Mầu Nhiệm Vượt Qua Trong Đời Sống (2)

HÃY TRỞ VÀO BÊN TRONG BẠN

 

Phaolô viết: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm Chiên Lễ Vượt Qua của chúng  ta. Vì thế chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1Cr 5.7-8).

Bản văn cho thấy có hai cuộc Vượt Qua, một của Chúa Kitô qua việc Ngài hiến dâng mình làm hy lễ, và một của người Kitô hữu đi từ đời sống cũ sang đời sống mới, từ sa đọa vì tội lỗi đến chỗ trong sạch trong đời sống. Chúa Kitô đã thực hiện cuộc Vượt Qua của Ngài. Chúng ta phải tin và cử hành cuộc Vượt Qua đó, đồng thời cũng phải làm cuộc vượt qua của chính chúng ta.

Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô là đối tượng của rao giảng. Nó là hồng ân mà người ta nhận được nhờ tin. Bản thân nó luôn có hiệu quả. Còn cuộc vượt qua của con người là đối tượng của khuyến thiện, được thực hiện nhờ các việc làm và bắt chước, tùy thuộc vào tâm thái (dispositions) của con người. Như vậy, Vượt Qua được coi như trọng tâm của tất cả lịch sử cứu độ. Trong Vượt Qua, những đường nét và cơ cấu của tất cả mạc khải Kinh Thánh và của mọi kinh nghiệm Kitô giáo được phản chiếu.

Truyền thống Giáo Hội đã hiểu và phát huy hai ý nghĩa hay thành tố cơ bản của mạc khải, ngay trong  nghĩa thiêng liêng của Sách Thánh, tức nghĩa ẩn dụ và nghĩa luân lý. Nghĩa ẩn dụ là cách gọi của Phaolô (Gl 4,24), ta có thể gọi là kiểu mẫu song đối. Đây là cách cắt nghĩa một sự kiện thuộc Cựu ước liên hệ với một sự kiện khác thuộc Tân ước có liên quan với Đức Kitô hoặc Giáo Hội.. Còn nghĩa luân lý là cách cắt nghĩa một sự kiện trong Cựu ước hay Tân ước có liên hệ với một việc mà chúng ta phải làm.

Sau này, khi thần học phân chia thành nhiều bộ môn độc lập, thì ý nghĩa đầu tiên (kiểu mẫu song đối hay ẩn dụ) trở thành đối tượng của thần học tín lý, còn ý nghĩa thứ hai (luân lý) là đối tượng của thần học luân lý và tu đức.

Cách trình bầy của các Giáo Phụ và thời Trung cổ về ba hoặc bốn nghĩa khác nhau của Kinh Thánh, ngày nay người ta muốn tránh, nhưng thực sự nó vẫn có nền tảng trong Tân ước. Từ chối nó toàn khối, thậm chí phủ nhận tính hợp pháp của nó, là coi cách đọc của các Tông Đồ và của trước đó về Kinh Thánh là ngây ngô.

Có thể lấy ví dụ đoạn văn 1Cr 10,1 tt. Phaolô viết: “Thưa anh em, tôi muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này, là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dười đám nây và trong lòng biển, để theo ông Môsê. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất caẻ cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô, Nhưng phần đông hô không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc. Những sự việc ấy xẩy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. Anh em đừng trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng… đừng gian dâm… đừng thử thách Chúa… đừng lẩm bẩm kêu trách”. Ta thấy Phaolô nói về ba nghĩa: nghĩa lịch sử (hay văn chương), nghĩa ẩn dụ (hay kiểu mẫu song đối), và nghĩa luân lý.

a/ nghĩa lịch sử: tất cả cha ông chúng ta đều ở dưới cột mây, đều vượt qua biển Đỏ (c.1)

b/ nghĩa ẩn dụ: tảng đá ấy là chính Đức Kitô, tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, cùng uống một thức uống linh thiêng (c.4). Biến cố Xuất hành được nhìn như  những hình bóng (typoi) của Chúa Kitô và của các bí tích trong Giáo Hội (Rửa tội và Thánh Thể, x. 1Cr 12,13)

c/ nghĩa luân lý: những sự việc ấy xẩy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa… đừng trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng… đừng gian dâm… đừng lẩm bẩm kêu trách (c.7tt).

Phương pháp đọc này cũng được áp dụng trong Tân ước cho những thực tại cụ thể cũng như cho những thể chế. Ví dụ về đền thờ. Theo nghĩa lịch sử, đền thờ chỉ về đền thờ Giêrusalem; theo nghĩa ẩn dụ, chỉ về Đức Kitô là Đền thờ mới (Ga 2,19); theo nghĩa luân lý và cá nhân, chỉ về tâm hồn mỗi tín hữu (1Cr 3,16).

Thế nên không được từ chối toàn bộ cách đọc Kinh Thánh này của các Giáo phụ, bởi nếu không, chúng ta đánh mất giá trị cách đọc Kinh Thánh được thực hành trong tất cả Tân ước.

Bây giờ chúng đi vào từng khía cạnh của đề tài suy niệm

1/ Trở vào trong tâm hồn

Có hai đặc điểm hay hai quy luật chi phối cách đọc Cựu ước và tất cả Kinh Thánh theo nghĩa luân lý : 1. điều xẩy ra một lần (semel) phải được lặp lại hàng ngày (quotidie);  2. điều xẩy ra cho mọi người cách hữu hình và thể chất, phải xẩy ra nơi mỗi người cách nội tâm và cá nhân.  Có thể tóm tắt hai đặc điểm trên bằng hai từ hiện tại hóa và nội tâm hóa. Cách giải thích hiện nay được gọi là khởi giảng Tin mừng hay hiện sinh, hẳn cũng đi tới cùng một kết luận, vì nó nhấn mạnh khía cạnh lời Chúa là “do tôi”, “ở đây và lúc này”.

Giờ đây chúng ta hãy áp dụng tất cả những điều ấy vào lễ Vượt qua. Làm sao có thể quan niệm cuộc Vượt qua hàng ngày này, với đặc điểm cá nhân và nội tâm? Ngoài việc thanh tẩy khỏi men cũ, tránh xa tội lỗi, còn phải đi vào con đường thánh thiện.

Truyền thống Kinh Thánh và Giáo phụ giải thích ý tưởng vượt qua theo những cách khác nhau, tùy theo lược đồ và những nhu cầu của thời đại. Ngày nay thiết tưởng cần nhấn mạnh một ý tưởng mới về sự vượt qua : vượt qua ở bên trong, đi vào nội tâm, nội tâm hóa, đi từ ngoài vào trong chúng ta. Trong bài suy niệm chúng ta muốn nói tới sự vượt qua này.

Trong sách Đệ nhị luật, chúng đọc thấy chỉ thị của TC về lễ Vượt qua: “Anh em không được giết lễ vật vượt qua ở bất cứ thành nào khác trong những thành mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em, nhưng chỉ ở nơi Đức Chúa chọn cho danh Người ngự (Đnl 16,5-6). Nơi Chúa chọn ngày xưa là đền thờ Giêrusalem, còn giờ đây là đền thờ thiêng liêng, đền thờ cá nhân, là tâm hồn các tín hữu. Chúng ta là đền thờ của TC hằng sống (2 Cr 6,16). Chính tại nơi đây mà lễ Vượt qua đích thực được cử hành. Không có lễ vượt qua này thì mọi lễ vượt qua khác đều không đầy đủ, không hữu hiệu.

Lễ vượt qua phải được nội tâm hóa, cũng có nghĩa là hiện tại hóa, làm cho nó có ý nghĩa đối với thời đại và con người hôm nay.

Vậy vượt sang nội tâm là gì? Hãy nghe Augustinô giải thích. Trong trường hợp này cũng như nhiều trường hợp khác, ngài tỏ ra là người hiện đại hàng đầu. Trong một diễn từ, ngài chú giải câu Is 45,8 như sau : Tiên vàn hãy trở lại vào trong tâm hồn bạn. Bạn đang là người xa lạ với chính mình, do đang lang thang bên ngoài. Bạn không biết mình và bạn tìm kiếm Đấng tạo nên bạn… Hãy trở vào trong tâm hồn bạn. Ở đó hãy xem xét cái mà có lẽ bạn thấy từ Thiên Chúa. Trong đời sống nội tâm của con người, có Chúa Kitô cư ngụ. Trong đời sống nội tâm, bạn sẽ được đổi mới theo hình ảnh Thiên Chúa”.

Nếu muốn có một hình ảnh hay biểu tượng giúp ta hoán cải đi vào nội tâm, có thể lấy nhân vật Dakêu trong Phúc âm. Dakêu là người muốn biết Chúa Giêsu, đã ra khỏi nhà, xen lẫn giữa dám đông dân chúng, và trèo lên cây. Ông tìm Ngài ở bên ngoài. Nhưng Chúa đi ngang qua và nói: “Dakêu xuống mau, hôm nay tôi phải lưu lại tại nhà ông” (Lc 19,5). Chúa đưa ông về lại nhà ông, và ở đó, trong nơi bí ẩn, không có nhân chứng, phép lạ đã xẩy ra. Dakêu thực sự hiểu Chúa là ai, và tìm được ơn cứu độ.

Chúng ta cũng thường giống như Dakêu: tìm Chúa ở bên ngoài, nơi phố phường, giữa đám đông. Nhưng chính Chúa mời gọi ta trở vào nội tâm ta, trong tâm hồn ta, nơi Ngài muốn gặp ta.

 

2/  Nội tâm, một giá trị đang gặp khủng hoảng

Có một lý do để nhấn mạnh về lễ Vượt qua của con người nôi tâm. Đó là vì nội tâm đang gặp khủng hoảng. Ngày xưa, đời sống nội tâm được đồng hóa với đời sống thiêng liêng. Nay thì người ta nhìn nó bằng cặp mắt nghi ngờ. Trong một vài từ điển về tu đức, không có những từ nội tâm và hồi tâm. Một số từ điển khác có đề cập nhưng dè dặt. Người ta cho rằng không có từ nào trong Kinh Thánh tương ứng với từ này, chúng có là do ảnh hưởng của triết học Platon, hoặc chúng có thể cổ võ cho tính chủ quan. Một triệu chứng báo hiệu người ta không còn yêu thích và đánh giá cao nội tâm chính là số phận dành cho sách Gương Phúc, một loại thủ bản dẫn vào đời sống nội tâm. Trước đây nó được ưa chuộng chỉ sau Kinh Thánh, còn ngày nay, ít người đọc nó. Vả lại, có muốn đọc cũng khó tìm ra sách.

Một số lý do của khủng hoảng này đã có từ lâu, gắn liền với bản tính của chúng ta. Chúng ta được cấu tạo bởi xác thịt và thần trí, có khuynh hướng nghiêng về cái bên ngoài, cái hữu hình. Cũng như vũ trụ sau cú nổ lớn khởi đầu (big bang), chúng ta cũng ở trong giai đoạn bành trướng và xa rời trung tâm. “Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng nghe được gì (Gv 1,8). Chúng ta thường xuyên rong chơi bên ngoài qua năm cửa sổ tức ngũ quan.

Dầu vậy, có những lý do chuyên biệt và hiện đại hơn. Một trong những lý do đó là hướng ra ngoài xã hội. Chắc chắn đây là một giá trị tích cực, nhưng nếu không có sự quân bình, nó có thể làm cho ta chỉ biết hướng ngoại, và đánh mất con người của ta. Trong văn hóa bị tục hóa hôm nay, người ta muốn dùng khoa tâm lý và phân tâm để xác định nội tâm Kitô giáo. Mà những khoa học này thì dừng lại ở sự vô thức của con người, ở tính chủ quan, không lưu ý gì tới mối liên hệ của nó với Thiên Chúa.

Trong Giáo hội, lời xác quyết của Vatican II về một “Giáo hội cho thế giới”, khiến cho người ta đôi khi thay thế lý tưởng trốn chạy khỏi thế gian bằng lý tưởng chạy đến với thế gian. Việc từ bỏ nội tâm để hướng tới bên ngoài là một trong những khía cạnh nguy hiểm nhất của hiện tượng tục hóa. Thậm chí có người còn biện minh về phương diện thần học cho khuynh hướng này. Thứ thần học này chính là thần học về cái chết của Thiên Chúa. Người ta bảo chính Thiên Chúa đã làm gương trước : Ngài đã hủy mình ra không, ra khỏi chính mình, ra khỏi đời sống nội tâm của Ba Ngôi, để vong thân trong cái phàm tục. Ngài trở thành một Thiên Chúa ra khỏi minh.

Để đáp lại khủng hoảng này, cần trở lại với lời Chúa. Dựa vào lời Chúa, ta có thể tìm lại được trong truyền thống yếu tố sinh tử và vĩnh cửu, bằng cách gột rửa những gì lỗi thời đã đeo bám nó từ bao nhiêu thế kỷ. Đây cũng chính là phương pháp của Vatican II. Cũng như khi mùa xuân tới, ngưới ta cắt tỉa những cành lá cũ để cây có thể trổ sinh những hoa lá mới, chúng ta cũng phải làm như vậy cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

3. Sự nội tâm hóa theo Kinh Thánh

Chúng ta rút ra một vài sự kiện nổi bật nhất trong Kinh thánh.

Trong Cựu ước, các tiên tri đã khuyến cáo dân Chúa đừng bám víu vào những thứ phụng tự vụ hình thức bên ngoài, để có được mối liên hệ trong tâm hồn với Chúa. Isaia đã tuyên sấm như sau: “Dân này chỉ đến với Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa ta lắm. Chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Is 29,13). Thiên Chúa quả quyết như thế vì “Ngài không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Ngài thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7). Tiên tri Gioen thì bảo: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2,13)

Chúa Giêsu đã lặp lại cách canh tân này, và đưa nó tới chỗ hoàn thiện. Qua lời giảng và việc làm, Ngài muốn tiên vàn canh tân Do thái giáo, lúc ấy nặng về hình thức, vụ nghi thức, vụ luật. Ngài đặt trọng tâm vào mối liên hệ sống động với Thiên Chúa. Ngài không ngừng kêu gọi tìm nơi “bí ẩn”, đi vào trong tâm hồn, nơi mà người ta có thể tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, với ý muốn của Thiên Chúa. Giá trị của mỗi hành động tùy thuộc vào đó.

Lý do sâu xa mà Chúa đưa ra chính là : Thiên Chúa là thần trí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần khí và sự thật (Ga 4,24). Ý nghĩa sâu xa nhất của kiểu nói “thần khí và sự thật” là chính Chúa Thánh Thần và Ngôi Lời, tức là chính Thiên Chúa. Ngoài ra, “thần khí và sự thật” còn có ý nghĩa là nội tâm của con người, là đền thờ thiêng liêng đối lập với những đền thờ bên ngoài (cụ thể lúc đó là Giêrusalem và Garizim). Cũng như cần thân xác để tiếp xúc với thế giới vật chất, thì để tiếp xúc với Thiên Chúa là thần khí, cần có tấm lòng và tâm hồn là thần trí của chúng ta.

Một lý do nữa thường được Chúa Giêsu nêu ra, đó là : điều được làm bên ngoài dễ đưa người ta tới chỗ giả hình. Ánh mắt của người khác có thể làm sai lệch ý định ngay thẳng của ta, khiến việc ta làm mất đi nét trung thực. Cái bên ngoài lấn át cái bên trong. Cho nên Chúa mới dạy ta khi cầu nguyện phải vào trong phòng, cầu nguyện trong nơi bí ẩn. Thánh Ambrosiô đã diễn giải về hành vi này như sau : Đừng nghĩ rằng đây chỉ là căn phòng có bốn bức tường bao quanh ; đây cũng chính là tâm hồn bạn, trong đó chất chứa các tư tưởng và tình cảm của bạn.

Cuối cùng, lý do sâu xa và khách quan nhất mời gọi ta hướng tới nội tâm, chính vì tâm hồn ta là nơi cư ngụ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Cả Phaolô lẫn Gioan từng nhắc nhở điều này: “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23); “Thiên Chúa đã sai Thần khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em” (Gl 4,6).

Khi trở về với lòng mình, chúng ta bắt gặp Thiên Chúa, không chỉ một Thiên Chúa chung chung, nhưng là Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô. Chúng ta không chỉ bắt gặp thần trí của mình, nhưng là thần trí thánh, tức Chúa Thánh Thần. Vì vậy, Augustinô đã khuyên: “Đừng đi ra ngoài, nhưng hãy trở vào bên trong bạn. Chân lý cư ngụ bên trong con người”. Chúng ta đã biết chân lý này là gì : là chính Đức Kitô, cư ngụ trong tâm hồn ta nhờ lòng tin (Ep 4,7).

Chúng ta đang nói về cuộc vượt qua từ bên ngoài vào bên trong. Chắc chắn cuộc Vượt qua đích thực không chỉ ở chỗ vào lại bên trong ta, nhưng là ra khỏi ta, không phải tìm lại mình nhưng là đánh mất mình, từ bỏ mình. Tuy vậy, phải trở vào bên trong để vượt lên trên chính mình. Thánh Bonaventura đã minh giải điều này qua hình ảnh đền thờ Giêrusalem : để đi vào nơi thánh, tiên vàn phải qua khu vực ngoài. Và chỉ từ nơi thánh, từ bên trong, người ta mới có thể tiến tới nơi cực thánh, nơi Thiên Chúa hiện diện. Chỉ khi kết thúc hành trình này, người ta mới cử hành lễ Vượt qua đích thực. Đây là lễ vượt qua luân lý hay thần bí.

Cũng theo thánh Bonaventura, lễ này xẩy ra khi “người ta nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thánh giá, với lòng tin cậy mến, với tâm tình sùng mộ, thán phục, ca ngợi, cảm tạ, mà làm một cuộc vượt qua với Ngài, nghĩa là, vượt qua Biển Đỏ dựa vào Thánh giá, vượt từ đất Ai cập sang sa mạc, yên nghỉ trong mồ với Chúa sau khi đã chết cho những gì bên ngoài”.

Một só người chịu ảnh hưởng của Đông phương, muốn dùng phương pháp thiền để đi vào nội tâm. Giáo hội có lý do để nghi ngờ việc sử dụng phương pháp này trong Kitô giáo. Điều muốn nói ở đây là : ở cuối đường chúng ta phải gặp gỡ Đức Kitô hằng sống ngự trong lòng ta, chứ không phải là cái tôi thuần túy của ta. Có như vậy mời hiểu được lời Chân phước Elisabeth de la Trinité: “Tôi đã tìm thấy Thiên đàng ở trần gian, vì Thiên đàng là Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong tâm hồn tôi”.

4. Mỗi người hãy trở về với nội tâm của mình

Trên đây là phần lý thuyết. Chúng ta đã tìm hiểu bản chất và lý do của việc trở về với nội tâm. Giờ đây là lúc thực hành.

Tại sao cần tìm lại sở thích hướng nội ?

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một nền văn minh thích hướng ngoại, hướng ra bên ngoài. Con người bắt gặp nhiều điều kỳ lạ trong vũ trụ, nhưng có những điều kỳ lạ ngay trong tâm hồn họ mà họ không thấy, không nhận ra hoặc không chịu khó tìm hiểu. Ai nấy đều muốn thoát ra ngoài cuộc sống, tìm thú tiêu khiển. Ngược lại, những gì liên hệ đến việc nhìn lại mình thì bị coi là tiêu cực, thiếu cởi mở. Người ta sợ thinh lặng. Trong khi làm việc, thậm chí lúc học hành cần phải có đầu óc tập trung, nhiều người muốn mở một tí nhạc. Không có nó thì thấy trống rỗng, mà người ta lại sợ trống rỗng (horror vacui).

Thử nhìn vào một cuộc tụ tập nào đó mà coi, nhất là của những người trẻ : chỉ toàn thấy động đạc. (Bây giờ đôi khi có hình ảnh ngược lại : ai nấy chăm chú vào điện thoại di động của mình, ngồi bên nhau mà không nói gì với nhau, ngay cả giữa những người trong một gia đình). Có người hỏi một bạn trẻ vừa tham dự một buổi hò hét nhảy nhót tại sao lại thích như vậy, thì được trả lời : để khỏi bận tâm suy nghĩ mệt trí !

Ngày xưa, Pharaon, vua Ai cập, đã bắt dân Israel lao động cực nhọc, để họ lo làm việc, không còn thời giờ mà nghe những lời dối trá (tức những lời của Mosê truyền lệnh Chúa cho dân) (Xh 5,9). Ngày nay cũng có những pharaon mới đưa ra những mệnh lệnh, tuy âm thầm, nhưng rất cương quyết : Hãy làm cho người ta mệt bở hơi tai với những âm thanh ồn ào, những hình ảnh đầy mầu sắc, để họ không còn thời giờ sử dụng tự do của mình mà suy nghĩ, nhưng suy nghĩ và hành động theo các pharaon ấy. Chúng ta hẳn biết các pharaon này là ai : là những phương tiện truyền thông hiện đại (Thử nghĩ đến các loa phường vẫn tồn tại ở nhiều nơi, hoặc nghĩ đến những cuộc thi tuyển lựa thí sinh diễn hài trên TV…).

Cũng may, còn có một số người, vào những lúc nào đó, chống lại được những sức ép và tấn công trên đây. Và thay vì thuần túy trốn chạy, họ tìm về những địa điểm hay những thời gian thinh lặng để tìm lại mình, và từ đó mà tìm lại được Thiên Chúa. Họ đã vượt qua “bức tường âm thanh” giữa Chúa và họ.

Hướng tới nội tâm là con đường dẫn tới một đời sống trung thực (authentique). Ngày nay người ta nói nhiều đến sự trung thực, coi đó là tiêu chuẩn của một đời sống ít nhiều thành công. Nhưng đối với người Kitô hữu, đâu là sự trung thực này ? Khi nào thì một người, nhất là người trẻ, thực sự là chính mình ? Đó là khi người ấy lấy Thiên Chúa làm chuẩn.

Phúc âm thuật lại cho ta câu chuyện về người con trai đã có can đảm làm lại cuộc đời. Trước đây, anh ta đã rời nhà cha, mang theo số tiền cha chia cho, vùi đầu vào những cuộc ăn chơi trác táng. Rồi hết tiền, rồi phải đi chăn heo thuê. Một ngày kia anh hồi tâm nghĩ lại. Anh đã hoán cải trước khi lên đường trở về (dù bước đầu chỉ muốn được no cơm ấm áo ở nhà cha). Hoán cải bên trong (tức “hồi tâm”) đã có trước khi hoán cải bên ngoài. Chính hoán cải bên trong mới làm cho hoán cải bên ngoài có giá trị.

Sau này, trong cuốn Confessions của mình, Augustinô đã lên tiếng mời gọi hồi tâm. Chắc chắn lời mời gọi ấy tiên vàn phải dành cho chính ngài thời còn trẻ, trước khi ngài tìm về chính lộ. Ngài đã làm cho lời mời gọi ấy trở thành lời mời gọi chính mình, sau đó mới biến nó thành lời mời gọi người khác.

Thực ra, không chỉ có người trẻ mới có sở thích hướng ngoại. Lắm người già cũng có đấy. Và tu sĩ cũng chẳng trừ. Trong một diễn từ dành cho các bề trên cả, Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI nói: “Chúng ta đang sống trong một thế giới dường như mắc một cơn sốt thấm nhập vào tận nơi thánh thiêng và cô tịch. Thực tế chỉ toàn là náo động và ồn ào khiến người ta không thể hối tâm. Hay chia trí nên thường xuyên phung phí năng lực vào những hình thức khác nhau của văn hóa hiện đại. Sách báo tạp chí tràn ngập căn nhà và tâm hồn chúng ta. So với ngày xưa thì giờ đây khó mà tìm thấy cơ hội hoàn toàn dành cho Thiên Chúa”.

Hơn ai hết, chúng ta phải là những người làm cuộc vượt qua như nói trên, đối nghịch với khuynh hướng hướng ngoại. Thánh nữ Têrêxa Avila đã viết cuốn Lâu đài bên trong, một trong những kiểu nói hay nhất về nội tâm. Tiếc thay, vẫn còn có một lâu đài bên ngoài có thể giam giữ chúng ta, giam giữ ở ngoài nhà không cho chúng ta vào trong nhà. Chúng ta là tù nhân ở bên ngoài.

Augustinô đã mô tả cuộc đời mình là như thế, trước khi hoán cải. Ngài viết: “Chúa ở trong con mà con lại ở ngoài, và con đã tìm Chúa ở đó, nơi tất cả những hình thức đẹp đẽ là thụ tạo của Chúa. Những thụ tạo này đã không thể hiện hữu, nếu Chúa không ở đó để làm cho chúng hiện hữu, chính chúng đã giữ con xa Chúa” (Conf. X,27). Trường hợp này hẳn cũng đúng cho nhiều người trong chúng ta : Chúa ở trong ta mà ta lại ở ngoài!

Một số người mơ được sống cô tịch, nhưng trước sau gì cũng chỉ là mơ thôi. Họ thích cô tịch, miễn đó chỉ là giấc mơ mà không bao giờ biến thành hiện thực. Trong thực tế, cô tịch làm họ sợ hãi và trốn chạy.

Ngày xưa, trong các hành lang tu viện đều có tấm bảng nhắc nhở giữ thinh lặng (Silentium). Nay thì hiếm. Tuy vậy vấn đề vẫn còn y nguyên : hoặc yên lặng hoặc chết; hoặc phải có bầu khí và thời gian thinh lặng, sống nội tâm, hoặc sẽ có một đời sống thiêng liêng ngày một trống rỗng, nên có cũng như chết. Trong Phúc âm, Chúa bảo địa ngục (biểu thị bằng nơi khóc lóc và nghiến răng) là chỗ tối tăm bên ngoài (Mt 8,12). Đời sống mà trống rỗng phải chăng cũng giống như ở chỗ tối tăm bên ngoài?

Hẳn có người sẽ nói : tôi vẫn có thể tìm thấy Chúa ở bên ngoài đấy chứ! : nơi các anh em, các người nghèo khổ, trong Thánh Thể, trong lời Chúa… Không sai. Nhưng có thực sự gặp người anh em chăng, nếu không gặp gỡ trong tâm hồn ta? Nếu chỉ gặp gỡ bên ngoài thôi thì chưa phải là gặp gỡ một con người, một nhân vị, mà chỉ gặp như gặp một sự vật. Ta cũng chỉ có thể gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể bằng lòng tin, tức là bằng tâm hồn ta.

Người khác thì thắc mắc : khoa tâm lý hiện đại cho biết có hai loại người, loại hướng nội và loại hướng ngoại. Loại hướng nội thì bắt gặp Chúa ở bên trong, còn loại hướng ngoại thì bắt gặp Chúa ở bên ngoài. Đúng là có hai loại người như vậy, như kinh nghiệm thường ngày cho thấy. Thế nhưng không thể áp dụng dị biệt này cho lãnh vực thiêng liêng. Chúng ta biết Thiên Chúa là thần trí. Vậy làm sao có thể tìm thấy Ngài ở bên ngoài, nếu không đi vào nội tâm, mở con mắt đức tin của chúng ta ra? Ngay cả khi chiêm ngắm vũ trụ hoặc đi đến với người khác, chúng ta đã phải có thói quen sống đời nội tâm. Bằng không thì không thể thấy Chúa ở bên ngoài. Người ta có thể thuộc loại hướng nội, nhưng không vì vậy mà được miễn những bổn phận bên ngoài. Cũng vậy, người thuộc loại hướng ngoại cũng không được miễn những việc thuộc nội tâm.

Người khác nữa có thể nghĩ rằng : nhấn mạnh nội tâm sẽ có hại cho việc dấn thân vào công việc của Nước Trời,  nói khác đi, nhấn mạnh ý định gây thiệt hại cho hành động. Nghĩ thế là lầm. Nội tâm không đối nghịch với hành động, nhưng với một cách thức hành động nào đó. Nội tâm không làm giảm tầm quan trọng của hoạt động vì Nước Trời, ngược lại, còn là nền tảng của hoạt động này.

Nếu muốn bắt chước Chúa trong công việc Ngài làm, thì hãy bắt chước cho đúng. Quả là Ngôi Lời đã ra khỏi minh, ra khỏi cung lòng Ba ngôi, để đến trong thế gian. Nhưng chúng ta cũng biết Ngài đến với ta mà vẫn gắn bó với Chúa Cha. Ngài ở trong ta mà vẫn ở trong Ngài. Chúng ta cũng phải vậy : đến với thế giới, đến với người khác, mà không bao giờ hoàn toàn ra khỏi chúng ta. Sách Gương Chúa Giêsu viết: “Con người bên trong hồi tâm cách bộc phát được, vì không bao giờ hoàn toàn bị phân tán trong những sự việc bên ngoài. Những công việc bên ngoài và những bổn phận cần thiết không làm thiệt hại cho người ấy, vì người ấy biết thích nghi với hoàn cảnh” (II,1).

Tưởng cũng nên nói thêm điều này : trong đời sống cụ thể, làm sao có thể tìm lại và bảo tồn thói quen hồi tâm?

Trong Cựu ước, ai cũng thấy Môsê là con người hoạt động, nhưng ông đã cho làm một chiếc lều gọi là lều Hội ngộ, có thể di chuyển đây đó. Sau mỗi cuộc hành trình, ông cho dựng căn lều này bên ngoài trại, để ở đó ông diện kiến Chúa và đàm đạo với Chúa như hai người bạn (Xh 33,7tt).

Không phải ai cũng làm được như vậy. Không phải lúc nào cũng có thể vào nhà thờ, nhà nguyện, hay một căn phòng vắng vẻ nào đó để tiếp xúc với Chúa. Nhưng thánh Phanxicô Assisi giới thiệu cho ta một cách thức. Khi sai các anh em đi rao giảng, ngài nói với họ : chúng ta luôn có một ẩn viện cùng đi với ta, khi nào muốn, ta có thể trở thành một ẩn sĩ nép mình trong đó. Ẩn viện này là thân thể ta, còn ẩn sĩ chính là tâm hồn. Như vậy, cho dù đi trên đường hay tại chỗ làm việc, ai nấy đều có thể có một căn phòng riêng, ẩn mình vào đó mà gặp gỡ Chúa.

***

Chúng ta có Đức Mẹ là khuôn mẫu của sự hồi tâm Kitô giáo. Trong 9 tháng cưu mang Ngôi Lời trong dạ, Mẹ chỉ nhìn vào nội tâm, hướng về Chúa trong lòng mình (Thực sự, theo Augustinô, Mẹ đã cưu mang Chúa trong trí trước khi cưu mang Người trong dạ), suy đi nghĩ lại trong lòng mọi sự việc (Lc 2,19). Đó là mẫu gương tuyệt vời cho Giáo hội. Điều Mẹ đã làm, cả Giáo hội cũng như từng người trong Giáo hội phải bắt chước.

Chúng ta hay xin cho mình biết theo gương Mẹ : biết từ bên ngoài hướng về bên trong, từ chỗ động đạc vươn tới chỗ thinh lặng, từ chia trí đến hồi tâm, từ thế gian đến với Thiên Chúa.

(Lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Le Mystère pascal, éd. Salvator, Paris, 2000, pp. 139-163)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều