VI

CÁC GIÁO PHỤ

NÓI VỀ MÙA CHAY THÁNH

 

Chúng ta đã trình bày Mùa Chay dưới nhiều khía cạnh. Nhưng để có một cái nhìn đầy đủ về Mùa Chay thánh, có lẽ chúng ta cần trở về nguồn với các giáo phụ. Trở về với các giáo phụ sẽ giúp chúng ta hiểu được cách đầy đủ hơn về ý nghĩa và tinh thần Mùa Chay thánh. Vậy các giáo phụ đã nói gì về Mùa Chay thánh ?

  Truớc tiên, chúng ta hiểu các giáo phụ là những ai ? Các giáo phụ là các tác giả trình bày giáo huấn đức tin và luân lý. Các giáo phụ sống vào 8 thế kỷ đầu, có đời sống thánh thiện, viết các bài trình bày giáo huấn Kitô giáo, giải thích Kinh Thánh, một cách sâu xa và đúng với giáo lý của Giáo Hội. Đó là những đặc điểm của một vi giáo phụ và được công nhận như thế. Đó là định nghĩa của ông Vincent de Lerins (tk 5).

  Trong bối cảnh thành hình Mùa Chay thanh, thì các giáo phụ sống trùng hợp với thời kỳ khởi đầu cơ cấu của Mùa Chay thanh, nhất là vào các thế kỷ thứ tư trở đi, khi định chế khai tâm Kitô giáo thành hình và được dề cao cũng như được nhấn mạnh rất nhiều, vì đây là cơ cấu để chuẩn bị các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể). Định chế khai tâm Kitô giáo gốm có thời kỳ loan báo Tin Mừng Chúa Kitô chết và sống lại (kerygma), và ai tin vào Ngài sẽ được cứu rỗi. Những ai nghe tin mừng này và tin vào Chúa Kitô sẽ được ghi danh vào hàng ngũ các dự tòng (catéchumenat), và trong thời kỳ dự tòng, Giáo Hội tiếp tục giáo dục đức tin, cử hành một số lễ nghi, giúp các dự tòng cầu nguyện, hy sinh, chia sẻ kinh nghiệm đức tin với các anh chị em tín hữu ; được trao cho Bản Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha, để học thuộc và để tìm hiểu. Thời kỳ dự tòng trùng với Mùa Chay. Tới thời kỳ quan trọng nhất, đó là lúc các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo : Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể trong Đêm Vọng Phục Sinh (célébration des sacrements d’initiation chrétienne). Sau cùng là thời kỳ nhiệm huấn (mystagogie). Trong thời kỳ nhiệm huấn Giáo Hội tiếp tục giáo huấn các tân tòng và dần đưa vào việc hiểu biết các mầu nhiệm. Các giáo phụ đã viết về Mùa Chay và phần lớn là những bài giáo huấn các dự tòng trong thời kỳ chầu nhưng ; hoặc các bài giáo huấn cho các tân tòng, sau khi họ đã lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo. Các bài giáo huấn này nằm rải rác trong các tác phẩm khác nhau của các giáo phụ. Nhưng cũng có những giáo phụ viết rõ ràng về Mùa Chay, như Một bài giảng thời xưa cho Mùa Chay của một tác giả vô danh (PLS 2, 1068-1069) ; như Bài giảng của thánh Ephrem về vấn đề thống hối (Roma 1746, pp. 174-175), về Tuần thánh (CSCO 413) ; Bài giảng 44 về Mùa Chay của thánh Maxime de Turin (PL 57, 325-328) ; các bài giảng của thánh Augustinô về Mùa Chay, như bài giảng thứ 206 cho Chúa nhật thứ I hoặc thứ II Mùa Chay (PL 38, 1041) ; Bài giảng thứ 107 về Mùa Chay (PL 38, 1042) ; hoặc 12 bài giảng của Thánh Lêo cả về Mùa Chay.

Các giáo phụ

đã nòi về các đề tài nào của Mùa Chay thanh ?

Rải rác trong các tác phẩm khác nhau, người ta thấy các giáo phụ đã nói về Mùa Chay thanh với các điểm sau đây : việc ăn chay hãm mình ; việc sống khổ hạnh như là một đòi hỏi thường tình trong đời sống Kitô giáo và trong Mùa Chay thánh. Các giáo phụ cũng đã đề cập tới việc cầu nguyện trong Mùa Phụng vụ này. Rồi việc sống bác ái như là một nét đặc biệt của Mùa Chay, việc bố thí cho kẻ nghèo khó ; việc chăm lo cho phần rỗi các linh hồn ; việc hoàn thiện đền thờ của Thiên Chúa. Thánh Phêrô Chrysologo viết về các việc lành phải làm trong Mùa Chay một cách tổng quát như sau : Có ba việc làm để đức tin được kiên vững... . Đó là cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Việc cầu nguyện đem chúng ta đến gõ cửa Nhà Thiên Chúa ; nhưng nhờ ăn chay mà chúng ta dám nài xin Thiên Chúa ban cho và chúng ta sẽ đoạt được do lòng từ tâm và việc bố thí chúng ta làm” (Bài giảng 43 : PL 52, 320-322, trong sách Phụng vụ giờ Kinh, thứ ba tuần III Mùa Chay, Giờ Kinh Sách).

