SUY TƯ THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN –

Bài 1: THẦN KHÍ, NHƯ MỘT NGÔI VỊ (25/08/11, 5:52 pm)

Web giaolyductin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả loạt bài suy tư thần học về Chúa Thánh Thần do Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám đốc chủng viện thánh Nicôla, Phan Thiết biên soạn. Chúng tôi sẽ lần lượt cho đăng mỗi kỳ một bài (tổng số là 12 bài). Kính mời độc giả cùng theo dõi.

THẦN KHÍ NHƯ MỘT NGÔI VỊ VÀ NHƯ ÂN HUỆ

Có hai vấn đề được đặt ra:

1. Ngôn ngữ Kinh Thánh và ngôn ngữ thần học.

2. Suy tư thần học.

I. THẦN KHÍ, NHƯ MỘT NGÔI VỊ

1. Trước tiên, cần lưu ý rằng những khái niệm: “Ngôi vị”, “bản tính”, “bản thể”, “yếu tính”... được đưa ra trong những bối cảnh nhất định, nhằm phục vụ cho những nhu cầu nhất định: đó là minh định lập trường của Giáo Hội chống lại một số khuynh hướng lạc giáo trong những thế kỷ III, IV,V hoặc muuốn hạ thấp tư thế của Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha, hoặc muốn hạ thấp tư thế của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa Con... Vì thế, để minh giải có sự phân biệt trong mầu nhiệm Thiên Chúa như là Ba Đấng, ngôn ngữ thần học gọi đó là ‘Ba ngôi vị’, và đồng thời để khẳng định, tuy thế, chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, ngôn ngữ thần học đã phải nại tới khái niệm “bản tính” hay “bản thể” của triết học Hy-lạp: Ba ngôi vị cùng chung một bản tính...

2. Thật ra, khái niệm “Ba ngôi” (Trinité) hoàn toàn không có nguồn gốc trong Kinh Thánh. Hạn từ “Ba ngôi” được gặp thấy lần đầu tiên, cách khá kín đáo, nơi Théophile d’Antioche, trong tác phẩm ‘A Autolycos’, II,15 (khoảng năm 180)...

a. Để chỉ có sự phân biệt (distinction) trong Mầu nhiệm Thần linh, ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt Tân Ước, không bao giờ sử dụng khái niệm ‘3’ (bằng cách đếm hay cộng lại!) mà đơn giản gọi “Cha, Con, Thánh Thần” như là những Đấng phân biệt với nhau: Cha là Cha bởi vì sinh ra Con và sai Con...; Con là Con bởi vì được sinh ra và được sai bởi Cha... Thánh Thần là Thánh Thần bởi vì là Thần Khí Tình yêu mà nhờ Ngài, bởi Ngài và trong Ngài, Cha và Con yêu thương nhau...

b. Để nói lên sự hiệp nhất (Unité) giữa Cha - Con - Thánh Thần, ngôn ngữ thần học lý giải vì các Ngài có chung cùng một bản tính (une même nature), hoặc đồng bản thể (consubstantiel), còn ngôn ngữ Kinh Thánh thì đơn giản hơn: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30); “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21;10,38; 14,11); “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9b;x. 8,19; 12,45; Dt 1,3); “Thiên Chúa (Cha) là Thần Khí” (Ga 4,24); “Thần Khí của Thiên Chúa” (Rm 8, 9.14; 15, 19; 1Cr 6,11; 7,40); “Thần Khí của Đức Kitô” (Rm 8,11); “Thần Khí của Đức Chúa” (2Cr 3,17)...

3. Như vậy, cách chung chung, có thể nói rằng:

a. Sự hiện hữu Cha- Con- Thánh Thần như là những Đấng phân biệt với nhau, đối với ngôn ngữ Kinh Thánh, không phải là “vấn đề” cần được đặt ra”. Vấn đề, nếu có, đối với ngôn ngữ Kinh Thánh, đó là minh giải sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, làm sao: chỉ có một Thiên Chúa (để tránh hiểu lầm và hiểu sai, có lẽ tốt hơn nên dùng hạn từ “Thần Linh”!), một Đức Chúa, một Thần Khí (1Cr 12,4-6). Và:

· Khi nói “chỉ có một Thiên Chúa” là có ý khẳng định: “ Cha là Thiên Chúa”, “Con là Thiên Chúa”,” Thần Khí là Thiên Chúa”; và ngôn ngữ thần học gọi hạn từ “Thiên Chúa” là “bản tính” hay “bản thể” của Cha - Con - Thánh Thần...

