KITÔ GIÁO VÀ

CHỦ NGHĨA DUY KHOA HỌC VÔ THẦN

 

1. Những luận đề của chủ nghĩa duy khoa học vô thần

Để hiểu chủ nghĩa duy khoa học vô thần là gì, có thể dựa vào mô tả của Đức Gioan Phaolô trong Thông điệp Fides et Ratio (Đức tin và Lý trí): “Quan niệm triết học này (duy khoa học) không chấp nhận giá trị của những cách nhận thức khác với cách của các khoa học thực chứng, liệt những nhận thức tôn giáo và thần học, cũng như kiến thức luân lý và thẩm mỹ, vào lãnh vực tưởng tượng thuần túy” (số 88).

Chúng ta tóm tắt những luận đề chính của luồng tư tưởng này như sau:

Luận đề 1 : Khoa học, đặc biệt khoa vũ trụ học, vật lý học và sinh vật học, là hình thức duy nhất khách quan và nghiêm túc của nhận thức thực tại. Jacques Monod viết: “Những xã hội ngày nay dựa trên khoa học. Chúng mắc nợ khoa học về của cải, quyền lực, và chắc chắn rằng mai kia con người sẽ có nhiều của cải và quyền lực hơn, nếu họ muốn… Những xã hội của chúng ta đang có mọi quyền hành, của cải, do khoa học mang lại, vẫn cố gắng sống và dạy những hệ thống giá trị đã bị khoa học hủy hoại đến tận gốc rễ”.

Luận đề 2 : Nhận thức của khoa học không tương hợp với đức tin chỉ dựa trên những tiền đề không chứng minh được và cũng không ngụy tạo được. Theo nghĩa này, nhà vô thần chiến đấu Richard Dawkins coi là “mù chữ” những khoa học gia nào nhận mình là tín hữu. Ông quên rằng có nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã tuyên bố và còn tiếp tục tuyên bố mình là tín hữu.

Luận đề 3 : Khoa học đã chứng minh giả thiết có Thiên Chúa là sai, hoặc ít nhất không cần thiết. Quả quyết này đã được các phương tiện truyền thông phổ biến rộng rãi, nhất là sau lời tuyên bố của nhà vật lý thiên văn người Anh Stephen Hawking. Trong cuốn The Grand Design, ông lặp lại những lời tuyên bố trước đây, quả quyết khoa vật lý hiện nay khiến cho niềm tin vào một Đấng Tạo Hóa là thừa : Sự “Sáng tạo tự nhiên” khiến cho có cái gì đó thì hơn là không có gì.

Luận đề 4 : Hầu như tất cả hoặc ít nhất phần đông các nhà khoa học đều vô thần. Đó là quả quyết của chủ nghĩa vô thần khoa học chiến đấu, mà đại biểu là Dawkins, tác giả cuốn God’s Delusion, một người tích cực bảo vệ luận đề này.

Tất cả những luận đề trên đều không đúng, không phải do dựa trên một lý luận tiên thiên hoặc những luận chứng thần học và đức tin, nhưng dựa trên chính phân tích những kết quả của khoa học, hoặc các ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong đó có nhiều vị nổi tiếng, hôm qua cũng như hôm nay. Một người như nhà bác học Max Planck, cha đẻ của thuyết “lượng tử”, quả quyết một vấn đề về khoa học mà nhiều người (Augustinô, Tôma, Pascal, Kierkegard…) đã quả quyết về lý trí: “Khoa học dẫn tới điểm mà vượt ra ngoài điểm ấy thì nó không hướng dẫn được nữa”.

Chúng ta không muốn nói thêm về những luận đề trên. Đã có nhiều khoa học gia và triết gia về khoa học,  sở trường hơn nhiều, đã phản bác chúng. Để dễ hiểu hơn những phản bác này, có thể dùng một thí dụ đơn sơ sau đây:

Có những loài chim như cú mèo chỉ sống về đêm. Mắt chúng được tạo nên để nhìn ban đêm, trong bóng tối. Ánh sáng mặt trời có thể làm cho chúng bị mù. Những con chim này biết thế, nên chỉ di chuyển ban đêm và bay thoải mái. Giả dụ các loài chim có thể nói chuyện với nhau, và một con đại bàng kết thân với cú mèo, nói với cú về mặt trời : mặt trời soi chiếu mọi vật, không có mặt trời thì tất cả chìm trong tăm tối, giá lạnh, ngay cả ban đêm thậm chí không tồn tại nếu không có mặt trời.. Cú mèo nghe xong trả lời: “Dỡn hoài! Có bao giờ tôi thấy mặt trời của anh đâu. Chúng tôi kiếm ăn ban đêm rất tốt, đâu cần mặt trời. Mặt trời của anh chỉ là giả thuyết vô dụng”.

Nhà khoa học vô thần, khi quả quyết không có Thiên Chúa, thì cũng tương tự như vậy. Ông phê phán về một thế giới mà ông không biết, áp dụng những luật lệ của ông cho một đối tượng ở ngoài tầm tay của ông. Để thấy Thiên Chúa, phải nhìn bằng cặp mắt khác, nếu không thì giống như lời Thánh vịnh nói: “Người ngu tự bảo : nào có Chúa đâu!”

2. Nói không với chủ nghĩa duy khoa học, nói có với khoa học

Không chấp nhận chủ nghĩa duy khoa học không có nghĩa là từ chối khoa học, hoặc không tin vào khoa học, cũng như không chấp nhận chủ nghĩa duy lý không có nghĩa là từ chối lý trí. Làm khác đi là làm hại cho đức tin, trước khi làm hại cho khoa học. Lịch sử cho thấy một thái độ như vậy đã đem lại những kết quả ra sao.

Đức Chân phước John Henry Newman đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng ngời vê thái độ cởi mở và xây dựng đối với khoa học. Sau khi tác phẩm của Darwin về sự tiến hóa các chủng loại được phát hành, không hiếm các bậc trí giả tỏ ra hoang mang, bối rối, nhưng ngài thì không. Ngài đã đưa ra một một nhận xét còn đi trước phán đoán hiện nay của Giáo hội : lý thuyết đó không tương hợp với đức tin Thánh kinh. Chúng ta hãy đọc lại một vài đoạn trong lá thư ngài gửi cho kinh sĩ J. Walker, lá thư mà phần lớn vẫn còn giá trị: “Lý thuyết này (của Darwin) không làm tôi lo ngại…Đối với tôi, dường như nó không có nghĩa là người ta phủ nhận sự sáng tạo, vì Đấng Tạo Hóa, trước đây hàng triệu năm, đã ban bố những luật lệ cho vật chất. Chúng ta không thể phủ nhận hoặc giới hạn Đấng Tạo Hóa, vì Ngài đã tạo dựng tinh thần con người, được phú ban gần như một thiên tài sáng tạo. Chúng ta không phủ nhận hoặc giới hạn Đấng Tạo Hóa, càng không giới hạn quyền năng của Ngài, nếu thấy Ngài đã ban bố những luật lệ cho vật chất, chính những luật này, do tính chất mù quáng của nó, đã có thể làm ra và xây dựng, trải qua biết bao đời, một thế giới như chúng ta đang thấy. Vậy lý thuyết của ông Darwin không cần phải là vô thần, dù đúng hay sai. Nó chỉ có thể gợi ra một ý tưởng lớn hơn về sự Tiền thức và Khả năng của Thiên Chúa. Thoạt nhìn, tôi không thấy sự tiến hóa tình cờ của các hữu thể vật chất là không tương hợp với ý định của Thiên Chúa. Nó tình cờ đối với ta, chứ không tình cờ đối với Thiên Chúa”.

Đức tin mạnh mẽ giúp cho Newman được thanh thản xem xét các khám phá khoa học, trong hiện tại hoặc tương lai. Ngài thấy trong những khám phá này một “mối liên hệ gián tiếp với những ý kiến tôn giáo”. Một ví dụ về mối liên hệ này : trong những năm Darwin đưa ra lý thuyết tiến hóa các chủng loại, thì về phần ngài, ngài công bố giáo thuyết của mình về “sự phát triển của học thuyết Kitô giáo”. Nhấn mạnh tính chất loại suy giữa trật tự tự nhiên, vật lý, và trật tự luân lý, ngài viết: “Cũng như Đấng Tạo Hóa nghỉ ngơi ngày thứ bẩy, khi công trình đã hoàn tất, tuy thế Ngài ‘vẫn còn làm việc’, cũng vậy, Ngài đã vĩnh viễn trao ban Kinh Tin kính ngay từ khởi thủy, tuy vậy Ngài vẫn cổ võ cho nó phát triển và làm cho nó nới rộng thêm”.

Giáo hội Công giáo diễn tả cụ thể thái độ mới và tích cực của mình đối với khoa học là thiết lập Hàn lâm viện giáo hoàng về khoa học, ở đó, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, có niềm tin hay không, gặp gỡ nhau, tự do tranh luận về những vấn đề đem lại lợi ích chung cho khoa học và đức tin.

3. Con người cho vũ trụ hay vũ trụ cho con người?

Ở đây, chúng ta không có ý đưa ra một phê bình tổng quát về chủ nghĩa duy khoa học, nhưng muốn nhấn mạnh một khía cạnh đặc biệt của chủ nghĩa này, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp và có tính quyết định cho việc Phúc âm hóa : vấn đề chỗ đứng của con người trong nhãn quan của chủ nghĩa khoa học vô thần.

Chúng ta thấy có sự cạnh tranh giữa các nhà khoa học vô tín, nhất là giữa các nhà sinh vật học và vũ trụ học, xem ai là người sẽ đi xa nhất khi quả quyết về tính chất bên lề và vô nghĩa của con người trong vũ trụ và trong đời sống. Monod viết: “Liên minh cũ đã bị cắt đứt. Cuối cùng thì con người biết rằng nó chỉ có một mình trong sự bao la thờ ơ của vũ trụ, mà từ đó nó tình cờ trồi lên. Vận mệnh của nó, bổn phận của nó không được viết ra ở bất cứ nơi nào”. Một tác giả khác viết: “Tôi luôn nghĩ rằng mình vô nghĩa trước mắt mọi người. Khi biết các chiều kích của vũ trụ, tôi chỉ có thể biết mình thực sự là như thế ở điểm nào. Chúng ta chỉ là một chút bùn trên hành tinh thuộc thái dương hệ”.

Blaise Pascal đã bác bỏ luận đề này trước. Ông dùng một luận chứng vẫn còn có giá trị tới hôm nay: “Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng đó là cây sậy biết suy nghĩ. Đừng để cho cả vũ trụ võ trang đè bẹp nó. Một chút hơi bốc hay một giọt nước cũng đủ giết chết nó. Nhưng khi bị vũ trụ đè bẹp, con người vẫn cao quý hơn cái đè bẹp mình, vì con người biết mình chết, và biết mối lợi mà vũ trụ có về nó. Còn vũ trụ lại không biết gì về điều đó cả”.

Theo nhãn quan duy khoa học về thực tại, cả con người lẫn Đức Kitô không còn là trung tâm vũ trụ. Điều này đem lại những hệ quả cụ thể trong văn hóa và não trạng của con người. Nhiều người tỏ ra thái quá trong chính sách bảo vệ môi trường, với khuynh hướng đặt quyền lợi của thú vật, thậm chí của cây cối, ngang hàng với quyền lợi của con người. Nhiều thú vật được nuôi dưỡng và đối đãi tốt hơn hàng triệu con người. Ảnh hưởng này cũng ghi dấu trong lãnh vực tôn giáo. Có những hình thức mang tính tôn giáo được nhiều người thực hiện, trong đó sự tiếp xúc và hài hòa với những năng lực của vũ trụ thay thế cho sự tiếp xúc với Thiên Chúa, để mong được cứu độ. Điều Phaolô nói về Thiên Chúa: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28), thì ở đây người ta áp dụng cho vũ trụ vật chất.

Xét theo một vài khía cạnh thì đây là sự trở lại của nhãn quan tiền-Kitô giáo, theo lược đồ Thiên Chúa-vũ trụ-con người, trong khi đó lược đồ của Kinh thánh và Kitô giáo là Thiên Chúa-con người-vũ trụ. Vũ trụ là cho con người, chứ không phải con người cho vũ trụ. Một trong những điều triết gia ngoại giáo Celsô mạnh mẽ chống lại người Do thái và người Kitô hữu, là quả quyết rằng “Có một Thiên Chúa, rồi sau đó là chúng ta, vì chúng ta được Ngài tạo dựng, giống Ngài như đúc. Mọi sự tùy thuộc vào chúng ta : đất, nước, không khí, các vì sao, mọi sự được tạo dựng cho chúng ta, và được sắp xếp để phục vụ chúng ta”.

Tuy vậy, vẫn có sự khác biệt sâu xa. Theo tư tưởng cổ thời, nhất là tư tưởng Hy lạp, con người dù tùy thuộc vào vũ trụ, vẫn có một phẩm giá cao quý, còn ở đây, ngược lại, dường như người ta muốn hạ giá con người, không muốn nó tự phụ đứng trên mọi loài khác trong thiên nhiên. Phải coi đây là một hình thức phản nhân bản, thậm chí một hình thức vô thần mất đi tính chất nhân bản, tệ hơn thuyết nhân bản vô thần nữa.

Hãy nhìn lại nhãn quan Kitô giáo. Celsô đã không lầm khi cho rằng nhãn quan này phát xuất từ sách Sáng thế, theo đó con người được tạo dựng “theo hình ảnh và giống Thiên Chúa” (St 1,26). Nhãn quan Thánh kinh được diễn tả đẹp đẽ nhất trong Thánh vịnh 8: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm. Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân”.

Việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa hàm chứa những điều, xét theo một số mặt, làm đảo lộn quan niệm về con người. Tất cả dựa trên mạc khải về Ba Ngôi. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có nghĩa là con người được tham dự vào yếu tính của Thiên Chúa. Yếu tính này là tương quan tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dĩ nhiên, giữa Thiên Chúa và con người có một vực thẳm, nhưng nhờ ân sủng, vực thẳm này đã được bồi lấp, đến độ nó không còn sâu bằng vực thẳm giữa con người và các thụ tạo khác.

Quả thực, chỉ có con người, với tư cách là ngôi vị có thể có những tương quan, mới tham dự vào chiều kích ngôi vị và tương quan của Thiên Chúa. Có nghĩa là : Ở cấp độ bất thụ tạo, Ba Ngôi trong yếu tính của mình như thế nào, thì ở cấp thụ tạo, con người trong yếu tính của mình như thế ấy. Ngôi vị thụ tạo là nhân vị, vì có khả năng đón nhận tương quan mà Thiên Chúa muốn thiết lập với nó, đồng thời nó có thể sản sinh ra những tương quan với các nhân vị khác và với thế giới.

4. Sức mạnh của chân lý

Làm sao có thể trình bầy nhãn quan Kitô giáo về mối liên hệ giữa con người và vũ trụ, trong việc Phúc âm hóa? Khi tóm lược tư tưởng của thầy mình, một môn đồ của Dionysiô Areopagô đã xướng lên chân lý này: “Không nên bác bỏ ý kiến của người khác, cũng không nên viết điều gì chống lại ý kiến hay một tôn giáo xem ra không tốt. Người ta chỉ phải viết để ủng hộ chân lý và không chống những người khác”.

Không thể gán cho nguyên tắc này một ý nghĩa tuyệt đối, nhưng đúng là trình bầy chân lý theo cách tích cực thì thường hữu hiệu hơn là bác bỏ sự sai lầm ngược lại. Cần biết đến tiêu chuẩn này trong việc Phúc âm hóa, đặc biệt trước ba vật cản là chủ nghĩa duy khoa học, chủ nghĩa duy tục và chủ nghĩa duy lý. Cần trình bầy nhãn quan Kitô giáo cách bình thản, dựa vào sức mạnh nội tại của nó, kèm thêm một sự xác tín sâu xa. Chúng ta làm việc này theo lời khuyên của thánh Phêrô, là “với sự hiền hòa và kính trọng” (1 Pr 3,16). Được như vậy thì có hiệu quả hơn là dùng bút chiến chống lại.

Cách diễn tả tốt nhất về phẩm giá và ơn gọi của con người trong nhãn quan Kitô giáo được cô đọng trong giáo lý về sự thần hóa con người. Giáo lý này không có tầm quan trong như nhau trong Giáo hội Chính thống và trong Giáo hội La tinh. Các Giáo phụ Hy lạp coi việc thần hóa là nền tảng của linh đạo, trong khi thần học la tinh ít nhấn mạnh hơn. Theo Từ điển về Tu đức (Dictonnaire de Spiritualité), mục tiêu của đời sống mà các Kitô hữu Hy lạp nhắm đến là được thần hóa, còn mục tiêu mà các Kitô hữu Tây phương theo đuổi là thủ đắc sự thánh thiện…Ngôi Lời đã trở nên người phàm, theo người Hy lạp, là để làm cho con người giống với Thiên Chúa, điều mà tội Ađam đã làm mất đi, để thần hóa nó. Còn theo người La tinh, Ngôi Lời đã trở nên người phàm để cứu chuộc nhân loại…một món nợ phải trả chiếu theo sự công chính của Thiên Chúa. Để đơn giản hóa tối đa, có thể nói thần học La tinh, theo chân Augustinô, nhấn mạnh hơn việc Đức Kitô đến để xóa bỏ tội lỗi. Còn thần học Hy lạp nhấn mạnh hơn điều Ngài đem đến cho con người : hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần và sự sống thần linh.

Không nên quá nhấn mạnh sự đối chọi này, như một số tác giả Chính thống giáo đã làm. Linh đạo La tinh đôi khi cũng diễn tả lý tưởng này, cho dù không dùng chữ thần hóa xa lạ với Kinh thánh. Trong Giờ Kinh Sách Lễ Giáng sinh, chúng ta nghe lại lời của thánh Lêô Cả nói lên chính nhãn quan này về ơn gọi của người Kitô hữu: “Hỡi các Kitô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính của Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hóa qua việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua. Bạn hãy nhớ ai là đầu của bạn, và bạn là chi thể của thân mình nào”.

Đáng buồn là có vài tác giả Chính thống giáo vẫn còn sống trong bầu khí bút chiến của thế kỷ XIV giữa Grêgoriô Palamas và Barlaam, và dường như không biết đến truyền thống thần bí của Giáo hội La tinh. Giáo thuyết của thánh Gioan Thánh giá chẳng hạn, theo đó người Kitô hữu được Đức Kitô cứu chuộc và trở thành con trong người Con, được dìm trong dòng chảy những hoạt động của Ba Ngôi, và tham dự vào đời sống thân mật của Thiên Chúa, giáo thuyết ấy không kém giáo thuyết về thần hóa, cho dù được diễn tả cách khác. Giáo thuyết về những ơn hiểu biết và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, rất quen thuộc với thánh Bonaventura và với những tác giả thời Trung cổ, được cũng gợi hứng đó làm cho sống động.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, về điểm này, linh đạo Chính thống giáo có điều gì đó để dạy cho phần còn lại của Kitô giáo, cho thần học thệ phản, cho thần học công giáo. Nếu có gì thật sự đối nghịch với nhãn quan Chính thống giáo về người Kitô hữu được ân sủng thần hóa, thì đó là quan niệm của Thệ phản, đặc biệt của phái Luthêrô, về sự công chính hóa ngoại tại và pháp lý, theo đó người được cứu chuộc “vừa nên công chính vừa là tội nhân” (iustus simul peccator), tội nhân nơi mình, công chính trước mặt Thiên Chúa.

Đặc biệt người ta có thể học với Đông phương điều này : không dành lý tưởng cao sang của đời sống Kitô giáo cho một nhóm ưu tú được kêu gọi đi theo những con đường của thần bí, nhưng là dành cho mọi người được rửa tội, biến nó thành đối tượng của huấn giáo cho dân chúng, đối tượng của việc đào tạo tôn giáo trong các chủng viện và tập viện. Trước thắc mắc của một môn sinh về mục đích tối hậu của đời sống Kitô giáo, thánh Sêraphim Sarov của Chính thống giáo không lưỡng lự nói ngay: “Mục đích thật sự của đời sống Kitô giáo là thủ đắc Chúa Thánh Thần, còn kinh nguyện, chay tịnh, canh thức, bố thí và mọi hoạt động khác của con người nhân danh Đức Kitô, chỉ là những phương thế để thủ đắc Chúa Thánh Thần”.

5. “Nhờ Người vạn vật được tạo thành”

Giáng sinh là cơ hội rất tốt để trình bầy lại, cho chính chúng ta và những người khác, di sản chung lý tưởng này của Kitô giáo. Từ sự nhập thể của Ngôi Lời, Giáo hội Hy lạp thấy sự thần hóa là điều có thể. Thánh Athanasiô không ngừng lặp lại rằng : Ngôi Lời đã trở nên người phàm, để chúng ta có thể được thần hóa”. Còn Grêgoriô Nazianzê thì viết: “Người đã nhập thể và con người trở thành Thiên Chúa vì được kết hợp với Thiên Chúa”. Với Đức Kitô, con người, “hình ảnh của Thiên Chúa”, một hình ảnh làm cho họ đứng trên các thụ tạo khác, được phục hồi và được vào lại trong ánh sáng.

Như chúng ta đã thấy, tính chất bên lề của con người lôi kéo theo tính chất bên lề của Đức Kitô, trong vũ trụ và trong lịch sử. Cũng về phương diện này, Giáng sinh là phản đề triệt để nhất của nhãn quan duy khoa học. Trong dịp lễ  Giáng sinh, chúng ta được nghe lời công bố long trọng: “Nhờ Người vạn vật được tạo thành” (Ga 1,3), “Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Giáo hội đã đưa ý tưởng trên đây vào trong Kinh Tin kinh: “Per quem omnia facta sunt”.

Trong khi đó thì chung quanh chúng ta, người ta chỉ biết lặp lại : Thế giới tự biện giải về mình, không cần giả thiết có Đấng Tạo Hóa, hoặc : Chúng ta chỉ là kết quả của tình cờ và bắt buộc (le hasard et la nécessité). Lời như trên có thể gây đụng chạm, nhưng một sự hoán cải và niềm tin thoát thai từ sự đụng chạm này lại dễ hơn là từ một luận chứng hộ giáo dài dòng. Vấn đề quan trọng là : liệu chúng ta, những người đang khao khát tái Phúc âm hóa thế giới, có khả năng làm nẩy nở đức tin trước những khó khăn này không ? Chúng ta có thực sự hết lòng tin rằng “mọi sự đã được tạo thành nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô” chăng ?

Trong cuốn “Dẫn nhập Kitô giáo” (1968), tác giả J. Ratzinger viết như sau: “Mục thứ hai của Kinh Tin kính cho ta thấy cớ vấp phạm thực sự của kitô giáo. Chúng ta tuyên xưng con người Giêsu, một con người đã bị xử tử khoảng năm 30 ở Palestina, là Đấng Kitô (Đấng được xức dầu, được tuyển chọn) của Thiên Chúa, hơn thế nữa, là chính Con Thiên Chúa, và như vậy là trung tâm và nền tảng quyết định của tất cả lịch sử nhân loại. Phải chăng chúng ta thực sự có quyền bám vào một mầm mống yếu ớt của một biến cố lịch sử độc nhất ? Phải chăng chúng ta có thể liều mình để cho tất cả cuộc đời của ta, thậm chí tất cả lịch sử, tùy thuộc vào một cọng rơm của một biến cố tầm thường trôi nổi trên đại dương bao la của lịch sử?”

Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này không chút lưỡng lự. Đúng vậy. Đó là nguồn mạch giải thoát và hân hoan, không phải vì sức lực riêng của chúng ta, nhưng nhờ hồng ân vô giá của đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận, và vì đó, chúng ta cảm tạ Chúa đến muôn thuở muôn đời.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ nhất Mùa Vọng năm 2010, tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều