Thần Học Về Coi Sóc Mục Vụ

Tác giả: Laurika Nxumalo

27 tháng 7 năm 2020

 

Thông qua việc phong chức, các linh mục được Giáo hội kêu gọi coi sóc Cộng đoàn Kitô giáo. Một linh mục có nghĩa vụ rao giảng Phúc âm của Chúa một cách trọn vẹn. Trách nhiệm của linh mục là đảm bảo rằng mọi Kitô hữu dưới sự coi sóc của linh mục ấy được dạy bảo về tính trung thực của những gì họ tin tưởng. Linh mục phải làm điều này bằng cách thực hiện giảng lễ vào Chủ nhật và vào những ngày dành riêng mừng kính một số lễ Kitô giáo và bằng cách cung cấp sự giáo dục Kitô giáo thông qua giáo lý (Giáo luật 528). Trong việc thúc đẩy công bằng xã hội, linh mục được dẫn dắt bằng bản chất của Tin Mừng. Một linh mục phải đặc biệt chú ý đến sự hướng dẫn giới trẻ và phải đảm bảo giới trẻ thành thạo các giáo huấn trong đức tin Kitô giáo.

Nhiệm vụ của linh mục là cộng tác với giáo dân để cả hai bên đảm bảo rằng chân lý Tin Mừng đến với những người đã không còn thực hành tín ngưỡng của họ, những người đã không còn tuyên xưng những gì họ tin và những người đã ly khai khỏi Giáo hội (Giáo luật 529). Để chắc chắn hoàn thành chức vụ của mình cách cần mẫn, một linh mục phải đảm bảo hiểu biết đàn chiên dưới sự hướng dẫn của mình. Linh mục phải làm điều này bằng cách dành thời gian đến với giáo dân để có thể sẵn sàng hỗ trợ họ vác thập giá và sau đó củng cố họ trong đức tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô.

Có ba câu thánh thư cơ bản trong Kinh Thánh đưa ra một cái nhìn tổng quan về những gì các nhà lãnh đạo tôn giáo nên làm với tư cách là những người chăn dắt đàn chiên của Chúa: Công vụ 6: 1-7, Êphêsô 4: 11-13 và 1 Phêrô 5: 1.

1 Phêrô 5: 1-4 viết như sau:

Với hàng niên trưởng nơi anh em, tôi, một kẻ đồng hàng niên trưởng, một nhân chứng về những sự thống khổ của Ðức Kitô, và là kẻ sẽ được chung phần vinh quang hòng được mạc khải, tôi có lời khuyên này: Hãy chăn dắt đàn chiên của Thiên Chúa nơi anh em, [hãy coi sóc] không phải như thể miễn cưỡng, nhưng là sẵn lòng, thể theo ý Thiên Chúa, không hám trọc lợi, nhưng cách nhiệt thành. Ðừng như thể làm chúa trên phần cơ nghiệp đã lĩnh, nhưng là làm gương mẫu cho đàn chiên. Và khi Ðấng chăn chiên tối cao tỏ hiện, anh em sẽ lĩnh triều thiên vinh quang bất diệt.[1]

 Có một sự độc nhất trong đoạn Tin Mừng này, đó là một trong số ít đoạn Tin Mừng ngoài sách Công vụ 20: 28, nơi hàng niên trưởng được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ của mình. Phêrô sử dụng ba danh từ khác nhau nói về các vị hướng dẫn tâm linh.

Từ đầu tiên Phêrô sử dụng là từ “Niên Trưởng” (Presbyterian) - trong thuật ngữ Hy Lạp là presbuteroi. Cái tên Presbyterian có nguồn gốc từ presbuteroi. Thuật ngữ này biểu thị một người cao tuổi với một mức độ hiểu biết nhất định, đảm nhận vị trí hướng dẫn. Các vị hướng dẫn tâm linh phải là những người có nhiều hiểu biết và tính cách của họ phải giống với Chúa Kitô.

Một từ khác mà Phêrô dùng để chỉ các vị hướng dẫn tâm linh là “Người Coi Sóc” (Episcopalian) - trong thuật ngữ Hy Lạp là episcopos. Cái tên Episcopalian có nguồn gốc từ episcopos. Ý nghĩa chính xác của từ này là “giám sát”. Các vị hướng dẫn tâm linh nên giám sát mọi thứ trong giáo hội. Nhiệm vụ của họ không phải là đưa ra mệnh lệnh, trách nhiệm của họ là hướng dẫn.

Từ cuối cùng mà Phêrô sử dụng khi đề cập các vị hướng dẫn tâm linh là “Người chăn chiên” (Shepherd) - trong thuật ngữ Hy Lạp là poimen. Nghĩa chính xác của từ này là “người chăn cừu”. Phêrô sử dụng từ cuối cùng này như một chỉ dẫn - hướng dẫn các vị linh hướng chăm sóc đàn chiên của họ.

Những đoạn kinh thánh này nhắc nhở các nhà lãnh đạo tôn giáo rằng nhiệm vụ chính của họ là trở thành những người chăn chiên. Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể bao gồm việc ra quyết định, hoạch định chính sách, quản lý tài sản và chăm nom các việc tài chính của giáo hội, nhưng bản chất ơn kêu gọi của họ là trông coi đàn chiên trong sự chăm sóc của họ; đàn chiên đó là những tín hữu giáo dân.

Đoạn Thánh kinh thứ hai làm sáng tỏ nhiệm vụ của các vị lãnh đạo tâm linh là Ê-phê-sô 4: 11-13:

Và chính Ngài đã "ban cho": người thì làm tông đồ, kẻ thì làm tiên tri, người thì làm giảng viên, kẻ thì làm vị chăn chiên, làm thầy dạy, cốt để chuẩn bị các thánh, cho họ sung vào công cuộc phục vụ, mà xây dựng Thân mình Ðức Kitô, cho đến khi chúng ta hết thảy đạt thấu sự duy nhất trong kính tin và am tường về Con Thiên Chúa, mà nên người thành toàn, đạt đến tầm vóc xứng với sự viên mãn của Ðức Kitô.

Đoạn kinh thánh này đề cập rằng Thiên Chúa trong Chúa Kitô đã dự phòng cho mọi người chấp nhận chân lý cần thiết để có quyền sống một cuộc sống chân thật. Một số người đã được Thiên Chúa ban cho những ân huệ thiêng liêng để lãnh đạo trong các vai trò quan trọng trong Giáo hội. Các ân huệ thiêng liêng này được sử dụng để bảo vệ đàn chiên.

Đoạn thánh thư Êphêsô 4: 11-13 giúp các vị lãnh đạo tâm linh sử dụng thời gian của họ một cách hiệu quả. Thứ nhất, nó nhấn mạnh các mục tử cần chuẩn bị tâm trí, cơ thể và linh hồn của họ để phục vụ dân chúng. Vì nhiệm vụ đó cần rất nhiều năng lực tinh thần, trí tuệ cảm xúc và cam kết phục vụ các loại người khác nhau. Thứ hai, đoạn thánh kinh này nêu bật vai trò của giáo dân và giáo sĩ trong việc xây dựng thân mình Chúa Kitô. Cả giáo sĩ và giáo dân đều cần nhau; người này phải phục vụ người kia, không có chủ hay nô lệ. Để phục vụ lẫn nhau, giáo dân và giáo sĩ thực hiện sứ mệnh trọn vẹn của Giáo hội.

Thư 1 Timôthê 3: 2 viết rằng các vị lãnh đạo tâm linh (niên trưởng) nên biết cách dạy dỗ. Timôthê chỉ ra rằng thánh kinh nên được dạy một cách khéo léo và đem lại ơn cứu chuộc; cách dạy dỗ này sẽ đưa giáo dân đến gần với Chúa hơn và tái hợp họ với Chúa Kitô. Theo sách Công vụ 20: 20, thừa tác vụ Cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa là sự kết hợp giữa thừa tác vụ cầu nguyện với Kinh thánh (tương tác giữa người với người) và thừa tác vụ chia sẻ Kinh thánh (giáo lý và giảng thuyết). Phaolô rao truyền kiến ​​thức ở những nơi thờ phượng và đưa Lời Chúa tới cho mọi người trong nhà của họ. Một vị lãnh đạo tâm linh phải làm như Phaolô đã làm. Không có thừa tác vụ cầu nguyện với Kinh thánh, thì thừa tác vụ chia sẻ Kinh thánh sẽ không hoàn chỉnh và ngược lại.

Một số linh mục giỏi về truyền giáo và những linh mục khác giỏi giao tiếp hay đối thoại giữa người với nhau, nhưng để một người trở thành “một người coi sóc” thì người ấy phải sở hữu cả hai khả năng. Điều này có nghĩa là người đó phải có khả năng suy luận vượt ra ngoài thần học và giáo lý, và vượt ra ngoài việc chỉ bảo vệ Kinh thánh – người ấy phải giảng dạy chuyên sâu những câu kinh thánh đó. Trong giáo lý của mình, một vị lãnh đạo tâm linh không được thay đổi bản chất của bất kỳ câu kinh thánh nào, vị ấy phải truyền giảng sao cho Tin Mừng như thế nào thì truyền giảng như thế ấy.

Ngoài việc là người giảng dạy giỏi, một nhà lãnh đạo tâm linh cũng nên có cách truyền tải tốt sứ điệp của kinh thánh đến cho mọi người. Các nhà lãnh đạo nên nói chuyện với đàn chiên của mình một cách có ích cho ơn cứu độ để những chiên này có thể chịu được những thử thách trong cuộc sống. Cuối cùng, một mục tử tốt lành nên dạy cho đàn chiên của mình cách cầu nguyện như Chúa Giêsu, là Vị Mục Tử vĩ đại, đã dạy các Tông đồ, dạy đàn chiên của Ngài cách cầu nguyện với Cha trên trời như trong Tin Mừng Lu-ca 11:1-28. Bổn phận của vị lãnh đạo tâm linh là dạy cho giáo hữu biết rằng cầu nguyện là một cuộc trò chuyện tâm linh với Thiên Chúa, đó không phải là một phiên họp để một người tóm tắt với Chúa về những vấn đề của người ấy.

Thư 2 Côrintô 1: 3-4 viết như sau,

Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Yêsu Kitô, Cha đầy tình thương xót và là Thiên Chúa mọi niền an ủi, Ðấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để nhờ sự an ủi chúng tôi được nơi Thiên Chúa, chúng tôi cũng có thể an ủi những người lâm vào bất cứ cảnh gian truân nào. 

Trong đoạn này, các vị lãnh đạo tâm linh được dạy bảo phải có thái độ như của Chúa Kitô; họ phải từ bỏ những pháo đài mà họ giấu mình trong đó, phải tiếp xúc với thực tế và đối mặt với nỗi đau dai dẳng mà họ có thể gặp phải trong suốt hành trình cuộc sống trong các thừa tác vụ của họ. Thừa tác vụ của họ là tìm kiếm sự an ủi dồi dào trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết cho cả nhân loại, để họ có thể an ủi những người tìm kiếm sự an ủi bằng chính niềm an ủi mà họ đã nhận được từ Chúa Giêsu Kitô. Đây là mô tả của một vị đi chữa lành nhưng lại bị thương; Ngài chia sẻ trong nỗi đau buồn và khốn khổ của đàn chiên của mình.

Trong cuốn sách của mình có tựa đề 'Người chữa lành bị thương', Cha Henri Nouwen, một linh mục Công giáo, nhà thần học, giáo sư và nhà văn người Hà Lan, giải thích rằng sự hiếu khách là một hình thức chăm sóc mục vụ khác. Cha nói đến đoạn Tin Mừng Mátthêu 25: 35-36, trong đó Chúa Giêsu nói,

Vì xưa Ta đói mà các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát mà các ngươi đã cho Ta uống, Ta là khách lạ mà các ngươi đã tiếp rước, Ta mình trần mà các ngươi đã cho Ta mặc, Ta đau yếu mà các ngươi đã thăm viếng, Ta ở tù mà các ngươi đã đến với Ta".

Chúa Giêsu đã không tách rời chính Ngài khỏi những phiền não hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, Ngài cho phép chính Ngài cảm nhận và mang nỗi đau của những người đang đau khổ.

Một thừa tác vụ khác mà các vị lãnh đạo tinh thần đã được kêu gọi là thừa tác vụ hòa giải. Như được viết trong thư 2 Côrintô 5: 20-21, khi các vị giáo sĩ được phong chức làm đại diện của Chúa Kitô, mọi việc họ làm trong chức vụ của họ là vì lợi ích của Giáo hội và để ca ngợi Thiên Chúa. Các vị lãnh đạo tâm linh có nhiệm vụ hòa giải giáo dân quay trở lại với Thiên Chúa để sự cứu độ con người vẫn có thể tiếp tục. Giống như Chúa Giêsu Kitô đến thế gian để cứu độ loài người, các vị lãnh đạo tâm linh phải làm điều tương tự thông qua thừa tác vụ của họ.

Thông qua thừa tác vụ hòa giải, các vị lãnh đạo tâm linh được mời gọi vào chức vụ tông đồ, họ đi theo bước chân của các tông đồ. Khi Chúa Kitô lên trời, Ngài nói với họ trong Gioan 14: 16-20 rằng Ngài sẽ để họ ở lại trong sự chỉ bảo của Chúa Thánh Thần; trong mọi việc, họ nên hỏi ý kiến ​​của Chúa Thánh Thần. Đó chính xác là những gì các vị lãnh đạo tôn giáo nên làm, họ không nên sử dụng trí thông minh của con người để lãnh đạo Giáo hội, họ nên tìm kiếm lời khuyên và sự an ủi từ Chúa Thánh Thần là Đấng đã thiết lập Giáo hội.

Chúa Thánh Thần phải là cây gậy chống đỡ và quyền trượng của mọi linh mục. Trong khi coi sóc giáo dân, các vị hướng dẫn tinh thần nên làm theo gương mẫu của Chúa Kitô, bằng lời nói và phong cách lãnh đạo của họ. Qua hành động của mình họ nên thể hiện ra rằng Chúa Giêsu Kitô đang sống trong họ. Đây là thần học về coi sóc mục vụ; nếu ai chưa chắc về cung cách một linh mục nên chăn dắt đàn chiên của mình như thế nào thì tất cả đã được viết trong Kinh thánh. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã từng nói, “Hãy làm quen với Kinh Thánh để Kinh Thánh trở nên kim chỉ nam vạch ra cho anh em con đường phải theo”.

 

https://catholicstand.com/the-theology-of-pastoral-care/

 

Phêrô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ.



[1] ND: mọi trích dẫn Kinh Thánh trong bài này đều lấy từ bản dịch Kinh Thánh của LM Nguyễn Thế Thuấn. Xin cám ơn Cha Giuse và DCCT. Xin cho linh hồn Cha cố Giuse hưởng Nhan Thánh Chúa.


Trang Thần Học