VIII

NGHI THỨC KHAI TÂM KITÔ GIÁO

VÀ MÙA CHAY

 

1. Cái nhìn chung

Vào Đêm Vọng Phục Sinh, Thứ Bảy Tuần Thánh, có Nghi thức cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo cho các dự tòng đã được chuẩn bị trong suốt Mùa Chay thánh. Để tín hữu hiểu được ý nghĩa của nghi thức này, hôm nay chúng ta tìm hiểu mối liên hệ giữa Nghi thức khai tâm Kitô giáo và Mùa Chay thánh. Mối liên hệ này được diễn tả thế nào trong các Sách phụng vụ ?

Câu hỏi vừa đặt ra có thể được tìm ra trong một vài văn kiện sau đây. Trước tiên, chúng ta mở lại Hiến chế Phụng vụ của Công Đồng chung Vaticanô II và đọc lời nhắn nhủ như sau : Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa tội chuẩn bị các tín hữu cử hành Mầu nhiệm Phục Sinh… Những yếu tố về phép Rửa tội riêng cho phụng vụ Mùa Chay phải được xử dụng rộng rãi hơn. Một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu có thể, cần phải được tái lập” (số 109).

Mối liên hệ này được diễn tả rõ ràng hơn trong Sách Nghi thức cử hành phụng vụ của các giám mục như sau đây : “Hành trình thống hối hằng năm trong Mùa Chay là thời gian của ơn thánh, trong đó chúng ta tiến tới núi thánh của Lễ Phục Sinh. Quả vậy Mùa Chay, mang hai đặc tính liên hệ tới dự tòng và tín hữu, tập hợp các dự tòng và tín hữu lại để cùng mừng Mầu nhiệm Vượt qua. Các dự tòng… được chấp thuận để lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo ; còn các tín hữu qua việc nghe Lời Chúa thường xuyên hơn, qua việc cầu nguyện sâu xa hơn, cùng với việc thống hối, được chuẩn bị để nhắc lại các lời hứa rửa tội” (Sách Nghi thức cử hành phụng vụ của các giám mục, số 249). Đọc hai văn kiện này, chúng ta nhận ra được mối liên hệ giữa Mùa Chay và Nghi thức khai tâm Kitô giáo cũng như cách xếp đặt việc sống Mùa Chay, nhất là việc chuẩn bị các dự tòng trong Mùa phụng vụ này.

2.      Cách xếp đặt

          việc chuẩn bị các dự tòng trong Mùa Chay

Bây giờ chúng ta nói tới cách xếp đặt việc chuẩn bị các dự tòng trong Mùa Chay thánh. Việc chuẩn bị này được thể hiện như thế nào ?

Trước tiên, chúng ta cần biết qua về cơ cấu của định chế dự tòng theo như Sách Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn. Định chế này được Công Đồng chung Vaticanô lấy lại, như số 64 của Hiến chế về Phụng vụ đã nói : “Phải tái lập lớp dự tòng cho người lớn, chia thành nhiều giai đoạn và phải thực hiện theo như phán quyết của Đấng bản quyền địa phương. Nhờ đó, thời gian dự tòng ấn định cho việc huấn luyện tương xứng có thể được thánh hóa bởi những nghi lễ thánh cử hành trong những thời kỳ kế tiếp nhau”. Chúng ta cũng có thể đọc thêm khoản giáo luật 851, triệt 1, và Sắc lệnh về Truyên giáo của Công Đồng Vaticanô II, số 14.

Theo chỉ thị trên đây, Sách Nghi thức khai tâm Kitô giáo người lớn đã được soạn ra và công bố vào năm 1972. Theo Sách phụng vụ này, nhất là qua Phần nhập đề tổng quát việc khai tâm Kitô giáo, chúng ta nhận ra các điểm chính sau đây :

1)      Việc khai tâm Kitô giáo bao gồm việc chấp nhận Chúa Kitô qua đức tin, học hỏi về Chúa đạo lý của Ngài và lãnh nhận ba bí tích khai tâm Kitô giáo : Rửa tội, Thêm sức, và Thánh Thể.

2)      Việc khai tâm Kitô giáo người lớn phải được coi như là nghi thức căn bản. Từ đó việc cử hành Bí tích Rửa Tội cách riêng rẽ cho trẻ con hay người lớn, việc cử hành Bí tích Thêm Sức việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể lần đầu tiên phải được hiểu trong toàn bộ việc khai tâm Kitô giáo.

3)      Việc cử hành nghi thức khai tâm Kitô giáo qua các giai đoạn được coi là mẫu mực bắt buộc cho việc người lớn lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và hai Bí tích Thêm Sức và Thánh Thể. Các hình thức thu gọn khác chỉ được cử hành khi lý do mục vụ đặc biệt đòi hỏi.

Việc cử hành nghi thức khai tâm Kitô giáo nhằm làm cho người dự tòng được trở nên môn đệ của Chúa Kitô cách trọn vẹn, với ba bí tích đầu tiên : Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể.

