PHÚC ÂM THỜI NIÊN THIẾU
VÀ ĐỜI SỐNG ẨN DẬT CỦA ĐỨC GIÊSU


ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

I. PHÚC ÂM THỜI NIÊN THIẾU.

Muốn hiểu Phúc Âm thời Niên Thiếu, phải biết các lối hành văn mà Thánh Ký dùng để trình bày các biến cố.

- Sử văn (genre historique).

Các bài tường thuật muốn trình bày và giải thích biến cố đã xảy ra thực. Các nhà chú giải hiện đại đều đồng ý là tác giả Phúc Âm không muốn mô tả sự kiện đã xảy ra như thế nào, nhưng muốn làm nổi bật "ý nghĩa cưú độ" của biến cố được tường thuật. (Dường như tác giả giả thiết là các độc giả đã biết sự kiện).

- Mỹ văn (genre artistique).

Màu sắc "thẩm mỹ" cũng khá rõ rệt trong các bài tường thuật, cách xếp đặt các nhân vật, các "tình tiết" có vẻ rất chu đáo muốn làm nổi bật thái độ của các nhân vật và ý nghĩa của thái độ ấy. Các nhà chú giải đều đồng ý về điểm này, dù có những lối cắt nghĩa khác nhau.

- Midrash.

Lối tường thuật được xây dựng trên những bài tường thuật của Cựu Ước, cố ý làm nổi bật ý nghĩa của biến cố.

Các chi tiết, các cách nói và ngay cả các tình tiết, không nhằm thực tại đã xảy ra, nhưng nhằm giải thích ý nghĩa của điều đã xảy ra. Độc giả thời bấy giờ có lẽ ít chú ý tới những chi tiết lịch sử chính xác, nhưng lại bén nhạy hơn đối với những hình ảnh và tư tưởng trong Cựu Ước được gợi lên để soi sáng biến cố.

Có thể so sánh lối hành văn này với một bài ca có đệm nhạc. Nhạc có mục đích làm cho người nghe thưởng thức bài ca một cách lý thú hơn. Nhưng không dễ phân biệt đâu là nhạc đệm, đâu là bài ca, do đó, các nhà chú giải có nhiều ý kiến khác nhau.

P. Ortensio da Spinetoli viết :

Nếu Đức Giêsu không sinh ra ở Bethlem đi nữa thì điều này không có nguy hiểm cho đức tin, bởi vì bài tường thuật của Matthêu là một sự "bố trí" nhằm chứng minh Đức Giêsu bởi dòng dõi Đavít và là Đấng Messia. Nhưng cũng không có lý do gì để nghi ngờ việc Đức Giêsu sinh ra ở Bethlem (x. Mt 2,6 ; Mk 5,1). Chỉ có nghi vấn, không có bằng chứng.

Trong cuộc sống công khai, Đức Giêsu vẫn luôn luôn xuất hiện như người quê thành Nazareth, chứ không phải là người xứ Giuđêa.

Điều làm người ta ngạc nhiên là những chuyện Matthêu kể lại về sự bách hại của Hêrôđê, giết các hài nhi, trốn sang Aicập không có trong Phúc Âm Luca, là người "rất gần gũi với Maria". Điều này cho thấy Matthêu nhằm mục đích tôn giáo nhiều hơn. Nhưng không phải vì thế mà được phép nghi ngờ tất cả những gì ngài kể lại. (introduzione aivangeli dell "Infanzia, Paideia, Brescia, 1968).

Vai trò của nhà thần học là xác định ý nghĩa mà thánh ký gán cho biến cố, hoặc cho những chi tiết được tường thuật, sứ điệp các ngài muốn loan báo cho chúng ta.

Ví dụ rõ ràng là : Luca muốn làm nổi bật vai trò của Maria, khi dùng các từ ngữ "con gái Sion" hay "hòm bia Thiên Chúa". (Các nhà Thần học có nhiệm vụ phải tìm hiểu giá trị của các tước hiệu ấy).

