MẦU NHIỆM BA NGÔI - THIÊN CHÚA ĐỐI THOẠI VỚI CON NGƯỜI

(giaolyductin.org 04/06/12, 5:52 pm)

Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa phong nhiêu, không đơn độc trong một ngôi vị, nhưng là ba ngôi vị trong một bản thể duy nhất. Điều đó nói lên rằng tự bản tính của Thiên Chúa là đối thoại, có nghĩa Thiên Chúa Ba ngôi là một Thiên Chúa không câm lặng nhưng là một vị Thiên Chúa hiện hữu với sức năng động vô biên, sức năng động đó được thôi thúc bởi chính cuộc “đối thoại” nội tại giữa Ba ngôi để hướng tới cuộc đối thoại ngoài chính mình. Thật vậy, nếu Thiên Chúa câm lặng thì con người không thể suy thấu về sự hiện hữu của Ngài, có nghĩa là nếu Thiên Chúa không “nói” với con người thì con người không thể biết Ngài là ai, và ngay cả sự hiện hữu của chính mình con người cũng không thể hiểu được “tôi là ai?”, và như thế con người sẽ mãi lầm lũi bước đi trong u minh, cuộc sống sẽ trở thành vô nghĩa như Soren KierkegaardFriedrich Nietzscheđã cảm nhận, hoặc sẽ hoài nghi về cuộc sống. Chính nhờ Thiên Chúa “nói” mà con người nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa toàn năng và con người biết mình bởi đâu mà có, và có để làm gì, bởi khi Thiên Chúa “nói”, Ngài vừa tỏ lộ chính mình vừa thông truyền các việc Ngài làm, thật vậy “Thiên Chúa đã muốn dùng mạc khải thần linh để biểu lộ và thông ban chính mình cũng như ý định muôn đời của Ngài liên quan đến việc cứu rỗi nhân loại, ‘nghĩa là cho con người được tham dự vào các ân phúc siêu nhiên hoàn toàn vượt quá trí hiểu loài người’. Thánh Công Đồng công nhận rằng ‘con người có thể nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí nhân loại suy luận từ các thụtạo để nhận biết cách chắc chắn về Thiên Chúa là nguyên lý và cứu cánh mọi sự’ (x. Rm 1,20); nhưng Công Đồng cũng dạy rằng cần phải có mạc khải, ‘để tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự chúng vốn không vượt quá khả năng của lý trí, nay có thể được mọi người, trong tình trạng hiện tại của nhân loại, nhận biết cách dễ dàng, chắc chắn và không nhầm lẫn sai lạc’” (DV, số 6).

1. Thiên Chúa nói với con người

Thiên Chúa siêu việt vượt vô biên, Ngài là Đấng Tạo Thành sao lại muốn nói với con người, loài thụ tạo thấp hèn, mỏng dòn? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy trong thơ thứ nhất của Thánh Gioan: vì Ngài là Thiên Chúa Yêu Thương (x. 1 Ga 4,16). Thiên Chúa muốn nói với con người vì Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài (x. St 1,27), hình ảnh về một Thiên Chúa hiện hữu có “nội lực tương quan” và “ước muốn tương quan” tuyệt đối, có nghĩa là một Thiên Chúa tự nội tại đã hình thành một mối tương quan chính mình, hướng tới sự trao ban nhưng không cách vô vị lợi nảy sinh từ một tình yêu vô biên. Cho nên Thiên Chúa muốn nói với con người để con người biết Thiên Chúa là ai và con người là ai. Đức Bênêđíctô XVI trong thông điệp Deus caritas est đã trình bày: Thiên Chúa muốn nói với con người để tỏ cho con người biết rằng, Ngài là “Thiên Chúa duy nhất, chân thật, là nguyên ủy của toàn thể thực tại, thực tại này xuất phát từ quyền lực của lời Ngài sáng tạo. Điều đó có nghĩa là, thụ tạo rất thân thiết với Ngài, chỉ vì Ngài đã muốn và đã sáng tạo chúng như thế. Từ đó xuất hiện yếu tố quan trọng thứ hai: Thiên Chúa yêu thương con người”[1]… Thiên Chúa duy nhất cũng chính là Thiên Chúa tình yêu. “Tình yêu của Ngài là một tình yêu tuyển chọn. Từ giữa muôn dân, Ngài đã chọn Israel và yêu dân này - đương nhiên với mục đích để chữa trị toàn thể nhân loại. Ngài yêu, và người ta có thể xem tình yêu của Người là eros, nhưng cũng đồng thời là agape”[2].

Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người được tuôn trào từ bản tính yêu thương của Ngài, từ một “nội lực tương quan” và “ước muốn tương quan” tuyệt đối của Thiên Chúa. Thánh Augustinô đã trình bày trong cuốn De trinitate của ngài: Nói đến tình yêu người ta thấy xuất hiện trực tiếp ba hiện thực của mối tương quan: “hãy coi, nó là Ba: người đang yêu, kẻ được yêu và tình yêu”[3]. Và như thế người ta nhận ra từ chính Bản thể của Thiên Chúa xuất hiện một mối tương quan tình yêu nhiệm lạ: “một Ngôi vị, Đấng nhiệm hiệp với một Đấng hiện hữu khác phát xuất bởi mình bằng tình yêu; một Ngôi vị, Đấng nhiệm hiệp với một Đấng làm cho mình hiện hữu bằng tình yêu; và một Ngôi vị là chính tình yêu”[4].

Phát xuất từ bản tính yêu thương này, có thể nói, cuộc nói chuyện của Thiên Chúa với con người là lời tỏ tình của Đấng Tạo Thành với loài thụ tạo. Quả thật, đây là biến cố vượt khỏi tầm trí hiểu suy tưởng của con người để rồi chỉ có thể đặt lý trí vào sự vâng phục và tín thác: “không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1,37). Lời tỏ tình của Thiên Chúa chính là lời mạc khải về tình yêu cứu chuộc con người. Thật vậy, “do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4). Qua việc mạc khải này, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; 1 Tm 1,17), trongtình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14- 15) và đến nói chuyện với họ (x. Br 3,38) để mời gọi và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài. Nhiệm cục mạc khải này được thực hiện bằng những hành động và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, đến độ các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố những giáo huấn cũng như các thực tại được diễn tả bằng lời nói; còn lời nói được dùng đểcông bố và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong các việc làm. Quả thực, nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về công cuộc cứu độ con người được bày tỏ cho chúng ta trong Chúa Kitô, Đấng vừa là trung gian vừa làsựviên mãn của toàn thể mạc khải” (DV, số 3).

Và như vậy,Thiên Chúa nói với con người qua việc Ngài hiện diện trong Nhiệm cục Cứu độ và Ngài đã tỏ mình ra qua việc thể hiện tình yêu trong lịch sử Cứu chuộc. Vì thế, cuộc nói chuyện của Thiên Chúa với con người gắn liền với lịch sử, và được tường thuật trong lịch sử như là việc tự tỏ mình Chính Thiên Chúa đòi hỏi được tường thuật; và con người chỉ có thể tư duy về tư tưởng của Thiên Chúa như là sự tường thuật “được kiểm chứng bằng những khái niệm” từ lịch sử[5]. Việc tường thuật này nhằm suy tư đến lịch sử của việc Thiên Chúa gặp gỡ con người. Do đó, tính hợp lý Logik của tình yêu có thể biểu tỏ qua việc Thiên Chúa tự tỏ mình trong lịch sử như là sự tự tỏ mình của Đấng “tối cao” mà con người không thể tư duy tới một Đấng nào cao hơn nữa. Tư duy của con người hoàn toàn tín thác vào Đấng tự tỏ mình này.

2. Cách thế Thiên Chúa nói với con người

Thiên Chúa nói với con người bằng chính Lời của Ngài. Lời đó không là một âm thanh, một tiếng nói nhưng là một Ngôi vị Thiên Chúa, được gọi là Logos, và theo nhà hộ giáo Origines, Logos là Thiên Chúa “thứ hai”(deuteros theos) bên cạnh Cha. Tuy nhiên “Thiên Chúa thứ hai” này không hiểu theo nghĩa bản tính Thiên Chúa được nhân đôi, nhưng được hiểu: Logos tiếp nhận Thiên tính bởi Cha. Cha là nguồn mạch Thiên tính (ho theos). Con tiếp nhận Thiên tính bởi Cha (theos – không có mạo tự ho), và không bao giờ có một giây phút ngưng nghỉ nào của việc hiện hữu Ngôi Lời trong sự hiệp thông Thiên tính với Chúa Cha[6]. Từ nền tảng này, Tông huấn Verbum Domini đã minh định: “Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta như một Mầu Nhiệm tình yêu vô tận, trong đó Chúa Cha từ thuở đời đời diễn đạt Lời của Ngài trong Chúa Thánh Thần. Bởi thế, Ngôi Lời, Đấng từ lúc khởi đầu vẫn hướng về Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đã mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta trong tương quan trao đổi tình yêu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta dự phần vào tương quan tình yêu đó. Vì vậy, một khi được tạo dựng nên theo hình ảnh giống với Thiên Chúa tình yêu, chúng ta chỉ có thể hiểu được chính mình khi biết đón nhận Ngôi Lời và tác động của Chúa Thánh Thần. Chính nhờ ánh sáng của Mạc Khải do Ngôi Lời Thiên Chúa thực hiện, nhờ đó điều bí ẩn trong thân phận con người được sáng tỏ trọn vẹn”[7].

a-  Lời mạc khải trong Cựu ước.

Quả thật, trong suốt chiều dài của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã biểu lộ chính mình qua Lời duy nhất. Lời đó được biểu tỏ trong thời Cựu Ước bằng “phương tiện mạc khải”: Lời, sự Khôn ngoan và Thần Trí của Ngài. Qua “phương tiện mạc khải” này Thiên Chúa đã nói với Dân và làm cho họ có những kinh nghiệm về Ngài, và trong bất kỳ trường hợp nào Dân luôn được lưu ý rằng, “phương tiện mạc khải” này đều xuất phát từ Thiên Chúa và không khi nào được thay đổi bởi ai khác, “phương tiện mạc khải” này có thể được nhìn thấy như là những hiện thực riêng biệt. Khi trình bày việc Thiên Chúa nói với con người, thì phải hiểu chính Thiên Chúa là sự trung gian của chính Người, Người không thể xuất hiện qua những trung gian thuần túy được tạo dựng như là chính Người. Thiên Chúa chỉ có thể được mạc khải qua Thiên Chúa, Người “tự mạc khải qua chính Người”[8]

Lời duy nhất đó không chỉ là lời được nói qua môi miệng các tiên tri, nhưng còn được ngôi vị hóa như là một nhân vật sống động. Một nhân vật được Giavê sai phái (Is 9,7; Tv 107,20; 147,18), xuất phát từ Giavê, và Lời thực hiện những gì mà Giavê đã quyết định, khi hoàn tất lại trở về với Giavê (Is 55,10tt), Lời Cứu độ (Kn 16,12) và Lời ví tựa người chiến sĩ xông vào miền đất bị tru diệt (Kn 18,15). Một yếu tố không thể bỏ qua là có sự tương phản giữa sự hiện thực cá thể của Lời với kinh nghiệm về sự siêu việt của thế giới bên kia của Thiên Chúa.

Sự Khôn ngoan cũng được nhân cách hóa. Sự nhân cách hoá này được tìm thấy trong những cuốn sách khôn ngoan (Cn 1,20 – 33; 8; 9,1 – 6; Gv 24; Kn 6,12 – 25; 7,22 – 8,1). Sự khôn ngoan chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, tuy nhiên nó cũng được ca ngợi như là Đấng thụ tạo tiên khởi của Thiên Chúa, Đấng đó sống giữa nhân loại và sự khôn ngoan đó muốn chỉ dạy một con đường vững chắc của sự Cứu chuộc. Trong nhân cách hoá, sự khôn ngoan cũng được nhìn đến như là Đấng trung gian tạo dựng (Cn 8,22 – 31; Gv 24,3).

Quan trọng hơn, trong Cựu Ước còn làm chứng về một hiện thực đặc biệt của Thần Trí Thiên Chúa: Thần Trí có thể được hiểu như là hơi thở của Giavê, hơi thở được thổi vào cho tất cả mọi sự sống; Thần Trí là sức mạnh của mọi người và là quyền năng của Thiên Chúa. Thần Trí của Thiên Chúa thôi thúc các tiên tri nói những lời răn đe và khích lệ; Thần Trí “chạm” đến những tiên tri được Thiên Chúa tuyển chọn (Is 61,1) và xức dầu (Đấng Messia); Thiên Chúa ban Thần Trí cho tôi tớ của Ngài, để mang lại sự công lý cho Dân (Is 42,1; x. 11,1 – 5). Thiên Chúa cũng hứa tuôn đổ Thần Trí Ngài cho mọi người trong thời gian sau hết (Ge 3,1 – 5, Is 4,4 – 6; 32,15 – 20; 44,3 – 5). Thần Trí sẽ đổi mới con người và để cho con người được trực tiếp tham dự vào sự hiệp thông của Thiên Chúa, mà không bị giới hạn bởi những trung gian (Ed 11,19tt; 36,36tt). Thần Trí Thiên Chúa cũng hiện diện giữa con người và sẽ làm cho con người quay hướng “tâm” của họ về với Thiên Chúa và với lời của Ngài. Thần Trí Chúa được sai đi (Kn 9,17); và Ngài ở lại giữa Dân (Kg 2,5); Ngài đau khổ phiền muộn và sẽ ra tay chống lại kẻ làm Ngài khổ đau (Is 63,10).

Khuynh hướng nhân cách hoá ở đây phản chiếu kinh nghiệm về qùa tặng của Thiên Chúa, qua qùa tặng này Thiên Chúa tự tỏ mình và con người tìm cách hành động để gặp được Ngài. Điều đó nói lên rằng, Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối kín nhiệm, đã tự tỏ mình trong lời của Ngài, và làm cho lời của Ngài đến được trong tâm của con người. Nói theo ngôn ngữ thế trần thì Thiên Chúa đã tự cập nhật hóa, hầu con người có thể nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng đưa ra những sáng kiến để gặp gỡ con người, và chính trong sự gặp gỡ này, con người có thể khám phá ra bản thể thâm sâu và thánh ý nhiệm mầu của Ngài. Công đồng Vat. II đã minh xác: “Thật vậy, sau khi đã ký giao ước với Abraham (x. St 15,18), và với Dân Israel qua Môsê (x. Xh 24,8), Ngài đã dùng lời nói và việc làm để mạc khải cho Dân mà Ngài đã chọn để họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa theo mà đối xử với loài người, và để nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các ngôn sứ, họ càng ngày càng hiểu biết các đường lối ấy sâu xa và rõ ràng hơn để rồi đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28- 29; 95,1- 3; Is 2,1- 4; Gr 3,17)” (DV, 14.).

b-  Lời mạc khải trong Tân ước

Tác giả Thư Do- thái đã viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1- 2). Như vậy, vào thời Tân ước, Thiên Chúa không còn nói với con người bằng lời được hình thành bởi các ý niệm và qui tắc, nhưng là bằng một con người được sinh ra bởi một người nữ (Gl 4,4). Vâng, với một tình yêu không thể hiểu thấu mà Thiên Chúa dành để cho con người, Ngài đã vén màn trời hạ cố đến trần gian để trực tiếp đối thoại với con người. Việc hạ cố này được thực hiện qua con người Đức Giêsu Kitô, Người chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Lời của Thiên Chúa, Người là “Logos: Lời hằng hữu đã trở nên nhỏ bé - bé nhỏ đến nỗi có thể nằm gọn trong một máng cỏ. Người trở thành bé thơ, ngõ hầu Lời trở nên có thể nắm bắt được đối với chúng ta”[9]. “Lời không chỉ nghe được, không chỉ làtiếng nói, nhưng giờ đây, Lời có một diện mạo, để nhờ đó mà chúng ta có thể nhìn thấy: Đức Giêsu Nadarét”[10].

Lúc này đây, Thiên Chúa không còn nói với con người như là Đấng phán dạy từ trên cao, nhưng như “một Ai đó thật gần gũi, một Đấng đỡ nâng chúng ta, tặng ban cho chúng ta một tình yêu bất hoại, vượt trên mọi gặp gỡ bất cập trong kiếp nhân sinh, một tình yêu không những khao khát vĩnh cửu mà còn mang lại vĩnh cửu”[11]. Thật vậy, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa, Đấng mà con người chỉ biết ngước lên tôn thờ và chiêm ngưỡng giờ đây xuất hiện kề bên để con người có thể gặp gỡ với một người cách cá vị, và qua đó con người khám phá ra ý nghĩa sâu xa nhất về sự hiện hữu của mình, một sự hiện hữu in đậm tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa. Vâng, nhờ sự gặp gỡ với Lời Thiên Chúa mà con người hiểu ra rằng, chính Thiên Chúa đã tác tạo nên con người, và con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa.

3. Điều Thiên Chúa nói với con người qua Lời Nhập thể

Qua dân được tuyển chọn, Thiên Chúa muốn ngỏ lời với nhân loại, hay nói cách khác Thiên Chúa muốn tỏ mình ra cho con người biết Ngài là vị Thiên Chúa yêu thương, và vì yêu thương Ngài đã tạo dựng nên họ, cho họ dược dự phần vào đời sống thần linh của Ngài, và khi con người quay lưng chống lại, Ngài cũng không để mặc con người ở trong sự hư mất, Ngài vẫn một mực trung tín với bản tính yêu thương của mình, Ngài quyết cứu độ con người. Vì thế, Lời Thiên Chúa mặc lấy xác thể phàm trần là lời tình yêu được biểu tỏ cách quyết liệt, để con người nhận ra rằng, “tình yêu này cao cả đến độ Thiên Chúa chống lại chính mình, tình yêu của Ngài chống lại công lý của Ngài. Người Kitô hữu nhìn thấy mầu nhiệm Thập giá đang ẩn tàng trong đó: Thiên Chúa yêu thương con người đến độ trở thành con người, chạy theo họ đến nỗi chấp nhận đi vào cõi chết, và với cách thức này Ngài đã giao hoà công lý với tình yêu”[12].

Trong việc biểu tỏ tình yêu này, trước tiên Thiên Chúa muốn con người nhận biết mình là ai, để có thể mở lòng đáp lại lời yêu thương. Khi thời gian đã chín muồi, Lời của Thiên Chúa nhập thể mặc lấy xác thể trở nên người phàm trong dáng vẻ một trẻ thơ nghèo hèn, yếu đuối. Thiên Chúa nhập thể làm người như thế đó, như một câu trả lời cho con người biết thân phận mình là gì. Vâng, con người mỏng dòn, yếu đuối thế đấy, vậy mà con người cứ mãi đòi làm Thiên Chúa. Câu chuyên trong vườn địa đàng vẫn mãi ám ảnh con người. Khi giơ tay hái trái cấm, chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa, cũng chính là lúc con người muốn chối bỏ thân phận bụi tro của mình và muốn ngang hàng với Thiên Chúa. Hậu quả của tham vọng đó đã đẫn đưa con người tới chỗ tiêu vong và chết chóc. Thế nhưng, con người vẫn mãi sống trong tham vọng đó, vẫn mãi mong được làm Thiên Chúa, và Thiên Chúa chỉ là thần minh phục vụ cho những tham vọng của con người. Ước muốn điên rồ đó đã giam hãm con người trong mê lầm, xô đẩy con người đến chỗ xâu xé lẫn nhau, anh em trở thành kẻ thù của nhau. Tham vọng đó không những làm cho mối tương giao với Thiên Chúa bị đứt đoạn, mà còn tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau trong mối quan hệ giữa con người với con người.

Thiên Chúa làm người để nói cho con người rằng, muốn có an bình, hạnh phúc và sự sống đích thật, con người phải hiệp thông với Thiên Chúa. Thật vậy, con người không thể tự mình mà có, vì thế xét theo bản tính, con người sẽ không bao giờ đạt tới sự vĩnh hằng, bởi sự vĩnh hằng chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Do đó, Ngôi Lời mặc lấy xác thể con người là để giúp con người vượt qua cái giới hạn của mình để đạt tới sự vĩnh hằng của Thiên Chúa. Quả thật, “chúng ta chỉ có thể có sự sống bất hoại và bất tử nếu chúng ta được kết hiệp với Đấng bất hoại và bất tử. Nhưng làm sao chúng ta có thể kết hiệp với Đấng bất hoại và bất tử, nếu Đấng bất hoại và bất tử trước đó không mặc lấy bản tính chúng ta, hầu cho kẻ dễ hư hoại được thấm hút bởi Đấng bất hoại và bất tử, nhờ đó chúng ta được lãnh nhận ơn làm con Thiên Chúa?”[13] “Hẳn đây là lý do Ngôi Lời đã làm người và Con Thiên Chúa đã thành con loài người: đó là để con người khi hòa mình vào Ngôi Lời và nhận lấy ơn làm nghĩa tử, trở thành con Thiên Chúa”[14].

Lời Thiên Chúa nhập thể làm người là sáng kiến kỳ diệu của Thiên Chúa tình yêu, bởi nếu không có sáng kiến này, con người sẽ mãi lầm lũi bước đi trong bóng đêm của sự chết. Là sáng kiến của Thiên Chúa, nên đây cũng chỉ là lời mời gọi yêu thương bắt nguồn từ sự tự do của Thiên Chúa toàn năng. Quả thật, sự toàn năng của Thiên Chúa được biểu tỏ trong sự tự do tuyệt đối của Ngài, Ngài hành động không bị chi phối bởi bất cứ một ý chí nào ngoài bản tính tình yêu của Ngài. Thật vậy, vì là Đấng yêu thương nên mọi hành vi ngoại tại Thiên Chúa đều phát xuất từ đời sống nội tại của Ngài, có nghĩa là Tình yêu Thiên Chúa hiện hữu như là qùa tặng, nhờ bởi tình yêu Cha đã tự hướng đến Logos và Logos đã tự đáp lại tình yêu đối với Cha, tình yêu Cha - Con này đã tự tỏ bày trong Chúa Thánh Thần[15]. Và nói như thánh Tôma: Tình yêu của Thiên Chúa rất khác với tình yêu của con người. Tình yêu của con người thì hướng về sự thiện sẵn có, còn tình yêu Thiên Chúa là tình yêu tác tạo và chuyển thông sự thiện hảo cho thụ tạo. Tình yêu của con người phát sinh do sự cuốn hút từ điều tốt đẹp của đối tượng, còn tình yêu của Thiên Chúa thì tác tạo và duy trì điều thiện hảo trong đối tượng Ngài yêu.[16]

Vâng, Lời Nhập thể mời gọi con người đi ra khỏi tình yêu bị chi phối bởi đam mê ích kỷ, bởi tham vọng quyền lợi và hưởng thụ ích kỷ, bởi sự tự do chỉ mưu cầu ích lợi riêng tư xuất phát từ cá nhân chủ nghĩa, để bước vào vùng trời mới yêu thương, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, luôn nảy sinh sự sáng tạo và mưu cầu thiện ích cho chính mình từ việc chuyển ban thiện hảo cho người khác. Và chỉ yêu thương như thế, con người mới tìm thấy lại căn tính đích thực của mình, mới có thể kiến tạo một cộng đoàn xã hội an bình. Yêu thương như thế, con người thực sự đạt tới sự tự do viên toàn, bởi chính lúc này đây ý chí của con người vượt qua khỏi sự lệ thuộc, đi vào sự cuốn hút của đối tượng, để rồi còn lại nơi nơi ý chí của mình sự khao khát làm theo ý Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi thiện hảo. Sống theo Thánh ý là phương thế để hiệp thông với Thiên Chúa, nhờ đó mà con người đạt tới hạnh phúc. Đó là lời mà Thiên Chúa muốn nói với con người, lời đó đã được chính Đức Kitô biểu tỏ : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34), “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30). Qua sự vâng phục này, Chúa Kitô trong thân phận con người muốn khôi phục lại mối tương giao ban đầu giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với các loài thụ tạo: “Thiên Chúa tạo dựng mọi sự cho con người; còn con người được tạo dựng để phục vụ Thiên Chúa và yêu mến Ngài và dâng lên Ngài toàn thể thụ tạo”[17]. Trong mối tương giao đó “con người được kêu gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, bằng sự nhận biết và tình yêu”[18]. Thế nhưng mối tương giao đó bị gãy đổ do Nguyên tổ bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Hậu quả là “sự hài hòa mà tổ tông đang hưởng nhờ sự công chính nguyên thủy bị phá hủy, quyền điều khiển các khả năng tinh thần của linh hồn trên thể xác bị đập tan; sự kết hợp giữa người nam và người nữ trở nên căng thẳng; những liên hệ giữa họ bị đánh dấu bằng ham muốn và thống trị; sự hài hòa với công trình tạo dựng bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người. Vì con người, muôn loài phải lệ thuộc vào cảnh hư nát. Cuối cùng, hậu quả đã được báo trước cách minh nhiên đối với tội bất tuân, nay thành hiện thực: con người từ tro bụi phải trở về với tro bụi. Sự chết thâm nhập vào lịch sử của nhân loại”[19].

Thật vậy, để phục hồi mối tương giao ban đầu giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với các loài thụ tạo, Lời Nhập thể đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8) trong một ý chí tự do nẩy sinh từ tình yêu dành cho Cha. Hành động này nhằm xóa bỏ sự bất tuân của Nguyên tổ, và tái lập ý nghĩa đích thật của tự do mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Chính sự tự do này mang lại cho con người phẩm giá làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa tình yêu đã tạo dựng nên con người với ý chí tự do hoàn toàn và cũng chính trong sự tự do này, Ngài ban cho cho con người có lý trí để họ cũng được tự do quyết định lấy về chính bản thân của mình. Thánh Irênê đã minh xác: “Con người được dựng nên có tự do trong sự quyết định và có quyền trên chính mình”[20]. Thế nhưng, con người đã làm cho sự tự do nầy bị thương tổn khi khước từ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và để mình nô lệ cho tội lỗi, khi quyết định bất tuân lệnh Thiên Chúa và nghe theo lời dụ dỗ của Satan. Vì thế, sự vâng phục với ý chí hoàn toàn tự do của Lời nhập thể là yếu tố then chốt để con người được cứu chuộc và đó cũng là lời giáo huấn của Thiên Chúa dành cho con người nhằm minh định lại giá trị của sự tự do vâng phục thánh ý. Chính qua sự vâng phục, Đức Kitô đã trình bày cho nhân loại hiểu bản chất đích thật của con người, một hữu thể đến từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương như là con, và ước muốn của Thiên Chúa là con người biểu tỏ lòng hiếu thảo qua sự vâng phục thánh ý. Vì thánh ý của Thiên Chúa dẫn đưa con người tới sự sống vĩnh hằng. Cho nên, Lời nhập thể đã dạy con người tìm lại sự vâng phục Thiên Chúa qua chính sự vâng phục của Người. Thật vậy, cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, từ khi nhập thể cho đến chết trên thập giá là sự vâng phục. Người đến không để làm theo ý Người, nhưng là ý Đấng đã sai Người (x. Ga 6,38; Mt 26,39), qua cái chết trên Thập Giá, Người đã đưa sự vâng phục lên đến tột đỉnh, tự nộp mình thành của lễ vâng phục. Và chính nơi của lễ này “tự do của Thiên Chúa và tự do của con người cuối cùng đã gặp nhau trong xác thân bị đóng đinh của Người, trong một minh ước không thể hủy bỏ, có giá trị muôn đời”[21].

Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu đó không chỉ biểu tỏ trong đời sống nội tại thẳm sâu cúa Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng tình yêu đó còn được tuôn trào đến với loài thụ tạo và cách đặc biệt với con người. Người đã mạc khải mình ra qua ngôn từ của con người để con người nhận ra rằng, Ngài là một vị Thiên Chúa cho con người. Và qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã đối thoại với con người cách thân tình như người cha nói chuyện với người con. Qua lời nói và việc làm của Đức Giêsu Kitô, chúng ta lãnh hội được điều Thiên Chúa nói với con người. Vì thế các tác giả Thánh Kinh đã miêu tả hành động của Chúa Giêsu trong một hình ảnh rất gần gũi cảm động: Người “chạm” đến những người cùi (Mc 1,41), đưa kẻ bị tàn tật ra ngay giữa hội đường (Mc 3,3), Người kéo riêng kẻ điếc câm “ra khỏi đám đông”, rồi “ đặt ngón tay vào lỗ tai của anh”, bôi “nước miếng vào lưỡi anh” (Mc 7,33) đặt tay trên lưng của người đàn bà bị còng lưng (Lc 13,13): điều đó nói cho biết: Thiên Chúa đã đến với con người một cách cụ thể, rõ ràng. Những bữa ăn thân mật của Chúa Giêsu, đặc biệt với những người thu thuế và tội lỗi, được hiểu như là dấu chỉ của sự cảm thông liên đới, nhưng “những luật sĩ và biệt phái” chống lại việc làm này của Chúa (Mc 2,15 tt; x. Lc 15,2) và Đức Giêsu tỏ ra Người là lời cảm thông liên đới của Thiên Chúa (Mc 2,17; Lc 15,3 – 32). Việc này không chỉ là trình bày sự “đến gần của Thiên Chúa” để giải phóng, cứu độ, tha thứ và qui tụ, nhưng còn chỉ ra rằng: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ qủi, thì qủa thật Triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20). Thánh Gioan đã khẳng khái: “Không ai đã nhìn thấy Thiên Chúa. Nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Trong thân xác loài người, Thiên Chúa đã hoá thân nơi Chúa Giêsu: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Lời cư ngụ giữa chúng ta là Lời hiện hữu từ đời đời, và từ đời đời Ngôi Lời là chính Thiên Chúa. “Do đó, không bao giờ có một thời gian nào Thiên Chúa hiện hữu mà không có Logos[22]. Lời đó đã đượcThiên Chúa ngỏ với nhân loại trong lịch sử cứu độ, “Ngài làm cho mọi người được nghe lời của Ngài; và bằng sức mạnh Thần Khí của Ngài, ‘Ngài đã nói qua các ngôn sứ’. Thế nên, Lời Chúa được tỏ bày trong suốt lịch sử cứu độ và đạt tới mức viên mãn trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chết và Sống lại của Con Thiên Chúa. Lời Chúa còn là Lời được các Tông Đồ rao giảng theo lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh: ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, (Mc 16,15). Như vậy, Lời Chúa được lưu truyền trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội. Sau cùng, Lời Chúa, Lời được chứng thực và được Thiên Chúa linh hứng, chính là Sách Thánh, Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả điều đó cho chúng ta hiểu tại sao trong Giáo Hội, chúng ta hết mực tôn kính Sách Thánh, dù rằng niềm tin Kitô giáo không phải là một ‘tôn giáo của Cuốn Sách’: Kitô giáo là ‘tôn giáo của Lời Thiên Chúa’, không phải là ‘lời được viết ra và câm lặng nhưng là Lời nhập thể và sống động’.Vì thế Sách Thánh phải được công bố, nghe, đọc, đón nhận và được sống như là Lời của Thiên Chúa liên kết với Thánh Truyền của các Tông Đồ”[23]. Và như thế, Thiên Chúa không bao giờ ngưng nghỉ ngỏ lời với con người, vì Thiên Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta. Quả thật “Thiên Chúa, Đấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu mình; và Thánh Thần, Đấng làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho Lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ (x. Cl 3,16)” (DV số 8).

Lm Antôn Hà văn Minh (giaolyductin.net)


[1] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệpDeus caritas est, ban hành tại Roma ngày 25.12.2005, số 9.

[2]Nt.

[3]Augustinô, De Tri. VIII. 8.

[4]Augustinô, De Tri. VI. 5.

[5]E. Jüngel, Gott 414.

[6]Origines, De principiis, I, 2, 9.

[7]Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, ban hành tại Roma ngày 30- 9- 2010, số 6.

[8]K. Barth, Kirchliche Dogmatik 1/1, Zuerich 1989, 312.

[9]Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng lễ Giáng Sinh (24- 12- 2006), AAS 99 (2007).

[10]Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, ban hành tại Roma ngày 30- 9- 2010, số 12.

[11]J. Ratzinger, Einfuerung in das Christentum, bản Việt ngữ “Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay”, chuyển ngữ do Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, Hà Nội 2009, tr. 80.

[12]Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, ban hành tại Roma ngày 25.12.2005, số 10.

[13]Irénée de Lion, Adversus haereses, trích trong bộ Texte zur Dogmatik, do Karl –Heinz Ohig chủ biên, bản Việt ngữ: Kitô Học, do lm Nguyễn văn Hòa OP, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Saigon in ấn, tr. 131.

[14] Nt.

[15] X. Augustinô, De Trin. XI 17.

[16]Thoma Aquinô, Summa theologiae, q. 23, a. 4.

[17] Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 358.

[18] Nt, số 356.

[19] Nt, số 400.

[20] Thánh Irênê, Adversus haereses, 4, 4,3.

[21] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 12

[22] Nt, số 6.

[23] Nt, số 7.


Trở về Mục Lục Thần Học | Về Trang Nhà