MẠC KHẢI MẦU NHIỆM BA NGÔI THIÊN CHÚA

NƠI ĐỨC GIÊSU KITÔ

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

 

I. DẪN NHẬP

Chúng ta tin Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng không phải là ba Chúa, mà chỉ là Một Thiên Chúa Duy Nhất.

Tín điều Công-giáo đặt tên cho mầu nhiệm cao cả ấy là Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong đời sống cầu nguyện, có lúc chúng ta cầu xin với Chúa Cha, lúc khác chúng ta tâm sự với Chúa Kitô ; lúc khác nữa chúng ta cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Cũng có khi chúng ta nghĩ tới Ba Ngôi Thiên Chúa cùng một lúc. Khi khác, tâm hồn lại hướng tới một Thiên Chúa Duy Nhất. Đời sống cầu nguyện phản ánh và biểu lộ niềm tin của chúng ta.

Cũng như trong đời sống cầu nguyện, trong thần học, có khi chúng ta tìm hiểu về thực tại của từng Ngôi Vị Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Khi khác, chúng ta tìm hiểu tương quan giữa Ba Ngôi Vị với nhau. Khi khác nữa, chúng ta lại nhìn ngắm Ba Ngôi Vị như một thực thể duy nhất.

Theo một số nhà thần học, có hai cách tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô : cách từ dưới và cách từ trên.

Cách từ dưới khởi đi từ tương quan giữa con người và Thiên Chúa, từ ân sủng và tình yêu mà con người đón nhận trong Đức Giêsu Kitô. Với nhãn quan này, thần học gia hết sức tránh bàn tới "Thiên Chúa tự tại" (Deus in se). Họ luôn nhìn Thiên Chúa trong tương giao với con người, tuy không có mục tiêu hạ giá Thiên Chúa hay giảm giá trị Mạc khải. Theo họ, trọng tâm của Kinh Thánh là Giao ước cứu độ, và tâm điểm của Giao ước là Đức Giêsu Kitô. Mọi sự đều quy chiếu về Đức Giêsu Kitô. Trong Đức Giêsu Kitô, con người sẽ khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa.

Đó là con đường phải theo, vì niềm tin Ki-tô-giáo là "tuyên xưng Đức Kitô tử nạn - phục sinh trong lúc chờ đợi Ngài lại đến trong vinh quang".

Nhưng khi theo đuổi con đường này, chúng ta phải bổ túc bằng con đường thứ hai, là con đường "từ trên", cũng có trong Kinh Thánh Tân Ước, mặc dù tiềm tàng và kín đáo hơn. Khởi sự từ Đức Kitô Cứu Thế, chúng ta dần dần phải tự hỏi : Ngài là ai ?

Kinh Thánh Tân Ước cũng trả lời cho chúng ta về câu hỏi này, và lời giải đáp sẽ đưa chúng ta trực tiếp vào "thực tại tự thân" của mầu nhiệm Thiên Chúa. Chính trong mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ khám phá ra chân tính của Đức Giêsu Kitô.

Về phương pháp cũng như về ngôn từ, nếu khẳng định tiên thiên và tuyệt đối "danh lý nội tại" của thần học theo một con đường từ đầu đến cuối, sẽ gặp muôn vàn khó khăn không giải quyết được. Thực ra, đối tượng của thần học là huyền nhiệm vượt trên trí tuệ con người, do đó không thể truy tầm trên con đường một chiều.

II. ĐỨC GIÊSU KITÔ VÀ THIÊN CHÚA

A. Niềm tin độc thần của Đức Giêsu

Tân Ước không đặt lại vấn đề độc thần giáo Cựu Ước ; trái lại còn củng cố niềm tin vào Thiên Chúa Duy Nhất, vì Đức Kitô đã chiến thắng quyền lực của các đầu mục thế gian chống lại Thiên Chúa.

Theo các sách Phúc âm, chính Đức Giêsu cũng tuyên xưng niềm tin độc thần : "Sao ngươi gọi Ta là tốt lành ; không có ai tốt lành trừ phi có một Thiên Chúa" (Mc 10,18). Ngài vâng phục Thiên Chúa trọn vẹn hơn bất cứ ai trước và sau Ngài. Ngay cả thù địch của Ngài cũng phải công nhận Ngài bất cần dư luận, vì trung thành với Thiên Chúa : "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật, không bận tâm vì lẽ người này người nọ, vì Thầy không có thói coi mặt đặt tên, nhưng Thầy dạy đường lối của Thiên Chúa một cách chân thật" (Mc 12,14). Một số kẻ ghen ghét nhạo cười Ngài, vì Ngài tin tưởng vào Thiên Chúa mà không được phù trợ : "Nó đã cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người hãy giải thoát nó, nếu Người thương nó" (Mt 27,43).

Lòng nhiệt thành đối với Nhà Chúa thiêu đốt tâm can của con người Giêsu. Trong mọi quyết định và hành động, Đức Giêsu chỉ nghĩ tới Thiên Chúa. Và trong những giờ đau thương nhất, Ngài chỉ kêu cầu một mình Thiên Chúa : "Lạy Chúa tôi, nhân sao Chúa bỏ tôi ?" (Mc 15,34). Lòng tôn sùng Thiên Chúa của Ngài đặc biệt hơn bất cứ ai khác. Ngài có tương quan thắm thiết với Thiên Chúa và phân biệt cách xưng hô của riêng mình với cách xưng hô của các môn đệ : "Ta lên cùng Cha Ta và cũng là Cha các ngươi ; Thiên Chúa của Ta và cũng là Thiên Chúa của các ngươi" (Ga 20,17).

Ngài thi hành cuộc chiến của Thiên Chúa chống lại đầu mục thế gian. Ngài đến để phá tan các việc làm của ma quỷ. Ngay từ đầu, Ngài đã từ chối vâng phục và tôn thờ ma quỷ. Ngài nại đến Thiên Chúa và các đòi hỏi của Thiên Chúa để chống lại những chước cám dỗ của thần dữ. Ngài giống như một người đột nhập vào nhà của kẻ mạnh, chiến thắng và giành lại gia tài nó đã tước đoạt (Mc 3,27). Ngài xua trừ ma quỷ nhờ ngón tay của Thiên Chúa và có đầy đủ quyền năng để thống trị chúng (Lc 11,20). Ma quỷ dường như đã chiến thắng, khi Ngài bị án tử hình và treo trên thập giá (Lc 22,53). Nhưng chính trong cái chết, Ngài đã chiến thắng Satan, và hoàn tất sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó.

Nói tóm lại, niềm tin độc thần không mảy may suy giảm, trái lại trở nên trọn vẹn và hoàn tất trong Đức Giêsu Kitô (1 Cr 15,28).

B. Chân tích của Đức Giêsu

1. Tương quan đặc biệt có một không hai giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô sứ giả của Người được Tân Ước mô tả bằng rất nhiều kiểu nói khác nhau : Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu Kitô đến thế gian (Ga 3,34 ; Cv 7,25), Thiên Chúa đã dẫn đến cho Israel Vị Cứu Tinh (Cv 17,23), Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Chúa (Cv 2,36), Thiên Chúa đã chứng thực cho Ngài, đóng ấn trên Ngài (Ga 6,27), xức dầu cho Ngài và cất nhắc lên ngồi bên hữu (Cv 5,31).

Ngài là Đấng đến từ Thiên Chúa (Ga 8,42), bởi Thiên Chúa. Ngài xuất tự Thiên Chúa và đang đi về cùng Thiên Chúa (Ga 13,3). Thiên Chúa ở với Ngài và hành động trong Ngài (Mt 1,23 ; Ga 3,2). Thiên Chúa ban cho Ngài mọi quyền năng (Mt 28,18 ; Ga 3,35). Thiên Chúa giao hòa thế gian trong Ngài (2 Crr 5,19).

Theo Phúc âm Gioan, tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu là một niềm tin duy nhất : "Ai thấy Ta là thấy Cha, Ta và Cha là một" (Ga 14,1 ; 10,30). Trong Đức Giêsu Kitô, với Ngài và nhờ Ngài, chính Thiên Chúa đến với chúng ta.

2. Trong tất cả các Tin Mừng, nhưng đặc biệt hơn cả là trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường dùng một "ngôn ngữ thần linh" ví dụ thành ngữ Ego eimi (Ta là).

Đối với Phaolô, Thiên Chúa là Đấng xét xử duy nhất và Đức Kitô cũng là Đấng xét xử duy nhất (1 Cr 4,4-5). Mọi sự đều được tạo thành bởi Thiên Chúa, nhờ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, cũng thế mọi sự đều được tạo thành bởi Đức Kitô, nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô (Rm 11,36 ; 1 Cr 8,6).

Trong sách Khải huyền, thành ngữ "Ta là Alpha và là Ômêga" lúc thì áp dụng cho Thiên Chúa, lúc khác lại áp dụng cho Chúa Kitô.

Tất cả các kiểu nói trên ngụ ý là Đức Giêsu "Đảm nhận vai trò của Thiên Chúa", Ngài là Đấng "Thế vì Thiên Chúa".

3. Nhưng Ngài không loại trừ Thiên Chúa. Trái lại, Thiên Chúa được gọi là "Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Ep 1,17), Thủ lãnh của Đức Giêsu (1 Cr 11,3), Cha của Đức Giêsu (2 Cr 1,38 ; Ga 1,1). Đức Giêsu là Đấng đã có hình dáng Thiên Chúa, nhưng không giằng cho được chức vị đồng hàng (Ph 2,8).

Sau khi Phục sinh, Ngài được đặt ngồi bên hữu Thiên Chúa (Rm 8,34). Cách nói đơn thuần nhất trong Phaolô để diễn tả sự gắn bó giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa là "Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa" (1 Cr 3,23).

4. Các tước hiệu Tân Ước dùng để diễn tả con người và công trình của Đức Kitô thường hình dung Ngài như "Đấng Thế Vì Thiên Chúa" : Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Agios), Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (Eklektos), Đấng Thiên Chúa xức dầu (Kristos), Con Duy Nhất của Thiên Chúa (Monogênes), Đấng Trung gian của Thiên Chúa (Mesites), Hình ảnh (Eikon), Thượng Tế của Thiên Chúa (Arxiereus).

Các tước hiệu đều nói lên tương quan chặt chẽ giữa công trình và con người Đức Giêsu Kitô với Thiên Chúa Duy Nhất : Ngài là Đức Kitô của Thiên Chúa (Kristos tou Theou). Chỉ có tước hiệu "Kurios" là không có túc từ "Thiên Chúa" kèm theo : đó là tướùc hiệu cao nhất thay thế Danh Xưng của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Danh Xưng Kurios dành cho Thiên Chúa trong bản dịch LXX được chuyển sang cho Đức Giêsu Kitô, vì niềm tin của Giáo Hội sơ khai vào sự Phục sinh và thần tính của Ngài.

Từ ngữ "Thiên Chúa" (Theos) thường được dùng để ám chỉ Thiên Chúa Cha. Nhưng con đường dẫn tới sự tuyên xưng thần tính của Đức Kitô cuối cùng cũng áp dụng từ ngữ này cho Ngài trong một vài trường hợp. Đức Kitô là người đồng chủng với Israel về phần xác, nhưng là Đấng vượt trên mọi sự, là Thiên Chúa đáng chúc tụng đến muôn đời (Rm 9,4).

Từ ngữ này gặp thường xuyên hơn trong Gioan : Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1,1). Ngôi Lời là Hữu thể thần linh, là Thiên Chúa tự bản tính. Ngài đã trở thành xác phàm để mạc khải Thiên Chúa vô hình.

Người mù từ thuở mới sinh đã cảm thấy lờ mờ chân tính của Đức Giêsu, nên đã quỳ xuống bái phục Ngài (Ga 9,38). Nhưng mãi cho tới khi Ngài phục sinh và hiện ra với các môn đồ, Tôma mới tuyên xưng một cách chắc chắn và rõ ràng : "Ngài là Chúa và là Thiên Chúa của tôi" (Ga 20,28).

Trong thư thứ nhất Gioan, Đức Kitô được tuyên xưng là "Thiên Chúa đích thực" (alêthinos Thêos, 1 Ga 5,20).

Sau hết, thư gửi cho Titô mời gọi từ bỏ đam mê thế tục và chờ đợi cuộc hiển linh vinh quang của Thiên Chúa vĩ đại và là Cứu Chúa, Đức Giêsu Kitô (Tt 2,13).

Với danh xưng này, Đức Kitô không những là "Đấng Thế Vì Thiên Chúa", nhưng còn là chính Thiên Chúa. Đức Kitô khác biệt với Thiên Chúa Cha và cũng là một với Người.

C. Thần học của Phaolô

1. Theo Phaolô, mọi tương quan giữa con người với Thiên Chúa hoàn toàn tùy thuộc tương quan của họ với Chúa Kitô. Không hợp nhất với Chúa Kitô, con người bị tách biệt khỏi Thiên Chúa và là thù địch của Thiên Chúa ; chỉ có thể hòa giải với Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô.

Khi đã được tháp nhập vào Chúa Kitô, từ thù địch, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa (Gl 3,26-27). Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con của Người, để Con của Người trở nên Trưởng tử giữa muôn vàn anh em (Rm 8,29). Chúng ta là những kẻ thừa tự của Thiên Chúa và là đồng thừa tự với Đức Kitô (Rm 8,17).

Phaolô luôn nối kết đời sống ki-tô-hữu với Chúa Kitô, và Chúa Kitô với Chúa Cha. Chúa Kitô kết hợp mật thiết với Đức Chúa Cha, cùng với Chúa Cha, là Nguồn Suối tình thương và ân sủng. Chúa Cha luôn ban ân sủng qua Chúa Kitô, và ân sủng của Chúa Cha cũng là ân sủng của Chúa Kitô.

Chúa Kitô và Chúa Cha là đối tượng duy nhất của lời cầu nguyện : mọi lời nguyện xin đều được dâng lên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và nhân danh Chúa Kitô.

Chúa Kitô là Đầu của Giáo Hội, và Giáo Hội là Thân Thể huyền nhiệm của Ngài. Sống trong Giáo Hội là sống bằng sự sống của Chúa Kitô do tự Thiên Chúa.

Chúa Kitô còn là Đầu của toàn thể nhân loại. Nhờ sự vâng phục của Ngài, nhân loại được ân sủng và công chính hơn (Rm 5,12-21).

2. Danh hiệu đặc biệt nhất và gần như là "Định nghĩa" Thiên Chúa, đó là "Cha Đức Giêsu Kitô" (Rm 15,6 ; 2 Cr 1,3 ; Ep 1,3 ; Cl 1,3). Mọi sự đều phát xuất từ Thiên Chúa là Cha và là Nguồn Gốc của mọi tương quan và tình yêu phụ tử. Chúa Kitô là "Con Một" của Người. Những kẻ khác chỉ trở thành con, vì được tháp nhập vào Chúa Kitô là Con Đầu Lòng của Thiên Chúa. Liên hệ mật thiết với Chúa Kitô làm cho ki-tô-hữu trở thành người nhà của Thiên Chúa (Ep 2,19).

Vì Chúa Kitô là Đầu của Giáo Hội và Thủ lãnh của nhân loại, nên tất cả chúng ta đều thuộc về Ngài, và Ngài thuộc về Thiên Chúa. Sự duy nhất này là mục tiêu của chương trình cứu độ và sẽ hoàn tất trọn vẹn trong ngày cánh chung, ngày mà Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự (1 Cr 15,24-28).

Chúa Kitô là Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình. Thiên Chúa cư ngụ nơi ánh sáng khôn tả, và không ai đã thấy hay có thể thấy được Người. Người là Đấng Vô Hình ; và Chúa Con phản ánh vinh quang của người ; Chúa Con Mạc khải Người cho nhân loại.

Chúa Con còn được gọi là Con của tình yêu Thiên Chúa.

Tước hiệu Trưởng Tử là một tước hiệu thiên sai áp dụng cho dân Israel (Xh 4,5), về sau được dùng cho các vị vua và thủ lãnh của Israel. Trong trường hợp Đức Giêsu, Trưởng Tử còn có nghĩa là "Con Yêu Dấu", "Con Duy Nhất". Trong Ngài, mọi sự được tạo thành ; mọi sự cũng được dựng nên bởi Ngài và vì Ngài. Tất cả tạo vật đều hướng về Chúa Con là Cứu-cánh tối hậu. Ngài có trước muôn đời và muôn loài tồn tại nơi Ngài (Cl 1,13-20).

Phaolô không tách biệt vai trò của Đức Kitô trong Giáo Hội và vai trò của Ngài trong vũ trụ : Đức Kitô lúc nào cũng là Đầu, là Trung Tâm và là Nguyên Lý Sự Sống. Đức Kitô Cứu Thế và Đức Kitô Sáng Tạo là một. Vì tội lỗi, tất cả tạo vật và con người đều xa rời Thiên Chúa, và trở thành nô lệ sự hư nát và sự chết. Thiên Chúa muốn hòa giải mọi sự nhờ Đức Kitô ; Người muốn ban bình an dưới đất cũng như trên trời nhờ Máu Châu Báu Con của Người đổ ra trên Thập giá (Cl 1,20).

3. Chúa Kitô là "Chúa" (Kurios). Tất cả đều được dựng nên để phụng sự Ngài. Kurios là tước hiệu vinh quang của Đức Kitô Phục Sinh, hồi tưởng sự uy nghi của Giavê Thiên Chúa trong Cựu Ước. Ngài là Thẩm phán sẽ làm sáng tỏ những gì giấu ẩn trong tối tăm và giãi bày những ý định bí mật của lòng trí (1 Cr 4,5).

Do sự phục sinh từ cõi chết, Đức Kitô là Chúa tể muôn loài. Và chúng ta sống là sống cho Ngài và chết là chết cho Ngài, dù sống hay chết, chúng ta vẫn thuộc về Ngài (Rm 14,7-9).

Tuyên xưng Đức Kitô là Chúa là nhận biết quyền bính tuyệt đối của Ngài. Ai đầu phục Ngài sẽ được cứu chuộc khỏi ách nô lệ sự chết, sự tội và lề luật. Đức Kitô ban cho những ai tin ở Ngài quyền được làm con cái Thiên Chúa.

Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa, nếu không có Thánh Thần (1 Cr 12,3). Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra vương quyền của Đức Kitô phát xuất từ một Nguồn Suối khác là Đức Chúa Cha, vì Đầu của Đức Kitô là Đức Chúa Cha (1 Cr 11,3).

4. Thiên Chúa Cha đã ban cho Đức Kitô sự sống viên mãn (Cl 1,19), và trong Ngài, có tất cả sự viên mãn của tính Thiên Chúa, nhờ đó mà Ngài làm Đầu mọi thiên phủ và uy linh (Cl 2,9-10). Chính do bởi Thiên Chúa mà Đức Kitô đã nên sự Khôn ngoan, ơn Công chính, sự Thánh thiện và ơn Cứu độ cho chúng ta (1 Cr 1,30).

Chúng ta được mời gọi tham gia sự sung mãn mà Chúa Cha ban cho Chúa Kitô, để nhờ đó chúng ta trở thành con trong Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.

Trong Đức Kitô, các tín hữu tìm gặp được tất cả sự giầu có của Thánh Thần, vinh quang, quyền năng và sự sống, vì Ngài là Chúa vinh hiển. Các tín hữu được chiêm ngắm Gương Mặt Chúa Kitô phản ánh vinh quang của Thiên Chúa và được thay hình đổi dạng nhờ năng lực Thần Khí của Ngài (2 Cr 3,18). Ngài là Hình Ảnh, là Quyền Năng, và là Minh Trí của Thiên Chúa. Vì thế, Ngài là Sức Mạnh hoạt động trong tín hữu, là Sự Sống, hiện nay còn giấu ẩn, nhưng sẽ được biểu lộ vinh hiển lúc Ngài trở lại.

Nơi Đức Giêsu tại thế, vì sự sống còn ẩn giấu, vì thân xác chưa phục sinh vinh quang, con người chỉ nhìn thấy sự yếu đuối của xác thịt. Các đầu mục thế gian đã đóng đinh Ngài, vì không nhận ra Ngài là "Chúa hiển vinh" (1 Cr 2,8). Nhưng cái chết của Ngài có tác dụng giao hòa thế gian lại với Thiên Chúa, có giá trị cứu chuộc nhân loại, đền bù tội lỗi và tiêu diệt sự chết. Hiệu năng của cái chết của Ngài là dấu chứng chắc chắn về thần tính của Ngài. Cái chết của Con Thiên Chúa còn là dấu chỉ tình yêu lớn lao của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không tha Con Một Người, nhưng đã phó nộp Con vì chúng ta (Rm 5,8 ; 8,32). Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, với hình dung xác thịt tội lỗi để khử trừ tội lỗi (Rm 8,3). Từ địa vị giầu sang, Đức Kitô đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giầu có vì sự nghèo nàn của Ngài (2 Cr 8,9).

Để tổng kết, chúng ta có thể tóm tắt giáo huấn của Phaolô và tương quan giữa Chúa Kitô và Chúa Cha như sau :

- Chỉ có một Thiên Chúa, là Chúa Cha, Khởi Nguyên và Cùng Đích của mọi loài ; chỉ có một Chúa Giêsu Kitô và nhờ Ngài mọi sự đều có.

- Chúa Giêsu Kitô phát xuất từ Chúa Cha, nhưng không giống như một tạo vật, mà là Con Một, là Hình Ảnh, là Quyền Năng và Minh Trí của Chúa Cha. Ngài hiện hữu trước mọi tạo vật. Nhưng cuộc sống tại thế của Ngài có một khởi đầu, lúc Ngài trở thành người.

- Mọi tạo vật đều phát xuất từ Chúa Cha là Khởi Nguyên. Nhưng mọi tạo vật được dựng nên nhờ Chúa Con và chỉ tồn tại trong Ngài. Vì thế, cùng đích của tạo vật là Chúa Cha và cũng là Chúa Kitô.

- Từ đời đời, Thiên Chúa đã tuyển chọn chúng ta trong Con Yêu Dấu của Người. Và vào những ngày sau hết, Chúa Cha sai Con Một đến thế gian. Con đã mặc lấy thân phận thấp hèn sinh từ một người nữ thuộc dòng dõi Đavít, là người Do-thái theo xác thịt. Ngài đã chịu chết trên thập giá, nhưng đã sống lại trong quyền năng Thánh Thần. Chúa Cha đã tôn vinh Ngài và ban cho Danh Hiệu vượt trên mọi danh hiệu, và tất cả mọi tạo vật phải thờ phượng Ngài.

- Ai tuyên xưng và tin ở Chúa Kitô, sẽ được tháp phập vào với Ngài để chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa, trở thành anh em và đồng thừa tự với Ngài, nên dưỡng tử có quyền thừa hưởng gia tài Thiên Chúa ban. Ngài là Thần linh sự Sống, là Thủ lãnh của Giáo Hội. Và Ngài đang dần dần thâu hồi vạn vật thành một mối để hiến dâng tất cả lên cho Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Cha sẽ trở nên tất cả trong mọi sự.

D. Thần học của Gioan

1. Phúc âm Gioan không ngừng nói đến sự tùy thuộc của Đức Giêsu vào Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu phát xuất từ Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa, không tự mình đến thế gian, nhưng được Thiên Chúa sai :

"Giả như Thiên Chúa là Cha các ngươi,

các ngươi đã yêu mến Ta,

vì Ta đã phát xuất từ Thiên Chúa và Ta đến ;

vả chăng không phải tự mình Ta mà Ta đã đến,

nhưng chính Người đã sai Ta" (Ga 8,42).

Thiên Chúa đã ban cho Ngài mọi sự, Ngài biết mình phát xuất từ Thiên Chúa và đi về cùng Thiên Chúa (Ga 13,3). Của ăn của Đức Giêsu là làm theo Thánh Ý Đấng đã sai và hoàn tất công việc của Người (Ga 4,34). Chúa Cha không bao giờ bỏ Đức Giêsu một mình, vì Ngài luôn làm đẹp lòng Chúa Cha (Ga 8,29).

Đức Giêsu biết Chúa Cha và tuân giữ Lời của Người :

"Vậy mà các ngươi không biết người.

Còn Ta, Ta biết Người.

Giả như Ta nói : Ta không biết Người,

thì Ta cũng sẽ giống các ngươi : một kẻ điêu ngoa,

nhưng Ta biết Người, và ta giữ Lời Người" (Ga 8,55).

Đức Giêsu không tự mình nói điều gì, nhưng chính Chúa Cha ra lệnh cho Ngài nói. Chúa Cha đã nói với Ngài thế nào, Ngài chỉ nói lại như vậy (Ga 12,49-50).

Ngài ước muốn cho thế gian nhận biết rằng Ngài yêu mến Cha và chỉ hành động như Cha ra lệnh (Ga 14,31).

Đức Giêsu khuyên nhủ các môn đệ tuân giữ giới răn của Ngài để được ở lại trong tình yêu của Ngài, như Ngài tuân giữ lệnh truyền của Cha và ở trong tình yêu của Cha (Ga 15,10). Ngài cũng xin Chúa Cha làm vinh Danh Ngài để Ngài tôn vinh Chúa Cha và ban sự sống vĩnh cửu cho tất cả những ai mà Chúa Cha ban cho Ngài :

"Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin hãy tôn vinh Con Cha,

ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha !

Như Cha đã ban cho Ngài quyền trên mọi xác phàm,

ngõ hầu toàn thể những gì Cha đã ban cho Ngài,

thì được Ngài ban cho sự sống đời đời" (Ga 17,1-2).

Trong các đoạn văn Kinh Thánh được đề cập ở trên, điều nổi bật nhất mà ai cũng nhận ra là sự tùy thuộc của Đức Giêsu vào Thiên Chúa : một sự tùy thuộc đầy lòng yêu mến, tin tưởng, toàn diện và tuyệt đối. Đức Giêsu giới thiệu tương quan tùy thuộc này cho các môn đệ như một gương mẫu phải theo. Chúng ta có thể coi đó là đời sống tôn giáo sâu sắc, thâm thúy và cảm động nhất của Đức Giêsu, là tình yêu khao khát, tình yêu khiêm tốn mà Ngài muốn mạc khải cho các môn đệ vào lúc cuối đời, khi Ngài mong mỏi trở về cùng Chúa Cha :

"Nếu các ngươi yêu mến Ta,

các ngươi vui lòng vì Ta đi đến với Cha,

bởi vì Cha lớn hơn Ta" (Ga 14,28).

Đức Giêsu không muốn các môn đệ ngăn cản Ngài chịu chết, vì việc Ngài trở về cùng Chúa Cha có ích lợi cho họ.

Sự gắn bó giữa Đức Giêsu và Chúa Cha là thái độ của "con người Giêsu", đồng thời vượt trên khía cạnh thuần túy nhân loại. Sứ mạng của Đức Giêsu là một sứ mạng thần linh, không phải chỉ là một ơn gọi như các ơn gọi khác trước hoặc sau Ngài. Ngài do Chúa Cha sai đến để thi hành Thánh Ý Chúa (Ga 12,49). Ngài là Đấng Vinh Hiển từ muôn thuở bên cạnh Chúa Cha :

"Và bây giờ xin Cha tôn vinh Con nơi Cha,

trong vinh quang Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian" (Ga 17,5).

Hơn mọi ai khác, Gioan chiêm ngưỡng một Đức Giêsu Kitô duy nhất ; ông không chia cắt Đức Kitô. Đối với ông, Đức Kitô vừa là Ngôi Lời hay Chúa Con, vừa là xác phàm hay con người cụ thể. Trong tương quan giữa Đức Giêsu Kitô với Thiên Chúa, Gioan vừa nhận ra sự tùng phục của con người Giêsu, vừa nhìn thấy liên hệ mật thiết và vĩnh cửu giữa Chúa Con và Chúa Cha :

"Con không thể làm điều gì tự mình,

nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm" (Ga 5,19).

2. Chúa Cha có sự sống thần linh trong mình như thế nào, Người cũng đã cho Chúa Con có sự sống thần linh như vậy (Ga 5,26). Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Chúa Con đến thế gian và Chúa Con sống nhờ Chúa Cha. Ai ăn Ngài sẽ sống nhờ Ngài, như Ngài sống nhờ Cha (Ga 6,57).

Quyền năng của Đức Kitô do Chúa Cha ban cho và hoàn toàn giống như Quyền-năng của Chúa Cha. Chúa Cha là Nguồn Gốc, là Khởi Nguyên từ đó phát sinh ra mọi sự, và Chúa Con cũng là Đấng ban phát cho chúng ta mọi ơn lành.

Tất cả những gì Chúa Con có và làm đều do Chúa Cha ban cho. Chúa Cha ban cho Chúa Con các công việc để chu toàn (Ga 5,36). Người ban cho Chúa Con sự sống trong Người (Ga 5,26), ban cho Chúa Con đặc quyền phân xử (Ga 5,22-27), ban cho Chúa Con quyền năng trên mọi tạo vật (Ga 17,2).

Nói tắt, Chúa Cha ban cho Chúa Con tất cả, ban cho Chúa Con mọi sự trong tay (Ga 3,35 ; 13,3). Tất cả những gì của Cha là của Con (Ga 16,15). Mọi sự của Con là của Cha (Ga 17,10). Hồng ân Chúa Cha ban cho Chúa Con là một hồng ân toàn diện, vĩnh cửu và bất diệt. Đó là cách Gioan diễn tả sự đồng nhất và khác biệt giữa Chúa Con và Chúa Cha. Tất cả đều bởi Cha, nhưng Con cũng có tất cả và trọn vẹn.

3. Chúa Con luôn luôn hợp nhất với Chúa Cha, và vĩnh viễn thuộc về Chúa Cha. Chúa Con nội tại trong Chúa Cha và Chúa Cha nội tại trong Chúa Con :

". để hết thảy chúng nên một,

cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha,

và thế gian tin là Cha đã sai Con" (Ga 17,21).

Ngài hành động và Chúa Cha hành động trong Ngài (Ga 14,11). Nếu không tin Ngài, hãy tin ở những công việc Ngài làm vì đó là những công việc của Chúa Cha :

"Nếu Ta không làm các việc Cha Ta, các ngươi đừng tin Ta ! Còn nếu ta làm, cho đi các ngươi không tin chính mình Ta, thì hãy tin vào các việc ấy, ngõ hầu các ngươi biết và cầm chắc luôn rằng : Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha" (Ga 10,37).

Đức Giêsu đã chỉ cho các môn đệ thấy các công việc của Chúa Cha, vì Chúa Cha đã làm việc liên lỉ trong Ngài.

Gioan chiêm ngắm sự hiệp nhất giữa Chúa Con và Chúa Cha trong hành động và trong hiện hữu. Chúa Cha được vinh hiển trong Chúa Con và Chúa Con cũng được vinh hiển trong Chúa Cha :

"Bây giờ Con Người đã được tôn vinh

và Thiên Chúa đã được tôn vinh nơi Ngài.

Nếu Thiên Chúa đã được tôn vinh nơi Ngài,

thì Thiên Chúa cũng tôn vinh Ngài trong chính mình Người,

và ngay đây Người sẽ tôn vinh Ngài" (Ga 13,31-32).

Chúa Con là Đường dẫn tới Chúa Cha theo nghĩa đặc biệt : Ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha :

"Đã bao lâu rồi, Ta ở với các ngươi, thế mà, Philíp, ngươi đã không biết Ta ư ?

Ai thấy Ta là đã thấy Cha,

làm sao ngươi nói : xin tỏ cho chúng tôi thấy Cha !" (Ga 14,9).

Nhưng không thể biết Ngài, nếu không đồng thời biết Chúa Cha ở trong Ngài. Sự sống vĩnh cửu là nhận biết Chúa Cha và Chúa Con là Đấng Chúa Cha sai đến thế gian (Ga 17,3). Không thể tách biệt Chúa Con và Chúa Cha : "Ai chối Chúa Con là chối từ Chúa Cha, ai tuyên xưng Con là tuyên xưng Cha" (1 Ga 2,23-24).

Có người phân biệt các đoạn Kinh Thánh của Gioan về tương quan giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa ra làm hai loại : một loại nhấn mạnh sự tùy thuộc, loại kia nhấn mạnh sự đồng nhất và ngang hàng. Nhưng nhận định này mới chỉ là nhận định bề mặt. Suy nghĩ sâu hơn, chúng ta sẽ khám phá tính duy nhất sống động của thần học Gioan về Chúa Kitô và Chúa Cha : sự tùy thuộc của Chúa Con đối với Chúa Cha không những không gây phương hại cho sự duy nhất và ngang hàng giữa Chúa Con và Chúa Cha, mà còn là tiêu chuẩn hướng dẫn chúng ta quan niệm đúng đắn và sâu xa sự duy nhất giữa Con và Cha. Thánh Gioan chiêm ngưỡng trong con người Đức Giêsu Con Thiên Chúa Hằng Sống, đầy quyền năng và thánh thiện của chính Thiên Chúa. Ngài là Sự Sống từ Sự Sống, Ánh Sáng từ Ánh sáng, Thiên Chúa thật từ Thiên Chúa thật.

Chúa Con không tự ý làm điều gì, cũng không có gì mà không do Chúa Cha, vì giữa Chúa Con và Chúa Cha, tất cả đều đồng nhất và là một : bản tính, sự sống, hành động.

Sự hiệp thông giữa Chúa Con và Chúa Cha là gương mẫu và lý tưởng của đời sống ki-tô-hữu. Chính Chúa Thánh Thần soi sáng cho ki-tô-hữu biết được là Chúa Kitô ở trong Chúa Cha, và họ sẽ ở trong Chúa Kitô như Chúa Kitô ở trong họ (Ga 14,20). Như Chúa Con và Chúa Cha là một, các ki-tô-hữu phải hiệp nhất với nhau trong các Ngài, để thế gian nhận biết Đức Kitô do Chúa Cha sai đến (Ga 17,21).

ĐỨC GIÊSU KITÔ NGÔI LỜI CỦA THIÊN CHÚA

1. Nguồn gốc của từ ngữ :

Văn hóa Hy-lạp và Do-thái-giáo thời Đức Giêsu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn danh từ LOGOS để diễn tả chân tính của Đức Kitô. Thần học Cựu Ước về Lời Thiên Chúa và Khôn Ngoan Thiên Chúa cũng ảnh hưởng rất nhiều trên thần học Gioan. Nhưng tất cả những ảnh hưởng đó đều không phải là cốt yếu. Yếu tố quyết định và cơ bản trong thần học Gioan về Ngôi Lời, chính là niềm tin và cảm nghiệm tôn giáo của Cộng-đồng ki-tô-hữu, đặc biệt là kinh nghiệm riêng của Gioan, người đã sống với Đức Giêsu tại thế và đã gặp gỡ Đức Kitô phục sinh. Ngoài ra còn có nhiều con đường khác dẫn tới giáo thuyết Kitô-học của Gioan : quan niệm "Lời" trong Ki-tô-giáo sơ khai ; chủ đề "Lời Chúa được gieo vãi trong các tâm hồn" của các Phúc âm Nhất lãm ; chủ đề "Đức Kitô - Khôn ngoan của Thiên Chúa" trong các thư Phaolô.

Trong Phúc âm Nhất lãm và Công vụ các Tông đồ, Lời được đồng hóa với "Phúc âm" hay "Tin Mừng". Lời ám chỉ "Giáo huấn của Chúa Kitô" (Mc 2,2 ; 4,14 ; Mt 13,19 ; Lc 5,1 ; Cv 10,30) ; hoặc "Lời Rao Giảng của các Tông đồ về Chúa Kitô" (Cv 4,4 ; 6,2 ; 8,4 ; 10,36 ; 11,1 ; 13,5 , 16,6 ; 19,20). Lời còn ám chỉ cuộc Tử nạn - Phục sinh của Chúa Kitô (Mc 8,32). Các từ ngữ "Lời Chúa", "Lời của Vương Quốc", "Mầu nhiệm Nước Trời", "Tin Mừng". thường được dùng lẫn lộn và có ý nghĩa tương đương.

Giữa chủ đề căn bản trong Phúc âm Nhất lãm là "Nước Thiên Chúa" và cách tự xưng "Ego eimi" (Ta là) của Chúa Kitô trong Phúc âm Gioan có một liên hệ tiềm tàng, nhưng mật thiết.

Các phép lạ Chúa Giêsu làm minh chứng Nước Thiên Chúa đã bắt đầu hiện diện, đồng thời mạc khải con người Đức Giêsu là Đấng khai trương Nước Thiên Chúa ở trần gian. Các phép lạ là dấu chỉ ơn cứu độ cánh chung đã đến trong con người Đức Kitô :

"Các ông hãy đi tin lại cho Gioan mọi điều tai nghe mắt thấy : mù được sáng mắt và què được đi, phung hủi được sạch, và điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại, và người nghèo khó được nghe báo Tin Mừng." (Mt 11,4-5 ; Lc 7,22)

Nước Trời là kho báu giấu trong thửa ruộng, là viên ngọc trai đắt giá ; muốn có được, phải bán tất cả gia sản mà mua lấy (Mt 13,44-46). Muốn làm môn đệ Đức Giêsu, phải bán tất cả của cải, từ bỏ dứt khoát mọi ràng buộc trần thế (Mc 10,17-21 ; Mt 19,16-21 ; Lc 18,18-22). Thái độ đối với Nước Thiên Chúa ngấm ngầm mọc lên là hình ảnh của Đấng Cứu Thế hiện diện âm thầm giữa loài người. Vương quốc cánh chung thường đi đôi với "Con Người Quang Lâm Vinh hiển" (Mc 8,38 ; Lc 9,26-27).

Trong Phúc âm Nhất Lãm, Nước Trời được ví như hạt giống. Trong Gioan, Đức Giêsu là hạt lúa mì chôn xuống đất, phải mục nát đi để trổ sinh hoa quả (Ga 12,24). Trong Matthêu, con người được mời gọi đi qua cửa hẹp để vào sự sống (Mt 7,13-14). Trong Gioan, Đức Giêsu vừa là Cửa, là Đàng và là Sự Sống (Ga 10,7-9 ; 14,6). Trong Phúc âm Nhất Lãm, Nước Trời được ví như một vườn nho ; trong Phúc âm Gioan, chính Đức Giêsu là cây nho :

"Cây nho đích thực, chính là Ta !

và Cha Ta là người canh tác.

Nhánh nào trong Ta không sinh hoa quả Người chặt nó đi ;

còn nhánh nào sinh hoa quả, thì Người tỉa sạch,

để nó sinh quả nhiều hơn" (Ga 15,1-2).

Trong Luca, lòng nhân từ của Thiên Chúa được diễn tả bằng hình ảnh người chăn chiên đi tìm chiên lạc (Lc 15,4-7). Trong Gioan, Đức Giêsu là Mục tử tốt lành :

"Người chăn chiên tốt, chính là Ta !

Người chăn chiên tốt thí mạng sống mình vì chiên" (Ga 10,11).

Trong Công vụ các Tông đồ, Luca thường "chủ vị hóa" Lời của Thiên Chúa. Trong Lời Tựa Phúc âm, Luca nói đến những người đã chứng kiến và phục vụ cho Lời từ lúc ban đầu ; ông ám chỉ những chứng nhân cho đời sống tại thế của Đức Giêsu. Còn Gioan thì nói đến Lời Hằng Sống mà các môn đệ đã nghe, đã thấy, đã chiêm ngưỡng và chạm tới, và các ông làm chứng cho Lời ấy.

Trong Marcô, việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả, phép Rửa của Đức Giêsu, những lời giáo huấn đầu tiên và các phép lạ người làm là những bước đầu của sự mạc khải Lời hay Tin Mừng của Thiên Chúa.

Trong Giáo Hội sơ khai, việc chủ vị hóa Lời không phải là một lối hành văn "nhân cách hóa" các ý tưởng trừu tượng, nhưng là một sự xác tín : Mạc khải trọn vẹn hay Lời của Thiên Chúa, nền tảng của Giao ước mới, không thể tách lìa khỏi con người Đức Giêsu. Ở lại trong Lời hay ở lại trong Đức Giêsu là một thực tại như nhau (Ga 8,31 ; 15,7 ; 1 Ga 2,24).

Phaolô cũng nối kết chặt chẽ "Tin Mừng" với con người Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng được loan báo không gì khác hơn là Đức Giêsu Kitô :

"Trong khi Do-thái đòi có dấu lạ, và Hy-lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Vị Kitô bị đóng đinh, cớ vấp phạm cho Do-thái, sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những ai được kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, thì lại là chính Đức Kitô, Quyền Năng của Thiên Chúa, và sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa" (1 Cr 1,22-24).

Đối với Phaolô, những thành ngữ như "Tin Mừng", "Tin Mừng Đức Kitô", "Tin Mừng Thiên Chúa", "Lời Thiên Chúa", "Lời Đức Kitô", "Lời". ám chỉ giáo huấn của các Tông đồ mà nội dung chính yếu là con người Đức Giêsu Kitô.

Phaolô là tác giả đầu tiên trong Tân Ước đã gán cho Đức Kitô vai trò sáng tạo (1 Cr 8,6). Trong bài Thánh thi Kitô của thư Côlôsê (1,15-20), Đức Kitô được hình dung giống như "Khôn Ngoan của Thiên Chúa" đóng vai trò trung gian tạo dựng và cứu độ.

Nói tóm lại, Gioan và các tác giả Tân Ước khác đều ý thức là, trước khi có Giáo huấn của các Tông đồ về con người Đức Giêsu được gọi là Lời, đã có những lời lẽ do chính con người Giêsu lịch sử nói ra. Nhưng trong Phúc âm Gioan đặc biệt hơn trong các tác phẩm khác, cả con người lịch sử lẫn con người thần linh của Đức Giêsu đều nổi bật. Các môn đệ phải ở lại trong lời của Đức Giêsu (Ga 8,31), và vâng giữ lời ấy, như Đức Giêsu đã vâng giữ lời của Chúa Cha (Ga 8,51-55 ; 14,21-24 ; 15,10), vì Lời của Đức Giêsu là Lời của Chúa Cha và mạc khải những bí nhiệm của Chúa Cha. Ngoài những lời lẽ của Đức Giêsu gắn liền với con người của Ngài, tất cả những hành vi, cử chỉ và công việc của Ngài đều mạc khải "chân tính" của Ngài.

Trong Gioan, lời nói và hành động của Đức Giêsu là mạc khải thần linh cao nhất mà Thiên Chúa ban cho con người. Qua lời nói và hành động, Đức Giêsu không những biểu lộ chính mình, mà còn biểu lộ Chúa Cha là Đấng Đồng Nhất với Ngài. Từ lời mạc khải lịch sử, Gioan đã bước qua "Lời Siêu Lịch Sử".

2. Ý nghĩa

Tương quan giữa Ngôi Lời và Thiên Chúa

Bàn về từ LOGOS mà Gioan dùng trong Lời Tựa của Phúc âm thứ tư, các nhà Kinh Thánh và thần học đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau, tựu trung chia làm hai khuynh hướng :

- Khuynh hướng đề cao ý nghĩa chức năng

- Khuynh hướng đề cao ý nghĩa hữu thể.

Theo Cullmann, Đức Kitô được gọi là Logos, vì Ngài là Đấng Mạc Khải. Ngài là Vị Thiên Chúa hướng về thế giới, nói với nhân loại. Khi mạc khải Thiên Chúa, Ngài hoàn tất chương trình cứùu độ của Thiên Chúa.

Theo Dupont, Logos là Lời Sáng Tạo do vai trò trung gian trong công việc tạo dựng ; là Lời Sự Sống, vì có chức năng cứu thế trong Lịch sử cứu độ ; là Lời Xét Xử trong vai trò Thẩm phán cánh chung. Tương quan giữa Ngôi Lời và Thiên Chúa là một tương quan chức năng. Lời được Thiên Chúa sai đến để thi hành chức năng mạc khải cứu độ theo chương trình Thiên Chúa hoạch định.

Khuynh hướng thứ hai nhấn mạnh đến thần tính của Lời nhiều hơn và cho rằng, tuy không sinh ra bởi Chúa Cha theo kiểu nhân loại, Lời phát sinh từ Chúa Cha trong chính tác dụng tư duy của Chúa Cha. Lời nội tại trong tư tưởng Chúa Cha trước khi được nói ra.

Một số giáo-phụ như Justin, Irénée, Origène giải thích theo lối này, và thần học kinh-viện cũng tiếp nối và đưa ra cùng một giải thích, khi đề cập đến "sự sinh ra thiêng liêng, tinh thần" của Ngôi Lời (generatio spiritualis, intellectualis).

Cả hai khuynh hướng đều đúng, nhưng chỉ đúng một phần.

Dĩ nhiên, tương quan giữa Ngôi Lời và Thiên Chúa cũng là một tương quan chức năng. Lời đóng vai trò mạc khải. Nhưng cả Cựu Ước cũng là Lời. Lời Kinh Thánh là lời mạc khải, vậy thì Đức Kitô, xét là Lời, có khác với Lời Kinh Thánh không ?

Khi so sánh với Lời Kinh Thánh, đương nhiên chúng ta phải nghĩ rằng Đức Kitô là "Lời Bản Thể" (Parole substantielle). Chức năng gắn liền với bản thể. Tương quan chức năng xây dựng trên tương quan hữu thể. Lời mạc khải trọn vẹn Thiên Chúa, vì Lời ở nơi Thiên Chúa và là Thiên Chúa.

Theo một số nhà chú giải hiện đại, câu đầu tiên và câu cuối cùng của Lời Tựa, tác giả dùng thể "đối từ" (accusatif) sau các giới từ "Pros", "Eis", có ý diễn tả tương quan sống động giữa Ngôi Lời và Thiên Chúa. Từ đời đời, Ngôi Lời hướng tới Chúa Cha để đón nhận sự sống và sự hữu từ Chúa Cha. Từ đời đời, Ngôi Lời đối thoại với Chúa Cha.

Nói tóm lại, không nên tiên thiên khai trừ tương quan hữu thể hoặc tương quan chức năng, khi đề cập tới liên hệ giữa Ngôi Lời và Thiên Chúa trong Lời Tựa Phúc âm Gioan. Tương quan hữu thể tiềm tàng, làm nên, làm "phông" cho tương quan chức năng. Gioan thường xuyên nghĩ đến Đức Giêsu lịch sử mà ông đã thấy, đã nghe và đã sờ mó. Và để cho con người dễ đón nhận ánh sáng cứu độ do sự mạc khải của Đức Giêsu, nhà thần học Gioan nhấn mạnh đến sự cao cả của Đấng Mạc Khải. Ông nêu lên chân tính của Đấng Mạc Khải : Ngài là Ngôi Lời Bản Thể, nên Ngài diễn tả trọn vẹn tư tưởng và ý muốn của Thiên Chúa ; Ngài biểu lộ chính Thiên Chúa, ai thấy Ngài là thấy Thiên Chúa.

III. THÁNH THẦN TRONG TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA GIÊSU VÀ CÁC MÔN ĐỆ

Trong Tân Ước, Thánh Thần tiên vàn là đối tượng kinh nghiệm của Cộng đồng Dân Chúa. Kinh nghiệm này đa diện và mang nhiều sắc thái, nhưng đồng thời gắn liền với tính duy nhất của Cộng đồng :

"Đặc sủng chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thần Khí. Phục vụ chia làm nhiều, nhưng cũng là một Chúa. Kỳ công chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thiên Chúa, Đấng ra uy làm nên mọi sự nơi mọi người. Hết thảy mọi điều ấy, cũng một Thần Khí độc nhất ra uy làm nên, phân chia cho mỗi người mỗi cách, như Ngài muốn" (1 Cr 12,4-6. 11).

Kinh Thánh Tân Ước nhìn Chúa Thánh Thần dưới nhiều diện và các diện bổ túc cho nhau làm thành một toàn thể duy nhất.

A. Matthêu và Marcô

Matthêu và Marcô rất gần gũi với Cựu Ước.

Giống như trong Cựu Ước, Thánh Thần được quan niệm như một sức mạnh thần linh phát xuất từ Thiên Chúa và hoạt động trong Đức Giêsu Kitô.

Phạm thượng chống lại Thánh Thần là không công nhận quyền năng của Thiên Chúa tác động qua các hành vi của Đức Giêsu Kitô :

"Quả thật, Ta bảo các ngươi : Mọi sự sẽ được tha cho con cái loài người, mọi lời lộng ngôn, tất cả những điều chúng lộng ngôn ; còn ai lộng ngôn đến Thánh Thần, thì không được tha thứ cho đến đời đời ; nó mắc tội bất diệt". Vì họ nói : Ông ấy có thần ô uế (Mc 3,28-30 ; Mt 12,31-32).

Sự hiện diện tác động của Thánh Thần gắn liền với Vương quốc Thiên Chúa, vì Thánh Thần là Dấu hiệu của thời cánh chung. Phép Rửa trong Thánh Thần hoàn tất phép rửa trong nước của Gioan Tẩy Giả. Thánh Thần thanh tẩy và kết án tội lỗi trong những ai đón nhận Người.

Đức Giêsu đã lãnh nhận Thánh Thần và bắt đầu sứ mạng Messia sau khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Thánh Thần biểu lộ và làm chứng cho tương quan của Đức Giêsu Kitô với Thiên Chúa, xác nhận Thiên Chúa hành động trong Đức Giêsu :

"Và xảy ra là trong những ngày ấy, Đức Giêsu bỏ Nazarét, xứ Galilê, và đã được Gioan thanh tẩy cho trong sông Jordan. Vừa lên khỏi nước, Ngài thấy trời xé ra và Thần Khí, như chim câu, đáp xuống trên Ngài ; và một tiếng phát ra từ trời : "Con là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ" (Mc 1,9-11 ; Mt 3,16-17).

Trong Phúc âm Mt 1,18-21, Thánh Thần được quan niệm như một quyền năng sáng tạo, tác động đặc biệt trên Đức Trinh Nữ Maria, nhờ đó đứa trẻ sinh ra sẽ mang tên là Giêsu và sẽ là Đấng Cứu Thế :

"Đức Giêsu Kitô sinh ra thế này : Maria, Mẹ Ngài đã đính hôn với Giuse ; trước khi ông bà phối hợp cùng nhau, thì xảy ra là bà đã có thai do Thánh Thần. bà sẽ sinh con, và ông sẽ đặt tên cho người con là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi".

Theo Matthêu và Marcô, Cộng đồng Dân Chúa đã cảm nghiệm được Hồng Ân Thánh Linh như Dấu Tích của Thiên Chúa niêm ấn trên họ, làm cho họ trở nên một dân tộc thánh thiện của thời cánh chung. Hồng ân này đặt nền tảng trên niềm tin vào Chúa Kitô. Cộng đồng ý thức rằng Thiên Chúa gặp gỡ dân Người qua Đức Giêsu Kitô. Tương quan giữa Thánh Thần và Chúa Giêsu làm nổi bật cương vị đặc biệt và vai trò cánh chung của Chúa Giêsu. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện thực sự và trọn vẹn như chưa từng có bao giờ.

Matthêu và Marcô mô tả Đức Giêsu như Đấng có uy quyền thần linh vượt trên mọi ngôn sứ đến trước Ngài, vì những gì Thánh Thần hoàn tất trong Ngài. Ngài đến để đánh dấu những ngày sau cùng là thời gian hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Thánh Thần cũng hoạt động trong các môn đệ như đã hoạt động trong Chúa Kitô. Họ khỏi phải lo lắng phải đối đáp thế nào, ăn nói làm sao trước tòa án thế gian, vì Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong họ :

"Khi người ta nộp các ngươi, thì các ngươi đừng lo phải nói làm sao hay nói gì : vì ngay giờ đó sẽ cho các ngươi biết phải nói gì, vì không phải các ngươi nói, mà là Thần Khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi" (Mt 10,19-20 ; Mc 13,11).

B. PHÚC ÂM LUCA VÀ SÁCH CÔNG VỤ CÁC TÔNG ĐỔ

So với Matthêu và Marcô, quan niệm của Luca về Thánh Thần mới mẻ và phong phú hơn.

Luca dường như muốn tránh hình ảnh của Cựu Ước coi Thánh Thần như một sức mạnh đột nhập bất ngờ vào một con người và hành động trong con người ấy. Thay vì nói : "Thánh Thần xua Đức Giêsu vào sa mạc để chịu cám dỗ" (Mc 1,12), Luca nhấn mạnh là "Đức Giêsu, đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Jordan và được Thần Khí đưa vào sa mạc" (Lc 4,1). Đức Giêsu là một chủ thể chủ động, mặc dù hành vi của Ngài thực hiện trong Thánh Thần và Thánh Thần cư ngụ trong Ngài.

Luca đặc biệt nhấn mạnh đến biến cố Đức Kitô nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Thần Khí không những tác động trên con người của Maria, mà còn hành động trên những con người khác có liên hệ tới biến cố Nhập Thể, như Zacaria, Êlisabét, Gioan Tẩy Giả, nữ tiên tri Anna. Dưới tác động của Thần Khí, nhiều người nhận ra thời kỳ Thiên sai cứu độ.

Một số nhà chú giải duy lý cho rằng bài tường thuật của Luca trong Phúc âm thời niên thiếu chịu ảnh hưởng của các thần thoại Hy-lạp, hoặc các chuyện hoang đường miền Mêsôpôtamia về nguồn gốc và xuất xứ của các vị anh hùng. Nhưng khoa chú giải hôm nay cho thấy rằng thánh Luca xây dựng bài tường thuật của ông dựa trên các thể văn của Cựu Ước và chịu ảnh hưởng một số tư tưởng thần học quan trọng trong Cựu Ước.

Sinh bởi Thần Khí, Đức Giêsu là Đấng có đầy Thần Khí. Và vì có đầy Thần Khí từ lúc ban đầu, Đức Kitô là Đấng ban phát Thần Khí sau khi Ngài phục sinh :

"Và này Ta sắp sai đến trên các ngươi điều Cha Ta đã hứa ! Về phần các ngươi, hãy ngụ lại trong thành cho đến bao giờ các ngươi được mặc lấy mãnh lực Trên ban !" (Lc 24,49).

"Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại ; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy. Vậy được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa, Ngài đã lĩnh nơi Cha ơn đã hứa là Thánh Thần mà đổ xuống, đó là điều các ông thấy được và nghe được" (Cv 2,32-33).

Đức Giêsu không phải là đối tượng của tác động Thần Khí, nhưng Thần Khí Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn nơi Ngài, rồi từ Ngài và qua Ngài sẽ tác động trên Cộng đồng Dân Chúa. Mọi tác động của Thánh Thần đều là hành vi của Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Ki-tô-hữu có Chúa Thánh Thần là có chính Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Họ có thể tin tưởng vào sự can thiệp luôn đổi mới của Thánh Thần.

Một sắc thái khác của thần học Luca về Chúa Thánh Thần là nhấn mạnh khía cạnh hữu hình của tác động Thánh Thần. Thánh Thần Hiện Xuống dưới hình bồ câu hay lưỡi lửa và tạo nên những hiện tượng phi thường trong thiên nhiên hay trong con người, như động đất, nói tiếng lạ. :

"Khi thời gian đã mãn, đến lễ Năm Mươi, mọi người cùng nhau đang tề tựu một nơi ; thì bỗng xảy đến tự trời một tiếng rào rào như thể do cuồng phong thổi đến, vang dậy cả nhà, nơi họ đang ngồi. Và họ thấy những lưỡi như thể là lửa phân tán dần mà đậu trên mỗi người trong họ. Và hết thảy họ được đầy Thánh Thần, và bắt đầu nói những tiếng lạ, tùy theo Thần Khí ban cho họ phát ngôn" (Cv 2,1-4).

"Họ cầu nguyện rồi, thì chỗ họ nhóm họp rung chuyển, và hết thảy, họ được đầy Thánh Thần ; và họ đã cứ ngang nhiên nói Lời Thiên Chúa" (Lc 4,31).

Dù nhấn mạnh tới Thánh Thần, thần học của Luca vẫn có chiều hướng Kitô-Trung tâm (Christocentrique) : con người được cứu độ nhân Danh Đức Giêsu, nhờ tin vào Ngài, cầu nguyện với Ngài, tiếp xúc với Ngài, và nhờ sức mạnh phát ra từ Ngài :

"Tất cả dân chúng tìm cách rờ đến Ngài vì có sức thiêng tự Ngài xuất ra mà chữa họ hết thảy" (Lc 6,19).

Tuy có nói tới phép lạ, Luca nhấn mạnh nhiều hơn đến Lời rao giảng của các Tông đồ. Cộng đồng dân Chúa thời cánh chung là cộng đồng ngôn sứ rao truyền Đức Kitô trong sức mạnh Thánh Thần. Lời tiên tri Giôel mà Luca trích lại trong Công vụ các Tông đồ 2,17-18 tiêu biểu cho quan niệm thần học của Luca về trạng thái, vai trò và sứ mạng của Giáo Hội thời Thiên sai :

"Sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, Thiên Chúa phán :

Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên mọi xác phàm.

Và con trai, con gái các ngươi sẽ tuyên sấm,

thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến,

kẻ già lão trong các ngươi sẽ chiêm điềm mộng.

Và cả trên các tôi trai, tớ gái của Ta,

Trong những ngày ấy, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta xuống,

và chúng sẽ nói tiên tri !"

Thời gian của Giáo Hội là thời gian hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần được hứa ban cho tất cả những ai tin vào Chúa Kitô. Đời sống cầu nguyện của ki-tô-hữu phải hướng tới Chúa Thánh Thần. Nếu kiên trì cầu xin, ki-tô-hữu chắc chắn sẽ nhận được Thánh Thần là Hồng ân trọn hảo nhất mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội :

"Vậy nếu các ngươi, tuy là ác, còn biết lấy của lành làm quà cho con, thì huống hồ là Cha các ngươi, tự trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người" (Lc 11,13).

Trong phép Rửa nhân Danh Chúa Giêsu, ki-tô-hữu nhận lãnh Chúa Thánh Thần, và ai chịu phép Rửa không nhân danh Chúa Giêsu thì không có Thánh Thần (Cv 19,1-7). Niềm tin vào Chúa Kitô thanh tẩy và chuẩn bị tâm hồn ki-tô-hữu đón nhận Thánh Thần.

Thánh Thần gắn liền chặt chẽ với Giáo Hội, với phép Rửa và với nghi thức đặt tay của cácTông đồ (Cv 8,14-17), nhưng Thánh Thần cũng hoạt động theo ý Người muốn, vì không có gì ràng buộc được Người.

C. THẦN HỌC CỦA PHAOLÔ VỀ CHÚA THÁNH THẦN

Thần học của Phaolô về Chúa Thánh Thần, rất phức tạp, phong phú và gồm nhiều sắc thái. Các quan niệm ông trình bày không phải là những quan niệm thuần túy lý thuyết, nhưng phát xuất từ một niềm tin sâu xa, từ một tâm hồn đầy tràn Thánh Thần. Phaolô nói với kinh nghiệm sống. Chính bản thân ông đã nhận rất nhiều ơn Thánh Thần, nào là ơn ngôn ngữ, ơn thị kiến, ơn mạc khải. và ông cũng đã chứng kiến các ơn lành mà các tín hữu đã lãnh nhận. Tất cả các ơn đều do Thánh Thần đang tác sinh Thân Thể huyền nhiệm của Đức Kitô. Mọi ân sủng đều do một Thánh Thần duy nhất nhằm xây dựng một Thân mình duy nhất (1 Cr 12,4-13).

Thánh Thần là ơn sủng phổ quát trong Giáo Hội : "Mọi người chúng ta đều được giải khát bằng cùng một Thánh Thần" (1 Cr 12,13). Thánh Thần còn là ơn sủng cần thiết để được kết hiệp với Chúa Kitô : "Ai không có Thánh Thần của Chúa Kitô, người ấy không thuộc về Chúa Kitô" (Rm 8,9). Do đó, sống trong Chúa Kitô và sống trong Thánh Thần là một thực tại như nhau. Chúng ta được công chính hóa trong Thánh Thần và trong Chúa Kitô, thánh hóa trong Chúa Kitô và trong Thánh Thần, cắt bì trong Chúa Kitô và trong Thánh Thần. không thể tách rời tác động của Chúa Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Kitô tác động trên tâm hồn con người nhờ Chúa Thánh Thần. Đức Kitô không chỉ là gương mẫu, là lý tưởng, nhưng còn là nguồn sống của mọi người, là Đầu của mọi chi thể. Nếu không có Thánh Thần nối kết các chi thể, thì sự kết hiệp với Chúa Kitô chỉ là ảo ảnh.

Con người nhận lãnh sự sống thần linh khi chịu phép Rửa, nhưng sự sống không trọn vẹn ngay từ lúc ban đầu, mà triển nở dần dần trong cuộc đời và được biểu lộ bằng những hoa quả như "tình yêu, niềm vui, bình an, sự nhẫn nhục, lòng tốt, lòng nhân từ, đức tin, sự dịu hiền, lòng trong sạch" (Ga 5,22-23). Để làm sáng tỏ tác động của Thánh Thần, Phaolô mời gọi các tín hữu so sánh hoàn cảnh của họ trước đây và cuộc sống mới, so sánh cuộc sống theo xác thịt và cuộc sống theo Thần Khí : xác thịt thì yếu đuối, Thánh Thần là sức mạnh ; xác thịt là nơi tội lỗi và sự chết cư ngụ, Thánh Thần là nguồn gốc sự công chính và sự sống ; ai sống theo xác thịt thì làm những hành vi thuộc về xác thịt, ai sống theo Thần Khí, thì mang những hoa quả của Thần Khí.

Khác với luật của Cựu Ước, luật của Thánh Thần là luật nội tâm, là ánh sáng và là sức mạnh. Ai sống theo luật của Thần Khí, có những tư tưởng của Thần Khí, biết được những huyền nhiệm của Thiên Chúa, nhận ra đường lối của Người :

"Vì Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nhờ Thần Khí, bởi Thần Khí dò thấu mọi sự, cả những chiều sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Quả thế ai trong loài người biết được những điều có trong người ta, nếu không phải là thần khí nhân loại có trong kẻ ấy ? Cũng vậy, những điều có trong Thiên Chúa, không ai biết được, trừ phi là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần ta, không phải thần khí của thế gian mà ta đã chịu lấy, nhưng là Thần Khí do tự Thiên Chúa, ngõ hầu ta nhận biết các điều Thiên Chúa đã thi ân xuống cho ta. Các điều ấy, chúng tôi nói lên không phải bằng những lời lẽ học đòi nơi sự khôn ngoan của loài người, nhưng là bằng những lời lẽ Thần Khí dạy cho, đem những điều thần thiêng giãi bày cho hạng người thần thiêng" (1 Cr 2,10-13).

Sự soi sáng của Thánh Thần là mạc khải nội tâm, do sự kết hiệp giữa Thánh Thần của Thiên Chúa và tinh thần của con người.

Người ki-tô-hữu luôn luôn được Thánh Thần thúc đẩy. Chính Thánh Thần củng cố họ, khiến không có gì lay chuyển được, dù là tội lỗi, dù là sự chết hay hỏa ngục. Sức mạnh Thánh Thần chiến thắng tội lỗi và sự khôn ngoan thế gian. Trong sức mạnh Thánh Thần, tín hữu có thể làm được mọi sự.

Thánh Thần là nguồn sự sống trong Đức Kitô phục sinh vinh hiển. Con người vừa có sự sống vừa chưa có, con người đã được cứu độ, nhưng còn chờ đợi ơn cứu độ cánh chung ; con người chỉ là hoa quả đầu mùa và còn đang rên rỉ, khao khát sự sống viên mãn. Và chính Thánh Thần, khi hoàn tất công trình của Thiên Chúa, sẽ cho thân xác được phục sinh :

"Nếu Thần Khí của Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em, nhờ bởi Thần Khí của Người cư ngụ trong anh em" (Rm 8,11).

Cũng giống như trong Cựu Ước, Thánh Thần được ví như ánh sáng, sức mạnh, sự sống và là nguồn mọi đặc sủng, là nguyên lý sự thánh thiện, v.v. Ánh sáng của Thánh Thần không chỉ lóe lên trong đêm tối, nhưng chiếu tỏa trên toàn diện cuộc sống sự sáng của Chúa Kitô phục sinh :

"Vì xưa kia anh em là tối tăm, nhưng nay, trong Chúa, anh em là sự sáng ; anh em hãy đi đứng như con cái sự sáng" (Ep 5,8).

Thánh Thần không ban cho con người một sức mạnh lạ thường, nhưng ban cho tinh thần con người sức mạnh của Chúa Kitô. Người thánh hóa các tín hữu để họ trở thành hôn thê của Chúa Kitô, thánh thiện và tinh tuyền. Sự thay đổi trong thần học về Chúa Thánh Thần phát xuất từ ki-tô-học của Phaolô : chính trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã mạc khải sự khôn ngoan, sức mạnh, sự sống, sự thánh thiện ; và vì Chúa Kitô là Trưởng Tử giữa muôn vàn anh em, những ơn sủng thần linh Ngài có sẽ được thông ban cho mọi người. Và Thánh Thần của Ngài là nguồn gốc sự sống thần linh trong các ki-tô-hữu.

Một số thành ngữ của Phaolô như : Thiên Chúa ban cho anh em Thánh Thần của Người, đổ tràn Thánh Thần của người trong tâm hồn chúng ta. (Rm 5,5 ; Ga 3,5 ; Ep 1,77 ; 1Th 4,8 ; Tt 3,6), có thể khiến chúng ta coi Thánh Thần như một sức mạnh vô hình, nhưng có nhiều cách nói khác làm nổi bật chủ vị tính của Chúa Thánh Thần : Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta (Rm 8,9), chúng ta là đền thờ của Thánh Thần (1 Cr 6,19). Thánh Thần bầu cử cho chúng ta (Rm 8,27), Thánh Thần được Thiên Chúa sai đến với chúng ta (Gl 4,6).

Thánh Thần phân biệt với Chúa Kitô, nhưng gắn bó mật thiết với Ngài và Thiên Chúa Cha, do đó được gọi là : Thánh Thần Thiên Chúa, Thánh Thần của Chúa Cha, Thánh Thần của Chúa Con. Những thành ngữ này chưa làm nổi bật đặc tính thừa sai của Thánh Linh như trong Phúc âm Gioan. Chúng chỉ nhấn mạnh khía cạnh nguồn gốc : vinh quang, uy quyền, sự sống. là của Chúa Kitô vì sự phục sinh của Ngài. Ki-tô-hữu chỉ được tham gia vào những đặc ân đó khi được tham dự vào Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh.

Trong các thư của Phaolô, chủ vị tính của Thánh Thần không được rõ ràng như tác động của Ngài. So sánh với Thánh Thần, chủ vị tính của Chúa Kitô rõ ràng hơn. Đức Kitô đã sống và đã chết như một người. Ngay cả trong giai đoạn tiền hữu cũng thế, Ngài cũng có tính Ngôi Vị rõ ràng hơn.

Thánh Phaolô ít đi trực tiếp vào huyền nhiệm thâm sâu của đời sống nội tại trong Thiên Chúa, nhưng ngài đề cập nhiều hơn đến sự sống thần linh trong tâm hồn các tín hữu. Chính ở đây, chúng ta khám phá ra tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta nhận biết được các Ngài.

D. THẦN HỌC CỦA GIOAN VỀ CHÚA THÁNH THẦN

1. Tổng hợp

Có thể chia các bản văn của Gioan nói về Chúa Thánh Thần làm ba nhóm :

- Nhóm 1 : từ đoạn 1 đến đoạn 13 tường thuật về sứ vụ của Đức Giêsu.

- Nhóm 2 : từ đoạn 14 đến đoạn 21 nói đến cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô.

- Sau cùng là thư thứ I của Gioan (5,5-12).

Trong phần I, giáo lý về Chúa Thánh Thần chưa được dồi dào như những phần sau. Gioan thỉnh thoảng đề cập đến. Trong câu chuyện với người phụ nữ Samari, Đức Giêsu khẳng định Thiên Chúa là Thần Linh, nên phải thờ phượng Ngài trong Thánh Thần và Chân Lý. Trong câu chuyện với Nicôđêmô, Đức Giêsu bảo phải tái sinh bằng Thánh Thần mới được vào Nước Thiên Chúa, vì ai sinh bởi xác thịt là xác thịt, ai sinh bởi thần linh mới là thần linh (3,5-6). Kể lại biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Gioan nhấn mạnh đến Thánh Thần đậu xuống trên Đức Kitô và làm chứng rằng chính Ngài là Đấng sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần. Và Thánh Thần đậu trên Ngài là do Chúa Cha ban trọn vẹn. Nhưng chỗ khác Gioan lại nói rằng chưa có Thánh Thần, vì Con chưa được tôn vinh (7,39).

Trong phần II, nhất là trong diễn từ sau bữa ăn tối, giáo lý về Chúa Thánh Thần được trình bày đầy đủ và rõ ràng hơn tất cả những nơi nào khác trong Tân Ước. Ở đây Thánh Thần được coi như là một chủ vị. Mặc dù từ ngữ Pneuma là giống dở, Gioan vẫn dùng đại danh từ Eikenos là giống đực áp dụng cho Thánh Thần. Thánh Thần được gọi là Đấng An Ủi, Đấng Bầu Cử.

Gioan phân biệt rõ ràng Thánh Thần với Chúa Kitô. Thánh Thần được Chúa Cha sai đến nhân Danh Chúa Con, khi Chúa Con ra đi, Người sẽ sai Thánh Thần đến, Thánh Thần sẽ làm vinh hiển Chúa Con.

Tương quan giữa Thánh Thần và Chúa Con rất giống tương quan giữa Chúa Con và Chúa Cha. Thánh Thần làm chứng cho Chúa Con như Chúa Con làm chứng cho Chúa Cha. Ngài làm vinh hiển Chúa Con như Chúa Con làm vinh hiển Chúa Cha. Ngài không nói gì tự mình như Chúa Con không nói gì tự mình mà không do bởi Chúa Cha. Ngài do Chúa Con sai đến như Chúa Con do Chúa Cha sai đến.

Nhưng tương quan này cũng có những khác biệt cơ bản. Không có chỗ nào nói rằng Chúa Thánh Thần sinh ra bởi Chúa Cha hay bởi Chúa Con. Thánh Gioan chỉ dùng từ ngữ "bởi" Chúa Cha, do đó thần học sau này dùng chữ nhiệm xuất để đặt tên cho tương quan kỳ diệu này. Trong tương quan với Thánh Thần, Chúa Con vẫn tùy thuộc Chúa Cha : Ngài sai Thánh Thần đến từ nơi Cha, nhưng tất cả những gì của Cha là của Con. Chúa Cha vẫn luôn luôn là Khởi Nguyên.

Trong thư thứ I Gioan, Thánh Thần làm chứng cho việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Ngài là chứng từ cùng với nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Đức Giêsu. Cũng như Đức Kitô là Chân Lý, vì làm chứng cho Chúa Cha, Thánh Thần cũng là Chân Lý, vì làm chứng cho Đức Kitô.

Khác với Phaolô, Gioan nhìn Hồng Ân Thánh Thần dưới khía cạnh đời sống thần linh hiện tại của người ki-tô-hữu.

2. THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG BẦU CHỮA (Paraclet)

10. Thánh Thần Bầu Chữa và thế gian

Thánh Thần mà Chúa Giêsu hứa ban sẽ không tỏ mình ra cho thế gian, vì thế gian không nhận ra Người :

"Thần Khí sự thật, thế gian không thể lĩnh nhận, vì nó không thấy cũng không biết Ngài." (Ga 14,17).

Thế gian tự nó bất lực, không thể nhận biết Hồng Ân cứu độ. Ngay cả con người, tự mình, cũng không thể đến với Chúa Giêsu :

"Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha, Đấng sai Ta, không lôi kéo nó." (Ga 6,44).

Không ai có thể tự mình nghe và hiểu Lời của Chúa Giêsu và tin tưởng vào Ngài :

"Tại sao Ta nói năng mà các ngươi không hiểu ?

Là vì các ngươi không thể nghe Lời Ta." (Ga 8,43).

Niềm tin vào Chúa Giêsu vừa là điều kiện, vừa là biểu hiện của Hồng Ân Thánh Thần. Thế gian không lãnh nhận Thánh Thần vì không thấy và không biết Người hành động trong con người, sứ vụ và lời nói của Chúa Giêsu (Ga 1,32 ; 3,34 ; 6,63).

Chúa Cha ban Thánh Thần Chân Lý cho nhân loại trong Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu, nhưng thế gian không đủ điều kiện tiếp nhận.

20. Thánh Thần và các môn đệ

Trường hợp của các môn đệ khác với thế gian ; Chúa Cha chắc chắn sẽ ban Thánh Thần cho họ :

"Và Ta sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác, để Ngài ở với các ngươi luôn mãi." (Ga 14,16).

Các môn đệ có thể lãnh nhận Chúa Thánh Thần, vì họ được chuẩn bị từ lúc Đức Giêsu còn tại thế. Đức Giêsu là Đấng đã sống giữa họ, mà Thánh Thần đã hoạt động trong Ngài từ lúc ấy, do đó sẽ ở giữa họ một cách trọn vẹn hơn, sau khi Ngài phục sinh và lên cùng Chúa Cha. Mặc dù còn thiếu hiểu biết, họ đã gắn bó với Chúa Giêsu và tin tưởng rằng Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa :

"Simon Phêrô đáp lại Ngài : Lạy Ngài, chúng tôi bỏ đi theo ai ? Ngài có những lời đem đến sự sống đời đời" (Ga 6,68).

Kinh nghiệm khởi đầu của các môn đệ khi tiếp xúc với Chúa Giêsu là điều kiện đủ để họ lãnh nhận Thánh Thần mà Chúa Cha ban để ở với họ luôn mãi. Thánh Thần sẽ giúp đỡ và phù trợ cho họ, sẽ bảo vệ họ chống lại những khó khăn phải đương đầu trong thế gian. Hơn thế nữa, Thánh Thần sẽ ở trong họ. Người sẽ hiện diện tác động bên trong tâm hồn họ. Người cư ngụ trong họ và củng cố niềm tin của họ vào Chúa Giêsu :

". Còn các ngươi biết Ngài,

vì Ngài lưu lại nơi các ngươi và ở trong các ngươi" (Ga 14,17).

30. Nguồn gốc và sứ vụ của Chúa Thánh Thần

Chúa Giêsu đóng một vai trò tích cực trong việc sai phái Chúa Thánh Thần, với tư cách là Con Yêu Dấu của Chúa Cha, được thừa hưởng trọn vẹn gia nghiệp của Chúa Cha. Chính vì thế mà trong Tin Mừng Gioan, có chỗ nói rằng Chúa Giêsu sẽ gởi Thánh Thần đến từ nơi Cha (15,26), chỗ khác lại khẳng định : Chúa Cha sẽ sai Thánh Thần đến nhân Danh Chúa Giêsu (14,26).

Dĩ nhiên, Chúa Cha vẫn là Nguồn gốc đầu tiên của sứ vụ Thánh Thần. Nhưng Chúa Con cũng là Nguồn gốc của sứ vụ.

Thánh Thần được sai đến nhân Danh Chúa Kitô, và sứ vụ của Ngài là mạc khải Chúa Kitô, loan báo cho nhân loại biết Thực Danh của Chúa Kitô là Con Thiên Chúa. Ngài là Đấng khơi dậy niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ngài đóng vai trò giáo huấn. Ngài dạy dỗ các môn đệ và nhắc nhở cho các ông tất cả những gì Đức Giêsu đã nói với các ông :

"Nhưng Đấng Bầu Chữa,

Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân Danh Ta,

Chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự và nhắc các ngươi nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các ngươi" (Ga 14,26).

Có người cho rằng, ngoài việc lập lại những điều Đức Giêsu đã dạy, Thánh Thần còn loan báo những điều khác nữa. Nhưng lối giải thích này sẽ dẫn đến một hệ lụy rất nguy hiểm : giáo huấn của Chúa Thánh Thần độc lập với giáo huấn của Chúa Giêsu.

Thực ra, Chúa Thánh Thần không đưa đến cho các môn đệ một Tin Mừng mới so với Tin Mừng của Chúa Giêsu : tất cả đều đã được mạc khải trong cuộc sống và giáo huấn của Chúa Giêsu. Xét dưới khía cạnh này, vai trò của Chúa Thánh Thần tùy thuộc vào Mạc Khải do Chúa Giêsu đưa đến.

Nhưng giáo huấn của Chúa Giêsu phải đi sâu vào tâm hồn các tín hữu. Và chính Thánh Thần sẽ nội giới hóa giáo huấn của Chúa Giêsu, khơi dậy đức tin sống động để đón nhận giáo huấn. Cách dạy dỗ của Chúa Thánh Thần là đi sâu vào con tim của mỗi một người.

Nói tắt, giáo huấn đến từ Chúa Cha, được thông ban do Chúa Con và thấm nhập tâm can nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Bản chất của giáo huấn của Thánh Thần được xác định bởi từ ngữ "nhắc lại". Các môn đệ sẽ nhớ lại lời nói và hành động của Đức Giêsu, sẽ khám phá, sau biến cố Phục sinh, ý nghĩa đích thực và tầm quan trọng của các lời nói và hành động ấy :

"Các điều ấy, môn đồ của Ngài trước tiên không hiểu : nhưng khi Đức Giêsu đã được tôn vinh, bấy giờ họ nhớ lại là các điều ấy đã được viết về Ngài, và đó cũng là những điều người ta đã làm cho Ngài" (Ga 12,16).

Do đó vai trò của Thánh Thần không phải chỉ là nhắc lại suông như một chiếc máy ghi âm, để cho các môn đệ khỏi quên, nhưng là làm cho họ thấu hiểu tự bên trong giáo huấn của Chúa Giêsu, làm sáng tỏ những tiềm năng và tất cả sự phong phú chứa đựng trong đó. Chính nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà sứ điệp của Chúa Giêsu không còn là ngoại lai, mà trở thành Lời ban sự sống.

Thánh Thần sẽ dẫn các môn đệ vào tất cả sự thật của Chúa Giêsu và về Chúa Giêsu, về giáo huấn, hành vi và con người của Ngài. Thánh Thần sẽ mạc khải "Huyền nhiệm Chúa Giêsu" cho Giáo Hội. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng sẽ thông báo điều Người nghe từ Chúa Giêsu, cũng như Chúa Giêsu không nói gì tự mình, nhưng mọi sự đều do Chúa Cha dạy bảo (Ga 8,28 ; 12,50).

Nói cách khác, Mạc khải của Thánh Thần "giải thích" Mạc khải của Chúa Giêsu, hiện đại hóa Mạc khải ấy, và vì thế, chiếu giãi ánh sáng Mạc khải ấy trên mọi biến cố, mọi thời đại.

40. Thánh Thần, Chứng nhân của Chúa Giêsu

Chúa Thánh Thần, xuất tự Chúa Cha, sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu. Người đóng vai trò quyết định trong cuộc "tranh kiện" giữa Chúa Giêsu và thế gian.

Trước sự đối kháng của thế gian, trước những cạm bẫy và lôi cuốn của thế gian, các môn đệ bị cám dỗ nghi ngờ, thất vọng và có thể sa ngã. Chính lúc ấy, Thánh Thần Chân Lý, Đấng Biện Hộ cho Đức Giêsu, sẽ can thiệp để làm sáng tỏ trong tâm hồn của các môn đệ hình ảnh của Chúa Giêsu. Người làm chứng cho sự thật của Chúa Giêsu và củng cố niềm tin cho các môn đệ.

Người sẽ vạch trần tội lỗi của thế gian cho các môn đệ được tường. Khi bị thử thách, họ được Người soi sáng để nhận ra sự sai lỗi của thế gian và chân lý của Chúa Giêsu.

Chứng từ của Chúa Thánh Thần sẽ hoàn tất chiến thắng của các môn đệ trên thế gian tội lỗi. Dưới tác động của Người, họ sẽ tìm thấy sức mạnh cần thiết để chống lại sự dối trá của thế gian và trung thành với Đức Giêsu.

Thánh Thần sẽ lên án thế gian về tội, vì nó đã không tin vào Đức Giêsu (Ga 16,9). Sự Công Chính của Chúa Giêsu làm sáng tỏ sự bất công của thế gian. Thánh Thần cho thấy rằng thế gian và đầu mục của nó đã bị xét xử trong chính "Giờ của Chúa Giêsu" lúc Ngài bị treo lên thập giá.

Nói tóm lại, Thánh Thần là Vị Thầy nội tâm làm sáng tỏ trong tâm hồn ki-tô-hữu gương mặt và giáo huấn của Chúa Kitô, làm cho trí tuệ của ki-tô-hữu thấm nhuần sứ điệp của Chúa Kitô, con tim ki-tô-hữu tràn ngập tình yêu Chúa Kitô, để nhờ đó họ có thể chiến thắng thế gian và trung thành với Thiên Chúa mãi mãi cho đến Ngày Đức Kitô trở lại.


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà