, “khăn vấn đầu”, “mũ miện”. Trong nghi thức của Cựu Ước, vị đại tư tế và các tư tế mang một khăn đội đầu, trang điểm phía trước bằng một bông hoa vàng- dấu chỉ của sự thánh hiến (Xh 39,28.30-31 ; Lv 8,8). Ngoại trừ ở Arménia, trong cách dùng của Kitô giáo, việc mang mũ đội đầu được áp dụng, nhưng chỉ dành riêng cho giám mục.

Khó mà xác định rõ ý niệm về mũ giám mục trong truyền thống Kitô giáo. Bởi lịch sử ban đầu ghi nhận chúng chỉ là giải băng quấn trên đầu, hay chiếc mũ bonet, gần giống với một tấm khăn voan (so với cách đội đầu của các quan chức bên Đông Phương) Sau chúng tiến triển thành tấm dát kim loại, được viền hạt đá quý xung quanh, v.v… Kể từ thời Trung Cổ, hình thức hiện nay của chiếc mũ giám mục dần dần thành hình : người ta thay thế tấm kim loại lạnh lùng và nặng nề bằng giải khăn trang trí, thắt nút phía sau đầu với dây dài, sau này nó trở thành hai “dải yếm” phía sau mũ giám mục. Tấm khăn voan, thủa ban đầu rất lụng thụng, được gia giảm dần, rồi dựng đứng lên phía trên vòng đai cuốn quanh đầu và cho rũ xuống giống hai cái sừng. Cải cách cuối cùng, khăn quấn đầu được nâng lên thành hai điểm phía trước-sau, và như thế, tạo ra một không gian rộng để trang trí. Tuy nhiên cách làm này giới hạn ở chỗ chỉ phủ trên đỉnh đầu. Như ta thấy trên cách tranh kiếng màu, các bức điêu khắc và bức trang trí sách, mũ giám mục ngày xưa khá thấp, chúng có thể dành cho cả các đan viện trưởng. Vào thời ba-rốc, mũ giám mục kiểu Rôma trông rất cao. Ngày nay chúng đã tìm lại kích thước hợp lý, hài hoà.

12. Biểu tượng của chiếc nhẫn

Không kể đến việc truyền chức giám mục, Bí tích hôn nhân, chúc lành đan viện trưởng, thánh hiến các trinh nữ, đều gồm có việc trao nhẫn. Ta cần dựa trên những nghi thức ấy để làm rõ ý nghĩa của biểu tượng chiếc nhẫn trong phụng vụ.

Từ xa xưa, người ta đã sử dụng nhẫn như biểu tượng của mối liên hệ được ký kết cách tự do. Phụng vụ Kitô giáo thánh hiến chúng trong nhiều dịp. Dường như ý nghĩa căn bản của chúng chính là sự trung thành trong sự kết hiệp hôn nhân. Trong bí tích hôn nhân, người ta cử hành một “Giao Ước,” chúng gợi lên mối tương quan Giao Ước mầu nhiệm giữa Thiên Chúa và Dân của người trong Đức Kitô. Linh mục làm phép những chiếc nhẫn cho đôi vợ chồng bằng công thức sau : “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã thiết lập Giao Ước với chúng con bởi Đức Giêsu Kitô, giờ đây xin chúc lành cho những chiếc nhẫn Giao Ước này và cho những ai khi mang nó trên tay biết luôn gìn giữ một sự trung thành trọn vẹn.”

Trong nghi thức truyền chức giám mục, tân giám mục nhận chiếc nhẫn như biểu tượng của mối liên hệ mà ngài ký kết với Giáo Hội. Đối với Giáo Hội, đây là dấu chỉ bí tích đầy đủ của sự hiện diện của Đức Kitô, Lang quân của Giáo Hội. Khi trao nhẫn cho ngài, giám mục chủ phong nói với ngài rằng : “Hãy nhận lấy chiếc nhẫn này, biểu tượng của lòng trung thành. Hãy gìn giữ nó không tì tích, hãy luôn trung thành với Giáo Hội là Hiền thê của Thiên Chúa.” Chính tính biểu tượng này mà nhẫn được áp dụng cho các đan viện phụ, mà theo Luật thánh Benoit, là người “giữ vị trí của Đức Kitô trong đan viện của mình” (chương II).

Cũng vậy các trinh nữ thánh hiến là trung tâm của mầu nhiệm Giao Ước. Giám mục là người thánh hiến và trao nhẫn Giao Ước cho các chị. Khi đó ngài đọc rằng : “Hãy nhận lấy chiếc nhẫn của lễ thành hôn thiêng liêng với Đức Kitô và gìn giữ lòng trung thành với đức Lang quân của các chị, để được thưởng công là được đón nhận vào tiệc cưới với niềm vui vĩnh cửu.”

13. “Hát hay, cầu nguyện hai lần”

Phụng vụ trọn vẹn là sự diễn tả về mặt con người cách đầy đủ nhất của mối gắn kết cộng đoàn với Thiên Chúa. Như thế, trong thứ tự của sự diễn tả thuần túy con người này, hát ca tạo nên một khoảng âm cao nhất, một cách thưa long trọng nhất. Vậy hát ca có chỗ ưu tiên trong sự gặp gỡ Giao Ước giữa chúng ta với Chúa.

Opera trong đời sống thường ngày là loại hình trình diễn trọn vẹn, vì nó kết nối sân khấu với niềm vui của âm nhạc, nhưng phụng vụ -Opus Dei- “Tác phẩm của Thiên Chúa” – còn chiếm vị trí cao hơn vì hành động của chúng còn toàn vẹn hơn. Chúng đưa cộng đoàn con người vào với những rung động trong sự tương tác với Chúa. Sân khấu kịch Hylạp đã hiểu được điều này, người ta lập nên các ca đoàn. Ra như các ca đoàn giới thiệu mầu nhiệm con người trước số phận mà các thần linh có vẻ đã áp đặt cho nó.

Tuỳ theo khả năng của từng cộng đoàn, hát dự phần trọn vẹn trong phụng vụ của chúng ta. Việc cử hành tiêu biểu (mẫu) không phải là “ê a” đọc kinh phụng vụ hay cử hành thánh lễ âm thầm cho bằng là phụng vụ long trọng. Trong đó các cử chỉ và lời hát có thể dùng tận dụng mọi chiều kích của nó. Điều hay nhất của con người là được dâng tặng kính tôn Thiên Chúa.

Hát khiến cho lời ca của những lời bài hát có sự triển nở biểu cảm cao nhất. Vì khi lời được phát âm trầm bổng, bài hát có thể đưa tâm hồn và cảm xúc con người tới cảnh vực mà lời bài hát mong muốn. Cầu nguyện, nhất là cầu nguyện chung, tự nhiên nhờ đến hát : “Ai hát hay, là cầu nguyện hai lần”, thánh Âutinh đã nói. Hát chung quả không dễ dàng và đòi hỏi sự nhiệt tâm như sự từ bỏ chính mình. Cùng hát chung một bè hay nhiều bè, dễ làm hiệp nhất những con tim.

Bén rễ trong lời cầu nguyện theo Thánh vịnh, lối hát Ghêgôriô là “lối hát riêng của phụng vụ Rôma” (Vaticanô II, Hiến chế phụng vụ thánh, s.116). Chúng phát triển song song với nền văn minh tây phương và người ta ngày càng khám phá nét độc đáo của lối hát này. Có vẻ lối hát đa bè của đông phương tuy rất được ưa chuộng, và dễ hát, nhưng chúng không bén rễ sâu trong cảm thức đức tin của ta. Dẫu vậy, như thánh Pio X đã từng nói, tất cả những bài hát phụng vụ đều được tiếp nhận, miễn là chúng làm cho người ta cầu nguyện trên cái đẹp, và mọi tín hữu có thể kết hợp với nhau bằng cách này hay cách khác.

14. Lối hát Ghêgôriô

Quy chế tổng quát sách lễ Rôma (s.19) nhắc nhớ đến lời dặn của thánh Phaolô với tín hữu Côlôxê, khi nối kết sự quan tâm đến Lời Chúa với lời hát tinh thần : “Ước chi Lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.” (Cl 3,16)

Việc cải tổ phụng vụ cho phép dùng những ngôn ngữ khác nhau trong cử hành, điều này dẫn đến sự việc dùng hay cải tiến tập thánh nhạc thích ứng theo từng ngôn ngữ và quốc gia (x. Hiến chế phụng vụ thánh, s.36-40, 54, 112-121). Tuy nhiên, Công Đồng không muốn vì thế mà gạt bỏ kho tàng cổ xưa lối hát của Giáo Hội. Trước khi cho phép dùng ngôn ngữ địa phương, nguyên tắc thứ nhất được đặt ra : “Việc dùng ngôn ngữ Latinh, ngoại trừ trường hợp đặc biệt, sẽ được lưu giữ trong các lễ nghi Latinh” (s.36,§1). Nó đòi hỏi “phải dự liệu để các Kitô hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát chung các phần dành cho họ trong thánh lễ ngay cả bằng La ngữ.” (s.54). Hơn nữa, “Giáo Hội nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của phụng vụ Rôma. Vì thế, trong các hoạt động phụng vụ, bình ca phải chiếm một địa vị chính yếu giữa những loại ca khác.” (s.116). Nếu ta muốn trung thành theo từng chữ và theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II, thì phải đồng thời nhìn nhận vị trí ưu tiên của lối bình ca Ghêgôriô. Chúng liên kết rất chặt chẽ với toàn thể nền văn hoá Kitô giáo của những nước Latinh. Tuy nhiên chúng cũng dành chỗ cho những cách thức hiện đại và địa phương trong việc diễn đạt thánh nhạc, vì “Giáo Hội chuẩn nhận tất cả những hình thức nghệ thuật đích thực, nếu chúng được thừa hưởng những tính chất tốt đẹp và cho phép trong việc phụng tự Thiên Chúa” (s.112).

Văn chương ghêgôriô tuy đẹp đẽ nhưng rất cổ xưa vì nó trở về tận nguồn xưa của nó (La Mã Cổ). Do đó chúng vượt qua cả thời thánh Ghêgôriô Cả giáo hoàng (giáo hoàng từ 590 đến 604)- người đặt tên của mình cho dòng nhạc này. Quả thực, thánh Ghêgôriô chính là người đã ấn định bản văn cho những lời cầu nguyện Rôma, cũng như công thức cho những bài hát khác nhau dùng trong thánh lễ. Trước ngài, kiểu hát Ghêgôriô đã thừa hưởng từ Rôma lối hát nói (récitatif) mà các vị chủ tế thường dùng trong những lời nguyện và kinh tiền tụng. Người ta cũng gán cho Mozart câu nói nổi tiếng : “Tôi có thể đánh đổi toàn bộ thành quả âm nhạc của tôi để được sáng tác cho kinh tiền tụng Rôma”. Những cung giọng đơn giản này, tuy giản dị nhưng long trọng, tuy biểu cảm nhưng đầy sức sống. Chúng phục vụ cho những dòng chữ thánh được ngắt câu với vẻ kín đáo nhưng không kém trang trọng. Chúng giống như tập Thánh Vịnh, yếu tố tạo nên tinh chất cho kinh thần vụ. Tất cả những bài hát nói, ít nhiều được thêm thắt, là nền của lối hát Ghêgôriô và bén rễ sâu trong những bài ca của dân Ítraen, rất gần với bản văn thánh của bộ Kinh Thánh.

Công Đồng dạy: Một bài thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu (s.112). Trong ý hướng ấy, lối hát Ghêgôriô thực sự được hưởng vị trí đầu, vì nó là một thứ âm nhạc nở hoa trên những bản văn của Thánh Kinh. Đa số những bài hát được dựa trên các Thánh vịnh. Chỉ điều này thôi cũng để cho người nghe thấy rằng họ không thể hiểu cũng như không thể thưởng thức trọn vẹn nhạc bình ca Ghêgôriô nếu họ không quen thuộc với tập sách Thánh Vịnh. Vì thế, lý tưởng nhất là phải thường xuyên mở cuốn Thánh Vịnh bằng tiếng Latinh.

Khai sinh trước thế kỷ VI, những bài hát nói Latinh được soạn cho những giọng (accent) theo cao độ khác nhau. Sau này, giai điệu Ghêgôriô dần dần phát triển những âm hoa mỹ (mélisme) của nó mà không bao giờ lạc xa bản văn thánh mà nó phổ nhạc. Trước tiên, đó là những bài mà trong đó vần là chuẩn mực tiên quyết. Tiếp đó là những nốt thăng hay giáng một cách kín đáo được đặt ở phía trên hay phía dưới dòng kẻ. Dần dần, những từ đặc biệt được đánh dấu này được soạn thêm một số nốt nhạc tạo nên sự ngân nga hay tạo nên bè do việc xếp chồng xung quanh một hay nhiều dòng nhạc (corde modale). Việc làm ấy tạo nên những dấu nơm phức tạp (neume – từ xuất phát trong tiếng Hylạp pneuma, nghĩa là “hơi thở”). Lối hát ghêgôriô đạt đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ thứ VIII. Khi đó, lối hát Rôma cổ xưa được làm phong phú thêm bởi nét hoa mỹ galican và giécmanh. Nhạc bình ca Ghêgôriô có vẻ như là kết quả của sự hợp lưu giữa truyền thống Rôma và Phrăng. Sức lan toả rộng rãi của nó phải đợi đến hành động hợp nhất đế quốc của Charlemagne. Chẳng bao lâu sau đã xuất hiện những thủ bản ghi chép nhạc đầu tiên bằng ký hiệu neume. Đây là bước ngoặt để hiểu được nhịp điệu của tiết tấu và để diễn dịch theo lối hát bình ca Ghêgôriô (thế kỷ IX – X).

Vào những thế kỷ sau đó, nhạc bình ca ghêgôriô truyền thống bị mai một ít nhiều. Chúng bị đồng hoá với lối hát bình dân và vì thế đã có đôi lúc hơi bị biến dạng. Với sự xuất hiện và phát triển của các ngôn ngữ Châu âu, ý nghĩa của sắc thái Latinh dần dần bị nhạt dần và lối hiểu chính thống của nhịp điệu cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Nhạc bình ca Ghêgôriô trở nên nặng nề đến nỗi không thể hiểu được. Dưới nỗ lực của Dom Guéranger nghiên cứu tỉ mỉ những thủ bản cổ xưa, ta mới hiểu làm sao Đan viện Solesmes là động lực chính cho sự phục hồi lối hát bình ca Ghêgôriô trong hậu bán thế kỷ XIX. Các ca trưởng của ca đoàn (maitre du choeur) nối tiếp nhau tại đan viện làm việc chung với nhiều nhà nghiên cứu khác nhau, đã đưa ra ánh sáng những chìa khoá thực sự của cách trình diễn một bài hát của Giáo Hội Rôma với : từ ngữ Latinh và cách nhấn giọng của nó, neume hay dấu thủ bản, giai điệu nhịp điệu và điệu thức.

Bình ca Ghêgôriô bắt nguồn từ cầu nguyện bằng thánh vịnh của các đan sĩ, và tự nhiên sự phục hồi trở thành công trình của họ. Phải mất nhiều thời gian, thánh vịnh mới trở thành di sản của lời cầu nguyện trong Giáo Hội Tây Phương. Cũng phải đề cập đến tính học thuật hàn lâm và tính mỹ thuật mà sự diễn tả sâu sắc của con người trước mặt Chúa. Giống như tập thánh vịnh thể hiện mọi sắc thái của nhân loại, thì bình ca Ghêgôriô được hát trên mọi cung bậc, nghĩa là con người tìm kiếm Thiên Chúa. Trên tiến trình ấy, cả con người và những dòng nhạc cho ta thấy sự lao mình vào bóng tối hay ẩn thân dưới đôi cánh của Thiên Chúa.

Nhân cuộc hội thảo ở Pont-à-Mousson, năm 1985, với chủ đề “Âm nhạc trong Giáo Hội ngày nay”, Giám đốc vũ nhạc (Directeur de la muisique et de la danse) của Bộ Văn hoá phát biểu rằng : Những người của thời đại này cần phải nghe và lắng nghe nhạc bình ca. Ông còn nói thêm với những vị có trách nhiệm về nhạc phụng vụ : “Tôi có dám trao phó cho quý vị điều mà chúng tôi cảm thấy hơi đơn độc trước bản nhạc kỳ diệu này không ? Bởi vì, trong nhạc bình ca Ghêgôriô, chức năng của nó không thể tách rời với tâm hồn. Với tư cách một công dân liên đới với quý vị, thật tiếc biết bao là nhạc Ghêgôriô không được đón nhận tốt hơn, không được ghi nhận trong chức năng của nó ! Vì, theo tôi, nghe nhạc bình ca Ghêgôriô nơi những buổi hoà nhạc, thì cũng như là xem thú trong sở thú. Nhạc Ghêgôriô không phải là một nhánh rẽ của nhạc hoà tấu. Chắc chắn, điều thuộc về quý vị là chọn lựa thứ âm nhạc của quý vị và định nghĩa thứ nhạc đó cho thích hợp nhất với phụng vụ. Nhưng tôi xin quý vị, đừng để cho chúng tôi, những người giáo dân, trở thành những người thừa kế duy nhất của nhạc bình ca Ghêgôriô. Chúng tôi sẽ sẵn sàng và thực tế chúng tôi đã làm để đóng góp cho sự tồn tại của lối biểu cảm rất đầy đủ, rất tuyệt đối này” (Documents-Episcopat, s.5, tháng 3 năm 1986).

Khi tôi còn là người coi khách của đan viện, điều làm tôi cảm động là khi dẫn những khách của chúng tôi vào tham dự cử hành phụng vụ Ghêgôriô. Tôi không tin rằng có một ai đó đóng chặt tâm hồn mình với thứ âm nhạc này khi họ đang cố mở lòng mình ra trước Thiên Chúa. Có thể có phản ứng tiêu cực do ngôn ngữ Latinh bị xem như rào cản. Nhưng sau một hai ngày ở đan viện, những ấn tượng này thay đổi. Dần dà, sự sâu sắc của Chúa và của con người trong cách cầu nguyện không gì thay thế này, trổ sinh sứ điệp bình an, giải gỡ những rào cản và mở ra cho Thiên Chúa và cho những người khác.

Phải chăng đó không phải là những gì được hiểu và được giải thích với tài năng của Saint-Exupéry sao ? Quả vậy ông đã viết những lời này : “chỉ có một vấn đề, một vấn đề duy nhất, từ thế giới này : trả lại cho con người ý nghĩa tâm linh, những lo lắng tâm linh, làm rơi lệ trên những gì có vẻ như là một bài hát bình ca Ghêgôriô.”

15. Halêluia, bài ca phục sinh

Quả thực, mọi Kitô hữu đều nói tiếng Hípri. Có ba từ Hípri thường trở đi trở lại trên môi : Halêluia, Hosanna, Amen”.

Halêluia nghĩa đen là : “Hãy ca ngợi Đức Chúa !” “Ngợi khen Đức Chúa !” Ta tìm thấy lời hoan hô này 23 lần trong các Thánh Vịnh, và chỉ có trong Thánh vịnh mà thôi. Lời hoan hô này có vẻ như càng gia tăng khi ta càng đọc về cuối của sách Thánh Vịnh. Lúc đó, lời cầu nguyện linh hứng của Ítraen đã trở nên lời cầu nguyện của Đức Kitô và của Giáo Hội, gia tăng dần sự vui mừng.

Cả phụng vụ Dothái lẫn phụng vụ Kitô giáo, đều dùng sách Thánh Vịnh thường xuyên. Vì thế không thể thiếu chuyện dùng Halêluia làm điệp ca (điệp khúc) đơn giản nhất, hoặc ở đầu hoặc ở cuối các thánh vịnh, hay ở giữa các thánh vịnh.

Giáo Hội Latinh đã chọn Halêluia làm lời hoan hô rất chau chuốt của Thánh Vịnh mà ta hát trước Tin Mừng. Trong nhạc bình ca Ghêgôriô, giai điệu của Halêluia thường hay có ở vần cuối. Và  ta hiểu, đó là một lời tán dương Danh thánh Đức Chúa. Đó cũng là sự hoà điệu về mặt âm nhạc, một hình thức khác trong trật tự biểu cảm, mang tên jubilus. Halêluia- Tiếng kêu hân hoan vui mừng của Giáo Hội, tạo nên nhịp cho toàn thể phụng vụ, nhất là trong mùa phục sinh. Trong mùa Chay, dưới dấu chỉ của lòng sám hối, ta không đọc chúng. Mỗi lần ta hát, là mỗi lần ta tuyên xưng rằng Đức Giêsu hằng sống, và rằng sự phục sinh của người truyền cho chúng ta sự sống thần thiêng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy nên theo công thức của thánh Phaolô (Ep 1,6.12.14), chúng ta trở nên “lời ca ngợi vinh quang”. Điều này được xác nhận thêm bởi  chân phúc Elizabeth de la Trinité.

Hãy dành một chút để nghe thánh Âutinh chú giải Halêluia của ngày lễ Phục Sinh : “Halêluia nghĩa là Hãy ca ngợi Thiên Chúa. Chúng ta hãy ca ngợi Thiên Chúa, thưa anh em, bằng cuộc sống và miệng lưỡi của chúng ta, bằng con tim và môi miệng của chúng ta, bằng giọng nói và phẩm hạnh của mình. Chúa muốn rằng chúng ta nói Halêluia, không có chi bất đồng với ai hát nó. Nào ta cùng chung tiếng cuộc đời và môi miệng của chúng ta, giọng hát và phẩm hạnh của chúng ta. Tôi xin lặp lại, sợ rằng bài hát hay của chúng ta kết án phẩm hạnh xấu xa của chúng ta. Hãy hát lên giờ đây Halêluia với sự ân cần, để có thể một ngày nào sẽ lại hát lên với tất cả sự tĩnh lặng.

Hãy hát lên Halêluia, giữa muôn sự nguy hiểm và cám dỗ. dưới trần thế người ca sĩ phải chết đi, trên kia, người sẽ sống mãi. Ở đây, người ca lên bài ca hy vọng, sở hữu trên kia ; ở đây, đó là Halêluia trên đường lữ hành, kia là Halêluia của quê hương.

Hãy hát lên, hát như người lữ hành, hát lên và tiến bước. hát lên để trợ nâng nỗ lực, đừng dành chỗ cho sự lười biếng. Hãy hát lên và bước đi. Nghĩa là gì khi nói : Tiến bước ? Đó là tiến bộ, tiến bộ trong sự tốt lành. Tiến bộ trong sự đúng đắn của đức tin, trong sự trong sạch của cuộc sống. Hát lên và tiến bước.” (Bài giảng 256).

16. Amen, hosanna

Bên cạnh Halêluia, hai từ Hípri khác cũng thân quen với mọi người thường xuyên tham dự cử hành phụng vụ : Amen và Hosanna.

Amen là tiếng reo mừng hoan hô trong tiếng Hípri biểu lộ sự tán đồng, có gốc từ động từ âman- sự thừa nhận của cái gì được  thiết lập cách chắc chắn, vững chắc. Điều mà lời Amen tuyên xưng tương tự với điều đã xây dựng ngôi nhà trên đá và không phải trên cát (x. Mt 7,24-27). Do phép ẩn dụ, từ Hípri khi gán cho con người là chúng nói đến tính chất trung thành, và hành vi của đức tin qua đó ta dựa vào ai đó. Amen, đôi khi lặp lại, một kết luận của bốn, năm cuốn sách của tập Thánh vịnh. Chúng là biểu hiện của việc kết hiệp chặt chẽ với điều mà các thánh vịnh của cuốn sách này vừa hát (Tv 40,14 ; 71,19 ; 88,53 ; 105,48).

Nói Amen, đó là đồng thuận với điều vừa nói hay vừa làm. Trong phụng vụ, Amen là hành vi đồng thuận của Dân trước Công trình của Thiên Chúa, như các thừa tác viên thi hành. Đó cũng là hành vi của sự gắn kết với những lời cầu nguyện được thực hiện nhân danh Người, do chủ tế cử hành. Long trọng nhất của Amen là lời đến từ lời của các tín hữu vào lúc mà, vào cuối Kinh tiền tụng I (lễ quy Rôma), họ trình bày sự gắn kết của họ với hy tế thánh thể, được kết luận bằng vinh tụng ca Per Ipsum. Sự đồng thuận này là đồng nhất với sự xác nhận của Giao ước do bởi Dân Ítraen nhân cuộc đại hội ở núi Sinai (Xh 24,7).

Tuyên xưng Amen không đến từ việc việc làm vui lòng với tâm tình ngây ngô. Sự đồng thuận là hành vi sâu sắc nhất của tự do con người, đánh dấu bằng những hành vi nhân linh long trọng nhất, chúng giống như sự đồng thuận lẫn nhau của vợ và chồng trong đời sống hôn nhân. Nói vâng, đồng thuận, là hơn cả chọn lựa : đó là chấp nhận điều vượt qua chúng ta và hoàn tất chúng ta. Trước vẻ lộng lẫy huy hoàng của tình yêu con người và vẻ lộng lẫy huy hoàng của tình yêu Thiên Chúa là nguồn mạch và cùng đích của nó, chúng ta thực sự không có chọn lựa giữa nhiều thái độ : chúng ta chỉ có thể đồng thuận hay từ chối. Trong phụng vụ, tiếng Amen của chúng ta giải thích sự đồng thuận lặp lại của Dân Hiền Thê với những ý tưởng của Đức Kitô. Một trong những tiếng “vâng” này đăc biệt có ý nghĩa là tiếng vâng của người tín hữu khi người này vừa hiệp lễ : linh mục giơ mình thánh Đức Kitô và người ấy thưa Amen là một trong những hành vi riêng của toàn thể cộng đoàn phụng vụ, thực tại cốt yếu của phụng vụ.

Lời tung hô “Hosanna” xuất hiện ít hơn so với từ Amen. Mọi người biết rằng nó được lặp lại hai lần trong kinh Thánh Thánh Thánh Sanctus mà kinh này hân hoan tuyên bố sự thánh thiện của Thiên Chúa bởi các người tín hữu vào cuối kinh tiền tụng.

Hosanna, trong tiếng Hípri, theo nghĩa đen “Xin cứu vớt tôi !” Ta tìm thấy trong bản văn Thánh Vịnh 117,25, Thánh Vịnh vượt qua (pascal) tiêu biểu này bắt chước sự đón tiếp Đấng Mêsia nhân ngày đăng quang của Người (c. 19-27). Không bất ngờ để xác nhận rằng những người Ítraen hát lời này vào lúc Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem như Đấng Mêsia (Mt 21,9), như chúng ta vẫn hát lại vào mỗi dịp Lễ Lá.

Mỗi ngày, trong thánh lễ, vào lúc mà hy lễ thánh thể vừa được thay đổi, nghĩa nguyên thuỷ của Hosanna lấy lại toàn bộ chiều kích của nó : “Xin cứu vớt tôi !” Đó là Công Trình của Đức Giêsu, mà tên của Người có nghĩa là “Đức Chúa cứu độ” (Mt 1,21).

17. Rước kiệu

Từ lâu, Giáo Hội với đà tiến của Công Đồng do Đức Gioan XXIII quy tụ, đã muốn mở rộng ra thế giới, song song đó nhiều nơi lại giới hạn sự biểu lộ công cộng của mình. Nên nhớ Giáo Hội không quay trở lại sống trong những hang toại đạo, nhưng sẽ cử hành các nghi thức tại các thánh đường, và rước kiệu là một hình thức bày tỏ tính công cộng. Từ vài năm nay, người ta tham dự vào những cuộc hành hương mà số lượng tăng lên thấy rõ, nhất là nơi những người trẻ. Vào thời đại mà người ta di chuyển rất nhiều, điều này có bình thường không khi những người tín hữu cảm thấy nhu cầu thánh hoá những chuyến hành hương của họ ? Trong viễn tượng của Giáo Hội, bao gồm trong mầu nhiệm của sự hiệp thông của mình, những cuộc hành hương và những cuộc rước kiệu là sự diễn tả cụ thể của một cộng đoàn đang tiến bước về với Chúa của họ, với Thiên Chúa của họ, dưới cái nhìn của Thiên Chúa.

Nếu phụng vụ chúng ta thường cử hành là sự tôn kính mà ta dâng cho Thiên Chúa theo cách con người, thì chính những sự vận động của cơ thể làm nên phần trọn vẹn của sự tôn kính này. Không chỉ sự tiến bước thuộc về hoạt động của con người, mà nó còn là biểu tượng của sự tiến bộ hướng về Chúa. Sự việc “tiến bước với Chúa này” (St 5,24 ; 6,9 ; Lc 24,15-32) hay “bước đi trước mặt Người” (St 17,1) đối với các Tổ phụ, không phải là sự biểu cảm của sự toàn hảo sao ? Xuất hành, là cuộc đại hành hương của Ítraen trong sa mạc giữa cuộc trốn thoát khỏi Aicập và đi vào đất hứa, phải chăng không biểu hiện kinh nghiệm kiểu mẫu của Ítraen ? Trong Tin Mừng, “theo Đức Kitô”, “bước đi theo Người” là thái độ trọn hảo của người môn đệ.

Trong những cuộc rước kiệu trong phụng vụ, toàn thể hay ít là một số con cái của Giáo Hội bắt đầu bước đi để gặp gỡ Thiên Chúa. Ta có thể đề cập đến tiến trình trong thánh lễ rước nhập lễ, rước dâng lễ vật, và rước hiệp lễ. Tham dự cách đây ít lâu, ở Dakar, nhân dịp 50 năm kỷ niệm cung hiến thánh đường được xây dựng bởi nhiệt tâm tông đồ của chân phước Cha Brottier, tôi đã xúc động bởi sắc đẹp nhiều màu sắc của đám rước lễ vật, với những phong tục và đung đưa lúc lắc theo nhịp điệu mà Phi châu đã biết tôn vinh giá trị. Chúng ta tất cả đã thấy ít ra là trên truyền hình, những cuộc rước dâng lễ vật này nhân dịp những thánh lễ được chủ sự bởi đức thánh cha Gioan Phaolô II trong những chuyến công du của ngài. Trong năm phụng vụ, ta có thể ghi nhận đặc biệt cuộc rước kiệu ngày 2 tháng 2, sau khi làm phép nến dành riêng cho ngày này, cũng như làm phép lá trong chúa nhật Lễ Lá.

Trong phần lớn các tôn giáo, những cuộc rước nhắm đến giới hạn một không gian thánh thiêng, khi kết hợp với sự chi phối ảnh hưởng của sức mạnh của sự dữ và bảo đảm sự bảo vệ của thần thánh. Đó phải chăng là ý nghĩa của 13 vòng đi xung quanh Giêricô của dân Dothái (sáu lần vào sáu ngày đầu và bảy lần vào ngày cuối) trước khi bức tường thành sụp đổ (Gs 6,1-16) ? Đó không phải là hệ quả mà những cuộc rước của chúng ta muốn tìm kiếm. Những cuộc rước này nhắm đến thu nhận những sự chúc lành của Thiên Chúa hay ơn tha thứ của Người. Về điểm này, ta có thể phân biệt những cuộc rước có tính chất vui vẻ lễ hội và những cuộc rước sám hối như cuộc rước cầu mùa mà Giáo Hội khẩn nài quyền năng Thiên Chúa cho mùa màng thu hoạch sắp tới. Đó là hình thức rước thuộc loại thứ hai, còn cuộc rước long trọng của Thánh Thể vào ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa được sắp vào loại thứ nhất. Ngày nay, chúng ta cần nghe lại lời kêu gọi của ngôn sứ Isaia : “Hỡi nhà Giacóp, hãy bước đi, bước đi dưới ánh sáng của Thiên Chúa” (2,5).

18. Tiếng chuông trong đời sống dân Thiên Chúa

Trong khung cảnh của nước Pháp, các thành phố và làng mạc nép mình dưới bóng tháp chuông của ngôi nhà thờ. Điều này gợi nên cho ta không chỉ sự hoà hợp của lối sống, mà nhất là một trung tâm và ý nghĩa cho cộng đoàn con người. Từ nhiều thế kỷ qua, tháp chuông tỏ ra cho mọi người thấy chiều kích hiệp nhất và kết quả bên kia của đời mình. Tuy nhiên, một tháp chuông được xây dựng lên không phải để nhìn, dẫu nó là một cấu trúc cao lớn, nơi đó người ta đặt những quả chuông mà tiếng kêu của chúng có thể vang đi rất xa.

Những tháp chuông dự phần trọn vẹn vào toà nhà thánh thiêng mà chúng tỏ hiện sức sống. Một ngôi nhà thờ không tháp chuông là một nhà thờ câm. Hiện nay, có nhiều sự giới hạn áp đặt cho tiếng chuông vì nhiều lý do. Nhưng nếu người ta không thích dậy sớm, thì người ta cũng có thể cảm nghiệm khi nghe chúng. Nó đánh dấu một sự kiện trong cuộc đời một con người liên quan đến rửa tội, hôn phối, và an táng. Dù cho nó không được thực hành ngoài những ngày trọng đại của sự sống và sự chết, thì người Pháp vẫn thích đánh chuông. Phải chăng nó không phải là lời nhắc nhở thường xuyên của mầu nhiệm Thiên Chúa mà mầu nhiệm này nhắc chúng ta đến sự sống của Người ?

Chúng ta có cơ hội giới thiệu với cộng đoàn phụng vụ như “Công trình của Thiên Chúa”. Phải nói lại rằng chính Thiên Chúa luôn luôn triệu tập Dân Người. Người làm, cách chắc chắn, do thừa tác viên của Người khi dùng những dấu chỉ thích hợp để kêu gọi các tín hữu nhân danh Chúa. Tiếng chuông phải được hiểu như biểu tượng Thiên Chúa quy tụ Dân Người để cử hành Giao Ước. Vậy nên chúng cần được nhìn nhận vị trí quan trọng của mình.

 Sách Nghi thức Ban phép lành Rituel des Bénédictions, xuất bản tại Rôma năm 1984, có cả nghi thức cử hành và công thức chúc lành cho tháp chuông. Chính khuyến cáo được ghi trong đó  dự trù : “Ngày hồng phúc đã đến nơi nhà thờ này vừa được chứng kiến những quả chuông mới, điều đó cho chúng ta cơ hội ca ngợi Thiên Chúa trong việc cử hành này. Quả vậy, những quả chuông được liên kết với toàn bộ cuộc sống của Dân Thiên Chúa : nó chỉ định thời gian cầu nguyện, quy tụ cộng đoàn cho những cử hành phụng vụ, nó thông báo cho các tín hữu biết những sự kiện buồn vui đụng chạm đến cộng đoàn. Hãy hiện diện với tất cả tấm lòng vào những nghi thức để lắng nghe tiếng chuông trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta được nhắc nhở xây dựng một đại gia đình, chúng ta tập hợp lại để tỏ ra sự hiệp nhất của chúng ta trong Đức Kitô”.

Lời cầu nguyện chúc lành có cùng sắc điệu : “Chúng con ca ngợi Chúa. Lạy Chúa, là Chúa Cha chí thánh, vì Cha đã sai Con Cha đến trần gian để quy tụ mọi người trong sự hiệp nhất, bởi con người bất hoà vì tội lỗi, nên Người phải tuôn đổ máu của Người. Người đã làm nên một đàn chiên duy nhất mà chính Người, Mục tử duy nhất, hướng dẫn và nuôi dưỡng. Lạy Chúa, chúng con cầu xin, để với lời kêu gọi của những quả chuông này các tín hữu Chúa chạy đến nhà thờ với niềm hân hoan vui sướng. tại đó họ chăm chú nghe lời giảng dạy của các tông đồ, hoà hợp trong tình huynh đệ, bẻ bánh và cầu nguyện (x. Cv 2,42), mà họ làm nên một tâm hồn và để ca ngợi vinh quang Chúa.”

Ta thấy, ta đã xuất phát trong dấu chỉ nào thì cũng sẽ trở về trong những dấu chỉ ấy. Mầu nhiệm của sự liên kết của chúng ta, của sự hiệp thông với Đức Kitô và trong Người, chúng ta không ngừng được quy tụ thành cộng đoàn, về Chúa Cha. Hãy lắng nghe tiếng chuông của chúng ta vang vọng !

 


Trang Phụng Vụ