Các giáo phụ cũng đã nói về việc giáo huấn các chầu nhưng, hoặc dự tòng theo từng giai đoạn như chúng ta nói trên đây. Và các bài giảng này có lẽ là những bài viết nổi bật nhất trong giáo huấn của các giáo phụ về Mùa Chay. Như bài giảng của Thánh Ambrosiô về đoạn Phúc Âm thánh Gioan tường thuật người mù từ khi mới sinh và giải thích về Bí tích Rửa Tội như sau : Điều gì xẩy ra cho con trong Bí tích Rửa Tội sau khi con đã lãnh nhận dấu ấn của Chúa Thánh Thần ? Đó là từ đây con có thể tới gần bàn thờ. Từ khi con tới đó, con có thể nhìn thấy đều trước đây con không thấy được. Đó là mầu nhiệm con đọc trong bài Phúc Âm hôm nay. Tuy nhiên, nếu con không đọc nó, thì ít ra con đã nghe đọc bài Phúc Âm đó. Một người mù đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho mình. Chúa Giêsu đã chữa các người mù khác với lời nói của Chúa và với bài khuyên nhủ của Chúa và do đó Ngài đem lại ánh sáng cho con mắt qua lệnh truyền của Ngài. Nhưng trong sách Phúc Âm mang tên là Phúc Âm theo thánh Gioan, vị này còn hơn các người khác, đã nhìn thấy các mầu nhiệm, đã trình bày mầu nhiệm và giải thích mầu nhiệm, Chúa đã muống dùng câu truyện này đã tiên báo trong con ngừơi mù này mầu nhiệm của Bí tích Rửa Tội mà chúng ta đề cập tới” (trong sách về Các bí tích, quyển III, 11-12 ; 14-15 : Sources chrétiennes 25bis, pp. 99-100).

Bây giờ chúng ta sẽ nói thêm về từng điểm trên đây theo giáo huấn của các giáo phụ.

Ở đây khi trình bày từng điểm giáo huấn của các giáo phụ về Mùa Chay, chúng ta sẽ không tiếp nhận được trọn vẹn ý nghĩa của giáo huấn đó. Chỉ khi nào chúng ta đọc chính bản văn của giáo phụ, chúng ta mới thưởng thức được tính cách sâu xa của giáo huấn các ngài trình bày.

thế chúng ta chỉ nói qua, như là gợi ý cho việc đọc chính tác phẩm của các giáo phụ.

Về việc thực hành khổ chế : đây là đòi hỏi khá rõ ràng của các giáo phụ mà tín hữu phải làm trong Mùa Chay. Nhưng với các giáo phụ, trước khi tập luyện sống khổ chế, chúng ta phải có hai điều kiện này, đó là tương quan tốt với tha nhân và với Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta phải sống bác ái và kết hiệp với Chúa. Chỉ khi nào chúng ta có được hai điều kiện này, thì việc ăn chay. sống khổ chế mới có giá trị đích thực, nếu không nó chỉ là việc làm do lòng tự phụ và lối sống ích kỷ.

Còn tương quan giữa cầu nguyện và ăn chay : trước tiên các giáo phụ cho việc cầu nguyện như là việc làm chính yếu trong Mùa Chay. Nhờ cầu nguyện con người tín hữu được canh tân nội tâm. Chính nhờ việc cầu nguyện chân chính mà tất cả các việc lành khác làm trong Mùa Chay có được giá trị đích thực (xc. Augustino, Viết về sách Tobia : Patrologie latine 35, 2663). Việc cầu nguyện phải kèm theo với việc ăn chay, như trong Sách Tobia nói (12,8 : Neo Vulgata). Đây là điều tốt. Nhưng lời cầu nguyện sẽ có hiệu lực trước tòa Chúa, nếu có kèm theo sự ăn chay và bố thí cho người nghèo khó. Như vậy Thánh Augustinô gắn liền 3 việc lành với nhau : cầu nguyện, ăn chay và bố thí (xc. Augustino, bài giảng vể Tobia : Patrologie latine 35,2363). Thánh Augustinô còn nói rõ ràng hơn về mối liên hệ này : Lời cầu nguyện của chúng ta, dựa trên thái độ khiêm nhường và lòng bác ái, dựa trên việc ăn chay và bố thí ; dựa trên việc hãm mình và tha thứ các lỗi phạm, dựa trên sự lo lắng làm việc thiện hơn thay vì báo oán điều dữ ; lo tránh sự dữ và thực hành điều thiện, đi tìm hòa bình và tìm gặp được nó, bởi vì lời cầu nguyện làm bay bổng lên, được nâng đỡ để mang tới tận trời xanh ở đó Chúa Giêsu Kitô đã tới trước chúng ta, Ngài là sự bình an của chúng ta” (Augustino, bài giảng 207 về Mùa Chay : Patrologie latine 38, 1042).

