Chúa Kitô Xuống Địa Ngục[1] Là Sự Thật Kỳ Lạ Nhất Trong Tất Cả

Tất cả các ngục tối của cái chết đã được Chúa Sự Sống mở tung.

Tác giả: Regis Martin (*)


Nền tảng của đức tin Kitô giáo là gì? Phải chăng có một yếu tố cốt lõi, mà nếu biểu đạt được nó thì sẽ nói lên được tất cả mọi thứ? Và nếu vậy, thì có hợp lý không khi mong đợi con người thời nay tin vào điều đó?

Đây là những câu hỏi mà một giáo sư trẻ người Đức tên là Josef Ratzinger đã vật lộn với chúng vào mùa hè năm 1967, khi đặt chúng trước các sinh viên của mình trong một loạt các bài giảng đại học mà sau đó trở thành một cuốn sách nổi tiếng có tên là Dẫn nhập vào Kitô giáo. Một cuốn sách hấp dẫn đến nỗi, trong thực tế, Đức Giáo hoàng Phao-lô VI, trên cơ sở các lập luận của cuốn sách đó, đã bổ nhiệm cha Ratzinger lên làm giám mục ngay tại chỗ, và sau đó khởi động một loạt các cuộc thăng chức mà cuối cùng dẫn đến kết quả là cha Ratzinger trở thành Giáo Hoàng – Bê-nê-đíc-tô XVI.

Mặc dù tôi không thể nói thay cho người khác về ảnh hưởng của cuốn sách đối với cuộc đời của họ, nhưng nó chắc chắn đã tạo ra một sự thay đổi hết sức lớn trên cuộc đời tôi, tôi quay đầu theo một hướng thần học dứt khoát, một hướng mà tôi chưa bao giờ quay ngược lại.

Điều cuốn sách khiến tôi xúc động cách đặc biệt đó là phân đoạn mà Ngài chịu trách nhiệm giải thích tín điều nào chắc chắn là tín điều kỳ lạ nhất trong đức tin của Giáo Hội, tức là, Chúa Kitô xuống Địa ngục. Trong số 12 tín điều[2] trong Kinh Tin kính, không có tín điều nào quá mù mờ và cũng quá sâu thẳm như thế. Vả lại, việc tín điều này nằm ngay ở trung tâm Kinh Tin kính cho thấy rằng có lẽ đó là tín điều mấu chốt nhất. Mô tả của Ngài về tín điều này gây chú ý đến nỗi, một khi đã đọc rồi, thì người ta không bao giờ có thể bác bỏ được nó. Chắc chắn kể từ đó, tôi đã không ngừng ngạc nhiên, hoặc ngừng viết về cuốn sách đó.

Ratzinger nói, Mầu nhiệm của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày mà Chúa đã chết rồi, là một sự kiện nắm giữ “kinh nghiệm chưa hề có của thời đại chúng ta... rằng Thiên Chúa hoàn toàn vắng mặt, ngôi mộ che giấu Ngài, Ngài không còn thức dậy nữa, không còn lên tiếng nữa.... Thiên Chúa đi xuống, đi vào trong sự câm lặng, vào trong sự thinh lặng tăm tối của những người đã khuất mặt”.

Điều đó mô tả thật đúng thời điểm hiện tại này, giữa sự im lặng của các nhà thờ đóng cửa, sự vắng mặt phụng vụ ở khắp mọi nơi trong cuộc sống cộng đoàn. Do đó, chúng ta đang chứng kiến, trong những ngày này một cách đặc biệt, mối quan hệ sâu sắc nhất giữa chúng ta và Thiên Chúa. Chúng ta không cùng nhau bị cuốn vào trong sự im lặng và sự cô đơn của những gì cảm thấy như là một ngày thứ Bảy Tuần Thánh lâu dài đó sao? Dĩ nhiên, đừng bao giờ quên rằng sự im lặng đó mang tính cứu độ, rằng Thiên Chúa, như Ratzinger diễn đạt, không chỉ “là lời nói có thể hiểu được đã đến ở cùng chúng ta, mà còn là một vùng đất im lặng, không được hiểu, mà cũng không thể hiểu được, luôn luôn vượt mọi hiểu biết của chúng ta”. Đừng bao giờ quên “rằng có một sự thật tất yếu và bù đắp lại được khắc ghi cách chính xác trong sự giấu mặt của Thiên Chúa. Rốt cuộc, phải chăng Thiên Chúa không che giấu chính mình, trước hết, trong nhân tính của Chúa Giêsu, và sau đó, trong sự giấu mặt còn lớn hơn của Bí tích Thánh Thể đó sao? Thực vậy, Ratzinger nói, “chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được Ngài như là sự im lặng thì chúng ta mới có thể hy vọng nghe được lời nói của Ngài, phát ra từ sự im lặng”.

Và sự im lặng đó được nối kết một cách rõ ràng nhất với sự kiện nào nếu không phải trong tiếng nấc hấp hối theo sau tiếng kêu khủng khiếp vì bị bỏ rơi: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Ở đây, Chúa Kitô, người anh của chúng ta đã khóc, không phải cho chính mình, nhưng cho Chúa Cha vì sự có mặt của Thiên Chúa lúc này bị coi như là sự vắng mặt tuyệt đối vĩnh viễn. Ratzinger hỏi, “Sau chuyện này, chúng ta có cần phải hỏi: lời cầu xin trong giờ phút tối tăm của chúng ta là lời cầu xin nào? Lời cầu xin đó có thể là bất cứ điều gì khác không, nếu không phải là tiếng kêu từ vực sâu lên cùng Chúa, là đấng đã “xuống địa ngục” và là đấng đã lập nên sự gần gũi với Thiên Chúa giữa lúc bị Chúa bỏ rơi?”

Nếu có một đêm mà trong tăm tối của nó người ta không còn nghe thấy một tiếng nói trấn an nào nữa, nếu có một cánh cửa mà chúng ta buộc phải đi qua một mình, thì đó không phải là thế giới mà Chúa Kitô đã đến để cứu chuộc. Ratzinger trích dẫn, điều mà Mầu nhiệm của Thứ Bảy Tuần Thánh bộc lộ là sự thực này, “(chính) Đức Ki-tô đã bước qua cánh cổng cô đơn cuối cùng của chúng ta, trong cuộc khổ hình của mình, Ngài đã đi xuống, đi vào trong vực sâu nơi chúng ta bị bỏ rơi. Nơi nào chúng ta không còn nghe thấy tiếng nói nào nữa, thì Ngài ở đó. Do đó, địa ngục đã bị đánh bại... bởi vì có sự sống giữa cái chết, bởi vì tình yêu ở trong đó”.

 

(*) Regis Martin, S.T.D., là giáo sư thần học và là giảng viên liên kết với Trung tâm Đạo đức trong cuộc sống công cộng Veritas tại Đại học Franciscan của Steubenville, Ohio USA

Chuyển ngữ tiếng Việt: Phạm Văn Trung.

https://www.ncregister.com/blog/regismartin/christs-descent-into-hell-is-the-strangest-truth-of-all

 



[1] ND: “xuống ngục tổ tông” trong Kinh Tin kính tiếng Việt.

[2] ND: Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. (1)
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi (2)

bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh (3) 
chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác (4) 
xuống ngục Tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại (5)
lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng (6)
ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết (7)

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần (8)
Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này. Các Thánh thông công (9)
Tôi tin phép tha tội. (10)
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại (11)
Tôi tin hằng sống vậy (12). Amen.

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/TuSachGiaoLyGP/20Youcat-PhanI-DoanII.htm

 


Trang Thần Học