Suy niệm Tuần Thánh 2010

 

 

NGUYÊN NHÂN VÀ NHỮNG HIỆU QỦA

CỦA “ƠN CỨU ĐỘ”

 

 

Trong ngôn ngữ “nhà đạo” của chúng ta, khi đề cập đến những vấn đề nầy, thường có một tình trạng thiếu rõ ràng và phiến diện. Thật vậy, thí dụ, khi nói về  nguyên nhân của việc Thiên Chúa “đến”, người ta trả lời ngay là vì con người đã phạm tội, nên Thiên Chúa “đến” để “cứu”; vì thế, khi đề cập đến những “hiệu quả” của “ơn cứu độ” người ta cũng thường chỉ để ý đến “nội hàm tiêu cực” của khái niệm cứu độ là cứu, là giải thoát ra khỏi một hoàn cảnh nguy hiểm, xấu hay không như mong ước, và gần như lãng quên “nội hàm tích cực” của nó là có lại sự sống, và là sự sống vĩnh hằng, sự sống Tình yêu của Thiên Chúa [1]… Cũng như, khi đề cập Bí tích Thánh tẩy, thường người ta cũng chỉ nhấn mạnh “nội hàm tiêu cực” là “thanh tẩy” mà ít quan tâm đến “nội hàm tích cực” của Bí tích nầy là “được trở nên con của Thiên Chúa”… Các lối nói “cứu độ”, “cứu chuộc” và “phép rửa” hay “bí tích thanh tẩy” phản ánh cho chúng ta tình trạng đáng buồn đó… Đã hẳn, những lối nói và những cách nhìn như vậy không có gì sai trái cả, mà chỉ là không đủ thôi.

 

Nguyên nhân của lối nhìn như thế, vốn rất phức tạp, mà phạm vi hạn hẹp của bài nầy không cho phép đào sâu hơn. Ở đây, chúng tôi mạn phép chia sẻ một vài gợi ý chủ quan của mỉnh, như một đóng góp nhỏ bé trong Tuần Thánh nầy, đồng thời cũng như một câu trả lời mang tính gợi ý cho một người bạn của chúng tôi là linh mục H.T, thuộc Tu hội Xuân Bích Việt Nam, đang dọn Luận án Tiến sĩ về Thần học hệ thống, với chủ đề “VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU”, tại Institut Catholique de Paris, và đã có nhã ý nhờ chúng tôi góp ý với ngài về đề tài nầy, nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa đáp ứng được.

 

I-                  MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN

 

1. Một số cách nhìn cũ thường thiếu sự liên kết giữa mầu nhiệm Sáng tạo, mầu nhiệm Mặc khải và mầu nhiệm Cứu độ : điều nầy vốn đã được Công đồng Vatican II nhấn mạnh trong Hiến chế tín lý DEI VERBUM (DV n° 2). Giữa ba hành vi nầy có một sự hiệp nhất, liên đới với nhau cách chặt chẽ và đồng thời với nhau : vì Tình Yêu dạt dào, Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người nhằm mặc khải cho con người được biết Ngài là Ai và chia sẻ cho con người hạnh phúc được sống sự sống Tình yêu của Ngài. Khởi điểm của Thần học nói chung và của Thần học về “Ơn Cứu độ” nói riêng, vì thế, nên khởi đi từ dung mạo  “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16). Và, Tình Yêu của Thiên Chúa vốn là một Tình Yêu hoàn toàn “nhưng không” tức là hoàn toàn “vô điều kiện”, “vô vị lợi” và “vô biên giới” (Rm 5, 6 tt; Tt 3, 5; 1 Ga 4, 10-19; Lc 6, 36; v.v…). Trong điều kiện như thế, những lối suy nghĩ và nói như kiểu “Thiên Chúa đến với con người” bởi vì con người đã phạm tội, vì thế, để cứu con người…, đều mang ý nghĩa “điều kiện hóa” Tình Yêu nhưng không của Thiên Chúa, và vì thế, đều không chấp nhận được… Và, người ta sẽ trả lời như thế nào đây cho một câu hỏi như thế nầy : Nếu con người không phạm tội, liệu Thiên Chúa có “đến” với con người không ?

 

2. Ngoài ra, phần đông các khuynh hướng thần học từ Kinh viện đến Công đồng chung Vatican II, có vẻ như ít để ý đến chiều kích “ngôi vị’ trong “ơn cứu độ” : Đức Giêsu-Kitô chính là biến cố cứu độ và là ơn cứu độ [2]. Nghĩa là hiệu quả của “ơn cứu độ” không đơn giản chỉ là “cứu” hay “rửa sạch” mà là đặt con người vào lại trong sự sống trong tương quan với Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi : “…Nhưng, phải ăn khao mà mừng chứ, vì em con đó, nó đã chết  lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được” (Lc 15, 32). “Ơn cứu độ”, vì thế, chỉ có thể hiểu được cách trọn vẹn và đầy đủ qua lăng kính Tình Yêu mà thôi…

 

II-               ƠN CỨU ĐỘ VÀ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

 

Thật vậy, nếu Origène đã có thể khẳng định rằng chính Đức Giêsu là Tin Mừng và rằng đích thân Đức Giêsu là Vương quốc [3], thì cũng có thể nói rằng chính Đức Giêsu là ‘Ơn cứu độ”. Lịch sử của “ơn cứu độ”, vì thế, là lịch sử của các ngôi vị tự do, hay nói theo ngôn ngữ của Bernard Sesboüé, “lịch sử ơn cứu độ được đan dệt nên bởi những phản ứng tương tác giữa tự do của Thiên Chúa và các tự do của con người” [4].

 

Những “hiệu quả” của ơn Cứu độ, như vậy, cũng mang dung mạo của tương quan giữa các ngôi vị. Thật vậy, “được ơn cứu độ”, trước tiên, có nghĩa là “được đi vào trong tương quan với chính Đức Giêsu-Kitô”, qua đó, “được đi vào trong tương quan với mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi”, “được phục hồi tư cách là con của Thiên Chúa” hay nói cách khác “được sống sự sống Tình Yêu Phụ-tử của Thiên Chúa” (Lc 15, 22-24). Đó chính là lý do tại sao trong Tin Mừng thứ tư đã có những khẳng định như thế nầy : “Ai tin Con có sự sống vĩnh hằng” (Ga 3, 16.36) và “Ai tin vào Đấng đã sai Thầy có sự sống vĩnh hằng” (Ga 5, 24). Và, ngược lại, tin cũng đồng nghĩa với “được ơn cứu độ” (xem 1 Cr 1, 21).

 

Thứ đến, “được ơn cứu độ” có nghĩa là “đã tạo ra được một bước Vượt qua” từ tình trạng cũ qua tình trạng mới (Lc 15, 20 : “Và nó đã chỗi dậy mà về cùng cha nó”) : từ tình trạng sống mà vẫn như chết ( tức là sống mà không có tương quan yêu thương) qua tình trạng sống sự sống yêu thương như Thiên Chúa; từ tình trạng bị đánh mất mình (tình trạng vong thân, tha hoá) qua tình trạng tìm lại được mình và tha nhân (Lc 15, 32).

 

Tiếp đền, “được ơn cứu độ” cũng có nghĩa là “cảm nhận được nhu cầu cần được cứu độ, cần quay trở về” (Lc 15, 17-19). Điều nầy, dĩ nhiên, đòi hỏi người ta phải nhận ra được hoàn cảnh “bi đát” hiện tại của mình (Lc 15, 14-17), cảm nhận ra được tình trạng “bệnh hoạn” của mình (Lc 5, 31-32; Lc 14, 10-14).

 

Sau cùng, “được ơn cứu độ” còn có nghĩa là “cảm nhận ra được mình còn có một quê hương, một mái nhà, một gia đình êm ấm, hạnh phúc để mà trở về và một người cha đầy yêu thương đang đợi chờ mình để cùng sống với” (Lc 15, 17-24). Hay nói cách khác, “được cứu độ” là nhận thức được rằng đã có một thời mình đã có một cuộc sống hạnh phúc bên cha và trong nhà cha. Hạnh phúc hay là bất hạnh là do cái trò chơi của tự do : tự do của Thiên Chúa-Cha và tự do của con người, như là những ngôi vị (Lc 15, 11-13). Chính tự do được ban cho đó làm nên căn tính của con người. Tự do là yếu tính của Tình Yêu. Chính vì thế, Đức Giêsu đã khẳng định : “Không có tình yêu nào vĩ đại hơn tình yêu của kẻ thí mạng mình vì người mình yêu mến” (Ga 15, 13).

 

III-            THẬP GIÁ VÀ TÌNH YÊU “CỨU ĐỘ”

 

Trước tiên, cần phải nói ngay rằng, tự nó, Thập Giá (khổ đau và cái chết) không phải là mục đích, mà chỉ là công cụ, phương tiện để bày tỏ tình yêu. Hay nói cách khác, nếu không vì tình yêu, không vì sự sống đích thực, không có sự phục sinh, Thập Giá là phi lý, vô nghĩa…

 

Chính vì thế, trong ngôn ngữ của Gioan, “giờ Thập Giá” chính là “Giờ vinh quang” (Ga 12, 23; 13, 31-32; v.v…). Tại sao vậy ? Tại vì, ở nơi Thập Giá chính là lúc mà Tình Yêu dâng hiến và vị tha (“vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”) đạt đến đỉnh điểm của nó : chính ở nơi hành vi dâng hiến tất cả trên Thập Giá (hành vi dâng hiến cuối cùng là giao nộp Thần Khí của Con cho Cha) là lúc mà sự cứu độ diễn ra (Ga 19, 30), tức là lúc mà nhân tính của Đức Giêsu-Kitô hoàn toàn được thần linh hoá, được siêu độ, hay được trở về lại tình trạng nguyên thủy của Vuờn Địa đàng ngày xưa…Hay nói cách khác, đó chính là lúc các mối tương giao nguyên thủy được phục hồi lại nguyên vẹn trong Đức Giêsu-Kitô : tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ và với chính bản thân mình… Con người “trong Đức Giêsu-Kitô” được quay trở về với “nhà của cha mình”, “nhà của anh em mình” và “nhà của mình”…Đó chính là lý do tại sao Đức Giêsu đã nói : “Vì kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình, thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Thầy, và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu nó” (Mc 8, 35). Giá trị “cứu độ” của cái chết của Đức Giêsu cũng phải được hiểu qua lăng kính và chân trời đó…

 

Tóm lại, Tình Yêu, tự do và Thập Giá, vì thế, là ba khái niệm-chìa khóa để có thể hiểu được mầu nhiệm “ơn cứu độ”…Và có thể nói rằng dụ ngôn “Người cha nhân từ” của Lc  15, 11-32 chính là nguyên mẫu (proto-type) của “ơn cứu độ”…

 

                                   

Linh mục Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG.



[1] Xem Bernard Sesboüé, Jésus-Christ, L’Unique Médiateur, T. I, éd. Desclée, Paris 2003, p. 17)

[2] Xem Karl Rahner, Traité fondamental de la foi, Paris, Centurion, 1976, p. 328 et 335. 

[3] Xem Origène, Commentaire sur St Jean, I, V, 28-29; S.C. 120, Paris, Cerf, 1966, p. 75; Origène, Sur Matthieu, XIV, 7 (commentant Mt 18, 23); G.C.S 40, p. 289.

[4] Xem Bernard Sesboüé, Ibid. T. 2, éd. Desclée, Paris  1995, p. 17.


Trang Thần Học