CHÚA THÁNH THẦN “ĐỒNG THIẾT LẬP” GIÁO HỘI

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc


Bài 3

 

 

VI. CHÚA THÁNH THẦN XÂY DỰNG GIÁO HỘI BẰNG LÒNG MẾN.

 

Đức Kitô sống trong chúng ta, và chúng ta là con cái Thiên Chúa trong Con Yêu Dấu. “Chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta ; Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta” (1Ga 4, 13). Thánh Thần được ban, làm cho chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1, 4). Sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta là hồng ân của Thiên Chúa (Ep 2, 3), là công trình của Chúa Thánh Thần : “Thiên Chúa  đã  đổ  tình  yêu của Người  vào trong chúng ta, nhờ  Thánh  Thần  mà Người  ban  cho  chúng  ta (Rm 5, 5).

 

Chúng ta tin Chúa Thánh Thần... Đấng cư ngụ trong các thánh (DS 40). Sự hiện diện ấy được coi như là sự mới mẻ lớn nhất của thời Messia.

 

A. SỰ MỚI MẺ CỦA GIAO ƯỚC MỚI.

 

Các giáo phụ Hylạp nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai thời đại Cựu Ước và Tân Ước, cho rằng điều mới mẻ thời Messia không chỉ là tác động của Thánh Thần, mà là sự hiện diện của chính ngôi vị Thánh Thần. Truyền thống Latinh, bắt đầu từ thánh Tôma cho tới Dức Piô XII, mặc dù công nhận sự khác biệt giữa hai Giao Ước, cho rằng vẫn có sự liên tục : những Người công chính trong Cựu Ước được công chính hóa do tin vào Đức Kitô sẽ đến, và như vậy đã có Thánh Thần cư ngụ trong mình. Trong Công Đồng Arles năm 473, Lucido buộc phải tuyên xưng : “Tôi công nhận rằng trong dòng lịch sử, một số Người nhờ luật ân sủng, một số Người khác nhờ luật Môsê, một số Người khác nữa nhờ luật tự nhiên Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm con người, dự kiến việc Đức Kitô sẽ đến, những Người ấy được cứu rỗi” (DS 341).

 

1. Cựu Ước làm chứng về hoạt động của Thánh Thần, nhưng vẫn coi thời đại sẽ dến là thời đại của Thánh Thần. Thánh Thần sẽ được ban cho mọi Người và ở sâu trong mọi Người : “Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới. Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một Thần Khí mới, Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thịt  mình các ngươi. Ta  sẽ ban cho  các ngươi tấm  lòng thịt. Ta sẽ  ban xuống Thần Khí của Ta”  (Ed 36, 26-27)

 

2. Còn tất cả Tân Ước như một loan báo hồng ân Nhập Thể, Vượt Qua và Hiện Xuống. Truyền thống Tân Ước phân biệt rất rõ phép rửa của Gioan bằng nước và phép Rửa của Đức Giêsu bằng Thánh Thần (Mc 1, 8 ; Ga 1, 33 ; Cv 11, 15). Phaolô nhấn mạnh sự vượt trội của nhiệm cục mới : “Đấng ban cho chúng tôi phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí” (2Cr 3, 6). Lúc thông ban Thần Khí, chính là lúc Vượt Qua : “Bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Kitô chưa được tôn vinh” (Ga 7, 39).

 

3. Tân Ước không phủ nhận ảnh hưởng cứu độ của Đức Kitô dội lại thời Cựu Ước : “Tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả đều chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê. Tất cà cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 10, 1-4).

 

Chúng ta có thể trở lại câu hỏi vậy thì Tin Mừng của Đức Giêsu có diều gì thực sự cốt yếu là mới không ? Nếu hồng ân Thánh Thần như nhau trong cả hai thời đại, phải chăng Đức Giêsu chỉ gây ý thức về một hồng ân đã lãnh nhận rồi ?

Nếu cho rằng Kitô-giáo không có gì thực sự mới mẻ, vai trò của Giáo Hội chỉ là gây ý thức, làm cho các tín hữu bước từ một Kitô-giáo vô danh sang một Kitô-giáo ý thức. Như vậy Mạc Khải chỉ là thông tri. Hiến chế tín lý về Mạc Khải cho thấy Mạc Khải chính là sự tự hiến của Thiên Chúa (MK 1). Sự tự hiến ấy thể hiện trong lịch sử, mỗi giai đoạn đều có cái mới. Không thể hoàn toàn đồng hóa thời kỳ trước Phục Sinh và thời kỳ sau Phục Sinh. Việc Thánh Thần được ban xuống thực sự khai trương một lịch sử mới. Quan điểm Latinh có nguy cơ giảm thiểu sự mới mẻ của Thánh Thần do Đức Kitô ban cho, giới hạn ơn cứu chuộc vào công nghiệp của Chúa Giêsu. Trong thời đại Cựu Ước, Thiên Chúa đã phân phát ân sủng vì công nghiệp ấy rồi. Thực ra ân sủng Tân Ước không chỉ do công nghiệp bởi cái chết, mà là ơn hiệp thông đồng hóa với Đức Kitô Tử Nạn-Phục Sinh trong Thánh Thần.

 

B. HỒNG ÂN THÁNH THẦN.

 

Thánh Thần được thông ban cho nhân loại là một chủ đề lớn trong mạc khải Kinh Thánh . Thời đại Messia được mô tả như thời đại mà Thánh Thần được tuôn đổ (Is 11, 1-2 ; 42, 1 ; 61, 1). Thánh Thần không những được ban cho Đấng Messia, mà cho mọi Người để làm cho họ biến đổi sâu sắc (Is 32, 15-18 ; Ed 36, 26).

 

Theo Tân Ước, Đức Kitô là Đấng hoàn tất các lời sấm ngôn về Đấng Messia, vì Thánh Thần Thiên Chúa ngự trên Ngài (Lc, 4, 18-21 ; Ga 1, 33). Ngài sẽ là Đền Thờ Mới (Ga 2, 19-22), từ đó có nước Thánh Thần chảy ra (Ga 7, 38-39). Theo Phaolô, các kitô-hữu cùng với Đức Kitô làm nên một Đền Thờ mới trong đó có Thánh Thần Thiên Chúa cư ngụ (1Cr 3, 16 ; 6, 19 ; Ep 2, 22 ; Rm 8, 11). Tất cả ơn cứu độ nằm ở chỗ  lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Con : “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Abba, Cha ơi !” (Gl 4,6). Bằng chứng việc chúng ta ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta, là Người đã ban Thánh Thần của Người cho chúng ta (1Ga 4, 13).

 

Chúng ta có thể tự hỏi : tương quan giữa Người công chính với Chúa Thánh Thần, là tương quan riêng biệt với Ngôi Ba, hay chỉ là được gán cho Ngài ? Công việc thánh hóa là đặc biệt của Thánh Thần, hay là của chung Ba Ngôi và chỉ gán cho Chúa Thánh Thần ?

 

1. Sinh hoạt nội tại trong Ba ngôi là riêng của từng ngôi vị, còn trong sinh hoạt đối ngoại là chung cho cả Ba Ngôi. Nhưng phải phân biệt hai trạng từ indivise indistincte. Ví dụ Tạo Dựng là công việc chung của cả Ba Ngôi. Nhưng Chúa Cha tạo dựng với tư cách là Cha, nghĩa là Tình Yêu khởi nguồn, Chúa Con tạo dựng với tư cách là Con, nghĩa là Tình Yêu được sinh ra, và Chúa Thánh Thần với tư cách là Tình Yêu hay là Hồng Aân của Cha và Con.

 

2. Công Đồng Constantinope minh chứng thần tính của Chúa Thánh Thần, dựa trên công việc thần hóa của ngôi vị Thánh Thần.

 

3. Aân sủng trong chúng ta là kết quả của các sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta thực sự thông phần các nhiệm xuất vĩnh hằng của các Ngài. Chúng ta hiệp thông thực sự với Chúa Kitô và Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần là Tình Yêu thông hiệp.

 

4. Có thể so sánh với biến cố Ngôi Lời Nhập Thể. Tuy Nhập Thể là công trình của cả Ba Ngôi, nhưng chỉ có Ngôi Con làm người, chứ không phải hai ngôi vị kia. Còn trong việc công chính hóa, chính Thánh Thần được sai đến để công chính hóa từng Người (Gl 4, 4t). Thánh Tôma nhấn mạnh rằng các công việc của Người tín hữu có ơn thánh, là do Thánh Thần nhiều hơn do chính Người tín hữu.

 

5. Aân sủng là chính Thánh Thần, Đấng đưa chúng ta vào sự hiệp thông Ba Ngôi, trong đó Chúa Cha không ngừng sinh ra Chúa Con và ban tặng cho người công chính trong Thánh Thần. Ơn thụ tạo (Grâce crée), chính là sự đón nhận hồng ân thần linh không tách rời khỏi Đấng ban ơn, là cuộc sống đã được biến đổi nhờ Thánh Thần, là tự do đã được ban và đồng hóa với tự do của Thánh Thần. Aân sủng không là đồ vật, nhưng là sự sống.

 

C. NHỮNG HỒNG ÂN CỦA HỒNG ÂN : ĐOÀN SỦNG VÀ THỪA TÁC VỤ.

 

Một số người có khuynh hướng đối lập đoàn sủng và cơ chế và họ hay nại đến Phaolô. Nhưng nếu đọc kỹ các thư Phaolô, chúng ta có thể thấy những điểm sau :

1. Phaolô nhắc tới chữ đoàn sủng nhiều hơn cả (16/17 lần trong Tân Ước). Nhiều chỗ trong thư 1 Côrintô, Phaolô nói đến các đoàn sủng thật là phong phú trong Giáo Hội : “Khi anh em hội họp, người thì hát thánh ca, người thì giảng dạy, người thì nói lời mạc khải, người thì nói tiếng lạ, người thì giải nghĩa : tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh” (1Cr  14, 26). Trong chương 12 của thư 1 Côrintô, Phaolô có hai danh sách liệt kê đoàn sủng. Danh sách I (1Cr 12, 8-10) kể ra các thứ đoàn sủng rất đa dạng, không theo thứ tự. Danh sách II (1Cr 12, 28) như đề ra một phẩm trật đoàn sủng : “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các tiếng lạ”.

 

2. Chính Phaolô đôi khi tỏ ra dè dặt. Thường ngài đề cao những ơn kín đáo nhiều hơn, ví dụ sự khôn ngoan, tri thức, đức tin, ơn nói tiếng lạ được kể sau cùng. đức ái được coi như là đoàn sủng vượt trên mọi đoàn sủng (1Cr 12, 31 - 13, 1t).

 

3. Thay vì đối lập cơ chế với đoàn sủng. Ngay cả khi nói đến các đoàn sủng và sinh hoạt cộng đoàn, Phaolô lưu ý : “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an” (1Cr 14, 33). Phaolô thường xuyên nhấn mạnh đến sự duy nhất trong Hội Thánh : “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người”. (1Cr 12, 4-6).

 

Gắn liền với từ ngữ đoàn sủng, còn có từ ngữ thừa tác vụ. Phaolô xác tín mình nhận lãnh thừa tác vụ Tông Đồ không từ tay cộng đoàn, mà từ Đấng Phục Sinh (Gl 1, 1 ; 1Cr 9, 17).

 

Bắt đầu từ thế kỳ II mới có sự căng thẳng giữa cơ chế và đoàn sủng, khi phái Montan xuất hiện chống lại mọi yếu tố vật chất và cơ chế. Jean Chrysostome là người đầu tiên chủ trương rằng khi Giáo Hội đã được thiết lập rồi, không cần đoàn sủng nữa. Quan điểm này chỉ hoàn toàn chấm dứt với Công Đồng Vatican II.

 

Từ Vatican I trở đi, yếu tố đoàn sủng không được coi như đi liền với cơ chế, nhưng chỉ là luật trừ, là ơn đặc biệt. Trong thông điệp Nhiệm Thể Chúa Kitô, Đức Piô XII vẫn còn cái nhìn đó. Vatican II nối kết trở lại hồng ân phẩm trật và đoàn sủng (diversis donis hierarchicis et charismatibus). Đức Gioan-Phaolô II cho rằng đối lập cơ chế với đoàn sủng là một điều quái dị. Sự đối lập ấy phát xuất từ sự đối lập Giáo Hội của Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa Thánh Thần, sứ vụ của Đức Kitô và sứ vụ của Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà sách Giáo Lý Chung nhấn mạnh nhiều đến sự nối kết giữa hai sứ vụ, của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần (SGL 689-690). Theo Tân Ước, hồng ân Thánh Thần có quan hệ mật thiết với Chúa Kitô Tử Nạn - Phục Sinh. Chính Ngài đã ban Thánh Thần cho Giáo Hội. Chúa Thánh Thần không thay thế Chúa Kitô, nhưng phục vụ công trình cứu chuộc của Đức Kitô.

 


Trở về Mục Lục