Tam Nhật Vượt Qua

Tuần Thánh có một ý nghĩa đặc biệt bởi vì những ngày này liền kề, bao gồm và dẫn chúng ta tới đỉnh cao của toàn bộ năm phụng vụ: đó là Tam nhật Vượt qua, một cử hành trọng tâm của niềm tin Kitô giáo.

1. Khái niệm

“Tam nhật” được dịch từ chữ “Tridium” mà chúng ta thấy xuất hiện trong Tin Mừng Matthêu và Maccô: khi các Thượng tế cùng toàn thể Công nghị cố tìm chứng gian để buộc tội và lên án tử hình cho Ðức Giêsu, họ đưa một số người đến tố cáo rằng: “Tên này đã nói: “Ta có thể triệt hạ Ðền thờ Thiên Chúa và trong vòng ba ngày sẽ xây cất lại” (Mt 26, 61; Mc 14, 58). Thánh Gioan cũng chép rằng đáp lại thỉnh cầu của những người muôn xin dấu lạ, Chúa Giêsu đã tuyên bố “Phá Ðền thờ này đi! và trong ba ngày Ta sẽ dựng lại! (Ga 2) có ý ám chỉ cái chết và phục sinh của Ngài.

Trong những thể kỷ đầu của Kitô giáo, chắc không xa thời các tông đồ là mấy, các tín hữu chỉ có một ngày lễ Vượt qua được cử hành hết sức long trọng vào đêm Vọng Phục sinh. Trong dịp này, Kitô hữu tưởng niệm Chúa chịu chết, sống lại và được tôn vinh. Khi cử hành như vậy, các Kitô hữu hân hoan trông đợi ngày trở lại của Chúa, Ngài sẽ lại đến với cộng đoàn và dân của Ngài trong vinh quang.

Vào thế kỷ IV, lễ Vọng Phục sinh được mở rộng hơn và kéo dài cử hành lên 3 ngày. Thánh Ambrosio được coi là người đầu tiên [trong thời kỳ hậu Tông đồ] sử dụng từ “Triditum” để mô tả (trong bức thư năm 386) nội dung của 3 ngày này: một ngày để tưởng nhớ cuộc thương khó của Chúa Giêsu, một ngày mà Ðức Kitô nghỉ yên sau cuộc khổ nạn của mình, và một ngày để cử hành Chúa Phục sinh (et passus est, et quievit at resurrexit).1Rõ ràng là Tridium bắt đầu từ chiều thứ Sáu Thánh và kết thúc vào sáng sớm Chúa nhật Phục sinh.2 Vài năm sau đó (khoảng năm 400), thánh Augustinô đã dùng một cụm từ khác là “Tam nhật cực thánh Chúa chịu đóng đinh, mai táng và phục sinh” (Sacratissimum triduum crucifixi, sepulti, suscitati) mang cùng một ý nghĩa trên.3 Còn khoảng năm 416, trong một bức thư gởi cho Giám mục Decenzio thành Gubbio, Ðức Giáo hoàng Innocent I (402-417) đã không nói về Tam nhật thánh mà chỉ đề cập đến một cử hành đặc biệt về cuộc thương khó vào thứ Sáu và phục sinh vào Chúa Nhật cũng như chay tịnh vào thứ Sáu và thứ Bảy. Ngài xem đây là cử hành duy nhất nên không cho phép bất cứ cử hành Thánh Thể nào diễn ra trong suốt ba ngày này ngoại trừ vào ngày Chúa nhật Phục sinh.4

Việc kéo dài cử hành thành 3 ngày giúp chúng ta có thêm thời gian để cử hành và tưởng niệm những khía cạnh khác nhau của biến cố vĩ đại. Tuy nhiên, nó lại nảy sinh một nguy cơ là sẽ diễn ra sự phân mảnh khiến cho mầu nhiệm vượt qua không được nhìn như một thực tại duy nhất không thể tách rời nhưng như những thành phần không gắn kết gì với nhau.     

Thời Trung cổ, ba ngày này có cái tên là Tam nhật thánh (Sacrum Triduum). Sách lễ Rôma của Công đồng Vatican II có một thay đổi nhỏ nhưng quan trọng khi gọi ba ngày này là “Tam nhật thánh Vượt qua” (Sacrum Triduum Paschale) kéo dài từ Thánh lễ chiều thứ Năm Thánh và kết thúc bằng Kinh Chiều II của ngày Phục sinh.Hạn từ Sacrum Triduum Paschale (Tam nhật thánh Vượt qua) nêu rõ mầu nhiệm vượt qua được cử hành trong ba ngày bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa, phục sinh là phần cuối và quan trọng của những ngày này.

2] Chiều dài và tầm quan trọng

Tam nhật Vượt qua tưởng niệm cuộc thương khó và phục sinh của Chúa, bắt đầu từ Thánh lễ chiều ngày thứ Năm Thánh, tưởng niệm Bữa tối Sau cùng của Chúa và kết thúc bằng giờ Kinh Chiều II Chúa nhật Phục sinh; Trung tâm của Tam nhật là đêm Canh thức Vượt qua.6 Thời gian Tam nhật Vượt qua được tính theo truyền thống Do Thái, nghĩa là một ngày mới bắt đầu từ buổi chiều hôm trước và kéo dài cho đến chiều hôm sau. Vì thế, buổi sáng thứ Năm Thánh không thuộc về Tam nhật Vượt qua.

Nhìn vào “Bảng ghi ngày phụng vụ” (NPV 59), Tam nhật Phục sinh tưởng niệm cuộc thương khó và sự phục sinh của Chúa được xếp ở hàng thứ I trong khi lễ Giáng sinh, Hiển linh, Thăng thiên và Hiện xuống ở hàng thứ II. Vì thế Tam nhật Vượt qua là chóp đỉnh của năm phụng vụ, có tầm mức quan trọng bậc nhất trong số tất cả các ngày lễ phụng vụ và không lễ nào có thể chiếm chỗ được. Bất cứ biến cố hay dịp lễ long trọng nào rơi vào những ngày này thì buộc phải chuyển sang một ngày khác. Trong những ngày này, không được cử hành lễ an táng và ngoại lịch.   

3] Ðặc điểm của cử hành

Nét đặc biệt của phụng vụ Tam nhật Vượt qua là có kết thúc mở. Nghĩa là từ chiều thứ Năm Thánh cho đến lễ Vọng Phục sinh đều không có lời giải tán cuối buổi cử hành như thường lệ. Lý do là vì ba ngày này được coi như là một phụng vụ duy nhất bắt đầu từ thánh lễ Tiệc ly chiều thứ Năm Thánh cho đến kết thúc lễ Vọng Phục sinh. Giữa các ngày cử hành phụng vụ dành để cầu nguyện cá nhân và suy gẫm về những gì đã cử hành và chuẩn bị cho phụng vụ tuyệt vời kế tiếp.

Biến cố Chúa Kitô ảnh hưởng đế đời sống chúng ta. Sự sống của Ngài là sự sống của chúng ta. Cái chết của Ngài là ân phúc cho chúng ta. Phục sinh của Ngài dẫn đưa chúng ta đến sự sống mới và cho chúng ta niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu. Vì thế, khi cử hành cao điểm cuộc sống của Ðức Kitô trong những ngày này, chúng ta cũng cử hành chính cuộc sống chúng ta nữa.

Theo Hiến chế Phụng vụ Thánh số 110: “Việc giữ chay thánh trong mùa Phục sinh là việc phải được giữ cách nhiệm nhặt, khắp nơi đều phải giữ vào ngày thứ Sáu Chúa chịu thương khó và chịu chết, nếu tiện cũng phải kéo dài qua thứ Bảy Thánh, để tâm hồn người tín hữu một khi được nâng cao và giải thoát, được hưởng niềm vui Chúa sống lại.” Các tín hữu sơ khai đã tuân giữ việc ăn chay đặc biệt nhằm chuẩn bị tâm hồn cử hành lễ Vượt qua. Dường như họ ăn chay bằng cách không ăn uống chút gì. Ðức Giám mục Epiphanies thành Salamis (380) mô tả rằng việc ăn chay Tuần Thánh thì có giới hạn như chỉ dùng bánh mì, muối và nước trước buổi chiều tối. Nhưng vài ngày trước lễ Phục sinh, tín hữu phải ăn chay trọn vẹn. Các vị như Tertuliano, Hippolyto, Irene và những tác giả khác đều làm chứng về lần ăn chay trọn vẹn và nghiêm ngặt này. Mục đích là nhằm hợp nhất chúng ta với hy tế của Chúa Giêsu, Ðấng đã dâng hiến chính mạng sống mình cho chúng ta. 

LM Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS (cgvdt.vn 17-4-2019)

_____________________________________________________

1 Ambrose, Letter 23, 12-13 trích trong Bernard Raas, SVD, Liturgical Year, vol. 2, 101.

Xc. Philip J. Goddard, Festa Paschalaz: A History of the Holy Week Liturgy in the Roman Rite (Australiaz: Freedom Publishing, 2011), 21.

Augustine, Letter 55, 24 trong Bernard Raas, SVD, Liturgical Year, vol. 2, 101.

Xc. Matias Augé, Năm Phụng Vụ: Ðức Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, tập 1, 195.

Những Quy định Tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch, số 19.

6 Ibid.

 


Trang Phụng Vụ