4)      Nghi thức này cũng nhằm làm cho người dự tòng chấp nhận niềm tin của mình và sống niềm tin đó ngay trong thời gian chuẩn bị, qua việc học hỏi giáo lý, Kinh Thánh, tham dự các buổi cầu nguyện, chúc lành, các buổi khảo hạch... chứ không đợi tới sau khi lãnh nhận các bí tích khai tâm này. Vì thế theo giáo luật, thì người dự tòng đã có một chỗ đứng rõ rệt trong cộng đoàn Dân Chúa và có những quyền lợi đặc biệt.

5)      Các giai đoạn của thời gian dự tòng trước khi lãnh nhận ba bí tích khai tâm Kitô giáo được sắp xếp như sau :

·          đầu tiên là thời kỳ nghe công bố Tin Mừng về Chúa Kitô, cũng gọi là thời kỳ tiền dự tòng. Sau đó người nghe sẽ tìm hiểu về Chúa, và với ơn Chúa họ tin theo Chúa Kitô. Từ đây họ được dạy dỗ để biết Chúa Kitô và giáo lý của Ngài. Thời gian này tùy quyết định của Hội đồng giám mục, có khi là hai năm, hoặc ba năm.

·          Tiếp theo là thời kỳ dự tòng (chầu nhưng). Sau thời gian tiên dự tòng, người tìm hiểu đạo được xét là xứng đáng về hạnh kiểm, sống Phúc Âm, cầu nguyện. Họ được nhận vào số các ứng viên sẽ lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo.

Thời kỳ dự tòng gồm có :

- nghi thức ghi danh : được cử hành trong Chúa Nhật thứ I Mùa Chay ;

- học đạo và sống đức tin

- tham dự các buổi cử hành phụng vụ dành cho họ, như chúc lành, khảo hạch, cử hành phụng vụ lời Chúa, cầu nguyện chung, lãnh nhận Kinh tin kính, Kinh lạy Cha : được cử hành lần luợt trong các Chúa Nhật tiếp theo của Mùa Chay.

·          Cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo : được cử hành trong đêm vọng Phục sinh

·          Học hỏi thêm về các mầu nhiệm trong đạo. Thời kỳ này được gọi là thời kỳ nhiệm hiệp : thời gian sau khi lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo.

6)      Theo sự sắp xếp của Sách Nghi thức này, thì các vị mục tử hết sức liệu thế nào để qua các thời gian chuẩn bị xa, vào Mùa Chay, các giai đoạn chuẩn bị gần được cử hành và vào Đêm Vọng Phục Sinh, các dự tòng sẽ được lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo.

Ngoài các buổi cử hành được sắp xếp theo như trên đây, phụng vụ Mùa Chay còn có những điểm khác cho thấy việc chuẩn bị các dự tòng. Chúng ta phải nói tới các bài đọc Sách thánh. Trong Mùa Chay, một số bài Sách thánh được chọn đọc cho thấy ý nghĩa của việc đi theo Chúa, việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, giao ước mới, tạo vật mới, việc liên kết với sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Các lời nguyện thánh lễ, cũng nói tới ý nghĩa trên đây của thời ký dự tòng.

Rồi trong các Chúa Nhật thứ III, IV và V Năm A, được chọn các bài Phúc Âm về Nước hằng sống, cho Chúa Nhật thứ III ; về người mù từ khi mới sinh, cho Chúa Nhật thứ IV ; và việc Lazarô sống lại, cho Chúa Nhật thứ V. Ba bài Phúc Âm này muốn trình bày cho người dự tòng Chúa Kitô là Nước hằng sống, là ánh sáng thế gian, và là sự sống và là sự sống lại. Đó là Đấng họ tin theo và là Đấng cứu rỗi họ. Vì tính cách khai tâm này, nên trong các năm B và C, có thể đọc ba bài Phúc Âm này, nhất là khi có dự tòng trong cộng đoàn.

III. Các tín hữu cùng đồng hành với dự tòng

Tuy nhiên trong thời gian chuẩn bị các dự tòng, các tín hữu cũng không đứng ngoài công tác quan trọng này. Chúng ta có thể hỏi để gây thêm ý thức : cộng đoàn tín hữu tham dự vào thời kỳ dự tòng của các anh em sắp lãnh nhận các bí tích tích khai tâm Kitô giáo như thế nào ?

Về điểm này Sách Nghi thức khai tâm Kitô giáo nói rõ trong các số 42-48. Tất cả các thành phần Dân Chúa cùng trợ giúp các anh chị em dự tòng chuẩn bị xứng đáng. Trước tiên là các giám mục, linh mục, phó tế, giáo lý viên, các người đỡ đầu, có trách nhiệm trực tiếp và gần gũi, giúp các dự tòng. Chính các giám mục hay do đại diện lo điều hành việc giáo huấn, sống đức tin của các dự tòng. Các linh mục, phó tế, giáo lý viên, dạy dỗ, hướng dẫn các dự tòng. Các người đỡ đầu theo sát và cùng theo các buổi học đạo, cử hành phụng vụ với dự tòng. Sau cùng các thành phần khác cũng góp sức và cầu nguyện cho các dự tòng, nhất là làm gương sáng sống đạo cho họ.

Đó là một số điểm giúp ta hiểu mối liên hệ giữa Mùa Chay và thời kỳ dự tòng. Nơi nào có các dự tòng, chúng ta cầu nguyện nhiều cho họ và nâng đỡ họ.


Mục Lục Giới Thiệu Năm Phụng Vụ: Mùa Chay Thánh