Tóm lược ý nghĩa Thần học của Phúc Âm thời Niên Thiếu, chúng ta có thể nói như sau :

"Tác giả Phúc Âm Mt 1-2 nhằm mục đích giới thiệu cho độc giả "Đức Giêsu Kitô" : - Con người của Ngài (1,2-25) ; - Sứ mạng của Ngài (1,25 - 2,23). Ngài đến nhưng đã bị dân Ngài từ khước và bách hại ; nhưng sự đối kháng này không ngăn cản các dân ngoại đến cùng ngài và sự thực thi lời hứa. Thay vì là vua dân Dothái, Ngài đã trở thành vua dân ngoại : bài tường thuật là một tác phẩm có chủ đề riêng và nhằm chứng minh chủ đề đó.

Đối với Phúc Âm Luca cũng thế, chủ đích cốt yếu là chủ đích "giáo thuyết". Tác giả dùng những yếu tố thẩm mỹ và văn chương để loan báo một sứ điệp Kitô học và Thánh Mẫu học. Trung tâm điểm không phải là thời niên thiếu của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu, nhưng là sứ mạng của Đấng Cứu Thế và vai trò của Đấng Tiền Hô và của Đức Maria, Mẹ Ngài trong chương trình cứu độ.

Khác với Matthêu, sự nhận biết con người Giêsu Nazareth là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế không có màu sắc bi kịch, nhưng diễn tiến trong niềm hoan lạc đầy tràn, giữa muôn lời ca hát, tượng trưng cho niềm hạnh phúc được cứu độ.

II. ĐỜI SỐNG ẨN DẬT CỦA ĐỨC GIÊSU .

A. ĐỜI SỐNG ẨN DẬT.

Những lời loan báo và những bài tường thuật biến cố Giáng Sinh làm chứng các lời hứa thiên sai đã hoàn tất. Đấng Messia được loan báo cho những ai chờ đợi, những người nghèo của Giavê Thiên Chúa. Nhưng tại sao người ta không nhận ra sự hoàn tất ấy ?

Matthêu đã trả lời bằng cách nhấn mạnh tầm vóc chính trị và vũ hoàn của biến cố. Ông diễn tả mô phỏng theo những biến cố ghi dấu sự khai sinh Dân Chúa thời Xuất Hành :

- Một dấu hiệu xuất hiện trên trời (Mt 2,2.7.9)

- Dấu hiệu được các đạo sĩ nhận ra (2,2-12)

- Vua Hêrôđê để ý tới biến cố và sợ cho ngai vàng của ông (2,3-8).

- Giuse và Maria chọn cuộc sống lưu vong (2,14) và ẩn mình trong một làng vùng Galilê.

Nét sau cùng này làm cho ta thấy Môsê mới (Đức Kitô) có khuôn mặt Người Tôi Tớ khiêm nhường của Thiên Chúa.

Quan điểm của Luca hơi khác : sự Vô Danh của Hài Nhi Giêsu do ý muốn của Thiên Chúa ; Thiên Chúa muốn biểu lộ ân sủng của Người mà không đảo lộn hoàn cảnh những con người đón nhận. Luca lấy lại chủ đề những người nghèo của Giavê là những người vô danh, khiêm nhường, bị khinh dể, nhưng được Thiên Chúa yêu thương.

Đức Maria chỉ là một thiếu nữ bình dân, là tôi tớ của Thiên Chúa, nhưng vinh quang của Thiên Chúa đậu lại trên Người.

Đức Giêsu sinh ra trong những điều kiện tương đối bi đát, nhưng các thiên thần ca ngợi vinh quang Ngài. Các mục đồng nghèo khó, với cái nhìn tinh tế, đã nhận ra vinh quang của Thiên Chúa trong sự nghèo nàn.

Đức Giêsu và Đức Maria tuân thủ hết các tập tục, nghi lễ Dothái, và làm theo cương vị người nghèo. Những người tiếp nối dòng dõi người nghèo Giavê, không ngừng trông chờ ơn cứu độ, đã nhận ra Vua Messia và Ánh Sáng muôn dân.

Đức Giêsu, khi được tìm thấy trong đền thờ, đã cho cha mẹ ngỡ ngàng biết một phần nào sự trọng đại của huyền nhiệm bản thân Ngài, để rồi sau đó đi sâu vào đời sống vâng phục bình thường trong rất nhiều năm. Người ta hầu như không biết gì về Ngài ; Ngài đồng hoá với những người đồng trang lứa đến mức độ họ không thể tin vào Ngài, khi Ngài bắt đầu đóng vai trò Ngôn Sứ (Lc 4,16-30).

Có thể giải thích sự vô danh của thời Niên Thiếu Đức Giêsu như sau : Ngài thừa hưởng gia nghiệp những người nghèo của Giavê. Gương Mặt trọn hảo nhất trong số họ là hình ảnh Người Tôi Tớ mà Isaia mô tả trong các chương 52 - 53. Đức Giêsu là một Messia Tôi Tớ. Các tác giả ngụy thư không chấp nhận điều đó, và đã làm cho cuộc đời niên thiếu của Đức Giêsu đầy những phép lạ. Họ phủ nhận sứ mạng của Đức Giêsu theo như Tin Mừng diễn tả.

B. Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA THỜI KỲ ẨN DẬT.

Khi viết Đức Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta (Lc 2,52), dường như Luca muốn biện minh cho thời gian ẩn dật lâu dài của Đức Giêsu ở Nazareth, coi đó như sự trưởng thành cần thiết để lo công việc loan báo Nước Thiên Chúa. Sự biện minh này hòa hợp với quan điểm Thần học về Đấng Messia Tôi Tớ Giavê.

Theo thánh Irênê, Thiên Chúa "nhập thể" để làm quen với con người, và tập cho con người làm quen với Thiên Chúa. Nơi con người Giêsu, Thiên Chúa học sống chung với con người, và dạy con người sống chung với Thiên Chúa. Thiên Chúa như muốn "thuần hóa" con người, và con người thì tập quen với Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, không nên nhìn lối suy nghĩ của Irênê trên bình diện tâm lý. Irênê nhằm "ý nghĩa thần học" của mầu nhiệm Nhập thể : Thiên Chúa làm người để con người trở thành thần linh. Sự trao đổi kỳ diệu này không chỉ là ý tưởng mà là thực tế. Nhập Thể thực sự là một tiến trình làm người của Thiên Chúa nơi Con của Người - (humanisation de Dieu en son Fils). Không có Nhập Thể, nếu Chúa Con không đi vào chiều dày của thân phận con người.

Các sách Tin Mừng, chứng từ của lời rao giảng, không mô tả đời sống ẩn dật của Đức Giêsu. Đó là đời sống của một con người ởø Nazareth, một con người thường, không có gì đặc biệt. Con người ấy không có ảnh hưởng trên vận mệnh của quê hương xứ sở. Ngài không là một anh hùng, cũng không là một siêu nhân. Thân phận của Ngài bình thường và không đáng dừng lại, nếu không phải là để nhấn mạnh khía cạnh "thường nhật" của cuộc sống Ngài.

Mô tả đời sống ẩn dật của Đức Giêsu có nghĩa là mô tả môi trường sống của Ngài, những liên đới của Ngài : dòng tộc, làng xã, thời đại, tôn giáo. Trong 30 năm, Đức Giêsu đã chia sẻ vận mệnh của mỗi con người quê ở Nazareth. Cá tính của Ngài không nổi bật. Ngài không để lại điều gì trong lịch sử thời ấy.

Ngài thuộc về đám đông vô danh mà không ai biết đến.

Các sách ngụy thư không chịu nổi sự lu mờ này. Thiên Chúa không thể sống như một con người thường, các sách ấy gán cho Đức Giêsu nhiều phép lạ.

Tin Mừng Luca và Matthêu thì nói tới "nguồn gốc thần linh, siêu việt" của Đức Giêsu. Đức Giêsu ẩn dật ấy là Đấng Messia, là Môsê mới, là Chúa, là Con Thiên Chúa.

Ngài vẫn là Con Thiên Chúa dù là thân phận "người thường", Ngài là như thế trong chính thân phận ấy. Nhân tính của Đức Giêsu không chỉ là "bên ngoài". Nhân tính ấy thực sự là của chúng ta, Đức Giêsu đã trưởng thành dần theo như đòi hỏi của thân phận làm người.

Có điều chắc chắn là Ngài không hoàn toàn xuất thân từ trần thế. Nhưng ngài đã đâm rễ vào lịch sử trần gian. Ngài là "cánh cửa mở ra" chiều kích siêu việt. Sự xuất hiện của Ngài khai sinh cho một nhân loại mới, đồng thời vẫn là lịch sử nhân loại tiếp diễn. Đức Giêsu ban cho lịch sử ấy một bộ mặt thần linh, nhưng không phải chỉ bên ngoài, chỉ lý tưởng, mà là bám rễ trong thân phận con người ; đó là bộ mặt thần linh của thân phận chúng ta. Năm 451, Công Đồng Chalcédoine khẳng định Ngài "đồng bản thể" (consubstantiel) với chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Như vậy, những năm ẩn dật của Đức Giêsu có giá trị thần học rất cao. Những năm ấy mời gọi chúng ta không nên suy tư về Đức Giêsu như một lý tưởng trừu tượng : Ngài là một cá nhân với tất cả những giới hạn của cá nhân. Đồng ý Đức Giêsu là Ađam mới, là Con Người Phổ Cập. Nhưng điều đó không biến Ngài thành một ý tưởng nhân loại trừu tượng. Ngài vẫn mang dấu vết của dân tộc, gia đình và thời đại. Chính qua những giới hạn lịch sử ấy, Ngài sẽõ đến nối kết mọi người, không phải dù có những giới hạn ấy, mà là trong chính những giới hạn ấy. Không được phép chối bỏ nguồn gốc Dothái vùng Galilê của Đức Giêsu. Việc nhận biết Ngài cách thiêng liêng không phủ nhận lịch sử và cá tính của Ngài. Tri thức "thần học" về Ngài không được coi thường con người cụ thể của Ngài. Tri thức ấy chỉ là Thần học thực sự, khi con người cụ thể của Ngài không còn là cớ vấp phạm mà lại là trung gian.

Cám dỗ của thần học là dừng lại ở chân lý trừu tượng, gạt bỏ những hệ luận cụ thể. Người ta tin rằng Ngài là người thật, nhưng lại gán cho Ngài một tri thức siêu phàm, một tâm lý đặc biệt không liên hệ gì với con người chúng ta. Người ta bỏ đi "chiều dày" của nhân tính. Những năm ẩn dật và sự "trưởng thành" mà Luca đề cập mời gọi chúng ta hãy coi chừng khuynh hướng "ưa sự lạ" của chúng ta. Khuynh hướng ấy có thể đưa chúng ta tới chỗ chối việc Chúa Con tự mạc khải nơi "con người" (dans l’humain). Con Thiên Chúa đã cho Thiên Chúa một bộ mặt nhân loại, không phải bằng cách làm tan vỡ bộ mặt ấy, mà bằng cách đảm nhận thân phận bình thường nhất của con người. Kitô-giáo loan báo bộ mặt nhân loại của Thiên Chúa.

III. QUAN ĐIỂM SÁCH GIÁO LÝ MỚI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ THỜI NIÊN THIẾU VÀ ĐỜI SỐNG ẨN DẬT CỦA ĐỨC GIÊSU.

Khoa Kitô-học cổ điển ít lưu tâm đến các mầu nhiệm đời sống Đức Giêsu (les mystères de la vie de Jésus), coi các mầu nhiệm ấy như không cần thiết cho suy tư hệ thống về Chúa Kitô. Mà chỉ để dành cho khoa tu đức học. Điều đó làm cho khoa Kitô-học trở nên nghèo nàn và khô khan. Ngày nay, người ta không bằng lòng với quan điểm coi khoa thần học như một khoa lý thuyết. Thần học là học về Chúa, mà học về Chúa là để sống.

Về phương diện này, quan điểm của Sách Giáo Lý mới rất rõ. Sách Giáo Lý thường xuyên nhắc đến việc sống giáo lý. Và đó là mẫu mực Huấn Quyền đưa ra cho thần học hôm nay : "tất cả những gì Đức Kitô đã sống, Ngài làm cho ta có thể sống những điều ấy nơi Ngài, và Ngài sống những điều ấy nơi chúng ta... Chúng ta được kêu gọi nên một với Ngài ; điều Ngài đã sống trong xác phàm vì chúng ta và làm gương cho chúng ta, Ngài đã cho chúng ta được thông hiệp như là chi thể Thân Mình của Ngài" (Số 521).

A. MẦU NHIỆM CHUẨN BỊ.

Việc con Thiên Chúa đến trần gian là một biến cố vô cùng lớn lao ; Thiên Chúa đã muốn chuẩn bị từ nhiều thế kỷ trước. Nghi thức và hy lễ, hình ảnh và biểu tượng của giao ước cũ (Dt 9,15), Thiên Chúa hướng tất cả về Chúa Kitô. Ngài loan báo bởi miệng các tiên tri tiếp nối nhau trong Israel. Người khơi dậy trong lòng những người ngoại đạo sự chờ mong "ngấm ngầm" việc Con của Người đến. (Số 522).

Gioan Tẩy Giả là người dọn đường gần nhất cho Chúa, được sai đến để chuẩn bị cho Ngài. "Là tiên tri Đấng Tối Cao", ông vượt trên mọi tiên tri ; là tiên tri cuối cùng, ông khai mạc Tin Mừng. Từ lúc còn trong dạ mẹ, ông đã đón chào Chúa đến và ông đã sung sướng làm bạn với Tân Lang (Ga 3,29) mà ông giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1,29). Đi trước Đức Giêsu với Thần Khí và quyền năng của Êlya (Lc 1,17), ông làm chứng cho Đức Giêsu bằng lời rao giảng, phép rửa thống hối và cuối cùng bằng tuẫn giáo. (Số 523).

Hàng năm cử hành phụng vụ Mùa Vọng, Giáo Hội hiện tại hóa sự chờ đợi Đấng Messia : hiệp thông với sự chuẩn bị lâu dài việc Chúa đến lần thứ nhất, các tín hữu nung nấu sự chờ mong Ngài trở lại. Cử hành sinh nhật và ngày tuẫn giáo của Gioan Tiền Hô, Giáo Hội kết hợp với ý muốn của ông : "Người phải lớn lên và tôi phải nhỏ đi" (Ga 3,30) - (Số 524).

B. MẦU NHIỆM GIÁNG SINH.

Đức Giêsu đã sinh ra nơi chuồng bò, trong một gia đình nghèo. Các mục đồng là những nhân chứng đầu tiên. Vinh quang Thiên Quốc biểu lộ trong sự nghèo hèn. Giáo Hội không ngừng ca tụng vinh quang của đêm ấy :

"Hôm nay Trinh Nữ sinh ra Đấng Vĩnh Hằng

Trái đất hiến dâng hang lừa cho Đấng Tối Cao

Thiên Thần và mục tử ca ngợi Chúa

Đạo sĩ tiến tới cùng với vì sao

Hỡi Hài Nhi, hỡi Thiên Chúa Vĩnh Hằng

Ngài sinh ra cho chúng con". (Số 525)

Trở nên con trẻ, trong tương quan với Thiên Chúa là điều kiện để vào Nước Trời ; phải hạ mình, trở nên nhỏ bé ; hơn thế nữa, còn phải sinh bởi trên (Ga 3,7), sinh bởi Thiên Chúa (Ga 1,13) đểû trở nên con cái Thiên Chúa (Ga 1,12). Mầu nhiệm Giáng Sinh hoàn thành nơi chúng ta khi Đức Kitô "hình thành" trong chúng ta (c.14). Giáng sinh là Mầu nhiệm "trao đổi kỳ diệu" :

Ôi sự trao đổi lạ lùng ! Đấng Tạo Hóa mặc lấy một thân xác và một linh hồn, đã sinh ra bởi Trinh Nữ, đã trở nên người, không cần sự can thiệp của con người, Ngài đã ban cho ta sự sống thần linh. (Số 526).

C. CÁC MẦU NHIỆM THỜI NIÊN THIẾ

Việc Đức Giêsu chịu cắt bì ngày thứ tám là dấu chỉ Ngài thuộc về miêu duệ Abraham, thuộc về dân Giao Ước, Ngài phải phục tùng Lề Luật và được thông phần đời sống phượng tự của Israel, điều mà Ngài thể hiện trong cả cuộc sống. Dấu chỉ này như hình bóng của "phép cắt bì của Đức Kitô" là "phép rửa" (Cl 2,11-13) (Số 527).

Hiển Linh là việc Đức Giêsu tỏ hiện trong tư cách Đấng Messia của dân Israel, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế. Hiển Linh cử hành việc các đạo sĩ từ phương đông đến thờ lạy Ngài (Mt 2,1), cùng với phép rửa Ngài lãnh nhận ở sông Giođan và tiệc cưới Cana. Các đạo sĩ đại diện cho các dân ngoại vùng chung quanh : sách Tin Mừng coi họ như là hoa quả đầu mùa của dân ngoại, đón nhận Tin Mừng cứu độ trong biến cố Nhập Thể. Việc các đạo sĩ đến Giêrusalem để tôn thờ Vua Dothái (Mt 2,2). Việc họ đến cho thấy những người ngoại giáo chỉ có thể tìm Đức Giêsu và tôn thờ Ngài là Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế, nhờ quy hướng về dân Dothái và đón nhận từ họ lời hứa thiên sai chứa đựng trong Cựu Ước. Hiển Linh biểu lộ sự viên mãn của dân ngoại gia nhập gia đình các U. Tổ Phụ và đạt cương vị Israel. (Số 528).

Việc dâng Đức Giêsu vào Đền Thánh cho thấy Ngài là "con đầu lòng" thuộc về Thiên Chúa. Cùng với Simêon và Anna, cả sự chờ mong của Israel giờ đây gặp gỡ Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu được nhận biết là Đấng Messia đã từng mong đợi, là "ánh sáng chư dân", là vinh quang của Israel, nhưng cũng là dấu hiệu "chống đối". "Lưỡi gươm" được tiên báo cho Đức Maria, báo trước một hiến tế khác, trọn hảo và duy nhất của thập giá đưa đến ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã dọn saün trước mặt chư dân. (Số 530).

D. CÁC MẦU NHIỆM ĐỜI SỐNG ẨN DẬT CỦA ĐỨC GIÊSU.

Trong phần lớn cuộc đời, Đức Giêsu đã chia sẻ thân phận của đa số nhân loại : một đời sống thường nhật không có gì vĩ đại bên ngoài, một đời sống lao động tay chân, một đời sống tôn giáo dưới quyền Lề Luật Thiên Chúa, một đời sống trong tập thể. Giai đoạn này, chúng ta được mạc khải là Đức Giêsu tùng phục cha mẹ và lớn lên về sự khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52) (Số 531).

Việc Đức Giêsu phục tùng mẹ và cha nuôi hoàn tất giới răn thứ tư. Đó là hình ảnh sự vâng phục của Ngài đối với Chúa Cha trên trời. Việc phục tùng hàng ngày của Đức Giêsu đối với Giuse và Maria báo trước sự phục tùng trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh : "xin đừng theo ý Con" (Lc 22,42). Sự vâng phục của Đức Giêsu trong đời sống ẩn dật bắt đầu tái lập điều mà sự bất tuân của Ađam đã hủy hoại. (Số 532).

Đời sống ẩn dật ở Nazareth cho mọi người được hiệp thông với Đức Giêsu bằng những con đường thường nhật của cuộc sống. "Nazareth là trường học nơi người ta bắt đầu hiểu cuộc sống của Đức Giêsu : trường học Tin Mừng... Trước tiên đó là bài học thinh lặng. Một bài học đời sống gia đình... Một bài học lao động... (Paul VI, disc. 5 janvier 1964 à Nazareth). (Số 533).

Việc tìm lại Đức Giêsu trong Đền Thánh là biến cố duy nhất gián đoạn sự thinh lặng của các sách Tin Mừng về những năm ẩn dật của Đức Giêsu. Đức Giêsu hé mở cho thấy "mầu nhiệm hiến thánh hoàn toàn cho sứ vụ phát xuất từ tư cách là Con của Thiên Chúa (Lc 2,49-50). Maria và Giuse không hiểu nhiều lời nói của Đức Giêsu nhưng vẫn đón nhận trong đức tin, và Đức Maria đã ghi nhớ mãi trong lòng những kỷ niệm này suốt những tháng năm dài mà Đức Giêsu chôn vùi cuộc sống trong sự thinh lặng của một đời thường. (Số 534).


Trở về Mục Lục Thần Học | Về Trang Nhà
Trở Về Trang Nhà