THỪA TÁC VIÊN CỦA THẦN KHÍ

 

1. Việc phục vụ Thần Khí

Trong thư 2 gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao ước mới, không phải Giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống. Nếu việc phục vụ Lề luật – thứ Lề luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá – mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Môsê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua – thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao?” (2 Cr 3,6-8).

Phaolô tự coi mình, cũng như coi các cộng tác viên của mình, như những thừa tác viên của Thần Khí, coi thừa tác vụ tông đồ như một sự phục vụ Thần Khí. Qua việc Phaolô đối chiếu với Môsê và với phụng tự của Giao ước cũ, chúng ta có thể chắc chắn rằng, trong đoạn văn trên, cũng như trong nhiều chỗ khác của thư thứ 2 Corintô, Phaolô nó về vai trò của các vị lãnh đạo cộng đồng Kitô giáo, tức các Tông đồ và những người cộng tác với các ngài.

Theo Phaolô, người nào biết mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Thần Khí, thì cũng biết rằng tư cách thừa tác viên của Thần Khí không có mâu thuẫn với tư cách tôi tớ của Đức Kitô, nhưng tiếp nối cách hoàn hảo. Quả thực, Thần Khí nói ở đây là Thần Khí Đức Kitô. Chính Chúa Giêsu cũng nói đến vai trò của Đấng Bảo Trợ tức Thần Khí, khi Ngài bảo các Tông đồ: “Đấng ấy sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thày đã nói với anh em” (Ga 14,16), “Đấng ấy sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26), “sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn, lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,14).

Như vậy, câu định nghĩa đầy đủ về thừa tác vụ tông đồ và tư tế là : tôi tớ của Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần. Thần Khí cho thấy bản chất sự phục vụ của ta là sự phục vụ “thuộc linh”, theo nghĩa đầy đủ nhất, tức là : không chỉ có đối tượng là thần trí con người, linh hồn con người, mà còn có đối tượng và tác nhân chính, như Đức Phaolô VI nói, là Chúa Thánh Thần. Thánh Irênê cho rằng Chúa Thánh Thần là “sự hiệp thông của ta với Đức Kitô”.

Cũng trong thư thứ 2 Corintô, Phaolô đã làm sáng tỏ hành động của Chúa Thánh Thần nơi các thừa tác viên Tân ước bằng biểu tượng xức dầu. Ngài viết “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô, và đã xức dầu cho chúng tôi, là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta, và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,2 tt).

Thánh Athanasiô chú giải bản văn trên như sau: “Thần Khí được gọi là và đích thực là sự xức dầu và ấn tín. Sự xức dầu là hơi thở của Chúa Con, đến nỗi ai có Thần Khí đều có thể nói : chúng tôi là hương thơm của Chúa Kitô. Ấn tín biểu thị Chúa Kitô, đến nỗi ai được đóng ấn tín đều có thể có hình dạng của Chúa Kitô”. Với tư cách là sự xức dầu, Chúa Thánh Thần chuyển đạt cho ta hương thơm của Chúa Kitô. Với tư cách là ấn tín, Người chuyển đạt cho ta hình dạng hoặc hình ảnh của Chúa Kitô. Giữa việc phục vụ Chúa Kitô và phục vụ Thần Khí, không có phân cách, nhưng có sự hiệp nhất sâu xa.

Mọi Kitô hữu đều được xức dầu. Chính danh xưng của họ có nghĩa là những người được xức dầu, theo hình ảnh Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu tuyệt hảo. Thế nhưng ở đây, Phaolô đang nói về công việc của mình và của Timotê (‘chúng tôi’). Rõ ràng Phaolô muốn đặc biệt nhắc đến việc xức dầu và ấn tín của Thần Khí mà các ngài lãnh nhận lúc được thánh hiến cho thừa tác vụ tông đồ. Ở một chỗ khác Phaolô cũng nhắc cho Timotê khơi dậy đặc sủng anh nhận được khi ngài đặt tay trên anh (x.2 Tm 1,6).

Tầm quan trọng của việc được Thần Khí xức dầu, chúng ta cần phải khám phá lại, vì hiệu năng của thừa tác vụ tư tế hàm chứa trong đó. Linh mục là người được thánh hiến, tức được xức dầu. Sắc lệnh của Công đồng Vatican II về chức vụ và đời sống linh mục viết: “Chúa Giêsu, ‘Đấng đã được Chúa Cha thánh hiến và sai xuống thế gian’ (Ga 10,36), và đã được Chúa Thánh Thần xức dầu, Người đã làm cho tất cả Nhiệm thể được thông phần vào sự xức dầu đó”. Cũng sắc lệnh còn làm nổi bật tính chuyên biệt của việc xức dầu được ban trong bí tich Truyền chức thánh, qua lời khăng định: “Chức tư tế của các linh mục được ban qua một bí tích. Nhờ việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, bí tích ấy ghi một ấn tích đặc biệt nơi các ngài, làm cho các ngài đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh mục, giúp các ngài có thể hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu” (LM 1-2).

2. Việc xức dầu : hình bóng, biến cố và bí tích

 Cũng như Thánh Thể và Vượt qua, xức dầu là một trong những thực tại có mặt trong cả ba giai đoạn của lịch sử cứu độ : có mặt trong Cựu ước như hình bóng, có mặt trong Tân ước như biến cố, có mặt trong thời kỳ của Giáo hội như bí tích.

Trong trường hợp đang bàn, ta thấy hình bóng qua những việc xức dầu khác nhau trong Cựu ước ; thấy biến cố là việc xức dầu Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu, hoàn tất cho mọi hình bóng ; còn bí tích thì được biểu thị bằng toàn bộ các bí tích, trong đó việc xức dầu như một nghi thức chính hay bổ túc.

Trong Cựu ước, ta thấy có ba loại xức dầu : xức dầu cho các vua, xức dầu cho các tư tế, xức dầu cho các tiên tri (thực ra nơi các tiên tri, nói chung chỉ là xức dầu thiêng liêng, mang tính ẩn dụ, chứ không có dầu vật chất). Các việc xức dầu này hướng tới thời kỳ cứu thế, tức chờ đợi một ông vua, một tư tế và một tiên tri, người sẽ là Đấng Được Xức Dầu, Đấng Cứu Thế.

Ngoài việc tấn phong chính thức và pháp lý, qua đó ông vua trở thành người được Chúa xức dầu, thì theo Kinh Thánh, việc xức dầu còn ban một quyền năng bên trong. Việc xức dầu mang lại một sự biến đổi từ Thiên Chúa, và quyền năng này ngày càng được minh nhiên đồng hóa với Chúa Thánh Thần.

Khi xức dầu cho Saolê làm vua, tiên tri Samuel nói: “Chẳng phải Đức Chúa đã xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người sao?... Thần Khí Đức Chúa sẽ nhập vào ông, ông sẽ lên cơn xất thần ngôn sứ, và ông sẽ biến thành một người khác” (1 Sm 10,1.6). Mối liên hệ giữa việc xức dầu và Thần Khí được làm sáng tỏ qua câu nói nổi tiếng của Isaia: “Thần Khí của Đức Chúa ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Is 61,1).

Tân ước không ngần ngại coi Đức Giêsu là Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa, hoàn tất cho mọi việc xức dầu trước đây. Tước hiệu Đấng Thiên Sai, hoặc Kitô, chính xác có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu, là bằng chứng rõ ràng nhất.

Thời điểm hay biến cố lịch sử đánh dấu sự hoàn tất này là lúc Chúa chịu lễ rửa ở sông Giođan. Hiệu quả của việc xức dầu này là Chúa Thánh Thần. Sách Công vụ viết: “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38). Sau khi nhận lễ rửa, Đức Giêsu tuyên bố tại hội đường Nadarét: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Lc 4,18).

Chắc chắn Đức Giêsu đã đầy tràn Thánh Thần ngay từ lúc nhập thể, nhưng đó là một ân sủng cá nhân, gắn liền với mầu nhiệm ngôi hiệp nên không thể chuyển thông cho người khác. Giờ đây, qua việc được xức dầu, Chúa nhận được Thánh Thần cách sung mãn, và, với tư cách là đầu, Ngài có thể chuyển đạt cho thân thể Ngài. Giáo hội sống bằng ân sủng này, ân sủng của đầu (gratia capitis).

Các hiệu quả của ba việc xức dầu – vương đế, tiên tri và tư tế - thì lớn lao và trực tiếp trong thừa tác vụ của Đức Giêsu. Nhờ việc xức dầu vương đế, Ngài hạ gục vương quyền của Satan và phục hồi Nước Thiên Chúa. Khi một số người Biệt phái cho rằng Chúa đã dựa vào quỷ vương để trừ quỷ, Chúa bác ý kiến này và nói với họ: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28) ; rồi nhờ việc xức dầu tiên tri, Ngài “loan báo Tin mừng cho người nghèo khó” ; cuối cùng nhờ việc xức dầu tư tế, Ngài dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin cùng với nước mắt trong suốt cuộc đời trần gian, và cuối cùng, tự hiến mình trên thập giá.

Sau khi đã hiện diện trong Cựu ước như hình bóng, trong Tân ước như biến cố, giờ đây sự xức dầu hiện diện trong Giáo hội như bí tích. Dấu chỉ của bí tích là từ hình bóng, ý nghĩa của bí tích là từ biến cố. Bí tích dùng yếu tố dầu thánh từ việc xức dầu trong Cựu ước, rút ra hiệu năng cứu độ từ Chúa Kitô. Chúa Kitô đã không bao giờ được xức bằng dầu vật chất (trừ lúc Ngài được xức dầu thơm ở Bêtania), và cũng không dùng dầu vật chất xức cho ai. Nơi Ngài, biểu tượng đã đươc thay thế bằng thực tại, bằng “dầu hoan lạc” là Chúa Thánh Thần.

Trong số những bí tích của Giáo hội, có bốn bí tích có nghi thức xức dầu là Thánh tẩy, Thêm sức, Xức dầu Bệnh nhân và Truyền Chức thánh. Khi xức dầu chrisma sau nghi thức thánh tẩy, Giáo hội minh nhiên nhắc tới ba việc xức dầu của Đức Kitô: “Chính Ngài thánh hiến con bằng dầu cứu độ. Được tháp nhập vào Đức Kitô là Tư tế, Vương đế và Tiên tri, con hãy luôn là chi thể của Thân thể Người, để đạt tới sự sống đời đời”.

Nghi thức tấn phong Giám mục còn nhắc tới việc xức dầu của Đức Kitô cách minh nhiên hơn. Khi đổ dầu thơm trên đầu tân chức, Giám mục chủ phong nói: “Xin Thiên Chúa là Đấng đã cho hiền đệ tham dự vào chức thượng tế của Đức Kitô, tuôn đổ trên hiền đệ chất dầu huyền nhiệm, và lấy ơn phúc thiêng liêng dồi dào làm cho hiền đệ được nên phong phú”

3. Làm sao để được Th. Thần xức dầu thiêng liêng?

Có một điều nguy hiểm chung khi xem xét các bí tích, đó là chỉ để ý đến khía cạnh nghi thức, giáo luật, xem nó có thành sự hay hợp pháp không, mà không để ý đủ đến hiệu quả thiêng liêng của bí tích (res sacramenti), đến tầm quan trọng của hiệu quả này trong đời sống, đến ân sủng riêng biệt của nó, và trong vấn đề đang bàn, là hiệu quả của việc xức dầu trong đời sống linh mục. Chức thánh giúp ta có thể giữ vai trò lãnh đạo, giảng dạy, ban bí tích, cho phép ta làm một số việc khác. Chức thánh bảo đảm sự kế tục tông đồ, nhưng không nhất thiết bảo đảm thành công trong việc tông đồ.

Do in dấu không phai mờ nơi linh mục, việc xức dầu bí tích là điều phải nghĩ đến, mỗi khi thấy cần phải làm cho thừa tác vụ của chúng ta sinh động hơn. Một cách nào đó, chúng ta làm sống lại bí tích đã lãnh nhận, khơi lại ân sủng bí tích đang bị phủ dưới lớp tro bụi. Giống như một lọ nước hoa, đậy kín nắp thì không ngửi thấy gì, nhưng mở nắp thì hương thơm ngào ngạt sẽ tỏa ra. Điều này không riêng gì cho bí tích Truyền Chức thánh. Các bí tích khác cũng thế thôi.

Việc xức dầu hiện nay được hiểu như thế nào? Augustinô đưa ra một ý tưởng quan trọng. Ngài giải thích bản văn trong thư I của Gioan đại khái như sau: “Dầu mà anh em đã lãnh nhận” (I Ga,2-27) được hiểu theo ý nghĩa của một việc xức dầu liên tục, qua đó Chúa Thánh Thần, Thày dạy nội tâm, cho phép ta hiểu từ bên trong điều chúng ta nghe ở bên ngoài. Chính từ Thánh Thần mà chúng ta có kiểu nói “xức dầu thiêng liêng” (spiritalis unctio), như thấy trong bài ca Veni Creator Spiritus. Còn thánh Grêgoriô Cả đã góp phần phổ biến ý tưởng này của Augustinô trong suốt thời Trung cổ.

Nếu việc xức dầu được thực hiện nhờ Chúa Thánh Thần, và là một ân huệ của Thần Khí, chúng ta phải làm gì để lãnh nhận? Tiên vàn là cầu nguyện. Có lần Đức Giêsu đã hứa: “Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người” (Lc 11,13). Tiếp đến là đập vỡ bình bạch ngọc như người đàn bà tội lỗi đã làm trong nhà ông Simon. Chiếc bình đó là con người của ta. Đập vỡ là từ bỏ mình, để cho Thiên Chúa dẫn dắt cuộc đời ta. Phải có hành vi minh nhiên chứng tỏ chúng ta làm công việc trên đây. Thiên Chúa không thể ban Thần Khí của Ngài cho những ai không hoàn toàn phó thác nơi Ngài.

Hãy áp dụng cho đời sống linh mục nội dung phong phú gắn liền với đề tài xức dầu. Thánh Basiliô nói rằng: “Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong cuộc đời của Chúa bằng việc xức dầu và làm người luôn đồng hành, để mọi hoạt động của Đức Giêsu diễn ra trong Thần Khí”. Vậy đối với chúng ta, lãnh nhận dầu có nghĩa là lãnh nhận Chúa Thánh Thần như người luôn đồng hành với mình, làm mọi sự trong Thánh Thần, trước mặt Ngài, dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Một đời sống như vậy có những biểu hiện bên ngoài bằng những nét êm dịu, bình an, hiền hòa, hoặc có khi mạnh mẽ, thể hiện quyền bính…tùy vào những hoàn cảnh khác nhau, trách vụ khác nhau, tính khí khác nhau…Có thể thấy gương mẫu nơi Đức Giêsu : do Thần Khí thúc đẩy, có khi Ngài thinh lặng, bình thản, hiền lành và khiêm nhường trong lòng, mà cũng có khi làm mạnh, thể hiện quyền bính siêu nhiên.

Linh mục cũng phải tập cho quen xin Chúa Thánh Thần xức dầu thiêng liêng cho mình, trước khi chuẩn bị làm một việc gì quan trọng để phục vụ Nước Trời, chẳng hạn để có một quyết định dứt khoát, hoặc khi bổ nhiệm ai, khi viết một tài liệu, chủ tọa một cuộc họp, soạn bài giảng…Nhiều khi chúng ta quá dựa vào sức riêng, mà không dựa vào Chúa Thánh Thần. Điều này khiến cho ta, theo bản tính tự nhiên, có khi lo sợ, chán nản, có khi lại bồng bột, tự phụ. Còn nếu dựa vào Thánh Thần, ta có thể có kinh nghiệm như Chúa Giêsu trong hành vi của Ngài, hành vi đã trở thành gương mẫu như vừa nói trên đây.

4. Chúng ta được xức dầu để làm cho hương thơm của Chúa lan tỏa

Cũng trong thư 2 Corintô, khi nhắc tới thừa tác vụ tông đồ, thánh Phaolô đã khai triển ý nghĩa ẩn dụ của dầu và hương thơm của dầu. Ngài viết: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Kitô, tạ ơn Người là Đấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Kitô, như hương thơm, lan tỏa khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô” (2 Cr 2,14-15).

Linh mục phải là hương thơm của Đức Kitô trong thế gian. Đúng vậy. Nhưng Thánh Tông đồ cũng cảnh giác chúng ta khi Ngài nói tiếp: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành” (2 Cr 4,7). Chúng ta hiểu Phaolô muốn nói gì qua câu trên, vì chắc hẳn đã có kinh nghiệm trong đời sống.

Chúa nói với các Tông đồ: “Anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13). Thực tế được lời Chúa nói đến, ai nấy đều có thể thấy hoặc cảm nghiệm.

Đức Bênêđitô XVI nói: “Thật đáng buồn khi có nhiều trường hợp Giáo hội phải chịu đựng sự bất trung của một số thừa tác viên của mình. Đó là lý do gây gương mù cho thế gian, và khiến nhiều người khước từ Giáo hội”. Nhưng theo Đức Thánh cha, sự kiện ấy cũng có lợi cho Giáo hội. Nó giúp Giáo hội ý thức hơn về những thiệt hại của các nạn nhân, đặc biệt trong những vụ lạm dụng tình dục, để tìm cách sửa chữa. Hơn nũa, nó không chỉ cho thấy sự yếu đuối của con người thừa tác viên, mà nhất là giúp cho thấy sự cao cả của quà tặng Chúa ban, được cụ thể hóa nơi nhiều mục tử quảng đại, nhiệt thành vì Nước Trời.

Nếu có những người không ưa linh mục vì gương mù của các ngài, thì ngược lại, có rất nhiều người yêu mên và kính trọng các ngài. Thánh Phanxicô Assisi chẳng hạn, là một trong số ấy.

Thời của Phanxicô, tình trạng luân lý của giáo sĩ cũng suy đồi và, có thể nói, đáng buồn hơn thời nay nữa. Nhưng ngài vẫn viết trong di chúc: “Chúa đã ban cho tôi, và sẽ còn ban cho tôi, một lòng tin mạnh mẽ nơi các linh mục đang sống theo luật lệ của Giáo hội Rôma, đến nỗi, ngay cả khi các ngài làm khổ tôi, thì dầu vậy tôi vẫn muốn nại tới các ngài. Nếu tôi được khôn ngoan như vua Salomon, và nếu có lúc nào đó tôi gặp những linh mục đáng thương sống trong tội lỗi, tôi không muốn giảng dạy trong giáo xứ của các ngài nếu các ngài không cho phép. Các vị ấy, cũng như tất cả các linh mục khác, tôi đều muốn kính trọng, yêu thương và tôn vinh như các ông chủ của tôi. Tôi không muốn xem xét tội lỗi nơi các ngài, vì chính Con Thiên Chúa mà tôi nhận ra nơi các ngài…Nếu tôi làm thế, chính là vì tôi không thế có gì cảm được trên thế giới này, nếu không phải là Thịt Máu chí thánh của Con Thiên Chúa, mà các linh mục lãnh nhận mỗi ngày, vì là những thừa tác viên duy nhất của bí tích ấy”.

Trong bản văn ở đầu bài suy niệm, Phaolô nói về vinh quang dành cho các thừa tác viên của Giao ước mới trong Thần Khí, cao quý hơn nhiều so với trước. Vinh quang này không từ con người mà đến, và cũng không bị con người hủy diệt. Chắc chắn những linh mục như cha thánh Gioan Maria Vianney đã làm lan tỏa chung quanh mình hương thơm của Đức Kitô, thậm chí đôi khi là hương thơm rất cụ thể, như nhiều người đáng tin cậy đã minh chứng. Do đó mà ngài lôi cuồn được nhiều tín hữu tuốn đến xứ Ars.

Ngoài mẫu gương tuyệt vời của vị thánh được đặt làm bổn mạng các linh mục, chắc hẳn còn rất nhiều vị khác không được biết đến, cũng đang tỏa hương thơm của Chúa và của Phúc âm. Đó là vận may cho nước Chúa và cho Giáo hội.

Cha Lacordaire, một khuôn mặt trí thức của Giáo hội Pháp ở tiền bán thế kỷ XIX, đã phác họa chân dung của một linh mục công giáo. Nhiều người cho là cái nhìn của ngài hơi lạc quan và lý tưởng, nhưng dầu sao chân dung ấy vẫn cần thiết cho thừa tác vụ linh mục. Ngài viết:

“Sống giữa lòng đời mà không ước muốn những lạc thú ở đời; là thành viên của từng gia đình nhưng không thuộc về một gia đình nào ; chia sẻ từng nỗi đau khổ,  chữa lành mọi vết thương ; mỗi ngày đi từ con người đến Thiên Chúa để dâng lên Ngài lòng sùng kính và những lời kinh, rồi từ Thiên Chúa trở về với con người, để đem cho họ sự tha thứ và niềm hy vọng từ Ngài ; có một trái tim thép dành cho đức khiết tịnh và một trái tim thịt dành cho bác ái ; dậy dỗ và tha thứ, an ủi và chúc phúc và được chúc phúc mãi mãi. Ôi, lạy Thiên Chúa, tất cả những cái đó là đời sống nào vậy?  Chính là đời sống của bạn đấy, hỡi người linh mục của Chúa Giêsu Kitô”.

Tôi dùng hình ảnh đẹp đẽ ấy về linh mục, để kết thúc cho bài suy niệm hôm nay.

-----

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ hai Mùa Vọng năm 2009, tại Phủ Giáo hoàng)

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều