THIÊN CHÚA YÊU TA

 

1.  Thiên Chúa là Tình yêu

Nhìn vào cạnh sườn của Đức Giêsu bị đâm thâu, mà Gioan nói đến (Ga 19,51), có thể giúp chúng ta hiểu lời mà cũng chính tác giả này khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8).

Đúng vậy, Thiên Chúa là Tình yêu. Không rõ ai đã quả quyết rằng, nếu tất cả những cuốn Kinh thánh trên thế giới bị hủy hoại, vì một thiên tai hay nhân tai nào đó (như chính sách phần thư của Tần Thủy Hoàng, phong trào đập phá ảnh tượng thế kỷ 8, nhóm Hồi giáo quá khích hiện nay phá hủy tất cả những dấu tích Kitô giáo..), mà chỉ còn sót lại một cuốn, và ngay cả cuốn này cũng bị hư hại nặng, chỉ còn một trang tương đối không việc gì, và trang còn sót này cũng nhòe mờ, chỉ còn một dòng chữ có thể đọc được, và nếu dòng đó là câu trích trong thư Gioan trên đây (Thiên Chúa là Tình yêu), thì bằng ấy cũng đủ để cho rằng Kinh thánh được cứu vãn, vì tất cả được chứa đựng trong câu ấy.

Tình yêu của Thiên Chúa là ánh sáng, hạnh phúc, sự sống tràn đầy. Đó là dòng nước mà tiên tri Êdêkiel thấy vọt ra từ hông bên phải đền thờ, chảy tới đâu thì đem lại sự sống tới đó. Đó cũng là nước được hứa ban cho người phụ nữ xứ Samari, để người ta không còn khát nữa. Đức Giêsu cũng lặp lại cho chúng ta lời Ngài đã nói với người phụ nữ: “Nếu ngươi nhận ra hồng ân của Thiên Chúa”. Hồng ân của Thiên Chúa cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu ấy ở trong tầm tay ta, có thể soi sáng mọi sự, sưởi ấm mọi sự trong đời sống của ta, nhưng, buồn thay, chúng ta lại sống trong bóng tối lạnh lẽo. Đó là lý do thực sự duy nhất khiến cho cuộc đời chúng ta ảm đạm.

Thiên Chúa là Tình yêu, và thập giá Đức Kitô là bằng chứng tối thượng của tình yêu ấy, là chứng minh tình yêu ấy trong lịch sử.

Theo Nicola Cabasilas, một tác giả Kitô giáo nổi tiếng bên Đông phương, có hai cách chứng minh tình yêu của mình đối với ai đó. Cách thứ nhất là làm điều tốt cho người mình yêu, chẳng hạn tặng quà. Cách thứ hai, đòi hỏi hơn, là chịu khổ vì người đó. Thiên Chúa đã yêu ta theo cách thứ nhất, tức là, bằng một tình yêu quảng đại, khi tạo dựng Ngài đã ban cho chúng ta vô vàn hồng ân, bên trong cũng như bên ngoài. Ngài cũng yêu ta theo cách thứ hai, khi chịu khổ hình để cứu chuộc ta. Ngài đã tự hủy mình, dám chịu những đau khổ khủng khiếp nhất, đáng sợ nhất, để lấy tình yêu của mình mà chiến thắng tội lỗi của ta. Do đó, chính trên thập giá mà ta chiêm ngắm sự thật này: Thiên Chúa là Tình yêu.

Chữ “khổ nạn” (passio) có hai nghĩa. Nó có thể chỉ một tình yêu mạnh mẽ đến đam mê, hoặc một sự đau khổ chết người. Có một sự liên tục giữa hai hình thức đó. Kinh nghiệm thường ngày cho thấy từ hình thức này sang hình thức kia cũng dễ lắm. Nơi Thiên Chúa cũng thế thôi. Origène viết : Có một cuộc Khổ nạn xẩy ra trước việc Nhập thể. Đó là cuộc “khổ nạn của tình yêu”, luôn được Thiên Chúa dành cho nhân loại. Khi thời gian tới hồi viên mãn, cuộc khổ nạn của tình yêu ấy đưa Ngài xuống thế và chịu khổ vì ta.

2.  Ba cấp bậc cao cả

Có một cách mới biện minh cho đức tin kitô giáo, có lẽ là cách duy nhất có thể làm hiện nay, và chắc chắn là cách hữu hiệu nhất. Nó không đưa những giá trị siêu nhiên đối chọi với những giá trị tự nhiên, tình yêu của Thiên Chúa với tình yêu của con người, eros với agape, nhưng cho thấy sự hài hòa nguyên thủy giữa chúng, phải được chúng ta khám phá và không ngừng chữa trị, vì tội lỗi và sự mỏng dòn của con người.

Trong thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, ĐGH Bênêđitô XVI viết: “Eros muốn đưa chúng ta, trong tình trạng xuất thần, tới Thiên Chúa, vượt lên trên chính chúng ta, chính vì thế, nó đòi hỏi con đường đi lên, từ bỏ, thanh luyện và chữa trị” (số 5).

Đúng là Phúc âm có cạnh tranh với các lý tưởng của nhân loại, nhưng theo nghĩa đen, tức là cạnh tranh trong việc thực hiện những lý tưởng ấy. Phúc âm chữa trị chúng, nâng chúng lên và bảo vệ chúng. Phúc âm không khai trừ eros khỏi đời sống, nhưng khai trừ nọc độc do sự ích kỷ của eros mang lại.

Theo Pascal, có ba cấp độ hay thứ bậc nói lên sự cao cả. Cấp đầu tiên là cấp thể chất, cấp thân xác. Đáng kể ở cấp này là người có thân hình tốt, như có sức khỏe của lực sĩ, có vẻ đẹp của thiên thần. Đây là một giá trị không nên khinh thường, nhưng vẫn chỉ là cấp thấp nhất.

Lên trên là bậc thiên tài và thông minh, trong đó nổi bật nhất là các nhà tư tưởng, người phát minh, khoa học gia, nghệ sĩ, thi sĩ. Cấp này có một phẩm chất khác hẳn. Giầu hay nghèo, xấu hay đẹp, chẳng thêm gì cho thiên tài cả, cũng chẳng lấy mất đi cái gì của họ. Hình dạng xấu xí kỳ dị của Socrates chẳng hạn, không liên hệ gì đến nét đẹp tư tưởng của ông. [Hay như Stephen Hawking, sinh năm 1942, nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học, người Anh, nổi tiếng thế giới, mắc bệnh về thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ, khiến cho ông hầu như tê liệt toàn thân, ngồi vênh trên xe lăn, giao tiếp qua một thiết bị hỗ trợ giọng nói…]

Thiên tài là một giá trị chắc chắn cao hơn cấp bậc thân xác, nhưng chưa phải là giá trị tối thượng. Trên tất cà còn có một cấp vĩ đại khác, đó là cấp tình yêu, cấp của sự tốt lành, được Pascal gọi là cấp thánh thiện và ân sủng. Theo Gounod, một giọt nước thánh thiện còn hơn cả một đại dương thiên tài. Đẹp người hay xấu dáng, thông minh hay thất học, không thêm gì cho vị thánh, cũng chẳng lấy mất đi cái gì của người đó. Sự cao cả của người đó thuộc về một cấp bậc khác hẳn.

Kitô giáo thuộc vào cấp thứ ba. Trong tiểu thuyết “Quo Vadis”, một người ngoại giáo hỏi Phêrô lúc ông vừa tới Rôma: “Athènes đã cho chúng tôi sự khôn ngoan, Rôma đã cho chúng tôi quyền lực, còn tôn giáo của ông thì cho chúng tôi cái gì?”  Phêrô trả lời: “Tình yêu”. Kitô giáo cho người ta tình yêu. Tình yêu là một cái gì rất mong manh, giống như một đứa trẻ, tưởng như chẳng giúp được gì so với muôn vàn thứ khác. Nhưng qua kinh nghiệm, có thể thấy : quyền lực, khoa học, sức mạnh, thiên tài sẽ như thế nào, nếu không có tình yêu và lòng nhân.ái.

3. Tình yêu tha thứ

Cũng thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” viết: “Eros của Thiên Chúa đối với con người cũng hoàn toàn là agape. Không chỉ vì eros được ban tặng cách hoàn toàn nhưng không, không do một công trạng nào trước đó, mà còn vì đó là tình yêu tha thứ” (số 10).

Đặc tính này cũng sáng chói ở mức cao nhất trong mầu nhiệm thập giá: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Nghe lời trên đây, hẳn chúng ta muốn kêu lên : Lạy Chúa, chắc chắn có một tình yêu lớn hơn là hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu, đó là tình yêu của Chúa. Chúa đã không hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu, mà là cho kẻ thù. Phaolô nói rằng khó tìm được người nào sẵn sàng chết cho một người công chính. Họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (Rm 5,7-8).

Thế nhưng, người ta sớm nhận ra rằng sự tương phản giữa bạn và thù chỉ là ngoài mặt. Chữ “bạn hữu” theo nghĩa năng động chỉ những người yêu ta, theo nghĩa thụ động chỉ những người ta yêu. Đức Giêsu gọi Giuđa là bạn (Mt 26,50), không phải vì Giuđa yêu Ngài, nhưng vì Ngài yêu anh ta. Không có tình yêu nào lớn hơn là hy sinh mạng sống mình cho người thù nghịch, khi coi họ là bạn hữu. Đó là ý nghĩa câu nói của Đức Giêsu. Con người có thể cư xử như những kẻ thù của Thiên Chúa, chứ Thiên Chúa sẽ không bao giờ có thể là kẻ thù của con người.

Chúng ta phải suy nghĩ một cách thức cụ thể, qua đó tình yêu của Đức Kitô trên thập giá có thể giúp bao nhiêu người ngày hôm nay tìm ra con đường để sống và yêu. Cách thức ấy là tình yêu thương xót, một tình yêu bỏ qua những lỗi lầm và tha thứ, một tình yêu không muốn làm hại kẻ thù, nhưng là phá bỏ sự thù ghét (x.Ep 2,16).

Tiên tri Giêrêmia, người gần gũi nhất với Đức Kitô chịu khổ nạn, khi bị người ta ngược đãi, đã thưa với Chúa: “Con thấy Ngài trị tội chúng là đích đáng” (Gr 11,20). Còn trên thập giá, Đức Giêsu lại cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Ngày hôm nay, chúng ta cần đến lòng thương xót và khả năng tha thứ này, để có thể chiến thắng bạo lực đang tràn lan trên thế giới.

Phaolô viết cho các tín hữu Colossê: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải biết tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).

4.  Bổn phận phải yêu thương

Tình yêu của Thiên Chúa, biểu lộ qua thập giá Đức Kitô, còn dạy ta một bài học khác. Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thì trung thành và mãi mãi. Người nói với con người qua các tiên tri: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3), hoặc qua lời thánh vịnh: “Ta quyết chẳng đoạn tình dứt nghĩa, quyết không hề bội tín bất trung” (Tv 88/89,34). Thiên Chúa luôn dấn thân vào tình yêu. Người không còn được tự do lui trở lại. Chính đó là ý nghĩa sâu xa của giao ước, đã trở thành “mới và vĩnh cửu” trong Đức Kitô.

Trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” Đức Bênêđitô XVI viết: “Để thăng tiến và thanh luyện chiều sâu, tình yêu cần sự dứt khoát theo một ý nghĩa kép : theo nghĩa độc chiếm – chỉ người này mà thôi – và theo nghĩa mãi mãi. Tình yêu bao trùm toàn bộ cuộc sống trong mọi chiều kích của nó, kể cả chiều kích thời gian. Điều này không thể khác được, vì sự hứa hẹn của nó nhắm vào sự dứt khoát : tình yêu nhắm đến vĩnh cửu” (số 6).

Trong nhiều xã hội hiện nay, người ta ngày càng tự hỏi xem có liên hệ nào giữa tình yêu của đôi bạn trẻ với luật về hôn nhân chăng. Một tình yêu bộc phát giữa hai người, muốn sống cho nhau, thì cần cái gì? Ngày càng có nhiều người không muốn thể chế hôn nhân, chỉ muốn được tự do yêu nhau, chung sống với nhau, không có gì ràng buộc hết.

Trả lời thế nào? Chỉ có thể trả lời đúng đắn cho những vấn đề trên, chỉ có thể nói cho người trẻ một lý do thuyết phục giúp họ đi vào con đường yêu nhau mãi mãi, không sợ biến tình yêu thành bổn phận, nếu giúp họ thấy được mối tương quan sâu xa, có tính chất sinh tử, giữa tình yêu và lề luật, giữa quyết định tự do của cá nhân và thể chế.

Sau Platon, triết gia Kierkegaard đã có những phát biểu rất hay về tình yêu. Ông nói: “Chỉ khi có bổn phận phải yêu, thì tình yêu mới được bảo đảm mãi mãi không hao mòn, mãi mãi được tự do trong độc lập hạnh phúc, mãi mãi hạnh phúc mà không bao giờ phải thất vọng”.

Câu trên muốn nói thế này : Con người chúng ta khi yêu, càng yêu mặn nồng thì càng lo lắng, vì nhận ra mối nguy bắt gặp trong tình yêu. Mối nguy này không đến từ người khác, nhưng từ chính chúng ta. Quả thực, ta biết rằng mình hay thay đổi lắm, nay yêu mai có thể chán. Bây giờ đang yêu, sợ mai chán sẽ gây ra những mất mát không thể sửa chữa. Thế nên ta đi bước trước bằng cách dùng luật mà ràng buộc tình yêu của mình. Con người nhất thời có thể thay đổi, còn luật thì không. Nhờ có luật bảo vệ mà tình yêu được bảo đảm. Hành vi yêu bắt đầu trong thời gian sẽ bám sâu trong vĩnh cửu.

Lý do ràng buộc này cũng tựa như lý do của Ulysse trong thần thoại Hy lạp. Sau nhiều năm chinh chiến lưu lạc, Ulysse nhất quyết trở về quê hương, sống dưới mái nhà xưa. Nhưng ông phải vượt qua vùng biển có nhiều nàng tiên cá. Những mỹ nhân ngư này sẽ dùng tiếng hát quyến rũ làm lung lạc ông và đoàn thủy thủ, khiến tầu có thể đâm vào đá ngầm. Vậy ông đã làm gì? Đã đổ sáp vào tai các thủy thủ và bảo họ trói chặt ông vào cột buồm. Lúc đến chỗ các nàng tiên cá, ông quát các thủy thủ mở trói cho ông, nhưng không một ai có thể nghe ông nói gì, vì lỗ tai họ đã bị bít. Nhờ đó mà ông thoát hiểm, về lại được với vợ con.

Đây chỉ là một câu chuyện hoang đường, nhưng cũng giúp ta hiểu vì sao cần có hôn nhân bất khả đoạn tiêu, và, trên một bình diện khác, vì sao có những lời khấn dòng.

Bổn phận phải yêu bảo vệ cho tình yêu khỏi thất vọng, làm cho tình yêu được “độc lập hạnh phúc”, theo nghĩa giúp cho người ta khỏi thất vọng vì không được yêu nhau mãi mãi.

Cũng Kierkegaard còn nói : anh hãy dẫn đến với tôi một người yêu thực sự, người đó sẽ nói cho anh biết, trong tình yêu, có sự đối kháng giữa lạc thú và bổn phận không, ý nghĩ về bổn phận phải yêu suốt đời có làm cho người yêu sợ hãi và lo lắng không, hay đúng hơn, đem lại niềm vui và hạnh phúc.

Trong một ngày Tuần thánh, Chúa Kitô đã hiện ra với Chân phước Angela Foligno (nhà thần bí người Ý, thuộc dòng ba Phan sinh, qua đời năm 1309), và nói lời bất hủ: “Ta đã yêu ngươi không phải là chuyện đùa”. Đức Kitô yêu ta cũng không phải chuyện đùa. Tình yêu có chiều kích vui đùa, nhưng chính tình yêu lại không phải là chuyện đùa.

Tình yêu là chuyện nghiêm túc nhất, mà cũng gây ra nhiều hậu quả nhất trên thế giới. Nhà viết kịch Eschyle so sánh tình yêu với một chú sư tử con nuôi trong nhà, lúc đầu thì dễ dạy lắm đến nỗi trẻ em có thể vui đùa với nó, nhưng khi lớn lên, nó có thể phá phách, thậm chí gây thương tích cho những người trong nhà nữa.

Những điều nói trên sẽ không đủ để gây ảnh hưởng trên văn hóa thời thượng hiện nay, một văn hóa ca ngợi sự tự do thay đổi tùy hứng, ca ngợi cách hành xử “dùng xong rồi vất” được áp dụng ngay cả cho tình yêu. Dù sao, đối với những người thấy được vẻ đẹp của tình yêu, thấy sự lựa chọn của mình là đúng, muốn quyết định sống đời hôn nhân giữa một người nam và một người nữ theo ý Thiên Chúa muốn, thì những điều trên đây giúp củng cố quyết định của họ, đồng thời củng cố những người trẻ nào cũng muốn lựa chọn và quyết định theo một cách thức tương tự.

Giờ đây, chúng ta cùng với Phaolô xướng lên bài ca ngợi tình yêu chiến thắng của Thiên Chúa. Phaolô đã nhìn lại tất cả những tiêu cực và khó khăn trong cuộc đời mình : gian truân, lo lắng, bách hại, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo. Ngài nhìn lại những điều đó và thấy Thiên Chúa thật sự yêu ngài, nên ngài đã kêu lên: “Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37).

Tiếp đó, ngài ngước mắt lên, nhìn ra thế giới chung quanh, nhìn tới vận mệnh của toàn thể nhân loại, và một lần nữa mạnh mẽ xác quyết: “Đúng thế, tôi tin rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Chúng ta hãy nghe lời mời gọi của Phaolô, nhìn lại những trải nghiệm trong cuộc đời mình, thấy rằng luôn được tình yêu của Chúa giúp sức và nâng đỡ, để rồi biết thường xuyên xác quyết: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô”.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ Sáu Tuần thánh năm 2006, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô)

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều