MỘT TÌNH YÊU HOẠT ĐỘNG

 

1. Thực hành bác ái

Theo thánh Gioan, tình yêu phải là một tình yêu hoạt động: “Nếu ai có của cải thế gian, và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở lại trong người ấy được ? Hỡi anh em là những người bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,17-18).

Chúng ta thấy cùng một giáo huấn như vậy, tuy bóng bẩy hơn, trong thư thánh Giacôbê: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì?” (Gc 2,15-16).

Trong cộng đồng sơ khai ở Giêrusalem, đòi hỏi này biểu lộ qua việc chia sẻ. Người ta bảo những Kitô hữu đầu tiên đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 2,45). Đây không phải là lý tưởng nghèo khó, nhưng là lý tưởng bác ái thúc đẩy họ hành động như thế. Mục đích không phải để mọi người trở nên nghèo, những để mỗi người trong họ “không ai phải thiếu thốn” (Cv 4,34).

Sự cần thiết phải biểu lộ tình yêu bằng những cử chỉ cụ thể cũng không xa lạ gì với Phaolô, người nhấn mạnh về tình yêu phát xuất tự đáy lòng. Bằng chứng là ngài cho thấy những cuộc lạc quyên giúp người nghèo quan trọng như thế nào, và dành hai chương trong thư thứ hai Corintô để nói về vấn đề này (x. 2 Cr 8-9).

Về điểm này, Giáo hội thời tông đồ chỉ gom góp giáo huấn và gương mẫu của Thày Giêsu. Lòng trắc ẩn của Chúa đối với người nghèo, người bệnh, người đói khát không bao giờ chỉ là một tình cảm trống rỗng, nhưng luôn biểu lộ qua một hình thức giúp đỡ cụ thể. Ngài tuyên bố Thiên Chúa sẽ dựa vào những cử chỉ bác ái cụ thể này mà xét xử người ta trong ngày chung thẩm (x. Mt 25).

Theo các tác giả viết lịch sử Giáo hội, một trong những nhân tố chính của “Việc truyền giáo và sự bành trướng của Kitô giáo trong ba thế kỷ đầu” (A. Von Harnack) là ở trong tinh thần liên đới huynh đệ giữa các Kitô hữu. Có những sáng kiến bác ái – và sau này là những tổ chức – nhằm đạt được kết quả này, chẳng hạn chăm sóc bệnh nhân, nâng đỡ cô nhi quả phụ, giúp đỡ tù nhân, mở quán ăn cho người nghèo, tiếp đón kiều cư…

2. Vấn đề xã hội xuất hiện

Thời kỳ hiện đại, đặc biệt từ thế kỷ XIX, đánh dấu một bước ngoặt, khi vấn đề xã hội được đặt ra. Trước đây, người ta chỉ đáp ứng từng trường hợp nhu cầu của những người nghèo đói, bị ức hiếp, chịu cảnh bất công. Nhưng như thế là không đủ. Đã đến lúc phải gây ảnh hưởng trên cơ cấu đã tạo ra những người nghèo đói, bị ức hiếp, chịu cảnh bất công đó. Một “sân chơi” mới mở ra cho Giáo hội, dành cho “Những sự việc mới”, như tựa đề của Thông điệp đầu tiên về xã hội (Rerum Novarum, Tân Sự) của Đức Lêô XIII, ban hành ngày 15/5/1891. Cùng với Thông điệp này, Giáo hội đi vào cuộc tranh luận với tư cách vai chính.

“Thông điệp Rerum Novarum trên hết là sự chân thành bênh vực phẩm giá bất khả nhượng của người lao động, đi kèm với một quyền hết sức quan trọng là quyền tư hữu, với nguyên tắc cộng tác giữa các giai cấp lao động, các quyền của người nghèo nàn và yếu kém, các bổn phận của thợ và chủ, cùng với quyền thành lập hiệp hội. Hướng đi của các tư tưởng trình bày trong Thông điệp là hướng đi nhằm tăng cường sự cam kết của Giáo hội muốn làm cho đời sống xã hội của người Kitô hữu có thêm sinh lực, được biểu lộ qua việc khai sinh và củng cố nhiều sáng kiến có ảnh hưởng lớn trên đời sống dân sự” (Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, 2004, số 268).

Tiếp theo đường hướng do Thông điệp Tân Sự đề ra, các Đức Giáo hoàng của thế kỷ XX và XXI cũng ít nhiều nói đến vấn đề xã hội, hoặc bằng những văn kiện riêng, hoặc qua những phát biểu hay tài liệu vắn.

Chúng ta không đi sâu vào nội dung những văn kiện xã hội trên, nhưng chỉ muốn làm sáng tỏ bối cảnh lịch sử và thần học (Sitz im Leben) thúc đẩy Huấn quyền đưa ra hình thức mới mẻ này. Nói khác đi, làm cách nào và tại sao các Đức Giáo hoàng bắt đầu viết những thông điệp xã hội và thường xuyên đặt vấn đề về nó. Điều này có thể giúp ta khám phá ra nét mới mẻ của Phúc âm và của bác ái Kitô giáo. Thánh Grêgoriô Cả nói rằng: “Kinh thánh tiến triển cùng với người đọc” (Scriptura cum legentibus crescit), nghĩa là Kinh thánh luôn mạc khải những ý nghĩa mới tùy theo những vấn đề được đặt ra, và điều này thì đặc biệt đúng trong bối cảnh hiện nay.

Chúng ta chỉ đưa ra những nhận xét tổng quát, theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”. Tuy vậy, những tổng hợp và tóm lược cũng có ích, nhất là khi vì bận bịu, rất nhiều người không có thời giờ đào sâu vấn đề.

Lúc Đức Lêô XIII viết Thông điệp Tân Sự cũng là lúc người ta thấy có ba định hướng về ý nghĩa xã hội của Phúc âm. Trước hết là cách giải thích của chủ nghĩa xã hội và mác xít. K. Marx không tiếp cận Kitô giáo từ quan điểm xã hội, nhưng một số môn đệ trực tiếp của ông (Engels trên bình diện ý thức hệ và Kautsky trên bình diện lịch sử) bàn giải vấn đề, trong khung cảnh tìm kiếm “những người đi tiên phong của chủ nghĩa xã hội hiện đại”.

Họ đi đến kết luận như sau : Phúc âm chủ yếu là lời loan báo vĩ đại có tính xã hội gửi đến người nghèo. Còn những gì khác, cũng như vỏ ngoài tôn giáo của nó, chỉ là thứ yếu, như một thứ “thượng tầng kiến trúc”. Đức Giêsu là một nhà canh tân xã hội vĩ đại, muốn giải thoát các giai cấp khỏi cảnh lầm than. Chương trình của Ngài nhằm giúp cho mọi người được bình đẳng, giải phóng  khỏi cảnh nghèo nàn về kinh tế. Hình thức cộng sản của cộng đồng Kitô giáo sơ khai chính là một chủ nghĩa cộng sản ante litteram (trước khi có chữ này), quá đơn giản, chưa có tính khoa học. Một thứ cộng sản trong tiêu thụ, chưa phải trong sản xuất của cải.

Sau đó, sử gia của chế độ sô viết hủy bỏ cách giải thích này, mà theo họ là quá nhượng bộ Kitô giáo. Trong những năm 60 của thế kỷ vừa qua, cách giải thích theo hướng cách mạng tái xuất hiện, và lần này dưới góc độ chính trị, coi Đức Giêsu như một thủ lãnh của phong trào giải phóng thuộc nhóm “nhiệt thành”, tiếc rằng cuộc đời cùa Ngài lại quá vắn vỏi.

Về phần F. Nietzsche, ông cũng đi đến một kết luận tương tự với chủ nghĩa mác xít, nhưng với một chủ ý hoàn toàn khác. Theo ông, Kitô giáo xuất hiện như một phong trào trả thù của các giai cấp thấp, nhưng bị đánh giá hoàn toàn tiêu cực. Phúc âm là hiện thân sự “oán hận” của kẻ yếu chống lại người mạnh. Như vậy là “đảo ngược mọi giá trị”, gây trở ngại cho đà tiến của con người hướng tới sự vĩ đại. Mọi điều Đức Giêsu dự định làm, khi đương đầu với sự lầm than của con người, là phổ biến “Nước Trời” trên thế gian.

Hai trường phái trên giống nhau trong cách nhìn, nhưng đối lập nhau trong phán đoán đưa ra.

Thêm vào đó, còn có trường phái thứ ba, tạm gọi là “bảo thủ”. Theo trường phái này, Đức Giêsu hoàn toàn không quan tâm tới những vấn đề xã hội và kinh tế. Gán cho Ngài những mối quan tâm này là làm giảm giá trị của Ngài. Ngài vay mượn những hình ảnh của thế giới lao động, có để ý đến những người bất hạnh, nghèo khổ, nhưng không bao giờ tìm cách cải thiện điều kiện sống của con người ở trần gian này.

3. Suy tư thần học : thần học tự do và biện chứng

Trên đây là những ý tưởng nổi bật, lúc thần học Kitô giáo vào cuộc. Suy tư của thần học này cũng diễn tiến theo ba giai đoạn, và đưa ra ba định hướng : định hướng của thần học tự do, định hướng của thần học biện chứng, và định hướng của thần học Công giáo.

Lên tiếng đầu tiên là thần học tự do, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mà đại biểu sáng giá nhất là Ernst Troeltsch và Adolph von Harnack. Tưởng cũng nên biết qua một chút tư tưởng của trường phái này. Quả thực, nhiều kết luận của trường phái này cũng là những kết luận của Huấn quyền Giáo hội, tuy Huấn quyền suy tư cách khác. Chúng luôn mang tính thời sự và dễ được chia sẻ.

Troeltsch phản đối khởi điểm của cách giải thích mác xít, theo đó yếu tố tôn giáo luôn là thứ yếu so với yếu tố kinh tế, coi tôn giáo chỉ như một thượng tầng kiến trúc. Qua nghiên cứu đạo đức học thệ phản và khởi đầu của chủ nghĩa tư bản, ông chứng minh rằng nếu yếu tố kinh tế ảnh hưởng trên yếu tố tôn giáo, thì yếu tố tôn giáo cũng ảnh hưởng trên yếu tố kinh tế. Đây là hai lãnh vực tách biệt nhau chứ không tùy thuộc nhau.

Còn Harnack thì cho rằng Phúc âm không đề ra một chương trình xã hội nhằm đả phá và hủy bỏ sự nghèo đói,  không phê phán tổ chức lao động và những khía cạnh khác của đời sống, như nghệ thuật và khoa học, những khía cạnh quan trọng đối với chúng ta hôm nay. May mắn đúng là như vậy. Thật bất hạnh nếu không là như vậy, nếu Phúc âm nêu ra những quy tắc về mối tương quan giữa các giai cấp, về những điều kiện lao động… Nói cho cụ thể, những quy tắc này không thể không liên kết với những điều kiện của thế giới lúc đó (như đã xẩy ra cho nhiều định chế và quy tắc xã hội trong Cựu ước), và như vậy sẽ gây trở ngại cho Phúc âm. Lịch sử chứng minh, nếu Giáo hội gắn chặt với những tổ chức xã hội và những thể chế chính trị của một thời kỳ, thì nguy hiểm như thế nào, và không dễ thoát ra khỏi sự ràng buộc đó.

Tuy nhiên, vẫn theo Harnack, không có tôn giáo nào xuất hiện với một ngôn từ xã hội mạnh mẽ bằng tôn giáo Phúc âm. Tại sao vậy? Vì những lời dạy như “hãy yêu tha nhân như chính mình” rất đáng quan tâm, và vì qua những lời này, Đức Giêsu đã cho thấy rõ tất cả thực tại của đời sống, tất cả thế giới đói kém và lầm than…Ngài muốn thay thế chủ nghĩa xã hội dựa trên những lợi ích đối chọi nhau bằng một chủ nghĩa xã hội dựa trên ý thức về một sự hợp nhất tinh thần…Quy tắc “trò chơi tự do của các sức mạnh”, “sống và để người khác sống – hoặc đúng hơn: sống và để người khác chết – tuy có vẻ hợp lý, nhưng rõ ràng ngược lại với Phúc âm.

Như vậy, quan điểm của Phúc âm chống lại cả quan điểm của chủ nghĩa mác xít, lẫn quan điểm của chủ nghĩa tự do kinh tế. Harnack đôi lúc có những phấn khởi nên viết: “Một cảnh tượng mới cho thế giới. Cho tới lúc này, tôn giáo hoặc chiều theo những sự việc của thế giới, thích nghi dễ dàng với hiện trạng, hoặc sống trên mây, trực tiếp đối đầu với mọi thứ. Còn bây giờ, tôn giáo có một bổn phận mới phải chu toàn : làm nhẹ bớt những cảnh lầm than và thiếu thốn đủ loại; can đảm ngửa mặt lên trời nhờ có đức tin; làm việc bằng tấm lòng, đôi tay và tiếng nói cho các anh em trên mặt đất này”.

Trên đây là quan điểm của thần học tự do trước Thế chiến I. Quan điểm này bị thần học biện chứng đến sau phản bác, đặc biệt ở khởi điểm là ý tưởng về Nước Trời. Theo nhóm tự do, Nước Trời có bản chất chủ yếu đạo đức, một lý tưởng đạo đức cao cả, có nền tảng là phụ tính của Thiên Chúa và giá trị vô biên của mỗi tâm hồn. Nhưng đối với các nhà thần học biện chứng (K. Barth, R. Bultmann, M. Dibelius…), Nước Trời có bản chất cánh chung. Đây là một sự can thiệp tuyệt vời và nhưng không của Thiên Chúa. Ngài không dự tính thay đổi thế giới cho bằng tố giác tổ chức hiện nay của nó, loan báo ngày tận thế đã đến gần, và kêu gọi người ta hoán cải.

Tính chất thời sự của Phúc âm nằm trong sự kiện này, là : Những gì được yêu cầu, không phải được yêu cầu cách chung chung, bởi mọi người và cho mọi thời, nhưng bởi con người này và cho lúc này. Và điều được yêu cầu không dựa trên nền tảng của một nguyên tắc đạo đức, nhưng do tình huống quyết định, tình huống mà Thiên Chúa dành cho người đó, ở đây và lúc này. Ảnh hưởng của Phúc âm trên vấn đề xã hội đi qua cá nhân, chứ không qua cộng đồng hay thể chế Giáo hội.

Tình huống chất vấn người tin vào Đức Giêsu Kitô hôm nay là tình huống do cuộc cách mạng kỹ nghệ tạo ra, với những thay đổi về nhịp độ sinh sống và làm việc, với sự miệt thị con người là hậu quả của cuộc cách mạng đó. Trước tình huống này, không có giải pháp Kitô giáo nào cho sẵn. Mỗi người tín hữu phải tự trả lời theo trách nhiệm của mình, vâng phục lời Thiên Chúa mời gọi trong tình huống cụ thể của họ, cho dù họ thấy có tiêu chuẩn căn bản trong luật yêu thương tha nhân. Họ không nên bi quan và nhẫn nhục trước các tình huống, những cũng không ảo tưởng về sự thay đổi của thế giới.

Xét như vậy, phải chăng còn có thể nói Phúc âm có tầm quan trọng về phương diện xã hội? Có thể lắm, nhưng quan trọng ở phương pháp chứ không phải nội dung. Phúc âm đem lại cho ta một phương pháp, một sự thúc đẩy, để có một thái độ đúng đắn, một hành động Kitô giáo đúng đắn, không hơn.

4. Học thuyết xã hội của Giáo hội

Xưa nay, học thuyết xã hội của Giáo hội luôn tìm cách tổng hợp hơn là đối chọi, sử dụng phương pháp “và…và” (et…et), chứ không “hoặc…hoặc” (aut…aut). Giáo hội duy trì hai cách soi sáng của Phúc âm : soi sáng về phương diện cánh chung và soi sáng về phương diện luân lý. Nói cách khác, Giáo hội đồng thuận với thần học biện chứng khi cho rằng Nước Thiên Chúa do Đức Kitô rao giảng không có bản chất chủ yếu luân lý, nhưng là một sáng kiến mới mẻ và nhưng không của Thiên Chúa. Nhưng Giáo hội không theo nhãn quan biện chứng trong quan niệm về tương quan giữa Nước Thiên Chúa và thế gian. Hai thực tại này không đối nghịch nhau, cũng như không có đối nghịch giữa công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc, không có đối nghịch giữa agapeeros. Đức Giêsu đã so sánh Nước Thiên Chúa với men trong bột để làm cho bột dậy men, với hạt giống rơi xuống đất, với muối tạo hương vị cho thức ăn. Ngài nói không đến để xét xử, nhưng để cứu thế gian. Điều này cho phép ta nhìn ảnh hưởng của Phúc âm trong đời sống xã hội qua một cách soi sáng khác và tích cực hơn nhiều.

Cho dù cách trình bầy vấn đề có khác nhau, chúng ta vẫn có thể rút ra một số kết luận từ những suy tư thần học về mối tương quan giữa Phúc âm và đời sống xã hội. Có thể tóm tắt như sau : Phúc âm không đưa ra giải pháp trực tiếp cho những vấn đề xã hội (may mà Phúc âm không làm chuyện đó!), nhưng chứa đựng những nguyên tắc hữu ích giúp người ta có thể hình thành những câu trả lời cụ thể cho từng tình huống. Vì những tình huống và các vấn đề xã hội thay đổi theo từng thời kỳ, người Kitô hữu được kêu gọi áp dụng những nguyên tắc Phúc âm vào tình huống lúc ấy.

Các Thông điệp xã hội của các Đức Giáo hoàng góp phần ở điểm này : vừa xác định lại những nguyên tắc của các văn kiện trước, vừa đưa ra ánh sáng những gì các văn kiện trước còn để lại, nhằm phục vụ cho những nhu cầu mới của một xã hội mới. Sự khác nhau giữa các văn kiện không chỉ trong những vấn đề được nói đến hay nhấn mạnh, trong những giải pháp đề nghị, mà còn trong những cách thức và thẩm quyền đưa ra : từ chỗ tự do tranh luận thần học đến huấn quyền, từ sự can thiệp hoàn toàn mang tính cá nhân (như đề nghị của thần học biện chứng) đến sự can thiệp mang tính cộng đồng, với tư cách Giáo hội chứ không với tư cách những cá nhân.

5. Vai trò của chúng ta

Chúng ta kết luận bằng một chủ đề thực tế chất vấn mọi người, cho dù có nhiều người không trực tiếp làm việc về vấn đề xã hội.

Chúng ta đã thấy Nietzsche nghĩ thế nào về tầm quan trọng xã hội của Phúc âm. Theo ông, Phúc âm thực sự là kết quả của một cuộc cách mạng, nhưng là cách mạng theo nghĩa tiêu cực, một sự thoái bộ so với văn minh Hy lạp. Đó là sự trả thù của kẻ yếu đối với người mạnh. Phúc âm ưu tiên dành cho sự phục vụ hơn là thống trị, thích mình nhỏ bé hơn là nổi bật lên, khát vọng những sự việc lớn.

Điều Nietzsche tố cáo liên hệ đến một trong những quà tặng đẹp đẽ nhất mà Kitô giáo đem đến cho thế giới. Quà tặng đó là sự phục vụ, một trong những nguyên tắc có ảnh hưởng lớn nhất và tốt nhất của Phúc âm. Không phải vô lý và vô ích mà nguyên tắc này có một chỗ đứng quan trọng trong học thuyết xã hội của Giáo hội. Đức Giêsu đã biến sự phục vụ thành một trong những cột trụ trong giáo huấn của Ngài (Lc 22,35). Ngài quả quyết mình đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ (Mc 10,45).

Phục vụ là một nguyên tắc phổ quát, được áp dụng cho mọi khía cạnh của đời sống. Nhà Nước phải phục vụ công dân, người có trách nhiệm chính trị phải phục vụ Nhà Nước, bác sĩ phục vụ bệnh nhân, giáo viên phục vụ học sinh…Nó được đặc biệt áp dụng cho những người phục vụ trong Giáo hội.

Tự nó, phục vụ không phải là một nhân đức (Trong Tân ước, diakonia không được đề cập trong bất cứ bản liệt kê nào về các nhân đức hay về các hoa quả của Thần Khí), nhưng phát sinh từ các nhân đức, nhất là đức khiêm nhường và đức bác ái. Nó là một cách biểu lộ tình yêu, một tình yêu “không tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4), cho đi mà không mong được cho lại.

Trái với sự phục vụ của thế gian, sự phục vụ theo Phúc âm không phải là cách của người dưới, nhưng đúng hơn, là đức tính của người làm đầu. Trong Phúc âm, Chúa nói: “Kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26), “người làm đầu phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,44).

Để kết luận, chúng ta cùng nhau nghe lại lời Chúa nói với các môn đệ, sau khi đã rửa chân cho các ông, và hãy coi đó là lời Chúa muốn nói với tất cả chúng ta: “Anh em có hiểu việc Thầy mới vừa làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15)

(lấy ý trong Cantalamessa, Bài giảng thứ 4 Mùa Chay 2011, tại Phủ Giáo hoàng)

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều