V

 

Chỗ đứng và ý nghĩa của việc ăn chay

trong Phụng vụ và Mùa Chay thánh

 

Vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, Giáo Hội cử hành nghi thức làm phép tro và bỏ tro, để long trọng khai mạc Mùa Chay. Nhân dịp này con muốn tìm hiểu thêm về việc ăn chay thường được nói tới trong Mùa này. Vậy việc ăn chay có chỗ đứng và ý nghĩa gì trong khía cạnh phụng vụ ?

Chúng ta vừa xác định về khía cạnh phụng vụ của việc ăn chay. Phải, khi bàn về việc ăn chay, chúng ta có thể nhìn theo một số khía cạnh, như khía giáo luật, khía cạnh tu đức, khía cạnh thần học, khía cạnh xã hội, và cả khía cạnh y khoa nữa. Vì thế chúng ta sẽ nói về việc ăn chay như được trình bày và được hiểu trong phụng vụ.

Nói về việc ăn chay, phụng vụ đã nói tới việc giữ chay Thánh Thể ; rồi có việc giữ chay trong Tam Nhật Thánh, tức là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và nếu có thể vào cả ngày Thứ Bảy Tuần Thánh (Hiến chế phụng vụ, số 110 ; Những Quy luật tổng quát về Năm phụng vu, số 20 ; Sách Nghi thức Gia nhập Kitô giáo, Phần nhập đề tổng quát, số 26 ; Caeremoniale episcoporum, số 295). Trong Giáo luật khoản 1251, thì nói tới hai ngày buộc mọi người tín hữu ăn chay kiêng thịt là ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.

Ngoài ra trong các bản văn phụng vụ trong Mùa Chay, chúng ta đọc được nhiều kiểu nói về việc ăn chay, như : trong Kinh tiền tụng thứ tư Mùa Chay, chúng ta đọc như sau : ²Khi chúng con giữ chay, Cha giúp chúng con chế ngự những thói hư tật xấu, nâng cao tâm hồn...² (Sách lễ Rôma, 1992, tr. 439). Hoặc Kinh tiền tụng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay : ²Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh...² (SLRM, tr. 191). Lời nguyện nhập lễ Chúa Nhật thứ III Mùa Chay : ²...Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi : là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia sẻ cơm áo cho kẻ khó nghèo...² (SLRM, tr. 206).

Ngoài ra các kiểu nói như ²Mùa Chay Tịnh, Mùa Chay, Mùa Chay Thánh...,². Các từ này dịch từ latinh ²Quadragesima”, có nghĩa là thời gian 40 ngày, nhắc nhở chúng ta tới thời gian 40 ngày Chúa Kitô đã ăn chay, và ngày nay Giáo Hội thiết lập thời gian 40 ngày để chuẩn bị tín hữu thống hối, chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, và trong các việc chuẩn bị, có việc ăn chay.

Đối với các ứng viên lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo vào Đêm Vọng Phục sinh, thì Giáo Hội khuyên họ hãy dành ngày Thứ Bảy Tuần thánh để cầu nguyện, tĩnh tâm, và tùy nghi ăn chay (Sách Nghi thức Gia nhập Kitô giáo, Phần nhập đề tổng quát, số 26).

Đó là các trường hợp phụng vụ đã đề cập trực tiếp đến việc ăn chay và liền theo đó, chúng ta cũng nhận ra ý nghĩa của việc ăn chay trong bối cảnh phụng vụ.

Vậy phụng vụ đã hiểu thế nào về việc ăn chay khi đề nghị ăn chay trong một số trường hợp, nhất là trong Mùa Chay thánh ?

Về ý nghĩa của việc ăn chay trong bối cảnh phụng vụ, chúng ta cũng dễ nhận ra, nếu đọc lại các bản văn phụng vụ nói về việc ăn chay .

Trước tiên, chúng ta nhận ra việc ăn chay, không chỉ là một hành vi nằm trong phạm vi tu đức, có ý biểu lộ tâm tình thống hối và đền tội mà thôi, nhưng trong phụng vụ việc ăn chay còn mang tính cách tôn thờ Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là : việc ăn chay là một hành vi phụng tự : Giáo Hội buộc các tín hữu ăn chay, hoặc khuyên ăn chay, là để tôn vinh Thiên Chúa và để đem lại lợi ích cứu rỗi con người. Việc ăn chay này liên hệ tới người thực hiện, nhưng khi thực hiện trong các nghi thức phụng vụ, nó cho thấy con người tùy thuộc Thiên Chúa, nhận ra vinh quang của Ngài và nhờ việc hãm mình này mà vinh quang đó được thực hiện. Về phạm vi cứu rỗi con người, thì việc ăn chay cho thấy cách dễ dàng hơn. Như vậy việc ăn chay đi liền với các hành vi tôn thờ khác, như việc đọc Lời Chúa, lời cầu nguyện, các cử chỉ, các dấu hiệu làm nên một hành vi phụng vụ duy nhất. Vì vậy tín hữu ăn chay vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, việc này đi liền với nghi thức làm phép tro, bỏ tro trên đầu, để bắt đầu Mùa Chay thánh và cho thấy tinh thần phải có trong thời gian này. Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi tín hữu ăn chay, việc này đi liền với buổi cử hành phụng vụ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô. Như vậy việc ăn chay ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mang một ý nghĩa khác hơn, ngoài ý nghĩa vẫn có, nó có ý nghĩa tưởng niệm cuộc tử nạn phục sinh của Chúa Kitô và tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua này. Rồi các dự tòng được khuyên bảo nên ăn chay ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, trước khi họ lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo. Ở đây việc ăn chay được coi như là hành vi chuẩn bị cho việc cử hành phụng vụ làm cho họ được biến đổi nên con Chúa và phần tử của Giáo Hội.

Đi vào cụ thể, việc ăn chay có những hiệu quả sau đây : trước tiên tín hữu theo gương Chúa Kitô đã ăn chay bốn mươi ngày trong sa mạc, như Kinh tiền tụng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay đã gợi ra : ²Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh...² (SLRM, tr. 191). Hành vi ăn chay như vậy làm cho tín hữu nên giống Chúa Kitô, chấp nhận một cuộc kết hiệp với Ngài, cũng như mặc lấy tâm tình tự hủy, phó thác và tuân theo ý Thiên Chúa, như cuộc ăn chay của Chúa Kitô trước khi bắt đầu vào cuộc rao giảng công khai.

Ngoài hai ý nghĩa trên đây, phụng vụ còn cho biết thêm ý nghĩa nào khác về việc ăn chay.

Chúng ta đọc tiếp các bản văn phụng vụ sẽ nhận ra một số ý nghĩa khác của việc ăn chay.

Trong Kinh tiền tụng thứ tư Mùa Chay, chúng ta đọc như sau : ²Khi chúng con giữ chay, Cha giúp chúng con chế ngự những thói hư tật xấu, nâng cao tâm hồn, và ban sức mạnh cùng phần thưởng cao quý² (Sách lễ Rôma, 1992, tr. 439). Trong lời cầu nguyện này, Giáo Hội đã trình bày bốn ý nghĩa của việc ăn chay trong mùa đặc biệt Chay Tịnh : đó là (1) chế ngự nết xấu ; (2) nâng cao tâm hồn ; (3) ban thêm sức mạnh ; và thứ tư (4) đạt được phần thưởng cao quý. Trong bốn hiệu quả này, ba hiệu quả có tính cách tích cực, làm thăng tiến đời sống kitô hữu ; còn một hiệu quả có tính cách tiêu cực, là việc chế ngự nết xấu. Như vậy, việc ăn chay là một tác động căn bản của người tín hữu. Điều này đã được các sách Lễ cổ xưa xác nhận, vì kinh Tiền tụng Thứ Tư Mùa Chay trong Sách Lễ Rôma hiện nay đã có từ thời Thánh Giáo Hoàng Grêgoriô cả ; và được ghi lại trong các sách lễ tại nhiều vùng khác nhau. Các Thánh Giáo phụ, như Thánh Lêô cả (Bài giảng thứ 40 ; bài giảng thứ 81) ; Thánh Phêrô Chrysologo (Bài giảng thứ 13 ; Bài giảng thứ 43 ; bài giảng thứ 166) đã cho thấy các hiệu quả trên đây của việc ăn chay, đi liền với các việc lành khác.

Chúng ta nhận ra liên hệ giữa phụng vụ và các việc lành khác. Vậy liên hệ đó như thế nào và được phụng vụ diễn tả ra sao ?

Các việc lành đó là việc cầu nguyện và tỏ lòng thương xót, làm phúc bố thí... Tư tưởng này rất rõ ràng trong các bài giảng của Thánh Phêrô Chrysologô. Ngay trong Lời nguyện nhập lễ Chúa Nhật thứ III Mùa Chay, Giáo Hội cầu nguyện như sau : ²Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi : là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia sẻ cơm áo cho kẻ khó nghèo...² (SLRM, tr. 206). Ở đây phụng vụ lại suy tư về việc ăn chay theo một khía cạnh khác : đó là việc sửa trị các tội lỗi, một trong những mục đích mà Mùa Chay nhắm tới. Vì Mùa Chay là mùa ăn năn thống hối, mùa canh tân đời sống, trở về với Thiên Chúa. Ngoài việc cử hành bí tích thống hối và hòa giải, việc đọc Lời Chúa, ngoài những cố gắng cá nhân canh tân, xa tránh tội lỗi, chúng ta còn được giới thiệu một phương pháp khác, đó là việc ăn chay. Ba việc phải làm là ăn chay, là cầu nguyện và biểu lộ lòng từ bi thương xót với người nghèo khó. Phụng vũ không giải thích lý do tại sao việc ăn chay lại có sức khử trừ tội lỗi và chữa lành các vết thương do tội gây ra. Nhưng phụng vụ lấy lại truyền thống Kinh Thánh, các giáo phụ và việc cầu nguyện đã có từ lâu đời, như là một kinh nghiệm ngàn đời về việc ăn chay. Chúng ta có thể đưa ra một vài lý do như sau : việc ăn chay là từ khước một nhu cầu liên hệ tới bản thân, tới sự sống, tức là việc nuôi dưỡng bản thân. Khi từ khước của ăn, khi ăn chay, chúng ta đặt mình tùy thuộc vào Thiên Chúa, chấp nhận quyền tối thượng của Ngài trên chúng ta. Như vậy, do hành động ăn chay, chúng làm ngược lại với điều tội lỗi gây ra nơi chúng ta, là xa Thiên Chúa, là không chấp nhận quyền của Thiên Chúa nơi chúng ta.

Nói tóm lại : phụng vụ cho chúng ta ý nghĩa về việc ăn chay như sau : đó là một việc tôn thờ Thiên Chúa tối cao ; đó là việc kết hiệp với Chúa Kitô, nên giống Chúa Kitô, đi vào mầu nhiệm khổ nạn của Ngài ; đó là hành động đem lại những lợi ích thăng tiến đời sống thiêng liêng và diệt trừ tội lỗi nơi chúng ta.

Như vậy việc ăn chay trong phụng vụ, nhất là trong Mùa Chay, không phải chỉ là một hành vi kiêng khem các đồ ăn hằng ngày, hoặc giảm bớt việc ăn uống ; nhưng khi tín hữu thực hiện như thế, họ thực hiện một việc tôn thờ Thiên Chúa và đem lại phần rỗi cho mình và cho người khác.

Một Câu hỏi có tính cách tò mò chúng ta có thể đưa ra là : tại sao việc ăn chay ích lợi như vậy, và Mùa này vẫn còn gọi là Mùa Chay, mà chỉ có hai ngày buộc phải ăn chay mà thôi, tức là ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh ?

Xét về ích lợi thì việc ăn chay ngày nay không mất đi ý nghĩa của nó như chúng ta vừa nói trên đây. Nó vẫn nằm trong số các hình thức thống hối, tôn thờ... Tuy nhiên luật ăn chay có thể thay đổi, mà tinh thần không thay đổi. Việc thay đổi này là do những điểu kiện sống mà tín hữu ngày nay thưỡng gặp phải, trong một xã hội đô thị hóa, công nghiệp hóa, và nhất là tục hóa, khi môi trường chung quanh không giúp nhiều cho việc sống đức tin. Do đó Giáo Hội chỉ buộc ăn chay trong hai ngày một năm. Nhưng Giáo Hội vẫn tiếp tục khuyên bảo tín hữu sống tinh thần hãm mình, canh tân và thống hối, và khi có thể thì thực hiện việc ăn chay nhiều hơn. Ngày xưa tín hữu có thể dễ dàng thực hiện tinh thần này qua việc ăn chay ; nhưng ngày nay tín hữu khó thực hiện như thế, bù lại, có những lối sống khác giúp thể hiện việc hãm mình, thống hối trong sinh hoạt gia đình, xã hội, việc thực thi công bằng, tình liên đới... Vì thế Tòa Thánh để cho các Hội đồng Giám mục tùy hoàn cảnh địa phương để đưa ra những phương thức thống hối, hãm mình cho phù hợp. Dầu sao việc ăn chay vẫn đi liền với việc cầu nguyện, bác ái từ bi, và việc nghe Lời Chúa. Còn tên gọi Mùa Chay : vẫn giữ một tên đã có lâu đời trong văn chương công giáo Việt-Nam và cũng để nhắc nhớ chúng ta về tính cách quan trọng của việc ăn chay. Chớ gì Mùa Chay năm nay được sống trong tinh thần này.  

 

Rôma, ngày 11.02.1997


Mục Lục Giới Thiệu Năm Phụng Vụ: Mùa Chay Thánh