· Khi nói “Chỉ có một Đức Chúa” là có ý khẳng định: “Cha là Đức Chúa”, “Con là Đức Chúa”, “Thần Khí là Đức Chúa”; và ngôn ngữ Thần học gọi hạn từ “ Đức Chúa” là “bản tính” hay “bản thể” của Cha - Con - Thánh Thần...

· Khi nói “chỉ có một Thần Khí” là có ý khẳng định: “ Cha là Thần Khí”, “Con là Thần Khí”,” Thánh Thần là Thần Khí” (Ga 4, 24; 2Cr 3,17), hay nói cách khác, “Cha và Con là và có chung một Thần Khí”; và ngôn ngữ thần học gọi hạn từ “Thần Khí” là “bản tính” hay “bản thể” của Cha - Con - Thánh Thần... Như vậy, hạn từ “Thần Khí” đồng thời vừa chỉ bản tính hay bản thể của Cha- Con- Thánh Thần, vừa chỉ một Đấng khác với Cha và Con; và điều đó, nói theo ngôn ngữ thần học, có nghĩa Thần Khí vừa là bản tính hay bản thể của Cha và Con vừa là chính Mình hay, nói cách khác, vừa là một Ngôi vị. Tuy nhiên, không phải là Hữu Thể trong tư cách chỉ là Chủ thể (Être-Sujet) như Chúa Cha, Đấng vốn là “Nguyên lý phi nguyên lý” và “Nguyên lý của mọi nguyên lý”..., Đấng vốn sinh ra Chúa Con và “ ái xuất” (spiration) Chúa Thánh Thần, Thần Khí Tình yêu, và đã sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần...

Từ đó, cũng có thể nói rằng, ngoại trừ “tư cách là Cha của Chúa Cha” và “tư cách là Con của Chúa Con”, tất cả những gì thuộc bản tính và cả những thuộc tính (attributs) của Cha và của Con đều là chính Thần Khí: Tình yêu, thần tính và nhân tính của Chúa Con, Tình Cha, tình Con, tình Đức Chúa, hằng hữu, tự hữu, hằng sống, vĩnh hằng, quyền năng, thánh, vinh quang, tác tạo, tác sinh, tái sinh, đá tảng, thuẫn che chở, gió, lửa, đám mây, nước, ánh sáng, bàn tay, ngón tay, chim bồ câu, sức dầu, ấn tín, v.v... Hay nói cách khác, Thần Khí chính là Hành động của Chúa Cha và Chúa Con trong Vĩnh Hằng và trong Lịch sử. Vì thế, trong ngôn ngữ Kinh Thánh, khi Cha biết và yêu là sinh ra Con (x. 1Ga 4,7-8; Rm 8,15.29.32; Cl 1,13.15tt), và khi Cha phán là tạo dựng (St 1,3-31; Ga 1,3)...

b. Sự hiệp nhất Thần linh trong ngôn ngữ Tân Ước được nhìn trong chiều hướng năng động (dynamique) chứ không quá tĩnh tại (statique) như trong ngôn ngữ thần học vốn dựa trên những khái niệm tĩnh tại, ù lì như “bản tính” và “bản thể” (nature est id quo res est id quod est!), và vì thế, đã hẳn không thể nào phản ảnh được cách đầy đủ và hoàn toàn thực tại hiệp nhất thần linh (thử so sánh bức ảnh chụp dòng sông với chính dòng sông!)... Vì thế, những khái niệm triết học như “ Ngôi vị”, ‘bản tính”, “bản thể”, “đồng bản thể”... vốn chỉ là một trong những phương thế, được dùng trong những hoàn cảnh nhất định và với những mục đích nhất định, để tiếp cận với Mầu Nhiệm Thần linh, chứ không phải là con đường duy nhất có thể có, nên chúng cần được rọi sáng và biện minh bởi ngôn ngữ Kinh Thánh chứ không phải ngược lại...

Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung


Trang Thần Học