Còn việc sống bác ái với tha nhân, các giáo phụ đã dạy thế nào ? Về điểm này thánh Leô cả là người đứng hàng đầu dạy về sống yêu thương, bác ái. Ngài đã nhấn mạnh rất nhiều về sống bác ái. Việc sống bác ái được thể hiện cách cụ thể qua việc làm phúc bố thí. Trong 12 bài giảngvề Mùa Chay, thánh Leô cả đã đề cập tới việc sống bác ái, việc tha thứ cho nhau, việc làm phúc bố thí. Ngài nói như sau : Anh chị em thân mến, khi chúng ta nhớ lại sự yếu hèn chủa chúng ta, làm chúng ta có thể phạm đủ thứ tội cách rất dễ dàng, thì chúng ta đừng quên một phương dược thần hiệu nhất, hiệu quả nhất, để chữa trị các vết thương nơi chúng ta : chúng ta hãy tha thứ để được thứ tha ; chúng ta hãy có lòng nhân, như là điều mà chúng ta hằng kêu xin Thiên Chúa. Chúng ta đừng hận thù khi chính chúng ta lại xin được Thiên Chúa tha thứ” (Bài giảng thứ I : Sources Chrétiennes 49bis, 77 : CCL 138 A, 220). Thánh nhân còn tiếp tục nói rất nhiều về việc tha thứ, trong đời sống người tín hữu, nhất là trong Mùa Chay.

Còn việc bố thí trong Mùa Chay : đây là một hình thức cụ thể rõ ràng nhất của việc sống bác ái. Đây là một việc lành luôn đi liền với việc ăn chay. Tuy nhiên bố thí không hệ ở việc cho mấy đồng tiền cho người nghèo túng. Thánh Augustinô nói rõ : Trong mùa này, chúng ta phải tăng cường việc bố thí. Nhưng tôi nói gì về việc này ; bố thí không hệ tại làm rỗng túi tiền của chúng ta, nhưng là việc làm với tất cả tâm hồn chúng ta, và điều này mới cho đi nhiều hơn. Tôi muốn nói về việc giận hờn đối với người anh em chúng ta” (Bài giảng 206, về Mùa Chay : Patrologie latine 38, 1045). Đàng khác khi chúng ta bố thí và ăn chay liền với nhau, thì điều này đem chúng ta kết hiệp hơn với Chúa. Thánh Leô cả cũng nhấn mạnh rất nhiều về đức bác ái, việc tha thứ cho nhau và việc bố thí cho người nghèo khó.

  Sau cùng là việc ăn chay. Ở đây chúng ta đọc lại giáo huấn của thánh Gioan Chrysostomo về việc ăn chay. Ngài nói một cách ngạo đời như sau : Khi anh chị em ăn chay, tôi có thể nói là anh chị em đã ăn chay mà không hề ăn chay tí nào cả. Điều này có vẻ khó hiểu .... Tôi xin nói ngay : làm sao chúng ta có thể kiêng ăn uống, mà lại không hề kiêng giữ để chừa tội lỗi của mình. Đó là ăn chay, mà laị không phải là ăn chay ! Như vậy chúng ta chỉ ăn chay thực sự, khi chúng ta cứ ăn uống như thường, nhưng lại lo chừa bỏ tội lỗi ....” (Bài giảng chống lại tính say sưa và về việc sống lại).

Hướng về Đại Lễ Phục Sinh. Tất cả những việc lành mà các giáo phụ khuyến khích làm trong Mùa Chay, như trình bày trền đây, có ý nghĩa riêng của nó, nhưng có mục chính yếu là hướng về Lễ Phục Sinh. Thánh Lêô cả khuyên giáo hữu như sau : Nhưng khi tiến tới những ngày mà các bí tích biểu hiệu một cách đặc biệt hơn liên hệ tới việc sửa đổi nhân loại, và những ngày này càng gần tới lễ phục sinh, thì việc thanh luyện thiêng liêng được nêu racho chúng ta như là cách thế chuẩn bị để mừng ngày lễ này. Vậy đặc điểm của lễ Phục sinh là làm cho toàn Giáo Hội được hưởng nhờ ơn tha thứ tội khiên. Điều này được thực hiện không nguyên nơi những người vừa sinh lại trong bí tích rửa tội, nhưng còn nơi những người đã được ghi vào sổ những nghĩa tử của Thiên Chúa.. . .” (Bài giảng thứ 6 về Mùa Chay, 1-2 : Patrologie latine 54, 285-287). Như vậy trong suy tư của các giáo phụ chúng ta nhận ra đã có một cái nhìn rõ rệt về liên hệ giữa các việc lành đạo đức và việc chuẩn bị Lễ Phục Sinh. Vì thế trong Mùa Chay, khi chúng ta thực hành các việc lành như ăn chay, cầu nguyện... chúng đừng quên đặt các việc đạo này trong viễn tượng mừng Đại Lễ Phục Sinh và làm cho chúng trở nên phương thế làm cho chúng ta cùng chết với Chúa Kitô và sẽ cùng sống lại với Ngài.

Về biến cố Phục Sinh các giáo phụ đã có những bài giáo huấn rất sâu sắc. Tôi ghi lại vài tư tưởng trong một bài giảng về lễ Phục Sinh của một tác giả vô danh vào thế kỷ thứ 5 như sau : Người Do thái mừng lễ vượt qua dưới thế... Còn chúng ta, chúng ta mừng lễ Vuợt qua trên trời, khi vượt qua thế gian này. Lễ vượt qua của người Do thái mừng là hình bóng của ơn giải thoát các con đầu lòng của họ, vì khi các con đầu lòng của người Ai cập chết, thì các con đầu lòng của người Do thái không phải chết ; một cách tượng trưng, các trẻ em Do thái được che chở bởi máu con chiên hiến tế vượt qua. Lễ Vuợt qua được mừng nơi chúng ta là căn nguyên của ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người, khởi đầu từ ông Adong, người đầu tiên được tạo thành, được cứu độ, được trao ban lại sự sống, cũng như trong những người khác... Vì thế phải chiêm ngưỡng một cách siêu nhiên và phải lấy đức tin mà tiếp nhận nội dung của Lễ Vượt qua này trong toàn thể của nó, theo như lời chú giải của các Thánh Tông đồ”. Với tầm quan trọng này, Lễ Phục Sinh phải được chuẩn bị cách xứng đáng và sốt sắng. Đó là ý nghĩa của hành trình Mùa Chay thánh.

Áp dụng vào cụ thể, chúng ta có thể đưa ra những kết luận mục vụ. Giáo huấn của các giáo phụ thật rõ ràng rồi. Tuy nhiên chúng a có thể gợi ý một vài điểm cụ thể như sau :

1) Như chúng ta vừa trình bày trên đây, giáo huấn của các giáo phụ rất dồi dào, phong phú, và vẫn còn có giá trị cho chúng ta ngày nay. Vì thế cần học hỏi thêm về giáo huấn này, nhất là các linh mục, các ngài cần tìm hiểu giáo phụ để giới thiệu đầy đủ cho tín hữu. Ngay từ trong chủng viện, phải làm sao để các chủng sinh làm quen với các giáo phụ và các giáo huấn của các ngài (xc. Bộ Giáo dụng Công giáo, Huấn thị về việc giáo dục phụng vụ trong chủng viện, 3-7-1979, số 11). Do đó việc đọc tác phẩm của các giáo phụ là một nhu cầu mục vụ khá quan trọng, để việc giảng dạy của chúng ta có nội dung sâu xa hơn. Và cũng cho chúng ta thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Ngày nay có nhiều ấn phẩm các sách của giáo phụ được phổ biến dưới hình thức khoa học, dưới hình thức phổ thông, dưới hình thức cầu nguyện, để tín hữu thuộc mọi giới có thể đọc, học hỏi và xử dụng cho đời sống siêu nhiên.

2) Những điều các giáo phụ dạy chúng ta thực hành trong Mùa Chay, như cầu nguyện, ăn chay, bố thí cách chân thực, sống khổ chế, sống bác ái, tha thứ cho người khác... phải được tiếp tục thực hành trong tất cả cuộc đời của chúng ta. Đó là các giáo huấn vẫn còn giá trị trong thế giới ngày nay. Trong Mùa Chay Giáo Hội lưu ý chúng ta hơn về việc thực hành các điều này.

Roma, ngày 3.4.2003

 


Mục Lục Giới Thiệu Năm Phụng Vụ: Mùa Chay Thánh